Môi trường đầu tư và tác động của nó đến đầu
tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Hải Dương
Bùi Xuân Anh
Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng Giảng viên LLCT
Luận văn ThS ngành: Kinh tế chính trị; Mã số: 60 31 01
Người hướng dẫn: GS.TS. Chu Văn Cấp
Năm bảo vệ: 2011
Abstract: Trình bày lý luận về môi trường đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài
FDI. Phân tích thực trạng môi trường đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
ở Hải Dương giai đoạn 2005-2010, qua tìm hiểu về: những lợi thế của Hải Dương
trong việc thu hút FDI; tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương; đánh
giá đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hải Dương dưới tác động của môi trường đầu tư.
Đề xuất một số phương hướng và biện pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm
nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hải Dương
thời gian đến năm 2015.
Keywords: Đầu tư; Đầu tư trực tiếp nước ngoài; Kinh tế học tài chính; Hải dương
Content
1. Lý do chọn đề tài
Nước ta đang trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với
phát triển kinh tế tri thức, do đó cần rất nhiều vốn [vốn trong nước và vốn nước ngoài
(FDI, ODA…)]. Hơn 20 năm qua thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế,
nước ta đã thu hút được hàng ngàn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến ngày 20 –
10 – 2010 đã có 12.213 dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới 109 tỷ USD, tăng khoảng
600 lần só với năm 1988. Trong đó vốn pháp định là 63 tỷ USD. Sự tăng trưởng FDI do
đóng góp của nhiều yếu tố, trong đó có sự cải thiện môi trường đầu tư .
Để tận dụng cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang gia tăng, Hải Dương
đã và đang không ngừng xây dựng một hình ảnh tốt đẹp hơn thông qua việc cải thiện môi
trường đầu tư nói chung và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nói riêng. Trong thời gian
gần đây Hải Dương đã đạt được một số thành tựu nhất định trong việc cải thiện môi
trường đầu tư và thông qua đó đạt được một số kết quả đáng kể trong việc thu hút FDI.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 2210 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI), với tổng vốn đăng ký 5163,3 triệu USD, vốn thực hiện đạt 1895,3 triệu USD, bằng
36,7% tổng vốn đăng ký. Tuy vậy, vốn FDI vào Hải Dương chưa xứng với tiềm năng, và
khả năng thu hút đầu tư của Hải Dương còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân khách quan
và chủ quan, trong đó có nguyên nhân liên quan đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh. Vì thế việc nghiên cứu môi trường đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở
Hải Dương là cần thiết, cấp bách nhằm tìm các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư,
nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI, thúc đẩy, nâng cao tốc độ phát triển
kinh tế, chuyển dịch nhanh và bền vững cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa –
hiện đại hóa, cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời nâng cao vị thế của Hải Dương trong
khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Vì vậy vấn đề: “Môi trường đầu tư và tác động
của nó đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Hải Dương” được lựa chọn làm đề tài luận
văn thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành Kinh tế chính trị.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Do tầm quan trọng của môi trường đầu tư đối với hoạt động đầu tư (trong đó có đầu tư
trực tiếp nước ngoài FDI) nên đã có nhiều tác giả, nhiều công trình nghiên cứu dưới các
góc độ, khía cạnh khác nhau.
* Các công trình nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài:
1. - PGS.TS Nguyễn Bích Đạt (2006), Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà
Nội.
2. PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn (2005), Đầu tư trực tiếp nước ngoài với phát triển
kinh tế Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội.
3. Bộ Kế hoạch và đầu tư (2008), Kỷ yếu 20 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,
2008, Đặc san của báo Đầu tư, Hà Nội.
4. Trần Xuân Tùng (2005), Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam Thực trạng và
giải pháp, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Nguyễn Trọng Xuân (2002), Đầu tư trực tiếp nước ngoài với công cuộc CNH –
HĐH ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Bộ kế hoạch và đầu tư (4/2003), Chính sách đầu tư nước ngoài trong tiến trình
hội nhập kinh tế quốc tế, Tài liệu hội thảo quốc tế, Hà Nội
7. TS Lê Xuân Bá (2006) Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với tăng
trưởng kinh tế Việt Nam, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội
* Các công trình nghiên cứu về môi trường đầu tư
- Các công trình nghiên cứu về môi trường đầu tư nói chung:
+ PGS.TS Nguyễn Khắc Thân – PGS.TS Chu Văn Cấp (1996), “Những giải pháp
chính trị kinh tế nhằm thu hút có hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”,
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
+ Trần Thị Thu Hương (2005), Hoàn thiện công tác quản lí nhà nước về đầu tư trực
tiếp nước ngoài ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế (10), tr.3-12.
+ Trần Tuế (2005), Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn một trong những giải pháp
không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Giáo dục lý luận,
(10), tr.56-58.
+ GS.TS Dương Thị Bình Minh – Ths Nguyễn Thanh Thủy (7/2009), Cải thiện môi
trường đầu tư thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở một số nước châu Á và các bài
học kinh nghiệm cho Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển kinh tế (225), tr.23-25.
- Các công trình nghiên cứu về môi trường đầu tư ở Hải Dương và các địa phương
khác:
+ Sở Kế hoạch và đầu tư - UBND Tỉnh Hải Dương (2007), “ 20 năm môi trường
đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hải Dương”, Hải Dương.
+ Trần Việt Hưng (2007), Giải pháp nâng cao khả năng vốn đầu tư nước ngoài
trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 – 2010, Luận án
tiến sĩ kinh tế, Đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội.
+ Trần Quang Nam (2006), Cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Bắc
Ninh: Kết quả mang lại và một số giải pháp, Tạp chí Kinh tế và dự báo (3), tr.50-52.
