Khi các nhà đầu tư không chuyên tham gia thị
trường chứng khoán
Nguyễn Minh Phong
(Cập nhật: 26/2/2007)
Hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam vào
những tháng cuối năm 2006 trở nên đặc biệt sôi động với
nhiều nét mới. Trước sự “bùng nổ” các nhà đầu tư không
chuyên nghiệp nhập cuộc “chơi chứng khoán”, có nhiều
vấn đề đặt ra cần quan tâm, xử lý kịp thời để thị trường
chứng khoán hoạt động hiệu quả và bền vững.
Trong thời gian gần đây, ở nước ta, nhất là Thành phố Hồ Chí
Minh và Hà Nội đang rộ lên phong trào “nhà nhà chơi chứng
khoán, người người chơi chứng khoán”, mà theo cách nói tắt,
đượm chút hóm hỉnh của người dân là “đi buôn chứng”…Mặc dù
vậy, nếu xét trên tổng dân số khoảng 82 triệu người, cũng như
so với số lượng trên dưới 500.000 các doanh nghiệp, tổ chức
kinh tế đang hoạt động trên cả nước, thì số lượng trên dưới
100.000 các nhà đầu tư chứng khoán hiện tại ở Việt Nam còn ở
mức khiêm tốn cả về so sánh tương đối lẫn tuyệt đối.
1. Sôi động thị trường chứng khoán
Hoạt động của thị trường chứng khoán vào những tháng cuối
năm 2006 đã bắt đầu trở nên sôi động. Có thể thấy một số điểm
mới như sau:
Thứ nhất, đã và đang có sự thành công bước đầu trong xây
dựng, duy trì vận hành và quảng bá hoạt động của thị trường
chứng khoán ở Việt Nam. Có thể nói, trên thực tế, từ vài tháng
cuối năm 2006, dường như đã có bước chuyển sang giai đoạn
mới trong việc phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam, với
sự hoàn thiện hơn về luật pháp (Luật Chứng khoán có hiệu lực
từ tháng 1-2007), với sự mở rộng tự do hóa kinh doanh, đa dạng
về cơ cấu hàng hóa chứng khoán, cũng như có sự đột biến về
quy mô, dung lượng thị trường. Số lượng các nhà đầu tư mới từ
trong nước và nước ngoài, bao gồm các nhà đầu tư chuyên
nghiệp và không chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức và
đầu tư cá nhân… ngày càng tăng.
Thứ hai, thị trường chứng khoán đang dần trở thành kênh dẫn
vốn mới cho các doanh nghiệp, cũng như đang tạo ra các cơ hội
đầu tư mới khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và nước
ngoài đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, từ đó tạo ra động lực mới
cho sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
Thứ ba, huy động được lượng vốn khá lớn còn tiềm tàng trong
dân và người dân Việt Nam có thêm kiến thức mới, đang dần
dần hình thành bản lĩnh, trong kinh doanh, sẵn sàng chấp nhận
rủi ro trong đầu tư vào lĩnh vực mới.
Nếu như từ năm 2005 trở về trước, các nhà đầu tư chứng khoán
ở Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tổ
chức hoặc những sinh viên, công chức đương nhiệm, cán bộ và
nhà kinh doanh có kiến thức, thông tin về thị trường chứng
khoán…, thì trong thời gian nửa cuối năm 2006 trở lại đây, cơ
cấu các nhà đầu tư tư nhân có sự thay đổi, mở rộng đáng kể.
