Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em - Phòng ngừa và điều trị
Viêm họng, viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi là những bệnh lý của
đường hô hấp thường gặp ở bé dưới 5 tuổi. Biết cách chăm sóc và theo dõi khi
bé bệnh sẽ giúp cha mẹ tự tin hơn và che chở được nhiều hơn cho thiên thần
nhỏ bé của mình.
Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em
- Là bệnh do vi trùng hoặc siêu vi trùng gây ra.
- Biểu hiện của bệnh thường là: sốt, sổ mũi, ho, nhợn ói, ói, đau họng, khó
thở…
Bệnh nhi có thể chỉ có 1 trong các triệu chứng trên, hoặc có cùng một lúc nhiều
triệu chứng.
+Nếu bệnh do siêu vi gây ra thì chỉ điều trị triệu chứng, trong vòng 3 - 5 ngày
bệnh sẽ tự khỏi.
+Khi tác nhân gây bệnh là vi trùng, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị
cho bé, lúc này thời gian sử dụng kháng sinh có thể từ 5 - 14 ngày, tùy theo tình
trạng bệnh, việc này cần được tuân thủ để tránh tình trạng lờn thuốc nhanh chóng
và bệnh tái phát lại ngay.
Chăm sóc bé bị viêm đường hô hấp tại nhà
Bé sốt: thuốc hạ sốt trên thị trường rất đa dạng, nhưng nhìn chung dược
chất chính đều là paracetamol, chỉ nên sử dụng khi bé sốt từ 38oC trở lên,
- Nếu sốt dưới nhiệt độ này chỉ cần cho bé mặc quần áo thoáng và uống nhiều
nước, liều dùng của paracetamol từ 10 - 15mg/1kg cân nặng của bé (ví dụ:
bé nặng 10kg có thể uống 1 lần từ 100 - 150mg paracetamol khi bị sốt).
- Nếu dùng thuốc hạ sốt rồi mà bé vẫn sốt cao, nên cho bé tắm nước ấm (làm
ướt cả đầu) để hạ nhiệt nhanh, tránh tình trạng co giật do sốt cao.
Bé sổ mũi: nên lau mũi cho bé bằng khăn mềm, khô (tốt nhất là dùng khăn
giấy mềm), vì như vậy bé sẽ mau hết sổ mũi, lại không bị đau mũi, đỏ mũi do
lau mũi quá nhiều. Giữ ấm cơ thể cũng là một cách giúp bé mau hết sổ mũi, tuy
nhiên vì là mùa hè, thời tiết nóng bức, nên không cần phải cho bé mặc quần áo
quá dày, sẽ gây cảm giác khó chịu, chỉ cần tránh cho bé nằm ngay luồng quạt
máy, luồng gió máy lạnh đang phà ra. Nhiệt độ phòng có thể chấp nhận được là
trên hoặc bằng 25oC.
Bé nghẹt mũi: sử dụng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) nhỏ mũi để
làm loãng mũi cho bé, sau đó hút sạch và ngoáy khô mũi bằng tăm bông khô,
sạch.
Bé ho: ho trong viêm đường hô hấp có thể do tình trạng tăng tiết đàm nhớt,
tăng xuất tiết, hoặc do co thắt các cơ đường hô hấp. Vì vậy, tùy theo cơ chế gây
ho mà bác sĩ quyết định sử dụng thuốc giảm ho loại nào cho bé. Tuy nhiên, dù
ho do bất kỳ cơ chế nào thì việc uống nhiều nước và vỗ lưng thường xuyên cho
bé cũng là quan trọng, điều này giúp loãng đàm, long đàm, giảm ho cho bé.
Bé ói: ói có thể do đặc đàm, cũng có thể do bệnh trở nặng. Vì vậy, nếu đang
điều trị bệnh mà thấy bé ói nhiều, nên cho bé tái khám để xem là do đàm quá
đặc gây ói hay do bệnh đang tiến triển nặng hơn.
Bé biếng ăn: biếng ăn khi bệnh viêm đường hô hấp có thể do nhiều nguyên
nhân: ở giai đoạn ủ bệnh, bé có thể đã có tình trạng mệt mỏi biếng ăn. Khi bị
bệnh, biếng ăn xảy ra do bé bị đau họng, nghẹt mũi, do sử dụng kháng sinh dài
ngày làm rối loạn hệ khuẩn ruột.
Các nguyên tắc về chăm sóc dinh dưỡng khi bé bị viêm đường hô hấp
* Chuẩn bị cho bé ăn
Làm sạch mũi bằng cách hút sạch mũi cho bé, sau đó ngoáy khô mũi bằng tăm
bông, động tác này giúp mũi thông thoáng, khi ăn bé sẽ ít bị ói.
Thức ăn cho bé phải mềm, lỏng hơn ngày thường.
Chuẩn bị thức ăn cho bé: trong lúc bệnh, đa số bé sẽ có cảm giác biếng ăn và
khó tiêu hóa hơn so với lúc bình thường, vì vậy, thức ăn cho bé phải được nấu
mềm hơn và lỏng hơn một ít so với ngày thường, nhưng vẫn phải bảo đảm đủ 4
nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau).
