Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Tài liệu Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (332.57 KB, 12 trang )

Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp



Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch. Một người được
gọi là bị tăng huyết áp (THA)khi có huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng
140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.
Đa số người bị THA đều không tìm thấy căn nguyên, vì vậy gọi là THA
nguyên phát. Ở những người này thường thấy có một số yếu tố làm cho dễ bị bệnh
hơn người không có các yếu tố đó - được gọi là các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố
nguy cơ của bệnh THA thường gặp là: ăn mặn, béo phì, ít vận động, có nhiều căng
thẳng trong cuộc sống, trong gia đình có người bị THA, tuổi cao. Những người bị
tiểu đường, rối loạn mỡ máu thì cũng rất dễ có bệnh THA đi kèm.
Chỉ có khoảng 10% các trường hợp là tìm được nguyên nhân gây THA.
THA có nguyên nhân hay gặp ở tuổi trẻ (dưới 30 tuổi). Một số nguyên nhân dẫn
đến THA là bệnh thận cấp hoặc mạn tính, bị hẹp động mạch thận, hẹp eo động
mạch chủ, bệnh hẹp tắc mạch nhiều nơi (còn gọi là bệnh Takayasu), do nhiễm độc
thai nghén, có khối u tuyến thượng thận, bệnh của tuyến giáp, tuyến yên, do dùng
một số thuốc có chứa corticoid, thuốc tránh thai, cam thảo
THA được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì phần lớn những người bị
THA đều không thấy có khó chịu gì, một số ít có thể thấy đau đầu, nóng bừng
mắt. Nếu không được đo huyết áp định kỳ thì người bị THA chỉ được phát hiện
khi có các biến chứng nặng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tổn
thương đáy mắt gây giảm thị lực hay đã có biểu hiện suy tim
Vậy làm thế nào để biết mình bị THA?
Chỉ có một cách duy nhất, đơn giản và dễ thực hiện để biết có bị THA hay
không là đo huyết áp định kỳ. Đo huyết áp cần được thực hiện mỗi năm một lần
với người dưới 40 tuổi, còn những người từ 40 tuổi trở lên thì cần được đo huyết
áp 6 tháng/lần. Mỗi người cần biết rõ số đo huyết áp như số tuổi của mình.
Đo huyết áp có thể được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám hoặc tại nhà.
Máy đo huyết áp có thể là loại máy đo cột thủy ngân, máy đo loại đồng hồ hay


máy đo tự động. Tuy nhiên cần sử dụng loại băng đo huyết áp cuốn ở cánh tay.
Nếu đo tại nhà cần thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ và hướng dẫn của nhà sản
xuất máy và cần phải biết cách đo huyết áp đúng.
Đo huyết áp thế nào là đúng?
Để đo được con số huyết áp chính xác, cần tuân thủ một số điểm như sau:
- Ngồi nghỉ trước khi đo, ít nhất 5-10 phút, trong phòng yên tĩnh.
- Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc) trước khi đo 2 giờ.
- Tư thế đo: ngồi tựa vào lưng ghế, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu
ngang mức với tim. Có thể đo thêm ở tư thế nằm. Đối với người cao tuổi hoặc có
bệnh đái tháo đường, nên đo thêm tư thế đứng nhằm xác định có “hạ huyết áp tư
thế” hay không.
Sử dụng huyết áp kế với bao hơi có bề dài bằng 80%; bề rộng bằng 40%
chu vi cánh tay. Quấn băng đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm.
Đặt máy ở vị trí thích hợp sao cho máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với
tim.
Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau 1-2 phút. Nếu số đo
huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại lần 3 sau khi đã nghỉ
trên 5 phút. Lần đo huyết áp đầu tiên, nên đo huyết áp ở cả hai tay.
Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết
áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.
Trường hợp nghi ngờ, có thể tới các phòng khám chuyên khoa để được theo
dõi huyết áp liên tục bằng máy đo tự động trong 24 giờ (Holter huyết áp).
Thế nào là tăng huyết áp?
Chẩn đoán xác định THA dựa vào con số huyết áp đo được sau khi đo
huyết áp “đúng”.
Ngưỡng chẩn đoán THA thay đổi tùy theo từng cách đo huyết áp:
- Đo tại phòng khám hoặc bệnh viện, sau khi đo 2 - 3 lần, mỗi lần đo ít nhất
2 lượt, nếu huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm
trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg thì khẳng định là bị THA.
- Đo tại nhà: tự đo nhiều lần mà huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 135

mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 85 mmHg thì cũng xác
định là bị THA.
- Nếu đo bằng máy đo HA Holter 24 giờ thì xác định là bị THA khi huyết
áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 125 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn
hoặc bằng 80 mmHg.
Phân độ THA
THA được phân thành các mức độ từ nhẹ đến nặng dựa vào con số huyết áp
đo tại phòng khám (bảng 1).

Điều trị THA
1. Nguyên tắc chung:
THA là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ một cách
liên tục (lâu dài, suốt đời).
THA bản thân nó lại là một yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của các bệnh
tim mạch như bệnh động mạch vành tim, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch máu não,
bệnh động mạch ngoại biên, phình tách động mạch chủ nên điều trị THA là rất
quan trọng - Mục tiêu điều trị là nhằm giảm tối đa nguy cơ tim mạch trước mắt
cũng như lâu dài, ngăn ngừa tiến triển của THA, phòng ngừa các biến chứng và tử
vong do nguyên nhân tim mạch, kéo dài tuổi thọ và chất lượng sống
- Huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu
người bệnh vẫn dung nạp được. Khi người bệnh bị THA lại có kèm đái tháo
đường hoặc có nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao hoặc đã có biến chứng như
TBMMN, NMCT, suy tim, bệnh thận mạn tính thì huyết áp mục tiêu cần đạt là
dưới 130/80 mmHg.
- Khi điều trị đã đạt được Huyết áp mục tiêu thì cần tiếp tục duy trì phác đồ
điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời.
- Điều trị cần hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích
(các cơ quan đích quan trọng là: Tim, thận, mắt, não). Không nên hạ huyết áp quá
nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích trừ tình huống cấp cứu.
- Căn cứ theo từng bệnh cảnh và cơ địa bệnh nhân cụ thể, người thầy thuốc

sẽ đưa ra phương thức điều trị hợp lý nhất cho người bệnh.
2. Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống:
Đây là các biện pháp không thể thiếu mà mọi bệnh nhân cần phải thực hiện
để đạt được huyết áp mục tiêu và giảm số thuốc cần dùng. Các biện pháp đó là:
- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng: Ăn nhạt: Dưới
100 mmol natri/ngày; Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; Hạn chế thức ăn có
nhiều cholesterol và acid béo no.
- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số
khối cơ thể (BMI) từ 18,5 - 23kg/m2.
- Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
- Hạn chế uống rượu, bia: Dưới 3 cốc/ngày với nam và 2 cốc/ngày với nữ,
tổng cộng dưới 14 cốc/tuần (nam) và 9 cốc/tuần (nữ) (cốc tiêu chuẩn tương đương
với 360ml bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh ).
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, chạy bộ hoặc
vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
3. Điều trị THA bằng thuốc:
Có rất nhiều loại thuốc khác nhau có tác dụng điều trị giúp hạ huyết áp, bảo
vệ các cơ quan đích. Tuy nhiên có thể xếp thành 7 nhóm chính là: Nhóm các thuốc
lợi tiểu, nhóm chẹn kênh canxi, nhóm chẹn beta giao cảm, nhóm chẹn alpha giao
cảm, nhóm ức chế men chuyển, nhóm chẹn thụ thể angiotensin, nhóm tác động
thần kinh trung ương. Mỗi thuốc này có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp
với từng đối tượng người bệnh khác nhau (xem bảng 2).