Các công trình nghiên cứu ấy đã đề cập khá rõ về đầu tư trực tiếp nước ngoài và gắn liền
với những vấn đề khác nhau, khía cạnh khác nhau về môi trường đầu tư và đầu tư trực
tiếp nước ngoài. Tuy vậy, những nghiên cứu về môi trường đầu tư và ảnh hưởng của nó
đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hải Dương những năm gần đây dưới độ
khoa học kinh tế chính trị chưa có nhiều. Vì vậy, đề tài luận văn này là cần thiết, có ý
nghĩa lý luận và thực tiễn, đồng thời không trùng lặp với các công trình khoa học đã công
bố
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
* Mục đích nghiên cứu
Hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về môi trường đầu tư và tác động đến đầu
tư trực tiếp nước ngoài, trên cơ sở đó xem xét thực trạng môi trường đầu tư và đầu tư trực
tiếp nước ngoài tại Hải Dương; đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu
tư nhằm nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hải Dương.
* Nhiệm vụ nghiên cứu
- Trình bày lý luận về môi trường đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
- Phân tích thực trạng môi trường đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Hải
Dương trong thời gian qua.
- Đề xuất một số phương hướng và biện pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao
khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hải Dương thời gian đến năm
2015.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
* Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn môi trƣờng đầu tƣ trong mối liên hện với đầu tư
trực tiếp nước ngoài dưới góc độ của khoa học kinh tế chính trị.
* Giới hạn nghiên cứu
- Địa bàn nghiên cứu: Tỉnh Hải Dương cụ thể là các doanh nghiệp FDI, các nhà đầu tư,
các cơ quan, đơn vị có liên quan đến FDI
- Thời gian: từ 2005 đến 2010 – là thời gian để thu thập số liệu, tài liệu phục vụ việc đánh
giá thực trạng môi trường đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hải Dương.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Trên cơ sở lý luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin, luận
văn đã sử dụng các phương pháp cụ thể: phương pháp kết hợp lôgic với lịch sử, các
phương pháp: phân tích - tổng hợp, thống kê và so sánh, phương pháp tổng kết thực tiễn
địa phương và phương pháp thu thập thông tin (sơ cấp, thứ cấp). Luận văn sử dụng có
chọn lọc các kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố.
6. Những đóng góp và giá trị của luận văn
Kết quả nghiên cứu của luận văn là làm sáng tỏ thêm lý luận về môi trường đầu tư, vai
trò của nó đối với đầu tư nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng. Nêu ra các giải
pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tăng cường thu
hút và nâng cao hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm thúc đầy kinh tế - xã hội ở
Hải Dương nhanh và bền vững.
Kết quả nghiên cứu của luận có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan
nghiên cứu, hoạch định chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và có thể được dùng làm
tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập các chuyên đề kinh tế liên
quan đến đề tài của luận văn.
7. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội
dung luận văn gồm 3 chương, 7 tiết.
Chương 1: Lý luận về đầu tư trực tiếp nước ngoài và môi trường đầu tư.
Chương 2: Thực trạng môi trường đầu tư và tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
tỉnh Hải Dương giai đoạn 2005 – 2010.
Chương 3: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường
thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hải Dương.
Chƣơng 1
LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƢ TRỰC TIẾP
NƢỚC NGOÀI VÀ MÔI TRƢỜNG ĐẦU TƢ
1.1 Lý luận về đầu tƣ trực tiếp nƣớc ngoài
1.1.1 Đầu tư trực tiếp nước ngoài - hình thức đầu tư quốc tế
* Đầu tư nước ngoài là một quá trình trong đó có sự di chuyển vốn từ quốc gia này sang
quốc gia khác để thực hiện các dự án đầu tư nhằm thu lợi nhuận và các lợi ích khác ở các
nước nhận đầu tư.
Đầu tư nước ngoài có các hình thức chủ yếu:
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI – Foreign Direct Invesment)
- Đầu tư gián tiếp nước ngoài ( FPI - Foreign Portfolio Investment) – là hình thức đầu tư
gián tiếp xuyên biên giới, nó chỉ các hoạt động: viện trợ phát triển chính thức (ODA)
- Mua cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác (gọi tắt là đầu tư gián tiếp – FII)
thông qua thị trường chứng khoán và hình thức tín dụng quốc tế.
* Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là loại hình đầu tư mà các nhà đầu tư nước ngoài bỏ
vốn đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý điều hành, tổ chức sản xuất để thu lại lợi ích và
hoàn toàn chịu trách nhiệm về đồng vốn cũng như kết quả sản xuất kinh doanh của mình.
* Các hình thức FDI
Hiện nay ở Việt Nam có các hình thức FDI chủ yếu sau:
1. Doanh nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
2. Xí nghiệp/công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước
ngoài
3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT.
4. Đầu tư phát triển kinh doanh.
5. Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
6. Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.
7. Các hình thức đầu tư trực tiếp khác.
1.1.2 Đặc điểm và vai trò của FDI
1.1.2.1 Đặc điểm của FDI
- Thứ nhất, các chủ đầu tư phải đóng góp một số vốn tối thiểu vào vốn pháp định theo
quy định của luật đầu tư của từng quốc gia.
- Thứ hai, chủ đầu tư có quyền trực tiếp tham gia quá trình kinh doanh của xí nghiệp;
quyền này phụ thuộc vào mức độ góp vốn của chủ đầu tư đó.
- Thứ ba, lợi nhuận của các chủ đầu tư nước ngoài thu được phụ thuộc kết quả hoạt động
sản xuất kinh doành và tỉ lệ góp vốn.
1.1.2.2 Vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội
- Là động lực tăng trưởng kinh tế.
- Vốn đầu tư và cán cân thanh toán quốc tế.
- Chuyển giao và phát triển công nghệ.
- Phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm.
- Thúc đẩy xuất nhập khẩu và tiếp cận với thị trường thế giới.
- Liên kết các ngành công nghiệp.
- Các tác động quan trọng khác: Ngoài những tác động kể trên, FDI còn tác động đáng
kể đến các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế như: chất lượng môi trường, cạnh
tranh và độc quyển, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, hội nhập khu vực và quốc tế.