Đội ngũ các nhà đầu tư chứng khoán bao gồm cả những người
buôn bán nhỏ, công chức về hưu, giáo viên, bộ đội, thậm chí cả
nông dân, trong đó có nhiều người chưa hề đọc hết một tài liệu
lý thuyết, một bản tin chứng khoán, hoặc tham gia một lớp bồi
dưỡng kiến thức thị trường chứng khoán ngắn hạn nào…
Hiện tượng gia tăng các nhà đầu tư tư nhân không chuyên hoặc
thiếu chuyên nghiệp như đã nêu trên là bình thường và tất yếu,
để dần hình thành một đội ngũ đông đảo hơn các nhà đầu tư
chuyên nghiệp. Sự gia tăng đó xuất phát từ chỗ: thị trường
chứng khóan của Việt Nam mới chính thức được thành lập và
hoạt động trong vài năm gần đây. Thị trường chứng khoán đang
còn là mới mẻ không chỉ với các nhà đầu tư, mà còn cả với bản
thân các nhà quản lý, cũng như các nhà tổ chức loại hình thị
trường này. Thêm vào đó, sự phát triển của thị trường chứng
khoán vừa đòi hỏi, vừa cho phép các nhà đầu tư tư nhân không
chuyên tham gia rộng rãi và thuận lợi vào hoạt động kinh doanh
chứng khoán, không phân biệt họ là ai, có vốn nhiều hay ít. Mức
độ tham gia rộng rãi của công chúng đầu tư chính là một trong
những thước đo sự thành công trong phát triển thị trường chứng
khoán của một nước. Sự nới lỏng việc tham gia của các nhà đầu
tư chuyên nghiệp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt
Nam đã, đang và sẽ càng kích thích các nhà đầu tư tư nhân
không chuyên nghiệp thêm động lực và chỗ dựa để nhập “cuộc
chơi” này, bởi họ có thể đầu tư kiểu “ăn theo”, bắt chước, hoặc
thông qua công ty tín thác do các nhà đầu tư chuyên nghiệp
nước ngoài quản lý.
2. Mấy vấn đề cần quan tâm
- Việc có nhiều nhà đầu tư mới tham gia kinh doanh chứng
khoán gần đây khiến người ta liên tưởng và nhận thấy đâu đó
một số biểu hiện mang tính phong trào và tâm lý đám đông, gần
giống như các “cơn sốt” buôn bán bất động sản cách đây không
lâu ở Việt Nam. Khi tỷ lệ các nhà đầu tư tư nhân thiếu chuyên
nghiệp đạt tới mức độ nào đó trong tổng giao dịch trên thị
trường chứng khoán sẽ có khả năng tạo ra những tiềm ẩn bất
ổn, thậm chí dẫn đến đổ vỡ trong hoạt động của thị trường
chứng khoán. Bởi lẽ, những phán đoán và phản ứng của họ
thường nặng về cảm tính và tâm lý đám đông, dựa trên các mục
tiêu kinh doanh ngắn hạn, thậm chí mang đậm tính đầu cơ. Chỉ
cần một tin đồn kiểu rỉ tai, hoặc trước một hoạt động mua – bán
chứng khoán của một “đại gia” nào đó mà họ ngầm theo dõi để
bắt chước, cũng khiến các phản ứng mua - bán chứng khoán
của họ trở nên gia tăng đột biến, phá vỡ các quy luật thông
thường của cung – cầu thị trường, từ đó làm hỗn loạn các hoạt
động trên thị trường chứng khoán và có thể làm lây lan sang các
thị trường và hoạt động kinh tế - xã hội khác. Đến lúc đó, rủi ro
mà các nhà đầu tư tư nhân gánh chịu sẽ không chỉ là rủi ro do
rớt giá chứng khoán (kết quả của việc bán tháo chứng khoán,
hoặc tăng lượng cung chứng khoán từ các nhà phát hành gắn
với việc tăng lượng phát hành hoặc mới tham gia niêm yết), do
biến động của tỷ giá và tình trạng “sức khỏe” của các doanh
nghiệp phát hành chứng khoán mà họ nắm giữ, mà còn là
những thiệt hại từ sự thiếu hiểu biết và phản ứng không phù hợp
với thị trường của mình.
