Đổi mới - vũ khí lợi hại của các doanh
nghiệp Nhật Bản!
Trước thập kỷ 70, mục tiêu quản lý doanh nghiệp ở Nhật Bản là nâng cao doanh
số bán hàng, tăng lợi nhuận. Thời đó, đối với nhân viên, các công ty Nhật Bản thực
hiện chế độ sử dụng suốt đời. Nguồn vốn chủ yếu dùng cho sản xuất, kinh doanh là
tiền vay từ ngân hàng. Trình độ quản lý doanh nghiệp đã đạt tới mức cao, thúc đẩy sự
phát triển cực kỳ nhanh chóng của kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong thập kỷ 90, kinh tế Nhật Bản đã trải qua một giai đoạn phát
triển ồ ạt theo kiểu bong bóng. Sau khi quả bong bóng đó xẹp xuống, nền kinh tế Nhật
Bản đã trì trệ trong 10 năm. Và điều này buộc các tập đoàn kinh tế, các công ty Nhật
Bản tiến hành đối mới về quản lý trong kinh doanh.
*) Cải cách từ cơ sở
Đầu tiên, các công ty Nhật Bản xóa bỏ chế độ sử dụng nhân viên suốt đời, dựa
vào đổi mới quản lý, đổi mới kỹ thuật để phát triển. Tiếp đến các kế hoạch sản xuất
được phổ biến đến tận công nhân và lựa chọn nhân tài qua năng lực thực tế.
Hiện nay, các nhà quản lý ở Nhật Bản đã nhận ra rằng, cách làm cũ có nhiều
vấn đề. Mục tiêu quản lý doanh nghiệp đang từ chỗ lấy doanh thu, lợi nhuận làm trọng
tâm chuyển sang lấy việc chiếm lĩnh thị phần và nâng cao chất lượng phục vụ trong
kinh doanh làm trọng tâm. Đối với công nhân viên, các công ty Nhật Bản đã bắt đầu
xóa bỏ chế độ sử dụng suốt đời. Nguồn vốn cần dùng cho sản xuất, kinh doanh không
chỉ dựa vào tiền vay từ ngân hàng mà còn được dựa vào trái phiếu xí nghiệp và các
hình thức huy động tiền vốn khác do xí nghiệp tiến hành.
Một đặc điểm khác trong quản lý kinh doanh ở Nhật Bản là dựa vào việc đổi
mới quản lý, đổi mới kỹ thuật để phát triển. Ở hãng Honda, việc quản lý kinh doanh và
quản lý sản phẩm đều sử dụng hệ thống máy vi tính và công nghệ thông tin. Việc chế
tạo sản phẩm được thực hiện bằng người máy do chính Honda chế tạo. Việc liên lạc
với các công ty con ở nước ngoài được thực hiện 24/24 giờ qua hệ thống Internet.
Công ty chế tạo cơ khí Kokyo Ltd vốn là một doanh nghiệp chế tạo súng đại
liên đã chuyển sang sản xuất máy khâu công nghiệp và máy khâu gia dụng vì họ phát
hiện ra rằng giữa máy khâu và súng máy có một đặc điểm giống nhau là động tác liên
tục. Hiện nay, công ty còn sản xuất các cơ cấu của thiết bị điện tử và đứng đầu thế giới
trong lĩnh vực này. Về sản xuất, tiêu thụ, Kokyo đang chuyển các cơ sở sản xuất của
mình ra nước ngoài, khai thác thị trường quốc tế và đã thành lập các phân xưởng ở
Thượng Hải, Hà Bắc (Trung Quốc), Đông Nam Á. 98,8% sản phẩm công ty được dùng
để xuất khẩu đến 168 nước. Công ty có 33 tổ chức bán hàng trên thế giới.
Có công ty thực hiện chế độ dân chủ tập trung trong công việc quản lý xí
nghiệp. Mỗi năm, công ty đều có kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch này được
phổ biến đến tận công nhân viên rồi sau đó phân công cho các bộ phận thực hiện theo
phương thức độc lập kinh doanh.
