Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Khảo sát đặc điểm của ca dao hà nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (621.75 KB, 27 trang )

Khảo sát đặc điểm của ca dao Hà Nam


Hoàng Anh


Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Luận văn ThS. ngành: Văn học dân gian; Mã số: 60 22 36
Người hướng dẫn: PGS. TS. Phạm Thu Yến
Năm bảo vệ: 2012


Abstract. Trình bày khái quát chung về Hà Nam và văn học dân gian Hà Nam trong
cái nhìn địa-văn hóa: khái niệm về ca dao; vùng văn hoá và phân vùng văn hoá dân
gian; phân vùng văn học dân gian và phân vùng ca da; môi trường tự nhiên xã hội và
lịch sử của vùng đồng bằng sông Hồng, … Khảo sát đặc điểm nội dung của ca dao
lưu truyền ở Hà Nam trên phương diện ngôn từ: địa danh Hà Nam qua ca da; con
người Hà Nam qua ca dao. Khảo sát đặc điểm nghệ thuật của ca dao lưu truyền ở Hà
Nam trên phương diện ngôn từ: kết cấu; ngôn ngữ; thể thơ; không gian và thời gian
nghệ thuật; … Khảo sát đặc điểm diễn xướng của ca dao lưu truyền ở Hà Nam.

Keywords. Văn học dân gian; Ca dao; Hà Nam

Content
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Hà Nam thuộc đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc bộ rộng lớn, có một số lượng khá lớn
những tác phẩm văn học dân gian, gồm nhiều loại hình, thể loại khác nhau: truyền thuyết,
truyện cổ tích, truyện cười, giai thoại, tục ngữ, phương ngôn, vè, ca dao…Trong đó, ca dao là
một thể loại tiêu biểu. Ca dao Hà Nam phản ánh nội dung nhiều mặt cuộc sống của người dân,
độc đáo về nghệ thuật biểu đạt.


Một phần văn học dân gian Hà Nam đã được các nhà văn hoá địa phương sưu tầm, biên
soạn, chú giải, giới thiệu qua một số công trình nghiên cứu. Song do nhiều yếu tố cả khách
quan và chủ quan, mà các nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hoá dân gian chưa đưa ra một “bức
tranh” tổng thể, đa chiều về ca dao lưu truyền ở Hà Nam. Nghiên cứu ca dao lưu truyền ở Hà
Nam một cách toàn diện là một việc làm công phu, cần thiết và rất có ý nghĩa.
Với mong muốn được tìm hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn ca dao lưu truyền ở Hà Nam, góp vào
việc bảo tồn, phát huy vốn văn hoá dân gian do cha ông mình sáng tạo nên.Vì vậy, tôi đã chọn
vấn đề “Khảo sát đặc điểm của ca dao Hà Nam” làm đề tài khảo sát cho luận văn của mình.
2. Lịch sử vấn đề
Những công trình, bài viết có liên quan đến đề tài:
- Cuốn Dân ca hát Dậm Hà Nam, Sở văn hoá thông tin Hà Nam, 1998, Trọng Văn.
- Dân ca Hà Nam, Sở văn hoá thông tin Hà Nam, 2000, Phạm Trọng Lực.
- Bài viết Tìm hiểu về môn vật cổ truyền qua ca dao, tục ngữ Liễu Đôi, in trên tạp chí
Văn hoá thông tin Hà Nam số 13/2000, Kim Thanh.
- Cuốn Văn nghệ dân gian Hà Nam, Hội văn học nghệ thuật Hà Nam, 2000, Bùi Văn
Cường, Mai Khánh, Lê Hữu Bách.
- Bài viết Đôi nét về làng nghề ở Hà Nam qua ca dao, tục ngữ, tạp chí Văn hoá thông tin
số 14/2000, Hồng Ngát.
- Nghệ nhân Trịnh Thị Răm với dân ca truyền thống Hà Nam, khoá luận, khoa Văn học
Trường Đại học KHXH & NV, 2005, Trịnh Thị Quyên.
- Khảo cứu về lễ hội hát Dậm, NXB Thế giới, 2006, tác giả Lê Hữu Lê.
- Ẩm thực bình dân qua ca dao, dân ca và phƣơng ngôn Hà Nam, Tạp chí Văn hoá thông
tin Hà Nam số 4/2007, Thanh Vân.
- Nghề làng, hàng chợ trong ca dao Hà Nam xƣa, tạp chí Văn hoá thông tin Hà Nam số
4/2007, Đình Nguyễn.
- Nghiên cứu vùng văn hoá dân gian Liễu Đôi (Hà Nam), luận án Tiến sĩ văn hoá học,
Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam, 2008, tác giả Nguyễn Văn Thắng.
Việc khảo sát ca dao lưu truyền ở Hà Nam một cách hệ thống, toàn diện trên các phương
diện: nội dung, nghệ thuật, phương thức diễn xướng hiện chưa được nghiên cứu ở một công
trình nghiên cứu nào.

3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
3.1. Mục đích của luận văn
Khảo sát một cách tương đối toàn diện, hệ thống với mục đích tìm hiểu tính thống nhất và
nét riêng (trong đó đặc biệt chú ý đến nét riêng) về nội dung, nghệ thuật, phương thức diễn
xướng.
3.2. Nhiệm vụ của luận văn
- Thống kê, khảo sát diện mạo ca dao lưu truyền ở Hà Nam.
- Khảo sát đặc điểm nội dung, nghệ thuật lời ca lưu truyền ở Hà Nam,
- Tìm hiểu phương thức diễn xướng của ca dao lưu truyền ở Hà Nam.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu đề tài
4.1. Đối tƣợng nghiên cứu
Trong khi tiến hành thực hiện đề tài, chủ yếu chúng tôi sử dụng tư liệu ca dao, dân ca trong
bộ sách Văn nghệ dân gian Hà Nam do Bùi Văn Cường chủ biên cùng các soạn giả Mai
Khánh, Lê Hữu Bách xuất bản năm 2002. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng một số bài dân ca do các
cụ ở khu 2, xóm 7, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng cung cấp.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Chú trọng đến việc nghiên cứu nét riêng của nó trên phương diện nội dung, nghệ thuật,
phương thức diễn xướng.
Ưu tiên chú ý đến tính độc lập tương đối của văn bản trên phương tiện ngôn ngữ và phương
thức diễn xướng.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu: phân tích – tổng hợp, so sánh, thống kê, điền dã, nghiên cứu liên
ngành.
6. Đóng góp của luận văn
Khảo sát một cách khá toàn diện và hệ thống, góp phần làm rõ những đặc điểm nội dung,
nghệ thuật, phương thức diễn xướng, chỉ ra sắc thái địa phương của ca dao lưu truyền ở Hà
Nam so với ca dao vùng đồng bằng sông Hồng.
7. Cấu trúc của luận văn
Nội dung chính của luận văn được chia làm bốn chương:
Chương 1. Khái quát chung về ca dao Hà Nam và Văn học dân gian Hà Nam trong cái nhìn
địa – văn hóa

Chương 2. Khảo sát đặc điểm nội dung của ca dao lưu truyền ở Hà Nam trên phương diện
ngôn từ
Chương 3. Khảo sát đặc điểm nghệ thuật của ca dao lưu truyền ở Hà Nam trên phương diện
ngôn từ
Chương 4. Khảo sát đặc điểm diễn xướng của ca dao lưu truyền ở Hà Nam

NỘI DUNG

Chƣơng 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HÀ NAM VÀ VĂN HỌC DÂN GIAN HÀ NAM
TRONG CÁI NHÌN ĐỊA – VĂN HOÁ
1.1. Khái niệm ca dao
Hiện có nhiều quan niệm khác nhau về ca dao, dân ca, song chúng tôi xin được sử dụng cách
hiểu của tác giả Nguyễn Xuân Kính: Ca dao là danh từ ghép chỉ chung toàn bộ những bài hát
lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu, trong trường hợp này ca dao
đồng nghĩa với dân ca. Hiểu theo cách này là ca dao, dân ca có thể được sử dụng theo nghĩa
tương đương. Vì vậy lúc chúng tôi dùng ca dao, có lúc lại sử dụng thuật ngữ kép ca dao – dân
ca. Các từ: tác phẩm, bài, lời, đơn vị (ca dao) cũng được chúng tôi dùng với ý nghĩa tương
đương.
Có thể chia ca dao ra ba nhóm lớn: Ca dao sinh hoạt – trữ tình, ca dao nghi lễ, ca dao lao
động.
1.2. Vùng văn hoá và vùng văn hoá dân gian
1.2.1.Vùng văn hoá
Nghiên cứu vùng văn hoá, chúng tôi cố gắng tiếp cận một số quan điểm rất quan trọng của lý
thuyết vùng văn hoá như: ranh giới vùng, vùng trung tâm, việc tập trung các yếu tố có sự tương
đồng, thống nhất, tính trội của một vùng… Nhiều nhà nghiên cứu như GS Hoàng Tiến Tựu, GS
Đặng Nghiêm Vạn, PGS Vũ Ngọc Khánh, PGS Chu Xuân Diên, GS.TS Kiều Thu Hoạch,
PGS.TS Trần Lê Bảo… đã dày công nghiên cứu vấn đề vùng văn hoá.
Xem xét từ rất nhiều góc độ và cũng thống nhất với quan điểm của GS.TS Ngô Đức Thịnh,
các tác giả của công trình Hỏi và đáp về văn hoá Việt Nam xác định: “Vùng văn hoá để chỉ một
không gian có những tương đồng về hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống…, ở đó từ lâu đã có

những mối quan hệ về nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế
- xã hội, giữa các cộng đồng cùng địa vực đã diễn ra những mối giao lưu, ảnh hưởng văn hoá
qua lại, nên trong vùng đã hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hoá
vật chất và văn hoá tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hoá khác”.
1.2.2.Vùng văn hoá dân gian và tiểu vùng văn hoá dân gian
Vùng văn hoá dân gian không bao giờ trùng khít với địa giới hành chính, nó thường là dao
động trong – ngoài một phạm vi hành chính nào đó, có thể xác định được trên bản đồ. Nơi ấy
có các tộc người nhất định sinh sống, họ đã sáng tạo nên những kho tàng văn hoá dân gian với
những đặc điểm giống và khác nhau, song tất cả tạo nên bản sắc vùng, miền tương đối rõ rệt.
Vùng văn hoá dân gian phải đậm đặc các hiện tượng văn hoá dân gian, có những hiện tượng
nổi trội, ưu thế, chi phối các hiện tượng khác, song các hiện tượng khác cũng có vị trí, vai trò
nhất định trong việc tạo nên sự phong phú, đa dạng của diện mạo văn hoá vùng. Tuy nhiên,
theo quy luật tiếp biến văn hoá, không nhất thiết chỉ những hiện tượng văn hoá dân gian sinh ra
trong vùng mới là của văn hoá dân gian vùng, mà cả những yếu tố từ vùng khác du nhập vào
nhưng đã được “đồng hoá” vẫn có thể coi là của vùng văn hoá dân gian nhất định.
Đối với vùng văn hoá dân gian, cái riêng vừa gắn với cái tổng thể, toàn cục của vùng, vừa
gắn với sắc thái từng địa phương cụ thể. Chúng ta không quá đề cao sắc thái địa phương, nhưng
suy đến cùng, chính sắc thái địa phương là yếu tố tạo ra cái riêng. Sắc thái riêng đã trở thành
đặc trưng bản chất của các hiện tượng văn hoá dân gian có tính ổn định, tương đối bền vững.
Theo PGS Vũ Ngọc Khánh, một trung tâm, một điểm folkore là “Nơi có sinh hoạt phong
phú hoặc có dấu ấn đậm đà về một hiện tượng hay một sự kiện nào đó”.
Theo chúng tôi, gọi là trung tâm hay điểm folklore thực chất là vấn đề tiểu vùng văn hoá dân
gian. Tiểu vùng văn hoá dân gian có đặc điểm chung của vùng, lại có sắc thái địa phương rõ
rệt so với các tiểu vùng khác. Tiểu vùng ấy có thể là một làng, một xã, hoặc quy mô lớn hơn
làng, xã. Dù rộng hay hẹp, vùng văn hoá dân gian vẫn thường dao động trong một phạm vi địa
giới nào đó, mặc dù không bao giờ trùng khít. Ở đây, tập trung các hiện tượng văn hoá dân
gian bản địa, hoặc được du nhập từ vùng khác tới, nhưng đã được “đồng hoá".
1.3. Phân vùng văn học dân gian và phân vùng ca dao
1.3.1. Về việc phân vùng văn học dân gian
Năm 1978, Hoàng Tiến Tựu xác định hệ thống các thứ bậc từ lớn đến nhỏ để phân vùng văn

học dân gian: Dân tộc > miền > khu vực > vùng > làng.
Hoàng Tiến Tựu phân chia các khu vực văn học dân gian cơ bản của người Kinh thành ba
miền: miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
1.3.2. Về việc phân vùng ca dao
Kế thừa thành quả của các nhà nghiên đi trước, chúng tôi đề xuất việc phân vùng ca dao
người Việt như sau: Về cấp độ lớn nhất, cả nước có ba vùng (hoặc ba miền) ca dao: ca dao Bắc
Bộ, ca dao Trung Bộ, ca dao Nam Bộ. Mỗi một miền ca dao lại bao gồm nhiều tiểu vùng ca
dao. Ví dụ: ca dao Trung Bộ có ca dao xứ Nghệ, ca dao Bình Trị Thiên, ca dao Nam Trung Bộ.
1.4. Môi trƣờng tự nhiên xã hội và lịch sử của vùng đồng bằng sông Hồng
Vùng đồng bằng sông Hồng, vốn là cái nôi hình thành người Việt, là nơi sinh ra các nền văn
hoá lớn nối tiếp nhau: văn hoá Đông Sơn, văn hoá Đại Việt và văn hoá hiện đại Việt Nam. Từ
trung tâm của vùng văn hoá này, văn hoá Việt lan truyền vào Trung Bộ và sau đó vào Nam Bộ.
Vùng đồng bằng sông Hồng còn là nơi phát sinh dòng văn hóa bác học, dòng văn hóa này đã
từng đạt tới những đỉnh cao thời Đại Việt. Trong số những người trí thức của dòng văn hóa bác
học này đã có những danh nhân tầm cỡ thế giới như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Ở vùng đồng
bằng sông Hồng mà trung tâm là kinh đô Thăng Long, từ năm 1070 đã có Văn Miếu và từ năm
1076 đã có Quốc Tử Giám…
1.5. Vài nét về văn học dân gian Hà Nam trong cái nhìn địa - văn hoá
Hà Nam nằm ở phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, trên toạ độ 20
0
vĩ độ Bắc và giữa 105
0

110
0
kinh độ Đông. Diện tích tự nhiên hơn 851,7km
2
, đất đai và địa hình Hà Nam tương đối đa
dạng. Do quá trình kiến tạo địa chất và biến đổi địa hình của đồng bằng sông Hồng, nên Hà
Nam có nhiều vùng đất trũng, thường xuyên bị ngập úng và bị chua phèn, không thuận tiện cho

canh tác nông nghiệp. GS.TS Ngô Đức Thịnh đã miêu tả một cách khá cụ thể bức tranh địa –
văn hoá ở vùng này: “Do cảnh luôn lội trong bùn nước nên cư dân các làng chiêm trũng
thường có thói quen mặc quần ngắn, luôn xắn quần tới gối, kể cả trong mùa khô ráo”.
Hà Nam là một trong những nơi phát hiện được nhiều trống đồng nhất cả nước, hơn 20 chiếc,
tiêu biểu là trống đồng Ngọc Lũ, được phát hiện vào khoảng năm 1893- 1894; có các tiểu vùng
văn hoá dân gian đáng chú ý: tiểu vùng văn hoá Quyển Sơn, tiểu vùng văn hoá Đọi Sơn, dấu
tích Đại Hành Hoàng Đế đi cày tịch điền, tiểu vùng văn hoá Nhân Đạo, tiểu vùng văn hoá Liễu
Đôi.
Người dân Hà Nam tự hào có tác phẩm Hoàn Vương Ca Tích, có rất nhiều hội hè, tục lệ giàu
ý nghĩa: hội trình khiên ở làng Đùng, hội chùa Đọi ở Đọi Sơn, hội Trần Thương ở Nhân Đạo,
hội Đền Lăng ở Liêm Cần, … Trong đó hội võ vật Liễu Đôi là bề thế và có sức sống bền dai
nhất.
Hà Nam còn là nơi có nhiều hội hát và tục ca hát: hát Dậm Quyển Sơn, hát Lãi Lê, hát Giao
Duyên ở ngã ba sông Móng, hát Nõ Nường, hát Trống quân trong và ngoài gióng võ vật Liễu
Đôi, hát Trống quân trên thuyền ở làng Gừa, làng Sông, làng Chảy, hát Cửa Đình ở làng Đậu
Chuyền…
1.6. Về mối quan hệ giữa tính thống nhất và sắc thái riêng của ca dao lƣu truyền ở Hà
Nam so với ca dao vùng đồng bằng sông Hồng
Ở góc độ triết học, vấn đề này chính là mối quan hệ giữa “cái chung” và “cái riêng”. Ca dao
là một hiện tượng thuộc về ý thức con người, cho nên nó cũng chịu sự tác động của những quy
luật chung về sự hình thành và phát triển.
“Sự thống nhất” của ca dao lưu truyền trên đất Hà Nam là những đặc điểm chung nhất, bản
chất nhất về nội dung và hình thức. “Sắc thái riêng” của ca dao lưu truyền trên đất Hà Nam là
những biểu hiện độc đáo, riêng biệt để phân biệt ca dao của miền (vùng) này so với miền
(vùng) khác. Sự thống nhất và sắc thái riêng là hai mặt luôn tồn tại khách quan đối với nhau.
Mối quan hệ giữa tính thống nhất và sắc thái riêng của ca dao lưu truyền trên đất Hà Nam so
với ca dao vùng đồng bằng Bắc Bộ thể hiện được tính phổ biến của quy luật sáng tác, lưu
truyền tác phẩm văn học dân gian, bản chất thẩm mĩ của thể loại. Mối quan hệ này hết sức mật
thiết và không thể tách rời nhau, chúng là hai mặt của một vấn đề.


