Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu VỀ TÁC PHẨM SƠN MÀI "SPECULA"* CỦA NGUYỄN OANH PHI PHI docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.58 KB, 5 trang )

VỀ TÁC PHẨM SƠN MÀI "SPECULA"* CỦA
NGUYỄN OANH PHI PHI

Specula: một góc nhìn
Có khá nhiều những lời bàn về tranh sơn mài truyền thống ở Việt Nam, nhưng
tôi nhận thấy cũng không có nhiều nghệ sĩ theo đuổi truyền thống đó. Tôi cũng không
nhìn thấy ở sơn mài như là một chất liệu cũ hay lâu đời. Với tôi, cái được coi là kỹ
thuật sơn mài truyền thống chưa chú trọng đủ đến sự ngẫu nhiên, bộc lộ dấu ấn nghệ
sĩ, nhấn mạnh quy trình thực hiện, liên kết đa ngành - những yếu tố vốn có của chất
liệu này. Thay vào đó, tôi thấy “sơn ta” là một chất liệu nghệ thuật đương đại vẫn còn
đang biến chuyển, và tôi tự hào là một phần trong sự biến chuyển đó. Thực tế, giờ
chính là thời điểm thích hợp cho lần phục hưng thứ hai của sơn ta. Nguyễn Oanh Phi
Phi
Các tác phẩm bằng chất liệu sơn mài “truyền thống” của Oanh Phi Phi bao giờ
cũng là sự biểu hiện của cái mới, cái quy mô, của niềm tin, khát vọng, của lao động và
của nghị lực.
Trên bề mặt của một “đường hầm”, “Specula”, rộng tới 63m2, chị vẽ như một
nhà khảo cổ, nhưng lại đi tìm thông tin ở ngay trong lòng thời đại mình đang sống -
một lối tự nghiệm, như là kết quả kết tinh của một quá trình “du cư” liên tục, từ miền
đất nền văn hóa này sang miền đất nền văn hóa khác, từ Đông sang Tây. Là một nghệ
sĩ “đúng nghĩa” quốc tế và đương đại, các tác phẩm của chị, đặc biệt “Specula”, thông
qua cái vẻ bên ngoài đột nhiên dị biệt, thường khéo ẩn chứa, ở bên trong, những “phổ
niệm” (universaux), dễ đọc và dễ gần gũi, giàu chất suy tưởng và dạt dào nội tâm.
Bằng một tay nghề đã đạt đến trình độ điêu luyện, Oanh Phi Phi, quả thực, đã
đưa được “sơn mài” vào một khúc diễn biến lạ lùng, nơi mà bản thân chất sơn và thức
hình bất thường của nền đế (support) -dường như đã thực sự hóa thân thành những đề
tài, những motif mang tính tâm linh và lễ nghi của chính tác phẩm. Oanh Phi Phi, nếu
như chị đã từng nói về “lần phục hưng thứ hai của sơn ta” - thì với tác phẩm quan
trọng này, “Specula”, chị có thể đã là một trong số những tác nhân cho lần phục hưng
thứ hai ấy.
Quang Việt


