Các vấn đề liên quan đến việc thay nước hồ cá
Vì nhiều lý do, thay nước là điều bắt buộc nếu bạn muốn duy trì một hồ cá lành
mạnh. Hồ cá lành mạnh được định nghĩa như là hồ mà trong đó cá tăng trưởng,
sinh sản, ăn uống và hoạt động như ngoài môi trường tự nhiên (hay gần giống
như vậy). Nó cũng là hồ có chứa rất ít mầm bệnh và cá trông khoẻ mạnh.
Mọi người đều biết rằng để làm được điều này, bạn phải đảm bảo hàng loạt yếu tố,
trong đó bao gồm chủng loại và số lượng cá mà bạn nuôi, kích thước hồ nuôi, hệ
thống lọc, và ngay cả loại thức ăn mà bạn sử dụng. Tất các các yếu tố này đều phải
được tính đến nếu bạn muốn duy trì hồ cá một cách đúng đắn.
Câu hỏi đầu tiên mà bất cứ người nuôi cá nào cũng tự đặt ra là “bao lâu” mới thay
nước một lần và “bao nhiêu” nước cần phải thay. Ở đây có vài điểm cần được làm rõ.
Tôi không phải là một chuyên gia, tôi không có bằng cấp về ngư loại học, tôi cũng
từng để cá bị chết và phải học (và sẽ học) từ mọi người. Những gì tôi đề cập đến ở
đây chỉ là cách mà tôi từng áp dụng cho hồ cá của mình, lý do mà tôi làm vậy và các
kết quả nhận được từ đó. Có vô số cách để duy trì hồ cá một cách hiệu quả - Tôi biết
vậy. Tôi chỉ nói về vấn đề thay nước, điều cốt yếu đối với mấy con cá yêu quí của tôi.
Ghi chú: Nếu bạn cũng có nhiều hồ cá như tôi thì bạn phải biết cách tổ chức. Bạn có
thể lên lịch thay nước vào một lần hay lần lượt cho từng hồ. Bạn cũng có thể lên
danh sách từ nhiều ngày trước (sau khi đã kiểm tra kỹ từng hồ) những gì bạn phải
làm trong khi thay nước hồ và khi nào thì thực hiện điều đó. Tôi luôn sử dụng sổ tay
để ghi chép. Ví dụ, nếu cần làm sạch rêu, tôi phải làm từ trước khi thay nước. Nếu
phải thay máy lọc, vớt lá cây trôi nổi, hay nhổ cây, bạn cũng phải làm từ trước. Nếu
cần bón phân cho cây, bạn phải làm sau khi thay nước. Ghi chép sẽ giúp bạn không
bỏ sót điều gì và mọi thứ sẽ được thực hiện đúng theo yêu cầu. Hơn nữa, việc lưu trữ
các ghi chép vào một hồ sơ sẽ giúp bạn kiểm tra được khi nào là lần cuối bạn thay
chất liệu lọc, cho thuốc phòng bệnh (medication) hay than hoạt tính (đây là dạng ghi
chép cho việc bảo trì).
Chuẩn bị những thứ cần thiết. Sử dụng một bàn rộng để sắp xếp các dụng cụ và
chất hoá học. Tất cả các dụng cụ nên được rửa sạch, kèm theo khăn lau, chậu và sổ
tay phải luôn sẵn sàng. Như bạn thấy trong hình, tôi tự pha chế lấy các chất hoá học.
