10 nguyên nhân thất bại của
doanh nghiệp
Các nhà doanh nghiệp khi thất bại trong kinh doanh thường chỉ biết đổ tại cho nguyên
nhân dẫn đến phá sản là nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái và do mình thiếu vốn.
Để chống lại sự thất bại hay phá sản, thực tế chỉ có một phương thức duy nhất: nhà
doanh nghiệp phải có ý thức nhanh chóng rút ra bài học từ những thất bại, không phạm
những sai lầm đã dẫn đến phá sản doanh nghiệp.
Qua thực tế thương trường có thể rút ra 10 kinh nghiệm xương máu, cũng tức là 10
nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự yếu kém và thất bại của một doanh nghiệp.
1. Không có sản phẩm mang tính cạnh tranh
Năng lực kinh doanh và khả năng thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào ý
tưởng của sản phẩm và đưa ý tưởng vào thực tế thị trường. Đây là một yếu tố cơ bản đầu
tiên của doanh nghiệp. Các yếu tố khác không thể thay thế và chỉ hỗ trợ được một phần
nhỏ. Một sản phẩm có tính cạnh tranh không đơn giản là hơn các sản phẩm khác về giá
cả, chất lượng. Điều quan trọng là doanh thu phải đảm bảo bù đủ các chi phí ngoài ra còn
đem về lợi nhuận. Điều này áp dụng cho cả các sản phẩm hàng hóa, các sản phẩm dịch
vụ, các ngành công nghệ cao cũng như cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thủ công, cá
thể. Sẽ chẳng giúp ích được gì cho nhà doanh nghiệp nếu sản phẩm dù tốt hơn, rẻ hơn mà
doanh thu vẫn không đảm bảo trang trải các chi phí cần thiết. Như vậy tính cạnh tranh
của một sản phẩm sẽ không phải do một kế hoạch, một đề án kinh doanh quyết định mà
hoàn toàn do thị trường quyết định. Rất có thể khi mới thành lập doanh nghiệp, sản phẩm
có tính cạnh tranh thật nhưng sau đó không duy trì được lâu dài. Doanh nghiệp nào không
có sản phẩm có tính cạnh tranh thì nên rút lui sớm khỏi thị trường để hạn chế thiệt hại về
vốn.
Lời khuyên thứ nhất: Đối với một sản phẩm mới, doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng
trong việc đầu tư lớn bởi không biết chắc chắn có hoàn toàn thành công hay không.
2. Chi tiêu cá nhân của chủ doanh nghiệp quá lớn
Nhiều nhà doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ lầm tưởng mình cũng có quyền
hưởng một thu nhập cố định như nhân viên. Dường như nhiều nhà doanh nghiệp không
biết hoặc biết mà quên rằng mình chỉ được hưởng những gì còn lại của doanh nghiệp sau
khi trừ mọi chi phí và đầu tư. Phần còn lại này đối với thời kỳ đầu của doanh nghiệp là
không nhiều, thậm chí rất ít, trong khi thu nhập của nhân viên ổn định. Nhiều nhà doanh
nghiệp nhận biết quá muộn vì sao các ngân hàng dễ dãi chấp thuận các khoản vay của
doanh nghiệp, trong đó có cả phần sử dụng cho mục đích cá nhân như cải tạo nâng cấp
nhà riêng, biệt thự của nhà doanh nghiệp. Suy cho cùng điều đó càng làm tăng thêm giá
trị tài sản thế chấp là bất động sản của doanh nghiệp tại ngân hàng.
Lời khuyên thứ hai: Nhà doanh nghiệp sẽ không bao giờ phá sản khi chi tiêu cho nhu
cầu cá nhân thấp hơn khoản lợi nhuận làm ra.
