Bạn biết gì về biến chứng đái
tháo đường?
Biến chứng đái tháo đường (ĐTĐ) có thể dễ dàng bị bỏ qua, đặc biệt là
ở giai đoạn sớm khi cơ thể còn khoẻ mạnh và không có biểu hiện triệu chứng
lâm sàng. Do đó, bạn rất khó nhận biết được tình trạng bệnh của mình.
ĐTĐ thường diễn biến âm thầm, ảnh hưởng lên hầu hết mọi cơ quan chính
trong cơ thể. Nhưng nếu có các hiểu biết cơ bản về những biến chứng của bệnh,
bạn hoàn toàn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ này.
ĐTĐ gây ra những biến chứng trước mắt và lâu dài. Các biến chứng sớm
đòi hỏi phải được điều trị khẩn cấp trong khi biến chứng lâu dài tiến triển dần dần
gây tàn phế và đe doạ tính mạng người bệnh.
Biến chứng sớm
* Hạ đường huyết (hypoglycemia):
Xảy ra khi nồng độ đường huyết dưới 60 mg/dl, phổ biến ở những người
điều trị bằng insulin, nhưng cũng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc uống có tác dụng
tăng hoạt động của insulin.
Đường huyết có thể giảm do nhiều nguyên nhân, bao gồm: nhịn ăn, hoạt
động thể lực căng thẳng hơn mức bình thường hoặc không điều chỉnh thuốc khi
đường huyết thay đổi. Triệu chứng cơ năng và thực thể sớm bao gồm: đổ mồ hôi,
run, yếu cơ, đói bụng, choáng váng và nôn ói. Nếu đường huyết dưới 40 mg/dl, có
thể nói lắp, ngủ gà và lầm lẫn. Nếu có các dấu hiệu kể trên, ăn hoặc uống những
chất có thể làm tăng đường huyết như: kẹo, soda, nước trái cây hoặc viên glucose.
Thỉnh thoảng nồng độ glucose trong máu có thể giảm rất thấp và bệnh
nhân có thể đi vào hôn mê. Tình trạng này đe doạ mạng sống của bệnh nhân. Điều
trị tốt nhất là tiêm glucagon, một loại hormone có chức năng kích thích việc phóng
thích glucose vào máu. Gia đình và bạn của bệnh nhân nên biết cách tiêm
glucagon và luôn mang theo thuốc này bên người.
* Tăng đường huyết (Hội chứng ĐTĐ ưu trương):
Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở thể ĐTĐ type 2, do lượng đường trong
máu lớn hơn 600 mg/dl,, do không theo dõi lượng đường trong máu hoặc không
biết có bệnh ĐTĐ.
Nó cũng có thể xảy ra khi dùng corticoid liều cao, uống rượu với số lượng
lớn, stress, có bệnh lý khác hay nhiễm trùng đi kèm. Triệu chứng bao gồm: khát
nước và tiểu nhiều, yếu cơ, chuột rút ở chân, lầm lẫn, co giật và có thể đi vào hôn
mê. Nếu đường huyết tăng trên 600 mg/dl, phải điều trị ngay lập tức. Nếu không
điều trị tình trạng này có thể dẫn tới tử vong.
* Tăng Acid trong máu (ĐTĐ nhiễm ceton):
Thỉnh thoảng tế bào đói năng lượng khi cơ thể bắt đầu giảm trọng, tạo ra
ngộ độc acid gọi là nhiễm ceton. Điều này thường xảy ra ở ĐTĐ type 1. Triệu
chứng cơ năng và thực thể gồm: mất cảm giác thèm ăn, nôn ói, sốt, đau dạ dày
ngửi được mùi ceton trong hơi thở của bệnh nhân – có thể nhầm lẫn với bệnh cúm.
Bạn nên kiểm tra lượng ceton dư trong nước tiểu, rất có ý nghĩa khi lượng
đường trong máu thường xuyên trên 240 mg/dl. Bạn cũng có thể mua test thử
nồng độ ceton ở các hiệu thuốc để thực hiện nó ở nhà. Nếu kết quả cho thấy lượng
ceton cao, nên đến khám bác sĩ. Nếu không điều trị tình trạng nhiễm ceton này có
thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Biến chứng lâu dài
*Tổn thương thần kinh:
Hơn ½ số người bị ĐTĐ có biểu hiện tổn thương thần kinh. Các nhà nghiên
cứu cho rằng, do lượng đường trong máu quá cao đã làm tổn thương các mạch
máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Triệu chứng tùy thuộc vào thần kinh nào bị ảnh
hưởng, thường gặp nhất là ảnh hưởng đến thần kinh cảm giác ở chân và cánh tay,
biểu hiện như: cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát và đau bắt đầu ở đầu ngón và lan dần
lên phía trên. Nếu không điều trị sẽ dẫn đến mất cảm giác và nhiễm trùng ở chi.
Ngoài ra, tổn thương thần kinh chi phối đường tiêu hoá có thể gây nên buồn nôn,
ói, tiêu chảy hoặc táo bón.
* Tổn thương thận:
Thận chứa hàng triệu vi mạch có tác dụng lọc các chất cặn bã của cơ thể từ
máu và thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Nhưng bệnh lý ĐTĐ có thể gây nên tổn
thương các mạch máu này trước khi có biểu hiện lâm sàng. Người bị ĐTĐ type 1
bị ảnh hưởng bởi nguy cơ này nhiều hơn vì diễn tiến bệnh kéo dài. Vào lúc bộc lộ
thành triệu chứng như phù mắt cá chân, cẳng chân hoặc tay, thiếu máu, hơi thở
ngắn, và tăng huyết áp, là khi tổn thương đã tiến xa. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến
suy thận không hồi phục, đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
* Tổn thương mắt (bệnh lý võng mạc):
Hầu như tất cả bệnh nhân ĐTĐ type 1 và hơn 60% bệnh nhân ĐTĐ type 2
bị tổn thương mạch máu võng mạc sau khoảng 20 năm. Bệnh ĐTĐ cũng gây đục
thuỷ tinh thể và tăng nhãn áp. Nhiều người có khi chỉ bị tổn thương nhẹ ở mắt,
nhưng có nặng lên hay không còn phụ thuộc vào phác đồ điều trị và sự cố gắng
của người bệnh.
* Bệnh lý mạch máu và tim:
ĐTĐ làm gia tăng xuất hiện những vấn đề bệnh lý tim mạch, gồm: bệnh lý
mạch vành với đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ hoá động mạch và cao
huyết áp. Nó làm tăng nồng độ triglycerid trong máu và làm giảm nồng độ của
lipoprotein tỷ trọng cao – một loại cholesterol giúp bảo vệ chống lại bệnh tim.
* Nhiễm trùng:
Nồng độ đường huyết cao làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ
nhiễm trùng. Miệng, nướu răng, phổi, da, chân, thận, bàng quang và vùng sinh dục
là những cơ quan dễ bị nhiễm trùng.