Cảnh huống đa ngữ trên địa bàn huyện Hòa An,
tỉnh Cao Bằng
Nguyễn Hoàng Lan
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Luận văn ThS ngành: Ngôn ngữ học; Mã số: 60 22 01
Người hướng dẫn: GS.TS. Nguyễn Văn Khang
Năm bảo vệ: 2010
Abstract: Hệ thống hóa lí luận của ngôn ngữ xã hội về đa ngữ. Giới thiệu khái
quát về đặc điểm ngôn ngữ-xã hội huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Khảo sát đặc
điểm tình hình sử dụng ngôn ngữ tại huyện Hòa An. Khảo sát đặc điểm tình hình
giáo dục ngôn ngữ tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng
Keywords: Ngôn ngữ học; Đa ngữ; Cao Bằng
Content
1. Lí do chọn đề tài, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
Nằm ở ngã ba đường của Đông Nam Á - nơi cửa ngõ nối Đông Nam Á lục địa
với Đông Nam Á hải đảo, giữa văn minh Trung Hoa phía bắc và văn minh Ấn Độ phía
tây, Việt Nam sớm trở thành nơi sinh tụ, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các bộ lạc, bộ tộc thuộc
nhiều thành phần nhân chủng, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Theo tài liệu chính
thức, trên lãnh thổ Việt Nam hiện có 54 dân tộc cùng sinh sống [4, tr. 1]. Trong đó
dân tộc Kinh chiếm 86.8% dân số cả nước, sống tập trung chủ yếu ở vùng châu thổ
sông Hồng, các đồng bằng ven biển miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và các
thành phố lớn. 53 dân tộc khác, tổng cộng hơn 13 triệu người, phân bố chủ yếu trên
các vùng núi (chiếm 2/3 lãnh thổ), trải dài từ Bắc vào Nam [44, tr. 15]. Có thể nói,
lịch sử của đất nước Việt Nam gắn liền với quá trình cộng cư, đan xen cả về kinh tế-
chính trị và văn hóa-xã hội của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ qua nhiều thế kỉ.
Điều này tạo nên bức tranh dân tộc-văn hóa-ngôn ngữ vô cùng đa dạng, phong phú và
cũng không kém phần phức tạp trên đất nước Việt Nam.
Cho đến nay vẫn chưa có một con số chính xác, đủ sức thuyết phục về số lượng
các ngôn ngữ ở Việt Nam, nhiều trường hợp chưa xác định rõ đó là ngôn ngữ dân tộc hay
chỉ là một biến thể địa phương (phương ngữ) nhưng trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta
thấy sự có mặt đầy đủ của các họ ngôn ngữ quan trọng nhất ngữ hệ Đông Nam Á là: Nam
Á, Thái-Kađai, Nam Đảo, Mông-Dao, Hán-Tạng. Sự hội tụ này, nói như nhà ngôn ngữ
học người Nga V.B. Kasevich, đã tạo nên “một thiên đường ngôn ngữ học” trên đất nước
Việt Nam, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế
giới.
Trong Lời nói đầu cuốn “Language in contact” của U.Weinreich, A. Martinet đã
viết: “Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải nhấn mạnh rằng: Một cộng đồng ngôn ngữ không
bao giờ đồng nhất và khép kín” [dẫn theo 16, tr. 1]. Thật vậy, các cộng đồng ngôn ngữ trên
lãnh thổ Việt Nam, dù có cùng nguồn gốc hay không thì trong quá trình tiếp xúc lâu dài,
những ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau trên nhiều cấp độ, từ ngữ âm đến từ vựng,
ngữ pháp là điều không tránh khỏi và ảnh hưởng đó có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Ở
mặt tích cực, sự tiếp xúc ngôn ngữ sẽ góp phần làm phong phú hơn vốn từ vựng của các
ngôn ngữ; nhiều cách diễn đạt mới, nhiều cấu trúc ngôn ngữ mới cũng sẽ được hình
thành. Bên cạnh những mặt tích cực, sự tiếp xúc ngôn ngữ, trong một chừng mực nào đó
cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực. Vì có sự khác biệt giữa các ngôn ngữ, giữa
các cộng đồng dân tộc sử dụng các ngôn ngữ khác nhau trên một địa bàn nhất định nên
việc giao lưu văn hóa, tình cảm giữa các dân tộc bị hạn chế; việc truyền đạt chủ trương,
đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào các dân tộc là
hết sức khó khăn; việc ứng dụng các thành tựu khoa học cũng như việc bảo tồn, giữ gìn
những giá trị văn hóa truyền thống gặp rất nhiều trở ngại… Chính vì vậy, trong chiến
lược phát triển của mỗi quốc gia không thể thiếu được chính sách dân tộc (trong đó có
chính sách ngôn ngữ) đúng đắn, để định hướng cho sự phát triển của các dân tộc cũng
như sự phát triển của các ngôn ngữ trên lãnh thổ quốc gia đó.
Nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong bối cảnh quốc gia đa dân tộc,
đa ngôn ngữ, Đảng và Nhà nước ta khi đề ra các chính sách phát triển cho đồng bào các
dân tộc thiểu số đã sớm chú trọng đến chính sách ngôn ngữ. Ngay từ năm 1935, trong
Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã
xác định: “Mỗi dân tộc… được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh
tế và văn hóa của mình” [14, tr. 73]. Chủ trương đó đã được quán triệt xuyên suốt các
giai đoạn cách mạng của dân tộc, cụ thể: Nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ V, khoá
VIII của Đảng xác định: “… Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi
đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng
bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của
dân tộc mình” [13, tr. 65-66]; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tiếp tục
khẳng định: “Ngoài tiếng phổ thông, các dân tộc có chữ viết riêng được khuyến khích học
chữ dân tộc… dùng tiếng nói dân tộc và chữ viết của các dân tộc có chữ viết trên các
phương tiện thông tin đại chúng ở vùng dân tộc” [15, tr. 115].
Chủ trương, đường lối của Đảng về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân
tộc thiểu số đã được thể chế hoá trong Hiến pháp, các luật và nhiều văn bản quy phạm
pháp luật. Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 viết:
“Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy
những phong tục, tập quán truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình” [21, tr. 138]. Các
bộ luật, các luật như: Luật giáo dục, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Bộ luật tố tụng hình
sự, Luật toà án, Luật báo chí, Luật xuất bản… đều ghi nhận rõ ràng, cụ thể về quyền sử
dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.
Năm 1961, Chính phủ có Nghị định số 206/CP ngày 27/11/1961 phê chuẩn các
phương án chữ Tày - Nùng, chữ Mèo, chữ Thái cải tiến đồng thời quy định phạm vi,
mức độ sử dụng 3 thứ chữ đó. Năm 1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số
153/CP ngày 20/8/1969 về việc xây dựng, cải tiến và sử dụng chữ viết các dân tộc
thiểu số trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của các ngành và các địa phương trong
việc xây dựng và phổ biến chữ dân tộc. Ngày 22/2/1980, Hội đồng Chính phủ tiếp tục
có Quyết định số 53/CP về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số. Quyết
định nêu rõ: “Tiếng và chữ phổ thông là ngôn ngữ chung của cộng đồng dân tộc Việt
Nam. Nó là phương tiện giao lưu không thể thiếu được giữa các địa phương và các
dân tộc trong cả nước, giúp cho các địa phương và các dân tộc có thể phát triển đồng
đều các mặt kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật… tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân
và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc. Vì vậy, mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ và
quyền lợi học tập và sử dụng tiếng và chữ phổ thông.
Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của các
dân tộc đó, vừa là tài sản văn hoá chung của cả nước. Ở các vùng dân tộc thiểu số, tiếng
và chữ dân tộc được dùng đồng thời với tiếng và chữ phổ thông.
Cùng với chữ phổ thông, chữ dân tộc tham gia vào nhiều mặt hoạt động ở vùng
đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là trong việc giữ gìn và phát triển vốn văn hoá của
các dân tộc. Vì thế, đi đôi với việc hoàn thành phổ cập tiếng và chữ phổ thông, cần ra
sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số xây dựng mới hoặc cải tiến chữ viết của từng dân
tộc…”.
