Tải bản đầy đủ (.pdf) (203 trang)

Nghiên cứu thành phần bọ xít bắt mồi và khả lợi dụng hai loài coranus fuscipennis reuter và coranus spiniscutis reuter trong quản lý tổng hợp sâu hại đậu rau tại vùng hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.69 MB, 203 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI


NGUYỄN DUY HỒNG


NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN BỌ XÍT BẮT MỒI
VÀ KHẢ NĂNG LỢI DỤNG HAI LOÀI Coranus fuscipennis
Reuter VÀ Coranus spiniscutis Reuter TRONG QUẢN LÝ
TỔNG HỢP SÂU HẠI ĐẬU RAU TẠI VÙNG HÀ NỘI



LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP


Chuyên ngành:
BẢO VỆ THỰC VẬT
Mã số:

62.62.10.01

Người hướng dẫn khoa học:
1. GS.TS. HÀ QUANG HÙNG
2. TS. TRƯƠNG XUÂN LAM


HÀ NỘI, 2012

i


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan rằng, số liệu và những kết quả nghiên cứu trong luận
án này là trung thực và chưa hề được sử dụng để bảo vệ một luận án nào.
Tôi cũng xin cam đoan rằng, mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận án
này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận án đều đã được chỉ
rõ nguồn gốc.
Hà Nội, ngày tháng năm 2012
Tác giả luận án





Nguyễn Duy Hồng


ii
LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận án này, tôi xin cảm ơn các thầy cô giáo trong Bộ
môn Côn trùng, Khoa nông học, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, các
cán bộ thuộc Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài
nguyên sinh vật đã giúp đỡ tận tình, đóng góp những ý kiến quý báu, đồng
thời cảm ơn sự hỗ trợ của đề tài cấp viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
mã số: VAST 08.01/11-12 đã hỗ trợ tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ
cho đề tài nghiên cứu.
Đặc biệt tôi xin cảm ơn GS.TS. Hà Quang Hùng và TS. Trương Xuân
Lam đã giành nhiều thời gian, trí tuệ, tận tình hướng dẫn trực tiếp trong suốt
quá trình nghiên cứu khoa học để hoàn thành luận án này.

Tôi xin trân trọng cảm ơn Khoa Nông học, Viện Đào tạo sau đại học,
Ban Giám hiệu, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; Ban Giám đốc Sở
Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã giúp đỡ tôi rất nhiều về cơ sở vật chất, các
điều kiện thực hiện đề tài và thủ tục hành chính để bảo vệ luận án.
Tôi xin cảm ơn các cán bộ KS. Hà Thị Bảy Viện sinh thái và Tài
nguyên sinh vật, KS. Lê Thị Công, KS. Nguyễn Văn Vinh, KS. Nguyễn Thị
Thuận, KS. Nguyễn Thị Phương, các Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức,
Phúc Thọ, Ba Vì, các xã thuộc huyện Hoài Đức, Mê Linh, Hoàng Mai, Hà
Đông, Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm, các đồng nghiệp trong và ngoài cơ quan đã
giúp đỡ tôi nuôi côn trùng, điều tra thu thập số liệu và đóng góp những ý kiến
bổ ích trong quá trình thực hiện luận án.
Hà Nội, ngày tháng năm 2012
Tác giả luận án


Nguyễn Duy Hồng

iii
MỤC LỤC
Trang
LỜI CAM ĐOAN i
LỜI CẢM ƠN ii
MỤC LỤC iii
DANH MỤC CÁC BẢNG vi
DANH MỤC CÁC HÌNH viii
MỞ ĐẦU 1
1. Tính cấp thiết của đề tài 1
2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài 4
2.1. Ý nghĩa khoa học 4
2.2. Ý nghĩa thực tiễn 4

3. Mục đích và yêu cầu của đề tài 4
3.1. Mục đích của đề tài 4
3.2. Yêu cầu của đề tài 5
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5
4.1. Đối tượng nghiên cứu 5
4.2. Phạm vi nghiên cứu 5
5. Những đóng góp mới của đề tài 6
Chương 1.
CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI VÀ TỔNG QUAN TÀI LIỆU 7
1.1. Cơ sở khoa học của đề tài 7
1.2. Tổng quan tài liệu 10
1.2.1. Tình hình nghiên cứu ở ngoài nước 10

1.2.2. Tình hình nghiên cứu ở trong nước 21
Chương 2. ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN, VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU
36
2.1. Địa điểm và thời gian nghiên cứu 36
2.2. Vật liệu và dụng cụ nghiên cứu 36

iv
2.2.1. Vật liệu nghiên cứu 36
2.2.2. Dụng cụ nghiên cứu 37
2.3. Nội dung nghiên cứu 37
2.4. Phương pháp nghiên cứu 38
2.4.1. Phương pháp nghiên cứu ngoài đồng ruộng 38
2.4.2. Phương pháp nghiên cứu trong phòng thí nghiệm 42
2.4.3. Phương pháp làm mẫu vật, bảo quản và định loại 46
2.4.4. Phương pháp xử lý số liệu 47
2.4.5. Các công thức tính toán 47

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
51
3.1. Thành phần các loài bọ xít bắt mồi trên sinh quần ruộng đậu rau 51
3.1.1. Thành phần các loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu rau 51
3.1.2. Tỷ lệ bắt gặp các loài thuộc nhóm bọ xít bắt mồi trên cây đậu
rau và trên một số cây trồng khác 53
3.1.3. Mức độ phổ biến của các loài thuộc nhóm bọ xít bắt mồi trên
cây đậu rau tại điểm nghiên cứu 54
3.2. Đặc điểm hình thái của hai loài bọ xít bắt mồi thuộc giống Coranus 57
3.2.1. Đặc điểm hình thái của loài Coranus fuscipennis Reuter 57
3.2.2. Đặc điểm hình thái của loài Coranus spiniscutis Reuter 63
3.3. Đặc điểm sinh học của hai loài bọ xít bắt mồi thuộc giống Coranus 68

