Nhà Trần
Dẹp nội loạn
Từ năm 1211 trong nước Đại Việt đã hình thành ba thế lực phân
cát lớn là:
• Họ Đoàn (Hải Dương và Hải Phòng).
• Họ Trần (Thái Bình, Nam Định và nam Hưng Yên).
• Họ Nguyễn (Quốc Oai, Hà Tây)
Triều đình nhà Lý chỉ kiểm soát vùng xung quanh Thăng Long.
Trong quá trình nắm quyền bính trong triều cho tới khi thay ngôi
nhà Lý, nhà Trần tiếp tục phải đối phó với các lực lượng cát cứ
từ thời Lý.
Do thế lực chưa đủ mạnh để trấn áp tất cả các lực lượng nổi dậy,
họ Trần phải dùng chiến thuật khi đánh khi hoà, thậm chí cả
biện pháp hôn nhân; và tận dụng sự xung đột của chính các thế
lực này tự làm yếu nhau.
Sau khi nhà Trần thành lập, Nguyễn Nộn đánh bại giết chết
Đoàn Thượng năm 1228. Nhưng không lâu sau, cuối năm 1229,
Nguyễn Nộn ốm chết, lực lượng của Nộn tự tan rã. Nhà Trần
chấm dứt được cục diện chia cắt, tập trung củng cố nội chính sau
nhiều năm nghiêng ngả dưới thời Lý.
Chống Nguyên Mông
Ở phương Bắc, người Mông Cổ dần dà xâm chiếm Trung Quốc.
Sau khi tiêu diệt nhà Kim phía bắc, các vua Mông Cổ tiến xuống
phía nam để diệt nước Nam Tống vốn đã suy yếu khi bị nhà
Kim của người Nữ Chân xâm lấn từ đầu thế kỷ 12. Để tạo thế
bao vây Nam Tống, vua Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý
(Vân Nam (1254) và sau đó đánh sang Đại Việt.
Cuối năm 1257 âm lịch, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp
Thai (Uriyangqadai hay 兀良合台) mang 3 vạn quân tiến vào
nước Đại Việt qua đường Vân Nam. Vua Trần Thái Tông đích
thân ra chiến trận. Quân Trần cố gắng chặn nhưng quân Mông
Cổ vẫn tiến vào được Thăng Long. Nhân dân Thăng Long theo
lệnh của triều đình đã thực hiện "vườn không nhà trống", rút về
Thiên Mạc (Hà Nam). Ngột Lương Hợp Thai kéo quân vào
Thăng Long chưa đầy 1 tháng thì bị thiếu lương thực. Nhân cơ
hội đó quân Đại Việt phản công ở Đông Bộ Đầu (Từ Liêm-Hà
Nội). Quân Mông Cổ thua phải rút khỏi Thăng Long, đến vùng
Quy Hóa (Yên Bái) bị quân của tộc trưởng Hà Bổng đánh tan
tác, quân Mông Cổ rút chạy về Vân Nam.
Năm 1279, quân Mông diệt được Nam Tống. Từ năm 1260, vua
Mông Cổ là Hốt Tất Liệt đã lập ra nhà Nguyên. Để lấy cớ đánh
Đại Việt, nhà Nguyên cho Toa Đô mượn đường đánh Chiêm
Thành (Champa). Sau nhiều hoạt động ngoại giao hòa hoãn bất
thành, cuối cùng chiến tranh bùng phát. Cuối năm 1284, nhà
Nguyên liền phái hoàng tử Thoát Hoan và tướng Toa Đô mang
quân đánh hai đường nam, bắc kẹp lại để chiếm Đại Việt. Thoát
Hoan đi từ Quảng Tây còn Toa Đô đi đường biển từ cảng Quảng
Châu, trước hết đánh vào Chiêm Thành rồi đánh "gọng kìm"
thốc lên từ phía nam Đại Việt.
Đây là lần xâm lược Đại Việt với quy mô lớn nhất của nhà
Nguyên (huy động hơn 50 vạn quân) và cũng là cuộc kháng
chiến gian khổ nhất của nhà Trần chống phương Bắc, quyết định
sự tồn vong của Đại Việt lúc đó.
Sau nhiều đợt rút lui để tránh thế mạnh của các đạo quân Mông,
dùng chiến thuật vườn không nhà trống để quân địch không có
lương ăn và bị bệnh dịch do không hợp thủy thổ bản địa, nhà
Trần tổ chức phản công vào cuối xuân, đầu hè năm 1285. Với
những chiến thắng ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, quân
Trần đại thắng, bắt giết được Toa Đô. Thoát Hoan thu tàn quân
chạy về bắc.
Thắng lợi năm 1285 cơ bản xác định sự tồn tại của Đại Việt và
củng cố lòng tin của người Việt có thể đương đầu được với đạo
quân hùng mạnh của Mông Nguyên liền kề phía bắc. Bởi vậy
trong lần kháng chiến thứ 3 chống Mông Nguyên năm 1287,
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói với vua Trần: "...Quân ta
đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa... Theo như
thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn". Nhà Trần tiếp tục
chủ động áp dụng chiến thuật tránh thế mạnh, triệt lương thảo.
