Dinh dưỡng cho trẻ bị viêm loét
dạ dày - tá tràng
Dạ dày là cơ quan tiêu hóa. Khi thức ăn vào dạ dày sẽ kích thích bài tiết
dịch vị do cơ chế thần kinh và hormon. Dạ dày co bóp để nghiền và nhào trộn thức
ăn với dịch vị và vận chuyển thức ăn xuống ruột. Dịch vị dạ dày chủ yếu là men
tiêu hóa pepsin, HCL và các chất nhầy. Chất nhầy có tính kiềm, bao phủ niêm mạc
dạ dày. Khi bài tiết chất nhầy giảm dễ gây viêm loét dạ dày.
Viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em thường do nhiễm vi khuẩn Helicobacter
Pylori (HP). Đường lây truyền phổ biến là đường miệng - miệng và đường phân-
miệng qua người và ruồi nhặng.
Bệnh hay gặp ở trẻ lớn. Các triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau bụng, đau
vùng thượng vị, đau từng cơn, đau liên quan đến bữa ăn, nôn, buồn nôn, ợ chua,
đầy bụng, chán ăn và có thể nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Nội soi tiêu hóa và mô
bệnh học cho thấy tổn thương niêm mạc dạ dày. Thuốc điều trị là kháng sinh để
diệt trừ vi khuẩn HP phối hợp với các thuốc trung hòa acid hoặc ức chế tăng tiết
acid dịch vị.
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị, phục hồi sức khỏe cho
bệnh nhân. Chế độ ăn nhằm mục đích:
- Bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Giảm tiết acid dịch vị.
- Nương nhẹ chức năng dạ dày ruột.
- Đề phòng thiếu dinh dưỡng.
Nguyên tắc ăn uống
Khẩu phần có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để trẻ bắt kịp đà tăng
trưởng.
Sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và chống
tăng tiết acid dịch vị.
- Thức ăn giảm tiết acid dịch vị: mật ong, đường, bánh quy, dầu thực vật
- Thức ăn trung hòa acid dịch vị: sữa, trứng.
- Thức ăn bọc hút niêm mạc dạ dày, ít mùi vị: gạo nếp, bột sắn, khoai, bánh
mỳ.
- Ít xơ sợi: rau củ non.
- Đồ uống: nước chín, nước chè loãng.
- Chế biến thức ăn nên hấp luộc, nấu chín hầm nhừ, nghiền nát hoặc xay
nhuyễn để giảm kích thích tiết dịch vị và được vận chuyển nhanh qua dạ dày.
Hạn chế hoặc không sử dụng thức ăn, nước uống gây kích thích niêm mạc
dạ dày.
- Các loại nước sốt, nước luộc thịt, dăm bông, lạp xường, xúc xích.
- Thức ăn cứng dai, nhiều xơ sợi: Thịt có gân, sụn, rau sống, rau quả nhiều
chất xơ.
- Thức ăn chua, dưa cà, hành muối, hoa quả chua.
- Gia vị, dấm ớt, tỏi, hạt tiêu.
- Rượu, chè, cà phê đặc.
Cách ăn uống để tránh kích thích niêm mạc dạ dày.
- Chia thức ăn làm nhiều bữa trong ngày để nương nhẹ chức năng tiêu hóa
của dạ dày.
- Ăn điều độ, không để trẻ quá đói hoặc ăn quá no.
- Không ăn thức ăn quay, rán.
- Thức ăn không quá nóng hoặc quá lạnh vì làm cho dạ dày co bóp mạnh.
Nhiệt độ thức ăn, nước uống thích hợp là 40o-50oC.
Chế độ ăn hợp lý
- Nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi.
- Số bữa ăn 5-6 lần/ngày.
Mẫu thực đơn
Chế độ cháo súp
Sáng: Cháo đậu xanh: 1 bát to (gạo 50g + đậu xanh 20g + đường 10g).
Trưa: Súp khoai thịt: 1 bát to (khoai tây 100g + su hào 50g + thịt gà 50g +
dầu 5g).
Giữa trưa: Sữa đậu nành: 200ml (sữa 200ml + đường 10g); bánh quy 50g.
Chiều: Cháo trứng: 1 bát to (gạo 50g + trứng gà 1 quả + dầu 10g).
Tối: Chè bột sắn: 200ml (bột sắn 20g + đường 10g).
Giá trị dinh dưỡng của thực đơn: Năng lượng: 1.240 kcal, protid: 41g, lipid:
32g, glucid: 197g.
Chế độ cơm
Sáng: Cơm nếp đậu chấm vừng (gạo nếp 50g + đậu xanh 20g + vừng 10g).
Trưa: Cơm nát: 2 lưng bát (gạo tẻ: 100g), trứng gà luộc: 1 quả; canh khoai
tây thịt (khoai tây 80g + thịt gà 25g); hoa quả 100g.
Giữa trưa: Sữa đậu nành: 200ml, (sữa 200ml, đường 10g); bánh quy 50g.
Chiều tối: Cơm nát: 2 lưng bát (gạo tẻ 100g); đậu phụ om (đậu phụ 100g +
dầu 10g); canh bí thịt (bí xanh 100g + thịt lợn nạc 25g + dầu 5g); hoa quả 100g.
Giá trị dinh dưỡng: Năng lượng 1.800kcal, protid 60g, lipit: 45g, glucid
290g.