CCHC: Quan trọng là cải cách cán bộ, công chức
15:05'
10/01/2007 (GMT+7)
(VietNamNet) - Thời gian qua, CCHC của Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần
quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, công tác cải cách
vẫn được đánh giá là chuyển biến chậm so với yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Thủ tục mới
nhưng con người cũ, tư tưởng cũ sẽ là một vật cản lớn trong cải cách, nhất là khi Việt Nam đã
chính thức trở thành thành viên của WTO.
( Bài tham gia Diễn đàn VietNamNet "Hiến kế cải cách hành chính" )
Song song với cải cách thủ tục hành chính, phải cải cách con người
Cải cách hành chính (CCHC) là trọng tâm trong tổng thể cải cách bộ máy nhà nước ta, trong đó
cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá.
Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp của lãnh đạo thành phố Hà Nội về chuyên đề CCHC, nhiều
doanh nghiệp đã thẳng thắn đưa ra nguyên nhân quan trọng khiến họ phải tìm đến môi trường đầu tư tỉnh
ngoài là thủ tục hành chính của Hà Nội còn nhiều bất cập.
Có thể nói CCHC của Thủ đô đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và thu hút đầu
tư. Tuy nhiên, CCHC sẽ đạt hiệu quả hơn khi ý thức của cán bộ, công chức hành chính ngang tầm với
nhiệm vụ của cải cách.
Thực hiện CCHC, các cấp, các ngành của Thành phố đã rà soát, chuẩn hoá và niêm yết công khai các
thủ tục hành chính, hoàn thành cơ chế một cửa liên thông về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
trong đầu tư xây dựng, thành lập doanh nghiệp và giải quyết các công việc của người dân.
Tuy nhiên, công tác cải cách vẫn được đánh giá là chuyển biến chậm so với yêu cầu của xã hội và
doanh nghiệp. Thủ tục mới nhưng con người cũ, tư tưởng cũ sẽ là một vật cản lớn trong cải cách, nhất
là khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO.
Trên thực tế, có những vấn đề đã quy định cụ thể, thủ tục thông thoáng nhưng do nhận thức, thói quen
nuối tiếc với cơ chế xin - cho của một bộ phận cán bộ, công chức hành chính nên sự việc tuy dễ hoá khó
khăn.
Các thể chế hành chính, quy tắc pháp luật dù hay đến mấy nhưng chỉ nằm trên giấy tờ văn bản, muốn đi
vào cuộc sống phải thông qua con người áp dụng. Sự công tâm của họ cùng với một cơ chế trách nhiệm
pháp lý minh bạch, công khai sẽ là những điều kiện đảm bảo cho các quy tắc pháp luật được thực hiện.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Công chức hành chính được hưởng lương từ ngân
sách. Nguồn thuế được thu từ nhân dân, trong đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là lực lượng đóng
góp to lớn.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính Hà Nội bị “rớt hạng” trong thu hút đầu tư lại là
nguyên nhân thủ tục hành chính phiền hà, nhiều doanh nghiệp phải vận dụng các mối quan hệ quen
thân và “lệ phí qua cầu” đối với các thủ tục lẽ ra họ đương nhiên được phục vụ.
Hiện nay, một bộ phận công chức hành chính vẫn cho rằng, người dân đến cơ quan công quyền để xin
nhà nước giúp đỡ vấn đề của cá nhân chứ không hiểu đó thực chất là yêu cầu của tổ chức, của công dân
mà cơ quan công quyền phải đáp ứng theo quy định của pháp luật.
Công chức hành chính hưởng lương do chính người dân trả, trong đó, doanh nghiệp là lực lượng đóng
góp quan trọng. Do vậy, cán bộ, công chức phải thực sự là công bộc của dân, cán bộ là gốc của mọi công
việc, công việc tốt hay xấu đều phụ thuộc vào cán bộ.
Liều thuốc cho căn bệnh cửa quyền
Có rất nhiều giải pháp cho vấn đề nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ,
công chức như xử lý hành chính đối với hành vi sai phạm, giáo dục tư tưởng đạo đức, phát huy dân chủ
trong nhân dân… Nhưng giải pháp có tầm quan trọng đặc biệt là tăng cường sự giám sát, kiểm tra của cơ
quan Nhà nước cấp trên.
