Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Vấn đề di cư lao động ở đấm phá tam giang

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.47 KB, 3 trang )

Vấn đề di cư lao động ở đấm phá Tam Giang -
Thừa Thiên Huế
1. Thực trạng di cư lao động
Những năm gần đây, ngư dân đầm phá đang đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế do tài nguyên
đầm phá đang cạn kiệt, dân số tăng, số người từ các nơi khác vào khai thác bừa bãi, tăng mật độ các
loại ngư cụ đánh bắt có tính huỷ diệt. Đặc biệt do trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nghề
nuôi trồng thuỷ sản đã xuất hiện và phát triển mạnh, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của ngư dân đầm
phá. Các chương trình, chính sách nuôi trồng thuỷ sản, được Nhà nước xem như là một định hướng
đúng đắn nhằm đạt được hai mục tiêu xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, tuy đã mang lại
một số hiệu quả kinh tế, xã hội, nhưng còn có hạn chế vì làm cho môi trường bất cập. Theo kết quả
nghiên cứu sinh kế do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Huế thực hiện tại xã Vinh Hà, huyện
Phú Vang, thì những năm gần đây do nhiều nguyên nhân, dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản (phần
lớn là nuôi tôm sú) xảy ra liên tục, khiến cho đời sống của các hộ ngư dân tham gia nuôi tôm, đi vào
cảnh thua lỗ, nợ nần (80% số hộ được phỏng vấn bị nợ ngân hàng, với món nợ trên 15 triệu đồng). Vì
thế, di cư lao động để kiếm sống, trở nên rất phổ biến tại xã Vinh Hà và một số xã khác ở vùng đầm
phá Tam Giang.
Toàn xã Vinh Hà có 2.010 hộ, 9.623 khẩu, trong đó số dân trong độ tuổi lao động (15-49 tuổi) chiếm
trên 6.500 người (Báo cáo Uỷ ban DSGĐTE tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là một lực lượng lao động dồi
dào của xã (bao gồm lao động phổ thông, làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và lao động nghề ngư
nghiệp khác). Tuy nhiên, do các nguyên nhân kể trên, một lực lượng lớn thanh niên bị sức ép kinh tế
gia đình và không có việc làm tại chỗ, đã đi làm ăn xa.
Theo điều tra riêng tại thôn Hà Giang (xã Vinh Hà), số thanh niên đi làm ăn xa ngày một tăng (Xem
biểu đồ di cư lao động). Trong 70 người được phỏng vấn (49 nữ, 21 nam từ 12 đến 28 tuổi), thì phần
lớn đi Sài Gòn làm hai việc chính: may áo gió 32/70) và giúp việc gia đình (24/70). Số còn lại đánh
giày, phụ thợ nề, làm bánh mì… Tất cả những người làm công nhân hoàn toàn không có hợp đồng lao
động và bảo hiểm xã hội. Ngoài đồng lương ít ỏi, họ không được hưởng một quyền lợi, chế độ nào
của một người lao động, theo quy định của Bộ luật Lao động và họ có thể bị sa thải bất cứ lúc nào.
2. Những vấn đề đặt ra từ di cư lao động
Thực tế cho thấy di cư lao động làm nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc. Cũng theo kết quả điều tra, một
công nhân may áo gió phải làm việc cho chủ 16 tiếng/ngày, với mức lương trung bình 300.000 đến
500.000 đồng/tháng (tính theo thâm niên làm việc). Họ được nghỉ về quê 10-15 ngày, nhưng không


