PHẦN MỞ ĐẦU
1- LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trước khi triết học Mác - Lênin du nhập vào Việt Nam, nếu theo tiêu
chí của một nền triết học là phải có triết gia, triết thuyết và trường phái thì
Việt Nam không có một nền triết học nào. Suốt mấy thập kỷ qua, quan
niệm này chiếm ưu thế trong đánh giá hoạt động văn hóa tinh thần của đất
nước. Tuy nhiên, một số học giả, một số nhà nghiên cứu vẫn nhìn nhận
rằng dân tộc Việt Nam có một nền văn hiến riêng, trong nó chứa đựng một
sắc thái tư tưởng không giống với các nền triết học và văn minh lớn lân
cận. Sự nghiên cứu tư tưởng dân tộc làm cho việc khẳng định có một thứ tư
tưởng triết học Việt Nam dần dần trở nên tự tin hơn. Đến nay, có xu hướng
còn cho rằng, nước ta không chỉ có những tư tưởng triết học mà còn có cả
những học thuyết triết học theo đúng nghĩa của nó .
Giới nghiên cứu đều thấy rằng, triết học phương Tây thường gắn với
những thành tựu của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Còn triết học
phương Đông thường gắn liền với tôn giáo (Ấn Độ), với chính trị - xã hội,
đạo đức (Trung Quốc), những tư tưởng triết học Việt Nam thì gắn liền với
công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Dân tộc Việt Nam không có một
nền triết học đồ sộ, phát triển rực rỡ như triết học Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn
Độ song những triết lý về thiên nhiên, về con người, về mối quan hệ giữa
con người và tự nhiên trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam thì lại
rất đa dạng, phong phú. Người Việt Nam có tư duy khái quát phát triển rất
sớm. Biết rút ra những cái chung từ quan sát các hiện tượng tự nhiên, xã
hội và con người. Biết lấy quá khứ để soi vào hiện tại, căn cứ vào hiện tại
để định hướng cho tương lai, xem xét sự vật, hiện tượng trong sự vận động
phát triển Việt Nam có nhiều chiến công oanh liệt trong dựng nước và
1
giữ nước, sau mỗi chiến công ấy đều có sự tổng kết để nâng lên thành lý
luận. Chẳng hạn, tổng kết từ thời đại nọ sang thời đại kia, từ thời loạn lạc,
chiến tranh sang hòa bình, đúc kết kinh nghiệm sau khi khắc phục thiên
tai Đó là những khái quát ít nhiều có tính triết học.
Tìm hiểu, khai thác các tư tưởng triết học Việt Nam trong nền văn hoá
truyền thống của dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với các
nhà triết học, các nhà nghiên cứu mà còn có ý nghĩa rất thiết thực đối với
mỗi người Việt Nam đang cùng nhau chung sức xây dựng nền văn hoá Việt
Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, chúng tôi thấy rằng, nghiên
cứu và hướng dẫn sinh viên tìm hiểu các tư tưởng triết học của dân tộc ẩn
sâu trong văn hóa dân gian, trong đó có truyện ngụ ngôn trong quá trình
dạy và học môn triết học trong Đại học Quốc gia Hà Nội(ĐHQGHN) nói
chung và Trường Đại học Ngoại Ngữ(ĐHNN) nói riêng là rất cần thiết.
Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng triết học truyền
thống là một công việc hấp dẫn nhưng đòi hỏi ở cả người hướng dẫn và
người thực hiện một thái độ làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ và có nhiều trở ngại,
khó khăn. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều công trình
nghiên cứu về văn hoá truyền thống Việt Nam, về lịch sử tư tưởng Việt
Nam dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng về lịch sử tư tưởng triết học Việt
Nam thì chưa có nhiều. Ngay cả các giáo trình triết học hiện nay ở nước ta
cũng chỉ giành một phần nhỏ nói về lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam,
nhưng chỉ giành cho sinh viên chuyên ngành triết học. Chúng tôi thiết nghĩ,
lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử tư tưởng Việt Nam nói riêng rất hào
hùng, muốn lưu giữ nó hiệu quả thì không gì thiết thực hơn là bồi dưỡng,
giáo dục và vun đắp cho thế hệ trẻ - giúp cho họ thấm nhuần triết lý của
chính dân tộc mình và cảm thấy tự hào về những gì dân tộc mình có.
2
Trong những năm qua, tổ chuyên môn Triết học của Trường ĐHNN –
ĐHQGHN đã đầu tư và chọn hướng nghiên cứu khoa học là tìm hiểu
những tư tưởng triết học của người Việt Nam qua kho tàng văn hoá dân
gian Việt Nam. Những đề tài của tổ chuyên môn cũng được đánh giá khá
tốt như: đề tài “Tìm hiểu những tư tưởng triết học tự phát của người Việt cổ
qua kho tàng thần thoại Việt Nam”, đề tài: “Tìm hiểu một số tư tưởng duy
vật và biện chứng trong truyện ngụ ngôn Việt Nam”, đề tài: “Tìm hiểu
những tư tưởng triết học tự phát trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt
Nam” đã góp phần tích cực cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu
môn triết học trong đó có phần lịch sử tư tưởng Việt Nam đối với sinh viên
ĐHQGHN nói chung và sinh viên Trường ĐHNN nói riêng được thiết thực
hơn.
Vì vậy, để tiếp tục hướng nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn đề tài
“Tìm hiểu những tư tưởng triết học tự phát trong truyện ngụ ngôn Việt
Nam” làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc Gia.
2- TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu những giá trị tư tưởng, tinh thần trong văn hoá truyền
thống của dân tộc Việt Nam trong lịch sử tư tưởng Việt Nam đã và đang
được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm dưới nhiều góc độ:
• Nghiên cứu dưới góc độ lịch sử tư tưởng Việt Nam có một số tài liệu
và tác giả điển hình:
- Lịch sử tư tưởng Việt Nam do GS. Nguyễn Tài Thư chủ biên.
- Lịch sử tư tưởng Việt Nam của GS. Lê Sỹ Thắng.
- Tìm về bản sắc văn hoá của Trần Ngọc Thêm
- Bản sắc văn hoá Việt Nam của Phan Ngọc
- Phát triển văn hoá – phát triển con người của GS – TS Huỳnh Khái
Vinh
3
• Nghiên cứu dưới góc độ văn học dân gian có một số tác giả và tác
phẩm tiêu biểu:
- Tác giả Phúc Khánh “Thử tìm hiểu các yếu tố tư tưởng triết học trong
truyện thần thoại Việt Nam ”.
- Tác giả Đỗ Bình Trị “Phân tích tác phẩm văn học dân gian ”.
- Hoàng Tiến Tựu: “Bình giảng truyện dân gian”, “Mấy vấn đề phương
pháp giảng dạy – nghiên cứu Văn học dân gian Việt Nam”.
- Lịch sử Văn học dân gian Việt Nam của các tác giả Đinh Gia Khánh,
Chu Xuân Diên chủ biên.
- Truyện ngụ ngôn các dân tộc thiểu số Việt Nam của Phạm Minh Hạnh,
Phan Hồng Sơn.
- Tác giả Triều Nguyên với: Góc nhìn cấu trúc về truyện ngụ ngôn dân
gian Việt Nam; Ca dao ngụ ngôn người Việt – tuyển chọn và bình giải.
