Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Kiểm soát hen phế quản khi thời tiết giao mùa doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (162.24 KB, 5 trang )

Kiểm soát hen phế quản khi
thời tiết giao mùa
Trong tiết giao mùa xuân sang hè, ở nước ta hay có các đợt gió mùa
đông bắc mang theo hơi lạnh và độ ẩm không khí cao làm cho các bệnh
đường hô hấp dễ bùng phát, đặc biệt là các bệnh dị ứng đường hô hấp, trong
đó bệnh hen phế quản chiếm 30%.
Bệnh hen phế quản hiện nay như thế nào?
Theo thống kê của OMS, thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen
phế quản, hằng năm có khoảng 255.000 ca tử vong do hen. Tỷ lệ hen dao động từ
10-20% dân số ở các nước phát triển và từ 8-20% tại các nước đang phát triển. Tại
Việt Nam có khoảng 4 triệu người bị hen, chiếm 5% dân số và 25% bệnh nhân hen
phải nhập viện.
Các yếu tố nào dẫn đến cơn hen bùng phát?
Một điều cần biết là bệnh hen luôn luôn diễn biến từ nhẹ đến nặng và
ngược lại, chỉ cần một biến đổi nhỏ của thời tiết, hít phải khói thuốc lá, phấn hoa,
lông thú, thức ăn, hóa chất, uống thuốc aspirin, dùng kháng sinh, dùng thuốc ức
chế men chuyển, hoặc do stress bởi cảm xúc bị ức chế là cơn hen đột ngột xuất
hiện và có thể trở thành trầm trọng, thậm chí đưa đến tử vong.
Các biểu hiện của bệnh hen như thế nào?
Hen là một bệnh dị ứng biểu hiện tại đường hô hấp, gây tổn thương viêm
mạn tính đặc trưng theo cơ chế dị ứng tại khí phế quản. Hậu quả là gây phù nề,
tăng xuất tiết, ứ đọng các chất nhầy quánh. Hen có 4 dấu hiệu chính gồm: Ho, khó
thở, khò khè và nặng ngực. Ho hay xuất hiện về đêm và sáng sớm. Khó thở và khò
khè do tăng tiết đờm dãi, đờm có thể trong và đặc, bệnh nhân khạc ra những cục
đờm nhỏ như tép bưởi. Đờm có thể màu vàng đục, xanh là khi có nhiễm khuẩn.
Nghe phổi có nhiều ran rít, ran ngáy và ran ẩm. Chụp Xquang phổi trong cơn
thường sáng hơn bình thường do ứ khí. Có thể làm thêm các xét nghiệm về thông
khí như chức năng hô hấp, lưu lượng đỉnh, test giãn phế quản.
Các mức độ của hen phế quản như thế nào?
Hen phế quản luôn luôn diễn biến, chỉ cần một thay đổi nhẹ của thời tiết
hoặc các yếu tố thuận lợi là có thể dẫn tới cơn hen nặng. Căn cứ vào sự xuất hiện


của cơn hen vào ban đêm liên tục hay không liên tục, số lượng cơn hen xuất hiện
vào ban ngày và ảnh hưởng của cơn hen đối với hoạt động thể lực của bệnh nhân,
người ta chia hen phế quản thành 4 bậc. Bậc1 là rất nhẹ, thỉnh thoảng có cơn khó
thở ban đêm < 2 lần/tháng, giữa các cơn khó thở bệnh nhân bình thường. Bậc 2 là
hen nhẹ, kéo dài, khó thở ban đêm >2 lần/tháng. Khó thở ban ngày >1 lần/tuần.
Bậc 3 là hen trung bình kéo dài. Cơn khó thở ban đêm >1 lần/tuần, khó thở ban
ngày hằng ngày. Cơn hen gây hạn chế hoạt động. Bậc 4 là hen nặng kéo dài, các
triệu chứng khó thở xuất hiện dai dẳng, thường xuyên cả ban ngày và ban đêm,
hoạt động thể lực bị hạn chế. Cơn kịch phát (hen ác tính) thì bệnh nhân khó thở
không nằm được, phải ngồi ngả đầu ra phía trước, tiếng nói đứt đoạn, thở cò cử, rít
sâu, tần số trên 30 lần/phút hoặc hơn, vã mồ hôi. Có thể ngủ gật, lú lẫn, co kéo các
cơ hô hấp trên xương ức, nhịp tim nhanh trên 120 lần/phút. Khi rất nặng thì mạch
chậm, huyết áp tăng, nghe phổi mất tiếng ran (phổi câm). Test thử chức năng hô
hấp FEV1<60%, lưu lượng đỉnh <60% giá trị lý thuyết, nếu không được cấp cứu
kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, trụy mạch và tử
vong nhanh chóng.
Biện pháp kiểm soát hen phế quản
Mục tiêu của điều trị kiểm soát hen phế quản cần đạt là: Giảm tối thiểu các
triệu chứng mạn tính, kể cả các biểu hiện về ban đêm; không hoặc ít khi phải đi
cấp cứu bệnh viện; giảm tối thiểu nhu cầu sử dụng các thuốc giãn phế quản; thể
lực của người bệnh được tăng cường, cải thiện chất lượng cuộc sống; lưu lượng
đỉnh và các chức năng thông khí đạt gần như bình thường.
Biện pháp:
Từ 3-6 tháng, người bệnh phải đến thầy thuốc chuyên khoa về hô hấp để
khám, được xếp vào bậc thang phân loại hen phế quản và được điều trị theo công
thức thích hợp. Người bệnh phải nắm vững và tuân thủ cách điều trị của bác sĩ.
Hen dai dẳng được kiểm soát chặt chẽ bằng điều trị lâu dài, làm thoái lui
các dấu hiệu co thắt, tăng tiết và loại trừ viêm nhiễm.
Các thuốc sử dụng điều trị:
Dựa vào 4 bậc thang của bảng phân loại để dùng thuốc. Tất cả các bậc nên

dùng thuốc kiểm soát cơn hen hằng ngày với thuốc giãn phế quản loại tác dụng
nhanh (thuốc cường b2 giao cảm dạng hít). Bậc 1: Không cần điều trị. Bậc 2:
Dùng thuốc giãn phế quản phóng thích chậm hoặc corticoid dạng hít 200-500mg.
Bậc 3: Corticoid hít 500-1.000mg và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, dạng
hít. Bậc 4: Corticoid hít >1.000mg. Dùng thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.
Có loại bình xịt kết hợp cả 2 thứ thuốc trên như berodual, seretide... rất tiện lợi.
Cơn kịch phát phải được điều trị ở đơn vị điều trị cấp cứu tích cực. Sau khi dùng
các thuốc điều trị cắt cơn cấp cứu thì duy trì loại thuốc bình xịt kết hợp corticoid
với thuốc cường b2 giao cảm hằng ngày. Ngoài các thuốc trên, còn phải sử dụng
các thuốc điều trị triệu chứng và kháng sinh nếu có bội nhiễm, thở ôxy, bồi phụ
nước và điện giải.
Hen phế quản tuy nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Hiện
nay gần 90% bệnh nhân hen chưa được kiểm soát, nên việc kiểm soát hen phế
quản phải được thực hiện liên tục. Đặc biệt vào lúc chuyển mùa thì việc khống chế
không để cơn hen bùng phát là điều rất quan trọng. Khi người bệnh có biểu hiện
khó thở hay đã khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dưới sự hướng
dẫn của thầy thuốc.

×