1.2 Môi trƣờng đầu tƣ
1.2.1 Môi trường đầu tư và các yếu tố cấu thành
1.2.1.1 Quan niệm về môi trường đầu tư
Có rất nhiều quan niệm khác nhau về môi trường đầu tư, có thể hiểu môi trường đầu
tư theo nghĩa chung nhất là tổng hòa các yếu tố bên ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư.
Có nhiều cách phân loại môi trường đầu tư song theo nhiều nhà kinh tế, môi trường đầu
tư có thể chia ra thành:
(1) – Môi trường cứng liên quan đến các yếu tố thuộc kết cấu hạ tầng giao thông
(đường xá, cầu cảng…), hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, hệ thống khu,
cụm công nghiệp…
(2) – Môi trường mềm: hệ thống dịch vụ hành chính, dịch vụ pháp lý liên quan đến
hoạt động đầu tư (nhất là các vấn đề liên quan đến chế độ đối xử và giải quyết các tranh
chấp, khiếu nại), hệ thống các dịch vụ tài chính – ngân hàng, kế toán, bảo hiểm Môi
trường mềm còn bao gồm cả các yếu tố về ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế,…
1.2.1.2 Các yếu tố cấu thành
- Một là, môi trường chính trị - xã hội và sự ổn định kinh tế vĩ mô.
- Hai là, độ mở của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Ba là các nguồn lực cho sự phát triển và sự hấp dẫn FDI bao gồm nguồn lực tự nhiên (vị
trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên), nguồn nhân lực.
- Bốn là kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
- Năm là qui mô và tiềm năng của thị trường.
- Sáu là môi trường pháp lý, các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính
1.2.2 Tác động của môi trường đầu tư đến thu hút FDI
- Môi trường đầu tư quyết định vốn đầu tư
Thứ nhất, môi trường đầu tư quyết định số lượng vốn đăng ký. Thứ hai, môi trường đầu
tư ảnh hưởng đến số lượng vốn thực hiện. Thứ ba, môi trường đầu tư ảnh hưởng đến số
lượng vốn FDI bổ sung.
- Môi trường đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và tốc độ giải ngân vốn FDI.
Chƣơng 2
THỰC TRẠNG MÔI TRƢỜNG ĐẦU TƢ VÀ
TÌNH HÌNH THU HÚT ĐẦU TƢ TRỰC TIẾP NƢỚC NGOÀI
TỈNH HẢI DƢƠNG GIAI ĐOẠN 2005 - 2010
2.1 Những lợi thế của Hải Dƣơng trong việc thu hút FDI
2.1.1 Thái độ chính trị trong việc tiếp nhận đầu tư và sự ổn định xã hội
Với phương châm “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính
mình ” - lãnh đạo tỉnh Hải Dương cam kết luôn nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư,
sát cánh cùng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đồng thời là chỗ
dựa vững chắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để
doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Ổn định chính trị: Là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng; dân số cơ
bản là dân tộc Kinh; không có đường biên giới; trình độ dân trí cao… nên Hải Dương
không xảy ra các vấn đề bất ổn chính trị như tranh chấp giữa các dân tộc, tôn giáo, chính
quyền; tình trạng dân biểu tình, chống đối việc xây dựng các nhà máy xí nghiệp có diễn
ra nhưng không phổ biến.
2.1.2 Nguồn lực tự nhiên
* Vị trí địa lý: Hải Dương thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiếp giáp với 6 tỉnh, thành phố:
Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hưng Yên, cách thủ đô Hà
Nội 56 km, cách Hải Phòng– cảng biển lớn nhất miền Bắc và thứ hai cả nước 49 km. Hải
Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vực kinh tế trọng điểm phía Bắc với
tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – khu vực có nhiều hoạt động kinh
tế diễn ra sôi nổi, hiệu quả.
* Tài nguyên thiên nhiên: Nằm trong khu vực đồng bằng Bắc bộ, như các tỉnh lân cận, tài
nguyên thiên nhiên ở Hải Dương không đa dạng về chủng loại nhưng lại có trữ lượng lớn
đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho phát triển công nghiệp.
2.1.3 Nguồn nhân lực
Xét về số lượng: cũng như các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Hải Dương là một tỉnh có dân
số đông. Dân số Hải Dương tính đến thời điểm 2009 là 1.706.808 người [5; tr.21] đứng
thứ 11/64 tỉnh thành và thứ 5 đồng bằng sông Hồng. Với kết cấu dân số trẻ nên Hải
Dương có một lực lượng lao động đông đảo - số dân trong tuổi lao động từ 15 đến 50 tuổi
là 1.326.068 người chiếm 77,6% dân số. Với tốc độ tăng dân số 0,97% năm [5,tr.7], lực
lượng lao động ở Hải Dương thường xuyên được bổ sung, đảm bảo nguồn cung lao động
cho mọi hoạt động kinh tế. Về chất lượng: người lao động Hải Dương vốn xuất thân từ
nông nghiệp nên cần cù, chịu khó, hiền lành, chất phác, ít bạo động, bạo loạn nên được
nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Song chất lượng lao động cũng có nhiều vấn đề cần
chú ý:
- Trình độ văn hóa: mặc dù thời gian gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo từ Trung
ương đến địa phương, trình độ văn hóa của người dân đã và đang từng bước được nâng
cao song vẫn chưa thực sự hấp dẫn.
2.1.4 Cơ sở hạ tầng
* Giao thông vận tải: Hải Dương có hệ thống giao thông với đầy đủ các loại hình giao
thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy, bảo đảm cho việc giao lưu kinh tế từ Hải
Dương đi cả nước và nước ngoài rất thuận lợi – đây chính là một ưu thế lớn của Hải
Dương so với các tỉnh bạn.
* Thông tin liên lạc: Trong những năm gần đây, mạng lưới thông tin liên lạc bao gồm:
bưu chính, điện thoại, điện tín, Internet ở Hải Dương đã không ngừng được mở rộng.
