TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP HCM
KHOA ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
LỚP KTPT – K19
TIỂU LUẬN MÔN HỌC KINH TẾ ĐÔ THỊ
PHÂN TÍCH QUY HOẠCH THÀNH PHỐ MỚI
BÌNH DƯƠNG
Giảng viên: TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan
Học viên: Lê Văn Phước
TP.HCM, THÁNG 08-2011
Giảng viên: TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan
Học viên: Lê Văn Phước
Đề tài:
PHÂN TÍCH QUY HOẠCH THÀNH PHỐ MỚI BÌNH DƯƠNG
1. Tổng quan quy hoạch thành phố mới Bình Dương
Thành phố mới Bình Dương khởi công xây dựng vào ngày 26/4/2010. Khu đô thị mới khoảng 1.000
ha nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương được quy hoạch thành một khu
đô thị văn minh, hiện đại, trở thành quận trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc trung ương
trong tương lai theo định hướng quy hoạch đến năm 2020. Khu liên hợp có diện tích 4.200 ha, trong
đó dành 2.000 ha xây dựng các khu công nghiệp - khu chế xuất; 900 ha dành cho phát triển khu
dịch vụ - giải trí cao cấp như: sân golf, trường đua ngựa, ô tô, trung tâm thương mại dịch vụ, tài
chính ngân hàng, trường đại học, đào tạo nghề, bệnh viện, khu điều dưỡng, khu nghỉ mát; 1.000
ha dành cho khu đô thị hiện đại, quy mô khoảng 120.000 dân. Phần đất này được dành cho các
nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở cao cấp, chung cư, văn phòng cho thuê, khu dân
cư, ký túc xá… UBND tỉnh Bình Dương hy vọng, khi khu liên hợp này hình thành sẽ tạo ra một
môi trường thu hút đầu tư lớn, hình thành khu công nghiệp - dịch vụ và đô thị hiện đại nhất Việt
Nam.
Đặc biệt nơi đây đã được Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chọn làm
trung tâm hành chánh tập trung của Tỉnh. Nhằm hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1/500 cho Khu đô thị mới
theo mô hình hiện đại, tiên tiến, Becamex IDC đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài là Viện nghiện cứu thiết
kế thuộc trường đại học quốc gia Singapore (NUS) để triển khai quy hoạch chi tiết.
Tháng 6 năm 2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ
1/500 theo quyết định số 2273/QĐ-UBND. Tháng 7 năm 2009 Tổng Công ty Becamex đã được UBND
tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án khu đô thị mới thuộc khu liên hợp theo quyết
định số 2717/QĐ-UBND.
Về vị trí, bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Bình Dương bao gồm phường Phú Mỹ, xã Định Hòa thuộc
Thị xã Thủ Dầu Một; xã Phú Chánh, xã Tân Hiệp, xã Tân Vĩnh Hiệp thuộc huyện Tân Uyên; xã Hòa Lợi
huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương.
Theo quy hoạch 1/500, Khu đô thị mới Bình Dương sẽ bao gồm các hạng mục:
1. Khu trung tâm hành chính tập trung của Thành phố Bình Dương, tạo thành nét mới trong việc cải cách
quản lý hành chính nhằm phục vụ hiệu quả hơn cho người dân;
2. Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao;
3. Trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán;
4. Văn phòng cho thuê, nhà hàng – khách sạn cao cấp;
5. Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học;
6. Các khu phục vụ cộng đồng như: quảng trường, công viên, hồ sinh thái, trung tâm văn hóa, nhà trẻ,
bệnh viện;
7. Các công trình hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống điện ngầm, hệ thống
liên lạc
Khu đô thị mới sẽ là trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn tỉnh. Một trung tâm đô thị
hiện đại, năng động, bền vững với đầy đủ các loại hình phát triển phục vụ cho khoảng trên 125.000 người
định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Để thực hiện theo quy hoạch trên,
Becamex IDC đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hệ thống giao thông công cộng được
kết nối dễ dàng với các tỉnh, thành lân cận, đồng thời tổ chức tiếp thị mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp trong
và ngoài nước có uy tín, kinh nghiệm, kỹ thuật, tiềm lực tài chính tham gia đầu tư các hạng mục thứ cấp
vào Khu đô thị. Khi hoàn thành xây dựng, khu đô thị mới này sẽ trở thành một thành phố thương mại,
công nghệ và dịch vụ, đáp ứng được các mục tiêu sau:
+ Thành phố mới phát triển dựa trên các tiêu chuẩn thiết kế đô thị hiện đại thân thiện với môi trường;
+ Cung cấp những dịch vụ tốt nhất;
+ Mô hình phát triển dựa trên các ý tưởng thiết kế mới và công nghệ mới nhằm thu hút các loại hình dịch
vụ mới công nghệ cao.