3. Sử dụng quá nhiều nhân viên
Chi phí cho nhân viên ngày càng chiếm một tỉ trọng lớn và gần như cố định với các
doanh nghiệp. Nếu không sử dụng và bố trí nhân viên hợp lí thì việc trả lương là một
gánh nặng đối với doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp có biến động xấu thì việc giảm
kịp thời nhân viên sẽ cứu doanh nghiệp khỏi bị phá sản. Có thể các nhà quản lí vĩ mô,
người làm chính sách chế độ không thích thú điều này nhưng thực tế đã chứng minh các
doanh nghiệp sớm giảm bớt nhân sự là những doanh nghiệp thành công. Khi một doanh
nghiệp thất bại vì có quá nhiều nhân viên người ta không quan tâm vì lí do xã hội hay
không có khả năng quản lí và điều hành nhân viên.
Lời khuyên thứ ba: Doanh nghiệp chỉ tuyển nhận một số lượng nhân viên vừa với khả
năng để quản lí và điều hành họ làm việc tối đa và hiệu quả.
4. Doanh nghiệp bị "xù" nợ:
Nhiều doanh nghiệp coi việc bị "xù nợ" là khó biết trước và khó mà tránh được. Điều đó
hoàn toàn không đúng vì phần lớn các món nợ bị mất đều có nguyên nhân từ một quyết
định sai lầm của doanh nghiệp .Chẳng hạn doanh nghiệp không thu thập đủ thông tin cần
thiết về khách hàng, doanh nghiệp bỏ qua lời khuyến cáo từ trước, vẫn tiếp tục cung ứng
hàng khi khách hàng vẫn còn nợ cũ tồn đọng. Đặc biệt với những khách hàng mới và với
những thương vụ lớn cần phải có những biện phá an toàn hay phòng ngừa. Các doanh
nghiệp ít bị xù nợ thường rất quan tâm đến khả năng tài chính của khách hàng. Họ sẵn
sàng từ chối một hợp đồng kinh doanh khi thấy nghi ngờ hoặc rủi ro mất nợ là quá lớn.
Các doanh nghiệp đang có khó khăn vì kinh doanh, doanh thu thường dễ dãi tiếp nhận
các hợp đồng. Chính sự dễ dãi, coi thường này có thể dẫn đến bị mất nợ và trở thành một
cú đòn quyết định gây nên phá sản.
Lời khuyên thứ tư: Hợp đồng tốt nhất của doanh nghiệp chính là hợp đồng kinh doanh
mà doanh nghiệp không mạo hiểm và dám từ chối thực hiện.
5. Doanh nghiệp vay nợ quá nhiều
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khi mới thành lập, thường vay nợ quá nhiều, nhất là khi
có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn có tính khuyến khích, hỗ trợ. Nhiều doanh
nghiệp nhận biết quá muộn rằng không phải lãi suất của tín dụng mà thực chất là tổng
khối lượng tín dụng phải hoàn trả mới là quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Các
hợp đồng vay vốn dài hạn thường là khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi quyết định nhầm
lẫn nhưng khó có thể giải quyết ngay được. Nhiều doanh nghiệp tính toán phiêu lưu, cho
rằng sẽ được chiết khấu, tiết kiệm được nhiều thuế nếu tăng cường vay vốn để đầu tư
mua sắm, thuê tài chính, thuê máy móc, xe cộ. Điều đó chỉ đúng khi doanh nghiệp sản
xuất kinh doanh có lãi và lãi nhiều. Khi gặp khó khăn, không tạo ra lợi nhuận thì gánh nợ
và vốn vay sẽ là đòn quyết định làm cho doanh nghiệp chóng bị phá sản.
Lời khuyên thứ năm: Người giàu không phải là người được sử dụng nhiều tiền vay nợ
mà là người có nhiều tiền sở hữu.
