Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Trên xứ sở nàng tiên cá phần 3 doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.44 KB, 4 trang )

Trên xứ sở nàng tiên cá


Kỳ 3: Thành phố xe đạp



Đi xe đạp đã trở thành văn hóa của Copenhagen - Ảnh: Đỗ Hùng

Ngay cổng trụ sở Bộ Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch nằm trên
đường Stormgade, Copenhagen, người ta thấy có một tấm biển nhỏ
ghi chú nơi để xe đạp của Bộ trưởng Connie Hedegaard.

Đến chốn đô hội New York của Mỹ, du khách thường bắt gặp khẩu
hiệu “I love NY” (Tôi yêu New York), với chữ “love” được thể
hiện bằng hình trái tim. Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch cũng
có khẩu hiệu tương tự: “I bike CPH” (Tôi đi xe đạp ở
Copenhagen), với hình chiếc xe đạp màu đỏ được cách điệu giống
trái tim, nên cũng có nghĩa là “Tôi yêu Copenhagen”.

Với ý thức và quyết tâm bảo vệ môi trường cao, chính quyền và
người dân Copenhagen đã biến thủ đô xứ sở nàng tiên cá thành
một thành phố xe đạp thực thụ. Và trong khi hô hào dân chúng đạp
xe, giới chức chính quyền không ngồi trong xế hộp kín mít. Họ
cùng đạp xe với người dân. Bộ trưởng Connie Hedegaard là một ví
dụ.



Nữ Bộ trưởng Hedegaard và “ngựa sắt” của mình - Ảnh: Mikael
Colville-Andersen (Copenhagencyclechic.com)



Bộ trưởng đi xe đạp

Bà Hedegaard đang trong một giai đoạn rất bận rộn. Nữ bộ trưởng
48 tuổi này thường xuyên chu du khắp thế giới để hội họp, tiếp xúc
với lãnh đạo các nước, tổ chức nhằm chuẩn bị cho Hội nghị khí
hậu của LHQ (COP15) do Copenhagen đăng cai từ ngày 7 đến
18.12. Mục tiêu của COP15 là đạt được thỏa thuận toàn cầu về đối
phó với biến đổi khí hậu. Để thuyết phục các nước, bà thậm chí đã
mời nhiều bộ trưởng môi trường tới cánh đồng băng Perito Moreno
ở Argentina để tận mắt chứng kiến tác động của hiện tượng trái đất
ấm lên. Những hoạt động này đã giúp bà Hedegaard lọt vào danh
sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009 của Tạp
chí Time.

Là quan chức môi trường, bà Hedegaard hay xuất hiện với chiếc xe
đạp trong các chương trình cổ vũ người dân bảo vệ hành tinh.
Nhưng không phải chỉ đạp vài vòng trước ống kính truyền thông
rồi sau đó nhảy lên xe hơi, bà Hedegaard thường đạp xe tới sở làm
hoặc dạo phố. Khi chúng tôi đến trụ sở Bộ Khí hậu và Năng lượng
Đan Mạch để trao đổi về vấn đề biến đổi khí hậu, nữ bộ trưởng
đang dự hội nghị ở Thái Lan chuẩn bị cho COP15, nhưng chỗ để
xe đạp của bà thì vẫn rất dễ nhận ra nhờ một tấm biển nhỏ treo trên
tường.

Đến thăm trụ sở Bộ Ngoại giao, chúng tôi cũng thấy một bãi tràn
ngập xe đạp. Cô Signe Jonsson, phụ trách báo chí Bộ Ngoại giao,
cho biết: “Hầu hết viên chức ở đây đều đi xe đạp. Quan chức cấp
cao đạp xe tới sở làm là chuyện thường”.


Hôm nọ, sau khi trình bày kế hoạch đầy tham vọng về giảm khí
thải CO2, bà Charlotte Korsgaard-Pedersen – Phó giám đốc Phòng
Quản lý môi trường Hội đồng thành phố Copenhagen - dẫn chúng
tôi xuống nhà xe. Bà nói với chúng tôi về niềm tự hào của một
công dân thành phố xe đạp, trước khi đạp xe hòa mình vào dòng
người trên phố.

Nhìn bà Korsgaard-Pedersen đạp xe và nhớ lại câu chuyện Bộ
trưởng Hedegaard, tôi chợt liên tưởng tới bảng xếp hạng của Tổ
chức Minh bạch Quốc tế. Đan Mạch được đánh giá ít tham nhũng
nhất thế giới - ngoài các nguyên nhân chính trị, pháp luật - chắc
cũng có phần đóng góp của xe đạp, bởi chẳng quan chức nào lại
tham nhũng để mua xe đạp cả. Vậy là xe đạp không chỉ làm sạch
môi trường tự nhiên.

