SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Phương pháp dạy học dựa trên dự án
Đặt vấn đề
Đổi mới phương pháp dạy học là điều không thể thiếu để giúp
cho việc dạy và học đạt kết quả tốt hơn. Đổi mới phương pháp dạy học sao
cho phù hợp với sự phát triển chung của giáo dục thế giới cũng như sự phát
triển của công nghệ hiện đại lại là một vấn đề cần được quan tâm hơn. Đã
nhiều năm nay, chúng ta cũng đã nhiều lần thay đổi và áp dụng nhiều phương
pháp dạy học khác nhau. Tất cả các phương pháp đó đều cho ta những kết
quả khả quan, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh và phù hợp với sự
phát triển giáo dục đương thời.
Thưa các bạn, là giáo viên, các bạn là những người đặt nền móng
xây dựng các thế hệ cho tương lai. Các bạn không thể không nghĩ đến cơ hội
và thách thức đang chờ đón học sinh của chúng ta ở phía trước. Hơn ai hết,
các bạn biết rõ rằng tương lai với những cơ hội đang rộng mở hơn nhưng
đồng thời cũng đòi hỏi học sinh của chúng ta có kiến thức sâu hơn, rộng hơn.
Ví dụ điển hình là ngày nay 60% công việc đòi hỏi kiến thức cơ
bản về máy tính và con số này sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên việc đào tạo thế
hệ trẻ cho tương lai không chỉ dừng lại ở vấn đề chuẩn bị cho họ sẵn sàng với
công việc mà học sinh của chúng ta cần phải có kĩ năng sống bởi công nghệ
đang không ngừng đan xen vào cuộc sống hàng ngày.
Nhận thức được sự cần thiết này, các giáo viên trong nước và trên
thế giới đã và đang đưa công nghệ tiên tiến vào trường học. Hơn nữa, việc
học của các em không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức về lí thuyết mà
còn hướng tới giúp các em áp dụng những kiến thức đã học vào thực hành
trong cuộc sống. Trên cơ sở đó, bằng những kinh nghiệm, bằng những kết
quả thực tế qua những tiết dạy của mình, tôi muốn đưa ra một phương pháp
dạy học mới: Phương pháp dạy học dựa trên dự án. Đây là phương pháp
dạy học kết hợp có hiệu quả việc sử dụng máy tính với các chương trình dạy
học hiện có, giúp các GV phát huy khả năng sáng tạo của mình và phát triển
trí tưởng tượng của HS ra ngoài phạm vi học đường, học tập kết hợp với thực
hành. Cuối cùng là dẫn dắt các em tới một phương pháp học có hiệu quả hơn.
Mục tiêu phương pháp
dạy học dựa trên dự án
1. Sử dụng có hiệu quả công nghệ ( cả giáo viên và học sinh cùng
sử dụng ) vào trong giờ học.
2. Tập trung vào các phương pháp giúp giáo viên và học sinh nâng
cao chất lượng học tập thông qua nghiên cứu, trao đổi và sử dụng các
công cụ, phương tiện nâng cao hiệu suất làm việc.
3. Nhấn mạnh vào phương pháp học thông qua thực hành,
phương pháp tạo ra các bài giảng và các công cụ đánh giá phù hợp với
chuẩn giáo dục quốc gia.
4. Tăng cơ hội cho học sinh tham gia vào bài học thông qua việc
tiếp cận với công nghệ, học tập theo nhóm.
5. Thúc đẩy các giáo viên làm việc theo nhóm ( các bạn cần phải
kết hợp với giáo viên tin học hoặc giáo viên chuyên biệt của trường để
thực hiện dự án) , giải quyết vấn đề và kiểm tra chéo lẫn nhau trong khi
thực hành thiết kế bài dạy.
Tác dụng của phương pháp
dạy học dựa trên dự án
1. Cập nhật được các thông tin mới nhất:
Nhiều người đã nói, chỉ cần cho tôi một chiếc máy tính, tôi có thể
biết được tất cả mọi thông tin cần thiết. Chính vì thế, khi học sinh sử dụng
CNTT để làm bài tập thì cập nhật được các thông tin mới nhất, tìm hiểu được
nhiều thông tin đa chiều thông qua internet, thấy được nhiều hình ảnh trực
quan sinh động, đẹp mắt và có tính thực tế, cập nhật, từ đó có thể hiểu một
cách sâu sắc bài học và đặc biệt là những kiến thức thu được không xa rời
hiện thực. Lúc đó, giáo viên không phải cung cấp thông tin mà chỉ là người
hướng dẫn các em tìm kiếm thông tin, lắng nghe, chắt lọc, chốt lại và hướng
các em tới kiến thức mà các em cần nắm được.