3.3.1. Đặc điểm sinh học của loài Coranus fuscipennis Reuter, 1881 68
3.3.2. Đặc điểm sinh học của loài Coranus spiniscutis Reuter, 1881 77
3.4. Diễn biến mật độ của hai loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu rau năm
2010 và 2011 87
3.4.1. Diễn biến mật độ của hai loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu đũa
tại Hoài Đức, Hà Nội 87
3.4.2. Diễn biến mật độ của hai loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu trạch
ở Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 - 2011 92

v
3.4.3. Mối quan hệ giữa hai loài bọ xít bắt mồi với sâu hại trên đậu đũa 96
3.4.4. Ảnh hưởng của một số yếu tố sinh thái tới hai loài bọ xít bắt
mồi trên cây đậu rau 104
3.5. Đề xuất phương pháp nhân nuôi, bảo vệ, sử dụng loài Coranus
fuscipennis trong phòng trừ sâu hại đậu rau 112
3.5.1. Khả năng nhân nuôi loài C. fuscipennis trong phòng thí nghiệm 112
3.5.2. Đề xuất phương pháp lợi dụng, bảo vệ và sử dụng loài

C. fuscipennis và các loài bọ xít bắt mồi trong hạn chế sâu hại
đậu rau 118
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
123
Kết luận 123
Kiến nghị 125
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN
126
TÀI LIỆU THAM KHẢO 127
PHỤ LỤC 139

vi
DANH MỤC CÁC BẢNG
STT
Tên bảng
Trang

3.1. Thành phần các loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu rau tại vùng Hà Nội,
năm 2009-2011 51
3.2. Mức độ phổ biến của các loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu đũa tại
Hà Nội, năm 2009 - 2011 56
3.3. Kích thước của trứng và các tuổi thiếu trùng loài C. fuscipennis
(Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2010) 59
3.4. Các chỉ tiêu hình thái của trưởng thành đực loài C. fuscipennis
(Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2010) 61
3.5. Kích thước của trứng và các tuổi thiếu trùng loài C. spiniscutis
(Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2010) 64
3.6. Các chỉ tiêu hình thái của trưởng thành đực loài C. spiniscutis
(Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật năm 2010) 66

3.7. Thời gian phát dục và tỷ lệ nở của trứng loài C. fuscipennis (Phòng
Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 68
3.8. Thời gian phát dục của thiếu trùng loài C. fuscipennis (Phòng Côn
trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 70
3.9. Thời gian tiền đẻ trứng, số lượng trứng đẻ và thời gian sống của
trưởng thành loài C. fuscipennis (Phòng Côn trùng học thực
nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 72
3.10. Vòng đời của loài C. fuscipennis (Phòng Côn trùng học thực
nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 73
3.11. Khả năng ăn mồi của thiếu trùng loài C. fuscipennis (Phòng Côn
trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 75
3.12. Khả năng ăn mồi giai đoạn tiền đẻ trứng của trưởng thành cái loài
C. fuscipennis (Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái
& TNSV, 2010) 76

vii
3.13. Thời gian phát dục và tỷ lệ nở của trứng loài C. spiniscutis (Phòng
Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 78
3.14. Thời gian phát dục của thiếu trùng loài C. spiniscutis (Phòng Côn
trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 80
3.15. Thời gian tiền đẻ trứng, số lượng trứng đẻ và thời gian sống của
trưởng thành loài C. spiniscutis (Phòng Côn trùng học thực
nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 81
3.16. Vòng đời của loài C. spiniscutis (Phòng Côn trùng học thực
nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 82
3.17. Khả năng ăn mồi sâu non ngài gạo C. cephalonica của thiếu trùng
loài C. spiniscutis (Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh
thái & TNSV, 2010) 84
3.18. Khả năng ăn mồi của trưởng thành C. spiniscutis (Phòng Côn
trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 85

3.19. Thời gian phát dục ở các pha của thế hệ thứ hai loài
Coranus fuscipennis (Nhiệt độ: 20,4 - 30,1
o
C; ẩm độ: 71 - 83%)
(Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 113
3.20. Số lượng cá thể loài Coranus fuscipennis nuôi được từ một cặp
sau hai thế hệ nuôi bằng sâu non ngài gạo Corcyra cephalonica
(Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 114
3.21. Khả năng ăn mồi của các tuổi thiếu trùng thế hệ thứ hai loài
Coranus fuscipennis (Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện
Sinh thái & TNSV, 2010) 116
3.22. Thời gian sống và khả năng ăn sâu non ngài gạo Corcyra
cephalonica của trưởng thành thế hệ 2 loài Coranus fuscipennis
(Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & TNSV, 2010) 117

viii
DANH MỤC CÁC HÌNH
STT
Tên hình
Trang

3.1. Tỷ lệ bắt gặp các loài thuộc nhóm bọ xít bắt mồi trên một số cây
trồng ở vùng Hà Nội năm 2010 54
3.2. Đặc điểm hình thái của trứng và thiếu trùng loài C. fuscipennis 60
3.3. Trưởng thành và hình thái ngoài cơ quan sinh dục của loài
Coranus fuscipennis 62
3.4. Đặc điểm hình thái của trứng và thiếu trùng loài C. spiniscutis 65
3.5. Trưởng thành và hình thái ngoài cơ quan sinh dục của loài
C. spiniscutis Reuter 67
3.6. Diễn biến mật độ của tập hợp BXBM và hai loài C. fuscipennis

và C. spiniscutis trên cây đậu đũa tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 88
3.7. Tương quan mật độ giữa tập hợp các loài BXBM với loài
C. fuscipennis trên cây đậu đũa tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 89
3.8. Diễn biến mật độ của loài C. fuscipennis ở các thời vụ trên cây
đậu đũa tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 90
3.9. Diễn biến mật độ của tập hợp các loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu
trạch tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 93
3.10. Tương quan mật độ giữa tập hợp các loài BXBM với loài
C. fuscipennis trên cây đậu trạch tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 94
3.11. Diễn biến mật độ của loài C. fuscipennis ở các thời vụ
trên cây đậu trạch tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 - 2011 95
3.12. Diễn biến mật độ của tập hợp các loài bọ xít bắt mồi và tập hợp
sâu hại bộ cánh vảy trên đậu đũa tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 97
3.13. Tương quan mật độ giữa tập hợp các loài bọ xít bắt mồi với tập
hợp sâu hại bộ cánh vẩy ở các thời vụ trên cây đậu đũa tại Hoài
Đức, Hà Nội năm 2010 98