Theo Luật Thương mại của Nhật Bản, những công ty có số lượng tiền vốn trên
500 triệu yên (hơn 5 triệu USD) và số nợ vượt quá 20 tỷ yên (khoảng 160 triệu USD),
mỗi năm đều phải được một tổ chức kiểm toán trung lập ngoài công ty tiến hành kiểm
toán. Luật này còn quy định các báo cáo kế toán của doanh nghiệp phải được lưu trữ ở
doanh nghiệp từ 5 năm trở lên (nếu ở chi nhánh thì thời gian này là 3 năm trở lên) và
sau đó phải gửi đến Bộ Tài chính để nhân viên nội bộ công ty có thể kiểm tra và Chính
phủ giám sát.
Doanh nghiệp có thể tự chọn tổ chức kiểm toán trung lập ngoài công ty, nhưng
tổ chức kiểm toán đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả kiểm toán. Những
quy định pháp lý này có tác dụng ràng buộc hành vi kinh doanh của doanh nghiệp và
trở thành sức ép bên ngoài, động lực bên trong buộc xí nghiệp phải tôn trọng kỷ
cương, pháp luật trong quá trình kinh doanh.
*) Thay đổi về phương pháp tuyển chọn nhân tài
Trước kia, khi tuyển chọn nhân tài để đề bạt, các công ty Nhật Bản chủ yếu dựa
vào việc xem xét quá trình học tập và tố chất cá nhân của người đó. Ngày nay, các
công ty Nhật Bản chủ yếu chú trọng năng lực thực tế. Những người có quá trình học
tập giỏi, vấn phải đào tạo từ cơ sở, thông qua quá trình rèn luyện, cạnh tranh bình đẳng
để được tuyển chọn vào các cương vị lãnh đạo, thậm chí những người lúc đi học
không giỏi nhưng trong công việc thực tế tỏ ra có năng lực vẫn có thể được đề bạt vào
cương vị lãnh đạo.
Quan điểm kinh doanh của công ty Kokyo Ltd là thông qua sáng tạo và cải tiến
kỹ thuật để tạo ra giá trị mới. Phương châm kinh doanh cơ bản là nâng cao chất lượng
kinh doanh tổng hợp, đào tạo những chuyên gia linh hoạt và vững vàng, tiến hành kinh
doanh mang tính quốc tế.
*) Chú trọng bảo vệ môi trường
Sự phát triển của kinh tế Nhật Bản đã trải qua một quá trình: Phát triển nhanh
dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sau đó đầu tư lớn để giải quyết vấn đề môi
trường.
Hiện nay, ở Nhật Bản, các công ty đều coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, đã
hình thành việc sử dụng biện pháp kỹ thuật cao để kiểm soát môi trường, toàn xã hội
tham gia giám sát việc bảo vệ môi trường và nghiêm chỉnh thực hiện luật bảo vệ môi
trường. Những nhà máy xử lý vật liệu phế thải đã được xây dựng.
Trước khi xây dựng và trong quá trình hoạt động, các công ty đều có quy hoạch
bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp nào gây ô nhiễm môi trường đều khó lòng tiếp tục
hoạt động. Các báo cáo về môi trường và báo cáo tài chính có liên quan đến việc bảo
vệ môi trường là những tài liệu không thể thiếu được để đánh giá công ty một cách
toàn diện, khoa học. Đó cũng là một trong những nội dung để ngân hàng xem xét việc
cho công ty vay tiền vì nếu công ty gây ô nhiễm môi trường sẽ phải ngừng hoạt động,
ngân hàng sẽ không thu được nợ.
Quả thật, từ những thay đổi mang tính “đột phá” như vậy, ngày nay một lần nữa
các công ty, tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản đã và đang chứng minh sức mạnh của
mình với những Hitachi có doanh thu 708 tỷ USD, Sony lợi nhuận trên 110 tỷ USD,
NEC có doanh thu 397 tỷ USD, Fujisu (382 tỷ USD), Toshiba (463 tỷ USD), Và
những thành công này đã góp phần đáng kể nâng cao sức cạnh tranh và uy tín của
hàng hoá, dịch vụ Nhật Bản trên thị trường quốc tế.