- Chọn thuốc khởi đầu: tùy theo từng người bệnh, căn cứ vào con số huyết
áp, bệnh cảnh (các yếu tố nguy cơ, bệnh lý kèm theo) và cơ địa cụ thể của bệnh
nhân mà người thầy thuốc sẽ đưa ra phương thức điều trị hợp lý nhất.
THA độ 1: Có thể lựa chọn: lợi tiểu nhóm thiazide liều thấp hoặc ức chế

men chuyển hoặc chẹn kênh canxi loại tác dụng kéo dài hoặc chẹn beta giao cảm
(nếu không có chống chỉ định);
THA độ >1: thường phải phối hợp 2 loại thuốc (lợi tiểu phối hợp với chẹn
kênh canxi hoặc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin; chẹn kênh
canxi phối hợp với chẹn bêta giao cảm; chẹn kênh canxi phối hợp ức chế men
chuyển hoặc ức chế thụ thể ), nên khởi đầu với liều thấp.
- Nếu chưa đạt huyết áp mục tiêu: chỉnh liều tối ưu hoặc bổ sung thêm một
loại thuốc khác cho đến khi đạt huyết áp mục tiêu.
- Việc điều trị thường là ngoại trú tại các phòng khám. Một số trường hợp
cần đến các cơ sở chuyên khoa sâu về tim mạch là:
THA tiến triển: THA nặng (HA lớn hơn hoặc bằng 220/120 mmHg), THA
đe dọa có biến chứng (như TBMMN thoáng qua, suy tim ) hoặc khi các biến cố
tim mạch mới xuất hiện;
Nghi ngờ THA thứ phát hoặc THA ở người trẻ;
THA kháng trị mặc dù đã dùng nhiều loại thuốc phối hợp (lớn hơn hoặc
bằng 3 thuốc, trong đó ít nhất có 1 thuốc lợi tiểu) hoặc không thể dung nạp với các
thuốc hạ áp hoặc có quá nhiều bệnh nặng phối hợp;
Một số thể THA đặc biệt như THA ở phụ nữ có thai
4. Theo dõi và đánh giá kết quả điều trị:
Điều trị đạt kết quả tốt là khi đạt được huyết áp mục tiêu và ngăn ngừa
được các biến chứng tim mạch cũng như tổn thương cơ quan đích (đột quỵ, thiếu
máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, phì đại thất trái, suy tim, nhồi máu cơ tim, cơn
đau thắt ngực, bệnh mạch máu ngoại vi, xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù
gai thị, suy thận ).
Vì vậy ngoài việc theo dõi thường xuyên con số huyết áp, người bệnh cần
được định kỳ kiểm tra một số xét nghiệm như: Phân tích nước tiểu (albumin niệu
và soi vi thể); xét nghiệm sinh hóa máu (đường máu khi đói; thành phần lipid
máu: cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C, triglycerid; điện giải máu - đặc biệt
là kali; acid uric máu; creatinine máu), xét nghiệm về huyết học (hemoglobin và
hematocrit; điện tâm đồ, siêu âm doppller tim, siêu âm Doppler mạch cảnh nhằm

đánh giá tổng thể và chi tiết hơn với các mục tiêu là:
- Phát hiện tổn thương cơ quan đích.
- Loại trừ các nguyên nhân gây THA thứ phát.
- Đánh giá các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Trên cơ sở đó, điều chỉnh
chiến lược điều trị và huyết áp mục tiêu.
- Tối ưu phác đồ điều trị THA: dựa vào các chỉ định bắt buộc hoặc ưu tiên
của từng nhóm thuốc hạ áp trong các thể bệnh cụ thể. Phối hợp nhiều thuốc để
tăng khả năng kiểm soát huyết áp, giảm tác dụng phụ và tăng việc tuân thủ điều trị
của người bệnh.
Điều trị các bệnh phối hợp và điều trị dự phòng (tiên phát và thứ phát) ở
nhóm có nguy cơ tim mạch cao hoặc rất cao.
PHÒNG BỆNH THA
Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống cũng chính là những biện pháp để
phòng THA ở người trưởng thành.
Nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh THA, biến chứng của THA và các
yếu tố nguy cơ tim mạch khác sẽ giúp mỗi chúng ta phòng chống và điều trị
thành công THA.
TS.BS. Nguyễn Thị Bạch Yến
(Viện Tim mạch Việt Nam)
Dự án Quốc gia phòng chống bệnh tăng huyết áp
- Viện Tim mạch Việt Nam

×