- Bình giải ngụ ngôn Viêt Nam của tác giả Chương Chính.
Mặc dù cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các phương diện
khác nhau, các tác giả cũng đã nêu lên một số nội dung và ý nghĩa của
truyện dân gian Việt Nam, cũng đã đề cập ít nhiều đến nội dung phản ánh
của truyện ngụ ngôn Việt Nam. Song, cho đến nay những công trình nghiên
cứu có tính định hướng và hệ thống về tư tưởng triết học Việt Nam, những
tư tưởng triết học tự phát trong kho tàng văn hoá dân gian, đặc biệt trong
truyện ngụ ngôn vẫn còn một khoảng trống, chưa có một tác phẩm, một
công trình nghiên cứu nào đề cập sâu đến vấn đề này.
Trong quá trình nghiên cứu, tổ chuyên môn của chúng tôi cũng đã có
đề tài nghiên cứu về truyện ngụ ngôn, nhưng lại đi vào nghiên cứu những
tư tưởng duy vật và biện chứng. Nếu nói về tư tưởng triết học trong truyện
ngụ ngôn không chỉ có duy vật mà còn có cả những yếu tố duy tâm và siêu
hình… Trong khả năng nhất định, đề tài nghiên cứu của chúng tôi mong
4
được lấp dần khoảng trống đó để có thể hiểu sâu hơn, thấy được những giá
trị triết học trong kho tàng văn hoá dân tộc Việt Nam.
3- MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ TÀI
• Mục đích:
- Tập trung làm rõ những đặc điểm cơ bản của truyện ngụ ngôn Việt
Nam, đi sâu vào tìm hiểu những quan niệm về tự nhiên, xã hội và con
người, từ đó đưa ra những nhận xét khái quát về tư duy triết học tự phát của
người lao động Việt Nam ẩn chứa trong những truyện ngụ ngôn.
- Đề tài cũng mạnh dạn đưa ra một số hướng nghiên cứu gắn với việc
giảng dạy triết học trong các trường Đại học nói chung và trong Đại học
Quốc gia Hà Nội nói riêng.
• Nhiệm vụ:
- Tìm hiểu nguồn gốc và đặc điểm cơ bản của truyện ngụ ngôn Việt
Nam.
- Khai thác một số tư tưởng triết học tự phát trong một số truyện ngụ
ngôn điển hình của các dân tộc Việt Nam.
- Khẳng định các giá trị trong đó có giá trị giáo dục của truyện ngụ ngôn
trong lịch sử và giai đoạn hiện nay.
- Đề xuất một số hướng nghiên cứu và sử dụng truyện ngụ ngôn Việt
Nam như các cứ liệu cho việc giảng dạy và nghiên cứu triết học cho sinh
viên của các trường đại học thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn
trong giai đoạn hiện nay.
4- KHÁCH THỂ VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
• Khách thể nghiên cúu: Truyện ngụ ngôn của các dân tộc Việt Nam đã
được các nhà nghiên cúu văn học dân gian sưu tầm, tập hợp lại trong các
tài liệu như: truyện ngụ ngôn Việt Nam của các tác giả Anh Tú, Phạm
Minh Hạnh, Nguyễn Xuân Kính, Trương Chính, Triều Nguyên
5
• Đối tượng nghiên cứu: Những tư tưởng triết học tự phát trong truyện
ngụ ngôn của các dân tộc Việt Nam.
5- PHƯƠNG PHÁP VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
• Phương pháp nghiên cứu: Đề tài được thực hiện trên cơ sở lý luận và
phương pháp nghiên cứu của Chủ nghĩa duy vật biện chứng(CNDVBC) và
Chủ nghĩa duy vật lịch sử(CNDVLS). Kết hợp với phương pháp luận
nghiên cứu lịch sử triết học như: quan điểm khách quan của sự xem xét,
quan điểm phát triển, quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể.
Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài, các tác giả đã sử dụng các
phương pháp: Phân tích, tổng hợp, thống kê, phân loại, so sánh, lôgíc - lịch
sử, khái quát hoá, hệ thống hoá và một số phương pháp hỗ trợ khác.
• Phạm vi nghiên cứu: Khảo cứu những truyện ngụ ngôn của các dân tộc
Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu văn học dân gian sưu tầm và biên
soạn chúng tôi đã thống kê, phân tích tìm ra những tư tưởng triết học ẩn
chứa trong đó. Những truyện ngụ ngôn được trích dẫn trong đề tài được lấy
từ các tài liệu trong danh mục tài liệu tham khảo.
6- Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
• Ý nghĩa khoa học
- Tìm hiểu những đặc điểm cơ bản trong truyện ngụ ngôn Việt Nam từ
góc độ triết học, với tư cách là những hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn
tại xã hội Việt Nam trong những giai đoạn nhất định giúp chúng ta hiểu
được những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc trong những giai đoạn
lịch sử.
- Bước đầu đưa ra những nhận xét có tính chất khái quát về tư duy triết
học tự phát của người Việt Nam trong lịch sử.
• Ý nghĩa thực tiễn:
6
- Đề tài đưa ra một số phương hướng và giải pháp sử dụng truyện ngụ
ngôn như những cứ liệu để học tập và nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt
Nam nói chung, lịch sử tư tưởng triết học tự phát của người Việt Nam
trong quá trình giảng dạy và học tập môn triết học ở trường ĐHNN –
ĐHQG Hà Nội nói riêng.
- Những luận điểm và kết luận trong đề tài sẽ góp phần khẳng định vị
trí, vai trò, ý nghĩa tích cực của việc dạy và học môn triết học đối với
nhiệm vụ phát triển năng lực tư duy, năng lực nghiên cứu khoa học cho
giảng viên và sinh viên. Đặc biệt đề tài còn có ý nghĩa đối với việc đổi mới
phương pháp giảng dạy môn triết học - một môn học được coi là khó và
khô khan - ở các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài còn cung cấp tài liệu tham khảo cho
giảng viên, sinh viên trong việc tìm hiểu và nghiên cứu kho tàng văn học
dân gian Việt Nam nói chung và truyện ngụ ngôn nói riêng từ góc độ của
triết học.
7- KẾT CẤU CỦA ĐỀ TÀI
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo đề tài
gồm 2 chương, 5 tiết.
7
Chương 1
KHÁI LUẬN CHUNG VỀ TRUYỆN NGỤ NGÔN
VIỆT NAM
1.1. Khái niệm và nguồn gốc truyện ngụ ngôn Việt Nam
1.1.1. Khái niệm truyện ngụ ngôn Việt Nam
Nếu như truyện cổ tích là thể loại tự sự tiêu biểu trong văn học dân
gian, thì truyện ngụ ngôn cũng có hình thức tự sự như truyện cổ tích, nhưng
mục đích chủ yếu lại không phải tự sự. Ngụ ngôn có nghĩa là lời nói ở đó
gửi gắm một ý tứ gì đó. Trang Chu ngày xưa trước tác hơn mười vạn lời,
đại để đều là ngụ ngôn” (Theo sử ký của Tư Mã Thiên). Nói đến truyện
ngụ ngôn, người ta thường hay nghĩ đến các tác giả như Êđốp, Pheđơrơ, La
Phôngten ở phương Tây hoặc Trang Tử, Liệt Tử vv ở phương Đông.