Phát huy dân chủ, tạo ra phong trào toàn dân đóng góp ý kiến về cải cách thủ tục hành chính và phản ánh
các hiện tượng nhũng nhiễu trong hoạt động công vụ bằng các kênh thông tin như hòm thư góp ý, báo
chí, trả lời trực tuyến…
Đây không phải là hình thức mới, tuy nhiên, các hình thức này chỉ phát huy được hiệu quả thực sự khi thủ
trưởng các cơ quan quan tâm xem xét đến các ý kiến phản ánh, kiến nghị chính đáng của công dân. Hiện
nay, các hòm thư góp ý của một số cơ quan còn mang nặng tính hình thức, thậm chí, nhiều tháng không
được mở kiểm tra hoặc việc kiểm tra chỉ qua loa cho xong lượt.
Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ bằng các hình thức kỷ luật và xử lý hành
chính. Để phát hiện sai phạm, không có cách nào khác là tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột
xuất. Đây phải là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục chứ không chỉ là phong trào, khẩu hiệu. Bên cạnh
đó, cần nâng cao năng lực cán bộ, trình độ chuyên môn và văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức trong
hoạt động công vụ.
Thủ tục hành chính được cải cách có thể nhanh chóng, nhưng cải cách ý thức phục vụ nhân dân của cán
bộ, công chức là một khâu quan trọng, cấp thiết và cũng là khâu khó nhất.
Công chức hành chính trước hết phải nhận thức được rằng họ chính là những người đại diện cho Nhà
nước để phục vụ nhân dân chứ không phải là người ban phát cho nhân dân quyền lợi.
Ngô Văn Nam, VP Thành ủy Hà Nội
Đến 2010 liệu 25% giảng viên là tiến sĩ có khả thi?
09:37'
10/01/2007 (GMT+7)
(VietNamNet) - Để thực hiện được mục tiêu mỗi trường đại học có 25% giảng viên là tiến sĩ, Bộ
GD-ĐT cần phải có một chiến lược dài hạn trên cơ sở khả năng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện
nay. Còn nếu giao chỉ tiêu cho năm 2010 thì rõ ràng đây là việc làm chạy theo số lượng.
Nâng cao chất lượng trước khi đào tạo TS theo số lượng
Nguyễn Quốc Anh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tôi đã theo dõi rất nhiều bài báo viết về đề án 20.000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT. Đến nay, ý tưởng đến năm
2010, các trường đại học phải có tối thiểu 25% tiến sĩ mới được hoạt động thì theo tôi, chúng ta lại chạy
theo thành tích mà chưa có phương án cải tạo chất lượng.
Nếu Bộ trưởng nói hệ đào tạo tại chức là “nồi cơm” của các trường đại học, thì nay, 25% tiến sĩ sẽ là “cần
câu cơm” của các trường. Giữa “cái chết” và “sự sống” của các trường, chúng ta lấy gì để đảm bảo không
phát sinh tiêu cực trong đào tạo số lượng tiến sĩ trên?
Việc nâng cao chất lượng hướng dẫn NCS trong nước còn chưa hết tranh cãi. Vì vậy, tôi mong Bộ trưởng
có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trước, và đây sẽ là căn cứ để phát triển về số lượng như
Bộ trưởng đã nêu.
Phạm Quang Thái, Hà Nội
Liên quan đến việc đào tạo 20.000 tiến sỹ trong 10 năm tới, tôi xin có ý kiến như sau: Một điều rõ ràng mà
ai trong số chúng ta có thể thấy được rằng đội ngũ những người làm khoa học và giảng dạy ở trường đại
học của chúng ta đang thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng tiến sĩ. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT
đưa ra một mục tiêu lớn về số lượng như vậy thì tôi sợ rằng, trong thời gian tới, việc đào tạo tiến sĩ của
chúng ta lại tiếp tục rơi vào vòng xóay chạy theo thành tích, chạy theo số lượng. Bởi thực chất chỉ còn 3
năm .
Tôi nghĩ, trong giai đoạn khoảng 10 năm tới, chúng ta hãy tập trung mục tiêu cải thiện chất lượng đào tạo
tiến sĩ trước mà chưa cần quá quan tâm đến số lượng. Có thể chúng ta chỉ đào tạo được vài nghìn tiến sĩ
nhưng hãy đảm bảo đó là những tiến sĩ có chất lượng và đây cũng là thời gian nâng cao năng lực, khả
năng các cơ sở đào tạo tiến sĩ.