Chƣơng 2. KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA CA DAO LƢU TRUYỀN Ở HÀ
NAM TRÊN PHƢƠNG DIỆN NGÔN TỪ
2.1. Địa danh Hà Nam qua ca dao
Khảo sát 526 lời ca dao lưu truyền ở Hà Nam, thuộc năm chủ đề chúng tôi đã thống kê số lời
sử dụng tên riêng chỉ địa điểm chiếm 32,7%. So với ca dao người Việt, số bài ca dao sử dụng
tên riêng chỉ địa điểm ở ca dao lưu truyền ở Hà Nam chiếm tỉ lệ cao hơn. Bởi vì ca dao lưu
truyền ở Hà Nam là ca dao của địa phương, mà ca dao lưu truyền ở địa phương có đặc điểm là
tính cụ thể cao hơn, tính khái quát giảm đi là điều dễ hiểu. Chủ đề Đất nước và con người có
tên riêng chỉ địa điểm, chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong ca dao lưu truyền ở Hà Nam
Khi khảo sát bộ phận ca dao lưu truyền ở Hà Nam có tên riêng chỉ địa điểm, chúng tôi tạm
chia làm các loại: địa danh lịch sử - văn hoá, địa danh ẩm thực, địa danh làng nghề.
2.1.1. Địa danh lịch sử - văn hoá
Văn hoá vật thể ở Hà Nam có thể kể đến các di chỉ, di vật như mộ Hán, tiền đồng cổ Trung
Quốc, 828 đình, chùa, miếu, phủ, bia… gồm đủ loại hình: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ
thuật, di tích khảo cổ và thắng cảnh.
Chúng tôi đã thống kê tần số xuất hiện của những địa danh trong ca dao lưu truyền ở Hà
Nam qua chủ đề Đất nước – con người như sau: Thanh Liêm được nhắc đến 63 lời chiếm 54
%; Bình Lục được nhắc đến 25lời chiếm 21,3 %; Kim Bảng được nhắc đến 11lời chiếm 9,4 %;
Duy Tiên được nhắc đến 10 lời chiếm 8,5 %; Lý Nhân được nhắc đến 8 lời chiếm 6,8 %. Trong
đó địa danh Thanh Liêm được nhắc đến nhiều nhất. Ca dao lưu truyền ở Hà Nam đã giới thiệu,
mời gọi khách thập phương đến dự các lễ hội ở nơi đây: đền Bà Áo The (Phủ Bà) tổ chức vào
rằm tháng tám, hội vật võ Liễu Đôi mở từ mồng năm đến mồng mười tháng giêng hàng năm,
để tưởng nhớ vị Thánh họ Đoàn – người con của dân làng đã xả thân hy sinh để cứu nước, cứu
dân: Phủ Bà mở hội hôm rằm,/ Còn như hội vật mồng năm mồng mười. Hoặc: Ai ơi về đất Liễu
Đôi/ Không thạo võ nghệ thì ngồi mà xem.
Những địa danh gắn liền với cuộc đời của Lê Hoàn – vua Lê Đại Hành – một vị vua anh
hùng nhà Tiền Lê, người đất Bảo Thái (Liêm Cần, Thanh Liêm) đi vào trong ca dao rất tự
nhiên: Đồn rằng Ninh Thái xa xôi,/ Anh nay cất việc lên chơi mấy ngày./ Nguyệt sao nguyệt tỏ
rày rày,/ Bên kia núi Cái bên này đình Lăng./ Giàn Thề lại nổi một vầng,/ Mới nhìn đã thấy
bạc dâng mặt người…

Ca dao lưu truyền ở Hà Nam còn nhắn nhủ du khách khi đến với Thanh Liêm, hãy dừng
chân ngắm cảnh chùa Tiên – một ngôi chùa trên núi thuộc xã Thanh Lưu: Ngày xuân em liệu có
dài/ Chơi chùa Tiên kẻo một mai nữa già. Đặc biệt du khách đừng quên đến với Kẽm Trống –
một thắng cảnh nên thơ đã được xếp hạng từ năm 1962: Chèo thuyền qua bến Lòng Bong/ Ghé
qua Kẽm Trống vào trong Hang Bàn.
Thắng cảnh núi Đọi nổi tiếng với Nam thiên đệ tam động của Hà Nam, gắn với các sự kiện
lịch sử: vua Tiền Lê cày ruộng tịch điền, vua Hậu Lý dựng tháp, dựng bia, mở hội chùa nô nức
gần xa: Núi Đọi ai đắp mà cao/ Ngã ba sông Lệnh ai đào mà sâu…
Ghi nhớ cội nguồn dân tộc, coi Trần Hưng Đạo là cha nên người dân Hà Nam vẫn nhắc
nhau: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Ngày giỗ Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch), người
người đi hội Trần Thương để tưởng nhớ, rước lễ tôn nghiêm: Nhất vui là hội Trần Thương/ Đủ
đình đủ đám thập phương tiếng đồn.
Cảnh quan làng Quyển Sơn, huyện Kim Bảng có nhiều, nhưng đáng chú ý nhất phải kể đến
núi Cấm, đền Trúc, sông Đáy, chùa Giỏ, chùa Trung, đình Trung. Những không gian này đã
được người xưa “thiêng hoá”, “linh hoá”, “lịch sử hoá” qua hàng chục truyền thuyết, huyền
tích, huyền thoại, qua lễ hội hát Dậm. Ca dao Hà Nam đã ca ngợi vẻ đẹp kỳ thú của mảnh đất
lịch sử này: Quyển Sơn vui thú nhất đời/ Dốc lòng trên Dậm dưới bơi ta về/ Đôi bên núi tựa
sông kề/ Ngược xuôi tiện nẻo, lắm nghề làm ăn.
Cách núi Cấm và đền Trúc khoảng 1km là chùa Bà Đanh – núi Ngọc – một di tích lịch sử -
văn hoá đặc sắc của huyện Kim Bảng. Ca dao lưu truyền ở Hà Nam cũng có cách so sánh rất
hình ảnh về cảnh quan nơi đây:… Còn duyên kẻ đón người đưa,/ Hết duyên vắng ngắt như chùa
Bà Đanh.
Như vậy, mỗi tên đất, tên làng, tên sông, tên núi ở Hà Nam đều gắn với một sự tích, một sự
kiện lịch sử, một nét văn hoá dân gian. Đúng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Ôi Đất
nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy. Những cuộc đời đã hoá núi sông ta”.
2.1.2. Địa danh ẩm thực
Khảo sát ca dao lưu truyền ở Hà Nam, chúng tôi thấy có 33 lời giới thiệu về đặc sản, trên
tổng số 121 lời ca thuộc chủ đề Đất nước, con người chiếm 27,2 %. Trong đó địa danh Thanh
Liêm được nhắc đến nhiều với những đặc sản tiêu biểu: bánh dày, các món bún… những món
ăn đặc trưng của vùng chiêm trũng: ếch chiên, cua om riềng mẻ, lươn nấu măng tre, chạch

trấu nấu mùng, ốc chấm tương…
Trước đây, ở đồng bằng Bắc Bộ, không có nơi nào trũng như vùng chiêm trũng Bình Lục,
Thanh Liêm của tỉnh Hà Nam. Cho nên cũng không có nơi nào ở đồng bằng Bắc Bộ có nhiều
ốc nhồi, cua, lươn, chạch bằng ở đây. Nhiều câu ca dao lưu truyền ở Hà Nam đã thể hiện sinh
động thực tế này: Ăn ốc bồ hóng làng Nga/ Ăn rồi cứ ngỡ thịt gà nấu đông. Du khách về dự hội
vật Liễu Đôi, vào mùa xuân hàng năm không thể không nếm vài bát lươn măng cho biết thế
nào là hương vị đồng quê: Chẳng về hội vật thì thôi,/ Về thì đích phải xơi nồi lươn măng.
Ốc nhồi, ốc vặn ở Liễu Đôi và các nơi khác rất nhiều, nhưng món ốc bồ hóng chấm tương ở
đây khác lạ và độc đáo: Nên tình nghĩa, ốc chấm tương,/ Dù xa muôn dặm tìm đường tới nơi.
Từ gạo nếp và các nguyên liệu khác sẵn có tại địa phương, người dân Liễu Đôi còn chế biến
và làm ra bánh dầy rất lớn và hàng chục món xôi khác nhau: xôi trứng, xôi nếp dằn, xôi củ
từ, xôi gạch cua đồng… Trong đó món xôi gạch cua đồng có lẽ chỉ có ở vùng này. Các món ăn
này được chế biến cầu kì, độc đáo, thể hiện rõ sắc thái ẩm thực đặc trưng của một vùng quê
đồng chiêm, toát lên không chỉ niềm tự hào quê hương, mà còn biểu thị thái độ trân trọng, hiếu
khách.
Là vùng chiêm trũng, nhiều sông ngòi nên Hà Nam là nơi có nhiều tôm, cá. Tìm hiểu kho
tàng văn học dân gian Hà Nam, ta bắt gặp nhiều câu ca dao nói về cá: “Nhất ngon là cá đầm
Chiềng. Muốn ăn mà chẳng có tiền để mua ”; “Nghe đồn Đinh Xá. Ngon cá đầm Chiềng”;
“Lụa Nha Xá, cá sông Lảnh” Hà Nam đồng thời cũng là nơi có nhiều đặc sản về hoa quả.
Đã từ lâu, hoa quả đặc sản Hà Nam đã đi vào ca dao, dân ca, phương ngôn như: “Chuối ngự
Đại Hoàng, lạng vàng tiến vua”; “Mía đường Vĩnh Trụ, chuối ngự Đại Hoàng”; “Cốm chợ
Sông, hồng Nhân Mỹ”; hoặc câu “Hồng Nhân Hậu, đậu Tái Đầm”; “Mơ hồng Kim Bảng, long
nhãn Lý Nhân”…
Hà Nam còn là tỉnh có nhiều đặc sản về quà bánh: Nhất ngon là bánh chợ Nga/ Trai khôn
Đọ Xá, gái ngoa làng Lài; Nhất ngon là bánh Ngãi Chiền/ Trai khôn Đoan Vĩ, gái hiền Tốt
Khê.
Những món bún vốn không xa lạ đối với người dân đồng bằng Bắc Bộ: bún riêu cua, bún
gà…, nhưng cách ăn bún ở Liễu Đôi – Hà Nam vẫn có nét riêng. Ở đây còn có bún đường
bừa, loại bún này không vắt thành lá, mà kéo dài thành vệt như đường bừa – một cách so sánh
rất nôm na, rất cụ thể, mang rõ nét đặc trưng tư duy của người nông dân vùng đồng chiêm

trũng: …Bún đường bừa cái sợi ngà ngà/ Bát riêu đầy gạch đổ xoà lên trên/ Ăn cho năm bát
liền liền/ Vừa ăn, vừa nhẩm: thiếu tiền rồi đây!/ Ăn rồi nhìn lên núi Mây/ Hèn chi núi ấy hây
hây má hồng…
Hà Nam còn có nhiều làng quê nổi tiếng về rượu ngon, tác giả dân gian vẫn nối đời truyền
miệng những câu như: “Rượu Vân La, cà Trác Bút, bún Lộc Hà”; “Rượu làng Vọc, mọc làng
Lạt”; “Rượu làng Bèo, chèo làng Phương Xá”;“Thạch Tổ có món rượu tăm/ Vừa nhắp vừa
nằm kẻo ngã quay lơ”.
Hà Nam có nhiều chè ngon, nhất là chè tươi. Người bình dân đã ghi lại qua những câu ca
dao: “Trai khôn uống chè Ba Trại; gái dại uống chè làng Nghè/ Mẹ bảo không nghe cứ uống
chè Bồng Lạng”; “Ai về Do Lễ, Liên Sơn/ Uống chè đồi Thị ngon hơn chè Tầu”; “Chè tươi Ba
Trại, chè búp Ba Sao, má đào Hồng Phú”.
Nhìn chung, qua ca dao chúng ta nhận thấy, người dân nơi đâu cũng luôn tự hào, yêu mến và
gắn bó với mảnh đất quê hương mình. Điều kiện tự nhiên, sinh thái, hay nói cách khác là môi
trường sống của con người là một trong những điều kiện đầu tiên để tạo nên một nền văn hoá
có bản sắc, cũng như đặc sắc của mỗi vùng.
Khảo sát 121 lời ca dao lưu truyền ở Hà Nam thuộc chủ đề đất nước – con người chúng tôi
thấy hai từ : làng, xã được nhắc đến 105 lần, mỗi khi được nhắc đến là lại có một đặc sản, một
vẻ đẹp của núi sông, đồng đất, con người Hà Nam. Đáng chú ý là, khi “khoe” cảnh quan, sản
vật, lễ hội của quê mình người bình dân Hà Nam rất khéo léo sử dụng những công thức mở
đầu:“nhất đẹp”, “nhất cao”, “nhất rộng”, “nhất ngon”, “nhất vui” để khẳng định những vẻ
đẹp, đặc sản của quê hương mình là đẹp nhất, ngon nhất, không đâu sánh bằng: “Nhất đẹp con
gái thôn Nghè”, “Nhất cao là ngọn núi Vồng”,“Nhất rộng làng Quyển, nhất đông chợ
Dầu”,…
2.1.3. Địa danh làng nghề
Đặc điểm tự nhiên, sinh thái của vùng là một trong những cơ sở tạo nên những làng nghề
riêng mang sắc thái vùng rõ nét: nghề mò cua, bắt ốc, đánh dậm, nghề đan các dụng cụ đánh
bắt tôm tép, cá, cua…: Làng Vọc bánh đúc, bánh hòn/ Làng Xá bắt ốc đi mòn đôi chân; Mặc ai
kén cá chọn canh/ Đan lờ khoáy đó đừng khinh Bối Cầu…Làng Vàng, Bối Cầu đều ở huyện
Bình Lục, xưa kia nơi đây rất nghèo, quanh năm đồng sâu nước cả, dân ở đây phần lớn sống
bằng nghề đánh dậm, mò cua, bắt ốc. Ở xã Bối Cầu xưa còn có nghề mộc, làm quạt, thợ nhuộm

nổi danh khắp vùng: Thợ cưa thợ mộc đua ganh/ Ngô Xá, Vụ Bản nổi danh khắp vùng. Quạt
giấy, mũ bạc nhài đồng/ Phú Đa thợ nhuộm trát hồng tô xanh. Ở xã Nhật Tựu, huyện Kim
Bảng trước kia cũng có “thu nhập” bằng nghề đi riu (đánh bắt tôm tép): Ăn cơm mà thổi bằng
niêu. Lấy chồng Siêu Nghệ đi riu cả ngày. Cũng sử dụng cách nói này, người dân Yên Lạc, xã
Kim Bình, huyện Kim Bảng đã giới thiệu về nghề đi đồi (kiếm củi) quanh năm của mình: Ăn
cơm mà thổi bằng nồi/ Lấy chồng Yên Lạc đi đồi quanh năm.
Người dân Hà Nam còn có làm rất nhiều nghề thủ công khác: Đô Hai là đất nhà nghề/ Sừng
thông, ren thạo, mộc nề tinh nhanh.
Làng Cuốc nay thuộc xã Hưng Công, huyện Bình Lục có nghề nung gạch ngói từ lâu đời, đã
được ca dao ghi truyền: Muốn ăn cơm trắng với giò/ Thì về làng Cuốc ra lò với anh. Người
bình dân Hà Nam đã rất khéo léo khi sử dụng công thức mở đầu quen thuộc của ca dao: Muốn
ăn…Thì về… để giới thiệu với một thái độ đầy tự hào về những làng nghề của quê hương mình:
Muốn ăn sáo nấu thịt cò/ Thì về làng Lẻ chở đò với anh. Muốn ăn bún vịt làng Chanh/ Thì về
đan cót, đan mành che mưa. Muốn ăn bún vắt đường bừa/ Liệu mà đi sớm về trưa với Nghè.
Làng Chanh thuộc xã Liêm Sơn có nghề nuôi thịt vịt, đan cót, làng Nghè nay thuộc xã Liêm
Sơn có nghề làm bún ngon nổi tiếng.
Làng Thị, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm lại có nghề đan nong, đan nia: Làng Thị có
tiếng đan nia/ Chồng chằng, vợ nức đến vừa canh ba…/ Ai về làng Thị mới hay/ Vợ chồng tám
mụn mới tầy mặt nhau. Ở huyện Kim Bảng, người dân còn có nghề gốm rất nổi tiếng: làng gốm
Quyết Thành. Ca dao đã ngợi ca sự đảm đang tháo vát của người dân nơi đây: Đã nhìn thấy gái
Quế Sơn/ Dẫu căm cũng nhớ, dẫu hờn cũng mê/ Nồi chum bát đĩa là nghề/ Da lươn mọng, cổ
tay huê tròn đầy.
Làng Ô Cách và làng Đồng Ao thuộc xã Thanh Thuỷ huyện Thanh Liêm hai làng này xưa rất
nghèo khổ. Người dân phải cày thuê cuốc mướn, làm rẽ, cấy tô, hoặc phải sống bằng nghề kiếm
củi đốt than: Khoai lang bóc vỏ hai đầu/ Nửa thương Ô Cách, nửa sầu Đồng Ao.
Xã Yên Đổ, huyện Bình Lục – quê hương của cụ Tam Nguyên Yên Đổ là một vùng quê hiếu
học còn có nghề làm thuốc viên, bán rong ở khắp nơi: Thơ lưng túi, rượu đầy bồ/ Thuốc viên
chào khách, sãi đò nên thân. Ngoài ra người bình dân Hà Nam còn làm một số nghề khác: nghề
kéo sợi ở Ngô Xá, Bình Lục; nghề làm bánh đúc ở làng Vọc, Đồng Du đều của Bình Lục; nghề
đóng cối xay ở Cao Đà; nghề đan dần, sàng, rổ, rá ở Vạn Đồn, Quan Nha, Duy Tiên; nghề làm