Điều đó có cơ sở thực tế, các nhà tư tưởng đã từ lâu hay dùng thể văn ngụ
ngôn để diễn đạt các tư tưởng, các quan niệm của mình. Với thể văn ấy, các
ý niệm trừu tượng có thể diễn đạt một cách cụ thể và do đó dễ phổ cập hơn.
Cho nên Trang Tử đã nói: “Ngụ ngôn thập cửu” (nghĩa là: thể ngụ ngôn
trong mười phần có chín phần dùng được). La Phông ten cũng đã nêu rõ lý
do khiến cho thể ngụ ngôn có tác dụng đặc biệt trong việc diễn đạt tư tưởng
như sau: “Một thứ luân lý trần trụi làm người ta chán nản, truyện kể làm
cho điều luân lý lọt tai cùng với nó”.
Vì vậy, truyện ngụ ngôn đã được các triết gia, văn gia, các nhà văn
hoá sử dụng từ lâu. Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt đã đưa ra quan niệm về
truyện ngụ ngôn “Là bài thơ hoặc truyện ngắn mượn chuyện loài vật để nói
về việc đời, nhằm dẫn đến những kết luận về đạo lý, về kinh nghiệm sống”
[32, 691]. Trong sách giáo khoa lớp 10 – Nhà xuất bản Hà Nội, nhà nghiên
cứu Chu Xuân Diên định nghĩa: “Truyện ngụ ngôn là những truyện kể có
8
dụng ý chính nêu lên những bài học kinh nghiệm sống hoặc những bài học
luân lý - triết lý thông qua những cốt truyện tương đương, trong đó nhân
vật chủ yếu là các loài vật và các đồ vật”[ 20, 45]
Tác giả Đỗ Bình Trị cho rằng, để xác định rõ hơn về hình thức, thể
loại của truyện ngụ ngôn đã bổ sung thêm: những truyện kể này - tức
truyện ngụ ngôn có khi là văn vần, có khi là văn xuôi mà ở đó người ta
mượn một mẩu truyện nhỏ, thường là về loài vật để gửi thác một bài học về
kinh nghiệm sống, về luân lý hoặc một điều răn dạy có tính chất triết lý về
nhân sinh, thế sự. Theo nhà nghiên cứu Trần Vĩnh - Đại học Sư phạm
Thành phố Hồ Chí Minh nghệ thuật chủ yếu trong ngụ ngôn là dùng cách
ẩn dụ - thể hiện bằng cách nói gián tiếp, ngụ ý.
Định nghĩa của ông Hoàng Tiến Tựu có thêm một tính chất của ngụ
ngôn đó là cách nói bóng, hay ám chỉ (phúng dụ) và hình thức biểu đạt ẩn
dụ không chỉ là đồ vật, con vật mà còn là bộ phận cơ thể người. Còn theo
Từ Nguyên, ngụ ngôn là lời nói ngụ ý, truyện ngụ ngôn là truyện ngắn hoặc
dài, văn xuôi hoặc văn vần có ngụ ý, có hàm chứa một bài học đạo lý, một
nhận xét về thực tế xã hội, một quan niệm triết lý hay nhân sinh mà vì
nhiều lý do khác nhau người ta không nói thẳng, phải dùng các ám chỉ, nói
bóng nói gió.
Như vậy, khi quan niệm thế nào là truyện ngụ ngôn thì không thấy có
ý kiến trái chiều nhau của các nhà nghiên cứu trên tất cả các bình diện.
Ngụ là ngụ ý, ngôn là dùng lời nói. Đây là loại truyện không dùng cách
nói trực tiếp thông thường mà là thông qua một câu chuyện nào đó có
nhân vật chính là sự vật, đồ vật, kể cả con người để ngụ ý về một vấn
đề khác thuộc về đời sống phong phú và phức tạp của con người. Do
mục đích và phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ tập trung vào
9
nghiên cứu và khai thác tính triết lý thông qua nội dung của các truyện ngụ
ngôn.
1.1.2. Nguồn gốc của truyện ngụ ngôn Việt Nam
Văn học dân gian là một hình thái ý thức xã hội. Cũng như mọi hình
thái ý thức xã hội khác, văn học dân gian phát sinh trong quá trình hoạt
động sản xuất có ý thức của tập thể những con người sống thành xã hội.
Điều kiện ra đời của văn học dân gian một mặt là lực lượng sản xuất đã đạt
tới một trình độ nhất định, với những quan hệ sản xuất nhất định, mặt khác
là sự nảy sinh và sự phát triển của những cảm xúc thẩm mỹ của con người.
C.Mác đã vạch rõ nghệ thuật chỉ xuất hiện trong quá trình hoạt động thực
tiễn của con người khi nào “sự tiêu dùng thoát ra khỏi tình trạng thô sơ
buổi đầu, mất tính chất trực tiếp của nó đi”[11, 97], khi nào cảm xúc thẩm
mỹ không bị “lệ thuộc vào những nhu cầu thẩm mỹ thô thiển[11, 97] nghĩa
là khi nào cảm xúc thẩm mỹ có tính độc lập tương đối và được dùng để
thoả mãn những nhu cầu tinh thần của con người. Sự cảm thụ thẩm mỹ,
mối quan hệ thẩm mỹ đối với thực tại chỉ có thể nảy sinh trong xã hội loài
người, bởi vì chỉ do kết quả của lao động xã hội, do ảnh hưởng của những
sản phẩm lao động được chính con người tạo ra “chỉ có thông qua sự phong
phú, đã được phát triển về mặt vật chất của bản chất con người, thì sự
phong phú của tính cảm giác chủ quan của con người mới phát triển và một
phần, thậm chí lần đầu tiên mới được sản sinh ra: lỗ tai thính âm nhạc, con
mắt cảm thấy cái đẹp của hình thức – nói tóm lại là những cảm giác có khả
năng đạt tới sự thưởng thức có tính chất người và tự khẳng định mình như
những lực lượng bản chất của con người” [ 12, 137]. Hoạt động xã hội của
con người càng mở rộng, mối quan hệ thực tiễn giữa con người đối với thế
giới càng đa dạng, thì khả năng nhận thức bản chất của các hiện tượng
xung quanh con người cũng như bản chất của chính con người càng phát
10
triển. Như vậy, sự ra đời của văn học dân gian đánh dấu sự ra đời thực sự
của nghệ thuật với tư cách là một hình thái ý thức xã hội. Đây cũng chính
là lúc hình thành ra thứ văn học không thành văn của những thần thoại và
truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, truyện ngụ ngôn mà C.Mác khẳng định là
“đã có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của nhân loại” [ 11, 33]. Ngay từ
trước khi xuất hiện xã hội có giai cấp, văn học dân gian đã đạt được nhiều
thành tựu to lớn, hầu như tất cả các thể loại văn học dân gian cơ bản đã ra
đời như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, câu đố, những hình thức
thô sơ của anh hùng ca Song lúc này hoạt động nghệ thuật không tách rời
mà diễn ra cùng với hoạt động khác của con người, hoạt động nghệ thuật
chưa được chuyên môn hoá, chưa phải là “sự sản xuất nghệ thuật đúng với
nghĩa của nó”(Mác). Sự sản xuất nghệ thuật đúng với nghĩa của nó tức là
hoạt động nghệ thuật đã được chuyên môn hoá, chỉ có thể là sản phẩm của
phân công lao động, cụ thể là sự phân công giữa lao động trí óc và lao động
chân tay. Nhưng quá trình này lại diễn ra cùng với sự hình thành xã hội có
giai cấp. Trong xã hội có giai cấp “những tư tưởng của giai cấp thống trị
cũng là những tư tưởng thống trị của mỗi thời đại, nói một cách khác, giai
cấp nào đang là thế lực thống trị trong xã hội về mặt vật chất thì cũng là thế
lực thống trị về mặt tinh thần. Giai cấp nào nắm những tư liệu sản xuất vật
chất thì đồng thời cũng nắm cả những tư liệu sản xuất tinh thần” [ 11, 66].