Ví dụ dự án An toàn giao thông: các số liệu về các vụ tại nạn giao
thông, các nguyên nhân gây ra tai nạn, các hình ảnh về các vụ tai nạn, các
phương tiện tham gia giao thông…mà học sinh lấy từ mạng internet xuống
đều rất mới.
2. Học sinh tiếp thu kiến thức mới một cách tự nhiên nhất, đơn
giản nhất và cũng khó quên nhất.
Trong quá trình tự tìm tòi, lựa chọn các thông tin để làm bài tập, HS
sẽ nhớ lâu kiến thức và làm chủ kiến thức, phát huy được khả năng sáng tạo,
trí tưởng tượng và thể hiện được cả những mơ ước, hoài bão hay những ý
tưởng độc đáo của mình, đem những điều đó áp dụng vào phục vụ cuộc sống.
Ví dụ dự án An toàn giao thông: Khi tìm các tư liệu trên mạng để
làm bài tập trình chiếu PP, học sinh phải đọc, xem, lựa chọn thông tin, hình
ảnh nên rất nhớ. Trong phần trình bày của mình, các em còn nói lên được rất
nhiều biện pháp giữ ATGT rất hay, rất lí thú và những mơ ước của các em về
một thế giới không có tai nạn giao thông cũng rất xúc động. Các bạn sẽ thấy
rõ điều đó trong các slide do các em làm ở các trang sau.
3. Một bài học có thể dạy trong nhiều năm mà không bao giờ bị cũ
bởi nó có tính cập nhật do CNTT đưa lại.
Mỗi một năm các thông tin, hình ảnh, số liệu và tình hình thực tế,…
lại thay đổi. Chính vì vậy, khi sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và
học tập, giáo viên và học sinh sẽ luôn tìm ra được những kiến thức phù hợp
với thực tiễn, không lạc hậu so với thời đại.
4. Thúc đẩy việc học đi đôi với hành.
Việc dạy học dựa trên dự án là ta đã tạo cơ hội cho các em được áp
dụng những kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Những kiến thức học
được không phải chỉ để biết thế rồi để đấy mà ngay sau khi học xong, các em
có thể triển khai thành dự án, thực hành đưa vào phục vụ cuộc sống, mở rộng
thêm kiến thức thông qua thực hành. Các em được tập làm người lớn, được
đem những kiến thức học được truyền bá cho những người xung quanh hiểu
và cùng thực hiện hoặc áp dụng làm ngay những sản phẩm phục vụ cho đời
sống bằng những gì mình học được.
Ví dụ dự án An toàn giao thông: sau khi học về ATGT, các em được
đóng vai là những tuyên truyền viên của uỷ ban ATGT quốc gia tư vấn cho
các bạn học sinh hiểu về tác hại của việc không tham gia giao thông an toàn,
nêu các nguyên nhân gây ra tại nạn giao thông và đề ra biện pháp phòng
tránh tai nạn giao thông. Khi đó các em đã tự mình làm chủ kiến thức.
5. Các giáo viên có cơ hội làm việc theo nhóm.
Các giáo viên phải trao đổi, bàn bạc, hỗ trợ nhau cùng nhau thực
hiện dự án. Từ đó, mọi người thêm hiểu nhau, bổ xung kiến thức cho nhau,
luôn phải nâng cao trình độ chuyên môn, tăng tính tập thể đoàn kết khi làm
việc cùng nhau vì một người không thể làm nên một dự án.
6. Học sinh được củng cố phương pháp học tập theo nhóm.
Các nhóm có thể được sắp xếp theo nhiều tiêu chí. Ví dụ giáo viên
có thể sắp xếp các nhóm theo trình độ nhận thức và giao nhiệm vụ phù hợp
với trình độ của nhóm đó. Hoặc sắp xếp các em có những khả năng sở trường
khác nhau vào một nhóm để các em có thể hỗ trợ cho nhau hoàn thành nhiệm
vụ. Cũng có thể xếp các em khá giỏi với những em tiếp thu còn kém để các
em giúp đỡ nhau vì ‘Học thầy không tầy học bạn”…Tăng cường tính đoàn
kết, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau, biết phân công công việc, cộng tác khi học
tập.
7.Rèn khả năng thuyết trình trước đám đông.
Khi tuyên truyền những kiến thức mình học được cho các bạn và
những người xung quanh hiểu, bản thân các em sẽ rất vững vàng về kiến thức
và ngôn ngữ nói của các em cũng được rèn luyện.
