Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Một số đặc điểm chung của lễ hội. ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (163.38 KB, 5 trang )

Một số đặc điểm chung của lễ hội

Tính thiêng
Muốn hình thành một lễ hội, bao giờ cũng phải tìm ra được một lý do mang tính "thiêng"
nào đó. Đó là người anh hùng đánh giặc bị tử thương, ngã xuống mảnh đất ấy, lập tức
được mối đùn lên thành mộ. Đó là nơi một người anh hùng bỗng dưng hiển thánh, bay về
trời. Cũng có khi đó chỉ là một bờ sông, nơi có một xác người chết đuối, đang trôi bỗng
nhiên dừng lại, không trôi nữa; dân vớt lên, chôn cất, thờ phụng... Cũng có khi lễ hội chỉ
hình thành nhằm ngày sinh, ngày mất của một người có công với làng với nước, ở lĩnh
vực này hay lĩnh vực khác (có người chữa bệnh, có người dạy nghề, có người đào
mương, có người trị thủy, có người đánh giặc... ). Song, những người đó bao giờ cũng
được "thiên hóa", đã trở thành "Thần thánh" trong tâm trí của người dân.
Nhân dân tin tưởng những người đó đã trở thành Thần thánh, không chỉ có thể phù hộ
cho họ trong những mặt mà sinh thời người đó đã làm: chữa bệnh, làm nghề, sản xuất,
đánh giặc... mà còn có thể giúp họ vượt qua những khó khăn đa dạng hơn, phức tạp hơn
của đời sống.
Chính tính "Thiêng" ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong những thời
điểm khó khăn, cũng như tạo cho họ những hy vọng vào điều tốt đẹp sẽ đến.
Tính "cộng đồng"
Lễ hội chỉ được sinh ra, tồn tại và phát triển khi nó trở thành nhu cầu tự nguyện của một
cộng đồng. Cộng đồng lớn thì phạm vi của lễ hội cũng lớn. Bởi thế mới có lễ hội của một
họ, một làng, một huyện, một vùng hoặc cả nước.
Tính địa phương
Lễ hội được sinh ra và tồn tại đều gắn với một vùng đất nhất định. Bởi thế lễ hội ở vùng
nào mang sắc thái của vùng đó. Tính địa phương của lễ hội chính là điều chứng tỏ lễ hội
gắn bó rất chặt chẽ với đời sống của nhân dân, nó đáp ứng những nhu cầu tinh thần và
văn hóa của nhân dân, không chỉ ở nội dung lễ hội mà còn ở phong cách của lễ hội nữa.
Phong cách đó thể hiện ở lời văn tế, ở trang phục, kiểu lọng, kiểu kiệu, kiểu cờ, ở lễ vật
dâng cúng...
Tính cung đình
Đa phần các nhân vật được suy tôn thành Thần linh trong các lễ hội của người Việt, là


các người đã giữ các chức vị trong triều đình ngày xưa.
Bởi thế những nghi thức diễn ra trong lễ hội, từ tế lễ, dâng hương, đến rước kiệu... đều
mô phỏng sinh hoạt cung đình. Sự mô phỏng đó thể hiện ở cách bài trí, trang phục, động
tác đi lại... Điều này làm cho lễ hội trở nên trang trọng hơn, lộng lẫy hơn. Mặt khác lễ
nghi cung đình cũng làm cho người tham gia cảm thấy được nâng lên một vị trí khác với
ngày thường, đáp ứng tâm lý, những khao khát nguyện vọng của người dân.
Tính đương đại
Tuy mang nặng sắc thái cổ truyền, lễ hội, trong quá trình vận động của lịch sử, cũng dần
dần tiếp thu những yếu tố đương đại. Những trò chơi mới, những cách bài trí mới, những
phương tiện kỹ thuật mới như rađio, cassete, video, tăng âm, micro... đã tham gia vào lễ
hội, giúp cho việc tổ chức lễ hội được thuận lợi hơn, đáp ứng nhu cầu mới.
Tuy vậy, những sự tiếp thu này đều phải dần dần qua sự sàng lọc tự nguyện của nhân
dân, được cộng đồng chấp nhận, không thể là một sự lắp ghép tùy tiện, vô lý...


Quy trình của lễ hội

Về thời gian của hội, thông thường địa phương nào mở hội cũng đều tiến hành theo quy
trình sau:
Ngày đầu
Lễ nhập tịch, quét dọn, mở cửa di tích, rước nước làm lễ tắm tượng (mộc dục) cùng các
đồ tế tự.
Ngày thứ hai
Chính hội, triển khai các nghi thức cổ truyền: tế, rước, các trò vui. Đây là ngày đông vui,
có ý nghĩa nhất của lễ hội.
Ngày thứ ba (Xuất tịch, giã đám, giã hội)
Chủ yếu ban tổ chức làm lễ tạ, đóng cửa di tích.