Như vậy, nghiên cứu nguồn gốc hình thành truyện ngụ ngôn cũng
không thể không nằm trong dòng chảy của sự ra đời văn học dân gian
bởi vì truyện ngụ ngôn là một bộ phận của văn học dân gian.
Truyện ngụ ngôn là một loại truyện chứa đựng trong một sự tích hoàn
toàn tưởng tượng, một quan niệm triết lý hay đạo đức, một kinh nghiệm
sống đã được tổng kết. Truyện ngụ ngôn có hai phần: phần cụ thể là truyện
kể, phần trừu tượng là ý niệm rút ra từ truyện đó, có thể gọi là lời quy châm
11
– có khi được nêu rõ trong phần kết luận cũng có khi độc giả tự rút ra kết
luận. Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là con người (thuộc các nghề
nghiệp khác nhau như chú chăn trâu, anh thợ cày, ông sư, thầy đồ ) hoặc
là thuộc thân thể con người (tay, chân, mắt, mũi, răng ). Nhân vật có thể là
loài động vật, từ gia súc tới dã thú, từ chim chóc đến cá tôm, từ loài có vú
đến loài côn trùng, to như con voi nhỏ như con kiến Những nhân vật ấy
có thể là cây cối, khoáng sản, núi sông, tinh tú Tóm lại, truyện ngụ ngôn
là vở kịch nhỏ trong đó nhân vật có thể là bất cứ vật gì trong vũ trụ, và sân
khấu là bất kể ở đâu.
Trong truyện ngụ ngôn thì cốt truyện hoàn toàn có tính chất tưởng
tượng. Người ta có thể tự do – tất nhiên tự do trong điều kiện nhất định -
đặt bày những sự việc, sắp xếp những tình tiết, miễn là phục vụ cho việc
diễn đạt cái ý mà mình muốn ngụ mở trong sự tích. Nếu như truyện cổ tích
là một loại truyện tưởng tượng thì truyện ngụ ngôn cũng là sản phẩm của
trí tưởng tượng nhưng không giống trong truyện cổ tích, sự tưởng tượng
phải chịu sự hướng dẫn chặt chẽ của lí trí. Khi sáng tác truyện ngụ ngôn
người ta phân biệt cốt truyện tức là những sự kiện cụ thể với lời quy châm -
tức ý niệm trừu tượng. Yếu tố tưởng tượng trong truyện ngụ ngôn nhằm
giúp cho con người ta có thể diễn đạt một cách linh hoạt, tươi mát những
khái niệm khô khan, chi phối toàn bộ tác phẩm. Ở truyện ngụ ngôn, ta cảm
thấy đằng sau mọi sự tô vẽ của óc tưởng tượng, đằng sau những tình tiết có
vẻ ngây thơ là một lý trí sáng suốt, nghiêm khắc, già giặn. Và xét đến cùng
thì truyện ngụ ngôn là sản phẩm của sự tưởng tượng nhưng sản phẩm đó
được tạo ra theo yêu cầu của lý trí, dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của lý trí.
Với tất cả những đặc điểm đó thì truyện ngụ ngôn chỉ có thể hình
thành với một trình độ phát triển tương đối cao của tư duy loài người.
Lúc đầu nhân loại chắc chắn không thể sáng tác được truyện ngụ ngôn gồm
12
hai phần tách bạch là: sự tích cụ thể và ý niệm trừu tượng ngụ ở trong sự
tích ấy. Phân biệt được phần trừu tượng và phần cụ thể là một việc mà
người nguyên thuỷ không thể làm được.
Con người nguyên thuỷ sống gần tự nhiên hơn chúng ta ngày này.
Hơn nữa họ chưa hoàn toàn tách mình ra khỏi tự nhiên. Vì công cụ sản xuất
còn thô sơ, kỹ thuật sản xuất còn thấp kém, cho nên kết quả của lao động
còn rất ít ỏi. Con người phải vận dụng toàn thể các giác quan để kiếm
miếng ăn hàng ngày, cũng như để tự vệ. Người ta chăm chú nhận xét hình
dạng, màu sắc, hơi tiếng của từng con dã thú cũng như tập quán sinh hoạt
của nó. Có thế mới có thể săn bắt, hoặc tự vệ trước sự tấn công của nó.
Người ta chăm chú nhận xét từng chi tiết trong hoàn cảnh thiên nhiên như
cây cối, núi non, sông hồ, mưa gió và phân biệt được những thay đổi nhỏ
nhặt của hoàn cảnh ấy. Có thế mới thích nghi được với môi trường sinh
hoạt mà tồn tại được. Sự phân biệt giữa bản thân và tự nhiên chưa rạch ròi.
Vì thế người ta đem gán cho vạn vật những tính cách của nhân loại. Người
ta tưởng tượng ra những truyện về muôn vật cũng như những truyện về loài
người. Thần thoại ra đời một phần cũng vì lý do đó. Bên cạnh thần thoại,
dần dần các truyện loài vật cũng xuất hiện. Các truyện loài vật là một kho
tri thức về “khoa học tự nhiên” của người xưa. Truyện kể lại những hoạt
động của con vật, những cuộc phưu lưu du hành của chúng. Khi xây dựng
như vậy người ta gán cho chúng nhiều yếu tố tưởng tượng, có cảm xúc, suy
nghĩ như con người.
Tuy nhiên, có thể nói truyện loài vật là một trong những tiền thân của
truyện ngụ ngôn. Hơn nữa có thể nói rằng truyện ngụ ngôn bắt nguồn từ
truyện loài vật. Từ những phân tích ở trên chúng ta có thể đi đến kết
luận là truyện ngụ ngôn chắc chắn phải ra đời sau truyện thần thoại. Xã
hội mà truyện ngụ ngôn xuất hiện phải là xã hội có sự phân công lao
13
động: lao động trí óc và lao động chân tay, tức là xã hội đã có giai cấp.
Vì chỉ có trong chế độ xã hội người bóc lột người thì người ta mới cần sáng
tác ra những truyện có tính chất phản kháng và trào phúng trước hiện thực
mà người ta không đồng ý. Nhưng dưới chế độ áp bức, phản kháng hiện
thực là phản kháng giai cấp cầm quyền, là phản kháng chế độ xã hội. Tất
nhiên, giai cấp thống trị không ngồi yên để chấp nhận sự phản kháng ấy.
