Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Tài liệu CÂU CHUYỆN VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHÓAN VIỆT NAM ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (113.24 KB, 3 trang )

CÂU CHUYỆN VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHÓAN
VIỆT NAM
Posted on 30/12/2007 by Civillawinfor
NGUYỄN VĂN MINH
Rửa tiền Có hay không chuyện rửa tiền trên sàn chứng khoán Việt Nam? Có. Và đó
không phải là ý kiến riêng của tôi mà chính ông Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) Phùng Khắc Kế đã cảnh báo. Đây cũng là chuyện bình thường. Khu vực
kinh tế ngầm ở Việt Nam, theo một nghiên cứu của WB, có thể đạt tới giá trị 50%
GDP, tức không dưới 25 tỷ USD1. Đã ngầm nghĩa là tiền không sạch, nên nhu cầu
rửa là chuyện tất nhiên.
Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư tài chính là phải sinh lời: tiền đẻ ra tiền. Chính vì vậy mà
các nhà đầu tư tìm mọi cách, huy động mọi nguồn lực để xác định cho mình một chiến
lược đầu tư hợp lý. Nhưng rửa tiền thì không theo nguyên tắc này. Người ta sẵn sàng mất
một nửa để biến tiền bẩn thành sạch. Thử hỏi bạn sẽ buôn bán như thế nào với người có rất
nhiều tiền, nhưng cốt yếu đi buôn là để tiêu tiền chứ không làm tiền. Thị trường sẽ biến
động liên tục, thất thường không theo một qui luật nào. Và người chịu thiệt hại nhiều nhất
chính là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ thiếu thông tin, họ mua bán theo phong trào, nhưng khổ
nhất là họ phải kết bè, kết bạn với những người không cùng mục đích kinh doanh.
Mới đây, khi Thủ Tướng chính thức có yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi
phạm, kiểm soát nguồn vốn đầu tư, tăng tính công khai minh bạch, ngăn chặn có hiệu quả
các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ, thị trường đã có phản ứng tích cực – chỉ số VN-Index liên
tục giảm trong sáu phiên liền (từ 19-03 đến 28-03), chấm dứt mối lo ngại về độ nóng
không đáng có bấy lâu nay. Nhưng chúng tôi chỉ lo, khi ta thiết lập được các thể chế, chế
tài đủ mạnh, ngăn chặn được tiêu cực thì tiền cần rửa người ta đã rửa xong.
Chứng khoán và ngân hàng, tuy hai mà một
Ai cũng biết chứng khoán và ngân hàng là hai kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh
tế. Điểm khác biệt cơ bản là khi gửi tiền vào ngân hàng – chúng ta đang trao quyền quyết
định đầu tư đồng vốn của mình cho một người hoặc một nhóm người (Tổng Giám đốc hay
Hội đồng quản trị của ngân hàng); còn khi tham gia thị trường chứng khoán (TTCK)–
chính chúng ta sẽ là người quyết định số phận đồng vốn của mình. Vì thế qui mô huy động
vốn cũng như khả năng chia sẻ rủi ro trên TTCK sẽ cao hơn nhiều. Nền kinh tế tựa lưng


vào TTCK sẽ vững chãi hơn nền kinh tế chỉ có hệ thống ngân hàng. Như vậy, từ nay chúng
ta có thể yên tâm vì nền kinh tế Việt Nam đã có cả ngân hàng lẫn TTCK.
Không hẳn như vậy. Thay vì là đối trọng chiến lược của TTCK, hệ thống ngân hàng
thương mại hiện nay đang bị guồng quay lợi nhuận của chứng khoán cuốn theo. Ngân hàng
đang trở thành người chơi đắc lực trên thị trường. Ngân hàng có tên tuổi thì đua nhau phát
hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ; ngân hàng chưa có tên tuổi thì đua nhau đổi tên – đẹp hơn,
kêu hơn, tung hoành ngang dọc trên thị trường OTC; ngân hàng đang thai nghén thì đua
nhau tăng tốc cho sớm ra đời (chỉ tính đến cuối tháng 3-2007 đã có hơn 10 bộ hồ sợ nộp
NHNN xin mở NHCPTM)2. Dường như người ta đang quên mất nhiệm vụ chính của ngân
hàng là cung cấp dịch vụ tài chính phục vụ cộng đồng và điểm tựa về vốn cho nền kinh tế.
Trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Theo các cam kết gia nhập WTO, kể từ ngày
01-04-2007, các ngân hàng có 100% vốn nước ngoài bắt đầu được hoạt động tại Việt Nam,
được đối xử bình đẳng và được thực hiện phần lớn các nghiệp vụ như ngân hàng trong
nước. Thiết tưởng, đây là lúc các ngân hàng Việt Nam phải vắt chân lên cổ mà chạy: mở
rộng chi nhánh, tăng cường dịch vụ, nâng cấp chất lượng phục vụ… Đằng này, có vẻ như
lợi ích của một nhóm người (một nhóm cổ đông nào đó) đang lấn át lợi ích cộng đồng. Cứ
tưởng rằng, phát triển TTCK, nền kinh tế có thêm một chân cho vững, ai dè chân cũ lại
dẫm lên chân mới – nguy cơ vấp ngã quá cao, làm sao yên tâm đây.
Bản sắc của thị trường
Người Việt mình làm gì cũng có bản sắc riêng, chơi chứng khoán cũng vậy. Lịch sử chứng
khoán thế giới chưa từng ghi nhận một trường hợp nào mà thị trường biến động kỷ lục như
ở ta. Chỉ riêng năm 2007, tính đến ngày 12/03 – VN-Index đã kịp tăng 56%, và ngay hai
tuần tiếp sau đó đã cũng kịp giảm 12,5%. Thế mà mọi người xem đây là hiện tượng “hết
sức bình thường” – thị trường chỉ điều chỉnh chút đỉnh cho phù hợp với thực tế. “Chút
đỉnh” này đã kịp làm lao đao hàng loạt các nhà đầu tư nhỏ. Rõ ràng đây là những dấu hiệu
của một thị trường tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Và nguyên nhân chính là tình trạng làm giá,
thông tin nội gián, móc nối trục lợi. Có lẽ chưa một nơi nào mà các đại gia chứng khoán có
thể thao túng và điều khiển thị trường dễ dàng như ở ta trong thời gian qua.
Chưa hết, cứ phải lên sàn bạn mới cảm nhận đủ sự khác biệt. Đầu giờ sáng, người ta chen
nhau nộp tiền. Vào thời cao điểm, nhà đầu tư ùn nhau đặt lệnh mua bán, ngồi phệt cả ra