Nhìn chung, có thể khẳng định rằng chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước
Việt Nam đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là đúng và căn bản. Nó đã đáp ứng được
các vấn đề dân tộc và ngôn ngữ ở Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây
dựng Tổ quốc. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điều bất cập: "Các chủ
trương của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ dân tộc thường chỉ dừng lại ở những tư
tưởng, những luận điểm chung nhất, thiếu hẳn các kế hoạch, các chương trình mục tiêu
và hệ thống các biện pháp cụ thể cùng các hình thức tổ chức thực hiện thích hợp với từng
khu vực, từng dân tộc, đặc biệt là thiếu hẳn một đội ngũ cán bộ được chuẩn bị về kiến
thức và phương pháp, sau cùng là một chế độ kiểm tra, đánh giá ở cấp Nhà nước, để
triển khai" [52, tr. 30].
Để khắc phục những bất cập ấy, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của
Nhà nước phải đi đôi với những nghiên cứu, khảo sát thực tế về các vấn đề liên quan đến
ngôn ngữ các dân tộc thiểu số để ngôn ngữ các dân tộc thiểu số có sự ổn định, vững chắc,
tạo tiền đề cho những lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa… ngày càng đạt được nhiều
thành tựu. Luận văn cao học về Cảnh huống đa ngữ trên địa bàn huyện Hoà An, tỉnh
Cao Bằng được lựa chọn nhằm mục đích đó. Thông qua khảo sát tình hình đa ngữ tại
một địa bàn cụ thể, luận văn góp phần làm rõ thêm các lí thuyết ngôn ngữ học xã hội của
hiện tượng đa ngữ vốn phát triển mạnh trong và ngoài nước những năm gần đây; khảo sát
và tìm ra những nhân tố xã hội ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc giữa các ngôn ngữ ở
Việt Nam nói chung và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đa ngữ tại địa phương nói
riêng. Đề tài cũng nhằm góp một phần phục vụ cho những chính sách ngôn ngữ và dân
tộc đang là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Với những mục đích đó,
luận văn xác định những nhiệm vụ sau:
1/ Hệ thống hóa lí luận của ngôn ngữ học xã hội về đa ngữ.
2/ Giới thiệu khái quát về đặc điểm ngôn ngữ-xã hội huyện Hòa An, tỉnh Cao
Bằng.
3/ Khảo sát đặc điểm tình hình sử dụng ngôn ngữ tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
4/ Khảo sát đặc điểm tình hình giáo dục ngôn ngữ tại huyện Hòa An, tỉnh Cao
Bằng.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Đa ngữ là hiện tượng ngôn ngữ phổ biến ở các quốc gia trên thế giới Hiện
tượng này ở Việt Nam đã từng được nghiên cứu nhiều và cũng đã có những thành tựu
bước đầu đáng kể. Các công trình, từ lí luận đến thực tiễn, từ khái quát đến cụ thể, từ
đơn giản đến phức tạp đã mở ra không gian đầy màu sắc, phong phú, đa dạng nhưng
cũng không kém phần phức tạp về hiện tượng đa ngữ.
Ngay từ rất sớm, trong địa hạt nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đã có sự
góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, với nhiều công trình có giá trị như: Giới thiệu một
bức tranh chung về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Phạm Đức Dương, 1978;
Hoàng Tuệ, 1981; Như Ý, 1992; Trần Trí Dõi, 1997;…); Nghiên cứu, khảo sát cảnh
huống ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (Hoàng Văn Hành, 2002; Lý Toàn
Thắng - Nguyễn Văn Lợi, 2002; Nguyễn Văn Khang, 2003); Nghiên cứu về chữ viết của
ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (Hoàng Văn Mãn, 1959; Hoàng Tuệ, 1985; Tạ Văn Thông,
2002); Khảo sát vấn đề giáo dục song ngữ vùng dân tộc thiểu số Việt Nam (Trần Trí Dõi,
2003; Đinh Lê Thư, 2005; Bùi Ngọc Diệp, 1999); Nghiên cứu vấn đề sử dụng ngôn ngữ
và giao tiếp trong xã hội đa ngữ ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam (Nguyễn Văn Khang,
2003; Nguyễn Thị Thanh Bình, 2004; Nguyễn Hữu Hoành, 2002; Tạ Văn Thông,
2002);…
Dựa trên những lí luận chung về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, nhiều ngôn ngữ
các dân tộc đã được quan tâm nghiên cứu. Có thể nói rằng, hầu như các ngôn ngữ dân tộc
thiểu số ở nước ta đều đã được quan tâm, dù ít, dù nhiều. Có thể kể đến các công trình
như: Tiếng Tày Nùng (Hoàng Văn Ma, 2002; Lục Văn Pảo, 1970; Vương Toàn, 1986;
Đặng Thanh Phương, 2001); Tiếng Thái (Tòng Kim Ân, 1977; Hoàng Văn Ma, 1986;
Trần Trí Dõi, 1998; Vũ Bá Hùng - Phạm Văn Hảo - Hà Quang Năng, 2002); Tiếng Bru-
Vân Kiều (Hoàng Văn Ma - Tạ Văn Thông, 1998); tiếng KaTu (Nguyễn Hữu Hoành -
Nguyễn Văn Lợi, 1998); Tiếng Khmer (Phan Xuân Biên, 1995); Tiếng Mường (Nguyễn
Văn Tài, 1992; Nguyễn Văn Khang, 2002)…
Cùng với việc nghiên cứu, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn
và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc, việc biên soạn sách giáo khoa ngôn ngữ dân tộc
hoặc các từ điển song ngữ tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số cũng lần lượt được xuất bản.