Tính đến năm 2009 toàn tỉnh có 396.123 thuê bao điện thoại ( 2000: 33.344 thuê bao điện
thoại), bình quân đạt 23,2 thuê bao trên 100 dân gấp hơn 10 lần năm 2000 là 2,0 thuê bao
trên 100 dân [5, tr.227].
* Hệ thống khu, cụm công nghiệp
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, hiện nay Hải Dương có 20 khu, cụm
công nghiệp: An Phú, Cộng Hòa, Cẩm Điền, Gia Tân, Hùng Thắng, Lai Cách, Nghĩa An,
Nhị Chiểu, Ninh Giang, Phú Thái, Phúc Điền, Phả Lại, Quán Gỏi, Tàu thủy Lai Vu, Tân
Trường, Tân Việt, Tuấn Hưng, Đại An, Đoàn Hồng, Việt Hòa – Kenmark… với diện tích
gần 5000 ha trong đó diện tích các khu công nghiệp là khoảng 4000 ha.
* Một số dịch vụ khác
- Hệ thống điện: Trên địa bàn tỉnh có Nhà máy nhiệt điện Phả Lại công suất 1040 Mw; hệ
thống lưới điện khá hoàn chỉnh, đảm bảo cung cấp điện an toàn và chất lượng ổn định;
trên địa bàn tỉnh có 7 trạm biến áp 110 kV dung lượng 353 MVA và 2.129 trạm biến áp
trung gian, phân phối, dung lượng 800,552 MVA, các trạm phân bố đều trên địa bàn tỉnh.
Sản lượng điện thương phẩm năm 2008 đạt hơn 1.516 triệu kWh…,. Lưới điện 110, 35
kV đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, phục vụ tốt nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Dương, giá điện sản
xuất ở Hải Dương là 744,74 VNĐ/kilowat trong khi mức trung bình là 796,24
VNĐ/kilowat, có tỉnh còn là 1231,13VNĐ /kilowat. Số giờ bị cắt điện trong tháng của
các doanh nghiệp đang hoạt động tại Hải dương là 10h/tháng, mức trung bình cả nước là
18h/tháng.
- Hệ thống tín dụng ngân hàng: Sự có mặt của hầu hết các ngân hàng đang hoạt
động trong lãnh thổ Việt Nam tại Hải Dương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh
nghiệp nước ngoài có thể tiến hành các giao dịch tín dụng ngân hàng một cách thuận lợi
nhất.
- Hệ thống thương mại khách sạn: Trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp nhà nước,
12 Hợp tác xã Thương mại, 54 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 20.298 cửa hàng kinh
doanh thương mại. Có 1 Trung tâm thương mại tại thành phố Hải Dương, là đầu nối giao
dịch và xúc tiến thương mại, thông tin, tiếp thị dự báo thị trường tư vấn môi giới đàm
phán ký kết hợp đồng
- Cơ sở y tế: mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật y tế từ tỉnh đến huyện được củng cố nâng
cấp đáp ứng nhu cầu cơ bản trong khám và chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay toàn tỉnh có
6 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 khu điều dưỡng, 1 khu điều trị bệnh phong và 13 trung tâm y tế
huyện, 6 phòng khám đa khoa khu vực, 236 trạm y tế xã phường.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng ở Hải Dương đạt 6.46/10 xếp thứ 2 sau
Vĩnh Phúc 6.49 trong các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
2.1.5 Quy mô và tiềm năng của thị trường
Với đặc điểm là một tỉnh đồng bằng dân số đông với 1,7128 triệu dân, mật độ dân số
1038 người/ km
2
, tỷ suất tăng dân số tự nhiên 9,7
00
0
, thu nhập bình quân theo đầu người
ở mức 17,9 trệu đồng/ người - cao so với cả nước [26]; Hải Dương không chỉ có khả
năng cung cấp một thị trường lao động lớn, ổn định mà còn là một thị trường tiêu thụ sản
phẩm lý tưởng với nhà đầu tư.
2.1.6 Môi trường pháp lý và thủ tục hành chính
2.1.6.1 Về thủ tục hành chính
Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Sở kế hoạch đầu tư và Ban quản lý các khu công nghiệp
tỉnh đã thực hiện các thủ tục đầu tư, quản lý hoạt động trong khu công nghiệp theo cơ chế
“một cửa, một đầu mối” tại Ban quản lý dự án các khu công nghiệp của tỉnh. Các ngành
căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý dự
án các khu công nghiệp giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư trong thời gian ngắn nhất
(kể từ ngày Nhà đầu tư nộp đủ hồ sơ hợp lệ).
2.1.6.2 Các chính sách đầu tư
* Chính sách hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng
Đối với dự án trong Khu công nghiệp: Nhà đầu tư được nhận mặt bằng triển khai dự
án ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Đối với dự án đầu tư tại các cụm công
nghiệp: Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương có liên quan triển khai công
việc giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư trong vòng 40 ngày, kể từ ngày cấp
Giấy chứng nhận đầu tư.
* Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển lợi
nhuận ra nước ngoài.
- Ưu đãi về mức thuế suất
Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, ngoài những ưu đãi chung theo quy định của chính phủ
nước CHXNCN Việt Nam, UBND tỉnh Hải Dương còn đưa ra một số chính sách ưu đãi
về thuế. Cụ thể từ 10 đến 20% tùy vào lĩnh vực đầu tư và thời gian đầu tư.
- Ưu đãi về miễn thuế, giảm thuế: theo quyết định của UBND tỉnh, nhà đầu tư được miễn
giảm thuể từ 2 đến 3 năm kể từ khi có thu nhập và được giảm 50% số thuế cho 3 đến 7
năm tiếp theo tùy từng lĩnh vực đầu tư.
