Thành công và thất bại của một chủ
doanh nghiệp!
Ngày nay, trên thương trường ước tính có khoảng 60% hoạt động kinh
doanh của các chủ doanh nghiệp mới khởi sự không tồn tại được sau 6 năm. Tại
sao có một số doanh nhân thành công còn một số khác thì thất bại?. Mặc dù
không có mô hình mẫu chung, nhưng có một số nguyên nhân cơ bản của sự thành
công và thất bại đối với một chủ doanh nghiệp.
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu của tờ Business2.0 đã được tiến hành trên
hơn 10 nghìn doanh nghiệp tại Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á để tìm ra những
nguyên nhân thành công và thất bại của các chủ doanh nghiệp.
1/ Lý do thành công của các chủ doanh nghiệp
+ Biết đương đầu với những công việc khó khăn, có nỗ lực và sự cống hiến:
Các doanh nhân thành đạt luôn thật sự nỗ lực, họ biết sử dụng thời gian và cố
gắng dự đoán điều sẽ xảy ra. Phải chấp nhận làm việc căng thẳng trong nhiều giờ và
rất ít thời gian nghỉ ngơi là những điểm chung thành đạt trong vòng vài năm đầu tiên
đối với một chủ doanh nghiệp mới.
+ Tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh
nghiệp.
Các chủ doanh nghiệp lớn và thành đạt rất cẩn thận phân tích các điều kiện thị
trường có thể giúp họ thâm nhập, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.
+ Năng lực quản trị:
Những doanh nhân thành đạt luôn hiểu rõ ràng cái gì nên làm, cái gì không nên
làm. Họ có thể nâng cao khả năng quản trị qua các lớp huấn luyện, tìm hiểu học hỏi
các kinh nghiệm ở các doanh nghiệp khác, kinh nghiệm của người khác và chính họ
phải có khả năng và năng lực quản trị một cơ sở kinh doanh.
+ Biết tận dụng thời cơ:
Vận may có vai trò quan trọng trong sự thành công của một số doanh nhân.
Trong kinh doanh có một số người có sự nhanh nhạy biết chớp lấy thời cơ, có khả
năng nhận diện một cơ hội kinh doanh mà những người khác không phát hiện ra, tận
dụng nó và bắt đầu tạo dựng một doanh nghiệp kết hợp khéo điều hành và tổ chức xắp
xếp công việc, cần cù, chịu khó, tiết kiệm đã thành đạt.
Một người Trung quốc đã nói một câu nổi tiếng rằng: "Một cuộc hành trình
hàng ngàn dặm nhưng được bắt đầu với những bước đơn lẻ". Điều đó hoàn toàn đúng
đối với một chủ doanh nghiệp mới bước vào thương trường. Bước đầu tiên là sự ràng
buộc, cam kết của một cá nhân quyết tâm để trở thành người kinh doanh nhỏ, bước kế
tiếp là lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ để cung cấp - đó là quá trình đầu tư nghiên cứu
lựa chọn thị trường, kỹ thuật. Việc lựa chọn này yêu cầu các nhà kinh doanh phải đánh
giá được không những về xu hướng thay đổi công nghệ mà còn phải hiểu rõ khả năng,
năng lực của chính mình. Các ông chủ của các tập đoàn lớn cũng như nhiều doanh
nhân khác hiểu rất rõ ràng về kinh doanh của họ. Sự thành công chỉ đạt được khi nhà
kinh doanh biết rõ về lĩnh vực hoạt động của mình.
2/ Lý do thất bại của các chủ doanh nghiệp
+ Thiếu năng lực và kinh nghiệm quản trị
Nhiều hoạt động kinh doanh được bắt đầu từ một người có rất ít hoặc chưa qua
đào tạo quản trị hoặc kinh nghiệm, bởi vì hầu hết các nhà kinh doanh tiền thân là
những người tự lập. Một số người nghĩ rằng quản trị chỉ là ý thức chung (common
sense). Nhưng nếu các nhà quản trị không biết ra những quyết định kinh doanh quan
trọng họ sẽ không đạt được thành công trong tương lai.
+ Thiếu can đảm.
Quá trình khởi sự doanh nghiệp yêu cầu các doanh nhân tăng cường những cam
kết hợp tác, quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Nếu như người chủ kinh doanh không chấp
nhận làm việc nhiều giờ trong một ngày, phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi của mình và
chịu khó thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau thì cũng có thể dẫn tới thất bại.
+ Hệ thống kiểm soát yếu kém.
Một hệ thống kiểm soát tốt sẽ giúp các nhà doanh nghiệp giám sát được các chi
phí, năng lực sản xuất và nhiều vấn đề khác. Nếu không xây dựng được cho mình một
hệ thống kiểm soát có khả năng phát hiện ra những sai sót thì họ có thể vấp phải những
vấn đề nghiêm trọng trong kinh doanh.
+ Thiếu vốn.
Một doanh nghiệp có thể không có đủ khả năng tài chính để trang trải những
chi phí hoạt động trong thời gian đầu. Nhiều Chủ sở hữu doanh nghiệp mới hầu như sẽ
thất bại nếu họ hy vọng rằng sẽ trả được khoản vay ngay từ tháng thứ hai từ kết quả lợi
nhuận của tháng đầu tiên bởi vì thông thường ít nhất trong 6 tháng đầu chưa có lãi.
Thật ra, đa số những thất bại của doanh nhân là do những yếu kém trong quản lý tiền
mặt của họ.
Có lẽ bước quan trong nhất trong việc cho ra đời doanh nghiệp là xây dựng kế
hoạch. Người chủ doanh nghiệp cần có một bản trình bày toàn diện bằng văn bản,
trong đó giải thích chính xác những gì doanh nghiệp sẽ làm. Kế hoạch kinh doanh nên
mô tả ý tưởng cơ bản cho kinh doanh của doanh nghiệp và nêu lên thật rõ ràng các
mục tiêu và mục đích. Kế hoạch này không chỉ dẫn dắt cố gắng của chủ doanh nghiệp
mà nó còn giúp thuyết phục những người cho vay, những nhà đầu tư vốn cho doanh
nghiệp.
Mặc dù kế hoạch kinh doanh có một mục đích đơn giản, song nó đòi hỏi nhiều
suy nghĩ. Ngay cả trước khi khai trương doanh nghiệp, các “ông chủ” cũng phải có
những quyết định quan trọng về nhân sự, về marketing, các phương tiện, nguồn cung
cấp đầu vào và phân phối hàng hóa v.v... . Để có kết quả tốt nhất thì phần tài chính của
kế hoạch nên gồm cả một ngân sách chi tiết về chi phí thành lập và chi phí điều hành,
cũng như những dự trù về thu nhập, chi phí và lượng tiền mặt cho hai năm đầu tiên
kinh doanh.