Ngô Quý Nhâm, ĐH Ngoại Thương
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên trong các trường đại học ở Việt Nam và đây là
một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện
ý tưởng thì lại khác.
Để thực hiện được mục tiêu mỗi trường đại học có 25% giảng viên là tiến sĩ, Bộ GD-ĐT cần phải có một
chiến lược dài hạn trên cơ sở thực tiễn các trường đại học ở khả năng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện
nay. Còn nếu đặt ra mục tiêu này đến năm 2010 thì rõ ràng đây là việc làm thiếu thận trọng.
Thứ nhất, tỷ lệ giảng viên trình độ đại học hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn cộng với xu hướng các
trường vẫn tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học vào ngạch giảng viên nên tỷ lệ này tiếp tục gia tăng.
Thứ hai, thời gian đào tạo tiến sĩ thường cũng phải mất 3 năm đối với người đã tốt nghiệp thạc sĩ, vậy thì
các trường đại học sẽ làm thế nào để có đủ số lượng tiến sĩ?
Thứ ba, chất lượng đào tạo tiến sĩ của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay vẫn rất yếu. Nhiều người
tốt nghiệp tiến sĩ còn không nắm được những phương pháp nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực của
mình, không có khả năng viết được một bài báo khoa học theo chuẩn mực quốc tế (chưa nói đến những
đóng góp mới). Vậy thì, yêu cầu 25% tiến sĩ đặt ra của Bộ GD-ĐT sẽ ép các trường phải cấp tốc "gia
công" ra thật nhiều các tiến sĩ kém chất lượng. Hậu quả của việc này thật khó lường.
Một vấn đề nữa là hiện nay, các trường đại học vẫn có xu hướng chọn những người có bằng tiến sĩ vào
làm các vị trí quản lý, rất nhiều người làm quản lý hành chính và kiêm nhiệm giảng dạy, việc đặt ra tỷ lệ
giảng viên có trình độ tiến sĩ như vậy có vẻ thiếu chặt chẽ và mang tính hình thức.
Vì vậy, Bộ trưởng nên chăng đặt ra cho các trường ĐH đạt một tỷ lệ nhất định về giảng viên có bằng thạc
sĩ đến năm 2010 và sau đó là đến năm 2015 sẽ phải đạt tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ là 25 hoặc 30%.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phải có chiến lược đào tạo tiến sĩ cho đội ngũ giảng viên ở các nước phát triển
hoặc chương trình liên kết. Việc làm này vừa giảm sức ép lên các trường phải đào tạo cấp tốc tiến sĩ vừa
đảm bảo chất lượng giảng viên trong tương lai.
Nguyen Son Hoa, THCN Băc Giang
Tôi thấy lấy 25% giáo viên là tiến sĩ để làm tiêu chuẩn đánh giá và cho các trường ĐH hoạt động là không
phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Nhiều điều khiến tôi băn khoăn là: - Đầu vào có đủ và đạt chất
lượng? - Đội ngũ GS đào tạo TS có đủ và đảm bảo chất lượng? - Thời gian và kinh phí đào tạo có đáp
ứng được hay không?
Theo tôi, điều mà ngành giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng cần làm là chấn chỉnh kỷ cương,
nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Không phải cứ là tiến sĩ mới dạy hay
Anna, Tp. Hồ Chí Minh
Thưa thầy Bộ trưởng! Là một sinh viên, em không hiểu tại sao mọi người lại cứ cho rằng tiến sĩ mới dạy
hay? Trong thực tế, những giảng viên chỉ học thạc sĩ, hoặc thậm chí chỉ mới có bằng cử nhân vẫn có thể
dạy tốt và tạo sự hứng thú trong sinh viên. Thiết nghĩ, học vị của thầy cô không phải là điều quan trọng và
hữu ích cho sinh viên.
Sinh viên chúng em chỉ quan tâm tới việc kiến thức mà thầy cô truyền đạt có thú vị, mang tính ứng dụng
cao và cách truyền đạt của thầy cô có hấp dẫn hay không mà thôi. Mà mục đích của chỉ tiêu "số lượng
tiến sĩ" cũng là nâng cao chất lượng giảng dạy trong các trường đại học. Vậy, sinh viên chúng em muốn
có "chất" hơn “lượng”.