- Có tình trạng thông tin công bố từ các nhà phát hành hoặc
thông tin lưu truyền trên thị trường chứng khóan gây khó hiểu
cho các nhà đầu tư không chuyên, mới tham gia thị trường. Điều
này bắt nguồn từ 3 nguyên nhân:
Một là, doanh nghiệp cố tình “mập mờ đánh lận con đen”, nhằm
che dấu sự thật hoạt động kém hiệu quả và tình trạng tài chính
không lành mạnh của mình, nhằm định hướng cho dư luận đánh
giá chứng khoán cao hơn thực tế chất lượng chứng khoán mà
doanh nghiệp phát hành. Từ đó, tiếp tục giữ ổn định giá chứng
khoán hoặc thậm chí gây “cơn sốt” giá mới cho chứng khoán
doanh nghiệp đã và sẽ phát hành.
Hai là, những quy định về công bố thông tin và kiểm soát, thẩm
định, cũng như tư vấn thông tin chứng khoán của các cơ quan
quản lý nhà nước và các tổ chức chứng khoán có liên quan đã
và đang có kẽ hở, tồn tại nhiều bất cập và bị lợi dụng, khiến chất
lượng thông tin chứng khoán thiếu minh bạch, không kịp thời,
không hệ thống và thiếu chính xác, gây bất lợi cho nhà đầu tư.
Ba là, khả năng phân tích tài chính, cũng như khả năng kiểm
soát và thẩm định thông tin của bản thân nhà đầu tư chứng
khoán còn nhiều bất cập, hạn chế về kiến thức và thiếu kinh
nghiệm, trong khi các dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán và
dịch vụ thông tin hỗ trợ các nhà đầu tư vừa thiếu, vừa yếu, vừa
không thuận lợi, không vì lợi ích của các nhà đầu tư, nhất là các
nhà đầu tư tư nhân nhỏ.
- Các nhà đầu tư tư nhân ngày càng chịu ảnh hưởng của nhà
đầu tư chứng khoán lớn. Trong khi đó, các nhà đầu tư chứng
khoán lớn đang ngày càng có ảnh hưởng mạnh hơn đến các
“cơn sốt” trên thị trường. Điều này gắn với khả năng các nhà
đầu tư lớn đang và sẽ nắm giữ tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng
giá trị giao dịch chứng khoán trên thị trường, gắn với những
“chiêu thức” và thủ thuật đầu tư mà họ triển khai tác động đến
động thái thị trường, cũng như gắn với mức độ họ nắm giữ và
thao túng thông tin thị trường. Việc các nhà đầu tư nước ngoài
tăng cường mua vào các chứng khoán với tỷ lệ vượt trội so với
lượng bán ra đang là một trong các nguyên nhân quan trọng,
trực tiếp và gián tiếp, tạo ra “cơn sốt nóng” trên thị trường chứng
khoán Việt Nam hiện tại và trước mắt. Khi các nhà đầu tư lớn đã
đạt được mục tiêu đầu tư nhằm giành quyền kiểm soát doanh
nghiệp, thì ảnh hưởng của họ đến thị trường chứng khoán nước
ta sẽ ngày càng lớn.
- Thực tế thị trường cho thấy, có những thời điểm nhà đầu tư
nước ngoài bán ra những cổ phiếu có giá cao, trong khi các nhà
đầu tư trong nước lại háo hức mua những cổ phiếu này. Đây
cũng là điều bình thường trong kinh doanh chứng khoán, bởi lẽ:
một mặt, có sự trùng hợp giữa nhu cầu nhà đầu tư nước ngoài
bán ra để thu hồi vốn cho mục tiêu kinh doanh khác, với nhu cầu
mua vào của nhà đầu tư trong nước đặt hy vọng vào việc thu
được cổ tức cao và giá trị tăng thêm trong tương lai của cổ
phiếu này; mặt khác, có thể do sự thiếu kinh nghiệm của các
nhà đầu tư trong nước khi săn lùng các chứng khoán đang tăng
giá, mà không “đọc vị” được thủ thuật kinh doanh của nhà đầu
tư chuyên nghiệp nước ngoài là tìm cách mua vào và tạo dư
luận đẩy giá chứng khoán tăng tối đa, để rồi đột ngột bán ra,
thậm chí bán ồ ạt, để thu lợi nhuận cao, trong khi các nhà đầu tư
khác vẫn đang say sưa mua vào cổ phiếu đó (nhất là trong xu
hướng tổng mặt bằng giá chứng khoán đang tăng lên), mà
không biết được thời điểm “gió đã đổi chiều”. Đoán định được
thời điểm và giá cả cần mua vào - bán ra chứng khoán là cả một
nghệ thuật và thường phải trả giá không rẻ. Phần thưởng trong
việc này thường chỉ dành cho những người tỉnh táo, có khả
năng nắm bắt và chi phối thị trường, có kiến thức và thông tin
cần thiết để nhìn trước tương lai.