Cuối cùng quân Trần đại phá quân Nguyên ở sông Bạch Đằng
tháng 4 năm 1288, bắt sống Nguyên soái Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp,
Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan một lần nữa chạy trốn về bắc.
Sau thất bại lần thứ ba ở Đại Việt, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt
vẫn chưa muốn đình chiến. Sang các năm sau, vua Nguyên tiếp
tục muốn điều binh sang nhưng chưa gặp thời cơ thuận tiện. Tới
năm 1294 lại định điều binh lần nữa thì chính Hốt Tất Liệt băng
hà. Cháu nội là Nguyên Thành Tông lên ngôi không muốn gây
chiến với Đại Việt nữa. Việc chiến tranh với nhà Nguyên từ đó
mới chấm dứt.
Đối ngoại
Trong triều đại nhà Trần, ngoài những cuộc chiến tranh với quân
Nguyên Mông ở phía Bắc thì Đại Việt cũng có những sự liên hệ
với các nước láng giềng phía tây và phía nam là Ai Lao và
Chiêm Thành.
Với Chiêm Thành
Có thể nói trong các triều đại Việt Nam, Chiêm Thành không
lúc nào không quấy phá và cuộc chiến tranh giữa hai nước vẫn
thường xuyên xảy ra. Lúc nhà Trần lên ngôi, nước Chiêm Thành
vẫn giữ lệ triều cống và giao hòa. Trong đời vua Trần Nhân
Tông, sau khi chinh phạt Chiêm Thành, thì giữa Đại Việt và
nước Chiêm Thành có sự giao hảo tốt đẹp. Đến đời vua Trần
Anh Tông, lúc bấy giờ Trần Nhân Tông đã lên làm thái thượng
hoàng và trong lúc sang thăm vãn cảnh nước Chiêm và để cho
tình giao hảo của hai nước trở nên bền vững hơn, nhà Trần đã gả
công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân năm
1306. Chế Mân dâng châu Ô và châu Rí cho Đại Việt. Vua Trần
Anh Tông đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu rồi đặt quan cai
trị cũng như cho di dân sang ở. Một năm sau, Chế Mân chết.
Theo tục lệ Chiêm Thành thì hoàng hậu phải bị hỏa thiêu chết
theo. Vua Trần Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung giả tiếng
vào thăm rồi tìm kế rước về.
Chế Mân chết thì Chế Chỉ lên thay và đòi lại hai châu mà Chế
Mân đã dâng cho Đại Việt. Vua Trần Anh Tông sai quân sang
bắt Chế Chỉ đem về trị tội và phong cho em của Chế Chỉ là Chế
Đà A Bà lên thay làm vua nước Chiêm Thành. Đến đời vua Trần
Dụ Tông, con và rể của vua Chiêm Thành tranh giành nhau ngôi
vua, quân nhà Trần sang can thiệp nhưng bị quân Chiêm Thành
đánh bại cả hai lần.
Năm 1370, các hoàng tử con vua Minh Tông lật đổ Dương Nhật
Lễ (xem phần "Thời kỳ suy tàn" bên dưới) lập Trần Nghệ Tông.
Mẹ Nhật Lễ chạy sang Chiêm Thành xui vua Chiêm đánh Đại
Việt. Lúc đó thế lực nhà Trần suy yếu, Chiêm Thành có ý khởi
binh đánh đòi lại hai châu đã mất. Đến đời vua Trần Duệ Tông,
vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua Duệ
Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga
đem 10 mâm vàng dâng lên. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình,
nối dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Duệ
Tông giận lắm, quyết ý thân chinh. Cuối năm 1376, quân Trần
xuất phát. Năm 1377, quân Trần chiếm cửa Thị Nại (Quy Nhơn
ngày nay) rồi tiến đánh kinh thành là Đồ Bàn. Lúc đó Chế Bồng
Nga, một ông vua có tài thao lược, dùng kế dụ quân Trần vào ổ
mai phục đánh tan. Vua Trần Duệ Tông bị tử trận, Hồ Quý Ly,
Đỗ Tử Bình rút quân bỏ chạy về nước. Thừa thắng xông lên,
Chế Bồng Nga nhiều lần mang quân sang đánh phá Đại Việt, Hồ
Quý Ly nhiều lần ra trận bị thua, quân Chiêm ba lần chiếm được
kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Trần phải bỏ thành chạy.
Quân Chiêm cướp phá kinh thành rồi rút về. Đỗ Tử Bình chỉ bị
đồ làm lính 1 năm rồi sau đó lại được nhấc lên địa vị cao hơn.
Năm 1390, Chế Bồng Nga lại đem quân sang đánh. Tướng trẻ
Trần Khát Chân được lệnh đem binh dàn trận ở sông Hải Triều
(sông Luộc ở vùng Hưng Yên ngày nay). Nhờ có hàng tướng
bên Chiêm sang chỉ chỗ, Khát Chân sai chĩa hỏa pháo nhằm cả
vào thuyền Chế Bồng Nga mà bắn. Vua Chiêm trúng đạn tử
trận, quân Chiêm bỏ chạy và sau đó con của Chế Bồng Nga