2. Nhận xét về quy hoạch thành phố mới Bình Dương
Về mặt tổng thể, thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ
và đô thị Bình Dương, được quy hoạch xây dựng hoàn toàn mới trên khu đất phần lớn là đất
nông nghiệp và rừng. Đây là mô hình thành phố đơn tâm với các đặc trưng về phân khu chức
năng, quy hoạch sử dụng đất, phân bổ lao động và việc làm, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối.
Thứ nhất, Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch phân khu chức năng rất rõ ràng và
khoa học. Nằm ở vị trí trung tâm là Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương có
diện tích gần 20 hecta. Quy mô công trình bao gồm: Tòa nhà trung tâm cao 21 tầng, các cơ quan trực
thuộc Trung ương (6 công trình riêng biệt chiều cao từ 4 -5 tầng), nhà khách cao 6 tầng, trung tâm
hội nghị cao 3 tầng…với tổng diện tích sàn 243.000 m
2
. Tòa nhà trung tâm là nơi làm việc của các
cơ quan của Đảng, chính quyền và các cơ quan khác như: Bảo hiểm xã hội, Cục thống kê, Cục thuế,
Tòa án…Một quảng trường rộng phía trước tòa nhà UBND tỉnh phục vụ vui chơi, sinh hoạt, sự
kiện. Tiếp nối phí trước là công viên với dòng suối đá dài bên cạnh dòng sông và khu thác nước
được thiết kế đẹp, lạ, hoành tráng đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn cho cư dân. Bên cạnh là Trung
tâm tiệc cưới Lucky Square – Địa điểm lý tưởng cho hội nghị, tiệc cưới tại thành phố mới. Khu công
viên công nghệ kỹ thuật cao Mapletree với diện tích lên đến 75 ha. Khu công nghệ kỹ thuật cao này có
mục đích chuyển giao công nghệ và quy trình kinh doanh hiện đại, phục vụ các doanh nghiệp kinh doanh
phát triển công nghệ cao, chế tạo thử và phát triển sản phẩm mới ; trường đại học Quốc tế Miền Đông
quy mô 24.000 sinh viên; bệnh viện quốc tế quy mô 1.000 giường; trung tâm thương mại, tài chính, ngân
hàng, văn phòng, khách sạn; khu sinh hoạt thể thao, trường đua ngựa sẽ là nơi làm việc, học tập, giải trí
và chăm sóc sức khỏe cho cư dân trong thành phố. Đặt biệt, các khu vực dân cư, đất ở được bố trí hài hòa
trong một không gian xanh bao gồm các khu nhà cao tầng IJC Acroma, TDC Plaza trong khu vực trung
tâm thành phố và các khu tái định cư liền kề các khu công nghiệp lớn bao quanh trung tâm thành phố. Tất
cả các phân khu chức năng có đầy đủ các tiện ích đáp ứng mọi nhu cầu của người dân trong một thành
phố tương lai.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các khu dân cư sát kề các khu công nghiệp nên có sự ảnh hưởng nhất định
về ô nhiễm không khí, nước ngầm và ngay cả tiếng ồn mặc dù có sự thuận lợi trong việc tạo việc làm, lợi
ích nhờ sự quần tụ doanh nhiệp, lợi ích từ lan tràn kiến thức và có sự chọn lọc ngành nghề, dự án giảm ô
