Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Bốn điều ghi nhận về văn hóa doanh nghiệp docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.61 KB, 5 trang )

Bốn điều ghi nhận về văn hóa doanh nghiệp




1 Một “báu vật tinh thần”
Tiếp xúc với một số công ty mạnh, người ta có thể cảm thấy vẻ đẹp, sự phối hợp
linh lợi, sự chuyển vần tự tin của bộ máy kinh doanh, vẻ giao tiếp thân thiện của
các thành viên trong công ty với nhau và với bên ngoài… Đó là cuộc tiếp xúc hồn
nhiên với vài biểu hiện dễ thấy nhất của văn hóa doanh nghiệp mà công ty đó đã
sáng tạo và gìn giữ được. Theo dõi công ty này trong nhiều năm, người ra sẽ có
cảm tưởng như văn hóa ấy đã được trao quyền cho cả những người đến sau, như
một thứ "gien - xã hội".
Một nhà khoa học về lãnh đạo các tổ chức đã nói về văn hóa như thế này: "Văn
hóa là khi có một người hành động không theo cách thông thường thì lập tức
những người kia sẽ buộc anh ta phải trở lại cách hành xử đã được thừa nhận."
Hàng ngàn thí dụ có thể tìm thấy để minh họa cho ý tưởng này khi quan sát văn
hóa doanh nghiệp của một công ty lành mạnh.
Văn hóa doanh nghiệp là một bộ phận của văn hóa kinh doanh của một xã hội nhất
định. Văn hóa doanh nghiệp là sự thể hiện đặc thù của văn hóa kinh doanh ở cấp
độ công ty.
Trên thế giới, quan niệm khoa học về văn hóa doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện rõ
nét dần vào cuối những năm 60 đầu những năm 70, rồi nở rộ trong những thập
niên 80 và 90 của thế kỷ XX.
Tiếc rằng có một số người vẫn còn cho rằng văn hóa doanh nghiệp chỉ là những
khẩu hiệu phù du hoặc những cái mốt thời thượng chỉ dùng để trang trí hoặc khoe
mẽ. Thực ra, tuy không nhìn thấy được những thành tố mạnh mẽ nhất của nó (các
giá trị, các triết lý), nhưng văn hóa doanh nghiệp một khi được gây dựng tốt vẫn
đang khách quan phát huy sức mạnh và vẻ đẹp của mình trong mọi hoạt động sản
xuất, kinh doanh, làm nên năng suất lao động cao, sản phẩm và dịch vụ có chất
lượng tốt, hạ giá thành sản phẩm… Nó chẳng khác nào linh hồn của cả doanh


nghiệp gắn kết mọi người lại với nhau trong những mục tiêu và cung cách hành
động chung. Vì sao vậy?
Vì văn hóa doanh nghiệp là một tổ hợp hữu cơ của những niềm tin và những sự
chờ đợi mà các thành viên trong một tổ chức kinh doanh cùng chia sẻ. Nó thường
bao gồm:
1. Những mục tiêu chủ yếu của doanh nghiệp;
2. Những cách thức đã được đồng thuận để đạt được mục tiêu đó;
3. Trách nhiệm và vai trò rõ ràng đã được phân công cho từng thành viên và cách
mà họ làm việc với nhau;
4. Cung cách ứng xử cần có để đạt được vai trò ấy;
5. Một loạt quy tắc, nguyên tắc nhằm bảo vệ bản sắc và sự toàn vẹn của doanh
nghiệp đó.
Thấm sâu vào các yếu tố trên là các giá trị và chuẩn mực mà doanh nghiệp đã xác
lập và cùng chia sẻ, làm nên cốt cách của văn hóa doanh nghiệp, song chúng
thường không được viết ra thành văn nhưng đều được mọi thành viên nhận biết
qua đào tạo và giao lưu nội bộ - kể cả những người mới đến - và cùng cam kết
theo đuổi.
Nếu năm văn hóa doanh nghiệp ở góc độ đó thì có thể thấy đây thực sự là một
"báu vận tinh thần" của doanh nghiệp (từ dùng của tác giả Nghiêm Thị Xuân Lan)
do doanh nghiệp cùng nhau sáng tạo, cùng nhau sống cái văn hóa ấy để thành đạt
các mục tiêu trong một thế giới nhiều biến đổi, nhiều cạnh tranh và thách thức.
2. Cơ cấu của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là một cấu trúc có bề sâu khó nhìn thấy nhưng bền vững. Ít
nhất, người ta có thể phác họa ra sáu thành tố của cơ cấu văn hóa doanh nghiệp
được kết cấu thành ba tầng: tầng bề mặt, tầng trung gian và tầng sâu nhất. Sáu
thành tố và ba tầng kết cấu đó là một thể thống nhất toàn vẹn, tác động qua lại mật
thiết với nhau để tạo nên bản sắc, cá tính và sức mạnh của doanh nghiệp.
Ở tầng bề mặt: đó là những sự việc và hiện tượng văn hóa có thể quan sát được dễ
dàng như:
(l) Cách trang trí doanh nghiệp, hệ thống đồng phục của các thành viên, các khẩu