3. Để bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán
Trước tình trạng sôi động của thị trường chứng khoán và sự
“bùng nổ” các nhà đầu tư không chuyên nghiệp nhập cuộc “chơi
chứng khoán”, để bảo đảm sự hoạt động của thị trường chứng
khoán có hiệu quả và bền vững, chúng tôi thấy: một mặt, các
nhà đầu tư tư nhân này cần chủ động tự bồi dưỡng kiến thức,
bản lĩnh kinh doanh chứng khoán của mình; mặt khác, Nhà
nước cần mở rộng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nâng
cao chất lượng thông tin chứng khoán, cũng như xây dựng và
triển khai các dịch vụ và phương án hỗ trợ, khắc phục tình trạng
thiếu chuyên nghiệp này, nhằm giúp các nhà đầu tư giảm thiểu
các thiệt hại do sự thiếu hiểu biết và cảm tính của chính mình,
cũng như giữ được sự ổn định, lành mạnh chung trong hoạt
động của thị trường chứng khóan. Việc ra đời Luật Chứng
khoán thay thế cho Nghị định 114/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003
của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán là
một bước phát triển khá căn bản trong quá trình hoàn thiện cơ
sở pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc thi hành
Luật Chứng khoán này cần tuân thủ Nghị định số 14/2007/NĐ-
CP ngày 19-01-2007 của Chính phủ, cũng như các thông tư
hướng dẫn có liên quan khác của các cơ quan hữu quan.
Dưới góc độ bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán, nhất là đối với
giới đầu tư không chuyên nghiệp, cần đặc biệt lưu ý các khía
cạnh sau:
1. Bảo đảm sự minh bạch, chính xác, kịp thời, hệ thống và thuận
lợi trong công bố, tiếp cận, thẩm định và khai thác thông tin thị
trường chứng khoán nói chung, thông tin về chứng khoán do
các tổ chức và doanh nghiệp cụ thể phát hành nói riêng, đáp
ứng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư.
2. Bảo đảm việc chống lại các hành vi buôn bán nội gián và các
hoạt động buôn bán chứng khoán bị cấm; khắc phục tình trạng
phân biệt đối xử (ưu tiên cung cấp dịch vụ chứng khoán cho các
nhà đầu tư lớn, coi nhẹ hoặc bỏ rơi quyền lợi tiếp cận và thụ
hưởng dịch vụ chứng khoán một cách công bằng, kịp thời của
các nhà đầu tư nhỏ); chống lại sự lạm dụng và cấu kết giữa các
công ty chứng khoán nhằm thao túng thị trường hoặc gây tổn
thất cho nhà đầu tư khi vừa thực hiện các dịch vụ chứng khoán,
vừa tự kinh doanh chứng khoán.
3. Phát triển mạnh các kênh, các công cụ và chế tài giám sát, xử
lý kịp thời và hiệu quả các biến cố và rủi ro trong kinh doanh
chứng khoán liên quan đến hoạt động đầu cơ có tổ chức, độc
quyền và cả tâm lý đám đông… để thị trường chứng khóan phát
triển ổn định, lành mạnh. Cần lưu ý tăng cường sự hợp tác liên
ngành, liên cấp, liên vùng và quốc tế trong quá trình xây dựng và
triển khai các hoạt động này.
* TS, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát
triển kinh tế – xã hội Hà Nội