Người cao tuổi sống khoẻ sống vui
Ở nước ta, ở độ tuổi 60 được gọi là người cao tuổi. Còn
khái niệm người cao tuổi, theo định nghĩa mới của tổ
chức y tế thế giới phải từ 70 tuổi, dưới 45 vẫn ở tuổi
thanh niên. Cao tuổi mà khỏe vui thì không chỉ mừng
cho gia đình mà còn là mong đợi của xã hội. Xin giới
thiệu một số kinh nghiệm để khi tuổi cao vẫn sống khỏe,
sống vui.
Sức khỏe là quan tâm số một:
Trong 14 lời Kinh Phật đã có: Tài sản lớn nhất của đời
người là sức khỏe, trí tuệ. Sau khoảng 60 năm, cơ thể tránh
sao khỏi hao mòn, trục trặc dù đó là một bộ máy rất tinh vi,
dễ thích nghi với hoàn cảnh. ở nhiều nước đã có chế độ
kiểm tra sức khoẻ định kỳ (6 hay 12 tháng): Phát hiện sớm
bệnh dễ chữa khỏi, ít tốn kém. Khi có bệnh mãn tính thì
biết những điều cần để chung sống hòa bình với nó. Khẩu
hiệu phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh lại càng cần. Không
nên có tình trạng nghi ngờ có bệnh hay không có, dễ gây ra
"bệnh tưởng" hay để bệnh thành nặng.
Ăn, mặc, ở hợp lý:
Các thông tin về người cao tuổi nên ăn nhiều rau quả, uống
nước đủ v.v... thì nhiều người đã biết, nhưng không nên
máy móc mà nên trắc nghiệm qua bản thân. Khi đã rút ra
được chế độ ăn phù hợp thể tạng thì nên gắng bảo đảm.
Mặc - nên chú ý giữ ấm vì người cao tuổi dễ bị viêm phổi
mà biểu hiện ở lứa tuổi này khó phát hiện, đồng thời
thường gây rắc rối. ở - ai cũng rõ cần nơi thoáng mát nhưng
nếu điều kiện không cho phép thì nên tranh thủ ra ngoài
trời, đi dạo công viên hay nơi râm mát. Phong trào sinh vật
cảnh giúp người cao tuổi tiếp xúc với thiên nhiên. Nhiều
nhà lắp ghép giờ đã có những chậu hoa cây cảnh ở hành
lang, người cao tuổi lặng ngắm hoa nở, mầm non mới nhú,
những lúc đó rất lợi cho sức khỏe.
Sử dụng thời gian:
Nếu kinh tế không quá eo hẹp, lúc tuổi cao nên làm những
sở thích mà lúc còn trẻ không thực hiện được. Ðừng ngộ
nhận: không làm gì, nằm và ngủ nhiều là khỏe. Theo tuổi
tác, ta không thể đọc hay xem ti vi liên tục nhiều giờ. Luôn
thay đổi các hoạt động trong ngày làm người khoan khoái.
Người đã lao động trí óc nên thêm những giải trí cần cơ
bắp, nên tham gia câu lạc bộ ngoài trời. Người đã kiếm
sống bằng lao động chân tay, khi được nghỉ nên thưởng
thức văn nghệ, nghe ca hát để làm giầu cuộc sống, hưởng
những điều mới lạ. Người cao tuổi không cần ngủ nhiều giờ
mà cần những giấc ngủ sâu. Chú ý tránh những thức kích
thích như cà phê, chè đặc có ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Vai trò của gia đình:
Bất cứ ở độ tuổi nào khi gia đình lục đục, có con cháu mắc
tệ nạn xã hội đều không thể vui. Người cao tuổi có thời
gian lại hay cả nghĩ, gia đình bất ổn, ảnh hưởng lớn tới sức
khỏe. Là con cháu không được quên điều này. Còn người
cao tuổi thì nên khoan dung, nhớ là nay đã có nhiều điều
lực bất tòng tâm. Không mũ ni che tai nhưng cũng không
thể tâm trạng quá bị dằn vặt trước những việc mình đã bỏ
hết công sức mà vẫn chưa như mong đợi.
Mở rộng môi trường giao tiếp:
Một trong những nhu cầu của người cao tuổi là có người
trò chuyện. Thực tế cho thấy người cao tuổi còn đủ cả vợ
và chồng thường sống lâu hơn. Xã hội hiện nay, con cái
suốt ngày phải kiếm sống, cháu chắt tới trường, nên người
cao tuổi thường sống vắng vẻ cả ngày ở nhà. Ðọc báo, xem
ti vi, nghe ca hát mãi cũng không được. Vì thế, khi tuổi cao
nên mở rộng môi trường giao tiếp: tham gia một công tác
vừa sức với địa phương, gia nhập câu lạc bộ ngoài trời, đi
tham quan du lịch đều có lợi cho sức khoẻ, giúp tinh thần
minh mẫn, sảng khoái.
Cao tuổi mà ăn thấy ngon, có những giấc ngủ sâu là thực
hiện được câu "Ăn được, ngủ được là tiên".
Con cái vẫn thấy kinh nghiệm, lời khuyên của cha mẹ giúp
chúng trong cuộc sống sôi động, thành công và thất bại đan
xen. Cháu chắt luôn quấn quýt, cùng ông bà vui chơi thoải
mái.
Bà con láng giềng, bạn đồng nghiệp, bạn thời đi học vẫn
luôn đến trò chuyện, thăm hỏi.
Ðạt được và phấn đấu để đạt ba nội dung trên sẽ giúp người
cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống có ích.