Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu THÔNG TIN HƯỚNG DẪN BỆNH NHÂN TRONG THƯƠNG TỔN DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC KHỚP pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (218.67 KB, 4 trang )

THÔNG TIN HƯỚNG DẪN BỆNH NHÂN TRONG
THƯƠNG TỔN DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC KHỚP GỐI
GIỚI THIỆU
Bạn đi khám do đau và mất vững khớp gối sau chấn
thương, bác sĩ giải thích và chẩn đoán là bạn bị thương
tổn dây chằng chéo trước (DCCT) khớp gối. Thông tin
này giúp bạn hiểu rõ thêm về cấu trúc và chức năng của
dây chằng chéo trước, quá trình phẫu thuật và chăm sóc
sau mổ. Sau khi đọc thông tin này, nếu bạn vẫn còn thắc
mắc xin hãy liên hệ với Bác sĩ của bạn.
DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC LÀ GÌ?


Dây chằng chéo trước là một trong những dây chằng
chính của khớp gối. Nó chạy từ phía trước xương chày
lên phía sau xương đùi. Dây chằng giúp khớp gối vận
động bình thường và ngăn xương chày trượt ra trước so
với xương đùi. Dây chằng bị tổn thương có thể làm khớp
gối mất vững khi đi lại, đặc biệt khi bước lên xuống cầu
thang, khi chạy, và trong lúc chơi thể thao.

Thương tổn DCCT xảy ra trong chấn thương với khớp
gối bị vặn xoắn trong khi bàn chân tiếp xúc với mặt đất,
thường gặp trong lúc chơi thể thao: đá bóng, cầu lông,
tennis, bóng chuyền, bóng rổ…Thương tổn này còn hay
gặp trong chấn thương va chạm trực tiếp vào khớp gối
với gối ở tư thế gấp tối đa hay duỗi gối như trong tai nạn
giao thông, đặc biệt là tai nạn xe máy.
LÀM SAO ĐỂ BIẾT DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC
BỊ THƯƠNG TỔN?
DCCT bị đứt sẽ gây đau đột ngột và làm mất vững khớp


gối. Nhiều bệnh nhân ghi nhận nghe thấy hay cảm giác
có tiếng “pop” ngay khi khớp gối bị chấn thương. Khớp
gối sẽ sưng nề nhanh chóng từ 1-3 giờ sau chấn thương.
Nếu DCCT bị thương tổn mạn tính, dấu hiệu hay gặp
nhất chỉ là mất vững khớp gối khi vận động.
Qua thăm khám, hầu hết các thương tổn DCCT đều được
phát hiện. Nếu bệnh nhân mới bị chấn thương thì rất khó
khám do khớp gối sưng nề nhiều và bệnh nhân sợ đau
khi co duỗi gối.


CHỤP PHIM X-QUANG GỐI HAY CHỤP PHIM
CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI)
Chụp phim X-quang khớp gối thường được yêu cầu đầu
tiên để đánh giá các gãy xương hay viêm thoái hóa khớp
gối. Chụp phim cộng hưởng từ (MRI) có thể được yêu
cầu để đánh giá thương tổn DCCT và các thương tổn
kèm theo như: dây chằng bên trong, dây chằng chéo sau,
sụn chêm, sụn khớp.
CÁC THƯƠNG TỔN PHỐI HỢP TRONG ĐỨT
DCCT
Những dây chằng khác của khớp gối có thể thương tổn
cùng lúc với DCCT, thường gặp nhất là thương tổn dây
chằng bên trong khớp gối, là dây chằng nằm mặt trong
khớp gối giúp giữ gối không dạng ra ngoài. Ngoài ra dây
chằng chéo sau cũng hay bị thương tổn kèm theo, tốt
nhất là cả hai dây chằng chéo trước và chéo sau đều
được tái tạo cùng lúc.
Trong nhiều trường hợp còn có thương tổn sụn chêm
kèm theo. Sụn chêm là những sụn hình bán nguyệt nằm