Ví dụ: Từ điển Thái - Việt của Tòng Kim Ân, 1990; Từ điển Tày - Nùng - Việt của
Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí, 1971; Từ điển Việt - Tày - Nùng của Hoàng
Văn Ma, Lục Văn Pảo, 1984; Từ điển Chăm - Việt của Bùi Khánh Thế (chủ biên), 1996);
Từ điển Việt - Mông của Phan Xuân Thành, 1999; Từ điển Mường - Việt của Nguyễn
Văn Khang (chủ biên), 2003…
Các công trình kể trên vừa cho ta thấy được phần nào bức tranh đa ngữ ở các vùng
dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời các công trình ấy cũng đóng góp rất
nhiều những giải pháp, kiến nghị thiết thực cho sự nghiệp phát triển giáo dục, văn hoá
vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều đặc biệt là nhiều công trình đã có sự tham gia
tích cực của các nhà nghiên cứu người dân tộc mà những đóng góp của họ không chỉ có
giá trị thực tiễn mà còn có giá trị khoa học cao.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là so với các đề tài ngôn ngữ học nói
chung, số lượng các đề tài nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc còn quá ít. Hơn nữa, ngay
trong các đề tài nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thì các đề tài thuộc phân ngành ngôn ngữ
học xã hội lại càng ít hơn. Bởi thế, mặc dù không phải là một đề tài mới nhưng với việc
khảo sát tình hình sử dụng ngôn ngữ trên một địa bàn chưa có nghiên cứu nào trước đây
tìm hiểu, đề tài luận văn của chúng tôi sẽ đóng góp thêm những tư liệu cụ thể cho
những nghiên cứu ở tầm vĩ mô - những nghiên cứu sẽ góp phần giúp Đảng và Nhà nước
hoạch định được chính sách bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cũng như
đề ra được những chiến lược phát triển chung cho các dân tộc thiểu số trên đất nước
Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Như đã nói ở trên, luận văn của chúng tôi tập trung xem xét cảnh huống đa ngữ
ngôn ngữ trên địa bàn huyện Hòa An thuộc tỉnh Cao Bằng - một tỉnh miền núi, biên giới
còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội cũng như văn hóa, ngôn ngữ Địa
bàn Hòa An mà chúng tôi chọn khảo sát là một huyện trung tâm của tỉnh, có diện tích
rộng, tập trung nhiều thành phần dân tộc, đặc biệt là Tày, Nùng, Mông… Tuy vậy, do hạn
chế trong khuôn khổ một luận văn, chúng tôi không chọn đối tượng khảo sát là toàn địa
bàn huyện Hòa An mà tập trung vào xem xét cảnh huống đa ngữ tại xã Bình Dương - xã
đặc biệt khó khăn của huyện và trực tiếp là bản Khuổi Rỳ. Việc lựa chọn địa bàn nghiên
cứu ngoài những lí do cá nhân, chúng tôi còn thấy nhiều điểm thú vị, đáng quan tâm
trong cảnh huống ngôn ngữ nói chung và ở từng cá nhân đa ngữ nói riêng trên địa bàn
(Xem mục 2.1).
