Trên xứ sở nàng tiên cá
Kỳ 4: Tham vọng năng lượng xanh
Khi máy bay giảm dần độ cao để đáp xuống phi trường
Copenhagen, qua cửa sổ, chúng tôi thấy rất nhiều tua-bin điện gió
nằm giữa biển khơi.
Tua-bin điện gió cắm ngoài biển khơi - Ảnh: ELSAM A/S
Buổi tối cuối năm, thành phố lạnh căm căm và tuyết rơi đầy. Em
bé bán diêm đã quẹt những que diêm nhỏ để sưởi ấm và để nhìn
thấy những điều kỳ diệu. Và em bé đã chết vì giá rét. Đó là cái
lạnh trong thế giới cổ tích của văn hào Andersen. Với hiện tượng
trái đất ấm lên, Đan Mạch hôm nay đã bớt lạnh hơn. Cô Signe
Jonsson ở Bộ Ngoại giao nói: “Tôi đã nhận thấy một sự thay đổi
lớn về khí hậu hiện nay so với thời tôi còn nhỏ. Tuyết ít hơn, mùa
đông đỡ buốt giá hơn”.
Đan Mạch, một quốc gia gần như nằm lọt thỏm giữa biển khơi và
có địa hình rất thấp so với mực nước biển, rất dễ tổn thương trước
hiện tượng ấm lên toàn cầu. Vì thế, hàng loạt biện pháp quyết liệt
đã được triển khai. Trong đó, phát triển năng lượng sạch, từng
bước giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch được đặc biệt nhấn
mạnh.
“Cối xay gió” thời hiện đại
Đan Mạch là quốc gia tiên phong trong việc biến gió thành điện.
Vào thập niên 1970, hơn 90% tổng sản lượng điện quốc gia đến từ
nguồn dầu mỏ nhập khẩu nên Đan Mạch chịu ảnh hưởng nặng nề
khi cơn khủng hoảng dầu lửa bùng phát. Từ đó, họ đã đẩy mạnh
phát triển điện gió và bắt đầu thương mại hóa nguồn năng lượng
này.
Đến thập niên 1980, khi những mối lo ngại về biến đổi khí hậu
tăng lên, các nỗ lực phát triển điện gió tiếp tục được đẩy mạnh.
Thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện Chernobyl của Liên Xô (cũ)
đã dẫn tới một đạo luật cấm phát triển điện hạt nhân ở Đan Mạch,
vì thế, điện gió càng trở nên quan trọng. Xây trạm điện gió trên đất
liền chưa đủ, người Đan Mạch đã đem tua-bin phát điện ra cắm
giữa biển khơi. Năm 1991, họ có trạm điện gió đầu tiên ở ngoài
khơi.
Mục tiêu trước mắt của Đan Mạch cũng nằm trong Mục tiêu 20-
20-20 của Liên minh châu Âu. Đó là tới năm 2020, họ sẽ giảm
20% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm 20% lượng tiêu thụ năng
lượng thông qua ứng dụng công nghệ tiết kiệm và tăng 20% việc
sử dụng năng lượng tái tạo so với năm 1990. Hiện tại, năng lượng
tái tạo của Đan Mạch đã chiếm 28% (20% điện gió, 8% từ các
nguồn nhiên liệu sinh học, điện sóng...) trong tổng sản lượng điện
quốc gia.
Sau nhiều năm phát triển, đến nay Đan Mạch đã có một hệ thống
trạm điện gió nằm rải rác khắp đất nước, với sản lượng chiếm 20%
tổng điện năng quốc gia, một tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia nào
khác. Trong đó, các trạm điện gió ngoài khơi có tổng công suất
650 MW vào cuối năm nay và kết thúc năm 2012 sẽ là 1.300 MW.
Chiến lược phát triển điện gió lâu dài đến nay đã biến Đan Mạch
thành cường quốc số 1 trong lĩnh vực sản xuất tua-bin gió, với
38% thị phần thế giới. Các trạm điện gió cũng đã góp phần làm
nên nhiều điều kỳ diệu. Chẳng hạn như đảo Samso với hơn 4.200
dân cùng hai trạm điện gió trên cạn và ngoài khơi hiện là cộng
đồng không thải CO2 lớn nhất thế giới. Toàn bộ năng lượng phục
vụ cho cuộc sống của người dân trên đảo đến từ gió và các nguồn
năng lượng tái tạo khác, như khí đốt sinh học.