Cho nên mới có lối phản kháng bằng nghệ thuật ẩn dụ, bằng cách nói gián
tiếp - ngụ ngôn. Như vậy, xã hội mà truyện ngụ ngôn xuất hiện phải là xã
hội có giai cấp, có áp bức, bóc lột giai cấp.
Truyện ngụ ngôn xuất hiện từ lâu ở nước ta – nhưng đó có thể là
những truyện tiền ngụ ngôn như chúng tôi vừa phân tích ở trên, và có thể
phát triển mạnh mẽ ở thời phong kiến. Tuy nhiên, vấn đề này còn đang
được các nhà nghiên cứu bàn luận, chứng minh. Tiếc rằng, ở nước ta thời
xưa ít có những người sưu tầm truyện ngụ ngôn dân gian hoặc viết lại
truyện ngụ ngôn như ở nhiều nước khác. Khi Phật giáo tràn vào nước ta,
các truyện ngụ ngôn nhà Phật lại được thâm nhập vào nhân dân. Để cho
giáo lý trừu tượng Phật giáo dễ thâm nhập vào quần chúng nhân dân, nhà
chùa đã sử dụng công án tức là một thứ truyện ngụ ngôn Ấn Độ đã bắt đầu
truyền sang ta hồi thế kỷ II trở đi. Truyện Người ăn nửa chiếc bánh, Hai vợ
chồng và một cái bánh, lưu truyền trong nhân dân đều bắt nguồn từ Kinh
Bách Dụ (Avadêna) [ 2, 109]. Vì thế, vào thời Lý và thời Trần, truyện ngụ
ngôn Việt Nam phát triển khá mạnh cả về mặt chất và mặt lượng. Nhà chùa
cũng dùng truyện ngụ ngôn như một công án để thuyết minh cho giáo lý
của mình. Chẳng hạn, khi vua nhà Lý sai sứ giả mời Huệ Sinh về triều giúp
việc triều chính, sư Huệ Sinh đã trả lời: “Người hãy xem một con vật dùng
làm cỗ cúng, người ta buộc nó bằng dây lụa, nuôi nó bằng rau cỏ ngon. Kịp
khi ắt vào nhà Thái Miếu, thì dẫu nó muốn sống lâu cũng không thể được”.
14
Với câu nói trên, sư Huệ Sinh muốn bảo cho sứ giả nhà Lý biết rằng: Về
triều với Vua thì tuy được phú quý nhưng mất tự do, đời sẽ như con vật đưa
vào nhà Thái miếu.
Một con đường nữa để làm phong phú kho tàng truyện ngụ ngôn của
nước ta. Hán học cũng đem vào nước ta nhiều truyện ngụ ngôn của Trung
Quốc. Những truyện Châu chấu đá xe, Trai, cò và Ngư ông có thể tìm thấy
dị bản trong các sách cổ của Trung Quốc như Chiến quốc sách, Hàn Phi
ngoại truyện. Tuy nhiên sự trùng lặp giữa truyện ngụ ngôn nước ta với
nước khác đều được giải thích bằng sự giao lưu văn hoá. Truyện ngụ ngôn
được sáng tác để chứng minh những ý niệm trừu tượng, cốt truyện lại rất
đơn giản. Vì vậy, sự “trùng kiến” giữa các dân tộc là một điều hoàn toàn dễ
hiểu. Do đó, phương Đông có truyện: Trai, cò và người đánh cá (Tô Tần -
Chiến quốc sách) thì phương Tây cũng có truyện: Trai, cò và người đánh
cá (Pheđơrơ); ở nước ta có truyện Hai đứa bé và quả bứa, thì ở nước Pháp
cũng có truyện Hai đứa bé và hạt dẻ, những sự trùng hợp trên không phải
là ít.
Khi ca dao ra đời và phát triển, một số truyện ngụ ngôn đã được sáng
tác dưới hình thức ca dao, bài Con mèo mà trèo cây cau là một ví dụ. Trong
thời Pháp thuộc, cùng với quá trình xâm lược, cai trị nước ta, thực dân
Pháp cũng tìm cách đồng hoá dân tộc ta bằng nhiều con đường trong đó có
cả việc như lưu truyền những tác phẩm văn học nước ngoài vào Việt Nam.
Những truyện ngụ ngôn của Ê-đốp và truyện ngụ ngôn Laphôngten đều
được dịch ra tiếng Việt, được lưu truyền trong nhân dân.
Như vậy, do đặc thù là một loại truyện trí tuệ nên truyện ngụ ngôn ở
Việt Nam chỉ xuất hiện khi trình độ nhận thức của con người đạt trình
độ tư duy cao – xã hội có sự phân chia giai cấp. Quá trình phát triển của
truyện ngụ ngôn của Việt Nam được hình thành bằng nhiều con đường
15
như: do nhân dân tự sáng tác để phản kháng lại áp bức, bất công; hoặc do
chiến tranh xâm lược; hoặc là du nhập vào thông qua con đường truyền
giáo
1.2. Đặc trưng và sự khác biệt của truyện ngụ ngôn với một số thể
loại khác trong văn học dân gian
1.2.1. Đặc trưng của truyện ngụ ngôn Việt Nam
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta, ngay từ thuở ấu thơ
đều ít nhiều tiếp xúc với một trong những loại truyện dân gian phổ biến –
truyện ngụ ngôn. Đó là những đoạn văn vần hay truyện ngắn, thường là
mượn truyện loài vật để nói về việc đời, nhằm dẫn đến một nhận định về
nhân sinh quan, về đạo lý, về kinh nghiệm sống của con người. Đặc trưng
của truyện ngụ ngôn đươc thể hiện rõ nhất qua một số điểm sau:
Một là, về nội dung của truyện ngụ ngôn. Hầu hết các truyện ngụ
ngôn đều thể hiện một nguyên lý đạo đức hay một nguyên tắc xử thế nào
đó kèm theo nó là hậu quả tốt hay xấu qua việc vận dụng các nguyên lý hay
nguyên tắc đó. Giáo sư Đinh Gia Khánh đã từng nhấn mạnh: tư tưởng triết
học của nhân dân có thể tìm thấy trong tất cả các loại hình văn học dân
gian, nhưng thể hiện tập trung nhất là ở truyện ngụ ngôn. Nhà nghiên cứu
Folklore Cao Huy Định cho rằng: Cái lối ẩn dụ việc đời phần nhiều bằng
hình tượng súc vật là đặc điểm của ngụ ngôn. Mỗi con vật biết nói, biết
nghĩ, biết hành động là một biểu tượng của một loại người nhất định. Quan
hệ xung đột hoặc đồng tình giữa chúng là những quan hệ xã hội thật sự nói
lên những vấn đề đạo đức thật sự. Những vấn đề triết lý, đạo đức được đề
cập đến trong nội dung truyện ngụ ngôn rất phong phú, đa dạng, nó có thể
là những kinh nghiệm sống qua các bài học thực tế ở đời, những lời khuyên
răn đạo đức cho mỗi con người trong xã hội. Chẳng hạn, truyện Chị bán
nồi đất chế giễu những người hay mơ mộng viển vông, không thực tế để
16
phải đón nhận lấy bất hạnh. Chỉ vì mơ mộng mà chị ta làm vỡ tất cả số nồi
đất đem bán, mộng tan và bị thiệt hại. Truyện Cáo mượn oai hùm là bài học
để mọi người cùng suy nghĩ, chỉ nên dựa vào sức mạnh và tiềm năng của
chính bản thân, đừng nên dựa dẫm vào người khác. Truyện Bó đũa là lời
khuyên đầy thực tế về việc nếu biết đoàn kết thì sẽ có sức mạnh, chia rẽ thì
bị tiêu diệt một cách dễ dàng… Ngoài những kinh nghiệm sống, nội dung
của truyện ngụ ngôn còn bao gồm cả những vấn đề đạo đức, những phạm
trù triết học sâu sắc. Truyện Thầy bói xem voi đã nói về phạm trù của cái
toàn bộ và cái cục bộ. Truyện Con vờ và con đom đóm kể rằng: Vờ chỉ
sống có nửa ngày, nó không biết có ngày và đêm, nhưng cứ cãi với đom
đóm là không thể nào có chuyện mặt trời mọc rồi lặn. Ấy là con vờ đã
phạm một sai lầm về phạm trù chủ quan và khách quan. Nhắc nhở con
người cần phải nắm vững các quy luật phát triển của đời sống, tự nhiên và
xã hội thì mới có thể thích nghi, tồn tại và phát triển Đặc trưng nổi bật
nhất của truyện ngụ ngôn là những bài học về kinh nghiệm sống, những tư
tưởng, quan niệm đạo đức triết học và những cách đối nhân xử thế ở đời
được đúc rút lại qua thực tế đời sống. Đó là cả một kho tàng tri thức bác
học dân gian quý giá mà chúng ta cần trân trọng, giữ gìn, nó giúp chúng ta
sống tốt, lành mạnh và vị tha hơn trong xã hội hiện đại.