Đối tượng mà chúng tôi chọn khảo sát tình hình giáo dục đa ngữ trên địa bàn là
toàn bộ học sinh và giáo viên Trường PTCS Bình Dương, xã Bình Dương. Ngoài ra,
chúng tôi cũng tiến hành khảo sát việc sử dụng ngôn ngữ ở lứa tuổi tiền học đường tại lớp
mẫu giáo của xã (với 26 học sinh) để thấy được quá trình phát triển của giáo dục đa ngữ,
cũng như tìm ra giải pháp thích hợp nhất cho giáo dục đa ngữ trên địa bàn.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Trên cơ sở khoanh vùng những đối tượng khảo sát như trên, chúng tôi tiến hành
khảo sát theo những phạm vi chủ yếu sau:
1/ Khảo sát ý thức tự giác tộc người, năng lực ngôn ngữ, đặc điểm giao tiếp ngôn
ngữ trong gia đình và ngoài xã hội của người dân bản Khuổi Rỳ.
2/ Khảo sát thực tế của ngôn ngữ dạy học trong nhà trường, khả năng tiếp thu và
sử dụng ngôn ngữ của học sinh, thái độ ngôn ngữ của học sinh và phụ huynh học sinh về
vấn đề dạy học tiếng Việt và tiếng dân tộc hiện nay.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp điều tra điền dã
Đề tài luận văn của chúng tôi liên quan đến những đối tượng ở một địa bàn cụ thể,
bởi vậy yêu cầu không thể thiếu đó là phải khảo sát trực tiếp, tiến hành điều tra điền dã
thực tế để thu thập các tư liệu liên quan đến cảnh huống ngôn ngữ ở địa bàn.
Phương pháp đầu tiên và cũng là phương pháp cơ sở cho toàn bộ luận văn là
phương pháp điều tra điền dã. Trước tiên, chúng tôi điều tra sơ bộ để xác định quy mô
đối tượng khảo sát, chuẩn bị đầy đủ phiếu khảo sát theo từng đối tượng. Sau đó chúng tôi
tiến hành phát phiếu điều tra đến từng đối tượng và hướng dẫn họ điền đầy đủ thông tin
vào các phiếu khảo sát.
Bên cạnh đó, luận văn còn tiếp cận vấn đề thông qua phương pháp phỏng vấn sâu
một số đối tượng tiêu biểu cho một số vấn đề liên quan đến đề tài: Trên cơ sở tiến hành
điều tra sơ bộ và điều tra bằng phiếu hỏi với từng đối tượng, chúng tôi chọn ra một số đối
tượng quan trọng và tiến hành tiếp xúc với họ để lấy thông tin. Phương pháp phỏng vấn
sâu tuy ít nhiều mang tính chủ quan, võ đoán của người miêu tả nhưng đây là hướng tiếp
cận quan trọng để từ đó rút ra những kết luận, vừa có thể minh họa, vừa có thể kiểm
chứng những kết quả thu được từ các phiếu hỏi. Việc tiếp xúc, phỏng vấn đối tượng học
sinh lớp 1, 2 mất rất nhiều thời gian và công sức. Các em có khả năng sử dụng tiếng Việt
còn hạn chế, lại ít giao tiếp với người ngoài nên rất rụt rè, chúng tôi phải nhờ đến giáo
viên sử dụng đa ngữ mới hỏi được tình hình sử dụng ngôn ngữ của các đối tượng này.
4.2. Phương pháp xử lí tư liệu
Bước tiếp theo, dựa trên mục đích, yêu cầu của đề tài luận văn, chúng tôi tiếp tục
thống kê các thông tin về năng lực ngôn ngữ, đặc điểm giao tiếp, ý thức tự giác tộc
người… theo các tiêu chí thành phần dân tộc, giới tính, độ tuổi… Cuối cùng, chúng tôi
phân tích và so sánh các số liệu để làm nổi bật cảnh huống đa ngữ của địa bàn nghiên
cứu.
Tóm lại, những phương pháp chính mà chúng tôi sử dụng trong luận văn này là:
1. Phương pháp điều tra điền dã.
2. Phương pháp thống kê.
3. Phương pháp miêu tả.
4. Phương pháp phân tích.
5. Phương pháp so sánh.
5. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung luận văn của chúng tôi thể hiện trong 3
chương chính sau:
Chương 1: Cơ sở lí luận
Chương 2: Tình hình sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp tại huyện Hoà An, tỉnh
Cao Bằng
Chương 3: Tình hình giáo dục ngôn ngữ tại huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng
References
1. Tòng Kim Ân (1993), Chữ dân tộc cần được phổ biến và sử dụng rộng rãi trong đời
sống xã hội của các dân tộc ở Việt Nam, trong Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở
Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 62-77.