Quy chế lễ hội

Ban hành kèm theo quyết định số: 636/QĐ-QC ngày 21 tháng 5 năm1994 của Bộ trưởng
Bộ Văn hóa-Thông tin
Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống có sức cuốn hút đông người tham
gia và đã trở thành nhu cầu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Để tổ chức, quản lý và
chỉ đạo các lễ hội cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, kinh tế, xã hội ở nước ta và đưa
sinh hoạt xã hội vào nền nếp, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quy chế lễ hội.
Chương I: Quy định chung
Điều 1: Việc tổ chức lễ hội nhằm:

Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lịch sử, văn hóa trong sự nghiệp
dựng nước và giữ nước.

Tưởng nhớ công đức các danh nhân lịch sử, văn hóa, những người có công tích
với dân, với nước (nhân thần, thiên thần).

Tìm hiểu thưởng ngoạn các giá trị văn hóa thông qua các di tích lịch sử, danh lam
thắng cảnh, các công trình kiến trúc nghệ thuật, giữ gìn, phát huy vốn văn hóa
truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Vui chơi, giải trí lành mạnh...
Điều 2 : Nghiêm cấm việc lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động có nội dung phản
động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Chương II: Tổ chức, quản lý lễ hội
Điều 3 :Việc tổ chức lễ hội phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo
quy định sau đây:
1. Lễ hội thu hút chủ yếu nhân dân trong một xã, một phường do ủy ban Nhân dân
huyện, quận cấp giấy phép.
2. Lễ hội thu hút chủ yếu nhân dân nhiều xã, phường, nhiều vùng trong một tỉnh,
thành phố do ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố cấp giấy phép.
3. Lễ hội thu hút nhiều khu vực, nhiều tỉnh, thành phố do Bộ Văn hóa-Thông tin cấp

giấy phép.
Điều 4: Lễ hội về những sự kiện lịch sử cách mạng, kháng chiến ... thì cấp nào cho phép,
cấp đó có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo.
Điều 5: Trong lễ hội, ngoài quốc kỳ có thể treo cờ hội truyền thống, cờ của các tôn giáo,
tín ngưỡng.
Điều 6: Nghi thức của các lễ hội phải được tiến hành trang trọng theo truyền thống.
Điều 7: Thời gian tổ chức lễ hội không kéo dài quá 3 ngày, trừ hội chùa Hương (Hà Tây)
và Hội Xuân núi Bà Đen ( Tây Ninh).
Điều 8: Không được bán vé vào cửa tất cả các lễ hội.
Trong khu vực lễ hội nếu tổ chức các trò diễn, trò chơi, biểu diễn ca, múa, nhạc... hoặc
thăm viếng khu di tích, trưng bày thì được bán vé, giá do ngành Tài chính quy định.
Điều 9 :Ban tổ chức các lễ hội phải bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh, tổ chức dịch vụ, y
tế, ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh chu đáo, lịch sự.
Chương III: Tổ chức thực hiện quy chế lễ hội
Điều 10: Việc tổ chức, quản lý các loại hình lễ hội có nội dung văn hóa trong cả nước
phải thực hiện theo quy chế này.
Cơ quan Văn hóa-Thông tin các cấp có trách nhiệm nghiên cứu lễ hội ở địa phương mình
để hướng dẫn việc tổ chức phù hợp với từng lễ hội.
Điều 11: Cục Văn hóa Thông tin cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực
hiện Quy chế này.
Điều 12 : Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm quy chế này tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành
chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 13 : Quy chế này có hiệu lực từ ngày ban hành. Quy chế mở hội truyền thống ban
hành kèm theo quyết định 54/VHQC ngày 4/10/1989 của Bộ Văn hóa và những văn bản
hướng dẫn trước đây không còn hiệu lực.


Bộ Văn hóa-Thông tin
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin
về việc ban hành "Quy chế lễ hội"

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin

Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 8/11/1993 của Chính phủ quy định về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hóa-Thông tin;

Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở;
Quyết định
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này "Quy chế lễ hội"
Điều 2: Bản Quy chế lễ hội có hiệu lực từ ngày ban hành, Quy chế mở Hội truyền thống
ban hành kèm theo quyết định: 54/VHQC ngày 4/10/1989 của Bộ Văn hóa-Thông tin và
các văn bản hướng dẫn trước đây không còn hiệu lực.
Điều 3: Cục Văn hóa-Thông tin Cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện
quy chế này.
Bộ trưởng
(Đã ký)
Trần Hoàn

×