bút, làm cân ở làng Nguôn, Thanh Liêm; nghề dệt vải Làng Nga, Thanh Liêm; nghề đan thuyền
ở làng Chuôn, Duy Tiên; nghề làm bún ở Lôi Hà, Duy Tiên; nghề ấp vịt con ở làng Cầu Không,
Lý Nhân; nghề buôn chuối Ngự của làng Đại Hoàng, Lý Nhân; nghề kéo mật mía của Tảo Nha,
Lý Nhân…
Khảo sát ca dao lưu truyền ở Hà Nam, chúng tôi thấy có 20 lời ca đề cập đến địa danh làng
nghề trên tổng số 121 lời thuộc chủ đề Đất nước, con người. Điều đó chứng tỏ người Hà
Nam rất đảm đang, tháo vát, khéo léo, chịu thương, chịu khó. Họ luôn có ý thức vươn lên để
chống lại cái đói, cái nghèo.
Cũng qua khảo sát ca dao lưu truyền ở Hà Nam, chúng tôi cũng nhận thấy đặc điểm sinh thái
vùng có ảnh hưởng rõ nét tới các làng nghề ở Hà Nam. Chẳng hạn, mò cua, bắt ốc, đánh rậm,
đi riu… xưa kia là công việc quen thuộc của người dân ở rất nhiều vùng quê đồng bằng Bắc
Bộ. Nhưng nó trở thành nghề, trở thành nguồn thu nhập chính, dựa vào đó để kiếm sống thì có
lẽ chỉ có ở Hà Nam – nơi đồng chiêm trũng, nơi mà người dân một năm có tới “Sáu tháng đi
tay”, sáu tháng phải dùng cây sào để đi lại bằng thuyền nan.
2.2. Con ngƣời Hà Nam qua ca dao
2.2.1. Người Hà Nam - anh hùng thượng võ chống xâm lăng
Chủ đề Truyền thống thượng võ chống xâm lăng của ca dao lưu truyền ở Hà Nam có 75 lời
ca. Trong đó, chúng tôi đã thống kê có 43 lời ca nói đến tinh thần thượng võ chống xâm lăng
của nhân dân ba địa phương: Thanh Liêm: 36 lời, Kim Bảng: 2 lời, Bình Lục: 5 lời; 60 lời ca
ngợi con người khoẻ mạnh, thượng võ; có 15 lời châm biếm, mỉa mai những kẻ hèn nhát, yếu
đuối. Qua đây ta thấy:
Tinh thần thượng võ chính là phần nổi trội của văn hoá dân gian Liễu Đôi (Thanh Liêm) nói
riêng, của người Hà Nam nói chung. Họ không phân biệt trai hay gái, ngày đêm rèn luyện võ
nghệ để “đạp đổ trăm triều nhà Ngô”.
Người dân Liễu Đôi xưa không chỉ gồng mình lên để chống lũ lụt, ngập úng, mà còn phải
gồng mình lên để đối phó với thù trong giặc ngoài. Bằng tài võ nghệ cao cường của mình,
nhiều lần họ đã làm cho quân giặc“chết kinh”: Đô hùm, tướng hổ khố bao/ Lưng tày cánh
phản, đổ chao bắt mồi/ Lấy trăm đô cả đọ cả trời/ Quét trăm thành luỹ, đổi đời như không/
Mình trần thắt khố tám vuông/ Trống dồn tìm miếng cọp chuồng thả ra./ Tài này lừng lẫy sơn
hà,/ Muôn Tuỳ, ngàn Cống đều là chết kinh.(Tuỳ, Cống chỉ quân Trung Quốc xâm lược)

Họ luôn có ý thức rèn binh luyện võ để làm “đổ toà Ngô bang”, “đổ trăm đài nhà Ngô”,
“đổ trăm triều nhà Ngô”, “sập bồng nhà Ngô”… Những chàng trai đất này thường khoẻ, mê
võ, giỏi vật, giỏi cả trong sản xuất và chiến đấu, mang lí tưởng thẩm mĩ, đạo đức tốt đẹp của
người Liễu Đôi: Này trông đô vật Trại Mo/ Thật giỏi lần mò tôm cá quanh năm./ Đôi chân như
thể đôi dầm,/ Xông vào ầm ầm, giật giải nhiều phen.
Những người phụ nữ đất này cũng đẹp một vẻ đẹp khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ, kiên cường, bất
khuất, luôn mang trong mình truyền thống: giặc đến nhà đàn bà cũng đánh: Gái kia quê ở xứ
nào/ Tuốt gươm rùng mạc, bổ đao nghiêng thành…Tác giả dân gian Hà Nam cũng phê phán,
châm biếm, mỉa mai bọn vua quan hèn nhát, ích kỉ, tham sống sợ chết: Ngựa đâu có ngựa bất
kham,/ Tướng đâu có tướng bò quàng lạy Ngô?/ Voi đâu có voi giày mồ,/ Vương đâu vương lại
lạy đồ ngoại bang?
Gắn liền với lòng yêu quê hương, tinh thần thượng võ là lòng căm thù giặc sâu sắc. Ca dao
Hà Nam dành 60 bài thuộc chủ đề Bộ mặt xã hội thực dân phong kiến để đề cập đến nội dung
này. Qua 60 lời ca dao thuộc chủ đề này, bộ mặt của bọn thực dân phong kiến ở Hà Nam hiện
lên thật sinh động: Đó là tên cường hào gian ác Đốc Đắc người làng Vị Thượng xã Trung
Lương huyện Bình Lục, đó là tên Lý Nhưng nổi tiếng đục khoét ở làng Đại Hoàng huyện Lý
Nhân, đó còn là Bá Bính là một địa chủ cường hào đại gian, đại ác ở làng Đại Hoàng: Bá Bính
nó mới ác ghê/ Tôi làm nó chẳng có hề tính công… Bản chất gian ác là bản chất chung của bọn
cường hào ác bá trong cả nước. Song những cái tên: Đốc Đắc, Lý Nhưng, Bá Bính… đã khét
tiếng một thời thì có lẽ chỉ có ở Hà Nam.
2.2.2. Người Hà Nam - giàu tình yêu thương
- Tình cảm của con cháu đối với ông bà, cha mẹ
Qua cách nói giản dị, mộc mạc của người bình dân Hà Nam, chúng ta có những suy ngẫm rất
thấm thía về mối quan hệ của con cháu với ông bà, tổ tiên, cha mẹ: Cây kia ăn quả ai trồng,/
Sông kia uống nước, hỏi dòng từ đâu?/ Cơ đồ gây dựng từ lâu/ Công lao tiên tổ lẽ đâu xem
thường?/ Hết lòng làm lụng mở mang/ Sao cho tổ nghiệp vững vàng hơn xưa. Trong mối quan
hệ của con cháu với ông bà, cha mẹ, chữ “hiếu” thường được nhân dân xem trọng: Tháng
giêng, cam ra hoa/ Tháng ba, cam đậu trái/ Ngắt trái cam đầu mùa, em vấn vái mẹ cha. Đề cao
đạo hiếu, ca dao lưu truyền ở Hà Nam phê phán, chê trách những người chưa làm tròn bổn
phận, trách nhiệm làm con, nhắc nhở mọi người: Sông sâu mà lại phụ nguồn?/Cây cao phụ cội,

cây mòn cây khô! Qua lời ru ngọt ngào, những người mẹ Hà Nam đã nhắn nhủ con mình: Con
ơi, con ngủ cho yên,/Hết gạo, hết tiền, mẹ kiếm mẹ nuôi./ Công trình kể biết mấy mươi,/ Mai
sau con lớn, con đền bồi mẹ cha.
Nhờ ca dao, những bài học đạo lí trở nên mềm mại, uyển chuyển, thấm thía trong lòng mọi
người, những tình cảm, cảm xúc của con người được bày tỏ nồng nàn, sâu sắc.
- Tình cảm vợ chồng
Qua ca dao, người Hà Nam thể hiện sự trân trọng hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng, và
vai trò quan trọng của tình cảm vợ chồng trong đời sống :Vợ chồng là nghĩa già đời/ Ai ơi đừng
nghĩ những lời thiệt hơn.
Người Hà Nam quan niệm hạnh phúc không phân biệt giàu nghèo, tình nghĩa vợ chồng
không bị vật chất tầm thường chi phối, không bị khó khăn làm cho chia rẽ: Số giàu, lấy khó
cũng giàu/ Số nghèo, chín đụn mười trâu cũng nghèo… Xin em chớ ngại khó nghèo làm chi…
Ca dao lưu truyền ở Hà Nam đã ghi lại cảnh gia đình vui vẻ hoà nhịp lao động trên những
cánh đồng vào thời vụ bận rộn, vất vả: Kể chi trời rét, đồng sâu,/ Có chồng, có vợ, rủ nhau đi
bừa.
Người phụ nữ Hà Nam thường xác định một cách rõ ràng bổn phận và trách nhiệm của mình,
nhún mình, tuân thủ theo những lễ giáo: Lấy chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi sứ sự, phải
bồng con theo…
Khi đã là vợ, họ luôn đảm đang tháo vát nuôi chồng đèn sách để đăng khoa giúp đời: Thiếp
nay đã bén duyên chàng/ Bát cơm, tấm áo, nuôi chàng nên danh… Họ còn động viên chồng
học hành đỗ đạt làm rạng danh gia đình: Anh về chăm việc bút nghiên/ Đừng tham nhan sắc,
chớ quên học hành…
Khi gặp tình cảnh bất hạnh của cuộc sống gia đình người phụ nữ cất tiếng than về thân phận
mình: bởi họ chính là nạn nhân của sự phụ bạc: Khi anh mặt bủng da chì/ Tay bưng bát thuốc
tay thì bát canh/ Bây giờ anh đẹp anh xinh/ Anh lấy vợ lẽ anh tình phụ tôi.
Họ là nạn nhân của những định kiến mẹ chồng nàng dâu: … Mẹ chồng đã chẳng thương yêu/
Lại còn nói xấu đủ điều nàng dâu/ Cất lời là chửi phủ đầu/ Nước rót cơm hầu mẹ vẫn còn
chê… Họ còn là nạn nhân của quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”:…Mẹ em tham gạo
tham gà/ Đem em gả bán cho nhà cao sang./ Chồng em thì thấp một gang/ Vắt mũi chưa sạch,
ra đàng đánh nhau… Họ là nạn nhân của chế độ hôn nhân “đa thê”. Bởi xã hội phong kiến cho

phép “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Nhân dân thường hướng về
phía người vợ lẽ - những người chịu nhiều thua thiệt hơn cả để cảm thông, để lắng nghe những
tiếng giãi bày xót xa cay đắng: Chị bảo tôi lấy làm hai/ Suốt một đêm dài chị nói vân vi:/ “Nhà
chị chẳng thiếu thứ chi/ Muốn mặc áo gì, chị cũng sẵn ngay”/ Bây giờ chị gọi “ơ hai/ Mau
mau trở dậy thái khoai băm bèo”…/ Đến đêm chị nổi cơn ghen/ Chị phá bức thuận, chị len
mình vào/ Tay chị cầm một con dao/ Chị nổi hồng bào nhà cửa tan hoang…
Cũng có trường hợp người phụ nữ biểu hiện thái độ phản kháng mạnh mẽ, chống lại sự khắc
nghiệt của lễ giáo phong kiến, những cảnh khổ đau, ngang trái của kiếp lẽ mọn: Giống thâm ơi
hỡi giống thâm/ Gỗ lim ba cạnh chị đâm mặt mày!/ Chồng chị mày cướp trốc tay/ Cửa nhà tan
nát vì mày giống thâm.
Tuy cuộc sống có nhiều gian truân, lận đận, nhưng những người phụ nữ Hà Nam vẫn lạc
quan, vươn lên phấn đấu cho hạnh phúc, biến mơ ước thành hiện thực tươi vui: Đôi ta vợ cấy,
chồng cầy/ Chồng nay sương sớm, vợ nay sương chiều/ Ta nghèo vui phận ta nghèo/ Quản chi
sương sớm, sương chiều hỡi anh.
- Tình yêu lứa đôi
Chủ đề tình yêu nam nữ và hôn nhân gia đình có 215 lời chiếm 39% trên tổng số 554 lời ca
lưu truyền ở Hà Nam. Trong đó số lời ca về tình yêu nam nữ chiếm tỉ lệ cao 160 lời/215 lời
(chiếm 74%).
Hà Nam là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nên giếng nước, gốc đa, sân đình, khóm
trúc, luỹ tre, cánh đồng… là không gian quen thuộc, là nơi đã chứng kiến bao đôi lứa hẹn hò,
ngỏ lời yêu thương: …Gặp nhau ở cánh đồng này/ Bác mẹ chả có, tớ thầy thì xa…
Thiên nhiên chứng kiến cảnh bao đôi lứa yêu nhau và thề nguyện thuỷ chung: Trên có ông
xanh cao rộng/ Dưới có bể lặng sông trong/ Em mà ăn ở hai lòng/ Trời chu đất diệt không
mong lấy chàng. Các chàng trai, cô gái Hà Nam đã mượn công việc, cảnh vật để bày tỏ tình
cảm: Lênh đênh bè ngổ, bè dừa/ Em cấy ruộng dưới, anh bừa ruộng trên./ Hết nước ta lại tát
lên,/ Mạ non cấy xuống, lúa liền xanh ngay./ Muốn cho chung mẹ chung thầy,/ Xuống đây mà
cấy ruộng này với em. Lời tỏ tình của chàng trai Hà Nam in đậm nếp cảm, nếp nghĩ của người
dân vùng đồng chiêm trũng: Có quen dầm nước ngoài rèm,/ Ngòi dài mười mẫu thì em hãy về./
Có quen nhà cửa ê hề,/ Ăn cơm củ súng, hãy về với anh?
Tình cảm nam nữ được biểu hiện rất mãnh liệt: Thương anh quá giá, vô chừng/ Trèo đèo

quên mệt, ngậm gừng quên cay!/ Em trông thấy bóng anh đây/ Em ăn chín lạng ớt, ngọt ngay
như đường!
Thái độ phê phán, lên án thói bạc tình, bạc nghĩa cũng là nét tâm lí đặc trưng của người Hà
Nam: Lòng em năm đợi tháng chờ/ Sao đành dứt chỉ, lìa tơ cho đành?/ Khen ai khéo léo dỗ
dành/ Chàng bỏ chốn cũ cho đành chàng ơi?
Trong cái mặn nồng đằm thắm của những lời ca dao tình yêu lưu truyền ở Hà Nam, người ta
vẫn không khỏi cảm thương cho những chàng trai thất tình: Công anh chẻ nứa đan lồng/ Chim
thì bay mất, lồng không treo hè/ Chim khôn đậu mái loan kề/ Tiếng tăm anh chịu, nàng về tay
ai?
Tiêu chí chọn bạn tình của người bình dân Hà Nam: đề cao vẻ đẹp tâm hồn, nết na, chăm chỉ,
nhân hậu: Nhác trông thấy bóng người hiền/ Cau non đắt mấy đồng tiền cũng mua.
Chàng trai Hà Nam không hề giấu giếm quan điểm chọn bạn trăm năm của mình: Ngăm
ngăm da nâu/ Mười trâu anh cũng cưới/ Trắng như nõn chuối/ Tiền rưỡi anh cũng không mua.
Quan điểm này, thể hiện rõ nếp cảm, nếp nghĩ của người dân đồng chiêm trũng.
Lấy được những người vợ khôn ngoan, thông minh, khéo léo cũng là ước mơ, khát khao, là
niềm hạnh phúc của những chàng trai vùng đồng chiêm: Làm trai lấy được vợ khôn/ Như chĩnh
vàng cốm anh chôn trong nhà…
Sống ở vùng đất giàu truyền thống thượng võ chống xâm lăng, các chàng trai Hà Nam còn có
quan điểm chọn bạn đời rất riêng. Với họ, người bạn đời không chỉ đẹp người, đẹp nết mà phải
khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ: Con gái mái tóc tàu dừa,/ Khéo lời chào hỏi, khéo đưa miếng trầu/
Miệng cười tủm tỉm hoa ngâu,/ Đôi mắt lúng liếng, khăn đầu đung đưa/ Tài cao xô gió dạt
mưa,/ Này ai tài giỏi, sức thừa lại đây!
Ca dao lưu truyền ở Hà Nam có nhiều bài ca ngợi ca những người nhân hậu, chăm chỉ, thuỷ
chung, giỏi lao động: Ai đi đâu đấy hỡi ai?/ Ghé qua Ngọc Lũ thăm trai làng này./ Anh Khoa
cốt cựu tay cày,/ Bảy sào đất ải một ngày ngại chi!/ Ngọc Lũ lại có anh Thi,/ Bừa ngày một
mẫu ai bì được sao? Bài ca mang dáng dấp của bài vè, đây là một nét đặc trưng của ca dao
lưu truyền ở địa phương: giàu tính tự sự, nói về người thực việc thực, sinh động, gần gũi,khiến
người địa phương rất thích thú. Sử dụng cách nói đùa vui, hóm hỉnh những cô gái bình dân Hà
Nam khéo léo thể hiện niềm mơ ước, tiêu chí chọn bạn trăm năm của mình một cách kín đáo, tế
nhị.