2. Nguyễn Trọng Báu (2005), Chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Tạp chí Dân
tộc và thời đại, số 76, tr. 2-5.
3. Bộ giáo dục và đào tạo (2001), Nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường phổ thông
dân tộc nội trú, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
4. Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam: />.html
5. Phan Hữu Dật (1998), Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia
Hà Nội.
6. Bùi Thị Ngọc Diệp (1999), Vấn đề dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc cho học sinh dân
tộc thiểu số trong trường tiểu học Việt Nam, Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo song ngữ do
Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức tại Ninh Thuận.
7. Khổng Diễn (1995), Dân số và dân số tộc người ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội.
8. Khổng Diễn (1993), Về vấn đề chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong
Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.
105-115.
9. Trần Trí Dõi (1999), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Đại
học Quốc gia Hà Nội.
10. Trần Trí Dõi (2001), Khảo sát nhu cầu tiếp nhận giáo dục tiếng mẹ đẻ ở một vài dân
tộc thiểu số một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tạp chí Ngôn ngữ, số 11, tr. 31-36.
11. Trần Trí Dõi – Nguyễn Văn Thiện (2001), Tính thực tiễn trong chính sách giáo dục
ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta đối với vùng dân tộc thiểu số, Tạp chí Ngôn ngữ
và đời sống, số 10, tr. 13-18.
12. Trần Trí Dõi (2003), Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành
trung ương khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập (tập 5), Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
16. Đinh Lư Giang (2003), Tình hình song ngữ Việt – Khmer tại Sóc Trăng (trường hợp
ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu), Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa
học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
17. Nguyễn Thiện Giáp (2006), Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử,
Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, tr. 1-10.
18. M.A.K Halliday (1991), Khái niệm ngữ cảnh trong giáo dục ngôn ngữ, Tạp chí Ngôn
ngữ, số 4, tr. 19-33.
19. Hoàng Văn Hành (1994), Mấy vấn đề giáo dục ngôn ngữ và phát triển văn hoá vùng đồng
bào các dân tộc thiểu số, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, tr. 1-7.
20. Hoàng Văn Hành… (2002), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội.
21. Hiến pháp Việt Nam (1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
22. Nguyễn Hữu Hoành (1997), Tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Hmông, Tạp chí
Ngôn ngữ, số 1, tr. 53–61.
23. Nguyễn Hữu Hoành (2003), Tình hình giao tiếp ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số
trên địa bàn Noọng Lay, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, tr. 65-74.
24. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội – Những vấn đề cơ bản, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội.
25. Nguyễn Văn Khang (1999), Từ thực tế dạy-học ở một số vùng dân tộc không có chữ
viết góp thêm một cái nhìn về dạy-học tiếng Việt cho học sinh dân tộc ít người, trong
Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
26. Nguyễn Văn Khang (2001), Khảo sát tình hình sử dụng ngôn ngữ tại một số trường
phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, trong Báo cáo
kết quả điều tra thuộc Chương trình điều tra các ngôn ngữ ở Việt Nam.
27. Nguyễn Văn Khang (2002), Tiếp cận tiếng Mường từ góc độ ngôn ngữ học xã hội,
trong Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội.
28. Nguyễn Văn Khang (2003), Kế hoạch hóa ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
29. Nguyễn Văn Khang (2003), Vị thế của tiếng Việt đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu
số ở Việt Nam: Từ chủ trương, chính sách đến thực tế, Tạp chí Ngôn ngữ, số 11, tr.
21-23.
30. Nguyễn Văn Khang (2003), Ngôn ngữ tự nhiên và vấn đề chuyển mã trong giao tiếp
hội thoại (trên cơ sở tư liệu trạng thái đa ngữ xã hội ở Việt Nam), Tạp chí Ngôn ngữ,
số 1.
31. Nguyễn Văn Khang (2006), Về cái chết của ngôn ngữ trong thời đại hiện nay, Tạp
chí Ngôn ngữ, số 8.
