Dinh dưỡng cho những người
căng thẳng
Những người thường bị căng thẳng, stress do áp lực
công việc, áp lực cuộc sống, gia đình... thường dẫn đến
tình trạng ăn uống quá nhiều (ăn như để giảm stress),
hoặc bỏ ăn.
Chế độ ăn uống phần nào giúp người ta ứng phó lại với tình
trạng stress. Theo trình bày của các chuyên gia dinh dưỡng
(của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) về truyền thông
kiến thức trong việc ăn uống để chế ngự những lúc căng
thẳng, stress trong cuộc sống như sau: chúng ta không nên
bỏ bữa, mà cần ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, nên
dùng 3 bữa ăn chính và những bữa ăn phụ, ăn nhẹ xen kẽ
trong ngày. Mỗi bữa ăn chính cần có từ 3-4 nhóm thực
phẩm. Những lúc tất bật, vội vã cũng cần dùng loại thức ăn
nhanh có lợi cho sức khỏe như: trái cây, sữa, yaourt, bánh
giò, bánh bao... Cần xem bữa ăn là lúc để chúng ta thư
giãn. Chỉ ăn khi đói và nên dừng lại khi vừa no.
Thực phẩm giàu vitamin B có thể giúp làm giảm tác động
của căng thẳng stress, vì khi thiếu Vitamin B cơ thể dễ mắc
bệnh và những vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng,
stress. Thực phẩm giàu vitamin B gồm: thịt, cá, rau có màu
xanh đậm, trái cây... Thực phẩm giàu chất xơ (như: rau củ
quả, trái cây, ngũ cốc thô...) cũng có lợi cho những trường
hợp stress (vì stress thường gây ra tình trạng chuột rút và
táo bón). Cần uống nhiều nước - uống từng ít nước một khi
đang lo âu, căng thẳng. Stress thường làm giảm miễn dịch
của cơ thể, vì thế chế độ ăn tăng cường miễn dịch sẽ giúp
hạn chế tác động của stress. Một số chất dinh dưỡng được
khuyên dùng để tăng cường cho hệ miễn dịch của cơ thể
như: vitamin C, vitamin E, tỏi, kẽm...
Cần hạn chế những thực phẩm như: thức ăn kho mặn, cải
muối chua... (những thức ăn này có chứa nhiều muối); hạn
chế mỡ; đường... những lúc bị stress. Cũng cần biết, cà phê
là “thủ phạm" làm giảm khả năng cơ thể ứng phó với stress,
nếu chúng ta sử dụng quá nhiều - khi uống ở mức vừa phải
thì cà phê có tác dụng làm tỉnh táo, tăng hoạt động của cơ,
hệ thần kinh và tim. Nhưng nếu dùng quá nhiều sẽ gây ra
tình trạng giống như triệu chứng của stress kéo dài, đó là:
bồn chồn, cáu gắt, khó ngủ...; rượu cũng là tác nhân gây
stress thêm trầm trọng; người ta nhận thấy, hút thuốc lá có
thể giúp làm giảm stress nhất thời, nhưng ngược lại nó lại
gây ra những bệnh tật nguy hiểm khác về sau.