Lời giới thiệu “Ghi chú về tác phẩm Specula” viết cho triển lãm “Specula” của
Nguyễn Oanh Phi Phi
Với tôi, tác phẩm Specula của Oanh Phi Phi, một cách sâu sắc, có liên quan
tới các lối cách quy giảm kiểu hiện tượng học (phenomenological reduction), thông
qua sự nhấn mạnh của nó vào cảm giác vật chất, vào sự nhận biết một cách có ý thức
về hành vi tri giác, và vào sự trải nghiệm mà ở đó vẫn ngập tràn những nỗi ngạc nhiên.
Kết cấu của Specula là một đoạn hành lang vòm, được chiếu sáng qua lớp kính
mờ bên dưới. Toàn bộ nội thất của Specula đều được vẽ bằng sơn mài. Khi người xem
đi dọc theo đoạn hành lang đó, vào lúc đôi mắt họ bắt đầu quen dần với ánh sáng mờ
ảo, chính là lúc họ có thể thấy bóng đổ và sự di chuyển của họ đang thay nhau che lại
và mở ra những khu vực khác nhau nơi các tấm vách sơn mài.
Specula cũng chứng tỏ sơn mài đã thành công đến thế nào trong việc gợi tả
tính vật chất của các chất liệu tự nhiên khác nhau. Chính khía cạnh này của chất liệu
sơn mài đã được Oanh Phi Phi khảo sát kỹ lưỡng trong quá trình phát triển tác phẩm.
Ngắm những tấm sơn mài nghiên cứu về gạch của chị, tôi không chỉ giật mình bởi sự
giống nhau đến kinh ngạc giữa chúng với những viên gạch thật, mà còn bởi cảm giác
về độ sâu và sáng mà chất liệu sơn mài tạo cho ý tưởng về khối gạch. Có thể nói, như
trong ngụ ngôn về hang động của Plato vậy. (Oanh Phi Phi cũng tham chiếu tới ngụ
ngôn này). Gạch sơn mài chính là ur-brick, biểu thị yếu tính của gạch, còn gạch trong
đời thường chỉ là hình bóng ảo mà thôi.
Specula cũng có sự liên kết mật thiết với môi trường địa phương, thông qua cả
chất liệu sơn mài lẫn câu chuyện riêng tư của nghệ sĩ. Việc miêu tả một nghệ sĩ là
“nghệ sĩ Việt hải ngoại” thường đưa đến nguy cơ tạo ra một mẫu rập khuôn nào đó
trong cách hiểu tác phẩm của họ. Tuy nhiên, việc Oanh Phi Phi lớn lên tại Mỹ cùng bố
mẹ gốc Việt, việc chị đã tìm về Việt Nam và cho tới nay đã sống tại Hà Nội được bốn
năm - , tất cả những việc đó đều góp phần tạo nên lịch sử hình thành Specula. Trong
cộng đồng nghệ thuật Việt Nam, chị vừa là người trong cuộc, vừa là người ngoài cuộc.
Oanh Phi Phi không học về sơn mài theo hệ thống chính qui của trường nghệ thuật
Việt Nam, song bù lại, chính điều đó đã buộc chị phải theo đuổi một quá trình học hỏi
và thử nghiệm nghiêm khắc trong suốt thời gian sống tại Hà Nội. Cũng chính quá trình

này đã giúp chị đạt tới thành tựu đáng kể với chất liệu sơn mài. Oanh Phi Phi trung
thành với việc sử dụng sơn ta tự nhiên theo những lối cách tân, và trong thực tế, đã có
một số thử nghiệm thành công trong việc tạo ra các cốt nền kiểu mới để vẽ sơn mài.
Đầu năm 2009, tại Bùi Gallery ở Hà Nội, Oanh Phi Phi đã giới thiệu tác phẩm
Cadastre, mà ở đó, chị đã kết hợp sơn mài với nền vóc bằng sắt. Tuy nhiên, với tác
phẩm Specula lần này, Oanh Phi Phi lại tìm ra cách tạo cốt nền cho sơn mài từ chất
liệu composite gia cố bằng sợi thủy tinh với lớp phủ epoxy. Bằng cách đó, chị đã có
thể vẽ sơn mài trên bề mặt cong khổ lớn, như vòm cong của Specula chẳng hạn, và tạo
ra được một không gian sơn mài “có tính kiến trúc”. Không chỉ tạo ra sức thu hút về
mặt kỹ thuật đơn thuần: những thử nghiệm của chị còn tạo nền tảng khái niệm cho tác
phẩm.
Các họa sĩ vẽ sơn ta theo lối hiện đại của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông
Dương, về cơ bản, đã loại bỏ được sự phụ thuộc của chất sơn vào vật thể mà nó được
vẽ lên (như tượng tôn giáo hay đồ nội thất): trong tác phẩm của họ, những vật thể ấy
chỉ đơn thuần là phương tiện (tấm vóc phẳng) chở hình ảnh. Tuy nhiên, trong Specula,
lại tồn tại cả hai yếu tố “tranh sơn” và “sơn dùng trong nội thất”, tức các yếu tố vừa
liên quan tới lịch sử sơn mài Việt Nam thế kỷ 20, vừa liên quan tới giai đoạn tiền hiện
đại của nghệ thuật vẽ sơn Việt Nam. Qua Specula, Oanh Phi Phi khiến chúng ta nhớ
lại rằng: hành vi thưởng thức nghệ thuật sơn đã từng luôn luôn được kết hợp với trải
nghiệm có được trong các không gian cụ thể, chẳng hạn như trong các nội thất gia đình
hay trong đền chùa. Trong nhiều đền chùa tại Hà Nội và ngoại thành, những bức tượng
sơn son thếp vàng đặt trên ban thờ trong không gian kín, luôn luôn chìm trong lớp ánh
sáng mờ ảo. Vẻ rực rỡ và khả năng bắt sáng của sơn khiến cho những pho tượng tỏa
rạng trong không gian u tịch. Trong khi nghệ thuật sơn mài đã và đang xuất hiện ngày
càng nhiều nơi các không gian sáng sủa với ánh sáng tập trung của các bảo tàng,
Specula lại gợi nhắc về một mẫu thức xem tác phẩm theo lối cổ xưa.

×