Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Món bánh Tết của người Trung Quốc pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (189.63 KB, 4 trang )

Món bánh Tết của người Trung Quốc


Nguyên Đán là Tết cổ truyền của nhiều dân tộc ở phương Đông. Tương
truyền hai chữ “nguyên đán” là do Chuyên Hạng - một trong Ngũ đế thời
công xã nguyên thủy Trung Quốc đặt ra với ý nghĩa: nguyên là đầu tiên, đán
là ngày, ngày đầu tiên của một năm.

Nước ta cũng như một số nước, lấy ngày mồng 1 tháng Giêng (Âm lịch) làm
ngày Tết Nguyên Đán. Ở Trung Quốc thì có khác, thời xưa cũng giống như
ta, song từ sau cách mạng Tân Hợi (1911), họ lấy ngày 1 tháng 1 (Dương
lịch) làm Tết Nguyên Đán, còn ngày 1 tháng Giêng (Âm lịch) gọi là Tết
Xuân . Tuy tên gọi khác đi, song ý thức của người Trung Quốc vẫn coi trọng
tục lệ cũ, vẫn xem Tết Xuân (xưa là Nguyên Đán) là Tết cổ truyền với nhiều
tập tục lý thú.

Tết Xuân ở Trung Quốc có nhiều mỹ tục giống ta: cũng chuẩn bị náo nhiệt,
cũng đón giao thừa, cũng mừng tuổi tiền, cũng mặc quần áo mới, cũng đi
thăm bà con bè bạn…

Về các món ăn Tết thì cũng mứt, kẹo, hạt dưa, hạt quỳ… Bữa cơm thì cũng
đủ món thịnh soạn hơn ngày thường. Riêng món bánh Tết tiêu biểu thì nếu ở
ta là bánh chưng, bánh tét thì của họ là bánh cảo.


Bánh cảo là thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết Xuân ở Trung Quốc.
Theo sách Quảng nhã của Trương Ấp đời Hán thì thời đó bánh hình trăng
tròn, đến thời Nam Bắc triều thì hình nửa mặt trăng, giống như ngày nay.
Thời đó, bánh cảo không ăn trần mà phải thả vào canh, vừa ăn vừa húp canh.
Đến đời Đường, thì bánh cảo hoàn toàn giống ngày nay cả về hình dáng lẫn
cách ăn: bột mì nặn hình bán nguyệt, trong có nhân, luộc chín, vớt ra đặt vào


đĩa, ăn từng chiếc không có nước.

Bánh cảo chữ Hán viết là giảo tử gồm bộ thực là thức ăn và chữ giao là giao
nhau, tức là món ăn dùng lúc năm cũ năm mới chuyển giao nhau. Vậy nên
phải làm xong bánh trước 12 giờ đêm, đến đúng giờ “Tí” , lúc giao thừa thì
bày cúng rồi hạ xuống, cả nhà cùng họp mặt ăn bữa “đoàn viên” đầm ấm,
vui vẻ.

Về bánh cảo, nhân dân Trung Quốc có nhiều truyền thuyết, nếu ở ta có
truyền thuyết về bánh chưng rất đẹp (Truyền thuyết Bánh chưng bánh dày)
thì ở Trung Quốc có truyền thuyết về bánh cảo khá ngộ: Thuở mới khai
thiên lập địa, chưa có người. Bà Nữ Oa là nữ thần mới lấy đất vàng nặn
thành hình người rồi thổi hồn vào thành sống động như người ngày nay.

Vì trời quá lạnh, bà Nữ Oa nặn 2 cái tai quá mỏng, đất bị đông cứng rồi rụng
ra. Để tai dính chắc, bà chọc hai lỗ rồi lấy sợi dây nhỏ luồn qua miệng cột
chặt 2 tai không rơi rụng được nữa. Thế là hoàn thành. Người đời sau nhớ ơn
bà, đã dùng bột nặn thành bánh hình cái tai để cúng ngày đầu năm rồi cùng
nhau ăn Tết.

Dần dần, bánh cảo trở thành món ăn không thể thiếu được trong ngày Tết
Nguyên Đán (sau này thành Tết Xuân). Nguyên nhân rất thiết thực: bánh
hình cái tai, biến báo một chút lại giống hình đĩnh vàng (thời xưa, ở Trung
Quốc, một đĩnh vàng bằng 10 lượng vàng). Người ta mong ước ăn bánh cảo
trong ngày Tết, suốt năm sẽ kiếm được nhiều vàng bạc.
Rồi nữa, bánh cảo trong có nhân, có nhiều loại nhân, người ta gửi gắm điều
hi vọng vào cái nhân đó. Lúc ăn, ai chọn được cái bánh nhân đường sẽ được
ngọt ngào trong cuộc sống năm tới. Được bánh có nhân đậu phộng sẽ luôn
khỏe mạnh suốt năm. Được bánh nhân táo hoặc hạt dẻ sẽ sớm sinh quý tử…


Về sau, bánh cảo không chỉ ăn trong ngày Tết mà được dùng quanh năm, và
được truyền sang nhiều nước. Việt Nam ta cũng quen thuộc với bánh cảo.
Có loại “sủi cảo” tức thủy giảo ăn bánh có nước lèo, có loại “há cảo” tức hà
giảo bánh có nhân tôm.

Cũng như bánh chưng của ta, tuy được dùng phổ biến quanh năm song vẫn
là thứ bánh đặc trưng của ngày Tết, bánh cảo cũng vậy, nói đến bánh Tết,
người Trung Quốc nào cũng nghĩ ngay đến bánh cảo, thứ bánh rất giản dị
mộc mạc, rẻ tiền, dễ làm mà rất ngon, đặc biệt là rất tiêu biểu trong văn hóa
ẩm thực truyền thống của dân tộc Trung Hoa.
Theo Hồn Việt

×