Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Bia rượu và các bệnh dị ứng ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (235.12 KB, 5 trang )

Bia rượu và các bệnh dị ứng

Theo các nghiên cứu về dịch tễ học, hiện nay, khoảng 30-40% dân số
nhiều nước trên thế giới bị mắc các bệnh dị ứng, và tỷ lệ này đang có xu hướng
ngày càng gia tăng, nhất là ở những nước công nghiệp phát triển.
Cùng với sự gia tăng này, một vấn đề đang hết sức được quan tâm đó là sự
tác động của yếu tố môi trường đối với những bệnh dị ứng, đặc biệt là tác động
của bia rượu, do việc sử dụng những thức uống này đang ngày càng trở nên phổ
biến ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con
người đã được khẳng định như gây các bệnh lý về tim mạch, tâm thần kinh, tiêu
hóa, bia rượu còn có thể có nhiều tác động tiêu cực đối với các bệnh dị ứng. Theo
những kết quả nghiên cứu gần đây, các loại bia rượu có thể liên quan đến những
phản ứng dị ứng tức thì sau khi uống và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng ở
những người sử dụng kéo dài các thức uống này.
Trong thực tế, các phản ứng dị dứng tức thì liên quan đến bia rượu xảy ra
tương đối phổ biến, với biểu hiện lâm sàng và cơ chế gây bệnh khá đa dạng và
phức tạp. Hầu hết các trường hợp này không phải là những phản ứng dị ứng trực
tiếp với cồn. Trên lâm sàng, các biểu hiện dị ứng sau uống bia, rượu thường gặp
nhất là hội chứng nóng bừng (bao gồm cảm giác bốc hỏa, tụt huyết áp, tăng thân
nhiệt, nhịp tim nhanh, chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ, lo lắng, mệt mỏi và buồn
nôn), mày đay, phù Quincke và sốc phản vệ. Ngoài ra, bia rượu còn có thể là yếu
tố làm khởi phát hoặc làm nặng triệu chứng của một số bệnh dị ứng đã có từ trước
như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn, sốc phản vệ do vận động, mày
đay, sẩn ngứa… ở những cá thể nhạy cảm. Các phản ứng dị ứng liên quan với bia,
rượu thường gặp ở người châu Á, Trung và Nam Mỹ hơn so với các chủng tộc
người khác, có thể do sự khác biệt trong quá trình chuyển hóa cồn giữa các chủng
tộc.
Những nghiên cứu trên cả người và động vật trong khoảng 3 thập kỷ gần
đây cho thấy, cồn và acetaldehyd (là sản phẩm chuyển hóa của cồn trong cơ thể)
đều có thể trực tiếp phá vỡ các tế bào mast, gây giải phóng histamin và nhiều hoạt
chất trung gian gây dị ứng. Ngoài ra, các chất này còn có thể ức chế quá trình


chuyển hóa và đào thải histamin được hấp thu từ thức ăn, do đó, làm tăng nồng độ
của hoạt chất này ở các tổ chức. Tăng nồng độ histamin chính là yếu tố quan trọng
góp phần gây ra hội chứng nóng bừng, làm bùng phát triệu chứng của hen phế
quản và nhiều bệnh dị ứng khác sau uống bia, rượu. Các nghiên cứu còn cho thấy,
khí dung chất acetaldehyd có thể gây co thắt phế quản rất mạnh và gây ra cơn hen
cấp.
Bên cạnh cơ chế kể trên, trong một số ít trường hợp, các biểu hiện dị ứng
với bia, rượu còn có thể gây ra do phản ứng dị ứng trực tiếp với cồn. Trong những
trường hợp này, các biểu hiện lâm sàng thường gặp là mày đay, phù Quincke hoặc
sốc phản vệ. Cồn (etanol) và các sản phẩm chuyển hóa của nó đều có trọng lượng
phân tử thấp và bản thân chúng không có khả năng gây dị ứng, nhưng khi chúng
được gắn với protein trong cơ thể sẽ tạo ra các dị nguyên hoàn chỉnh có khả năng
gây dị ứng. Trong một số nghiên cứu, người ta đã tìm thấy các kháng thể dị ứng
kháng lại phức hợp với acetaldehyd – protein trong máu của những người bị dị
ứng với rượu.
Ngoài cồn là yếu tố chủ yếu gây ra các vấn đề về dị ứng, các chất phụ gia,
bảo quản và tạp chất như histamin, gốc sulphite hoặc phẩm nhuộm cũng có thể là
nguyên nhân gây ra các phản ứng này trong một số trường hợp. Theo một số
nghiên cứu, những người có cơ địa dị ứng với lúa mạch và men cũng sẽ có nguy
cơ bị dị ứng với bia.
Bên cạnh những phản ứng dị ứng tức thì, đang có ngày càng nhiều bằng
chứng cho thấy việc dùng bia, rượu kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh
dị ứng với nhiều loại dị nguyên khác nhau. Các nghiên cứu về dịch tễ cho thấy, tỷ
lệ mắc các bệnh dị ứng ở những người nghiện rượu cao hơn rõ rệt so với những
người không nghiện. IgE là một loại kháng thể dị ứng quan trọng, có vai trò trung
tâm trong hầu hết các phản ứng dị ứng loại hình nhanh ở người. Theo một số
nghiên cứu gần đây, những người nghiện rượu hoặc thường xuyên uống rượu với
số lượng trung bình có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn so với những
người không uống rượu, sau khi cai rượu, nồng độ IgE của những người này lại
giảm về bình thường. Không những vậy, ở những bà mẹ có nghiện rượu trong thời

gian mang thai, những đứa con của họ cũng có nồng độ kháng thể IgE tăng cao.
Việc tăng nồng độ IgE trong máu không phải là một bệnh và không gây ra các
triệu chứng lâm sàng nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng trong
một số trường hợp. Bên cạnh việc làm tăng nồng độ IgE trong máu, dùng bia rượu
thường xuyên còn có thể làm cho cơ thể trở nên nhạy cảm với một số yếu tố trong
môi trường như bụi nhà, phấn hoa, thực phẩm… và dễ bị dị ứng với những yếu tố
này. Mức nhạy cảm này tăng tỷ lệ thuận với lượng rượu uống hằng ngày, và sau
khi cai rượu, mức nhạy cảm có thể trở về bình thường. Cơ chế chính xác của
những hiện tượng này còn chưa được hiểu rõ, nhưng các nhà khoa học cho rằng đó
là do sự tương tác giữa cồn ở trong bia, rượu và hệ thống miễn dịch, gây ra các rối
loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Bản thân cồn là một chất có tác dụng điều hòa
miễn dịch, các nghiên cứu tiêm cồn cho động vật thí nghiệm cũng có thể gây ra
các đáp ứng về dị ứng tương tự như ở những người nghiện rượu.


×