ix
3.14. Diễn biến mật độ bọ xít bắt mồi C. fuscipennis và sâu cuốn lá
đậu O. indicata trên cây đậu đũa tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 100
3.15. Tương quan mật độ giữa loài C. fuscipennis với sâu cuốn lá
O. indicata ở các thời vụ trên cây đậu đũa tại Hoài Đức, Hà Nội
năm 2010 102
3.16. Diễn biến mật độ loài C. fuscipennis và sâu đục quả đậu
M. vitrata trên cây đậu đũa tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 104
3.17. Ảnh hưởng của thuốc hóa học đến tỷ lệ chết của loài
C. fuscipennis (Phòng Sinh thái Côn trùng, ĐHNNHN, 2011) 105
3.18. Ảnh hưởng của số lần phun thuốc hóa học đến mật độ tập hợp
BXBM tại Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội năm 2011 107
3.19. Ảnh hưởng của thời vụ gieo trồng cây đậu đũa và đậu trạch đến mật

độ của tập hợp BXBM tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 - 2011 108
3.20. Ảnh hưởng của thời vụ gieo trồng đậu đũa và đậu trạch đến mật
độ loài C. fuscipennis tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2010 - 2011 109
3.21. Mật độ của loài C. fuscipennis trên đậu đũa trong và ngoài nhà
lưới tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội năm 2010 110
3.22. Mật độ của loài C. fuscipennis trên cây đậu đũa và cải bắp trong
nhà lưới tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội năm 2010 111
3.23. Vai trò của loài C. fuscipennis trong hạn chế sâu hại trên cây đậu
đũa vụ muộn tại Hoài Đức, Hà Nội năm 2011 119




1
MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Cây đậu rau là nguồn thực phẩm quan trọng không thể thiếu được trong
đời sống hàng ngày của mỗi gia đình, chúng cung cấp các chất như: Canxi,
Kali, Vitamin B6, Magie,…và nhiều loại Vitamin giúp nâng cao sức khỏe và
tăng sự đề kháng của con người. Các chủng loại rau nói chung, đậu rau nói
riêng còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (2009) [6] diện tích trồng rau của cả nước là
735.335 héc ta, năng suất đạt 161,6 tạ/ha và sản lượng là 11,86 triệu tấn/năm.
Trong các chủng loại rau thì đậu rau có một vai trò rất quan trọng. Hiện nay ở
Việt Nam có rất nhiều loại đậu rau được trồng gồm: đậu Hà Lan, đậu cove,
đậu đũa, đậu ván, đậu rồng, đậu ngọt, đậu trạch, Chúng là những loại cây
trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân và được gieo trồng
quanh năm ở tất cả các vùng chuyên canh rau. Tuy nhiên, giống như các loại
cây trồng khác, việc sản xuất cây đậu rau còn gặp rất nhiều rủi ro do sự tấn

công gây hại của nhiều loài dịch hại, trong đó các loài sâu, bệnh chính thường
xuất hiện phát sinh gây hại ở tất cả các vùng trồng đậu rau ở mọi thời vụ gieo
trồng. Chúng làm giảm năng suất, giá trị thương phẩm và chất lượng của cây
đậu rau.
Để phòng chống dịch hại bảo vệ cây đậu rau ở vùng Hà Nội, biện pháp
quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đã được người nông dân áp dụng khá mạnh,
song nhu cầu sử dụng hóa chất, phân bón và các chất điều tiết sinh trưởng vẫn
không ngừng gia tăng và trở thành một thói quen của họ trong công tác bảo vệ
cây rau. Việc gia tăng quá mức số lần sử dụng thuốc trừ sâu hoá học không
chỉ tiêu diệt các loài sâu hại, mà còn làm nhiều loài sâu hại chủ yếu tăng tính
kháng thuốc; một số loài sâu hại thứ yếu gia tăng số lượng và trở thành loài
hại chủ yếu, bên cạnh đó thuốc hóa học còn làm suy giảm tài nguyên thiên

2
địch của dịch hại trong tự nhiên. Nhiều loài côn trùng bắt mồi, côn trùng ký
sinh trước đây là loài thiên địch phổ biến có vai trò tích cực trong điều hòa số
lượng sâu hại chính trên rau, đến nay hoặc là biến mất hoặc chỉ xuất hiện với
số lượng và tần suất rất thấp không còn phát huy vai trò hạn chế sâu hại,
chẳng hạn các loài thuộc nhóm bọ xít bắt mồi, bọ rùa và bọ cánh cứng bắt mồi
khác. Nhiều loài côn trùng bắt mồi có sống sót sau khi phun thuốc hóa học,
khả năng sinh sản, tuổi thọ và tập tính bắt mồi của chúng còn bị ảnh hưởng
nghiêm trọng. Thêm vào đó sự đô thị hóa ngày càng tăng đã biến nhiều diện
tích trồng cây rau trong đó có cây đậu rau thành nhà ở, đường giao thông, nhà
máy sản xuất công nghiệp. Điều này làm cho nơi trú ngụ, trốn tránh cũng như
nguồn cung cấp thức ăn cho các loài côn trùng bắt mồi ngày càng bị thu hẹp.
Dẫn đến không chỉ mất cân bằng sinh thái tăng, mà còn làm ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tính đa dạng sinh học nhóm côn trùng bắt mồi.
Distant (1910) [51] cho rằng trong nhóm côn trùng bắt mồi sâu hại đậu
rau, các loài bọ xít bắt mồi (BXBM) thuộc bộ Heteroptera được biết là những
loài thiên địch quan trọng trên nhiều cây trồng nông nghiệp. Nhóm bọ xít bắt