Người bình dân Hà Nam xưa còn có những tục lệ kén rể, kén vợ, kén chồng rất độc đáo: Giơ
tay mà với quả hồng/ Kén rể làng Vực, kén chồng làng Bông/ Kén vợ thời đến làng Sông/ Kén
lờ, kén đó lấy ông làng Lài…
Chỉ bằng một bài ca ngắn người bình dân đã giới thiệu được những tục lệ độc đáo của từng
làng, đồng thời bài ca còn là lời chỉ dẫn đáng tin cậy cho những chàng trai đang muốn Kén vợ
thời đến làng Sông. Bởi làng Sông (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm) con gái nổi tiếng là
đẹp, hát ví tài, lao động giỏi.
Người bình dân Hà Nam còn có quan niệm thẩm mỹ riêng như vậy là bởi theo họ, để sống,
tồn tại và phát triển trong một môi trường tự nhiên khắc nghiệt, dữ dội “chiêm khê, mùa thối”,
lũ lụt hạn hán xảy ra triền miên, đặc biệt là lũ lụt, thì không có cách nào khác là con người phải
dựa vào thiên nhiên, không lùi bước trước thiên tai.
Vào những đêm trăng thanh gió mát ngày rằm tháng tám người Hà Nam đã mở các hội hát,
họ hát một cách say mê: Hát cho đổ đất động rào/ Hát cho gãy Nõ đổ sao trên trời. Những
người con gái Hà Nam không chỉ chăm chỉ, đảm đang, mà họ còn rất yêu đời, hát hay: Gái làng
Chủ đủ mọi nghề/ Xong nghề cày cấy lại về cửi tay/ Cất lên giọng hát là hay,/ Khiến trai thiên
hạ phải bay mất hồn (làng Chủ thuộc xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục). Họ hát để vơi đi nỗi vất vả,
cực nhọc, hát để quên đói, quên khổ. Họ mời nhau xuống thuyền hát để giãi bày nỗi niềm đau
khổ: Trăng trời thời đã lên cao/ Chàng mà không xuống, biết lúc nào thở than?. Họ rủ rê nhau
hát để “Cởi lòng cho gió, cởi khó cho trăng”. Trong nỗi nhớ, niềm thương, dáng dấp những
con người nghèo khổ vẫn bứt rứt cả câu hát Hà Nam thuở ấy. Có những câu hát của người xưa
mà bồn chồn cả người hôm nay: …Sầu người mặc áo vá vai/ Cái nón xộc xệch cái quai dong
tà/ …Sầu người dệt cửi đêm hè/ Con cuốc nó khóc bờ tre ròng ròng. Phương ngôn Hà Nam có
câu: Ăn bát cháo bầu hát sầu cành bưởi là để ca ngợi sự say mê ca hát và tài ca hát của người
Hà Nam. Đói mà họ vẫn ca hát và hát rất hay.

CHƢƠNG 3. KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA CA DAO LƢU TRUYỀN
Ở HÀ NAM TRÊN PHƢƠNG DIỆN NGÔN TỪ
3.1. Kết cấu
Kết cấu của ca dao lưu truyền ở Hà Nam có một số đặc điểm sau:
Ngắn gọn: đa số một đơn vị (một bài) ca dao chỉ có từ hai đến bốn dòng thơ (một đến hai

cặp lục bát) chiếm tỉ lệ gần 90%.
Dấu ấn của lối đối đáp in khá đậm. Có hai hình thức kết cấu trong ca dao lưu truyền ở Hà
Nam:
Kết cấu một vế: kết cấu này thường là sự truyền đạt tình cảm của cô gái tới người yêu, hoặc
ngược lại từ chàng trai tới cô gái…: Trống quân nửa hát nửa mong,/ Nửa chờ, nửa đợi má
hồng đâu ta? Hay là mắc bận việc nhà,/ Bố mẹ cấm đoán không ra được nào?
Kết cấu hai vế đối đáp: giữa hai nhân vật trữ tình: chàng trai – cô gái; mẹ - con; người dân –
người dân trong quan hệ cộng đồng làng xóm. Về số lượng thì hình thức kết cấu này ít hơn
nhiều so với kết cấu một vế nhưng lại là hình thức kết cấu rất đặc thù của ca dao, nó liên quan
đến môi trường thực hành, sinh hoạt của tác phẩm văn học dân gian. Người dân đối đáp, thử
tài, vui đùa trong cuộc sống, trong hội hè: Ăn trầu cho thắm đôi môi,/ Sao nàng lại để thắm đôi
má hồng ?/ Ai ngăn được má em hồng,/ Ai ngăn em được lấy chồng kiếm cung; Ca dao luôn
mang lại hơi ấm nóng của lối trò chuyện giãi bày trực tiếp. Chúng là những phiến đoạn có thể
tách ra khi hát lẻ, cũng có thể tiếp nối trong hát cuộc.
Sử dụng đậm đặc công thức truyền thống: Đọc ca dao lưu truyền ở Hà Nam, ta gặp hàng
loạt các công thức mở đầu: yêu nhau, ghét nhau, bây giờ, gặp đây, ai về, đẹp thời, ai ơi, nhất
ngon, nhất đẹp, nhất cao, nhất rộng, nhất vui, nhất xinh, có về, muốn ăn… Vận dụng những
công thức mở đầu: “nhất đẹp”, “nhất cao”, “nhất rộng”, “nhất ngon”, “nhất vui” là người
bình dân Hà Nam khéo léo “khoe” những cảnh quan, sản vật, lễ hội của quê mình. Đồng thời
cũng là để họ khẳng định những vẻ đẹp, đặc sản của quê hương mình là đẹp nhất, ngon nhất,
không đâu sánh bằng: “Nhất đẹp con gái thôn Nghè”, “Nhất cao là ngọn núi Vồng”,“Nhất
rộng làng Quyển, nhất đông chợ Dầu”,“Nhất ngon là bánh chợ Nga”, “Nhất cao là ngọn núi
Vồng”… Còn khi vận dụng những công thức: “ai về”, “có về”, “ai ơi”, “muốn ăn” là người
bình dân muốn giới thiệu, mời gọi du khách đến để tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp quê mình:
một vùng quê giàu tinh thần thượng võ“Ai ơi về đất Liễu Đôi/ Không thạo võ nghệ thì ngồi mà
xem”, một vùng quê say mê ca hát“Ai về làng Chảy thì về/ Làng Chảy có nghề hát Nõ hàng
năm”, một vùng quê có nhiều món ăn dân dã, độc đáo“Muốn ăn sáo nấu thịt cò/ Thì về làng
Lẻ chở đò với anh”… Vận dụng các công thức truyền thống của ca dao cả nước là một hình
thức tác giả dân gian Hà Nam dùng cái chung để khắc hoạ, làm rõ những nét riêng, đặc trưng
của quê hương. Quá trình lưu truyền đã tạo ra nhiều dị bản nhờ vận dụng công thức truyền

thống và chuyển đổi địa danh: Có về Nam Định với anh thì về. Lưu truyền đến Hà Nam, người
bình dân lại đọc thành: Cô kia cắp nón đi đâu/ Có về Nội Rối làm dâu thì về…
Trong ca dao lưu truyền ở Hà Nam, chúng ta còn thấy có nhiều lời sử dụng kết cấu trùng
điệp: Hát thời mới biết nông sâu/ Hát thời mới biết bạn bầu là ai/ Hát thời trúc mới biết mai/
Không hát thời biết lấy ai bạn cùng?
3.2. Ngôn ngữ
3.1.1. Sử dụng các biện pháp tu từ và biểu tượng
- So sánh: so sánh thường có hai vế sự vật và hình ảnh so sánh, nối với nhau bằng các từ:
như, cũng như, giống như, như… chẳng hạn ca dao lưu truyền ở Hà Nam có câu: Đôi ta như
thể bàn cờ,/ Mỗi người mỗi nước, nên ngờ cho nhau.
Ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Liễu Đôi mạnh mẽ, giàu tinh thần thượng võ, song cũng
rất tình tứ, đằm thắm, ca dao lưu truyền ở Hà Nam sử dụng rất hiệu quả biện pháp so sánh: Mắt
em như lưỡi kiếm thần/ Nhìn giặc xuyên suốt từ chân đến đầu/ Nhìn anh như có phép màu/ Như
xoa như bóp chỗ đau lại lành.
Các cô gái Hà Nam mượn cách so sánh của ca dao để bày tỏ nỗi niềm nhớ thương một cách
tình tứ với người mình yêu: Nhớ cha, nhớ mẹ, còn có khi nguôi/ Nhớ chàng, như nước hồ vơi
lại đầy.
- Ẩn dụ: ca dao lưu truyền ở Hà Nam sử dụng nghệ thuật ẩn dụ để diễn tả những điều thầm
kín, khó diễn đạt: “Làm tài trai dại lắm anh ơi/ Cam vàng thì bỏ quýt hôi lại cầm…”
Ẩn dụ là cách tạo nghĩa mới. Người bình dân Hà Nam dùng biện pháp ẩn dụ để đem đến cho
người đọc một nhận thức mới, mối quan hệ mới của hình tượng nghệ thuật: Bao giờ quýt lớn
hơn cam/ Cam lớn hơn bưởi, thau năm hơn vàng?
Khảo sát ca dao người Việt, ca dao lưu truyền ở Hà Nam, chúng ta có thể rút ra nhận xét thú
vị là: trạng thái nhớ, thương, yêu được sử dụng chủ yếu ở phương diện so sánh, trạng thái tiếc
nuối, hờn trách chủ yếu được thể hiện qua biện pháp ẩn dụ: …Trách ai bóc sách lột bìa/ Lúc
yêu, yêu thế, lúc lìa, lìa ngay.
- Cách dùng biểu tƣợng: biểu tượng trầu – cau xuất hiện 34 lần trong ca dao lưu truyền ở
Hà Nam, được tác giả dân gian sử dụng khá linh hoạt: Miếng trầu là miếng trầu vàng/ Xin
chàng cầm lấy, kẻo oan miếng trầu!
Qua khảo sát ca dao lưu truyền ở Hà Nam, chúng tôi nhận thấy biểu tượng hoa được nhắc

đến 20 lần, trong đó hoa thiên lí xuất hiện 4 lần, hoa sen 1 lần, còn lại các câu ca khác chỉ nói
đến hoa chung chung, không nói đến một loài hoa cụ thể nào. Trong ca dao lưu truyền ở Hà
Nam hoa thiên lý thường tượng trưng cho những người con gái có nhan sắc, e ấp, kín đáo: Đêm
qua vắng khách tri âm/ Vắng hoa thiên lý, âm thầm cội cây.
Biểu tượng trầu - cau được nhắc đến 34 lần, hoa 20 lần, thuyền - bến 11 lần, áo xuất hiện 8
lần, khăn 5 lần trong ca dao lưu truyền ở Hà Nam. Thuyền là một biểu tượng xuất hiện nhiều
thứ ba trong ca dao lưu truyền ở Hà Nam. Trong ca dao người Việt, thuyền là phương tiện
chuyển tải tình yêu. Riêng vùng chiêm trũng Hà Nam, thuyền là một phương tiện gần gũi thậm
chí rất thiêng liêng, quan trọng. Bởi vào mùa mưa bão, nước ngập mênh mông, người dân đi từ
đống này sang đống khác chủ yếu bằng thuyền. Ở đây, người dân có những sáu tháng đi “bằng
tay” có nghĩa là đi bằng thuyền. Thuyền còn là nơi người ta tổ chức ca hát kéo dài đến thâu
đêm, nhạc cụ là thuyền trống (dùng một cái thuyền làm trống) – loại nhạc cụ đặc biệt, thể hiện
sự sáng tạo của người Hà Nam. Đó là lí do vì sao thuyền được người bình dân Hà Nam nhắc
đến nhiều. Với người Hà Nam, thuyền là biểu tượng của lụt lội của sự sáng tạo và tình yêu ca
hát, là ý chí nghị lực, tinh thần vượt khó khăn gian khổ: Nào thuyền sắp sẵn ra đây/ Mời anh,
mời chị ta nay xuống thuyền/ Thuyền này là thuyền chở tiên/ Thuyền kia thì chở tài hiền sánh
đôi/ Ai mà không xuống thì thôi/ Xuống thuyền thì phải thành đôi đến già/ Không xuống thì
liệu ở nhà/ Xuống thì hát đến trăng tà mới thôi…/ Không xuống thời đứng tựa gốc cây/ Xuống
thì gan ruột giãi bày với nhau. Hoặc ở lời ca khác thuyền là nơi để họ giãi bày lòng mình, nơi
để họ thở than nỗi vất vả của cuộc sống thường nhật: Thuyền chàng thuyền thiếp sánh đôi,/
Mời chàng đến để cho tôi cầm sào/ Trăng trời thời đã lên cao,/ Chàng mà không xuống biết lúc
nào thở than. Dùng hình ảnh thuyền để người bình dân đùa vui hóm hỉnh: Mời nàng bước
xuống thuyền tôi/ Xuống thì kheo khéo kẻo thuyền tôi chòng chành!/ Tôi chòng chành, tôi vẫn
ngồi được/ Nàng chòng chành thì va ngược va xuôi!
Biểu tượng thể hiện được nhiều cảnh ngộ sinh động, phản ánh cách cảm, cách nghĩ, cách
diễn đạt đầy ý tình của trai gái khi yêu nhau.
3.1.2. Từ loại
- Tính từ: Những tính từ chỉ màu sắc, tính chất, đặc điểm sự vật, đặc biệt chỉ trạng thái tâm
hồn nhân vật trữ tình xuất hiện đậm đặc và có hiệu quả thẩm mĩ cao: sông cạn, đá mòn, gió
thảm, mưa sầu, má hồng… được trở đi trở lại trong ca dao lưu truyền ở Hà Nam: Con gái má

mọng quả hồng/ Không giữ vững thế, nó lồng chết tươi; Má hồng bồng kiếm ra oai,/ Dậm
chân rung núi, nghiêng vai đổ trời.
Tính từ giúp cho sự diễn tả sâu sắc tình cảm con người có giá trị tạo hình và biểu cảm: Ví dù
chẳng gặp nhau đây/ Trăm hoa cũng héo, ngàn cây cũng tàn; Cây xanh, cành tím, hoa vàng/
Cành bao nhiêu lá, thương nàng bấy nhiêu; Xanh lòng hơn lá/ Bạc dạ hơn vôi/ Từ rầy giã bạn,
bạn ơi!/ Giã điếu ăn thuốc giã cơi ăn trầu.
Tính từ chỉ màu sắc chiếm một số lượng khá lớn trong ca dao lưu truyền ở Hà Nam. Nó dùng
để diễn tả màu sắc thực của cảnh vật và những đặc điểm của con người: Con gái Đầm Tái mỹ
miều/ Đầu gục một chiều, hai má đỏ au; Mặt thời ngọc, mắt thời xanh/ Rút gươm động đến
trăm thành nhà Ngô; Má hồng bồng kiếm ra oai/ Dậm chân rung núi, nghiêng vai đổ trời.
Miêu tả, gọi tên màu sắc chưa đủ, người bình dân Hà Nam còn dùng từ láy để nhấn mạnh, để
diễn tả đậm nét hơn: Quả cau phơn phớt lòng đào/ Chàng còn mơ tưởng chốn nào hơn đây?
Khi muốn nhấn mạnh tính chất đối tượng, người bình dân đã sử dụng biện pháp nghệ thuật
đảo từ, đưa tính từ lên trước danh từ để nhấn mạnh tính chất của đối tượng: Cạn nguồn phải
uống nước khe/ Hết người lịch sự phải ve người đần.
Có những lời ca, cô gái Hà Nam đã sử dụng nhiều tính từ để diễn đạt tình cảm của mình một
cách sâu sắc:…Nhạt, nồng, cay, đắng, chàng ơi/ Ăn trầu có tỏ khúc nhôi sự tình?
Có lúc cô gái Hà Nam sử dụng tính từ để ngầm đề cao mình, khuyên các chàng trai luôn tỉnh
táo, sáng suốt trong việc chọn bạn đời: Làm tài trai dại lắm anh ơi/ Cam vàng thì bỏ quýt hôi
lại cầm/ Nước trong xanh hòn đá tím bầm/ Anh đi kén chọn còn nhầm anh ơi!
Người bình dân Hà Nam còn dùng tính từ để chỉ ra thói xấu “rõ ràng” của ông sư ở chùa Tái
(Bình Lục): Cái trống sơn đỏ/ Cái mõ sơn son/ Ông sư chùa Tái bốn con rõ ràng.
Qua khảo sát việc sử dụng tính từ, chúng ta có thể hiểu rõ hơn quan niệm thẩm mỹ cũng như
tâm lý truyền thống dân tộc, sử dụng tính từ là một cách ưu việt trong việc diễn tả tâm trạng trữ
tình của một thể loại mang bản chất trữ tình đặc thù.
- Đại từ: khi chàng xưng anh và gọi cô gái là cô thì đó là cách gọi thể hiện sự lịch thiệp với
người mới quen. Cách xưng hô này cũng có khi mang hàm ý bông đùa, trêu ghẹo, nếu được thì
hay hoặc không được thì cũng chẳng vi phạm đạo đức, khuôn phép. Chàng trai Hà Nam đã
buông những lời trêu đùa tình tứ: Hỡi cô yếm trắng loà loà/ Lại đây đập đất trồng cà cùng
anh…