Xe đạp áp đảo người

Có tới 37% dân Copenhagen (tương đương 150.000 người) đi xe
đạp tới trường hoặc nơi làm việc, với tổng chiều dài chặng đường
mỗi ngày khoảng 1,2 triệu km. Nếu chỉ giới hạn số người làm việc
hoặc học tại Copenhagen (tức không kể người đi xe hơi ra các
vùng phụ cận) thì tỷ lệ trên lên tới 55%. Có một thống kê khác còn
ấn tượng hơn: 519.000 dân Copenhagen hiện sở hữu 560.000 xe
đạp, nghĩa là nhiều người có hơn một chiếc.

Bà Marie Kastrup, cán bộ phụ trách chương trình xe đạp và giao
thông của Hội đồng thành phố, cho biết mục tiêu kế tiếp là tăng tỷ
lệ người sử dụng xe đạp để đi làm hoặc tới trường lên 50% dân số
Copenhagen vào năm 2015, tương đương với việc giảm 80.000 tấn
khí thải CO2 mỗi năm.


Để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân đi xe đạp, chính
quyền đã không ngừng mở rộng hệ thống đường và nơi để xe dành
cho loại phương tiện này. Nhiều dịch vụ cho khách du lịch mượn
xe miễn phí cũng được thiết lập. Du khách chỉ cần bỏ ra 20 krone
(khoảng gần 80.000 đồng VN) là có một chiếc xe đạp để vi vu, tận
hưởng cảm giác của một cư dân Copenhagen đích thực. Khi trả xe,
tiền sẽ được hoàn lại.

“Đan Mạch có văn hóa xe đạp. Copenhagen có văn hóa xe đạp. Đó
là điều kiện thuận lợi để chúng tôi thực hiện chương trình của
mình”, bà Kastrup nói. Và bà giới thiệu cho chúng tôi về văn hóa
xe đạp nơi đây.

Vào những năm 60-70 của thế kỷ 19, xe đạp khung gỗ và không có
bàn đạp là “đồ chơi” của giới thượng lưu. Đến cuối thế kỷ 19-đầu
thế kỷ 20, xe đạp bắt đầu trở nên phổ biến và những cuộc chiến
tranh liên miên sau đó khiến thế giới thiếu dầu lửa nghiêm trọng
càng làm cho nhiều người đến với xe đạp. Vào thập niên 1960-
1970, sự bùng nổ của công nghiệp xe hơi đã khiến xe đạp phần nào
lép vế, nhưng trong vòng 20 năm trở lại đây, xe đạp dần lấy lại vị
trí thống trị của mình. Với việc sử dụng xe đạp ngày càng phổ
biến, người ta cũng bắt đầu đa dạng hóa loại phương tiện này.

Vì sao người Copenhagen yêu xe đạp? Trong một cuộc thăm dò
mới đây do cơ quan của bà Kastrup thực hiện, 54% người được hỏi
trả lời rằng xe đạp dễ sử dụng và đi lại nhanh; 19% đạp xe để nâng
cao sức khỏe; một số khác đưa ra các lý do về tài chính; chỉ có 1%
nói rằng đạp xe để bảo vệ môi trường. Những con số trên thực sự
quan trọng, vì nó gợi ý cách thức khuyến khích người dân sử dụng

xe đạp. “Đừng nói với họ hãy đạp xe vì môi trường, để chống biến
đổi khí hậu, giảm CO2. Hãy nói với họ đạp xe vì sức khỏe, để tiết
kiệm và vì những lợi ích khác của chính họ”, thạc sĩ Lê Quyên Nhi
ở Đại học Công nghệ thông tin Copenhagen diễn giải.

Hôm lên Tòa thị chính Copenhagen để nghe diễn thuyết về chương
trình xe đạp, tôi chợt nhận được một tin nhắn qua điện thoại di
động, cũng chính từ cô Lê Quyên Nhi, một người gốc Huế và giờ
vẫn còn rất Huế: “Nhớ Huế vô cùng. Bạn đi nghe và học hỏi xem
có áp dụng được gì cho Việt Nam không. Ước gì Huế mình cũng
trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp với nhiều người đi xe đạp như
Copenhagen”.

Ước mơ thật đẹp.

(Theo TNO)

×