Hai là, các biện pháp nghệ thuật của truyện ngụ ngôn cũng rất đặc
sắc. Truyện ngụ ngôn đã tìm được cho mình phương pháp thể hiện nội
dung một cách có hiệu quả và khá độc đáo. Đó là nội dung bài học đạo đức,
triết lý, kinh nghiệm thể hiện thông qua một câu truyện kể rất ngắn gọn, súc
tích mang tính ẩn dụ bằng văn vần hay văn xuôi. Nó được biểu hiện:
Nhân vật của truyện ngụ ngôn có thể là con người với đủ mọi tầng lớp,
nghề nghiệp khác nhau, có khi chỉ là một bộ phận trên thân thể con người
như chân, tay, cái lưỡi… nhân vật của truyện ngụ ngôn có thể là loài vật
17
như các con thú nuôi trong nhà đến các con thú hoang dã như trâu, bò, lợn,
gà, hổ, sư tử, voi, kiến… nói chung là đủ thứ trên đời. Nhưng điểm đặc biệt
của truyện ngụ ngôn là nhân vật dù là người, hoặc vật, cây cỏ, sự vật, thần
linh… đều chứa đựng trong nó sự đối lập rõ rệt. Trong một truyện ngụ
ngôn nào đó nếu đã có một con vật thông minh thì bên cạnh nó phải là một
con vật ngu ngốc; có con người mưu mẹo, xảo trá thì phải có một con
người trung thực, tốt bụng; cạnh con vật to lớn, độc ác, dữ tợn thì có ngay
một loài vật khác bé nhỏ, hiền lành nhưng thông minh, chiến thắng con vật
kia. Người ta thấy ở truyện ngụ ngôn cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái
thấp hèn, sức mạnh và sự yếu đuối, thông minh và sự ngu dốt, tốt bụng và
nhỏ nhen… Đó là các mặt đối lập (theo khái niệm triết học) thường thấy
trong hệ thống nhân vật để tạo ra được ý nghĩa sâu sắc của truyện và làm
cho ngụ ngôn có một sắc thái đặc sắc, độc đáo riêng của nó. Chẳng hạn, sự
đối lập ở truyện Trí khôn được thể hiện rất rõ. Thấy trâu to xác mà cứ phải
làm theo lệnh của con người, hổ rất ngạc nhiên hỏi thì trâu bảo rằng người
có trí khôn. Vì tò mò hổ đến hỏi người và bị con người cho nó một bài học
bằng sự khôn ngoan, mưu trí của mình.v.v. Để làm nổi bật những nội dung
cần nêu ở truyện ngụ ngôn, người ta còn sử dụng cách dùng phủ định để
khẳng định, mục đích làm rõ đối tượng phản ánh, bởi vậy, những bài học
rút ra sau mỗi truyện ngụ ngôn càng rõ và có ý nghĩa rất sâu sắc hơn.
Chẳng hạn, truyện Đẽo cày giữa đường là sự phủ định cách sống không có
chủ kiến để khẳng định sự cần thiết phải xem xét kỹ và có quyết định cho
công việc của bản thân… Có thể nói truyện ngụ ngôn có hai phần: phần
truyện kể nổi lên còn phần ý nghĩa thì chìm sâu trong truyện mà mỗi người
cần có kiến thức, trình độ hiểu biết mới có thể tự rút ra cho mình. Chính
đặc điểm này làm cho truyện ngụ ngôn có sự hàm súc và chiều sâu đặc biệt
độc đáo của nó.
18
Kết cấu của truyện ngụ ngôn có điểm nổi bật là ở sự ngắn gọn, súc tích
của ngôn ngữ và chi tiết. Thông thường thì truyện ngụ ngôn có độ dài rất
khiêm tốn, thường thì chỉ có 200 đến 300 từ, chỉ có một số truyện thơ dài
như bốn truyện nôm ngụ ngôn quen thuộc như Trê Cóc, Lục súc tranh
công, Trinh thử và Hoa điểu tranh năng. Cái tạo ra độ ngắn của truyện ngụ
ngôn chính là ở tính truyện của nó. Nó không chấp nhận cách giải thích dài
dòng, vòng vo, tỉ mỉ. Mỗi truyện ngụ ngôn chỉ gồm một tình tiết, một sự
việc được diễn đạt hết sức cô đọng, hàm súc qua sự ám chỉ, so sánh, ẩn dụ
đặc sắc để rồi con người tìm ra những vấn đề triết lý sâu xa. Để tạo được
những nét tiêu biểu của truyện ngụ ngôn, người ta cần phải có một trình độ
tư duy tương đối cao, để có thể nhận biết được những đặc điểm chủ yếu,
đặc sắc, bản chất nhất ở người, loài vật, sự vật… rồi chọn đưa vào truyện.
Chẳng hạn, con cáo được người ta quen gán cho tính ranh mãnh, xảo trá.
Con Ong thì chăm chỉ, cần cù; con Hổ, Báo, Sư tử thì độc ác mà ngu ngốc;
Thỏ thì thông minh, tốt bụng; Rùa thì chậm chạp, hiền lành… Vì thế khi
cần nói đến sự độc ác, người ta chọn Hổ, cần nói đến sự thông minh, người
ta chọn Thỏ… Sự chọn lựa này tạo ra tính hợp lý của truyện mà không cần
giải thích dài dòng.