Chuẩn bị khăn khô mềm để lau cho bé trong khi ăn, không dùng khăn ướt, vì
hăn ướt khi chạm vào đầu mũi nhiều lần sẽ gây lạnh và kích thích chảy mũi liên
tục.
Thực phẩm cần ăn kiêng: các món ăn, thức uống lạnh; những thực phẩm khi ăn
vào bé bị nổi mề đay (bé dị ứng với thực phẩm này).
*Cho bé ăn
Cho bé ăn thức ăn ấm tốt hơn thức ăn lạnh (ăn lạnh có thể sẽ làm tình trạng
viêm họng tiến triển nhiều hơn).
Nếu bé biếng ăn, nên cho bé ăn lượng thức ăn ít hơn ngày thường, như vậy để
bé không bị đói và không bị sụt cân thì phải cho bé ăn thường xuyên hơn (số
bữa nhiều hơn) và tận dụng những món bé thích để giúp bé ăn được nhiều.
Trong lúc bệnh, bé rất dễ bị nhợn ói và có cảm giác ăn không ngon, vì vậy, cần
đút cho bé chậm hơn so với lúc bình thường. Khi bé không chịu ăn nữa thì
ngưng và bổ sung ngay sau bữa ăn những món ăn mà bé thích (sữa chua, các
loại bánh, phô mai…).
Bé ói: đây là nỗi lo của các bậc cha mẹ khi trẻ bệnh. Nếu bé chỉ ói 1 - 2 lần mỗi
ngày và vẫn vui vẻ, chơi tốt, thì chỉ cần cho bé ăn hoặc uống lại sữa ngay sau
khi ói để bé không bị đói và sụt cân.
Khi bé có những triệu chứng sau là lúc bé phải đến khám tại bệnh viện: thở
nhanh, sốt cao liên tục từ 3 - 5 ngày, ói nhiều làm bé không thể ăn hoặc uống
được gì, có thể bác sĩ sẽ cho bé nhập viện.
*Phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp
Bao gồm: tránh không để bé bị nhiễm lạnh, tránh cho bé tiếp xúc với người
bệnh. Những thành viên trong gia đình thường xuyên tiếp xúc với bé nếu có
bệnh phải được điều trị ngay. Hạn chế đưa bé đến nơi đông người trong mùa
dịch, hạn chế cho bé đến các nơi nhiều bụi (khi ra đường nên cho bé mang khăn
che mặt hoặc khẩu trang), hạn chế cho bé uống thức uống quá lạnh, khuyến
khích bé uống nhiều nước, chăm sóc dinh dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng
cho bé.
Các vấn đề về đường hô hấp của bé !
Bệnh ho ở trẻ em
Bác sĩ Ðỗ Hồng Ngọc
Bệnh ho ở trẻ em không chỉ gây "đau đầu” cho các bậc cha mẹ mà ngay cả
bác sĩ cũng phải hết sức cẩn thận khi điều trị.
* Các loại ho
Ho có nhiều nguyên nhân. Khi khám một trẻ bị ho, bác sĩ phải hỏi đặc
tính của cơn ho, nếu được nghe trẻ ho càng tốt. Nhìn cách thở của trẻ cũng
giúp bác sĩ chẩn đoán được trẻ ho vì bệnh gì.
Có nhiều loại ho: do cảm cúm, do dị ứng, do viêm phổi, viêm cuống
phổi, do mủ ở màng phổi, ho gà, ho lao...
Khi nào trẻ ho mà có nóng hoặc ho dai dẳng thì phải đưa đến bác sĩ
khám ngay. Tuy nhiên, không phải cứ nghe bé ho là xin chụp hình phổi.
Cần "tôn trọng" cơn ho của trẻ . Ðừng tìm cách dập tắt cơn ho tức khắc
mà không biết nguyên nhân cụ thể. Trong trường hợp là ho "gió", ho "cảm"
chút đỉnh thì cần để cho trẻ ho. Ngay cả trường hợp bị viêm phổi hay viêm
cuống phổi, vẫn để bé ho tự nhiên để tống đàm nhớt ra ngoài cho dễ thở và bớt
nhiễm độc. Ho vì viêm phổi mà chỉ uống thuốc ho thì bệnh càng nặng thêm.
Bác sĩ chỉ cho uống thuốc ho khi thấy cơn ho làm bé mệt nhiều và mất ngủ
khiến bé suy nhược.
Ðiều trị:
- Ho không phải là bệnh, mà chỉ là một triệu chứng của nhiều căn bệnh
khác. Do đó phải cần chữa đúng bệnh trước tiên, sau đó mới chữa ho.
Trong trường hợp trẻ bị ho tím tái ở môi, ở đầu ngón tay, ngón chân và
khó thở (thở nhanh, dồn dập trên 60 lần/phút), có tiếng khò khè và co kéo cơ
hô hấp ở cổ xuống sườn là những trường hợp nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp
cứu ngay.