giữa hai mặt khớp xương đùi và xương chày. Rách sụn
chêm có thể khâu lại hay lấy bỏ một phần sụn chêm tùy
theo vị tri, kích thước và thời gian thương tổn.
Một vài trường hợp có thương tổn bề mặt sụn khớp gối
kèm theo, thường thương tổn này được phát hiện và
được làm sạch trong lúc mổ nội soi.
XỬ TRÍ NGAY SAU KHI BỊ THƯƠNG TỔN DCCT
Sau khi bị chấn thương, bạn nên đến khám ở bệnh viện
và chụp phim X-quang khớp gối để loại trừ các gãy
xương. Áp dụng nguyên tắc R.I.C.E như sau:
 Rest- Nghĩ ngơi: bạn được khuyên nghỉ ngơi,
khớp gối không tỳ xuống đất khi đi lại để giảm
sưng nề.
 Ice- Chườm đá: dùng nước đá bọc trong khăn
vải hay túi chườm đá đặt lên gối giúp giảm sưng
nề và giảm đau.
 Compression- Băng ép: dùng băng thun băng ép
toàn bộ khớp gối để hạn chế phù nề.
 Elevation- Nâng cao chi: khi nằm nên kê chân
cao hơn ngực để giúp giảm phù nề.
Khớp gối sẽ được bất động tư thế duỗi gối bằng nẹp vải
trong 3- 4 tuần. Sau khi gối giảm sưng nề bạn nên bắt
đầu tập gấp duỗi gối và gồng cơ. Bạn nên tái khám kiểm
tra sau 4 tuần.
HƯỚNG ĐIỀU TRỊ THƯƠNG TỔN DCCT
Đứt DCCT không thể tự lành, nhưng không phải tất cả
các trường hợp đứt DCCT đều cần phải phẫu thuật.
Quyết định phẫu tùy thuộc vào tuổi, mức độ hoạt động
sinh hoạt của bệnh nhân, độ vững của khớp gối và các
thương tổn phối hợp trong khớp gối. Dây chằng chéo

trước là dây chằng quan trọng nhất của khớp gối, những
bệnh nhân có công việc liên quan đến mang vác nặng
hay nâng gối lên xuống nhiều cần phải tái tạo lại dây
chằng. Những bệnh nhân không sẵn sàng hay không thể
thay đổi thói quen hoạt động và mong muốn duy trì thói
quen sinh hoạt như trước đây đều được khuyên phẫu
thuật.
Những bệnh nhân ít đi lại nhiều có thể điều trị bằng cách
tập vật lý trị liệu và mang nẹp làm vững khớp gối. Tuy
nhiên, một số bệnh nhân hay than phiền gặp khó khăn
khi lên xuống cầu thang hay khi bước dừng lại. Trong
trường hợp này, bệnh nhân cũng được khuyên nên phẫu
thuật để duy trì hoạt động sinh hoạt bình thường hằng
ngày và để tránh thương tổn thêm khớp gối trong tương
lai.
ĐỨT DCCT ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT NHƯ
THẾ NÀO?
Do DCCT bị đứt không thể tự lành, nên bệnh nhân được
phẫu thuật nội soi để tái tạo lại dây chằng. Phẫu thuật
nội soi tức là đưa ống kính quang học vào trong khớp
gối qua một đường rạch da nhỏ (nhỏ hơn đường kính cây
viết bi), một camera được sử dụng để truyền hình ảnh
bên trong khớp ra một màng hình TV, nội soi có thể thấy
rõ toàn bộ cấu trúc bên trong của khớp gối bao gồm các
khoang, bề mặt sụn khớp, sụn chêm, và các dây chằng,
từ đó cho phép chẩn đoán và đưa ra các hướng xử trí các
thương tổn bên trong khớp gối.
Trong tái tạo DCCT, mảnh ghép dây chằng mới sẽ được
đưa vào vị trí dây chằng cũ, và cố định hai đầu mảnh
ghép vào xương bằng các phương tiện đặt biệt hay bằng

các vít sinh học tự tiêu. Mặc dù việc tái tạo dây chằng
được thực hiện hoàn toàn qua nội soi, nhưng Bác sĩ cũng
cần một đường rạch da nhỏ ở gối để lấy mảnh ghép, tùy
theo loại mảnh ghép mà vị trí rạch da sẽ khác nhau trên
gối.