nhiễm của chính quyền. Nhưng thực tế các khu dân cư đã bị ảnh hưởng.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng thành phố mới được thiết kế rất đồng bộ, hiện đại và bền vững. Các hệ thống
điện, điện thoại đặt ngầm giúp làm tăng vẽ mỹ quan và đảm bảo an toàn. Hệ thống thoát nước lớn, sâu
đảm bảo chống ngập. Đặt biệt là đường xá và giao thông kết nối thông suốt và thuận tiện. Có một đại lộ
Nguyễn Huệ xuyên thành phố gắn kết với hệ thống giao thông trong trong trung tâm. Sáu đường tạo lực
lớn kết nối thành phố với các vùng lân cận. Một đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn giúp lưu thông hàng
hóa nhanh chống từ khu liên hợp đến cảng Bình Dương. Đường Vành Đai 4 thành phố Hồ Chí Minh đi
qua khu liên hợp giúp kết nối với các tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh. Hai quốc lộ 13, 14 liền thành phố giúp
kết nối với cảng Sài Gòn, nhà gas, sân bay Tân Sơn Nhất. Giao thông trong thành phố mới chủ yếu là
đường bộ với phương tiện công cộng đã hình thành và việc hạn chế phương tiện cá nhân ở trung tâm tạo
cơ sở cho lưu thông thông suốt chống ùn tắt. Như vậy, hệ thống giao thông đồng bộ và đa dạng giúp giảm
chi phí và thời gian di chuyển góp phần thu hút đầu tư và chuyển đến sinh sống của cư dân. Thế nhưng,
do mặt đường rộng thoáng, các tín hiệu cảnh báo giao thông chưa hoàn chỉnh là nguyên nhân dẫn đến tai
nạn và đa phần rất nghiêm trọng. Phương tiện vận chuyển trong thành phố còn cũ kỹ và quá hạn tác động
khí thải ảnh hưởng môi trường. Thêm vào đó, chỗ đậu xe chưa được quan tâm thiết kế đúng mức có thể
ảnh hưởng đến chất lượng thành phố mà như các thành phố lớn khác của Việt Nam mắc phải.
Thứ ba, Việc phân bổ lao động và việc làm tương đối tốt. Một phần lao động sinh sống tại trung tâm
thành phố rất thuận lợi trong công việc vì có nhiều việc làm hình thành từ lĩnh vực dịch vụ như công chức
viên chức nhà nước, giáo dục, thương mại, tài chính ngân hàng, nhà hàng, từ lĩnh vực công nghiệp trong
khu kỹ thuật cao, các khu công nghiệp lớn hiện hành. Bên cạnh đó, khu công viên, quảng trường, nhà hát
sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí sau giờ làm việc. Một phần lao động ở các vùng ven di chuyển vào
thành phố làm việc cũng nhanh chống, thuận tiện do giao thông thông suốt tạo điều kiện tốt để thu hút lao
động kỹ thuật cao cũng như lao động khác. Mặc dù vậy, số lượng việc làm thì lớn nhưng chất lượng còn
thấp, điều kiện làm việc ở các khu công nghiệp còn nhiều hạn chế cùng với đó tiền lương chưa như mong
đợi. Người lao động phần đông là lao động phổ thông trình độ tay nghề chưa cao, ý thức kém, tệ nạn ma
túy, cướp giật tác động làm hạn chế hạ tầng xã hội. Mặt khác, hiện tượng thuê trọ phổ biến giải quyết chổ
ở cho công nhân nhưng chất lượng rất thấp, diện tích nhỏ hẹp, xây không quy hoạch làm ảnh hưởng đến
chất lượng sống và cảnh quan chung.