6. Nhà doanh nghiệp quá chú ý đến tiện nghi
Bất kể một tiện nghi nào thì nhà doanh nghiệp đều phải chi phí : Các nhà kinh doanh
thành công đều bắt đầu từ nhỏ đền đầu từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến tiện nghi. Trước
đây các nhà doanh nghiệp bắt đầu sự nghiệp kinh doanh phần lớn đều từ ngay căn hộ
mình đang ở hay nhà kho, nhà để xe được tu sửa. Bây giờ quá nhiều doanh nghiệp trẻ
khởi sự lại thích tiện nghi ngay từ ban đầu, thuê những văn phòng, trụ sở đắt tiền, sang
trọng. Đó là chưa kể những tu sửa tốn tiền, mua sắm đồ dùng văn phòng cho hợp với sở
thích của mình Họ quá thiên lệch, thậm chí nhầm lẫn khi cho rằng thế mới là cách tạo uy
tín nhanh chóng cho doanh nghiệp của mình. Thực ra họ ưa thích tiện nghi và dường như
quên mất rằng chính chất lượng dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp mới tạo nên uy
tín lâu dài của doanh nghiệp.
Một ví dụ cụ thể là nhiều doanh nghiệp ngay từ đầu đã trang bị một hệ thống tin học khá
hoàn hảo với các máy tính thế hệ mới nhất nhưng thực ra lại chỉ có nhu cầu sử dụng
những chức năng tối thiểu nhất. Không phải nhà doanh nghiệp nào cũng cần có thư ký
riêng, lái xe riêng. Không phải doanh nghiệp nào cũng cần có nhân viên đánh máy, nhân
viên lau dọn, vệ sinh phòng làm việc. Tất cả những công việc kể trên đều có thể thuê, sử
dụng các dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Như thế vừa hiệu quả kinh tế hơn vừa có
chất lượng tốt hơn, lại không bị động. Suy cho cùng nhà doanh nghiệp thành lập doanh
nghiệp không phải để nâng cao địa vị xã hội mà là để kinh doanh kiếm nhiều tiền hơn.
Lời khuyên sáu: Một doanh nghiệp có thể thành công bắt đầu từ một nhà để xe, và có
thể sẽ thất bại từ một lâu đài.
7. Quá xem nhẹ những thua lỗ ban đầu
Nhiều doanh nghiệp lầm tưởng rằng việc kinh doanh thua lỗ trong những năm đầu tiên
thành lập là không thể tránh khỏi. Do đó thường xem nhẹ những kết quả kinh doanh thua
lỗ lúc ban đầu, không chú trọng tìm hiểu nguyên nhân. Khi nhận biết thì đã quá muộn,
doanh nghiệp có thể trên bờ phá sản. Trên thực tế diễn biến thị trường, khách hàng, kết
quả kinh doanh không hoàn toàn theo dự kiến và kế hoạch kinh doanh ban đầu của doanh
nghiệp. Nếu kết quả thua lỗ ban đầu nằm trong trù tính trước thì nguyên nhân thua lỗ vẫn
nằm ngoài dự báo. Không phát hiện, phân tích đúng nguyên nhân dẫn đến thua lỗ và
không có những biện pháp điều chỉnh chính sách kinh doanh cho phù hợp càng làm chính
sách kinh doanh sai lầm tiếp tục và dẫn đến nguy cơ thất bại.
Lời khuyên thứ bảy: Lợi nhuận không phải là tất cả, nhưng nhà doanh nghiệp không
được chủ quan, phải quan tâm đến lợi nhuận ngay từ thời kỳ đầu.
8. Chỉ nghĩ đến doanh số
Rất nhiều nhà doanh nghiệp chỉ mải mê nghĩ đến doanh số mà quên mất rằng thực ra mục
đích kinh doanh là lợi nhuận chứ không phải doanh số. Nhiều doanh nghiệp mới thành
lập đã vội tự hào về sự phát triển kinh doanh mở rộng qui mô nhanh chóng. Đặc biệt thể
hiện bằng một vài hợp đồng hay công trình lớn. Doanh nghiệp vội vã đầu tư dây chuyền
lớn, hiện đại, tuyển nhiều nhân viên. Nhưng kết cục lại đáng buồn. Doanh nghiệp chưa có
kinh nghiệm tổ chức và điều hành quy mô lớn hơn, nhiều vấn đề mới phát sinh mà chưa
có kinh nghiệm. Hơn thế, nhiều khi nhóm khách hàng nhỏ dễ bị sao nhãng, thậm chí bỏ
rơi. Khách hàng lớn và hợp đồng lớn thì không có. Làm gì với số tài sản và nhân sự mới
được đầu tư, tuyển nhận? Doanh nghiệp rất dễ có nguy cơ phá sản trong những trường
hợp như vậy.