Từ cách xưng hô anh – cô, chàng trai Hà Nam có thể chuyển sang gọi cô gái bằng nàng, thể
hiện sự tha thiết, gần gũi: Gió bay đôi dải yếm đào/ Anh thò tay vào bắt lấy nhạn xanh./ Thế
nào? Nàng nói cùng anh/ Thì anh sẽ thả nhạn xanh cho về.
Khi chàng trai chuyển lời xưng hô anh – em trong lời tâm tình đã biểu lộ sự thân quen,
thương mến: Đêm qua hóng mát ngoài hiên/ Thấy em qua ngõ, anh liền chạy ra/ Cầm tay em
trắng như ngà/ Anh hỏi em chuyện: mẹ già ưng chưa?
Ca dao lưu truyền ở Hà Nam đã vận dụng lối xưng hô thiếp, em, thân em với anh, chàng,
quân tử để tạo ra không khí lãng mạn, trang trọng của những lời hát giao duyên, thể hiện cách
ứng xử thanh lịch, tế nhị của con người: Sông lai láng, bể lại láng lai/ Hỡi người quân tử quen
ai mà mừng?
Nhiều khi, những từ trang trọng có tính chất khuôn sáo cũng được vận dụng hết sức linh hoạt
trong ca dao, được đặt vào những hoàn cảnh rất đời thường, dân dã: Chàng, em, thiếp,
chàng…Sự xuất hiện của những cặp từ đây, đấy khiến cho ý nghĩa biểu cảm của bài ca dao
khác hẳn. Nó làm cho những câu vần vè cất bổng thành thơ.
3.1.3. Sử dụng lối diễn đạt thậm xưng, ngoa dụ
Thủ pháp cường điệu, phóng đại được ca dao lưu truyền ở Hà Nam sử dụng với mật độ lớn,
rất phù hợp với nét tính cách của chủ thể sáng tạo ra nó là luôn luôn “ăn sóng, nói gió”, luôn
mang trong mình truyền thống thượng võ của quê hương: Kìa trai Bồng Lạng bước ra,/ Hai
chân lừng lững như là voi nan./ Tấn phía Bắc, thoái phía Nam,/ Đất rung, gió cuốn mây tan
rụng rời!
Tinh thần thượng võ chi phối sâu sắc quan điểm thẩm mỹ của người dân Liễu Đôi – Hà
Nam. Người phụ nữ theo quan điểm của các tác giả dân gian Hà Nam không giống như tiêu
chuẩn thẩm mỹ của giai cấp phong kiến. Họ không chỉ đẹp mà còn khoẻ và giỏi võ vật: Con gái
má mọng quả hồng,/ Không giữ vững thế, nó lồng chết tươi!/ Nghiến răng: đá bể làm đôi,/
Chém sông sông đứt, chém đồi đồi tan.
Ca dao lưu truyền ở Hà Nam còn dùng thủ pháp nghệ thuật này để chế giễu mỉa mai những
kẻ hèn nhát, lười biếng: Người ta lái gió bạt mây/ Anh thì lái bát cơm đầy vào hang/ Đi thì sợ
gai mồng tơi,/ Ngủ thì sợ quỷ ẩn nơi đầu giường/ Ăn thì sợ cá lắm xương,/ Nói thì hạt thị ngậm
trương đầy mồm/ Vật thì chân nhảy chồm chồm,/ Nó khoắng một cái đít chôn lăn vèo.
3.3.Thể thơ

Ca dao lưu truyền ở Hà Nam có 497 lời trên tổng số 526 lời sáng tác theo thể lục bát chiếm
94,5%. Như vậy cũng như ca dao cả nước, ca dao lưu truyền ở Hà Nam phần lớn được sáng tác
bằng thể thơ lục bát. Thể lục bát trong ca dao lưu truyền ở Hà Nam có khả năng biểu hiện hết
sức tự nhiên những trạng thái tình cảm đa dạng, tinh tế của con người: Khăn này của mẹ của
cha/ Có đôi con bướm say hoa lượn vòng./ Chẳng nên nghĩa vợ, tình chồng,/ Thì chàng trao lại
khăn hồng cho em!
Bên cạnh đó, ca dao lưu truyền ở Hà Nam cũng sử dụng ở mức độ hạn chế những thể thơ:
song thất lục bát, song thất, thể hỗn hợp tự do… Đây là sự kết hợp tự do các thể vốn có trong
ca dao: Cây bách diệp lá lại vân vi/ Ơi chị em ơi/ Có thương lấy kẻ nhỡ thì, thì thương.
Có một số lời lục bát biến thể trong ca dao lưu truyền ở Hà Nam khuôn vần vẫn được giữ,
còn số tiếng trong mỗi dòng thơ có thể thay đổi: Phải duyên, nó sánh như nhựa sung/ Chàng
hôi như cú, em cũng nằm chung một giường./ Trái duyên, chàng ngọt như bát nước đường/
Chàng thơm như quế, em cũng tìm đường em ra! (7/10 tiếng; 8/10 tiếng)
Có những câu lục bát biến thể rất đắc dụng trong những lời than da diết: Biết than cùng ai?/
Biết thở cùng ai?/ Chờ cho trăng mọc thở dài với trăng.
Qua thống kê ca dao lưu truyền ở Hà Nam, chúng tôi nhận thấy lục bát biến thể có 29 trên
tổng số 526 lời, chiếm 5,5% . Về hình thức biến thể, ca dao lưu truyền ở Hà Nam, lục bát biến
thể thường nhỏ, ít đột ngột chỉ thêm bớt vài tiếng, co giãn so với khuôn 6/8 (nhiều nhất là 11
tiếng). Với độ co giãn như vậy nên ca dao lưu truyền ở Hà Nam thể hiện sự linh hoạt về vần
nhịp. Về mặt cấu trúc, câu chữ không chịu đóng khung trong các quy tắc; công thức rất tự do
miễn sao diễn đạt được hiện thực, nói được nỗi lòng: Anh thương em phận gái, đàn bà/ Em
ngồi giữa chợ, quạt tấm bánh đa sáu đồng.
Hình thức đối được người bình dân Hà Nam sử dụng khá phong phú, linh hoạt. Đây là lối đối
trong nội bộ dòng thơ với kiến trúc 3/3; 4/4: Chả tham giàu / chả tham sang,/ Lấy chồng võ
nghệ xênh xang một đời; Đã nhìn thấy gái Quế Sơn,/ Dẫu căm cũng nhớ / dẫu hờn cũng mê!
Kiến trúc đối góp phần làm đa dạng cách ngắt nhịp trong thể lục bát, có tác dụng diễn tả những
gì đăng đối, trang trọng hoặc tạo nên sự tương phản, gây cười. Lối đối tương hỗ trong ca dao
giúp cho nội dung biểu hiện được sâu sắc, đậm đà hơn, tính lập luận chặt chẽ hơn.
3.4. Không gian, thời gian nghệ thuật
3.4.1. Thời gian nghệ thuật

Thời gian trong ca dao là thời gian hiện tại. Dấu hiệu này trong một số trường hợp được bộc
lộ trực tiếp bằng các từ bây giờ, hôm nay: Bây giờ anh biết nói gì/ Tưởng em chưa có chồng thì
anh yêu…; Hôm nay trời nắng chang chang/ Ở đây xa nước, xa làng, xa dân/ Chàng cho em
mượn cái nón làm ân/ Nhà em xa lắm có gần ai đâu?
Người bình dân Hà Nam sử dụng nhiều công thức chỉ thời điểm mở đầu bằng từ “đêm qua”,
nhiều hơn các từ “chiều chiều”, “đêm đêm”: Đêm qua vắng khách tri ân/ Vắng hoa thiên lý,
âm thầm cội cây…; Đêm qua lác đác mưa dầm/ Thương ai xa cách, ruột tằm héo hon? Những
từ hôm qua, đêm qua cho thấy thời gian xảy ra sự việc, hành động được miêu tả không phải là
quá khứ xa xôi, mà là thời gian sát gần với hiện tại.
Ca dao lưu truyền ở Hà Nam sử dụng công thức, ước lệ miêu tả thời gian: Tìm em bảy tám
hôm nay/ Hôm qua là chín, hôm nay là mười. Những con số có vẻ cụ thể nhưng cũng không
phải là một đại lượng chính xác.
Thời gian trong ca dao là thời gian tâm lí, thời gian ước lệ. Nhiều khi nó chỉ là cái cớ để biểu
hiện tâm trạng. Đêm qua hay đêm kia hay đêm nảo đêm nào cũng có ý nghĩa không thật xác
định. Điều cốt yếu nhất của các bài ca là biểu đạt được “cái lí của lòng người”. Thời gian phù
hợp với lôgic tâm trạng.
3.4.2. Không gian nghệ thuật
Dòng sông, con thuyền, cái cầu, bờ ao, cây đa, mái đình, ngôi chùa, mảnh vườn, cánh đồng,
con đường, trong nhà, ngoài sân, bên khung cửi, trong ngõ nhỏ,… là những không gian vật lý
thường gặp trong ca dao. Ở đó, người bình dân chủ yếu là những chàng trai làng và các cô thôn
nữ sinh sống, làm lụng, tình tự và than thở. Không gian nghệ thuật trong ca dao lưu truyền ở Hà
Nam không nằm ngoài quy luật đó: Mượn đây có bóng cây đa/ Bứt nắm cỏ gà, làm nắm chỉ
thêu… ; Người đâu vô ý vô tâm/ Chưa ra đến ngõ đã cầm cổ tay.
Không gian nghệ thuật trong ca dao ở Hà Nam mang sắc thái vùng rõ rệt, theo kết quả thống
kê của chúng tôi, những từ : Núi, đồi, gò, đống, hòn xuất hiện 55lần; đồng 10 lần; bến 9 lần;
chợ 6 lần; chùa, đền 5 lần; cầu 4 lần; sông 2 lần. Đặc biệt những từ đồng sâu, nước cả, đồi
núi, gò, đống… được nhắc đến nhiều: Ruộng đầm nước cả bùn sâu,/ Suốt ngày cùng với con
trâu cày bừa… ; Kể chi trời rét, đồng sâu,/ Có chồng, có vợ, rủ nhau đi bừa…
Đây là điều dễ hiểu, bởi vì đặc điểm lớn nhất, bao trùm nhất của tự nhiên, sinh thái Hà Nam,
đặc biệt hai huyện Thanh Liêm, Bình Lục xưa kia tuyệt đại bộ phận đất đai đều chìm sâu dưới

mặt nước trong một thời gian dài, chỉ có một số gò, đống lớn nổi lên giữa đồng nước.
Theo GS. TS Nguyễn Xuân Kính “bên cạnh không gian vật lí, trong ca dao còn có không
gian xã hội. Ở đây có những mối quan hệ hết sức đa dạng giữa con người với con người”:
Đông Quan mở hội vui thay/ Thi văn thi võ lại bày cờ tiên.
Trong tâm thức của người bình dân Hà Nam, những không gian như núi, đồi, gò, đống, hòn,
chợ… không chỉ là đất mẹ, là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là đất Thánh, che chở cho con người.
3.5. Tính chất trào lộng
Kết cấu của những lời ca dao có tính chất trào lộng là ngắn gọn, hợp lý, chặt chẽ, kết thúc bất
ngờ để tiếng cười bật ra đúng lúc, đúng chỗ nực cười nhất. Sử dụng kết cấu tương phản để tạo
ra tiếng cười, tạo ra sự đối lập giữa ta và người, giữa hiện thực và ước muốn, giữa cái có trong
tay và cái ở ngoài tầm tay. Một số bài ca dao gây cười bằng cách tạo ra nét tương phản giữa hai
đối tượng “chồng người – chồng ta”…: Chồng người thổi sáo, thổi tiêu/ Chồng tôi ngồi bếp
húp riêu bỏng mồm.
Thiên chức đầy đủ của người phụ nữ là “công dung ngôn hạnh” thì đối tượng trong ca dao
cười là: Nhà có mâm cỗ/ Luộc gà quăng mề/ Thổi cơm thì khê/ Rang vừng thì cháy/ Con mắt
hấp háy/ Ăn vụng thành thần.
Chức năng của người đàn ông là trụ cột trong gia đình, nhưng nhiều người lại rất yếu hèn,
lười biếng, nên ca dao đã châm biếm, đả kích: Trời mưa gió rét căm căm/ Em đi làm mướn, anh
nằm anh ăn…
Người Hà Nam rất giỏi võ nghệ, giàu tinh thần thượng võ chống ngoại xâm, nên những kẻ
hèn nhát, lười biếng sẽ là đối tượng phê phán, đả kích: Trai gì mà nhát như gà?/ Ăn cơm xó
nhà, múa gậy cối xay./ Bảo vật thì gãi hai tay,/ Vì hay ăn chuối, nên nay sợ khèo!
Khảo sát chủ đề Truyền thống thượng võ chống xâm lăng, chúng tôi thấy có 15 lời có tính
chất trào lộng trong tổng số 75 bài, chiếm 20%. Nó hướng đến việc phê phán sự lười biếng, hèn
nhát của một bộ phận nhân dân, sự tham sống sợ chết, bạc nhược, đớn hèn của bọn quan lại:
Ngựa đâu có ngựa bất kham/ Tướng đâu có tướng bò quàng lạy Ngô?
Sư sãi lẽ ra phải một lòng vì chính đạo, phải tu nhân tích đức đúng như lời Phật dạy thì ở đây
dưới một mái tam quan, sự hành đạo diễn ra như một thứ trò hề nhơ nhuốc: Cái trống sơn đỏ/
Cái mõ sơn son/ Ông sư chùa Tái bốn con rõ ràng! Ta tìm thấy trong những lời ca dao có tính
chất trào lộng trí tuệ sắc sảo, óc thực tiễn, cái nhìn hài hước thông minh, tài hoa và quan niệm

thẩm mỹ truyền thống của người dân lao động Hà Nam.