Cách thực hiện phương pháp
dạy học dựa trên dự án
Trước hết, bạn phải chuẩn bị một bộ hồ sơ bài dạy gồm có:
1. Kế hoạch bài dạy với các mục tiêu học tập của học sinh
đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của chương trình do Bộ
giáo dục và đào tạo quy định.
2. Các bài trình bày đa phương tiện( PP ) của học sinh. Phần
này, các bạn nên kết hợp với giáo viên tin học để giúp các em thực
hiện.
3. Các công cụ đánh giá cho bài trình bày đa phương tiện
của học sinh.
4. Bài trình bày, bài báo, tờ giới thiệu, hoặc trang web,…của
giáo viên hỗ trợ cho bài dạy của bạn.
5. Các tài liệu phát cho học sinh.
6. Các tài liệu của giáo viên.
Thực tế một dự án
Thưa các bạn, các cụ ta đã nói “ Trăm nghe không bằng một
thấy” , có lẽ những gì tôi nói về tác dụng của phương pháp này cũng sẽ chưa
đủ vì khi thực hiện nó các bạn sẽ thấy nhiều tác dụng khác của nó còn lớn
hơn, hay hơn. Sau đây, tôi xin đưa ra một dự án mà tôi cùng với 2 giáo viên
khác đã thực hiện trong năm học vừa qua.
Xuất phát từ mục tiêu của việc dạy học dựa trên dự án, trường
tiểu học Cát Linh chúng tôi mạnh dạn triển khai dự án đầu tiên trong năm học
có tên Giáo dục An toàn giao thông.
Các bạn ạ, giao thông là huyết mạch của cuộc sống. Nhưng trong
vài năm trở lại đây, mạch máu ấy thường xuyên bị tắc bởi những vụ tai nạn
giao thông. Theo thống kê, ở HN trong 4 tháng cuối năm 2005, đã có hơn
5400 vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố HN, trong đó có hơn 3000
ca tử vong tại chỗ và hơn 4300 người đã bị thương tích nặng sau tai nạn…Đó
là vấn đề nghiêm trọng mà xã hội đang rất quan tâm. Bộ GD đào tạo đã đưa
chương trình Giáo dục ATGT vào giảng dạy trong nhà trường, để hướng dẫn
HS tham gia ATGT đúng quy định, nhằm hạn chế một số vụ tai nạn giao
thông đang xảy ra.Dự án này được hình thành trên cơ sở các em học sinh đã
được học chương trình Giáo dục An toàn giao thông trong 3 tuần. Việc thực
hiện ATGT không phải chỉ tôi hay bạn hay 1 em học sinh ngồi đây thực hiện
là đủ, mà phải là tất cả chúng ta cùng thực hiện. Chính vì thế,sau khi đã học
toàn bộ nội dung chương trình, tôi đã giao cho các em bài tập “ Đóng vai là
thành viên của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, nêu lên thực trạng về
giao thông ở HN, nguyên nhân gây ra tai nạn và tư vấn cho mọi người 1 số
quy định về An toàn giao thông.”
Để thực hiện dự án này, tôi đã chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ bài
dạy. Mời các bạn tham khảo bộ hồ sơ bài dạy của tôi:
Các bài trình diễn PP
của học sinh tự làm
Sau khi được sự giúp đỡ của đồng chí giáo viên tin học, 4 nhóm
học sinh lớp 5G đã có buổi thuyết trình trước học sinh toàn trường để tuyên
truyền, tư vấn về việc thực hiên An toàn giao thông dựa trên các bài trình
diễn PP mà các nhóm đã tự làm.
Mời các bạn hãy xem những slide do 4 nhóm học sinh lớp
5G thực hiện:
Nhóm 1
Nhóm 2
Nhóm 3
Nhóm 4
Kết quả
Sau nhiều năm đưa CNTT vào giảng dạy, tôi nhận thấy những
tiết học mà tôi sử dụng CNTT được học sinh hồ hởi đón nhận, các em rất
thích thú, say mê những tiết học đó. Đặc biệt ở năm nay, khi tôi áp dụng
đổi mới phương pháp dạy học dựa trên dự án, học sinh được đích thân sử
dụng công nghệ thông tin vào học tập và thực hành kiến thức, các em thực
sự ham thích, say mê, làm chủ kiến thức, làm chủ tương lai và thấy rằng
những điều mình được học quả là có ích trong cuộc sống chứ không phải
chỉ học để biết. Đặc biệt hơn nữa là chúng tôi còn được sự đón nhận và
ủng hộ, cổ vũ từ phía các vị phụ huynh khi họ nhận thấy con em mình có
thể làm được những điều mà họ nghĩ rằng phải rất lâu nữa mới làm được.