mồi chủ yếu phải kể đến các loài thuộc họ bọ xít ăn sâu Reduviidae, họ bọ xít
giả ăn sâu Nabidae, các loài thuộc phân họ Asopinae (họ bọ xít năm cạnh
Pentatomidae) như: loài Andrallus spinidens, các loài thuộc giống
Cantheconidea, loài bọ xít Orius sauteri (họ bọ xít hoa Anthocoridae) và loài
bọ xít mù xanh Cyrtorhinus livipennis (họ bọ xít mù Miridae). Ở Việt Nam
trong một thời gian dài, chúng ta mới chỉ quan tâm nghiên cứu về thành phần
loài bọ xít bắt mồi, vai trò của một số loài quan trọng cùng với các đặc điểm
sinh học, sinh thái của chúng trên cây đậu tương, cây ngô, cây rau họ hoa thập
tự, còn ít quan tâm nghiên cứu trên cây đậu rau. Mặt khác vấn đề sản xuất rau
an toàn nói chung, cây đậu rau nói riêng đang là mối quan tâm hàng đầu của
nhiều vùng sản xuất rau trong cả nước đặc biệt vùng trồng rau ở Hà Nội và
phụ cận.

3
Việt Nam đã gia nhập AFTA và WTO, thách thức lớn nhất trong thời
gian này là chúng ta cần sản xuất và xuất khẩu rau an toàn đáp ứng nhu cầu
cao ở trong nước và thị trường thế giới. Trong mục tiêu phát triển nông
nghiệp hàng hoá bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện
với môi trường đến năm 2015 và định hướng đến 2020 của Việt Nam chỉ rõ
tất cả những vùng sản xuất rau an toàn, trong đó cây đậu rau phải được sản
xuất theo tiêu chuẩn GAP nhằm cung cấp các sản phẩm rau an toàn, đồng thời
phát triển bền vững vành đai xanh cũng như tạo vùng trồng rau an toàn cho
các đô thị ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng (dẫn theo Báo cáo sản xuất rau
an toàn ở Hà Nội của Sở NN & PTNT (2010) [29]. Chính vì vậy, biện pháp
sinh học phòng chống sâu hại chính trên đậu rau đang được quan tâm đặc
biệt. Để sử dụng các loài bọ xít bắt mồi một cách có hiệu quả trong quản lý
tổng hợp sâu hại đậu rau, ngoài việc duy trì, lợi dụng và bảo vệ chúng trên
cánh đồng chúng ta cần có những nghiên cứu đầy đủ hơn về đa dạng thành
phần loài, xác định đặc điểm sinh học, sinh thái học của loài phổ biến, cũng
như kỹ thuật nhân nuôi hàng loạt loài có ý nghĩa và thử nghiệm chúng trong

biện pháp sinh học phòng chống sâu hại trên đồng ruộng. Làm được điều này
không chỉ giúp tạo cơ sở khoa học đề xuất những biện pháp tốt nhất nhằm bảo
vệ, duy trì và lợi dụng tập hợp các loài thiên địch trong đó có nhóm bọ xít bắt
mồi trên cây đậu rau, mà còn kịp thời bổ sung số lượng thiếu hụt của chúng
khi bị tác động bởi yếu tố môi trường, nhất là sự tác động của con người, góp
phần bảo tồn nguồn gen hữu ích của các loài bọ xít bắt mồi quan trọng. Xuất
phát từ yêu cầu của khoa học, thực tiễn sản xuất đậu rau an toàn, chúng tôi thực
hiện đề tài: "Nghiên cứu thành phần bọ xít bắt mồi và khả lợi dụng hai loài
Coranus fuscipennis Reuter và Coranus spiniscutis Reuter trong quản lý tổng
hợp sâu hại đậu rau tại vùng Hà Nội".

4
2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
2.1. Ý nghĩa khoa học
- Xác định thành phần loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu rau, góp phần
bổ sung vào danh mục các loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu rau ở Việt Nam.
- Bổ sung những dẫn liệu khoa học về đặc điểm hình thái, sinh học,
sinh thái học, vai trò của hai loài bọ xít bắt mồi (Coranus fuscipennis Reuter
và Coranus spiniscutis Reuter) trong hệ sinh thái đồng trồng đậu rau, giúp
người trồng rau có nhận thức về chúng một cách hợp lý.
2.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Đề xuất phương pháp nhân nuôi hai loài bọ xít bắt mồi phổ biến
Coranus fuscipennis Reuter và Coranus spiniscutis Reuter nhằm sử dụng
chúng trong phòng chống sâu hại chính trên cây đậu rau ở Hà Nội.
- Xác định mối quan hệ giữa các loài bọ xít bắt mồi phổ biến và vật mồi
của chúng trên cây đậu rau, giúp người trồng rau nhận biết vai trò của hai loài
bọ xít bắt mồi.
- Cung cấp tài liệu khoa học cho nông dân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ
quản lý ở địa phương nhận biết, bảo vệ và lợi dụng các loài bọ xít bắt mồi để
phòng chống sâu hại đậu rau trong quá trình sản xuất rau an toàn.

3. Mục đích và yêu cầu của đề tài
3.1. Mục đích của đề tài
Trên cơ sở xác định thành phần loài bọ xít bắt mồi (BXBM) thuộc bộ
Cánh khác Heteroptera trên cây đậu rau, đặc điểm hình thái, sinh học, sinh
thái học của hai loài bọ xít bắt mồi Coranus fuscipennis Reuter và Coranus
spiniscutis Reuter, đề xuất khả năng bảo vệ, lợi dụng chúng trong quản lý
tổng hợp sâu hại chủ yếu (bộ cánh vảy Lepidoptera) trên đậu rau, góp phần
sản xuất đậu rau an toàn và bảo vệ môi trường.

