Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Trên xứ sở nàng tiên cá phần 1

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.58 KB, 4 trang )

Trên xứ sở nàng tiên cá

Kỳ 1: Đất nước giàu đẹp


Trước chuyến thăm chính thức của Nữ hoàng Đan Mạch tới Việt
Nam vào tháng 11 và Hội nghị Biến đổi khí hậu của LHQ vào
tháng 12 tại Copenhagen, phóng viên Thanh Niên cùng một số
đồng nghiệp đã có hành trình thú vị tới đất nước của nàng tiên cá
bé nhỏ.



Điện gió đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển năng
lượng sạch của Đan Mạch - Ảnh: Đỗ Hùng

Trong truyện cổ tích của văn hào Hans Christian Andersen, vùng
đất Bắc Âu hiện lên với một vẻ quyến rũ mãnh liệt. Khi đến đất
nước Scandinavia và có dịp thâm nhập vào đời sống con người ở
đó trong những ngày mùa thu này, mới thấy Đan Mạch trên thực tế
cũng đẹp và quyến rũ như thế giới thần tiên trong truyện Andersen.

Quan trọng hơn, vẻ đẹp hôm nay của xứ sở nàng tiên cá không
phải là kết quả của phép nhiệm mầu mà là từ nỗ lực của người dân
và chính quyền nơi đây. Với chiến lược phát triển bền vững, hiện
Đan Mạch là quốc gia giàu mạnh, có GDP bình quân đầu người
hàng đầu thế giới, là một trong những nước ít tham nhũng nhất và
có môi trường sạch nhất hành tinh.

Đan Mạch là nước nào?


Đối với người Việt Nam, Đan Mạch không xa lạ. Truyện cổ
Andersen được in trong sách giáo khoa nên hầu như ai cũng biết
chút ít về nàng tiên cá, về bầy chim thiên nga hay chú lính chì
dũng cảm. Những ai mê bóng đá thì còn biết thêm sự kiện Đan
Mạch “đột nhiên” vô địch Euro 1992 hoặc kể ra vài cái tên nổi
tiếng như Michael Laudrup, Brian Laudrup, Peter Schmeichel... Ai
thích đồ chơi thì chắc biết đến thương hiệu Lego, dân tàu biển thì
không thể không biết “gã khổng lồ” Maersk, còn người ưa lai rai
thì chẳng lạ lẫm với bia Carlsberg. Nói chung người Việt Nam biết
khá nhiều về Đan Mạch. Vậy thì đặt câu hỏi trên để làm gì?

Thực ra, đấy không phải là câu hỏi của người viết. Trong bữa trưa
trước cuộc phỏng vấn Nữ hoàng Margrethe II hôm 7.10 ở
Copenhagen, ngài Ove Ullerup - một chức sắc Hoàng gia Đan
Mạch từng làm đại sứ tại Việt Nam - hỏi tôi: “Người Việt Nam
biết nhiều về Đan Mạch không?”. Tôi đáp: “Nhiều chứ!”. Và tôi
liệt kê sơ sơ vài thứ như trên. Dường như chưa yên tâm, ông
Ullerup hỏi tiếp: “Vậy họ có cho rằng Đan Mạch giống với Na Uy
và Thụy Điển không?”. Tôi nói đại ý rằng dân xứ tôi biết khá
nhiều về Đan Mạch, họ cho rằng các nước Bắc Âu có nhiều điểm
tương đồng về văn hóa. “Nhưng họ không lẫn lộn nước này với
nước kia”, tôi nói thêm.

Ông Ullerup cười: “Họ khá hơn người Mỹ”. Ý ông là người Mỹ
hay lẫn lộn về địa lý. Không biết mức độ khái quát của nhận xét
trên đến đâu, nhưng có một ví dụ rất “thượng đỉnh”. Hồi năm
2007, lúc còn làm chủ Nhà Trắng, có lần ông George W. Bush đã
nhầm nước Úc (Australia) với nước Áo (Austria). Ông Bush cảm
ơn đồng minh John Howard (Thủ tướng Úc lúc bấy giờ) về việc đã
đến thăm “binh sĩ Áo” tại Iraq.