- Ưu đãi lãi suất vay vốn và phí cung cấp các dịch vụ của Ngân hàng và các tổ chức tín
dụng
+ Ưu đãi lãi suất vay vốn và lãi suất cho thuê tài chính
Các dự án đầu tư vào KCN được các Ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn tỉnh cho
vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và cho thuê tài chính với lãi suất giảm 10% so với lãi suất cho
vay vốn và lãi suất cho thuê tài chính đối với khách hàng bình thường.
+ Ưu đãi phí cung cấp các dịch vụ Ngân hàng
Các Ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn tỉnh thu phí thanh toán qua ngân
hàng và các dịch vụ khác do ngân hàng cung cấp với mức thấp nhất trong khung phí hiện
hành do Ngân hàng cấp trên quy định; miễn thu phí dịch vụ tư vấn vay vốn và tư vấn xây
dựng dự án kinh tế khi ngân hàng tư vấn cho doanh nghiệp; giảm từ 10-15% mức phí
cung cấp thông tin phòng ngừa rủi ro.
* Chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương
Trên cơ sở nhu cầu lao động, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào
KCN được cung cấp lao động đã qua đào tạo trong trường hợp các doanh nghiệp có nhu
cầu đào tạo riêng, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo nghề trong nước cho một
lao động của địa phương nhưng tối đa không quá một triệu đồng cho một lao động trong
cả khoá đào tạo. Số tiền trên tỉnh sẽ cấp cho các Trung tâm dạy nghề của tỉnh để đào tạo
cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
* Chính sách ưu đãi về thông tin quảng cáo và khuyến khích vận động đầu tư vào
khu công nghiệp: (1) Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải
Dương được giảm 50% chi phí thông tin quảng cáo trên Đài phát thanh và truyền hình
Hải Dương và Báo Hải Dương, thời gian 03 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động. (2)
Tỉnh sẽ tạo điều kiện về kinh phí và thời gian cho các ngành các địa phương, ban Quan lý
khu công nghiệp cùng với Công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tổ chức vận động
các nhà doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp. (3)Thưởng
01 lần cho tổ chức, cá nhân vận động được nhà doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp
khi dự án đi vào hoạt động.
* Giá thuê đất
UBND Tỉnh đã đưa ra mức giá thuê đất thích hợp cho nhà đầu tư mặt khác thời hạn cho
thuê cũng được kéo dài. Chi phí về đất đai (giá năm 2008):
- Trong KCN: Giá thuê đất có cơ sở hạ tầng khoảng 45 – 55 USD/m
2
tùy từng vị trí
cho 47 - 49 năm, điều kiện và phương thức thanh toán theo thoả thuận giữa nhà đầu tư
với công ty phát triển hạ tầng KCN; Phí bảo dưỡng kết cấu hạ tầng 0,3 USD/m
2
/năm.
Đơn giá này ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là 100 – 150 USD/m
2
cho 38 – 44 năm.
- Ngoài KCN: Giá thuê đất của các dự án nằm ven Tỉnh lộ khoảng 0,4 USD/m
2
/năm; Giá
thuê đất của các dự án nằm ven Quốc lộ khoảng 0,45 USD/m
2
/năm; Tiền bồi thường hỗ trợ
đất khoảng 04 USD/m
2
.
* Các hoạt động xúc tiến đầu tư
Hoạt động xúc tiến đầu tư luôn được lãnh đạo chính quyền tỉnh Hải Dương quan tâm. Hiện
nay chính quyền tỉnh mới tổ chức xúc tiến đầu tư dưới các hình thức như: Qua Wedsite của
tỉnh www.haiduong.gov.vn và website www.khucongnghiephaiduong.vn.
2.2 Tổng quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dƣơng
2.2.1 Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Kinh tế tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu chuyển dịch tích cực, tổng sản phẩm trong
tỉnh luôn tăng cao hơn cả nước. Trong 3 năm từ 2006 - 2008 tổng sản phẩm tăng từ 8.440
tỷ đồng lên 11.532,6 tỷ đồng, tăng bình quân 10,95%/năm (Mục tiêu tăng 11,5%/năm).
- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) năm 2010, ước đạt 30.732 tỷ đồng (theo giá
thực tế) và 13.436 tỷ đồng (theo giá so sánh 1994), tăng 10,1% so với năm trước (năm
2009 tăng so với 2008 là 6,0%).
- Qui mô nền kinh tế năm 2010 gấp 2,3 lần năm 2005. GDP/người năm 2005 đạt 8 triệu
đồng, năm 2006 là 9,0 năm 2007 là 10,5 triệu đồng, năm 2008 là 13,5 triệu đồng; 2010 là
17,9 triệu đồng (tương đương 530; 563; 653;794 và 964 USD).
- Cơ cấu kinh tế theo ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây
dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cơ cấu Nông nghiệp - thuỷ sản; Công
nghiệp - xây dựng; dịch vụ năm 2005 là 27,1% - 43,6%- 29,3%, năm 2010 đạt 23% -
45,4% - 31,6%.
2.2.2 Tình hình phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch,
xuất nhập khẩu
* Tình hình phát triển công nghiệp
Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 22.158 tỷ đồng (giá so sánh
1994), tăng 14,0% so với năm 2009; trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm
3,5%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 27,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng
23,2% (cùng kỳ năm 2009 khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 6,6%; khu vực ngoài
Nhà nước tăng 11,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,6%).
* Tình hình phát triển nông nghiệp
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2010 (theo giá thực tế) toàn tỉnh ước đạt
11.290 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước. Trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp
và thuỷ sản theo giá thực tế, nông nghiệp đạt 10.144 tỷ đồng, chiếm 89,8%; lâm nghiệp đạt
48 tỷ đồng, chiếm 0,4%; thuỷ sản đạt 1.098 tỷ đồng, chiếm 9,8%.
* Cân đối thương mại
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước đạt 1.043 triệu USD, tăng 36,5% so với
cùng kỳ, nhập khẩu ước đạt 1.077 triệu USD, tăng 46,3%.