5
3.2. Yêu cầu của đề tài
- Xác định được thành phần loài của các loài bọ xít bắt mồi (BXBM )
thuộc bộ Heteroptera trên cây đậu rau tại Hà Nội.
- Xác định được đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái học của hai loài
BXBM phổ biến Coranus fuscipennis Reuter và Coranus spiniscutis Reuter
và vai trò của chúng trong việc điều hoà số lượng sâu hại chính thuộc bộ
Lepidoptera trên cây đậu rau.
- Có kết quả điều tra diễn biến mật độ của Coranus fuscipennis Reuter
và Coranus spiniscutis Reuter và vật mồi của chúng (sâu hại chủ yếu thuộc bộ
Lepidoptera) trên cây đậu rau dưới ảnh hưởng của một số yếu tố sinh thái
(thời vụ gieo trồng, số lần phun thuốc và trồng rau trong nhà lưới) tại Hà Nội.
- Đề xuất được phương pháp nhân nuôi, bảo vệ, lợi dụng hai loài BXBM
Coranus fuscipennis Reuter và Coranus spiniscutis Reuter trong quản lý tổng
hợp sâu hại chủ yếu trên cây đậu rau.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Những loài bọ xít bắt mồi thuộc bộ Heteroptera;
- Các loài sâu hại chủ yếu thuộc bộ cánh vẩy Lepidoptera là vật mồi
của BXBM.
4.2. Phạm vi nghiên cứu

Điều tra, thu thập xác định thành phần loài, mức độ phổ biến, tần suất
xuất hiện, vị trí số lượng của các loài bọ xít bắt mồi thuộc bộ Heteroptera trên
cây đậu rau.
Xác định đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái, vai trò của hai loài bọ
xít bắt mồi Coranus fuscipennis Reuter và Coranus spiniscutis Reuter, mối
quan hệ giữa loài BXBM phổ biến với vật mồi của chúng (sâu hại chủ yếu

6
thuộc bộ Lepidoptera) trên cây đậu rau dưới ảnh hưởng của một số yếu tố
sinh thái.
Đề xuất phương pháp nhân nuôi và lợi dụng hai loài bọ xít bắt mồi phổ
biến phòng chống một số loài sâu chính hại đậu rau trong điều kiện thực
nghiệm.
5. Những đóng góp mới của đề tài
- Đề tài là công trình đầu tiên nghiên cứu tương đối đầy đủ về thành phần
loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu rau ở vùng Hà Nội và ghi nhận mới hai loài
cho khu hệ côn trùng bắt mồi trên sinh quần cây đậu rau ở Việt Nam gồm:
Campylomma chinensis Schuh và loài Proboscidocoris varicornis Jakovlev,
ghi nhận mới một loài Deraeocoris punctulatus Fallen vào danh mục bọ xít
bắt mồi trên cây đậu rau ở vùng nghiên cứu
- Cung cấp một số dẫn liệu mới về đặc điểm sinh học, sinh thái học của
hai loài bọ xít bắt mồi Coranus fuscipennis Reuter và Coranus spiniscutis
Reuter thuộc họ Reduviidae.


7
Chương 1
CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI VÀ TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1. Cơ sở khoa học của đề tài

Số lượng cá thể của những loài côn trùng bắt mồi, côn trùng ký sinh
trong tự nhiên là tài nguyên vô giá, dưới những điều kiện cho phép chúng
luôn có vai trò hạn chế tối đa số lượng sâu hại. Theo Vũ Quang Côn và ctv
(2001) [3] bảo vệ, phát triển và lợi dụng các thế năng sinh học của chúng trên
cơ sở điều hoà sinh quần đồng ruộng còn lớn hơn rất nhiều lần những quần
thể được nhân nuôi và thả ra từ các phòng thí nghiệm sinh học.
Trương Xuân Lam và ctv (2004) [18] cho rằng trong những loài thiên
địch của sâu hại cây trồng nói chung, sâu hại đậu rau nói riêng các loài côn
trùng bắt mồi trong đó phải kể đến nhóm bọ xít bắt mồi giữ vai trò quan
trọng. Vật mồi của các loài bọ xít bắt mồi là nhiều loại côn trùng gây hại trên
các cây trồng nông nghiệp, công nghiệp và lâm nghiệp quan trọng thuộc bộ
Cánh phấn (Lepidoptera), bộ Cánh khác (Heteroptera), bộ Cánh thẳng
(Othoptera).
Ở Việt Nam trên nhiều loại cây trồng đặc biệt cây rau sự tăng nhanh
cả về mức độ và phạm vi gây hại có liên quan với việc áp dụng các khoa
học kỹ thuật tiến bộ, như sử dụng giống mới, mở rộng canh tác, sử dụng
phân bón và đặc biệt việc lạm dụng thuốc hóa học trừ sâu. Trong đó cây
đậu rau là loại cây trồng thể hiện rõ nhất, dễ nhìn thấy và tác động tới sức
khỏe con người, vật nuôi trực tiếp, nhanh nhất. Việc phòng trừ sâu hại
trên cây đậu rau bằng biện pháp phun thuốc hóa học chỉ có tác dụng nhìn
thấy sâu hại chết ngay, tuy nhiên nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm
trọng cho sức khỏe cộng đồng. Xu hướng chính trong bảo vệ thực vật là
quản lý tổng hợp dịch hại cây trồng (IPM) mà việc sử dụng biện pháp sinh

8
học thay thế biện pháp sử dụng thuốc hoá học trừ sâu hại là then chốt,
trong đó những hướng đang được ưu tiên, quan tâm và ứng dụng rộng rãi
là bảo vệ, duy trì và lợi dụng các loài thiên địch, đồng thời nghiên cứu các
biện pháp để nhân nuôi thả chúng ra ngoài đồng ruộng.
Vũ Quang Côn và ctv (1994) [2] chỉ rõ đến nay Việt Nam đã có một số