32. Lã Văn Lô và Đặng Nghiêm Vạn (1968), Sơ lược giới thiệu các nhóm người Tày, Nùng,
Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
33. Hoàng Văn Ma và Lục Văn Pảo (1970), Một vài ý kiến về các từ mượn trong tiếng
Tày – Nùng, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, tr. 35-41.
34. Hoàng Văn Ma (1975), Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số của Việt
Nam hiện nay, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4.
35. Hoàng Văn Ma (1993), Vấn đề về tiếng và chữ Tày Nùng, trong Những vấn đề chính sách
ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 199-213.
36. Hoàng Văn Ma (2002), Cảnh huống tiếng Nùng, trong Cảnh huống và Chính sách ngôn
ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tr. 277-321.
37. Phan Ngọc, Phạm Đức Dương (1983), Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện Đông
Nam Á xuất bản, Hà Nội.
38. Hoàng Phê (Chủ biên) (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm từ điển
học.
39. Phòng giáo dục huyện Hoà An – tỉnh Cao Bằng (2005), Báo cáo kết quả thực hiện
nhiệm vụ phát triển giáo dục từ năm học 1995 – 1996 đến năn học 2004 – 2005, ngày
29/7/2005.
40. Đặng Thanh Phương (2004), Tiếp xúc ngôn ngữ Việt – Tày ở vùng Đông Bắc Việt
Nam, Luận án tiến sĩ lịch sử.
41. Hoàng Quốc (2009), Những đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của hiện tượng song ngữ
tại An Giang (trên cứ liệu cảnh huống song ngữ Việt - Hoa), Luận án tiến sĩ ngôn
ngữ, Viện ngôn ngữ học, Hà Nội.
42. Tỉnh uỷ – UBND tỉnh Cao Bằng (2000), Địa chí Cao Bằng, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội.
43. Lê Xuân Thại, Về chính sách ngôn ngữ văn tự Trung Quốc, Tài liệu đề tài.
44. Trần Thị Thìn (1999), Vấn đề dạy và học tiếng Việt đối với học sinh các dân tộc ít
người, Tạp chí Ngôn ngữ, số 9, tr. 69-73.
45. Tạ Văn Thông (2001), Chữ viết các dân tộc thiểu số dùng để làm gì?, Tạp chí Ngôn
ngữ và đời sống, số 1 + 2, tr. 46-48.
46. Tạ Văn Thông (2003), Tình hình sử dụng ngôn ngữ trong trường tiểu học Chiềng
Xôm, Tạp chí Ngôn ngữ, số 5, tr. 38-49.
47. Đoàn Thiện Thuật (1993), Vấn đề chữ viết cho các dân tộc ít người ở Việt Nam,
trong Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
tr. 251-263.
48. Vương Toàn, Bùi Khánh Thế, Lý Toàn Thắng (2002), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân
tộc thiểu số ở Việt Nam từ những năm 90, Nxb Viện thông tin khoa học xã hội, Hà
Nội.
49. Tổng cục thống kê (2001), Báo cáo kết quả điều tra toàn bộ: Tổng điều tra dân số và
nhà ở Việt Nam 1/4/1999, Nxb Thống kê, Hà Nội.
50. Tổng cục thống kê (2004), Niên giám thống kê tỉnh Cao Bằng, Nxb Thống kê, Hà
Nội.
51. Hoàng Tuệ (1992), Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ thế giới, Tạp
chí Ngôn ngữ, số 2, tr. 1-5.
52. Hoàng Tuệ… (1984), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và chính sách các
ngôn ngữ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
53. Hoàng Tuệ (1993), Về chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, trong Những vấn đề chính sách
ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 276-287.
54. Đặng Nghiêm Vạn (1971), Bước đầu tìm hiểu tình hình sử dụng nhiều tiếng nói ở
miền núi phía Bắc nước ta, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, tr. 35-42.
55. Đặng Nghiêm Vạn (2003), Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia
thành phố Hồ Chí Minh
56. Viện ngôn ngữ học (1997), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa
dân tộc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
57. Viện ngôn ngữ học (1993), Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội.
58. Nguyễn Như Ý (1993), Những vấn đề đời sống các dân tộc thiểu số, trong Những vấn
đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 25-54.
59. Nguyễn Như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.