1.2.2. Sự khác biệt của truyện ngụ ngôn với một số thể loại khác
trong văn học dân gian
Văn học dân gian là một hình thái ý thức xã hội phức tạp, có rất nhiều
chức năng như: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm
mỹ, chức năng sinh hoạt hợp thành một thể thống nhất. V.I. Lênin đã chỉ
ra trong văn học dân gian có sự thể hiện “thế giới quan”, “những mong chờ
khát vọng” của quần chúng, “tâm hồn của nhân dân”(Lênin). Nói đến văn
học dân gian Gorơki cho rằng: “sáng tác nghệ thuật truyền khẩu của nhân
dân lao động là yếu tố duy nhất tổ chức kinh nghiệm của họ lại, thể hiện
19
các tư tưởng của họ thành hình tượng và thúc đẩy năng lực lao động của
tập thể” [5, 267].
Trong dòng chảy của văn học dân gian, có rất nhiều thể loại tạo nên
tính đa dạng và phong phú của nền văn học nhân dân này. Giữa chúng có
sự gần gũi, gắn bó với nhau, không tách rời nhau. Để làm rõ hơn nữa về
đặc trưng của truyện ngụ ngôn thì cần phải so sánh nó với một số thể loại
văn học dân gian khác để thấy được sự khác biệt:
Thứ nhất, Truyện ngụ ngôn và truyện về loài vật
Trong thực tế, chúng ta thấy rằng truyện ngụ ngôn và truyện về loài
vật có điểm giống nhau là cùng lấy loài vật làm nhân vật. Nhưng giữa
chúng lại có điểm khác nhau căn bản:
Truyện về loài vật là sự sáng tạo của con người trong thời cổ đại.
Người ta đã dùng câu chuyện kể để giải thích về nguồn gốc, hình dáng, đặc
tính của các loài vật sống chung quanh mình. Chẳng hạn như vì sao lông
quạ lại đen, lông chim công lại có nhiều màu sắc sặc sỡ; hay vì sao Gấu
tham lam; Khỉ bị đỏ đít… Đó là cách hiểu của người xưa về thế giới động
vật chứ không hề có ngụ ý nói về đời sống con người. Ở các truyện về loài
vật thông minh như loại truyện về con thỏ, con nhện, con vẹt… người xưa
lại đem thổi linh hồn vào những con vật đó để chúng giống như con người,
có khi còn khôn ngoan và dạy khôn cho con người. Nhiều dân tộc còn lấy
con vật làm vật thiêng, đại diện cho tổ tiên của họ để thờ cúng và kiêng giết
thịt chúng. Còn truyện ngụ ngôn thì người ta chỉ mượn loài vật làm nhân
vật, nhưng nội dung chủ yếu lại để nói về đời sống con người. Con vật là
cái vỏ cho con người náu mình trong đó, nói lên tiếng nói của họ về cuộc
sống với mọi tình huống xảy ra với họ.
Về đối tượng, truyện loài vật trong giai đoạn đầu tiên có thể là cho cả
người lớn và trẻ em cùng thưởng thức. Nhưng dần dần, do những kiến thức
20
hiểu biết về tự nhiên và xã hội của con người được nâng lên, con người đã
qua được thời thơ ấu mông muội thì sự hấp dẫn của truyện về loài vật cũng
giảm đi. Nhưng đối với trẻ em thì truyện về loài vật vẫn rất được yêu thích.
Trẻ em tìm được con đường đi tới sự hiểu biết thế giới xung quanh mình và
cuộc sống dần dần qua những câu chuyện đơn giản và hấp dẫn về loài vật.
Vì vậy, đối tượng chính của truyện về loài vật là trẻ em. Ngược lại, đối
tượng chính của truyện ngụ ngôn là người lớn. Trẻ em có thể tiếp thu được
phần truyện kể, còn những bài học và ngụ ý sâu xa cần rút ra ở mỗi câu
chuyện thì không phải ở tầm của trẻ em. Ngay một số người lớn, nếu không
có một trình độ hiểu biết, những kiến thức nhất định thì đôi khi cũng khó
có thể hiểu được hết ý nghĩa của truyện ngụ ngôn.
Như vậy, điểm giống nhau giữa truyện ngụ ngôn và truyện về loài vật
là ở chỗ cùng có nhân vật là con vật. Nhưng sự khác nhau cơ bản là ở chỗ
truyện ngụ ngôn dùng loài vật để nói về con người, muốn nêu lên những
quan hệ ứng xử xã hội khó khăn, gay cấn đòi hỏi nhiều đến sự thông minh,
khôn ngoan… Vì thế, không thể xếp hai loại truyện này vào thành một loại
được, mà phải tách chúng ra để xem xét từng thể loại mới có thể thấy rõ vị
trí, vai trò và tác dụng của chúng.
Thứ hai: Truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích thế sự
Về nội dung, truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích thế sự là những truyện
cùng có nội dung xã hội, tức là cùng nói về việc đời. Cả hai loại truyện
cùng nêu lên những cách ứng xử, những tính cách, các quan niệm sống,
những triết lý, đạo đức nhân sinh, đều có sự phê phán, tố cáo và đấu tranh
cho một thế giới tốt đẹp với những con người hoàn thiện, hoàn mỹ. Nhưng
sự khác biệt ở chỗ, truyện cổ tích thế sự thường phản ánh cuộc sống ở một
thời đã qua với những ước mơ đã được lý tưởng hóa. Truyện cổ tích là
tiếng nói của những người yếu đuối, gửi gắm khát vọng của mình trong
21
những giấc mơ về sự thay đổi cuộc đời qua các phép màu nhiệm của những
ông bụt, bà tiên. Người ta kể lại những xung đột, diễn biến của các mối
quan hệ trong đời sống, cuộc đấu tranh xã hội dưới hình thái xung đột giữa
thiện và ác, giữa con người và các thế lực ma quỷ. Truyện cổ tích thế sự
phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan, lý tưởng thẩm mỹ của con người khi
họ chưa tách khỏi những dấu vết của các tín ngưỡng nguyên thủy, khi họ
cảm thấy mình bất lực và bé nhỏ giữa cuộc đời hiểm nguy, đầy thử thách
khốc liệt. Do đó, con người ở trong truyện cổ tích thế sự thụ động và chỉ
thực hiện được ước mơ của mình nhờ một thế lực siêu nhiên, một sự trợ
giúp kỳ diệu, huyền bí nào đó. Còn ở truyện ngụ ngôn thì nội dung chủ yếu
là những kinh nghiệm sống, những bài học luân lý, đạo đức, những quan
niệm triết lý nhân sinh được con người đúc kết lại và cùng nhau thực hiện
để tự hoàn thiện mình và góp phần xây dựng, cải tạo đời sống ngày một tốt
đẹp hơn họ mong ước. Nếu như con người ở truyện cổ tích là thụ động thì
con người ở truyện ngụ ngôn là con người hành động, họ phê phán, khuyên
nhủ lẫn nhau và lên án, tố cáo, đấu tranh với các thế lực đàn áp mình bằng
sự khôn ngoan, sắc sảo mà lại kín đáo, mềm dẻo, có hiệu quả cao. Những
xung đột trong đời sống, trong các quan hệ giữa người với người, giữa con
người với thiên nhiên… trong truyện cổ tích thế sự thường được giải quyết
nhờ sự trợ giúp của các thế lực huyền bí còn ở truyện ngụ ngôn là những
lời khuyên nhủ, chê trách và giúp cho nhau những kinh nghiệm để tự họ
giải quyết những trở ngại trong đời sống, đấu tranh, tố cáo, lên án sự xấu
xa, độc ác… Truyện ngụ ngôn không hề dùng đến yếu tố thần kỳ, nếu có
thần linh thì thần linh đó cũng chỉ là một nhân vật của truyện ngụ ngôn mà
thôi.