Chƣơng 4. KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM DIỄN XƢỚNG
CỦA CA DAO LƢU TRUYỀN Ở HÀ NAM
4.1. Đặc điểm diễn xƣớng của ca dao nghi lễ
4.1.1. Hát Lãi Lê (Lải Lèn, Lả Lê)
Về nguồn gốc của tục múa hát Lãi Lê, chuyện xưa truyền lại rằng: Cách đây hơn 1.000 năm,
tổng Yên Trạch, phủ Nam Xang (nay là 3 làng: Yên, Đọ, Nội ở Bắc Lý, Lý Nhân) là vùng đất
ven sông Hồng nước ngập mênh mông, lau sậy um tùm. Vào thế kỷ thứ VI, Triệu Quang Phục
lúc đó đang giúp Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương đã lấy đầm Dạ Trạch (nay thuộc Châu
Giang, Hưng Yên) làm căn cứ chống giặc. Nằm ở vị trí cách đầm Dạ Trạch không xa, lại tiện
sông nước, việc đi lại thuận lợi, tổng Yên Trạch được Triệu Quang Phục chọn làm vành đai bảo
vệ, tiếp tế cho vùng căn cứ. Sau khi chiến thắng giặc Lương, lên ngôi vua, Triệu Việt Vương đã
về thăm lại vùng đất Yên Trạch. Nhân dân mừng rỡ đón rước rất long trọng và múa hát Lãi Lê
là một trong những nghi thức long trọng đó. Sau khi vua mất, người dân trong 3 làng cùng lập
đền thờ, quanh năm hương khói. Múa hát Lãi Lê và nghi lễ dâng rượu đón mừng chính thức trở
thành tục múa hát thờ thần. Cứ vào cữ “hai nhăm tết” là 12 cô gái và 8 chàng trai thanh tân độ
tròn đôi tám lại tụ họp ở đình và được các thầy Lải dạy múa hát. Tối mồng 2 tết, mọi nghi thức,
giai điệu, lời ca được ôn luyện thật kỹ, thật nhuyễn, chuẩn bị cho ngày mồng 3 chính hội.
Các điệu hát Lãi Lê thường rất ngắn gọn, lời cổ, âm hưởng du dương theo nhịp phách, phảng
phất màu sắc thần linh, huyền bí: “Chim kêu bằng một. Chiếng xuân bóng mát. Đã dài ngoài
xuân. Cất bút bay lên bốn nhuần. Nguyệt đã lên tầng cao. Nước mát xuống sâu tựa rào. Nguồn
tầng cao là ta về biển. Quá ư lại nguồn. Chớ thay chớ chớ. Đã qua chớ chầy. Nguồn chớ thay
là ta về biển”. (Khúc chim kêu)
Lời hát có khi tái hiện lại những câu chuyện huyền thoại xa xưa, những truyền thuyết đánh
giặc hay quang cảnh, khí thế tiến công của nhân dân ta: “Chàng trẩy đi ra. Là cho thiếp chảy
về. Kể chi non nước. Khói biếc lầm pha. Ấy là quân ta trở về. Đè nước chèo sang. Khoan
khoan tiếng hò. Vào đánh cung đô. Đánh lấy cung đô phen này…” (Chàng Trẩy).
Hát Lãi Lê thường gắn với các động tác múa mang tính chất “diễn giả” như điệu Vũ cờ, điệu
Trương cung, Chém mộc, Chém ma, điệu Cầu toan, điệu Sô siết…

Cũng là điệu hát nghi lễ thờ thần, nhưng nếu như hát Dậm chỉ tuyển chọn những cô gái thanh
tân thì hát Lãi Lê phổ biến rộng rãi hơn trong đời sống nhân dân, trong đó có cả ông già, bà cả,
trai thanh, gái lịch. Nhắc tới hát Dậm, người ta không thể không kể tới vai trò của bà Trùm, còn
trong hát Lãi Lê, vai trò chủ chốt là của thầy trưởng lải. Thông thường, hàng năm, cứ vào ngày
hai mươi lăm đến ba mươi tết, lại có tục rước bát hương sứ giả từ đình làng về nhà. Thầy
trưởng lải và các cô lải sẽ phải tập các điệu hát, múa thánh ngay tại nhà. Vào hội (từ mồng một
đến mồng ba tết), các nàng lải đứng xếp hàng ở đình, hát theo lời xướng của thầy trưởng lải
trong suốt ba ngày tết. Đến ngày mồng ba tết, có hát hầu ma do tám người con trai được làng
tuyển chọn hát. Ngoài ra, lúc hát giã, tống tiễn còn có thuyền rồng, trống phách linh đình.
Tục chạy ngựa, bơi chải là tích trò diễn xướng nhằm mô tả tái hiện những cuộc chiến, những
thắng lợi của vua tôi họ Triệu. Sau khi có đình làng riêng rẽ cùng thờ chung Triệu Việt Vương,
dân ba làng đã đặt ra lệ phân định những nghi lễ mà mỗi làng phải đảm nhiệm cho chu đáo: hát
múa làng Nội, chạy ngựa làng Yên, đua thuyền làng Đọ. Những nghi lễ này làm cho hội làng
càng thêm phần náo nức. Thuyền đua làng Đọ theo sông vòng qua trước cửa đình làng Nội
trong tiếng reo hò của quan viên, khách họ và dân làng…Lâu dần, lệ phân định đó đã trở thành
câu ca truyền tụng của dân cư khắp cả vùng: “Làng Đọ bơi thuyền, làng Yên chạy ngựa, làng
Nội múa hát Lãi Lê”.
Thế rồi chiến tranh loạn lạc đã làm đứt đoạn những kỳ hội làng đáng nhớ ấy. Mười lăm thế
kỷ đã trôi qua, vùng đất trũng um tùm lau sậy giờ đã thành những làng mạc trù phú đông đúc.
Con đê Đại Hà đã giới hạn dòng sông Hồng, giới hạn vùng sông nước giữa Yên Trạch với đầm
Dạ Trạch linh thiêng. Con sông trước cửa đình nay đã trở thành làng mạc, nhà chen san sát…
Lải Lèn câu hát dân gian một thời giờ có lẽ chỉ còn là miền ký ức đằm nặng trong tiềm thức của
người dân làng Nội, làng Yên, làng Đọ. Hiện tài liệu ghi chép, lưu giữ, nghiên cứu về loại hình
hát múa này không nhiều nên đây cũng là một khó khăn của chúng tôi khi khảo sát về vấn đề
này. Đó cũng là lí do giải thích vì sao phần khảo sát đặc điểm diễn xướng về hát múa Lãi Lê lại
được trình bày ngắn gọn hơn các loại hình dân ca khác.
4.1.2. Hát Dậm
Theo truyền thuyết, khi đem quân đi đánh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt có dừng lại và
đóng quân ở Quyển Sơn một đêm. Đêm đó, ngài nằm mộng thấy có hai vị nữ thần đến yết kiến
và xin theo âm phù đánh giặc. Vậy nên, khi chiến thắng rồi, ông không quên lời thần mộng, bèn

quay về đất này tìm dấu tích, lai lịch của thần để tạ ơn. Ở đây, quả có một ngôi đền thờ một vị
hoàng hậu và một vị công chúa, không rõ thuộc đời nào. Ông bèn cho mở hội tế thần và mừng
công tại đây. Trong lễ hội, ông cho quân dân ca hát và sai tù binh là vũ nữ ca công Chiêm
Thành ra múa hát mua vui. Sau đó, ông mở trang trại tại đây để làm nơi tĩnh dưỡng lúc tuổi già.
Từ bấy, cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng, ông lại về đây mở hội, tổ chức ca múa hát mừng.
Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ ông cùng hai vị hoàng hậu và công chúa. Đền ấy nay gọi
là đền Trúc và những điệu hát Dậm ấy chính là hát Dậm ngày nay. Vẫn giữ tục lệ cũ, hàng
năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng 2 và ngày mồng 2 tháng 5, nhân dân lại mở hội như thuở ông
còn sống để tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc tài ba.
Cũng giống như các thể loại dân ca nghi lễ miền Bắc, hát Dậm có sự kết hợp giữa chức năng
phục vụ tế lễ và chức năng vui chơi, giải trí. Trong quá trình diễn xướng hát Dậm cũng như dân
ca nghi lễ miền Bắc, yếu tố lễ nghi, nghi thức, thờ tế thần linh ngày càng giảm, nhường chỗ cho
yếu tố sinh hoạt – trữ tình.
Như nhiều lễ hội khác thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, những tiết mục dân ca
nghi lễ của hát Dậm được diễn xướng trong một không gian mang tính thiêng của thần linh. Đó
là một không gian của tâm linh, thuần khiết, thoát tục. Thời gian tổ chức hát Dậm cũng phù hợp
với thời gian hội hè của cư dân người Việt cổ. Đây là thời gian con người thư thái, an nhàn,
“thóc lúa đầy bồ”, thời tiết đẹp, phù hợp với không khí du xuân. Dân gian cũng quan niệm
rằng: đầu năm mà tinh thần sảng khoái, vui vẻ thì cả năm con người sẽ khoẻ mạnh, con giống
sẽ tốt tươi, những lời khấn nguyện mùa màng bội thu sẽ được linh ứng.
Tham dự trực tiếp múa hát Dậm, cả khi tế lễ lẫn khi trình diễn độc lập, riêng lẻ, có bà Trùm
và gần hai chục cô gái chưa chồng, số lượng linh hoạt, nhưng chỉ là số chẵn. Tất cả tụ họp
thành “họ” gọi là “họ Dậm”. Họ là những người ngưỡng mộ Thành hoàng và yêu nghệ thuật.
Cũng giống như trong lễ hội hát Dô, người được chọn biểu diễn hầu hết là nữ, chỉ cần một vài
nam giới làm nhiệm vụ dẫn dắt mà thôi.
Hát Dậm là loại hình nghệ thuật nguyên hợp, trong đó các thành tố ca – múa – nhạc – trình
diễn không tách rời nhau, thông qua nhau mà phát huy tác dụng. Ở nó có những nét gần gũi,
tương đồng với Hát xoan Phú Thọ, Hát Dô, hội Lải Lèn Lý Nhân, Hà Nam, Hội hát Văn (Phủ
Giầy) Nam Định,… và cũng có những nét khác biệt. Trong mối tương quan với tế lễ, với các
trò chơi như tổ tôm điếm, đấu vật, múa lân, leo dây múa rối, bơi chải thì hát Dậm thực sự đóng

vai trò cơ bản hình thành hội làng – hội Dậm.
Hát Dậm có 36 làn điệu, nhưng trên thực tế vận hành, Hát Dậm chỉ có 30 làn điệu. Có lẽ một
số làn điệu đã thất truyền do tình trạng truyền khẩu giữa các nghệ nhân nhiều thế hệ. Trong số
30 làn điệu đang lưu hành của hát Dậm, chỉ có 26 làn điệu là có lời và giai điệu riêng, còn một
số làn điệu không có ranh giới rõ ràng như: làn điệu Trấn Ngũ Phương, Cần Miêu, Hỡi Anh
xinh…
Khi trình diễn hát múa Dậm, các gái Dậm lần lượt thực hiện động tác múa và lời hát theo
nhịp sênh tre hoặc nhịp trống con từ làn điệu đầu tiên Trấn ngũ phương, đến hai làn điệu cuối
Bỏ bộ, Huê tình.
Lúc diễn xướng, Bà Trùm mặc váy lụa đen, áo nhiễu tứ thân màu đỏ, thắt lưng lụa hồng, đầu
chít khăn mỏ quạ bằng vóc đen, tay cầm đôi sênh tre (đôi khi cầm trống con), đứng giữa, trước
hương án Thành hoàng (nếu ở đình), hoặc ở giữa sân đình (khi đan xen cùng tế lễ); trước
hương án thần (nếu ở đền Trúc), để điều hành, bảo đảm cho việc múa hát thờ được thông suốt,
không bị vấp váp. Phía sau, hai bên tả và hữu bà trùm là các gái Dậm, đứng thứ tự theo hai
hàng thẳng, trên lớn, dưới nhỏ, mỗi hàng từ 10 đến 12 cô. Có khi họ quay mặt vào nhau, cũng
có khi họ cùng quay mặt về phía ban thờ. Tất cả đều mặc váy lụa đen, áo lụa tứ thân mầu xanh
hoặc màu hồng, đầu chít khăn mỏ quạ bằng nhiễu đen, thắt lưng hoa lý buông chùng, tay cầm
quạt giấy, cũng có khi cầm gươm, giáo bằng gỗ. Trang phục của họ Dậm như thế là gần giống
với cách ăn vận của các “liền chị” Quan Họ Bắc Ninh, nhất là giống cách trang phục của các cô
gái trong hát Đúm Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Vài chục năm trở lại đây, các gái Dậm thay áo tứ
thân và váy bằng áo dài (kiểu áo tân thời) do làng may sắm. Riêng bà Trùm thì mặc quần và áo
dài bằng vải lĩnh màu vàng. Tất cả đều có đai thắt ngang bụng, mỗi người đội một cái khăn xếp
có gắn kim tuyến óng ánh.
Về lề lối hát múa Dậm, rất giống với lề lối của một số lễ hội khác thuộc đồng bằng sông Hồng.
Hát Dậm Quyển Sơn bao giờ cũng vận hành theo một trình tự chặt chẽ, đó là: trước tiên hát múa
giọng lề lối (mang tính lễ nghi), sau hát múa giọng vặt (mang tính trữ tình, giao duyên). Phần hát
giọng lề lối của hát Dậm chiếm tới trên 80% tổng số các làn điệu, gồm có hát giáo đầu, hát nghi lễ,
hát chúc tụng với các làn điệu: Trấn Ngũ phương, Cần Miêu, Chăn Tằm, Mắc Cửi, May áo, Mái hò
ba, Chèo quỳ… Phần giọng vặt có Bỏ bộ, Huê tình, Giáo vọng. Đáng chú ý là phần giọng vặt của
hát Dậm rất ít, chỉ vài làn điệu với hơn chục lời ca, có giai điệu giống nhau, tạm hiểu là “điệp

khúc”.
Đặc điểm diễn xướng tức đặc điểm trình diễn của lễ hội hát Dậm Quyển Sơn bao gồm hành
động hội chính phổ biến, hành động hội chính cá biệt, hành động hội phụ, đồng thời cũng có sự
đan lồng cả hai loại ở một số làn điệu Dậm.
- Hành động hội chính cá biệt nhằm tái hiện sự kiện lịch sử và chiến công chống ngoại xâm,
mà chủ yếu là chiến công bình Chiêm bằng đường thuỷ của quân đội nhà Lý do Lý Thường
Kiệt chỉ huy vào giữa thế kỷ XI, nhằm ghi nhớ, biểu dương công lao dựng nước và giữ nước
của người anh hùng tầm vóc ít nhiều đã được đẩy tới mức huyền thoại. Hành động chính cá biệt
này được các nghệ nhân dân gian, các gái Dậm diễn xướng qua một loạt làn điệu như Trẩy
quân, Mái hò một (Mái hò ông), Mái hò hai (Mái hò bà), Mái hò ba, Chèo quỳ…
Trong diễn xướng, một số làn điệu, bao gồm cả lời hát và điệu múa của hành động hội chính
cá biệt đều tập trung vào hình ảnh mang tính biểu tượng cao độ, có tầm khái quát, ước lệ lớn là
mái chèo và con thuyền: mái chèo chở quân vượt sông dài biển rộng đi đánh Chiêm Thành; mái
chèo đưa quân khải hoàn trở về; mái chèo diễn tả niềm vui thắng trận, bình an trở lại quê nhà
của những người lính; mái chèo diễn tả niềm mong chờ khắc khoải của những người mẹ, người
vợ chờ tin chồng, con nơi tiền tuyến…
Hình ảnh biểu tượng mái chèo trong một số làn điệu Dậm là cách diễn xướng đặc thù mang
đậm dấu ấn văn hoá sông nước, văn hoá lúa nước của các cư dân sinh tụ ở vùng sông ngòi,
ruộng trũng, lấy nghề trồng cấy lúa nước và đánh bắt cá làm phương tiện đi lại, làm nghề sống
chính. Tất cả các động tác diễn xướng đều được quy tụ vào động tác chèo thuyền, hình thành
đặc điểm diễn xướng quan trọng cả hội Dậm. Một số lễ hội khác, như lễ hội làng Đăm, lễ hội
chùa Keo, lễ Hội làng Hạ Cát, lễ hội làng Vạc, lễ hội đền vua Đinh,… người ta có sử dụng con
thuyền và mái chèo, nhưng đây là con thuyền và mái chèo thực, không mang tính biểu tượng,
mà chỉ đơn thuần là trò thi đấu – thể thao dưới nước. Ngoài việc dùng mái chèo để tái hiện cuộc
hành quân đường thuỷ, các gái Dậm còn dùng mái chèo để tái hiện cuộc hành quân đường bộ
đánh quân Tống cũng của Lý Thường Kiệt. Hàng loạt lời ca, điệu múa đã được các nghệ nhân
dân gian sáng tạo mô phỏng cuộc hành quân đường bộ hào hùng đó, như các làn điệu: Đẩy xe,
Múa chèo, Giáo hương, Múa hương, Giáo vọng, với một số đặc điểm diễn xướng tiêu biểu
được thực hành gồm: tiễn chồng ra trận, phát đường cho quân đi, đẩy xe, tiếp lương cho quân,
đóng quân lập bếp, hồi quân, ca khúc khải hoàn, hành tiệc bách quan… Điều lạ lùng trong diễn

xướng là hành quân đường bộ, nhưng vẫn dùng mái chèo làm nhịp. Như vậy, ta có thể nói rằng:
môi trường ruộng trũng, môi trường sông nước đã ăn sâu vào tư duy nghệ thuật của nghệ nhân
dân gian làng Quyển, khiến họ diễn tả cuộc hành quân đường bộ cũng bằng động tác bơi chèo.
- Trong lễ hội hát Dậm còn có nghi thức diễn xướng tái hiện công cuộc sản xuất nông
nghiệp, tổ chức, xây dựng làng xã qua các hình ảnh biểu trưng cấy lúa, chăn tằm, diệt cửi, làm
nhà, yểm bùa, trấn trạch… các nghi lễ diễn xướng này được phản ánh qua các làn điệu Trấn
Ngũ phương, Cần miêu. Chăn tằm, Mắc cửi, May áo, Giáo hương, Giáo vọng, Phong ống,
Phong pháo, Thơ pháo, Hoá sắc… Đối với các làn điệu Trấn Ngũ phương, Phong ống, Phong
pháo, Giáo vọng, Dâng hương, Múa hương, Hoá sắc…, các gái Dậm diễn xướng mô phỏng
động tác yểm bùa, tiến tửu, dâng hương. Làn điệu Trấn Ngũ phương mô phỏng động tác yểm
bùa trấn trạch của Sa man giáo (đạo giáo phù thuỷ) lưu hành phổ biến ở các làng xã, gia đình,
đền, miếu, đình thời xưa.
Khi diễn xướng các làn điệu Phong ống, Phong pháo, các gái Dậm mô phỏng động tác đốt
pháo trừ tà, để mong hoà gia đạo, cầu sức khoẻ, cầu phú quý, cầu may, cầu lành, cầu làng xóm
trường thọ, khang ninh. Làn điệu Hoá sắc, Thơ pháo, Chuốc rượu, Trinh trai, Hiên môn cũng
được diễn xướng với mục đích tương tự. Chúng góp phần khẳng định hội Dậm nguyên thuỷ là
hội nông nghiệp, phong tục.
Các làn điệu Chăn tằm, Cần miêu (tên một loại lúa cổ), Mắc cửi, May áo các gái Dậm diễn
xướng động tác mô phỏng hoạt động cấy lúa, chăn tằm, hai việc chính của nghề nông. Lời ca
làn điệu Cần Miêu có xu hướng tái hiện cả quy trình cấy trồng lúa nước như chọn giống, gieo
mạ, cấy lúa, chăm sóc lúa, thu hoạch lúa chín, dựng nhà, dựng cửa, ổn định nơi cư trú lâu dài.
Lời ca làn điệu Chăn Tằm, May áo, Mắc cửi diễn xướng lại cả chu trình dài, từ mua trứng tằm,
chọn giống, chăm sóc, thu hoạch kén, dệt lụa bán lấy tiền hoặc may áo cho chồng tòng quân.
Đối chiếu hành động hội chính cá biệt nhằm diễn xướng, tái hiện sự kiện hành quân đường
thuỷ, đường bộ phạt Tống bình Chiêm của Lý Thường Kiệt với hành động hội chính cá biệt tái
hiện công cuộc sản xuất nông nghiệp, xây dựng làng xã, chúng ta thấy: lễ hội hát Dậm là lễ hội
nông nghiệp được lịch sử hoá thành lễ hội lịch sử – phong tục trong đó yếu tố lịch sử chỉ là lớp
màng nổi bên trên, bên ngoài, còn yếu tố nông nghiệp với các nghi thức tế lễ cầu mùa, cầu an,
cầu thịnh đạt mới là hạt nhân bên trong, quy định bản chất của đối tượng. Nhận định này bao
quát chung cả lễ hội hát Xoan, lễ hội Lãi Lê, lễ hội Trường Yên, hội Dóng, hội Đồng Kỵ, hội

