Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Xuất huyết tiêu hóa: Nguyên nhân và cách xử trí pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (300.61 KB, 4 trang )

Xuất huyết tiêu hóa: Nguyên
nhân và cách xử trí

Xuất huyết tiêu hóa (hay còn gọi là chảy máu tiêu hóa) là một triệu
chứng do nhiều nguyên nhân gây ra. Chảy máu có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào
của ống tiêu hóa từ miệng tới thực quản, dạ dày, ruột và hậu môn. Mức độ mất
máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất
máu nghiêm trọng đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều phương pháp khác nhau đặc biệt là các kỹ
thuật nội soi điều trị giúp chẩn đoán và xử trí kịp thời nhiều trường hợp xuất huyết
tiêu hóa rất có hiệu quả.
Nguyên nhân nào dẫn tới xuất huyết tiêu hóa ?
Ở thực quản: Xơ gan có thể dẫn tới giãn tĩnh mạch thực quản, khi giãn quá
mức, tĩnh mạch vỡ ra gây xuất huyết ồ ạt rất nguy hiểm; bệnh lý viêm thực quản
do trào ngược dịch dạ dày lên thực quản, trong hội chứng Mallory-Weiss do bệnh
nhân nôn, nôn khan, hoặc ho kéo dài dẫn tới viêm thực quản và vì vậy có thể gây
xuất huyết.
Ở dạ dày: Các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày như: rượu, xoắn khuẩn
Helicobacter pylori, aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau, stress... hoặc các
bệnh lý ác tính như ung thư dạ dày đều có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
Ở ruột: Loét hành tá tràng là nguyên nhân rất thường gặp gây xuất huyết.
Chảy máu còn có thể do trĩ, bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, các
bệnh lý khác như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn. Ngoài ra có thể gặp các
nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa: dị dạng mạch máu, bệnh máu, chảy máu
đường mật...
Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa ?
Triệu chứng của xuất huyết phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí chảy máu và
mức độ mất máu. Thông thường gặp các dấu hiệu sau:
Nôn ra máu: Là triệu chứng thường gặp, chảy máu dạ dày - tá tràng thường
nôn ra máu đen lẫn cục hoặc lẫn thức ăn. Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực
quản thường nôn ra máu ồ ạt, máu đỏ tươi, số lượng nhiều, thường nặng và tỷ lệ tử


vong cao.
Đi phân ngoài đen hoặc có máu: Phân đen như bã cà phê, mùi khắm,
thường lỏng; phân có máu tươi có thể do chảy máu nhiều như trong vỡ giãn tĩnh
mạch thực quản hoặc chảy máu ở đoạn thấp của đường tiêu hóa.
Các triệu chứng do mất máu: Mất máu kéo dài làm ảnh hưởng tới toàn
trạng, bệnh nhân thường xanh xao, yếu mệt, hoa mắt, chóng mặt; trường hợp mất
máu mức độ nặng thường kèm theo triệu chứng sốc: da xanh tái, vã mồ hôi, mạch
nhanh, huyết áp hạ, tiểu ít, khó thở, có thể co giật...
Cần làm gì khi bị xuất huyết tiêu hóa ?
Đa số bệnh nhân tới viện vì các triệu chứng nôn ra máu và đi ngoài phân
đen, thường là mất máu mức độ vừa tới nặng, thậm chí nhiều trường hợp vào viện
trong tình trạng cấp cứu. Tuy vậy ngay cả khi không có bằng chứng xuất huyết,
bệnh nhân chỉ có các triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, hoặc đau bụng khi
dùng các thuốc có hại cho dạ dày, hoặc bệnh nhân xanh xao, hoa mắt, chóng mặt...
cũng cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều trị và phòng bệnh
Điều trị xuất huyết tiêu hóa tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, nguyên
nhân, vị trí chảy máu. Ngoài việc điều trị triệu chứng, ổn định các chức năng sống
khi bị mất máu nặng, kết hợp dùng các thuốc co mạch, giảm tiết, kháng sinh...
bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi can thiệp, qua đó rất nhiều trường hợp xuất
huyết đã được xử trí tốt như: xử trí xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày – tá tràng,
xử trí giãn tĩnh mạch thực quản bằng thắt vòng cao su...
Ở nước ta hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện
tuyến tỉnh đã thực hiện được thủ thuật này. Việc điều trị nội khoa đặc hiệu, làm
thủ thuật hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có thể được chỉ
định khi có sự cân nhắc của thầy thuốc chuyên khoa.
Phòng bệnh cần không uống rượu bia và hút thuốc, không dùng các thuốc
và thức ăn có hại cho dạ dày, nên ăn tăng cường chất xơ và rau quả. Trong đợt
xuất huyết cần dùng các thức ăn mềm, ăn thành nhiều bữa trong ngày.

×