2.2.3 Tình hình thu chi ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010, ước đạt 4.342 tỷ đồng, tăng 5,8% so
với cùng kỳ năm trước, trong đó, thu thuế xuất, nhập khẩu qua cơ quan Hải quan ước đạt
600 tỷ đồng, bằng 240% dự toán năm, giảm 4,2%; thu nội địa 3.742 tỷ đồng, tăng 7,6%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 5.951 tỷ đồng, tăng 50,5% so với dự toán năm,
trong đó chi thường xuyên tăng 16,1%, chi đầu tư phát triển tăng 122,9% (do chuyển
nguồn từ năm trước).
2.3 Đánh giá đầu tƣ trực tiếp nƣớc ngoài ở Hải Dƣơng dƣới tác động của môi
trƣờng đầu tƣ
2.3.1 Quy mô và tốc độ tăng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Hải Dương đã đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư nước ngoài; tính
đến 31.12.2009 đã có 239 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ,
với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2490 triệu USD (ngoài khu công nghiệp là 108 dự án với
số vốn 893,13 triệu USD, trong khu công nghiệp là 95 dự án với số vốn 1596,9 USD);
đứng thứ 17 trong số các địa phương trong cả nước.
Doanh thu năm 2010 của khu vực FDI tỉnh Hải Dương đạt 1764,5 triệu USD, trong đó
doanh thu xuất khẩu đạt 1,096 tỷ Đô la Mỹ, chiếm 96% tổng kim ngạch xuất khẩu trên
địa bàn tỉnh; tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong GDP của tỉnh chiếm 17,8%; thu
hút được 85.000 lao động trực tiếp; thu ngân sách đạt 97 triệu Đô la Mỹ, chiếm 42,4%
tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 221 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 23
quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.162,3 triệu USD (ngoài KCN
là 114 dự án với số vốn 3.396,4 triệu USD, trong KCN là 107 dự án với số vốn 1.765,9
triệu USD). Tổng vốn đầu tư thực hiện của các Doanh nghiệp FDI đạt 1.895,3 triệu USD,
đạt 36,7% tổng vốn đầu tư. Thu hút trên 98.000 lao động trực tiếp tại các Doanh nghiệp
cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác [18].
Đặc biệt trong 8 tháng năm 2011, cả nước có 43 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực
tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó Hải Dương dẫn đầu về vốn đăng ký với 2,5 tỷ
USD, chiếm 32,4% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh với 1, 65 tỷ
USD, chiếm 20,8%; Bà Rịa – Vũng Tàu với 780 triệu USD, chiếm 6,3%; Hà Nội với 428
triệu USD, chiếm 5,6%
2.3.2 Cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài
2.3.2.1 Phân theo lĩnh vực đầu tư
Xét theo khu vực kinh tế, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng vẫn là lĩnh vực được quan
tâm thu hút đầu tư nước ngoài, chiếm 88,5% vốn đầu tư đăng ký tại Hải Dương với 177
dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,29 tỷ Đô la Mỹ
Xét theo một số ngành kinh tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hải Dương tập trung
vào các ngành: may mặc với 38 dự án; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính 20 dự
án; sản xuất các sản phẩm từ kim loại 18 dự án; sản xuất nhựa, cao su 17 dự án; thực
phẩm, đồ uống 14 dự án; thiết bị điện 12 dự án; sản xuất máy móc 10 dự án; vận tải, kho
bãi 9 dự án, dệt 8 dự án… Hầu hết các dự án đầu tư vào các nhóm ngành này ở quy mô
vừa và nhỏ. Tuy có số dự án ít ,chỉ 3 dự án nhưng nhóm ngành sản xuất các xe có động
cơ lại có quy mô lớn (khoảng gần 60 triệu USD/dự án).
2.3.2.2 Phân theo đối tác đầu tư
Hải Dương hiện có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư. Liên tục trong nhiều
năm liền Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, là những quốc gia có nhiều vốn đầu tư vào
tỉnh Hải Dương nhất, lưọng vốn đầu tư vào Hải Dương từ các nước này chiếm tỷ trọng
lớn.
2.3.3 Đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài với tăng trưởng và phát triển kinh tế -
xã hội ở Hải Dương và những vấn đề đặt ra
2.3.3.1 Đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài với tăng trưởng và phát triển kinh tế -
xã hội ở Hải Dương
* Tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh
Thu hút và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế (GDP) của Tỉnh giai đoạn gần đây đạt tốc độ tăng bình quân 10,5%/năm, vượt
mục tiêu đề ra là 9- 10%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Giai đoạn tới Hải
Dương đang phấn đấu để đạt mức tăng trưởng 12 % / năm. Cùng với sự phát triển công
nghiệp là việc thúc đẩy nhanh việc cải thiện và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng,
hình thành các khu, cụm dân cư thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá thành phố. Có thể
nói FDI tại Hải Dương đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội,
từng bước góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt đô thị thành phố.
* Tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ hoá, hiện đại hoá.
Trên thực tế, tại Hải Dương, đầu tư nước ngoài là một trong những nhân tố, giải pháp
thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá.
* Tác động đến việc làm và chất lượng lao động
Việc thu hút vốn đầu tư đã tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp
phần ổn định tình hình an ninh - xã hội trên địa bàn. 5 năm qua, đã tạo thêm việc làm mới
cho 120.000 lượt người lao động - tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 1996 - 2000, góp phần
giảm tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị xuống còn 5,5% và thời gian lao động nông thôn tăng lên
80% vào năm 2005.
* Thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng
tiên tiến.
Việc tiếp nhận thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại rất cần thiết và quan trọng, là cơ sở
để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cũng như nâng cao trình độ công
nghệ của nền kinh tế vì các nhà đầu tư nước ngoài bao giờ cũng đặt vấn đề lợi nhuận cao
và thu hồi vốn nhanh làm mục tiêu hàng đầu.
