Thực phẩm chức năng và thuốc:
Đâu là ranh giới?
Trong những năm gần đây, trên thị trường nước ta dần dần xuất hiện
rất nhiều sản phẩm có tên gọi là "thực phẩm chức năng". Nhiều loại được
quảng cáo hết sức rầm rộ với một hệ thống phân phối đa cấp có mặt suốt cả
ba miền Trung, Nam, Bắc. Trên nhãn mác, loại nào cũng được ghi rõ là "sản
phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh",
nhưng kỳ thực cách thuyết trình của không ít diễn giả trong các cuộc "hội
thảo" và của nhân viên tiếp thị khi quảng cáo với người tiêu dùng đã khiến
nhiều người lầm tưởng rằng: sản phẩm là một thứ thuốc chữa được bách
bệnh. Và rồi, mặc dù rất đắt, người ta cũng cả tin và cố bỏ tiền ra mua để
cuối cùng dẫn đến hậu quả "tiền mất tật mang". Vậy, nên hiểu như thế nào
về thực phẩm chức năng (TPCN), ranh giới TPCN và thuốc chữa bệnh?
Trước những thông tin và các chiến dịch quảng cáo thực phẩm chức năng rầm rộ, người
dân cần hiểu rõ tác dụng của sản phẩm trước khi mua.
Thực phẩm chức năng là gì?
Khái niệm TPCN (Functional foods) được người Nhật sử dụng đầu tiên từ
giữa những năm 80 của thế kỷ XX để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa
những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ
cho người sử dụng. Theo Viện Khoa học và Đời sống quốc tế (International Life
Science Institute - ILSI) thì "TPCN là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt
động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khoẻ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh
hơn là so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại". Theo IFIC, TPCN là những thực
phẩm hay thành phần của chế độ ăn có thể đem lại lợi ích cho sức khoẻ nhiều hơn
giá trị dinh dưỡng cơ bản.
TPCN có thể là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là sản phẩm của quá
trình chế biến hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các
chất "chức năng". Cũng như thực phẩm thuốc, TPCN nằm ở nơi giao thoa giữa
thực phẩm và thuốc.
Thực phẩm chức năng được phân loại như thế nào?
TPCN thường được phân loại theo hai cách: dựa trên thành tố của thức ăn
và dựa trên loại thức ăn. Dựa trên thành tố của thức ăn có thể chia ra làm 6 loại
chính là chất xơ dinh dưỡng; các loại đường đa phân tử (oligosaccarid); acid amin,
peptid và protein; vitamin và khoáng chất; vi khuẩn sinh acid lactic; acid béo. Dựa
trên loại thức ăn có thể chia làm 2 loại chính là thức ăn có nguồn gốc thực vật như
đậu tương, cà chua, tỏi, các loại rau cải, cam quýt, chè, nho và thức ăn có nguồn
gốc động vật như cá, sữa và chế phẩm của sữa, thịt bò
Như trên đã nói, TPCN còn có thể phân loại theo nguồn gốc là sản phẩm tự
nhiên (ví dụ: đậu tương có chứa genistein, một loại isoflavone có tác dụng chống
ung thư; cá biển chứa nhiều acid béo omega-3 có khả năng làm giảm đáng kể nguy
cơ mắc và tử vong do bệnh tim mạch ) hoặc là sản phẩm của quá trình chế biến
(ví dụ: rượu vang nho, đặc biệt là vang đỏ, có chứa nhiều flavonoid có tác dụng
làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch; các chế phẩm lên men của sữa có nhiều vi
khuẩn hữu ích có tác dụng bình ổn vi khuẩn chí của ruột ).
Các yếu tố chức năng chủ yếu của thực phẩm là gì?
Trong các yếu tố chức năng chủ yếu của thức ăn, có thể kể đến là: (1) Các
yếu tố chống ôxy hoá (sesaminol glycozyt ở hạt vừng, curcumin ở củ nghệ,
selenium ở hạt đậu tương (2) Các yếu tố chống ung thư (các flavonoid mà đồng
phân là isoflavone là các polyphenol có nhiều ở rau quả, ví dụ: tangeretin ở nước
quả; querectin ở mận, anh đào, nho dâu ; overingenin ở quả chanh, epicatechin ở
lá chè ). (3) Các peptid dẫn xuất của protein (luten exorphin có tác dụng tăng
năng lực sinh học, ovokinin có tác dụng giảm huyết áp, lactoferricin có tác dụng
chống nhiễm khuẩn ). (4) Các vi khuẩn cộng sinh (probiotics) như lactobacillus,
bifidobacterium, yeast (5) Các acid béo (lecithin, acid linoleic, acid linolenic,
acid arachidonic ). (6) Các thành phần không tiêu hoá được của thực phẩm
(prebiotics) như inulin, polydextrose, oligosaccarid
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, sản xuất TPCN đã trở thành một
ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận kếch xù. Ví như ở Mỹ, những nhà công
nghiệp thực phẩm là những người nhạy bén nhất trong sản xuất TPCN, đặc biệt là
TPCN cho trẻ nhỏ, với doanh thu hàng năm lên tới 30 tỷ đô-la. Việc nghiên cứu và
ứng dụng TPCN thực sự đã góp phần mở rộng và phát triển khoa học về dinh
dưỡng trong hiện tại và tương lai.