Dĩ nhiên, tôi may mắn vì chỉ nuôi các loài Cichlids có nguồn gốc từ các hồ rạn châu
Phi (95% là từ hồ Malawi) do đó tôi chỉ phải dùng một số chất hoá học nhất định. Các
chất này gồm (nhưng không bắt buộc): Calcium chloride, Calcium sulfate,
Magnesium sulfate, Sodium bicarbonate, Sodium và Potassium chloride. Các sản
phẩm mua sẵn gồm than hoạt tính, chất khử nước máy (Tap water conditioner), chất
làm trong nước (Clear Ease), thuốc trị vết thương…Bạn có thể thay thế tất cả những
chất này bằng một chất muối tổng hợp (aquarium salt) duy nhất. Trong hai cái chén
sắt, bạn sẽ thấy những dụng cụ dành riêng cho việc bảo trì hồ cá. Trong đó bao gồm:
các ống xi lanh 1, 5, 10, 30 and 60 ml, muỗng trà và muỗng canh, kéo, banh (tonsil)
cỡ nhỏ và lớn, nhiệt kế, bao ni lông, ống thử (test tube), bông lọc, băng keo…
Trước hết tôi kiểm tra danh sách các hồ sẽ thay nước. Bước đầu tiên là trộn chất hoá
học và hoà tan chúng (thường dùng nước nóng). Không nên đổ chất hoá học vào hồ
dưới dạng bột. Coi chừng bạn “đốt cháy” cá của bạn đấy. Sau đó để dung dịch trong
bình chứa nguội đi. Nếu chất hoá học chưa hoà tan hoàn toàn, đợi một phút để phần
chưa tan lắng xuống rồi đổ phần hoà tan vào thùng chứa lớn hơn (giống như can 4 lít
trong hình). Thêm nước nóng vào bình chứa rồi quậy đều cho đến khi tất cả muối đều
hoà tan. Làm lại lần nữa nếu thấy cần thiết. Bạn cũng có thể thêm vào chất khử nước
máy tại công đoạn này.
Châm thêm nước để bù vào phần nước bị bốc hơi trước khi thay nước. Nếu bạn
không làm điều này thường xuyên, hồ cá của bạn sẽ biến thành hồ cá biển! (vì nồng
độ muối sẽ tăng lên sau mỗi lần thay nước). Hình dưới chụp hồ 500 lít nuôi cá mbuna.
Việc bù nước này rất quan trọng và cần được chuẩn bị trong quá trình thay nước. Bạn
nên đánh dấu mực nước mỗi khi thay xong và đảm bảo lượng nước mà bạn bù vào
lượng bay hơi cũng đạt xấp xỉ mức đánh dấu. Người nuôi cá biển rất chú ý đến vấn đề
này nhưng tôi thấy nhiều chiến hữu nuôi cá nước ngọt của tôi không hề lưu tâm đến
nó.
Bước kế tiếp là chùi rêu. Thỏi nam châm thường được dùng để chùi rêu bám trên mặt
kiếng. Nếu bạn không làm điều này trong 1-2 tuần bạn có thể sẽ phải dùng đến cây
dao cạo để nạo rêu (và có thể làm xước kính). Nên sử dụng thỏi nam châm có độ từ
tính thích hợp với tấm kiếng mà bạn chùi. Thỏi nam châm có kích thước trung bình
được sử dụng cho hồ 45 lít (dày 6 mm – hình trái) trong khi thỏi lớn hơn được dùng
cho hồ 1300 lít (dày 18 mm – hình phải). Phải chùi sạch các mảng rêu li ti bám trên
mặt kiếng mỗi khi thay nước. Nếu rêu bám đủ lâu, nó sẽ bám chặt vào mặt kiếng (hay
bất cứ bề mặt nào) và che khuất cảnh quan bên trong.
Nếu một thỏi nam châm được dùng chung cho nhiều hồ, nên rửa nó thật kỹ bằng nước
nóng sau mỗi lần sử dụng. Nếu không bạn có thể đem mầm bệnh từ hồ này sang hồ
khác. Nếu mặt trong của thỏi nam châm rơi lên mặt cát, nên rửa sạch cát để tránh
làm trầy mặt kiếng khi chùi. Thậm chí, vài mảnh sỏi nhỏ còn kẹt lại cũng có thể làm
trầy mặt kiếng.
Kiểm tra đầu ra của bộ lọc. Nếu dòng chảy không mạnh như mong muốn, bạn cần
làm sạch đầu hút hay thay chất liệu lọc.
Đừng thay toàn bộ chất liệu lọc một lần vì sẽ làm mất đi tất cả các vi khuẩn có ích.
Nên rửa chúng trong một chậu chứa đầy nước hồ cũ. Hình bên chụp đầu ra của hai
loại máy lọc thông dụng, máy lọc dùng mút xốp (950 lít/giờ - hình trên) và bơm nước
(2.300 lít/giờ - hình dưới). Hình chụp cho thấy các máy lọc còn chưa bị tắc hoàn toàn.
Đây là thời điểm để làm sạch xốp lọc và các “viên lọc” (coarse), lấy đi lá cây và thức
ăn thừa.