Với những hình ảnh minh hoạ sinh động, với những thông tin mới nhất mà
các em tự tìm tòi, các em dễ dàng hiểu bài hơn, nhớ bài lâu hơn. Khi các
em đã thích, đã hứng thú, đã tự mình tìm tòi kiến thức thì việc tiếp thu
kiến thức cũng trở nên chủ động hơn, tích cực hơn. Qua khảo sát, tôi nhận
thấy những dự án mà học sinh được sử dụng CNTT làm bài tập, học sinh
tiếp thu bài nhanh, hiểu kĩ bài và đặc biệt, các em có ấn tượng mạnh và
nhớ rất lâu bài học đó. Ngoài ra, với phương pháp học này, các em còn
được rèn luyện sự tự tin khi đứng trước công chúng, khi bảo vệ ý kiến của
mình, và khi tư vấn cho các bạn cùng lứa hiểu rõ vấn đề. Hơn nữa, các em
còn trở nên đoàn kết hơn, biết cách phối hợp làm việc theo nhóm một cách
hiệu quả.
Ví dụ: Sau khi học chương trình An toàn giao thông và làm dự
án, học sinh của 4 nhóm tham gia dự án cũng như học sinh toàn trường
được tư vấn đã hiểu được các nguyên nhân khác nhau gây ra tai nạn giao
thông ( Do điều kiện đường xá, do phương tiện giao thông, do những hành
vi không an toàn của con người); Nhận xét, đánh giá các hành vi an toàn
và không an toàn của người tham gia giao thông; Đề ra phương án phòng
tránh tai nạn giao thông ở cổng trường hay ở các điểm xảy ra tai nạn, từ
đó tuyên truyền,tư vấn cho những học sinh khác cùng hiểu và thực hiện
ATGT. Đặc biệt, các em học sinh lớp 5G đã hoàn toàn làm chủ kiến thức,
tự tin đem những điều hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Các
em rất hào hứng, sôi nổi và rất tự hào khi kiến thức mình được học lại có
thể đem thực hành được ngay.
Bài học kinh nghiệm
Trong quá trình dạy học dựa trên dự án nhằm giúp học sinh
hứng thú và say mê học tập, phát huy được trí lực cho học sinh, tôi rút ra
được những kinh nghiệm sau:
- Bản thân giáo viên phải say mê CNTT, tìm hiểu kiến thức, áp
dụng kiến thức vào cuộc sống và truyền sự say mê đó cho học sinh.
- Để có một tiết dạy hay, hấp dẫn, phát huy được hết trí lực của
học sinh thì giáo viên phải chuẩn bị kĩ bài, tìm các tư liệu phục vụ cho
bài dạy nhằm mở rộng kiến thức cho học sinh. Hướng dẫn học sinh đi
tìm những kiến thức sẵn có trên internet để tìm ra kiến thức mới một
cách nhẹ nhàng, không áp đặt
- Luôn động viên học sinh, đặt niềm tin vào học sinh, tôn trọng ý
kiến của học sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu để các em tự tin
phát huy khả năng tư duy của mình.
- Quan tâm đến học sinh có tư duy chậm, ra các bài tập, đặt các
câu hỏi phù hợp để các em không thấy chán, khuyến khích các em phát
biểu khi thảo luận, trao đổi nhóm. Xếp các em kém vào cùng nhóm với
các em khá, xếp các em có các khả năng khác nhau vào cùng nhóm để
có thể hỗ trợ cho nhau.
- Mỗi dự án phải tạo cho các em niềm vui, say mê học tập và háo
hức học các dự án tiếp theo.
Mục lục:
1. Đặt vấn đề.
2. Mục tiêu của phương pháp Dạy học dựa trên dự án.
3. Tác dụng của phương pháp dạy học dựa trên dự án.
4. Cách thực hiện phương pháp dạy học dựa trên dự án.
5. Thực tế một dự án.
6. Khung kế hoạch bài dạy tham khảo.
7. Tiêu chí đánh giá bài trình chiếu của học sinh.
8. Hướng dẫn đánh giá bài trình diễn đa phương tiện của
học sinh.
9. Tư liệu tham khảo phục vụ bài dạy.
10.Tài liệu tham khảo về luật giao thông đường bộ.
11.Các bài trình diễn PP của học sinh
12.Kết quả.
13.Bài học kinh nghiệm.