đền Trần, lễ hội làng Cự Nham, lễ hội làng Xuân Phả…dù là lễ hội lịch sử, hay lễ hội tôn giáo,
chúng đều có gốc là tín ngưỡng nông nghiệp.
Diễn xướng lĩnh xướng, đồng xướng, đối xướng giữa nữ với nữ là đặc điểm diễn xướng thứ
ba của hội Dậm. Khi thực hành múa hát thờ thần, trước một làn điệu nào đó, bao giờ bà Trùm
cũng hát múa câu dạo đầu, có tính chất lĩnh xướng, để các gái Dậm bắt nhịp múa hát theo cho
đều, cho ăn khớp. Nếu hát Xoan Phú Thọ, Quan họ Bắc Ninh, hát Đúm Thuỷ Nguyên, hát
Trống quân vận động trên cơ sở đối – đáp (đối xướng) giữa nam với nữ, hoặc giữa đôi nam với
đôi nữ (Quan họ) thì hát múa Dậm chỉ vận động trên cơ sở đồng xướng và đối xướng giữa nữ
với nữ.
- Lĩnh xướng, đồng xướng, đối xướng giữa nữ với nữ đây hoàn toàn có thể xem như một đặc
điểm diễn xướng của Hát Dậm Quyển Sơn. Khi thực hành múa hát thờ thần, trước một làn điệu
nào đó, bao giờ bà Trùm cũng hát câu dạo đầu, có tính chất lĩnh xướng, để các gái Dậm bắt
nhịp múa hát theo cho đều. Nếu hát Xoan Phú Thọ, Quan họ Bắc Ninh, hát Đúm Thuỷ Nguyên,
hát Trống quân… vận động trên cơ sở đối – đáp (đối xướng) giữa nam với nữ, đôi nam nữ thì
múa hát Dậm chỉ vận động trên cơ sở đồng xướng và đối xướng giữa nữ với nữ. Theo nhà
nghiên cứu Lê Hữu Lê: “hiện tại, chưa tìm thấy một lễ hội nào có hình thức lĩnh xướng, đối
xướng, đồng xướng giữa nữ với nữ từ đầu đến cuối như hát múa Dậm”.
- Một đặc điểm diễn xướng khác của hội Dậm, đấy là hình thức trình diễn song hành cặp đôi
giữa múa hát Dậm (trên sân đình) với bơi chải (dưới sông Đáy). Có thể nói đây là một đặc điểm
nổi bật làm nên sắc thái riêng biệt của hội Dậm: Quyển Sơn vui thú nhất đời/ Dốc lòng trên
Dậm dưới bơi ta về/ Đôi bên núi tựa sông kề/ Ngược xuôi tiện nẻo, lắm nghề làm ăn.
Cũng theo nhà nghiên cứu Lê Hữu Lê: “những đặc điểm diễn xướng nêu trên, đều có thể
đồng quy vào một lối diễn xướng bao trùm hơn, đó là diễn xướng xướng – xô – một đặc trưng
diễn của các cư dân sông nước, cư dân trồng lúa nước khu vực Đông Nam Á, lấy nghề nông
trồng lúa nước làm nghề sống chủ yếu, lấy hạt gạo làm lương thực chính, lấy con thuyền làm
phương tiện giao thông chính là đi lại, làm ăn”. Lối diễn xướng xướng – xô rất gần về chủng
loại với hò sông Mã, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò chèo đò trên sông, trên biển. Nó chứng tỏ rằng,
hội Dậm vừa có cái chung với văn hoá lúa nước, văn hoá sông biển Đông Nam Á, vừa có cái
riêng của chính nó. Và nó cũng chứng tỏ, hội Dậm có nguồn gốc bản địa, nảy sinh và phát triển
trên cơ sở văn hoá dân gian đồng bằng Bắc Bộ (chứ không phải du nhập từ Chăm Pa).

Diễn xướng trong hội Dậm có sự đan xen giữa múa với hát, với âm nhạc, mang tính nguyên
hợp rõ nét và là hình thức sân khấu sơ khai. Các diễn xướng trong hội Dậm vừa có cái riêng (do
môi trường, phong tục, tập quán làng Quyển quy định), lại vừa có cái chung với lễ hội truyền
thống các làng quê Bắc Bộ, do giao lưu, tiếp biến văn hoá, do cùng nảy sinh trên cơ tầng văn
hoá lúa nước. Diễn xướng trong hội Dậm là diễn xướng nghi lễ nông nghiệp được lịch sử hoá
và nghệ thuật hoá theo chiều hướng tư duy nguyên hợp.
Nếu đạo cụ dùng cho chèo, tuồng, hát Quan Họ, Chầu văn, hát Xoan tương đối nhiều và
phức tạp thì đạo cụ trong dân ca nghi lễ múa hát Dậm (không kèm theo tế lễ) lại rất đơn giản,
chỉ có chiếc quạt giấy nhiều màu tuỳ theo thị hiếu từng gái Dậm và gươm, giáo bằng gỗ khi
trình diễn làn điệu Trẩy quân. Phổ biến nhất vẫn là quạt giấy, nó được dùng ở hầu hết các làn
điệu Dậm. Nhờ sử dụng quạt giấy, mà các gái Dậm thực hiện được các điệu múa mềm dẻo,
uyển chuyển hơn, duyên dáng hơn.
Nhạc cụ dùng trong múa hát Dậm độc lập (không có tế lễ đi cùng), rất đơn giản, chỉ gồm
sênh tre và trống con. Sênh tre do bà Trùm cầm đánh nhịp, điều chỉnh độ nhanh chậm của lời
ca, điệu múa, có mặt trong hầu hết các làn điệu, còn trống con chỉ được dùng khi diễn xướng
làn điệu Trầy quân. Nếu so với các hội hát khác thì nhạc cụ của lễ hội Hát Dậm không đa dạng
bằng. Nó không có đàn tranh, đàn tỳ bà, sênh tiền như ca Huế; cũng không có đàn thập lục, đàn
bầu như hát chèo, hát Quan họ. Mặc dù thế, với những nhạc cụ đã nêu, các nhạc công dân gian
đã diễn tả tương đối đầy đủ các cung bậc tình cảm của người dân khi tham dự hội lễ trên tinh
thần hòa nhập, dấn thân.
So với hát Quan Họ Bắc Ninh, hát Đúm Thuỷ Nguyên, hát múa Lãi Lê Lý Nhân (Hà Nam),
hát Xoan Phú Thọ, ta thấy các lễ hội và dân ca trên không có quy định khắt khe như hội Dậm.
Người đã có gia đình, dù là nam hay nữ, vẫn được tham dự múa hát nơi cửa đình, cửa đền. Chỉ
khi nào họ thấy quá vướng bận với công việc nhà cửa, con cái, hoặc thấy mình quá xuống
giọng theo cái nghĩa “thầy già con hát trẻ”, thì thôi. Nhưng họ lại tham gia truyền dạy lời ca,
điệu múa cho thế hệ trẻ, với vai trò “ông Chứa”, “bà Chứa” hoặc “liền anh”, “liền chị” không
nhất thiết phải là “bà Trùm” như ở hát Dậm. Phải khẳng định rõ, với hát Dậm, ngoài “bà Trùm”
ra, không ai khác có thể đảm nhiệm vai trò truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cho nên, xét về chức
năng, “ bà Trùm” hát Dậm vừa có nét tương đồng với “ông Chứa” , “bà Chứa” của Quan họ
Bắc Ninh, với “Ông Đảm”, “Mẹ Đảm” của các hội lễ khác, vừa có nét riêng mang tính đặc thù

địa phương làng Quyển.
Trong nghi thức tế lễ ở Hát Dậm, “bà Trùm” không phải là người chỉ huy tối cao. Vị trí ấy
thuộc về chủ tế và các kỳ dịch. Nhưng dưới sự chỉ huy của bà Trùm, các gái Dậm đã thực hiện
các động tác hát, múa rất nhịp nhàng, ăn khớp với tế lễ, tạo cho lễ hội có được không khí thiêng
liêng, trang trọng mà cũng rất vui nhộn, đẹp mắt. Không có bà Trùm và họ Dậm, lễ hội Hát
Dậm sẽ tẻ nhạt đi rất nhiều. Tất cả những điều nêu trên, có thể coi là điểm khác biệt về vai trò
của bà Trùm hát Dậm so với vai trò của các “ông Chứa”, “bà Chứa”, “ông Đám” , “bà Đám”,
“mẹ Chiêu Quân” trong các lễ hội khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trước đây, nói đến hát Dậm Quyển Sơn, người ta thường hay nhắc tới vai trò của bà Trùm
Trịnh Thị Răm. Nhưng từ năm 2004, vì lí do sức khoẻ và chủ yếu muốn có người kế nhiệm,
lưu giữ, duy trì truyền thống ca hát của dân làng, bà đã truyền dạy cho người em gái là bà Trịnh
Thị Phẩm. Hiện nay bà Trịnh Thị Phẩm (70 tuổi) đảm nhiệm vai trò là bà Trùm chính, bà Đỗ
Thị Diệu (65 tuổi) đảm nhiệm vai trò là bà Trùm phụ, cả hai bà đều là người con gái đất Quyển
Sơn, đều là vợ liệt sĩ. Gặp gỡ tôi, hai bà nói chuyện thân tình, cởi mở, không hề khách sáo. Khi
được hỏi về hát Dậm, cả hai bà đều cất lên tiếng hát đầy say mê và đã cung cấp cho tôi một dị
bản, hai bài hát do người dân Quyển Sơn mới sáng tác.
Khi được xem trình diễn múa hát Dậm, chúng ta không chỉ được nghe những lời hát “vang,
rền, nền, nẩy” của các bà Trùm và các cô gái “họ Dậm”, mà còn được nghe những tiếng hát say
sưa của những người dân làng Quyển Sơn đứng xem xung quanh. Họ cùng ca, cùng hát lên
những làn điệu hát Dậm quê hương mình. Đó cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước rất đặc
biệt của những người con gái đất Quyển Sơn.
4.2. Đặc điểm diễn xƣớng của ca dao trữ tình, sinh hoạt
4.2.1. Hát Trống quân
Ở Hà Nam, có những mảng Trống quân rất riêng, rất đặc sản. Đó là Trống quân trong và
ngoài gióng vật võ Liễu Đôi và Trống quân trên thuyền.
4.2.1.1. Hát trong và ngoài gióng võ vật
Đây là loại hình hát Trống quân trên cạn, thường được tổ chức ở sân sau đình làng, cũng có
khi ở trên khoảng đất trống bất kỳ. Ở đó, người ta đào một cái hố hàm ếch, miệng hố đậy một
tấm ván gỗ. Chính giữa tấm ván có néo một thanh tre (hay một đoạn gỗ) vào một sợi dây đã
buộc cong hai đầu vào hai cái cọc, gọi là dây trống. Dây trống thường được bện bằng da trâu,

bằng sợi tơ hoặc bằng tre. Khi gõ dùi trống vào sẽ phát ra âm thanh “thình, thì, thình” với
trường độ khác nhau. Vào cuộc hát, người hát được chia làm hai bên đối mặt nhau: một nam,
một nữ, bên nam, bên nữ, hoặc có khi mỗi bên có cả nam và nữ. Khi người bên này hát và gõ
nhịp thì người bên kia lắng nghe rồi tìm câu hát đối lại. Có khi người cùng làng hát đối với
nhau, nhưng thường thì người làng Sông hát với người làng Chảy. Thuở ấy hai làng quanh năm
trũng nước hình xóm làng phân cách bởi những ao chuôm. Vì vậy, người ta chia hai bên hát,
đối mặt nhau ở hai bờ ao, khi gõ nhịp và hát, âm thanh rung mặt nước, hấp dẫn lạ kỳ.
Hát trong và ngoài gióng võ vật là hát mừng, hát chúc, hát động viên tinh thần thượng võ yêu
nước của đô tài, gái giỏi bốn phương về dự hội, chê trách sự lười biếng, ươn hèn của những ai
không thấy được trách nhiệm rèn luyện để bảo vệ đất nước.
4.2.1.2. Hát Trống quân trên thuyền
Ở vùng đồng chiêm trũng, về mùa nước, người dân nơi đây phải đi thuyền bằng sào. Câu
phương ngôn Sáu tháng đi tay là nói, một năm mất sáu tháng phải dùng cây sào để đi lại bằng
thuyền nan. Cuộc sống như vậy, nên họ có nhu cầu giao tiếp trên mặt nước, sau nảy sinh nhu
cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá sông nước. Từ đó người ta đã đem Trống quân
trên cạn xuống thuyền.
Vẫn cách thức làm Trống quân như ở trên cạn, nhưng cái hố thì được thay bằng cái vại sành,
đem đặt giữa lòng thuyền. Vại sành càng to, càng sâu lòng, sành càng già thì âm thanh càng
vang, càng chuẩn. Trên miệng vại cũng được đặt một tấm gỗ mỏng. Chính tấm gỗ có néo một
thanh tre già hay một thanh gỗ vào một sợi dây căng (chất liệu bằng da trâu, bằng tơ hoặc bằng
dây thép) được buộc chặt từ mũi thuyền đến lái (nếu là thuyền nhỏ), buộc vào hai mạn thuyền
(nếu là thuyền lớn). Khi gõ dùi trống vào sợi dây căng, thì ở vại sẽ phát ra âm thanh thình/ thì/
thình, nhưng nghe vang, rền, nảy hơn từ hố đào trên cạn, bởi chất liệu sành và có sự cộng
hưởng âm của mặt nước.
Nếu như hát Trống quân trên cạn, hai bên người hát ngồi đối mặt nhau ở trạng thái tĩnh, thì
hát Trống quân trên thuyền không gian cuộc hát ở trạng thái động và mở: thuyền của hai bên có
thể xếp đội hình đối mặt nhau để hát, cũng có thể rong ruổi hai hàng song song, vừa chạy, vừa
hát. Mới đầu dân làng hát tập thể, sau vì môi trường động và mở nên theo ý thích, từng đôi
thuyền một tách ra hát với nhau, để rốt cuộc chỉ còn một nam, một nữ, độc mộc trên con thuyền
nan của mình.