thành công trong nghiên cứu ứng dụng và nhân thả một số loài côn trùng bắt
mồi trong việc phòng trừ sâu hại một số loại cây trồng, như sử dụng bọ xít bắt
mồi (Orius sauteri) phòng trừ bọ trĩ hại dưa chuột, lợi dụng bọ xít hoa bắt mồi
Cantheconidea furcellata phòng trừ sâu hại trên cây bông đay.
Trương Xuân Lam và ctv (2004) [18], Vũ Quang Côn và ctv (2007) [5]
cho rằng nghiên cứu và lợi dụng các loài bọ xít cổ ngỗng Sycanus falleni và
Sycanus croceovittatus phòng trừ một số loài sâu hại chính trên cây bông và
đậu tương ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, những nghiên cứu
này, nhất là nghiên cứu về nhân thả một số loài côn trùng bắt mồi trên cây đậu
rau còn chưa được quan tâm đúng mức, ngoại trừ một số nghiên cứu về sinh
học, sinh thái và vai trò của một số loài bọ rùa bắt mồi trong việc phòng trừ
rệp muội trên rau họ hoa thập tự.
Cây đậu rau là cây thực phẩm quan trọng trong đời sống con người và
càng ngày chứng tỏ là cây trồng có giá trị không chỉ trong vai trò là thức ăn
mà còn có giá trị bổ dưỡng, điều hòa cơ thể con người. Chính vì vậy, đậu rau
đã được trồng rộng rãi ở rất nhiều nơi trong cả nước nói chung và Hà Nội nói
riêng. Ở Hà Nội đang hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn
nhiều loại cây trồng trong đó có vùng trồng rau. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội
năm 2010 [29] có nhiều vùng sản xuất rau tập trung đang nhân rộng và phát
triển ở Ðông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Những năm gần đây cây
đậu rau thường xuyên bị một số loài sâu hại chính tấn công gây hại từ đầu vụ

9
đến cuối vụ, đã gây nên những tổn thất nặng nề cho vùng trồng đậu rau, một
số nơi năng suất chỉ còn đạt 8-10 tạ/ha, có lúc đã gây ra hiện tượng thiếu đậu
rau cung cấp cho thành phố Hà Nội và các vùng phụ cận.
Bùi Sĩ Doanh và ctv (1995) [7] cho rằng để bảo vệ cây đậu rau và tăng
năng suất, hiện nay ở các vùng trồng cây đậu rau ở Hà Nội, biện pháp được
sử dụng phổ biến nhất để trừ các loài sâu hại là sử dụng thuốc hóa học. Do
thời gian sinh trưởng của cây không dài, sâu hại nhiều nên người dân trồng

rau ở Hà Nội đã sử dụng nhiều loại thuốc hóa học có tính độc hại cao, có
loại không rõ nguồn gốc với số lần phun thuốc từ 8-10 lần/vụ đậu rau,
khoảng cách giữa các lần phun 5-7 ngày. Chính vì vậy, ảnh hưởng của thuốc
hóa học đã và đang để lại rất nhiều hậu quả trực tiếp cho người tiêu dùng,
hơn thế thuốc còn xâm nhập vào đất, nước, tồn dư trong sản phẩm gây lên
những ảnh hưởng lâu dài, phá vỡ cân bằng sinh thái và tiêu diệt nhiều loài
côn trùng có ích trên đồng ruộng, con người bị tổn hại sức khoẻ thông qua
nhiễm độc do hít thở và do nông sản nhiễm độc.
Theo Con Vu Quang et. al., (2001) [48] cho đến nay việc thương mại
hoá của các loại thuốc trừ sâu sinh học được sản xuất từ các tác nhân bản địa
hầu như chưa được phát triển, ngoại trừ một số thuốc như NPV, BT được
sản xuất và tiêu thụ ở mức độ thấp. Ngoài những cản trở trên, sự thiếu các
nguồn đầu tư chủ chốt là nguyên nhân rất căn bản. Vì vậy, chúng ta phải tìm
ra những biện pháp bảo vệ cây đậu rau nhưng hạn chế thấp nhất sự gây ô
nhiễm môi trường, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đem lại hiệu
quả kinh tế cao.
Nguyễn Văn Cảm (1994) [1] cho rằng một trong những biện pháp luôn
luôn được áp dụng đó là biện pháp sinh học, muốn thực hiện được biện pháp
này cần điều tra, nghiên cứu các loài thiên địch trong tự nhiên, đặc biệt các
loài côn trùng bắt mồi có vị trí rất quan trọng. Như chúng ta đã biết biện pháp

10
sinh học phòng chống sâu hại trước hết dựa vào việc sử dụng các loài thiên
địch có sẵn trong mỗi hệ sinh thái nông nghiệp.
Trương Xuân Lam và ctv (2004) [18] cho thấy trong những năm qua,
chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng như: cây lúa,
cây bông, cây đậu tương, cây ngô, cây lạc và cây rau (chủ yếu cây rau họ hoa
thập tự) đã được áp dụng, tuy nhiên việc điều tra các loài côn trùng bắt mồi
trong đó có các loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu rau chưa được tiến hành một
cách có hệ thống.

Muốn phát triển biện pháp sinh học để phòng chống sâu hại đạt hiệu
quả chúng ta cần xác định thành phần thiên địch của chúng, xác định đặc
điểm sinh học, sinh thái học của loài thiên địch có ý nghĩa, đặc biệt các
loài bắt mồi sâu hại trên các cây trồng trong hệ sinh thái đồng ruộng ở
nước ta, đặc biệt nhóm loài bọ xít bắt mồi trên cây đậu rau ở Hà Nội là rất
cần thiết. Chúng không những góp phần duy trì tính đa dạng sinh học, sự
cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn giảm thiểu số lần
phun thuốc hóa học ở các vùng trồng rau, nhằm nâng cao chất lượng sản
phẩm, tạo ra những sản phẩm đậu rau an toàn cung cấp cho Thủ đô Hà
Nội và vùng phụ cận.
1.2. Tổng quan tài liệu
1.2.1. Tình hình nghiên cứu ở ngoài nước
1.2.1.1. Nghiên cứu về thành phần loài của BXBM thuộc bộ Heteroptera
Trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển việc định danh thiên
địch nói chung các loài bắt mồi sâu hại nói riêng do các chuyên gia phân
loại tiến hành nên công việc có phần thuận lợi. Các kết quả nghiên cứu về
loài bọ xít bắt mồi (BXBM) phải kể đến những công trình nghiên cứu về
thành phần loài có liên quan tới khu hệ BXBM ở vùng Đông Phương - Ấn
Độ và các nước lân cận với Việt Nam mà điển hình là những nghiên cứu

11
của các tác giả Ấn Độ như Distant (1904, 1910) [50, 51] đã mô tả và phân
loại hình thái 422 loài bọ xít bắt mồi, trong đó 322 loài thuộc họ bọ xít ăn
sâu Reduviidae.
Ở Đông Dương, Vitalis (1919) [84] đã công bố 14 loài BXBM bao gồm
họ Reduviidae có 11 loài thuộc 9 giống, họ Nabidae có 1 loài, họ
Pentatomidae có 2 loài thuộc giống Cazira và Dalpada.
Dẫn theo Price (1975) [78] ở Trung Quốc cho đến năm 1971, đã ghi
nhận được 820 loài côn trùng bắt mồi trong đó có gần 200 loài thuộc nhóm bọ
xít bắt mồi.