* Tạo và tăng thu ngân sách cho tỉnh
Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã
và đang là nguồn thu quan trọng, đóng góp vào việc gia tăng nguồn thu Ngân sách, tạo khả
năng chủ động hơn trong việc cân đối Ngân sách của tỉnh Hải Dương.
* Mở rộng thị trường xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu.
Trong số các doanh nghiệp có vốn FDI tại tỉnh Hải Dương, hiện có hang chục doanh
nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.Các doanh nghiệp này góp phần quan trọng vào việc mở rộng
thị trường Quốc tế và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương.
* Tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường
Một điều có thể để nhận thấy rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động
có hiệu quả hơn các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước. Chủ
trương của Nhà nước là tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp là rất đúng đắn, tạo ra
thế cạnh tranh trên thị trường cho các doanh nghiệp. Khi quyền lợi gắn với trách nhiệm
thì họ sẽ cố gắng làm tốt hơn và hiệu quả hơn.
2.3.3.2 Những vấn đề đặt ra
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể như trình bày ở trên, hoạt động đầu tư nước
ngoài tại địa phương vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế.
* Thứ nhất, cơ cấu đầu tư theo ngành, vùng lãnh thổ, đối tác còn chưa phù hợp yêu cầu,
định hướng phát triển của địa phương. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp,
thuỷ sản còn rất thấp (2,9%). Các dự án FDI vẫn tập trung chủ yếu ven Quốc lộ 5A trên
địa phận các huyện, thành phố thuận lợi về giao thông và kết cấu hạ tầng. Trong khi đó
một số huyện như: Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang thì chưa thu hút
được nhiều vốn đầu tư.
* Thứ hai, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên tổng lượng vốn đầu tư đăng ký còn thấp
(41,8%). Có tình trạng không thực hiện đúng quy hoạch được duyệt về xây dựng hạ tầng
KCN như: chậm xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý chất thải, nước thải; xây
dựng hệ thống giao thông không đủ kích thước được duyệt. Một số doanh nghiệp triển
khai chậm gây lãng phí đất đai, hoặc chưa thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp về
quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, các nghĩa vụ về thuế, bảo vệ môi trường;
tỷ lệ nội địa hoá các chi tiết trong sản phẩm của một số doanh nghiệp còn ít và tăng
chậm…
Chƣơng 3
PHƢƠNG HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN
MÔI TRƢỜNG ĐẦU TƢ NHẰM TĂNG CƢỜNG THU HÚT
ĐẦU TƢ TRỰC TIẾP NƢỚC NGOÀI Ở HẢI DƢƠNG
3.1 Mục tiêu và phƣơng hƣớng thu hút đầu tƣ trực tiếp nƣớc ngoài ở Hải
Dƣơng giai đoạn 2011 – 2020
3.1.1 Bối cảnh thu hút FDI vào Hải Dương giai đoạn 2010 – 2020
Giai đoạn 2010 – 2020 là giai đoạn tiếp tục thực hiện bước hội nhập sâu rộng với
thế giới.
Việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Hải Dương sẽ có những cơ hội
và thách thức mới.
Thứ nhất, với việc trở thành thành viên WTO, Việt Nam có lợi thế hơn trong cạnh
tranh thu hút FDI, dòng FDI vào Việt Nam sẽ tăng nhanh trong giai đoạn tới.
Thứ hai, cạnh tranh giữa các địa phương nhất là giữa Hải Dương với các tỉnh như Hưng Yên,
Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc trong việc thu hút FDI ngày càng tăng.
Thứ ba, Cạnh tranh giữa các địa phương trong việc thu hút lao động bao gồm cả lao động
phổ thông và lao động có chuyên môn kỹ thuật cao.
Thứ tư, do những ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội,
Hải Phòng, Quảng Ninh (theo lý thuyết phát triển vùng) nên Hải Dương chỉ có lợi thế
trong thu hút đầu tư phát triển nhà máy sản xuất công nghiệp mà không có lợi thế phát
triển thương mại và dịch vụ.
3.1.2 Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 – 2020
Về kinh tế
1. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 11%/năm, trong đó: Giá trị tăng thêm khu vực
nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 1,8%/năm. Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp, xây
dựng tăng 12,6%/năm trở lên. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 12,2%/năm.
2. Cơ cấu kinh tế Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản – công nghiệp, xây dựng - dịch vụ năm
2015 là: 19,0% - 48,0% - 33,0%.
3. Cơ cấu lao động năm 2015: nông, lâm, thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là
43% - 30% - 27%.
4. Giá trị xuất khẩu tăng bình quân 17%/năm trở lên.
5. Thu ngân sách nội địa tăng 15%/năm.
6. GDP bình quân đầu người vào năm 2015 đạt khoảng 1.800 USD.
7. Tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm đạt 145 -150 ngàn tỷ đồng.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng trong Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Hải Dương, đó là: Tiếp tục tạo
điều kiện cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu phấn đấu chủ yếu năm 2011
- Vốn đầu tư: 2.643,5 triệu USD (trong đó cấp mới 2.543,5 triệu USD, điều chỉnh tăng
vốn 100 triệu USD).
- Vốn đầu tư thực hiện : 330 triệu USD
- Doanh thu: 2.000 triệu USD
- Nộp ngân sách: 100 triệu USD
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng thu hút và duy trì sự phát triển FDI của Hải Dương
trong giai đoạn vừa qua; phân tích các cơ hội và thách thức; xu hướng chung của dòng
FDI quốc tế và cạnh tranh trong nước, các quan điểm để định hướng việc thu hút và duy
trì sự phát triển FDI giai đoạn 2007-2020 như sau:
- Tăng cường thu hút FDI nhằm góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội
của tỉnh.
- Thu hút FDI góp phần phát triển kinh tế cao đồng thời phải đảm bảo bền vững. Thu hút
vào lĩnh vực sản xuất nhưng không được huỷ hoại môi trường.
- Phát huy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, kết hợp phát triển kinh tế công nghiệp truyền
thống với phát triển công nghiệp có trình độ khoa học kỹ thuật, ưu tiên các dự án áp dụng
công nghệ mới, tiên tiến.