CÁC LOẠI MẢNH GHÉP ĐƯỢC SỬ DỤNG
TRONG TÁI TẠO DCCT
Trong điều kiện ở Việt nam, đa số đều dùng mảnh ghép
dây chằng tự thân, tức lấy từ chính bệnh nhân, hay sử
dụng nhất là:
 Mảnh ghép gân xương bánh chè, được sử dụng
nhiều cho các vận động viên thể thao
 Mảnh ghép gân cơ khoeo chân
Ngoài ra, người ta còn có thể sử dụng mảnh ghép dây
chằng từ đồng loại, tức là của người chết hiến tặng và
mảnh ghép đó đã được qua xử lý tiệt khuẩn.
CÁC BIẾN CHỨNG KHI PHẪU THUẬT
Tất cả mọi phẫu thuật đều có nguy cơ gây biến chứng
tuy nhiên biến chứng thường hiếm gặp, phẫu thuật bằng
nội soi giúp hạn chế các biến chứng. Các biến chứng bao
gồm: nhiễm trùng, chảy máu, tụ dịch, đứt lại mảnh ghép,
hạn chế gấp duỗi gối, hay các biến chứng do gây tê.
KHI NÀO NÊN PHẪU THUẬT TÁI TẠO DCCT?
Phẫu thuật tái tạo DCCT không phải là một phẫu thuật
cấp cứu. Điều quan trọng nhất là phải đợi cho đến khi
gối hết sưng nề mới phẫu thuật. Sự chờ đợi này còn giúp
tập gấp duỗi gối tối đa trước khi phẫu thuật để hạn chế
biến chứng cứng khớp gối sau phẫu thuật, thông thường

thời gian chờ đợi khoảng 3- 4 tuần, nhưng có thể thay
đổi trên từng bệnh nhân.
Trong trường hợp thương tổn DCCT phối hợp với
thương tổn dây chằng bên trong gối (rất hay gặp), dây
chằng bên trong gối sẽ tự lành bằng cách mang nẹp bất
động gối trong 6 tuần, sau đó bệnh nhân sẽ được tiến
hành phẫu thuật tái tạo DCCT.
PHƯƠNG PHÁP GÂY TÊ
Đa số bệnh nhân được gây tê tủy sống, tức là tiêm thuốc
tê qua vùng cột sống thắt lưng, bệnh nhân sẽ không còn
cảm giác đau hai chi dưới trong mổ. Trong trường hợp
này bệnh nhân có thể quan sát cuộc mổ qua màng hình
TV, hay có thể trao đổi với phẫu thuật viên.
Một số ít trường hợp bệnh nhân được gây mê toàn thân,
tức là bệnh nhân sẽ ngủ trong khi phẫu thuật.


CHUẨN BỊ CHO CUỘC PHẪU THUẬT
Trước khi phẫu thuật bạn sẽ được lấy máu và nước tiểu
để làm các xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan
trong cơ thể, nếu trên 50 tuổi bạn được yêu cầu đo điện
tim hay siêu âm tim. Trước ngày phẫu thuật bệnh nhân
sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn làm giấy cam đoan
phẫu thuật, giải thích về chi phí vật tư trong phẫu thuật,
chuẩn bị băng thun và nẹp vải bất động gối sau mổ, và
dặn dò nhịn ăn uống trước phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ
được tiêm kháng sinh dự phòng và lấy mạch, nhiệt,
huyết áp trước khi chuyển đến phòng mổ.
THỜI GIAN NẰM VIỆN
Tùy thuộc vào từng Bệnh viện, sau phẫu thuật bệnh nhân

nằm viện trung bình từ 2- 5 ngày để chăm sóc vết
thương, chụp lại X-quang khớp gối kiểm tra và được
hướng dẫn tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật.
NGÀY PHẪU THUẬT
Vào ngày phẫu thuật bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế
chuyển đến phòng mổ cùng với hồ sơ bệnh án. Sau phẫu
thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển đến nằm ở phòng Hồi
sức để theo dõi, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh và
giảm đau sau mổ. Khi bệnh ổn định bệnh nhân sẽ được
chuyển về lại bệnh phòng.
CHĂM SÓC GỐI SAU PHẪU THUẬT
Bệnh nhân sẽ được chăm sóc thay băng rút dẫn lưu (nếu
có) và kê cao chân để giúp giảm phù nề. Một vài chú ý
sau:
Chế độ ăn: Bệnh nhân ăn uống trở lại ngay sau khi được
nhân viên y tế cho phép. Tốt nhất nên ăn thức ăn lỏng rồi
chuyển sang ăn thức ăn đặc.
Thuốc: Bệnh nhân được dùng kháng sinh, giảm đau và
thuốc chống phù nề.
Băng ép gối: Gối sẽ được băng ép liên tục trong 2- 3
ngày đầu, sau đó được thay băng, rút dẫn lưu nếu có và
có thể được băng ép trở lại thêm vài ngày.
Chườm đá: Bệnh nhân có thể dùng túi chườm đá đặt lên
gối từ 20- 30 phút mỗi giờ trong vài ngày đầu.
Tắm: Bệnh nhân có thể tắm sau 2- 3 ngày sau khi thay
băng và rút dẫn lưu, nhưng phải giữ cho khớp gối không
bị thấm nước. Bệnh nhân chỉ được tắm mà không cần
bảo vệ khớp gối khi vết thương lành hoàn toàn, thường
khoảng 2- 3 tuần sau mổ.
Nẹp bất động gối: Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được