nền nhà để xem các con số nhảy nhót, hay bày tiền tràn lan ra sàn mà đếm. Lúc lên giá thì
đua nhau mua, lúc xuống sàn thì tìm không ra mẫu đơn để đặt lệnh bán. Nhộn nhịp và tấp
nập. Tuy nhiên, quan sát cảnh này, không thể dứt bỏ được cảm giác, dòng người đang là
con rối trong tay những kẻ điều khiển vô hình. Họ là ai? Là các đại gia? Là những nhà đầu
tư nước ngoài? Là ai khác nữa? Hay là chính chúng ta đang tự biến mình thành con rối cho
các con số giật dây?
Có lẽ vì thế mà gần đây, nhiều người đã lên tiếng nhận xét về tính phong trào, tính bầy đàn
của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi thì không nghĩ vậy. Chợ quê dĩ nhiên không thể
bằng chợ phố: hàng hóa ít hơn, nghèo nàn về chủng loại, cách buôn bán, lối tổ chức cũng
không thể nào so sánh. Nhưng chợ quê cũng có những nét đẹp mà chợ thành phố không thể
nào có được, đó là chưa kể nếu đem so về giá trị đối với cộng đồng thì chưa biết chợ nào
“ăn” chợ nào. Đơn giản là vì cộng đồng thế nào sẽ sản sinh ra chợ thế ấy. Nền kinh tế thị
trường của chúng ta mới bước sang tuổi 20. Chứng khoán Việt Nam vừa lên bảy. Người
chơi chứng khoán thì qua một đêm – nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư, cơ quan quản lý
nhà nước vừa làm vừa dò dẫm. Trong khi ở các nước tiên tiến kiểu thị trường này đã có
cách đây hàng trăm năm (TTCK Philadelphia ra đời năm 1754, New York – 1792, London
–1801, Tokyo – 1878), nên chúng ta có ngây ngô, nhà quê trước họ cũng là chuyện bình
thường.
Nhưng quan trọng hơn tất cả, theo tôi, chính sự ngây thơ của chứng khoán đang thổi vào
đời sống tinh thần xã hội một làn gió mới, một niềm tin mới. Tin rằng, không chỉ có chốn
quan trường mới có thể làm nên phú quí. Vẫn còn nhiều con đường khác, sự giàu có và
thành đạt thực sự đang ở rất gần, hoàn toàn nằm trong tầm với của rất nhiều người, đặc
biệt là những người trẻ tuổi có tri thức. Và niềm tin đã thôi thúc dòng người sáng sáng từ
thứ 2 tới thứ 6 nối đuôi nhau lên sàn tìm cơ hội. Và tôi hiểu rằng niềm tin này với ai đó
(không phải là với tất cả) là hoàn toàn không ngây thơ chút nào.
——————
1 Stoyan Tenev, Amanda Carlier, Omar Chaudry, Nguyễn Quỳnh Trang. “Hoạt động
không chính thức và môi trường kinh doanh ở Việt Nam”. IFC, Ngân hàng Thế giới và
MPDF. Hà Nội, Thông tấn, 2003. tr. 18
2 Hàng loạt NH cổ phần nông thôn trước đây tưởng như đã giải thể, nay đã được các tập

đoàn kinh tế lớn đổ vốn và nâng cấp thành NH đô thị, mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt
động. NH TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười đã công bố chuyển đổi mô hình hoạt động
thành NH đô thị và đổi tên thành NH TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Nhiều tập
đoàn lớn trong nước cũng đã góp vốn để trở thành cổ đông chính của các NH. NHTMCP
Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Công
nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam
(VRG). Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng đã ký thoả
thuận hợp tác chiến lược với VNPT. EVN và Petro VN hiện đã có cổ phần lớn trong NH cổ
phần An Bình (ABBank) và Toàn Cầu (G-Bank). Nhiều NHTMCP cũng thi nhau đổi tên
cho “đẹp” hơn như NHTMCP Nông thôn Ninh Bình đổi thành NHTMCP Toàn Cầu (G-
Bank); NHTMCP Nông thôn Sông Kiên đổi thành NHTMCP Nam Việt (Navibank) – cổ
phần của các ngân hàng này hiện giao dịch rất sôi động trên thị trường OTC.

×