Thay vì đưa ra một số lượng tiến sĩ cao chót vót vào năm 2010, tại sao Bộ GD-ĐT không thực hiện những
cuộc sát hạch giảng viên hằng năm, khen thưởng những thầy cô có tìm tòi trong cách giảng dạy, đào tạo
những giảng viên có thực lực, nâng cao trình độ của giáo viên, thay vì "ép” các thầy cô phải có bằng tiến
sĩ mà đôi khi không phải ai cũng có điều kiện để học được?
Chỉ tiêu nâng cao số lượng tiến sĩ của Bộ trưởng là rất hay, tuy nhiên chỉ khi đảm bảo không tiêu cực
trong đào tạo tiến sĩ, đảm bảo các thầy cô là tiến sĩ ấy dạy hay, truyền đạt tốt kiến thức cho sinh viên thì
nó mới thực sự có hiệu quả.
Nguyễn Công Quế, Vinh, Nghệ An
Tôi nghĩ rằng, đối với nền giáo dục nước nhà, chúng ta đang có những "lỗ hổng" lớn trong suốt cả quy
trình đào tạo. Thật vậy, từ khâu tuyển dụng, đến khâu đào tạo, tuyển chọn đội ngũ giảng viên… đều có
“vấn đề”.
Chúng ta đã chứng kiến chất lượng nguồn lao động được đào tạo trong suốt thời gian qua như thế nào
khi những người này đi vào thực tiễn công việc.
Quan điểm phải là tiến sĩ, thạc sĩ mới được tham gia giảng dạy trong quá trình đào tạo liệu có còn phù
hợp?
Ở Singapore hay các nước tư bản khác, những người đã thành công trên cương vị doanh nhân, chính
khách chính là những người tham gia giảng dạy nhiều hơn để tạo nên nguồn lao động cao.
Chúng ta đã chứng kiến Bill Clinton tham gia giảng dạy như thế nào với những buổi học trị giá hàng ngàn
đô la nhưng ông ta không phải là tiến sĩ.
Trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô của Việt Nam, có ai bằng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, liệu chúng ta có
nghĩ đến việc mời ông dạy khi ông về hưu không? Các “tiến sĩ giấy” của chúng ta có bằng họ không?
Nền giáo dục của chúng ta đã sinh ra nhiều tiến sĩ nhưng tiến sĩ thực chất chẳng được bao nhiêu; các
công trình mà họ bảo vệ chủ yếu là "sao chép" từ các công trình đã nghiên cứu từ trước, chưa nói đến
công trình đó có giá trị thực tiễn hay không. Chúng ta thường nghe qua nhau rằng "mất 60 triệu cho tiến
sĩ, 30 triệu cho thạc sĩ ". Những học trò của họ có làm được việc khi bản thân họ không làm được việc
đó? Tôi nghĩ, chúng ta cần phải thay đổi quan điểm trong công tác giáo dục.
Cao Anh Tuan,
Hãy chú trọng đến chất lượng giáo dục hơn là coi trọng bằng cấp của giáo viên. Nếu làm như thế này,
giáo dục sẽ trở lại bệnh thành tích với sự cạnh tranh không lành mạnh về chất lượng tiến sĩ. Không có
bằng tiến sĩ, một người giáo viên yêu nghề, yêu học sinh cũng có thể giáo dục được học sinh tốt. Kiến
thức là thực tế, không nên lý thuyết hóa giáo dục.
Tran Hai, Cần Thơ
Bộ trưởng cho thời gian chỉ đến 2010 thì liệu thời gian đó các trường có thể cho giảng viên đi học để lấy
bằng tiến sĩ có kịp không? Giữa nhu cầu cấp bách đó, liệu chắc chắn không có tiêu cực trong đào tạo tiến
sĩ? Đồng ý là người học tiến sĩ thì trình độ sẽ được nâng cao hơn nhiều so với cử nhân, thạc sĩ, nhưng
khi truyền đạt cho sinh viên chưa chắc là họ giảng dễ hiểu, sâu sắc hơn. Tôi đồng ý là cần phải thay đổi
nhưng Bộ trưởng cũng phải có lộ trình thích hợp, không gây áp lực quá lớn cho các trường.
Ý kiến của bạn?