Nước từ đầu ra chảy yếu đi là tín hiệu cảnh báo rằng vi khuẩn sẽ ngộp thở và chết
(vi khuẩn có ích thì hiếu khí nghĩa là chúng cần nhiều ô-xy), thậm chí nước sẽ bị ô
nhiễm. Trong các hồ nuôi Cichlids châu Phi, điều này tương đương với việc nồng độ
ammonia tăng đột ngột đến mức độc hại. Động cơ không được làm mát hay chạy quá
tải sẽ làm giảm tuổi thọ của máy lọc. Sau cùng, diện tích tiếp xúc giảm (làm tỷ lệ trao
đổi khí giảm theo) là lý do làm nồng độ ô-xy giảm và CO2 tăng. Dấu hiệu ban đầu
của điều này là khi cá nổi lên mặt nước thở gấp gáp. Tôi nhấn mạnh một điều là máy
lọc bị kẹt sẽ làm chết cá trong hồ một cách nhanh chóng, và đó không phải là một
quá trình diễn ra từ từ. Tuỳ theo mực nước và chế độ dinh dưỡng, điều này có thể
xảy đến chỉ sau một đêm. Tôi biết nhiều người làm chết cá với lý do máy lọc bị kẹt.
Không hiểu tại sao, họ thường kiểm tra đầu nhiệt, máy sục khí…nhưng lại bỏ qua
máy lọc.
Trước khi gắn máy lọc vào hồ, rửa chúng bằng xà bông rồi xối nước thật kỹ cho
sạch hết xà bông. Lau khô tay rồi gỡ bỏ ổ cắm điện. Việc này rất quan trọng, bạn luôn
phải làm để đảm bảo không bị điện giật. Đây là điểm cốt yếu đối với những người
nuôi Cichlids châu Phi vì hồ nước có nồng độ muối rất cao làm cho việc bị điện giật
trở nên rất khốc liệt.
Lấy đi các phần trong hồ cá mà bạn không còn cần đến nữa. Đây là thời điểm để
lấy đi các bộ phận trang trí và cây cảnh mà bạn thấy không còn cần thiết nữa, tái sắp
xếp, thêm vào, gỡ bỏ hay củng cố lại đá trang trí, tỉa cây…Ở hình trên, tôi lấy một
cành lớn loài Hygrophila corymbosa ra khỏi hồ 1.300 lít của tôi vì nó hầu như bị bật
gốc bởi hoạt động đào bới của các “cư dân châu Phi”. Bỏ sót lại một mẩu trong hồ
thì nó sẽ làm tắc và giảm dòng sục khí trong máy lọc. Nhánh này sau đó được
trồng lại trong hồ nuôi mbuna 500 lít. Tôi đã từng nói với các bạn là tôi chưa hề mua
một cây cảnh mới nào trong vòng hai năm vừa qua? Tôi có tất cả bốn hồ trồng rong
chỉ bằng việc trồng lại các cây bị bật rễ và tỉa cành.
Chuẩn bị hồ cá cho việc thay nước. Chuẩn bị các đấu nối cần thiết. Nếu hồ cá của
bạn có một lỗ thoát, hãy đảm bảo ống nước được nối khít vào đó (xem hình trên).
Luôn luôn đặt một chậu nước lớn phía đầu thoát nước cho chắc ăn. Nếu bạn không
làm thế, hãy gỡ bỏ đầu nhiệt để tránh làm vỡ chúng (tôi thường hay quên bước này,
tiệm cá của tôi rất mệt mỏi với việc mua đầu nhiệt mới cho tôi). Gỡ bỏ luôn các máy
bơm và máy lọc (nếu đầu nối của chúng làm cản trở việc thay nước). Điều này rất
quan trọng với các hồ cá lớn vì quá trình xả nước và làm đầy rất mất thời gian. Nếu
bạn cũng gỡ cả bộ định thời, nhớ điều chỉnh lại cho chính xác sau khi thay nước, nếu
không bạn có thể thấy đèn hồ cá tự động bật sáng vào lúc nửa đêm.