mang nẹp bất động khớp gối tư thế duỗi gối. Khi đi lại
bệnh nhân phải mang nẹp trong 3- 4 tuần đầu sau mổ,
bệnh nhân có thể tháo nẹp để tập gấp duỗi gối nhẹ khi
nghỉ ngơi. Chú ý bệnh nhân phải luôn luôn mang nẹp lúc
ngủ trong vòng 2- 3 tuần đầu sau mổ.
Đi nạng: Bệnh nhân sẽ phải đi lại mang nạng hỗ trợ sau
mổ, và có thể tháo nạng ra sau 2- 3 tuần.
Cắt chỉ: Chỉ sẽ được cắt từ 7- 10 ngày sau mổ.
Tập vận động gối: Thông thường nhân viên vật lý trị
liệu sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu từ
ngày thứ hai sau mổ. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập
vận động thụ động gấp duỗi gối, di chuyển xương bánh
chè, tập căng cơ tứ đầu đùi... Chú ý tập gấp gối dần
nhưng không quá 90 độ trong 2 tuần đầu.
Theo dõi tái khám: Bệnh nhân thường được tái khám
kiểm tra sau 3 tuần, 6 tuần, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.
THỜI GIAN TRỞ LẠI CÔNG VIỆC HAY HỌC
TẬP
Bệnh nhân có thể trở lại công việc hay đi học lại có
mang nạng hỗ trợ trong vòng 3- 5 ngày sau mổ. Nếu
công việc liên quan đến đi lại nhiều hay mang vác nặng,
bệnh nhân phải được nghỉ làm việc trong một thời gian
lâu hơn.
TẬP VẬT LÝ TRỊ LIỆU
Tập vật lý trị liệu nhằm mục đích:
1. Cho phép lành vết thương
2. Lấy lại sự vận động khớp gối
3. Lấy lại sức mạnh của khớp gối
4. Trở lại sinh hoạt hay chơi thể thao như ban đầu
Điều quan trọng nhất trong tập vật lý trị liệu là phải đảm

bảo gối phải duỗi thẳng hoàn toàn, tiếp theo là có thể
gấp gối được tối đa. Chương trình tập vật lý trị liệu có
vai trò quan trọng tương đương với phẫu thuật trong việc
phục hồi lại chức năng của khớp gối.


THỜI GIAN CHƠI THỂ THAO HAY LÀM VIỆC
BÌNH THƯỜNG TRỞ LẠI
Để có thể chơi thể thao hay làm việc bình thường trở lại,
bệnh nhân phải gấp duỗi gối tốt, có sức mạnh cơ, và
kiểm soát được khớp gối của mình. Điều kiện đó phụ
thuộc vào các yếu tố sau:
1. Sự lành vết thương và liền xương
2. Các thương tổn phát hiện trong mổ
3. Các biến chứng phẫu thuật
4. Sự tuân thủ các hướng dẫn sau mổ
5. Sự kiên trì trong tập vật lý trị liệu
Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân có thể chơi thể
thao trở lại sau 6 tháng. Thời gian bệnh nhân có thể làm
việc bình thường trở lại tùy thuộc vào tính chất của từng
công việc.
SỰ THÀNH CÔNG CỦA PHẪU THUẬT NỘI SOI
Phẫu thuật nội soi tái tạo DCCT có tỷ lệ thành công
tương đối cao. Với nhiều tiến bộ trong kỹ thuật nội soi
và chế độ tập vật lý trị liệu đầy đủ, tỷ lệ thành công
trung bình là 95 %.
Trình bày*:
Ths. Bs Lê Thừa Trung Hậu
Bệnh viện Trung ương Huế
Email:

Tel: 0905.116473








* Có tham khảo một số tài liệu hướng dẫn của Hội Phẫu Thuật Nội Soi Khớp
Bắc Mỹ

×