được hưởng lương. Đối với số người đi giúp việc gia đình, thì cũng phải làm việc rất nhiều giờ trong
ngày, dưới áp lực tinh thần và thể xác hầu như cả ngày đêm (24/24 tiếng). Sau một năm lao động vất
vả, về ăn Tết họ mang theo tất cả số tiền dành dụm được đưa cho bố mẹ. Sang năm mới, họ lại đi làm
và tiếp tục cuộc sống như vậy. Cuối cùng, họ không có một vốn tài sản nào cho chính bản thân, kiến
thức, tiền bạc, quan hệ xã hội… đều là những con số không. Với các cô gái khi đến tuổi lấy chồng, về
lại quê hương họ phải bắt đầu cuộc đời với hai bàn tay trắng. Tương lai của các em ra sao, là điều mà
không ai dám đưa ra câu trả lời tích cực.
Vấn đề di cư lao động vừa là mối quan tâm của gia đình, vừa là một vấn đề bức xúc của xã hội. Đối
với gia đình, mặc dù nhận được khá nhiều tiền từ các con đi làm xa (mỗi gia đình nhận được từ 7 đến
10 triệu đồng/lần, có nhà 2, 3 con gái làm thợ may các cô gửi về từ 17 đến 20 triệu đồng/lần), nhưng
đời sống tinh thần, tình cảm của các thành viên trong gia đình bị tổn thương khá nặng nề. Hầu hết các
bậc cha mẹ được phỏng vấn, đều không dấu được nỗi thương cảm đối với con cái (“Thật sự cháu
đang phải “hy sinh” cho gia đình, chứ không được “sống “ thoải mái, tận hưởng hương vị ngọt bùi
của cuộc sống như bao bạn cùng trang lứa, đó là lời tâm sự của chị Quyên có con gái đi giúp việc ở
Sài Gòn). Cha mẹ ở quê thì thương nhớ con, các em nhỏ lại thiếu sự yêu thương, chăm sóc của anh
chị. Và chính những người xa quê hương còn thiếu thốn tình cảm gia đình, điều đó không có gì bù
đắp nổi.
Đối với xã hội, thì lực lượng lao động trẻ, đầy tiềm năng này là một tài sản, vốn quý đối với các vùng
nông thôn. Vậy tương lai ai sẽ là người làm chủ, để xây dựng quê hương và đưa quê hương thoát khỏi
cảnh nghèo đói? Mặt khác điểm đến của các em, thường là những thành phố lớn đang có chịu áp lực
về dân số rất lớn. Nên lực lượng này trở thành lao động phổ thông rẻ mạt của xã hội đô thị. Kiếm
được việc thì họ còn bị chèn ép, bóc lột…. Tạo cơ hội cho các phần tử xấu trong các chủ thể kinh tế
làm ăn bất chính. Hơn nữa nếu làn sóng di cư này ngày càng tăng, thì các thành phố lớn sẽ có thể
không kiểm soát nổi sự gia tăng dân số.
Một điều nữa đáng quan tâm là số người đi lao động xa gồm thanh niên nam nữ chưa có gia đình, họ
đều thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn. Phần lớn những người được phỏng vấn nói rằng, bao
cao su chỉ để phòng tránh thai. Vì vậy nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
(STDs), đặc biệt là HIV/AIDS (do quan hệ tình dục không an toàn, của lực lượng lao động di cư là rất
lớn. Đó là hiểm hoạ đang tiềm ẩn, tại chính địa phương có các thành viên đi xa lâu, khi họ trở về quê
hương và mang theo những mầm bệnh rồi lại truyền cho người khác, và phụ nữ là những đối tượng

có nguy cơ lây nhiễm cao hơn cả.
3. Đâu là giải pháp cho vấn đề di cư lao động
Thực trạng bức xúc trên đến nay vẫn chưa có cơ quan, tập thể, cá nhân nào tham gia và tìm ra giải
pháp phù hợp để giải quyết. Rõ ràng, việc xây dựng các giải pháp không thể một sớm một chiều mà
làm được. Nó đòi hỏi các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội trong và ngoài
nước cùng với chính quyền và nhân dân địa phương… phải nỗ lực tìm ra các giải pháp bền vững.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu phân tích sinh kế, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế,
ngư dân xã Vinh Hà cùng các bên liên quan đã đưa ra một số chiến lược cho giải pháp sinh kế bền
vững. Trong đó các mục tiêu đặt ra là phải giúp các hộ gia đình trong vùng đầm phá Tam Giang chính
sách dân số và kế hoạch hoá gia đình có các nghề làm ăn tạo thu nhập ổn định, lâu dài, không ảnh
hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Ngoài ra, cần phải hỗ trợ ngư dân tiếp cận công bằng đến nguồn
tài nguyên và nguồn lực xã hội. Với các chiến lược và mục tiêu này. Hy vọng nó có thể mang lại kết
quả nhất định, nhằm giải quyết cho vấn đề di cư lao động của thanh niên.
Thanh niên sẽ không ra đi nữa, nếu gia đình họ được hỗ trợ làm nghề nuôi tôm không thua lỗ và cho
lợi nhuận cao. Họ sẽ bằng lòng ở lại địa phương, nếu gia đình họ có thể duy trì diện tích mặt nước ở
đầm phá, bảo vệ và khai thác cá tôm để có thu nhập ổn định hằng ngày. Các nghề phụ như chăn nuôi,
trồng trọt, đan lát…. cũng có thể là một yếu tố lôi kéo họ trở lại địa phương. Ngoài ra, việc giúp họ
tiếp cận đến các nguồn lực xã hội như giáo dục, y tế, nước sạch, thông tin… là rất cần thiết. Đối với
thanh niên, việc hướng nghiệp, tạo việc làm tại chỗ cho họ, sẽ giúp họ định hướng cho mình được
một tương lai nghề nghiệp bền vững và phù hợp.

Quan trọng hơn nữa là các lực lượng này cần phải được hỗ trợ, để trở thành lực lượng lao động có tổ
chức, có đoàn thể… nhờ đó, họ có thể tự đứng ra thoả thuận với các chủ doanh nghiệp, để làm việc
trong điều kiện đảm bảo quy định của luật lao động hiện hành. Được lao động trong môi trường tốt,
không những đảm bảo sức khoẻ cho bản thân mà còn giúp họ có nhiều thời gian hơn cho việc xây
dựng các mối quan hệ xã hội, làm tăng cường vốn xã hội cho chính họ, cũng như giúp họ học hỏi,
trao đổi kiến thức để tham gia vào tiến trình phát triển.

Theo Tạp chí Dân số & Phát triển (số 5/2006), website Tổng cục Dân số & KHHGĐ
/>giang-thua-thien-hue.htm

×