Mục đích và đối tượng của hai loại truyện này cũng có những điểm
giống và khác nhau. Sự giống nhau là: mục đích cuối cùng của hai loại
22
truyện này là thông qua việc đời để hoàn thiện con người và mong ước có
cuộc sống tốt đẹp với những con người nhân hậu, hoàn thiện, hoàn mỹ. Dù
bằng phương pháp lý tưởng hóa ước mơ của những con người yếu đuối
trong truyện cổ tích hay đạt được cuộc sống tốt đẹp và có những con người
tốt đẹp thông qua sự khôn ngoan, sắc sảo của lối dùng ẩn dụ… trong truyện
ngụ ngôn thì mục đích duy nhất và cao nhất vẫn như vậy. Nhưng trẻ em là
đối tượng chính, chủ yếu của truyện cổ tích thế sự, còn ngược lại, người
lớn mới là đối tượng trực tiếp và chủ yếu của truyện ngụ ngôn. Truyện ngụ
ngôn đã lôi cuốn người lớn đến với nó, để những câu chuyện thâm thúy với
bao bài học kinh nghiệm quý báu giúp cho họ vượt qua những trở ngại,
những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Trong xã hội ngày nay, truyện
ngụ ngôn vẫn còn được dùng để giáo dục con người, phê phán thói hư tật
xấu trong xã hội, giúp cho con người và xã hội loài người ngày càng sống
tốt hơn.
Thứ ba: Truyện ngụ ngôn với truyện cười
Giữa truyện ngụ ngôn và truyện cười có mối quan hệ gần gũi và có
những nét tương đồng khá thú vị, người ta có cảm giác người kể chuyện
luôn luôn ẩn giấu một nụ cười kín đáo, một thái độ châm biếm sâu sắc ở
truyện ngụ ngôn và họ sẽ cười to, thoái mái ở truyện cười. Chẳng hạn ở
truyện Thầy bói xem voi làm cho người nghe dễ dàng hình dung thấy cuộc
cãi vã vô bổ giữa mấy ông thầy bói mù. Các ông đánh nhau chỉ vì ông nào
cũng cho mình là đúng, mà đúng thật, khi chính ông đã “sờ tận tay”, nhưng
tất cả lại không đúng vì mỗi ông chỉ biết một bộ phận của con voi, nhưng
cứ tưởng rằng đã biết toàn bộ con voi. Sự nhầm lẫn chủ quan của mấy ông
thầy bói mù có tác dụng gây cười. Nhưng trong truyện này, mục đích chính
không phải là gây cười mà là ở bài học rút ra sau câu chuyện đó. Đó là một
lời khuyên người ta chớ vội kết luận việc gì khi mới chỉ biết một phần của
23
sự việc, đây thực chất là tư tưởng về cái toàn diện trong triết học. Cái cười
ở đây chỉ có tác dụng làm cho câu chuyện thêm ý vị, hấp dẫn. Vì thế truyện
Thầy bói xem voi là một truyện ngụ ngôn, tuy có thể gây cười. Chỗ khác
nhau cơ bản giữa nội dung của truyện ngụ ngôn và truyện cười là ở ý nghĩa
của mỗi loại truyện. Truyện ngụ ngôn là các bài học kinh nghiệm, triết lý
sâu sắc, còn ở truyện cười là sự khai thác các khía cạnh lố bịch, khờ khạo,
các khuyết tật của con người, không mang màu sắc luân lý, triết học gì. Về
mục đích của hai loại truyện cũng có sự giống và khác nhau rất rõ: Mục
đích chung là muốn làm cho con người tốt hơn lên nhưng chỗ khác nhau là
do truyện cười có mục đích chủ yếu là nhận ra cái lố bịch, khờ khạo của
con người để viết thành truyện cười, như một ông quan sợ vợ, một ông thầy
đồ gàn, một ông thầy bói bịp bợm… và họ gây cười bằng đủ mọi biện
pháp, kể cả biện pháp dùng hình ảnh và ngôn từ tục tĩu. Còn truyện ngụ
ngôn thì nhằm làm cho con người nhận ra được bài học đạo đức, luân lý,
triết lý, kinh nghiệm, cách ứng xử… Vì vậy, trong truyện ngụ ngôn không
bao giờ sử dụng ngôn từ tục tĩu.
Thứ tư: Truyện ngụ ngôn và đồng thoại, đồng dao
Giống như truyện ngụ ngôn, đồng thoại, đồng dao có nội dung giáo
dục, nhằm giúp trẻ em nhận biết cái hay, cái dở, đưa các em vào đời sống
qua cách nhận biết dần dần cuộc sống qua các bài học về một con chim biết
vâng lời, một con cá biết trả ơn kẻ đã giúp nó thoát khỏi cái chết; một con
dế nhỏ biết hát ru… Những bài đồng thoại, đồng dao còn dạy các em
những cách ứng xử, giao tiết với người lớn, lễ độ với cha mẹ, thầy cô, biết
quý tình bạn, thương người lao động vất vả, nặng nhọc… Đó là những bài
học trực tiếp, thông qua các sự việc cụ thể hàng ngày ở chung quanh trẻ
em. Đó cũng là các bài học giản dị, dễ tiếp thu so với lứa tuổi các em.
24
Chẳng hạn như bài hát Hạt mưa của Bùi Huy Cường (trong Tứ dân văn
uyển):
Tôi ở trên giời
Tôi rơi xuống đất
Tưởng rằng tôi mất
Chẳng hóa tôi không
Tôi cháy ra sông
Nuôi loài tôm cá
Qua các làng xã
Theo máng theo mương
Cho người giồng giọt
Thóc vàng chật cót
Cơm trắng đầy nồi
Vậy chớ khinh tôi
“Hạt mưa, hạt móc”.
Với bài đồng dao này đã cung cấp cho các em kiến thức về tự nhiên
một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn, dễ hiểu và được trẻ em yêu thích. Tuy nhiên,
tính chất răn dạy, giáo dục ở truyện ngụ ngôn có tấm khái quát cao và sâu
sắc hơn nhiều so với đồng thoại, đồng dao. Nó là những bài học phải được
rút ra từ nội dung truyện và là một bài học gián tiếp chứ không trực tiếp và
đơn giản như trong các truyện đồng thoại, các bài đồng dao cho trẻ em. Về
đối tượng của truyện ngụ ngôn chủ yếu là người lớn, còn đối tượng của
đồng thoại, đồng dao thì hoàn toàn là trẻ em. Ở truyện ngụ ngôn, bài học
càng sâu sắc, thâm thúy bao nhiêu thì câu truyện càng hấp dẫn người đọc
bấy nhiêu. Ngược lại, đồng thoại, đồng dao lại yêu cầu câu chuyện phải
thật giản dị, hồn nhiên, ngộ ngĩnh để trẻ em ham thích, say mê đọc và hát.
25