Hôm chúng tôi tới Tòa thị chính Copenhagen, bà Charlotte
Korsgaard-Pedersen - Phó giám đốc Phòng Quản lý môi trường
thành phố - đã giới thiệu những chiếc tua-bin gió rất lạ. Đó là
những “cối xay gió” nhỏ xíu được gắn trên mái nhà. Bà cho hay:
“Vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống tua-bin gió này
để thắp sáng cây thông Giáng sinh”.
Đàn lợn năng lượng
Đàn lợn gần gấp năm lần dân số của Đan Mạch (hơn 25 triệu con
so với khoảng 5,5 triệu người) đã cung cấp thịt cho nhu cầu trong
nước và xuất khẩu. Ngoài ra, chúng cũng đóng góp kha khá vào
việc sản xuất điện năng.
Chúng tôi đã có dịp đến thăm Nhà máy khí đốt sinh học - điện
Hashoj ở đảo Lolland. Hashoj hợp tác với 30 trại gia súc trong
vùng. Mỗi năm, mỗi trại cung cấp chừng 8.000m3 phân gia súc
cho nhà máy để sản xuất khí đốt. Với đầu vào chừng 80.000m3
phân mỗi năm, nhà máy với đội ngũ nhân sự 4 người (3 nhân viên,
1 giám đốc) sản xuất được khoảng 4 triệu m3 khí đốt. Số khí đốt
này cho ra 8 triệu kwh điện và 8 triệu kwh nhiệt, phục vụ nhu cầu
về điện và sưởi ấm trong vùng. Giám đốc Nhà máy Lundsgaard
cho biết: “Phân gia súc nếu để trong trang trại sẽ thấm vào đất làm
ô nhiễm nguồn nước. Khí mê-tan từ phân có tác hại gấp 20 lần so
với CO2. Cách làm của chúng tôi là mượn phân từ nhà nông về sản
xuất khí đốt, sau đó trả lại phân đã qua xử lý cho họ để làm phân
bón”. Vòng tròn khép kín này, tuy lợi nhuận chưa cao, nhưng lợi
ích về lâu dài thì rất lớn, nhất là đối với môi trường. Ông
Lundsgaard còn cho hay Đan Mạch hiện có khoảng 20 nhà máy
khí đốt sinh học tương tự, nhưng mới chỉ tiêu thụ chừng 8% lượng
phân toàn quốc. Thế nên, “tiềm năng còn rất lớn”, ông nói.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong việc sử dụng các nguồn năng lượng
tái tạo. Tại Đan Mạch, bên cạnh điện, hệ thống sưởi ấm đến từng
hộ gia đình phần lớn được cung cấp bởi các nhà máy kiểu như
Hashoj, với đầu vào là phân, rơm rạ hoặc rác thải và đầu ra là
nhiệt. Là nước nông nghiệp phát triển, Đan Mạch luôn có một
nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất các loại nhiên liệu sinh học.
Có một chuyện vui về năng lượng sạch. Mới đây, các sinh viên đại
học tại Copenhagen đã tổ chức một buổi dạ hội lớn, mà dạ hội thì
cần nhiều điện cho âm thanh, ánh sáng... Thế là họ có sáng kiến sử
dụng một loạt xe đạp tập thể dục và thay nhau đạp xe liên tục để
chạy mô-tơ phát điện. Buổi dạ hội kết thúc mà không một kwh
điện nào của thành phố được tiêu thụ.
Chuyện dùng tua-bin gió nhỏ ở Tòa thị chính Copenhagen và đạp
xe phát điện nói trên thực ra không có ý nghĩa về kinh tế, nhưng
chúng mang tính biểu tượng rất cao, thể hiện quyết tâm bảo vệ môi
trường của người Đan Mạch, trong đó có tham vọng biến
Copenhagen thành đô thị có lượng khí thải CO2 tuyệt đối bằng 0
vào năm 2025, tương tự như đảo Samso hiện tại. (Còn tiếp)
(ST)