Copenhagen, thủ đô rất sạch của xứ sở nàng tiên cá - Ảnh: Đỗ
Hùng

Nhiều cái nhất

Có một câu chuyện vui vui. Tới Đan Mạch, đi đâu tôi cũng thấy
hình voi và sư tử, bên cạnh hình biển và cá. Hôm đi thăm khu bảo
tàng của Tập đoàn Carlsberg, tôi cũng thấy rất nhiều tượng voi.
Ông Jens Peter Skaarup, Giám đốc truyền thông của Carlsberg,
giải thích: “Voi và sư tử là biểu tượng của Đan Mạch”. Tôi cắc cớ:
“Nhưng nước ông làm gì có voi với lại sư tử?”. Skaarup cười:
“Đúng, chúng tôi không có hai loài vật này... Hiện nay, nếu chọn
lại biểu tượng, chắc chúng tôi sẽ chọn lợn”. Không phải ông
Skaarup đùa chơi. Nói về lợn thì Đan Mạch là nhà vô địch thế giới,
ít ra là tính bình quân đầu người. Họ có hơn 25 triệu con lợn trên
toàn quốc, tức “dân số” lợn gần gấp năm dân số người (5,5 triệu).
Lợn cho thịt và cho nhiều thứ khác, ví dụ như năng lượng.

Vô địch về lợn và rất mạnh về nông nghiệp thực ra chỉ là một phần
nhỏ trong số những thành tựu mà Đan Mạch đã đạt được. Quốc gia
này có GDP bình quân đầu người là 62.097 USD, cao thứ 5 thế
giới, theo báo cáo năm 2008 của IMF. Còn theo tạp chí Forbes
năm 2008, Đan Mạch là quốc gia có môi trường tốt nhất cho doanh
nghiệp. Trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm
2008, Đan Mạch cùng Thụy Điển và New Zealand là ba quốc gia ít
tham nhũng nhất thế giới. Đây không chỉ là kết quả của hệ thống
pháp luật minh bạch mà còn của một nền văn hóa trong đó các giá

trị đạo đức được đề cao và thực thi quyết liệt. Với một thị trường
tự do và chế độ phúc lợi cực tốt, xứ sở nàng tiên cá cũng được
LHQ đánh giá là quốc gia có mức độ bình đẳng về thu nhập cao
nhất thế giới (xét theo hệ số Gini). Và có một cái nhất nữa không
dễ chịu chút nào, đó là Đan Mạch nằm trong số những quốc gia đắt
đỏ nhất châu Âu. Mang tiền tới xứ này mà tiêu thì... rất chóng hết.

Trong nỗ lực phát triển bền vững và trước nguy cơ ngày một lớn
của biến đổi khí hậu, Đan Mạch hiện đang quyết liệt triển khai các
chiến lược bảo vệ môi trường. Trao đổi với chúng tôi hôm 6.10,
Phó tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc gia Anne Hojer
Simonsen nói nước này đang hướng tới một tương lai không phụ
thuộc vào năng lượng hóa thạch. Để thực hiện mục tiêu lâu dài ấy,
Đan Mạch đang triển khai những bước đi cụ thể nhằm từng bước
nâng cao tỷ trọng của các loại năng lượng có thể tái tạo trong tổng
năng lượng quốc gia.

Đó là chuyện quốc gia đại sự. Còn ở tầm vi mô, xin kể một câu
chuyện nho nhỏ để minh họa cho ý thức bảo vệ môi trường của
người Đan Mạch. Hôm nọ, khi đưa tôi ra ga Roskilde ở gần
Copenhagen, bạn tôi - Lê Quyên Nhi, cán bộ Phòng nghiên cứu
Đại học Công nghệ thông tin Copenhagen, chỉ một mẩu thuốc lá
nhỏ trên sân ga: “Cứ mỗi mẩu thuốc lá bạn vứt ra đường, ngân
sách chính phủ sẽ mất đi 2 krone (khoảng gần 8.000 đồng VN) để
trả cho người dọn. Ngân sách nhà nước là tiền bạn đóng thuế. Vì
vậy, xả rác chính là cách bạn tự làm mình nghèo đi. Hầu hết người
dân đều ý thức được điều đó, ngoại trừ một số rất ít, như người đã
vứt mẩu thuốc ở đây”.

Tôi tròn xoe mắt.


Kỳ sau: Diện kiến nữ hoàng

(Theo TNO)

×