Hát Trống quân trên thuyền diễn ra trong khoảng trung tuần từ tháng tám khi trăng thanh, gió
mát thảnh thơi. Đồng nước mênh mông sẵn có, thuyền nan sẵn có, cho nên họ hội tụ hàng trăm
thuyền từ các xóm, làng ra đồng nước mà tổ chức cuộc hát. Hát hết đêm này sang đêm khác,
cho đến rằm tháng tám mới làm lễ tế ông tơ, bà nguyệt tại đình Chảy (xã Liêm Thuận) và phát
lộc cho con hát. Trước rằm, các làng chuẩn bị phương tiện như thuyền trống tuyển chọn diễn
viên, luyện tập hát đối đáp. Chiều hôm rằm, các làng hội thuyền về đình làng Sông. Chập tối,
các làng làm lễ khai hội tại đình làng Sông, rồi xuống thuyền chèo ra cánh đồng phía Nam làng
Sông tiến hành hát hội. Ông bầu cầm đầu đội Nam, bà bầu cầm đầu đội nữ đều thắt khăn vàng,
điều khiển và chấm giải. Hai dãy thuyền nam và nữ đậu đối diện nhau cách chừng mười mét.
Nhạc cụ trong các cuộc hát này thường là thuyền trống, ngoài ra có thể sử dụng thêm nhị, hồ.
Thuyền trống là một loại nhạc cụ rất đặc biệt, thể hiện sự sáng tạo của người dân Liễu Đôi. Nó
vừa là cái đàn, vừa là cái trống. Người ta căng một sợi dây gai từ mui thuyền tới đuôi thuyền.
Sợi dây gai đó lại luồn qua một quả bầu khô để tạo âm thanh cộng hưởng. Khi gảy đàn, chỉ cần
một người như kiểu gảy đàn bầu. Tuỳ theo vị trí gần hay xa mui thuyền mà người ta tạo nên âm
thanh cao, thấp, đục, trong “nâng đỡ”, phụ hoạ cho tiếng hát. Lạ là không cần trống, nhưng
người nghệ sĩ dân gian vẫn tạo ra tiếng trống bằng một sợi dây gai đó. Ấy là khi họ không gảy,
mà “đánh” lên sợi dây đoạn giữa thuyền tạo nên âm thanh “bập bùng” của tiếng trống.
Vào cuộc hát, bên thì xướng, bên thì hoạ. Thuyền của bên nào đó bị thua, không ứng đối
được liền bị thuyền bên này đuổi bắt lấy vài người sang thuyền mình, bao giờ bên kia ứng đối
được, mới trao trả về thuyền cũ. Cuộc hát cứ thế kéo dài thâu đêm. Đến lúc trăng tà, đêm tàn,
người ta mới hát tiễn bạn. Ông bầu trao thưởng cho những đội xuất sắc, rồi cùng kéo về đình
làng Sông làm lễ ông tơ, trai gái chưa chồng, chưa vợ mong tìm được bạn trăm năm.
Lời hát Trống quân trên thuyền là lời hát của những con người đồng chiêm lam lũ, đói
nghèo, nhưng thông minh, tình tứ, mà đôn hậu. Những sóng nước, thuyền, trăng, những nghề
nghiệp bé mọn, những khăn vá, áo rách, nón mê… là chất liệu quen thuộc, đằm thắm của lời
hát Trống quân trên thuyền Hà Nam: Nào thuyền sắp sẵn ra đây / Mời anh, mời chị ta nay
xuống thuyền/ Thuyền này là thuyển chở tiên,/ Thuyền kia thì chở tài hiền sánh đôi/ Ai mà
không xuống thì thôi,/ Xuống thuyền thì phải thành đôi đến già…
Con người Hà Nam khiêm nhường, giản dị, cho nên cách bộc lộ tình cảm của họ cũng rất
giản dị, khiêm nhường. Thế giới tình cảm ấy trước hết là niềm thương: Câu thơ trước liệu bày

ra,/ Thương người thương cả đường ra lối vào…
Từ niềm thương chuyển thành nỗi nhớ: nỗi nhớ bao trùm cả thời gian và không gian, nỗi nhớ
trở nên cụ thể, rõ rệt như có hình, có khối: Nhớ sao lại có nhớ dai,/ Nhớ đập chẳng vỡ, nhớ mài
chẳng hao!
Bên cạnh nỗi nhớ, niềm thương là cái buồn, cái sầu vì cuộc sống lam lũ vất vả, vì sự lẻ loi,
cô quạnh trong cuộc sống ấy: Sầu người mặc áo vá vai/ Cái nón xộc xệch, cái quai rong tà /
Sầu người vừa mới canh gà, Cắp thúng đi chợ, chợ xa nửa ngày…Sầu người dệt vải đêm hè,/
Con cuốc nó khóc bờ tre ròng ròng…
Hà Nam là nơi có nhiều hội hát, tục hát, và tiếng hát cất lên trước hết để quên đi cái đói, cái
khổ: “Hát đi cho nhẹ dạ bòng đa mang”. Đó đây, ta thường gặp những lời tâm sự, rủ rê nhau
hát để “Cởi lòng cho gió, cởi khó cho trăng” hoặc mời nhau xuống thuyền, hát để giãi bầy nỗi
niềm đau khổ: Trăng trời thời đã lên cao/ Chàng mà không xuống biết lúc nào thở than?
Càng trong cái đói, cái khổ, người Hà Nam càng coi trọng hơn bao giờ hết cái tình, cái nghĩa,
đó chính là gốc sâu bền nhất, và đáng quý nhất trong tâm hồn mỗi con người. Với họ thì “cái
đạo là vàng, cái của là thau”:
Có vàng ta cất đằng sau,/ Có nghĩa ta trọng, ta tâu trước này/ Có bạc ta để xó cối xay/ Có
tình ta trọng, ta nâng ngay trên đầu… Lụa là gấm vóc cũng lìa/ Có tình, có nghĩa ta chia nhau
cùng…
Hát trống quân ở làng Sông và làng Chảy không chỉ dừng ở đặc trưng của hát đối, mà trên cơ
sở đó, cùng môi trường sông nước hữu tình, phóng khoáng, đã phát triển thành hát giao duyên.
Nhiều câu hát giao duyên chỉ nói về anh và em, đêm trăng sáng, cây sào và con thuyền nan:
Đêm trăng sáng, chỉ có chừng/ Đôi ta đã gặp xin đừng xa nhau; Nào thuyền đã mở tám thang/
Anh xuống thuyền ấy, em sang thuyền này/ Hát thời hát hết đêm nay/ Ai mà thua cuộc tối nay
cắm sào. Có nhiều câu trong hát trống quân của hai làng còn mang đặc điểm của hát đối, hát đố
- đáp, vừa để luyện tài làm thơ lục bát, vừa để thử trí thông minh giải đáp các câu đố về các sự
vật, hiện tượng, sản vật trong vùng. Mở đầu của các loại câu hát này thường có từ: Anh đố
(hoặc em đố), để anh (hoặc em) thưa rằng: (Anh đố): Cái gì vừa thấp, cái gì vừa cao/ Cái gì
sáng tỏ như sao trên trời? (Em thưa rằng): Dưới đất thì thấp, trên trời thì cao/ Ngọn đèn sáng
tỏ hơn sao trên trời… Nhưng dẫu có là hát đối, hát đố - đáp thì âm hưởng giao duyên vẫn quán
xuyến, làm nền, với xu hướng lãng mạn, trữ tình hoá.

Làng Chảy, xưa còn có tục hát Nõ Nường tức là hát trong lễ tế vật tổ: Ai về làng Chảy thì về/
Làng Chảy có nghề hát Nõ hàng năm/ Đình Chảy tựa con rùa nằm,/ Cứ đến hôm rằm vớt Nõ
dưới ao./ Hát cho đổ đất động rào,/ Hát cho gãy Nõ đổ sao trên trời.
Hàng năm vào ngày rằm tháng giêng, người ta vớt cây Nõ Nường (tức là vật tượng trưng cho
sinh thực khí (đàn ông) làm bằng một đoạn tre sơn son dài khoảng ba mét từ dưới ao trước đình
làng Chảy lên. Lau chùi, rước vào bắc ngang giữa đình, tế rồi tổ chức cuộc hát đối đáp nam nữ
suốt ngày và đêm hôm rằm. Xong cuộc, lại đem Nõ Nường ngâm xuống đáy ao. Sang năm lại
vớt lên tế lễ, mở hội hát.
4.2.2. Hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng
Nói là vùng ngã ba sông Móng, nhưng thực tế là địa danh của ba huyện Lý Nhân, Bình Lục
và Duy Tiên. Đại diện cho ba huyện là ba xã: Ngô Khê – Bình Lục, Văn Lý – Lý Nhân và Tiên
Phong – Duy Tiên. Đặc điểm của vùng ngã ba sông Móng cũng giống như mọi làng quê Việt
Nam khác, nhưng nó cũng có nét riêng: hát giao duyên khi hội hát vào xuân – giao duyên giữa
đôi bờ sông nước.
Giao duyên vùng ngã ba sông Móng ra đời vào thời điểm lịch sử nào, hiện nay chưa có một
học giả nào khẳng định được điều đó. Chỉ biết rằng, những làn điệu giao duyên Hà Nam đã
phát hiện năm 1987 tại làng Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, do nghệ nhân Nguyễn
Thị Vỷ cung cấp. Người con trai của cụ, nhạc sỹ Phạm Trọng Lực, đã ghi lại được hai mươi
chín làn điệu dân ca giao duyên do người mẹ tận tuỵ, tài năng trực tiếp hát cho anh nghe. Hát
giao duyên vùng ngã ba sông Móng có các làn điệu : hát Mời, hát Mụa, hò Đối, hát Ngược và
hát Chào. Đặc biệt điệu hát Mụa có lời ca trữ tình đằm thằm, thể hiện tình cảm nhớ nhung da
diết:
Trên trời có (mấy dậu tình rằng) có đám mây xanh, (có mấy dậu tình ơi), có con ngựa bạch
chạy quanh gần trời (có mấy dậu tình rằng, có mấy dậu tình ơi).
Đôi ta muốn lấy nhau chơi (có mấy dậu tình ơi) nhưng cái duyên không định thì giời không
se
Khác với các loại hình dân ca nghi lễ như hát Dậm, hát Lãi Lê, dân ca giao duyên vùng ngã
ba sông Móng được phổ biến rộng rãi trong đời sống nhân dân, do nội dung của hát giao duyên
là thế giới tình cảm phong phú, đa dạng, riêng tư, gần gũi với mỗi con người cụ thể, trong cuộc
sống lao động cụ thể, ở những cảnh huống hết sức cụ thể.

4.3. Ca dao lƣu truyền ở Hà Nam trong đời sống hôm nay
Ngoài việc chứng kiến ca dao trong diễn xướng hiện tại, chúng tôi còn tiến hành khảo sát
sự lưu truyền của ca dao Hà Nam trong học sinh.
Đối tượng khảo sát của chúng tôi là bốn lớp học sinh của một trường trung học phổ thông
trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Qua khảo sát chúng tôi thấy: văn học dân gian Hà Nam nói
chung, ca dao nói riêng, tương đối phong phú, nhưng số người quan tâm còn ít. Những câu ca
dao được người dân Hà Nam yêu thích, biết đến, thường là những câu mang nét rất riêng, rất
đặc trưng của người Hà Nam và vùng đất này: đói khổ, lụt lội, thượng võ, hiếu học, đặc sản
tiêu biểu. Câu ca dao Bình Lục đồng trắng nước trong/ Ngô khoai thì ít, rong rêu thì nhiều
được nhiều người dân Hà Nam biết đến nhất bởi nó nói về vùng trũng, vùng đói khổ nhất của
Hà Nam xưa.
Về dân ca, qua điều tra khảo sát, chúng tôi thấy người Hà Nam biết nhiều dân ca hát Dậm
nhất, sau đó lần lượt theo thứ tự là: hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng, hát trống quân, hát
Lãi Lê. Bởi hát Dậm là loại dân ca tiêu biểu của người Hà Nam, là niềm tự hào của người Hà
Nam, nói đến dân ca Hà Nam là người ta nhắc ngay đến hát Dậm ở Quyển Sơn. Còn hát giao
duyên vùng ngã ba sông Móng được nhiều người Hà Nam biết đến thứ hai sau hát Dậm bởi nội
dung của nó là thế giới tình cảm phong phú, đa dạng, riêng tư, gần gũi với mỗi con người cụ
thể, ở những cảnh huống hết sức cụ thể… Dân ca Lãi Lê (còn có tên là Lải Lèn, Lả Lê) là loại
hình ca múa nhạc cổ, cổ hơn hát Dậm Quyển Sơn. Đến bây giờ ngay cái tên gọi làn điệu dân ca
này như Lãi Lê, Lải Lèn, Lả Lê là gì chẳng còn ai giải thích được nữa. Lời của Lãi Lê rất cổ,
nên không dễ hiểu. Vì vậy, hiện nay số người biết đến nó ít nhất cũng là điều dễ hiểu.
Hà Nam có 25 lễ hội vùng và làng xã. Những lễ hội hiện đang thu hút đông đảo khách du
lịch là lễ hội đền Trần Thương, lễ hội Tịch Điền, lễ hội chùa Đọi, lễ hội Vật võ Liễu Đôi, Lễ
hội đền Trúc. Kết quả điều tra, khảo sát của chúng tôi cũng phản ánh rất đúng với thực tế này.

KẾT LUẬN
Nội dung ca dao lưu truyền ở Hà Nam biểu hiện qua nhiều khía cạnh: yêu mến gắn bó thiết
tha với mảnh đất tổ tiên quê hương, tự hào về quê hương giàu đẹp với nhiều lễ hội, mĩ tục văn
hoá; yêu mến tự hào về truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của cha ông…
Cách biểu hiện cảm xúc của con người Hà Nam chịu sự chi phối của yếu tố tâm lí, quan

niệm sống, truyền thống thẩm mĩ của vùng quê chiêm trũng, giàu tinh thần thượng võ. Để thể
hiện đời sống và những cung bậc tình cảm khác nhau, ca dao lưu truyền ở Hà Nam đã có nhiều
cách biểu hiện rất phong phú: sử dụng thể thơ lục bát ở mức độ cao, ngôn ngữ giàu hình ảnh,…
Dấu ấn địa phương trong ca dao in đậm trong hình ảnh chỉ thiên nhiên, sinh hoạt văn hoá xã
hội, trong cách dùng tên riêng chỉ địa danh. Sống trong môi trường địa lí khắc nghiệt người Hà
Nam luôn phải thích nghi. Họ đã tìm tòi cho mình cách sống, cách biểu hiện tình cảm phù hợp.
Những làn điệu dân ca rất phổ biến ở mọi miền đất nước, hay trong khu vực đồng bằng Bắc
Bộ cũng được lưu truyền rộng rãi ở đây như: hát ru con, hát trống quân, hát đối đáp nam nữ,
song nó đã mang hồn sắc riêng của mảnh đất và con người vùng đồng chiêm trũng Hà Nam.
Đặc biệt nhắc tới dân ca truyền thống Hà Nam, người ta không thể không nhắc tới những làn
điệu hát Dậm nổi tiếng ở làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Đây là một thể loại
hát múa dân gian có lịch sử, tính chất, đặc điểm rất riêng so với hệ thống dân ca vùng châu thổ
sông Hồng.
Qua quá trình khảo sát ca dao lưu truyền ở Hà Nam chúng tôi thấy văn học dân gian Hà Nam
nói chung, ca dao – dân ca Hà Nam nói riêng rất phong phú. Song nó chưa được quan tâm đúng
mức, có xu hướng nhạt dần trong tâm thức những người trẻ tuổi.
Là người con của quê hương Hà Nam, tôi mong muốn văn học dân gian Hà Nam được quan
tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa, du lịch Hà Nam phát triển mạnh hơn nữa để ngày càng có nhiều
du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của quê hương sông Châu, núi Đọi, thưởng thức
những làn điệu dân ca độc đáo, những món ăn đặc sản, thăm quan những làng nghề thủ công
mỹ nghệ cổ truyền, và 828 đình, chùa, miếu, phủ…Tôi thiết nghĩ, tỉnh Hà Nam cần dành kinh
phí nhiều hơn nữa để đầu tư bảo tồn những giá trị văn hoá phi vật thể, đầu tư đãi ngộ nghệ nhân
dân gian cao tuổi, những người có tài năng, tâm huyết cũng như đào tạo nuôi dưỡng các thế hệ
hát dân ca mới theo đúng nguyên tắc, lề lối truyền thống.
Là một giáo viên tôi mong muốn phần tìm hiểu văn học của địa phương cần được chú trọng
hơn trong các nhà trường phổ thông. Những giờ học này cần được tổ chức bằng nhiều hình
thức hấp dẫn hơn để học sinh không chỉ hiểu mà còn tự hào về mảnh đất mình đang sinh sống,
gắn bó.



References
1.

Nguyễn Tài Cẩn, Võ Bình (1985), Thử bàn thêm về thể thơ lục bát, Văn hoá dân
gian, H, số 3+4, tr. 9-18.
2.

Mai Ngọc Chừ (1989), Vần, nhịp, thanh và sức mạnh biểu hiện ý nghĩa của lục
bát biến thể, Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 2, tr. 16-18.
3.
Mai Ngọc Chừ (1991), Ngôn ngữ ca dao Việt Nam, Tạp chí Văn học, H, số 2, tr.
24-28.
4.
Bùi Văn Cường, Vũ Quốc Ái, Đỗ Nguyên Hạnh, Đoàn Tùng (1974), Ca dao tục
ngữ Nam Hà, Ty Văn hoá Nam Hà xb.
5.
Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị (Khảo sát, sưu tầm, biên soạn, 1995), Khảo sát văn
hoá truyền thống Liễu Đôi, tập 1, in lần thứ 3, Nxb Văn học, H.

×