Khi các doanh nghiệp lớn tăng doanh số, tăng thị phần, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất
khó duy trì hoạt động tốt. Bởi đó là chính sách kinh doanh phù hợp với các tập đoàn, các
công ty quốc tế trường vốn. Tất nhiên nếu không có doanh số thì không thể có lợi nhuận.
Nhưng không có nghĩa là doanh số càng cao thì lợi nhuận càng cao. Sẽ rất nguy hiểm cho
sự tồn tại của doanh nghiệp nếu doanh số tăng mà lợi nhuận thực tế lại không tăng tương
xứng. Nếu lợi nhuận vẫn như cũ thì doanh nghiệp phá sản chỉ còn là vấn đề thời gian vì
doanh nghiệp sẽ không chịu nổi những chi phí tăng thêm.
Lời khuyên thứ tám: Hãy đồng ý trước các đề nghị táo bạo thì sẽ có doanh số lớn.
Nhưng thỉnh thoảng biết từ chối trước một hợp đồng lớn mới là người làm ra nhiều lợi
nhuận.
9. Không lập quĩ dự phòng tài chính
Kể cả những nhà doanh nghiệp có tài nhất cũng không tránh khỏi có những lúc phán đoán
sai diễn biến của thị trường hay có những lúc chịu bất lực trước một biến động mang tính
rủi ro. Những lúc đó doanh nghiệp nhất thiết phải có những dự phòng tài chính nhất định,
được tích lũy từ lợi nhuận những năm trước. Kinh nghiệm cho thấy, nếu có biến động, tác
động kinh tế lớn thì các ngân hàng, các nhà tài trợ cũng bị ảnh hưởng và họ cũng hạn chế
cho vay. Kể cả khi ngân hàng không bị ảnh hưởng thì họ cũng rất cẩn trọng và không đầu
tư vào các lĩnh vực đang có rủi ro. Có nguồn dự trữ tài chính, doanh nghiệp hoàn toàn
chủ động, không phụ thuộc vào ngân hàng và tự mình vượt qua những lúc khó khăn,
tránh được nguy cơ phải bán một phần hay toàn bộ doanh nghiệp.
Lời khuyên thứ chín: Hãy tiết kiệm và dự trữ tài chính khi doanh nghiệp có thể làm
được để tự cứu mình khi gặp khó khăn.
10. Quá tin vào người khác
Nhiều doanh nghiệp thất bại và phá sản chỉ vì một nguyên nhân đơn giản là quá tin vào
người khác. Họ thuộc đủ các đối tượng, từ nhà tài trợ, đối tác, nhân viên của chính doanh
nghiệp đến khách hàng. Ví dụ, nếu quá tin vào ngân hàng khi bắt đầu đầu tư, nhưng nửa
chừng ngân hàng lại quyết định không cho vay tiếp. Quá tin vào nhân viên của mình,
doanh nghiệp có thể phải gánh chịu những hậu quả bất ngờ, thậm chí phải nhờ pháp luật
hỗ trợ. Doanh nghiệp quá tin vào khách hàng cũng có thể bị từ chối nhận hàng, không
chịu thanh toán đủ và đúng hạn. Một doanh nghiệp khi hợp tác, liên kết kinh doanh với
bạn hàng, đối tác thường quá tin tưởng, thậm chí phó mặc cho họ. Thực ra cuối cùng, tất
cả là do thiếu cẩn trọng, không có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Người chịu hậu quả
chính là doanh nghiệp, thậm chí dẫn đến phá sản.
Lời khuyên thứ mười: Doanh nghiệp phải luôn cẩn trọng và phải ý thức rằng tự mình
chịu trách nhiệm trước hết về một quyết định kinh doanh