Livingstone et al., (1992, 1998) [65, 66] đã xây dựng khóa định loại
cho phân họ và các giống của họ Reduviidae ở miền nam Ấn Độ, tác giả cũng
đã mô tả 82 loài thuộc họ bọ xít ăn sâu họ Reduviidae và mô tả chi tiết hình
thái của một số loài thuộc giống ghi nhận mới.
Masaaki (1993) [69] chỉ rõ trong 126 loài bọ xít trên cánh đồng ghi
nhận được ở Nhật bản, có 72 loài bọ xít bắt mồi được minh họa bằng hình ảnh
và mô tả một số con mồi của chúng.
Murugan and Livingstone., (1995) [72] xây dựng khóa định loại đến
loài của 65 loài bọ xít bắt mồi thuộc 8 họ và một số giống cũng đã được mô tả
chi tiết và minh họa bằng hình ảnh. Tác giả đã mô tả 7 giống ghi nhận mới
cho khu vực nghiên cứu.
Randall et al., (1995) [80] đã thống kê các loài bọ xít ăn sâu Reduviidae
trên thế giới cho rằng có khoảng 6500 loài thuộc 930 giống trong 22 phân họ.
Ishikawa and Tomokuni., (2004) [57] nghiên cứu mô tả chi tiết và
công bố cho khoa học giống mới Cosmosycanus.
Yu Jin yong et al., (2004) [89] đã mô tả và ghi nhân 1 giống mới
Duriocoris Miller thu thập ở Trung Quốc và mô tả một loài mới cho khoa học.

12
Yonglin Han et al., (2005) [88] cho rằng các loài thuộc giống
Duriocoris Miller ở Trung Quốc được nghiên cứu, trong đó 2 loài được ghi
nhận, mô tả, minh họa và xây dựng khoá định loại cho 2 loài của giống
này. Loài Duriocoris geniculatus đã được mô tả lại như một loài mới.
Ping Zhao et al., (2006 b) [77] đã phát hiện loài Maldonadocoris
annulipes Zhao, Yuan & Cai là loài mới thuộc phân họ Harpactorinae ở
Trung Quốc và mô tả, minh họa với mẫu chuẩn được lưu giữ ở bảo tàng
côn trùng học của trường Đại Học Nông Nghiệp Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ping Zhao et al., (2006 a) [76] loài Platerus pilcheri Distant được
công bố lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1903 và mô tả, minh họa với một
khoá định loại xây dựng cho giống này.

Các công trình nghiên cứu về thành phần loài của bọ xít bắt mồi ở một
số nước khác trên thế giới cũng đã được nhiều tác giả nghiên cứu như: China
and Miler., (1955) [47] đã ghi nhận 56 loài bọ xít ăn sâu thuộc họ Reduviidae
ở Anh và xây dựng khóa định tên cho các loài này.
Ishikawa Tadashi et al., (2005) [58] công bố 6 loài bọ xít bắt mồi thuộc
họ Reduviidae lần đầu tiên phát hiện ở Nhật Bản đó là: Ploiaria zhengi Cai &
Yiliyar, 2002 (Emesinae), Peirates atromaculatus (Stồl, 1871) (Peiratinae),
Caunus noctulus Hsiao, 1977, Oncocephalus impudicus Reuter, 1882,
Sastrapada robustoides P. V. Putshkov, 1987 (Stenopodainae) và Coranus
spiniscutis Reuter, 1881 (Harpactorinae).
1.2.1.2. Nghiên cứu các đặc điểm hình thái và sinh học của một số các loài
BXBM
Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái của các loài BXBM đầu tiên
phải kể đến nghiên cứu của Distant (1910) [51] mô tả hình thái của 322 loài
thuộc họ bọ xít ăn sâu Reduviidae, trong đó trưởng thành của 2 loài Coranus
fuscipennis Reuter, Coranus spiniscutis Reuter được mô tả chi tiết.

13
Miller (1956) [71] đã đưa ra một số dẫn liệu về đặc điểm hình thái
pha trưởng thành của 41 loài bọ xít bắt mồi thuộc họ bọ xít ăn sâu
Reduviidae, 4 loài thuộc họ bọ xít giả ăn sâu Nabidae, 1 loài thuộc họ bọ
xít đo nước Hydrometridae. Đồng thời chỉ rõ hình thái trứng của các loài
này, tác giả đã xây dựng khóa định loại cho 24 loài bọ xít bắt mồi thuộc họ
Reduviidae. Hình thái của thiếu trùng từ tuổi 1 đến tuổi 4 của 7 loài bọ xít
thuộc họ này cũng đã được tác giả mô tả (Dẫn theo Trương Xuân Lam,
2002a) [16].
Vennison and Ambrose., (1990) [83] cho thấy các loài BXBM thuộc
họ Reduviidae thường đẻ trứng tập trung, cấu tạo như hình giỏ cua với nắp
giỏ có tua vươn ra. Dựa vào hình thái trứng, tác giả cũng đã xây dựng khóa
định loại cho các loài thuộc 3 giống trong đó có các loài thuộc giống

Coranus.
Iman et al., (1986) [56] nghiên cứu về đặc điểm sinh học của một số
loài BXBM trong đó có hai loài thuộc giống Coranus (Coranus fuscipennis
Reuter và Coranus spiniscutis Reuter) cho thấy trong điều kiện phòng thí
nghiệm nhiệt độ 26 - 30
o
C và độ ẩm 82,67 ± 2% giai đoạn thiếu trùng của hai
loài bọ xít này phát dục khoảng từ 30-35 ngày với thức ăn là một số loài sâu
hại thuộc bộ cánh vẩy trên đậu tương và ngô.
Singh et al., (1989) [82] nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của loài
bọ xít nâu viền trắng (BXNVT) Andrallus spinidens Fabricius. Andrallus
spinidens (Asopinae: Pentatomidae) cho rằng vật mồi để nuôi loài bọ xít bắt
mồi này là sâu hại đậu tương Rivula sp. Trong điều kiện nhiệt độ 24 - 30
o
C,
ẩm độ 75 - 80%

phòng thí nghiệm tại Macthya (Banglades) vòng đời của loài
bọ xít nâu A. spinidens từ khi trứng nở đến khi trưởng thành đẻ trứng tương
ứng là 32 và 40 ngày.