Khó thở luôn là dấu hiệu báo động, phải cần đưa bé đến ngay các cơ sở
y tế gần nhất. Nên khám bệnh ngay khi trẻ có các triệu chứng nóng, ho kèm
khó thở. Phải chữa tới nơi tới chốn, đừng để bệnh kéo dài, tái đi tái lại làm trẻ
mất sức.
Khi điều trị săn sóc tại nhà, phải:
+ Cho uống thuốc theo toa bác sĩ. Giữ vệ sinh tổng quát.Hút đàm nhớt
cho trẻ. Nếu không, đàm nhớt sẽ làm trẻ nghẹt thở. Chỉ nên cho trẻ ăn ít,
nhưng nhiều lần trong ngày. Nên cho ăn thức ăn đặc. Nếu bị ói thì ngay sau khi
trẻ ói xong, nên cho ăn lại liền, trẻ sẽ không bị ói nữa.
+ Dùng một cuộn băng, băng chặt bụng cũng giúp trẻ giảm cơn ho.
+ Nên giữ ấm cho trẻ. Ðề phòng những cơn lạnh đột ngột.
+ Không nên cho trẻ uống thuốc ho của người lớn vì thuốc ho của
người lớn thường có chất á phiện, trẻ có thể bị chết vì trúng độc.
SUYỄN Ở TRẺ EM
PHẦN CHÌM CỦA TẢNG BĂNG
BS.Trần Anh Tuấn
Trưởng khoa Hô hấp – BV.Nhi Đồng 1
I/ SUYỄN LÀ GÌ ?
Suyễn (hay còn gọi là hen phế quản) là một bệnh hô hấp mãn tính
thường gặp nhất ở trẻ em.
Đây là một tình trạng viêm mãn tính của đường thở. Tình trạng viêm này
làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi
tiếp xúc với các chất kích thích này, đường hô hấp (chủ yếu là phế quản) sẽ bị co
thắt, phù nề, tiết đầy chất nhầy đưa đến tình trạng tắc nghẽn đường thở khiến
cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.
*Các yếu tố kích thích cơn suyễn bộc phát là:
+ Các chất gây dị ứng: phấn hoa, lông thú, thức ăn, bụi nhà, thuốc
men.
+ Nhiễm trùng đường hô hấp: là yếu tố rất quan trọng ở trẻ em.
+ Khói thuốc lá
+ Gắng sức, lo lắng
- Cũng cần nên biết là suyễn hoàn toàn không phải là bệnh lây lan. Đây là
điều mà nhiều người trước đây rất e ngại.
II/ LÀM SAO NHẬN BIẾT ĐƯỢC TRẺ BỊ SUYỄN ?
- Cần nghi ngờ là suyễn khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu sau:
+ Trẻ có tiền sử:
Ho: tái đi tái lại nhiều lần, nhất là khi chỉ xuất hiện hay nặng hơn về ban đêm.
Khò khè, cơn khó thở tái phát
+ Khò khè, khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố
khởi phát kể trên.
- Việc chẩn đoán suyễn thường dễ dàng nhất là khi trẻ đang có cơn suyễn khi đó
trẻ có biểu hiện:
+ Ho
+ Khò khè
+ Khó thở: thở ra khó khăn, kéo dài, với hiện tượng thở nhanh hay rút lõm
ngực (nghĩa là lồng ngực của trẻ sẽ bị rút lõm khi trẻ hít vào).
- Riêng với trẻ còn bú, nếu như trước đây việc chẩn đoán suyễn có nhiều khó
khăn, thì hiện nay theo TCYTTG, người ta xem là trẻ < 2 tuổi bị suyễn khi trẻ bị
khò khè tái phát ít nhất 3 lần, ngay cả khi không có ai trong gia đình có tiền sử
suyễn, dị ứng.
- Tuy nhiên, một vấn đề chúng tôi thường gặp trên thực tế là có sự nhầm lẫn giữa
khò khè và triệu chứng nghẹt mũi khá thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ < 3
tháng. Ở lứa tuổi này, do trẻ thở chủ yếu bằng mũi, lỗ mũi của bé thuờng còn
nhỏ, chỉ cần tắc mũi một ít, trẻ cũng rất khó chịu, thở khụt khà khụt khịt mà
không phải là khò khè thật sự nhưng cũng làm nhiều bậc cha mẹ rất lo âu. Vì vậy
trong trường hợp này các bà mẹ cần cho bé đến khám BS chuyên khoa để nhanh
chóng đánh giá đúng mức và chẩn đoán chính xác.
- Việc tiến hành thăm dò chức năng hô hấp là vô cùng hữu ích ở người lớn và ở trẻ
lớn giúp phát hiện không ít các trường gợp gọi là “Suyễn giấu mặt”. Nhưng ở trẻ
nhỏ, các phương pháp này lại thường rất khó và thậm chí là không thể thực hiện
được. Vì vậy, khi trẻ có triệu chứng nghi ngờ là suyễn thì cần thiết phải được đưa