hiệu, các câu chào được hô lên, các khúc ca chính thức của doanh nghiệp được tự
hào hát lên…
(2) Các nếp ứng xử, các hành vi giao tiếp được chờ đợi…
Ở tầng trung gian:
(3) các biểu tượng của doanh nghiệp
(4) các truyền thuyết, giai thoại về những năm tháng gian khổ và vẻ vang đã qua,
về những nhân vật anh hùng của doanh nghiệp (nhất là hình tượng người thủ lĩnh
khởi nghiệp); các tập quán, nghi thức được mọi thành viên chia sẻ, các tín ngưỡng
được thành viên tin theo và tôn thờ.
Ở tầng sâu nhất: đó là giá trị cơ bản và các triết lý kinh doanh mà doanh nghiệp
đang theo đuổi. Những giá trị này gắn liền, theo những mức độ khác nhau, với hệ
giá trị của văn hóa dân tộc…
Với các tầng kết cấu như thế, có tác giả đã ví von văn hóa doanh nghiệp như là
một công trình kiến trúc về mặt xã hội của mỗi công ty. Vai trò của người sáng lập
công ty là cực kỳ to lớn trong việc xác lập các giá trị cơ bản cho doanh nghiệp và
trong việc xây tòa kiến trúc văn hóa doanh nghiệp cho nhiều thế hệ thành viên.
Muốn trao truyền các giá trị cơ bản và các nội dung văn hóa kinh doanh, cần phải
có một quá trình xã hội hóa (bằng các lớp đào tạo, bằng cách nêu gương, bằng các
chuyên đề, bằng các chuyện kể truyền miệng, các bản tin nội bộ, các cuộc vui
chung… )
3. Ích lợi của văn hóa doanh nghiệp
• Ích lợi lớn nhất là văn hóa doanh nghiệp có khả năng tạo ra sự cố kết các thành
viên trong doanh nghiệp, tạo ra tính thống nhất cao, hướng tới những mục tiêu đã
cố kết bằng những hành động tự nguyện, nhịp nhàng như một nguồn nội lực riêng
có của doanh nghiệp…
• Tạo ra nét độc đáo trong lối kinh doanh và lối đáp ứng khách hàng của doanh
nghiệp, trong đó các sáng tạo của cá nhân có cơ may ráp nối một cách êm ái vào
trong không gian sáng tạo chung của tập thể doanh nghiệp.
• Trong khuôn khổ văn hóa doanh nghiệp, các mô thức hành vi có tính "di truyền"
và có thể sống lâu dài như một truyền thống của doanh nghiệp.

• Tuy nhiên, trong các dạng hợp tác, liên doanh với các đối tác có truyền thống
văn hóa doanh nghiệp không giống nhau, các bên hữu quan cần quan tâm xử lý
tính không tương thích trong việc quản trị một môi trường kinh doanh đa văn hóa.
4. Khi văn hóa doanh nghiệp “tự đầu độc” mình
Ấy là lúc mà những thành công lớn từ hiệu quả của văn hóa doanh nghiệp làm cho
người chủ doanh nghiệp và các thành viên trở nên “cao ngạo, hướng nội, tập
quyền và quan liêu”. Văn hóa doanh nghiệp một thời thành công đang tự đầu độc
mình như thế đấy. Vấn đề đặt ra lúc này là cần hướng tới một văn hóa doanh
nghiệp có khả năng tạo thuận lợi cho sự thay đổi, giúp chúng ta thích nghi với
những biến đổi của thị trường chứ không trở thành một cái neo níu kéo, cản trở
chúng ta thay đổi.
Muốn vậy, ít nhất phải có được hai điều kiện sau đây, được xem như bí quyết
phòng ngừa nhiễm độc và có khả năng “giải độc” cho văn hóa:
Phải đánh giá đúng các thành viên trong công ty, đồng thời luôn luôn hướng tới
các khách hàng, các đối tác bên ngoài công ty;
Phải đề cao và khuyến khích óc sáng tạo và khả năng lãnh đạo ở một cấp của
doanh nghiệp, chứ không phải chỉ tập trung quyền lực ở cấp lãnh đạo cao nhất.
Trong nền kinh tế hiện nay, người ta đánh giá doanh nghiệp dựa trên các lợi thế
tiềm tàng dựa trên mức độ đáng tin cậy của doanh nghiệp, dựa trên cách lãnh đạo
điều hành công ty, thay vì chỉ dựa trên tài sản cố định như trước đây. Phải chăng
văn hóa doanh nghiệp chính là thứ tài sản vô hình đang đem lại lợi thế tiềm tàng
cho doanh nghiệp trong một thế giới đầy biến động, trong đó cơ may và thách thức
gần ke nhau, trong đó sự ngủ yên trên thắng lợi cũng có thể là cái chết không thể
cứu vãn của doanh nghiệp?

×