14
Rao et al., (2006) [79] cho rằng thời gian phát dục của trứng BXNVT
trong điều kiện phòng thí nghiệm ở Ấn độ là 5,8 ngày; thiếu trùng tuổi 1, 2 là
3,2 ngày; tuổi 3 là 4,4 ngày; tuổi 4 là 4,2 ngày và tuổi 5 là 4,6 ngày, vòng đời
của BXNVT là 24,2 ngày.
Gupta et al., (2004) [53] khi nuôi Andrallus spinidens ở điều kiện
phòng thí nghiệm với nhiệt độ 30 ± 2
o
C, ẩm độ 70% cho thấy BXNVT đẻ từ 4

đến 8 ổ trứng, số trứng/ổ giao động từ 16 đến 71 quả, trung bình 41,2 trứng/ổ.
Javadi et al., (2005) [61] cho biết với thức ăn là loài sâu hại Chilo
suppressalis trong điều kiện phòng thí nghiệm nhiệt độ 23,18 ± 1
o
C, ẩm độ
92,57 ± 2% một con cái của loài Andrallus spinidens đẻ 241,66 ± 30,40
quả trứng.
Singh et al., (1989) [82] chỉ rõ một BXNVT cái đẻ 288 - 562 quả trứng
gồm 5 - 9 ổ, trung bình 34 - 87 quả trứng/ổ.
Theo Hideo Uematse (2006) [54] nuôi BXNVT ở nhiệt độ là 25°C,
nuôi theo nhóm 10 cá thể/hộp và thức ăn là ấu trùng tuổi 3 đến tuổi 5 của sâu
khoang Spodoptera litura. Kết quả cho thấy cứ 2 - 3 ngày BXNVT lại đẻ tiếp
1 ổ trứng, trung bình có 75,4 quả trứng/ổ và tổng số 499 trứng/1 con cái. Như
vậy với nhiệt độ nuôi khác nhau, con mồi và số cá thể/hộp nuôi khác nhau, sức
sinh sản của BXNVT nói riêng và BXBM nói chung khác nhau.
Amaral Filho et al., (1995) [44] đã nghiên cứu vòng đời của loài bọ xít
bắt mồi Apiomerus lanipes trong điều kiện phòng thí nghiệm ở Brazil (nhiệt
độ 26,25
o
C, ẩm độ 77,07%). Kết quả cho thấy, vòng đời của loài bọ xít bắt
mồi này trung bình 294,85 ngày, thời gian phát dục ở giai đoạn thiếu trùng
trung bình 260,02 ngày với thức ăn là trưởng thành của loài ruồi dấm
Drosophilla sp. và loài Ceratitis capitata.

15
Gupta et al., ( 2004) [53] nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của
loài bọ xít ăn sâu Zygogramma bicolorata cho thấy trong điều kiện phòng
thí nghiệm (nhiệt độ 26
o
C, ẩm độ 78%) vòng đời của loài bọ xít bắt mồi

này trung bình 184,85 ngày, thời gian phát dục ở giai đoạn thiếu trùng
trung bình 86,02 ngày với thức ăn là sâu non của một số loài sâu hại và
trưởng thành của của loài ruồi dấm Ceratitis capitata.
Theo Rao et al., (2006) [79] thời gian giao phối của BXNVT ở điều
kiện phòng thí nghiệm (Ấn Độ) là 1h25 phút (85 phút). Thời gian từ giao phối
đến đẻ trứng là 1 đến 3 ngày.
Javadi et al., (2005) [61] cho rằng ở điều kiện phòng thí nghiệm (có
nhiệt độ 23,18 ± 1
o
C, độ ẩm 92,57 ± 2%), thời gian giao phối trung bình của 1
cặp BXNVT là 160 ± 14,73 phút.
Ở Ấn Độ, Vennison et al., (1990) [83] khi nghiên cứu ảnh hưởng của
việc ghép đôi lên sự sinh sản và thời gian phát dục của trứng loài bọ xít bắt
mồi Coranus spiniscutis Reuter trong điều kiện phòng thí nghiệm có nhiệt độ
30 - 35
o
C, ẩm độ 75 - 85% với vật mồi là loài sâu xanh Helicoverpa
armigera. Kết quả cho thấy khi 1 con cái được ghép đôi với 3 đến 4 con đực
khác tuổi có thời gian đẻ trứng ngắn hơn so với thời gian đẻ trứng của một
con cái được ghép đôi với một con đực cùng tuổi, nhưng thời gian phát dục
của trứng và thiếu trùng lại dài ngày hơn.
Maria et al., (1999) [68] nghiên cứu về loài bọ xít bắt mồi Supputius
cincticeps (Stal) (Heteroptera: Pentatomidae) đã xác định được nhiệt độ khởi
điểm phát dục và tổng nhiệt hữu hiệu của pha trứng, thiếu trùng và vòng đời
của cá thể đực là 10,7; 11,0; 12
o
C và 84,6; 410,7; 440,1 độ ngày; tương ứng đối
với cá thể cái là 10,0; 12,0; 8,9
o
C và 88,2; 440,1; 643,1 độ ngày.

Geetha et al., (1992) [52] khi nghiên cứu một số đặc điểm sinh học
của loài bọ xít mù xanh bắt mồi Cyrtorhinus lividipennis (Reuter) trong

×