3. Một số khuyến nghị và kết luận
Một số khuyến nghị được đề xuất nhằm hoàn thiện quy hoạch Thành phố mới Bình Dương:
Thứ nhất, nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ các công ty trong khu công nghiệp và các
phương tiện giao thông. Thiết nghĩ chính quyền tăng cường quản lý chặt về tiêu chuẩn khí thải, nước thải,
chất thải rắn; chọn lọc các dự án mới với công nghệ tiên tiến ít ảnh hưởng môi trường, công ty có thiết bị
giảm thải và xử lý chất thải; qui định tiêu chuẩn khí thải và đăng kiểm cụ thể để hạn chế phương tiện quá
cũ kỹ, không an toàn.
Thứ hai, bên cạnh hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cần chú trọng phát triển hạ tầng xã hội.
Trong đó có thiết kế kiểu nhà chung và tiêu chuẩn phòng trọ ở các khu tái định cư tránh xây dựng tự phát
mất mỹ quan. Chính quyền quan tâm tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân phòng chống tệ nạn xã hội
và thực hiện lối sống văn minh đô thị.
Thứ ba, Thành phố phát triển chủ yếu căn hộ chung cư cao cấp, nhà phố liền kề mà ít quan tâm đến
nhà ở xã hội. Trong khi đại bộ phận dân cư sinh sống có thu nhập còn thấp không đủ điều kiện mua nhà
cũng như thuê với giá cao, họ là công chức, viên chức, công nhân lao động, sinh viên… Thiết nghĩ nhà
nước có chính sách quan tâm hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp về lãi suất, về miễn giảm tiền
sử dụng đất; có thiết kế quy hoạch hợp lý tránh sự cách biệt giữa các bộ phận dân cư; phối hợp giữa nhà
nước, sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện tại thị
trường bất động sản khá trầm lắng chưa thu hút mạnh mẽ người dân sinh sống vì vậy nhà nước cần tạo
điều kiện chính sách, cơ chế hỗ trợ thị trường.
Ngoài ra, việc quy hoạch thành phố chú trọng hơn về bãi đậu xe phương tiện cá nhân, nâng cao chất
lượng giao thông công cộng nhằm hướng người dân sử dụng chủ yếu loại phương tiện này.
Tóm lại, Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch khá hoàn thiện, đồng bộ và bền vững theo
hướng văn minh hiện đại. Khi hình thành nó sẽ là thành phố xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu người dân
và đưa Bình Dương lên thành phố loại I trực thuộc trung ương. Tuy trong quy hoạch cũng như quá trình
thực hiện chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố trong đó có yếu tố chưa hoàn thiện nhưng với sự quyết
tâm của chính quyền và nhân dân, Thành phố mới Bình Dương sẽ hoàn thành trong tương lai không xa.
Tài liệu tham khảo:
- O’ Sullivan, A. Urban economics. 6th Edition. McGraw-Hill Irwin, New York, NY. 2007
- Antier, G. Những chiến lược của các vùng đô thị lớn. Armand Colin, Paris, 2005
- Lịch sử quy hoạch đô thị, Bách khoa toàn thư Encyclopedia Britannica:
- Purdue, A. Economic consequences of the number of employment centers in urban areas. Unpublished
paper
- Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Khi lạm dụng công cụ quyền lực quy hoạch, Báo Đầu tư tài chính, 28/3/2011
- Các bài thuyết trình của các nhóm trong lớp cao học kinh tế phát triển – K19
- Các websites: www.becamex.com.vn, www.binhduong.gov.vn, www.khudothimoi.com.
Phụ lục:
Mô hình quy hoạch thiết kế kiến trúc thành phố mới Bình Dương
Nguồn: Becamex.com.vn