Khi mực nước xuống gần đến mức yêu cầu, bạn nên bắt đầu quá trình làm đầy. Hình
bên cho thấy hồ 45 lít được lấy đi 80% nước (vào mỗi hai tuần). Nước thải được dùng
để tưới vườn cây. Thật lý tưởng nếu thay nước có cùng nhiệt độ với nước cũ. Tuy
nhiên, trong một số trường hợp điều này không thể đạt được (chẳng hạn khi làm đầy
hồ 1300 lít bằng 500 lít nước mới). Trong trường hợp này, nên thêm nước vào theo
từng phần (tôi dùng mỗi lần 200 lít) và để đầu nhiệt làm nước nóng lên 1-2 độ trước
khi tiếp tục. Nên nhớ trong những tháng mùa đông, bạn có thể cho cá ăn và thay nước
ít đi để không làm thay đổi nhiệt độ hồ nhiều hơn 2-3 độ. Tôi đảm bảo rằng cá của
bạn có thể chịu đựng được điều kiện này.
Còn bây giờ, nhớ thêm vào muối và các chất hoá học khác. Tốt nhất nên làm việc
này ngay khi nước mới được thêm vào – không nên chần chờ. Tôi thêm vào muối
và chất khử nước máy ngay khi đang làm đầy hồ, còn các chất khác thì để sau. Ở hình
bên, tôi thêm vào chất Clear Ease (thương hiệu chất khử nước máy của hãng Mydor)
để làm kết tủa (aggregate) các chất hoà tan và làm trong nước. Chú ý: những chất này
làm giảm độ pH của nước hồ một cách nhanh chóng (độ pH giảm từ 8.3 xuống còn
7.8 trong vòng một phút). Nên sử dụng ống tiêm (chỉ dùng loại ống tròn, bỏ đi kim
tiêm). Có hai lợi điểm khi sử dụng chúng: độ chính xác cao (chẳng hạn đến từng đơn
vị 1-10 ml) và tay bạn có thể tránh tiếp xúc trực tiếp với chất hoá học. Trong hầu hết
các trường hợp, bơm chất hoá học vào hồ một cách chậm rãi (hoặc bỏ ngay một lần
nếu khối lượng nhỏ) bên cạnh đầu ra của máy lọc để làm chúng hoà tan (dilution)
nhanh chóng. Chú ý: chất hoá học thêm vào với khối lượng nhỏ (khoảng 1 ml trên
gallon hay ít hơn) sẽ không giữ được nồng độ lâu. Bạn không gặp khó khăn gì khi làm
theo các bước đơn giản và dễ dàng trên, nhưng chúng lại vô cùng có ý nghĩa đối với
cá của bạn.
Bỏ thêm than hoạt tính hàng tháng. Mỗi tháng, tôi thêm khoảng 80 gram than siêu
hoạt tính (super activated charcoal) vào hồ 1300 lít (hay 120 gram than hoạt tính
thường). Khi bịch ni lông (có thể chứa đến 560 gram) bị đầy, tôi vứt nó đi và xài bịch
mới. Khi bạn mới thêm than vào, có một thay đổi nhỏ khi nước trở nên vàng đi rồi sau
đó trở lại bình thường. Đặt bịch than vào nơi thích hợp (thường ở lớp cuối của máng
lọc). Tôi thích đặt nó vào kế phần lọc sinh học. Mặc dù điều này đi khá xa chủ đề
chính, tôi khuyên các bạn nên sắp xếp máng lọc theo thứ tự này: sơ lọc cơ học (bông
lọc) > tinh lọc cơ học (chất liệu lọc thông thường) > lọc sinh học (các phần tử
mao dẫn) > lọc hoá học (than).
Vâng, tất cả chỉ có vậy thôi. Dĩ nhiên, có nhiều việc mà bạn phải làm và lúc này bạn
sẽ cảm thấy mệt mỏi. Tôi biết mà. Tôi phải làm 2-3 tuần một lần. Đó là giá phải trả
khi bạn thích nuôi các sinh vật đẹp đẽ. Dù vậy, có vài cách để làm công việc này trở
nên thú vị. Vâng, có đấy. Đây là lúc thích hợp nhất để chơi với cá cảnh của bạn.
Chọc ghẹo chúng, cảm nhận làn da và vây của chúng, để chúng cắn bạn (ngón tay tôi
thay vì thức ăn!!), cho phép chúng lại gần tay bạn, để chúng thể hiện rằng chúng biết
và tin tưởng bạn. Hãy nhìn mấy con Nimbochromis polystigma trong hình thì biết.
Sau khi thay nước, chúng luôn đến đùa giỡn với bàn tay của tôi. Bạn có tin hay không
thì tuỳ, “cuộc chơi” này có thể kéo dài bao lâu tuỳ thích. Ai mà biết? Có lẽ đây là
cách để chúng nói lời “Cảm ơn”.