- Duy trì sự tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI để tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách
đầu tư thêm của các doanh nghiệp hiện tại và các doanh nghiệp mới.
3.2 Các giải pháp cải thiện môi trƣờng đầu tƣ để tăng cƣờng thu hút FDI ở Hải
Dƣơng
3.2.1 Nhóm giải pháp về công tác quy hoạch
* Các giải pháp điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
* Hoạch định cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực cụ thể phù hợp với
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Các giải pháp quy hoạch xây dựng
Quy hoạch và phát triển các KCN chuyên môn hoá do UBND tỉnh trực tiếp làm chủ đầu
tư.
3.2.2 Nhóm giải pháp về luật pháp, chính sách và cơ chế đầu tƣ
- Thực hiện cải Cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" trên một số lĩnh vực.
- Rút ngắn thời gian thẩm định dự án.
- Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các thủ tục hành chính, chi
phí, thời gian giải quyết công việc cần được công khai hóa
- Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, thực hiện cơ chế "một cửa" hiện nay tại Sở
Kế hoạch đầu tư mới thực hiện đến khâu trình dự án, các khâu sau đó sở không đủ chức
năng để quản lý.
3.2.3 Nhóm giải pháp về cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực.
3.2.3.1 Các giải pháp cải thiện kết cấu hạ tầng
- Kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng các KCN theo quy hoạch của tỉnh và
xúc tiến đầu tư.
- Thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
3.2.3.2 Các giải pháp nhằm thu hút lao động, đảm bảo nguồn nhân lực cho các doanh
nghiệp FDI.
- Phát triển các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp - dạy nghề.
- Đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề
- Đẩy nhanh quy hoạch và triển khai xây dựng khu nhà ở cho người lao động.
- Vận động doanh nghiệp tham gia giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động.
3.2.4 Các giải pháp liên quan đến xúc tiến đầu tư và thương mại
3.2.4.1. Thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại thuộc UBND tỉnh.
Việc thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại cho phép chuyên môn hoá, chuyên
nghiệp hoá các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại của tỉnh Hải Dương hiện nay. Việc
thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại cho phép tập trung được các nguồn lực
nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại.
3.2.4.2. Tăng cường tiếp cận và liên kết với nhà đầu tư chuyên nghiệp, các hiệp hội, đại diện
phòng thương mại và công nghiệp của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam.
Nhìn chung các địa phương ở Việt Nam ít sử dụng các công ty tư vấn chuyên nghiệp
trong tư vấn xây dựng các dự án đầu tư, thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư nước
ngoài. Việc sử dụng các nhà tư vấn chuyên nghiệp không chỉ giúp cho nâng cao chất
lượng của các dự án gọi đầu tư, gây được lòng tin của các nhà đầu tư mà còn là cơ hội tốt
để đào tạo nguồn nhân lực. Thông qua tiếp xúc, cùng làm việc với các nhà tư vấn chuyên
nghiệp cán bộ làm việc trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ tích luỹ được kiến thức,
kỹ năng và kinh nghiệm quý báu để nâng cao năng lực.
3.2.4.3. Xúc tiến đầu tư từ nhiều phía, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan trung
ương, chủ động tiếp cận với lãnh đạo tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) trong thu hút đầu
tư trực tiếp nước ngoài.
Xúc tiến đầu tư cần được thực hiện từ nhiều phía, đa dạng hoá các phương thức, cách tiếp
cận với các nhà đầu tư, đặc biệt quan tâm tiếp cận các tập đoàn công ty xuyên quốc gia -
TNCs, chú ý nắm bắt chiến lược kinh doanh và chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh
của các tập đoàn công ty xuyên quốc gia này để xây dựng các kế hoạch xúc tiến đầu tư
phù hợp, hiệu quả
3.2.4.4. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng trang web trong xúc tiến đầu tư và
thương mại.
Hải Dương được đánh giá là một trong những tỉnh tiên phong về Chính phủ điện tử, sử
dụng hiệu quả các kênh thông tin nội bộ cũng như công cộng. Trong thời gia qua tỉnh Hải
Dương đã sử dụng hiệu quả trang web trong việc quảng bá hình ảnh cũng như giới thiệu
các cơ hội đầu tư, giới thiệu điều kiện, môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp.
3.2.4.5. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại tại chỗ.
Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại tại chỗ là bước tiếp theo
trong quá trình xúc tiến đầu tư và thương mại của tỉnh Hải Dương. Các hoạt động xúc
tiến đầu tư và thương mại cần được gắn kết và lồng ghép với nhau. Quan tâm tới các hoạt
động xúc tiến thương mại cũng là biện pháp tích cực nuôi dưỡng sự phát triển của các
doanh nghiệp FDI.
3.2.5 Nhóm giải pháp khác
3.2.5.1 Các giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp địa phương thông qua phát triển
công nghiệp phụ trợ.
UBND Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, tương thích với chiến
lược đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Để thực hiện, Tỉnh cho rà soát lại
các cơ sở sản xuất các ngành phụ trợ tại các công ty Nhà nước, có cơ chế chính sách thích
hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ tại những cơ sở đã
có quy mô tương đối lớn.
3.2.5.2 Giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư về quảng bá giới thiệu hình ảnh, sản phẩm.
Hiện nay chính quyền tỉnh đang áp dụng linh hoạt các biện pháp hỗ trợ cho các doanh
nghiệp FDI như bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân như
đã nói ở trên đã tạo ra sự hấp dẫn thu hút FDI. Ngoài ra còn biện pháp hỗ trợ khác như hỗ
trợ nhà đầu tư quảng cáo khuyếch trương sản phẩm.
KẾT LUẬN
Từ kết quả nghiên cứu luận văn đi đến kết luận sau:
(1) Những năm gần đây, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2009,
việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Khó khăn này
theo một số nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế không chỉ là nguyên nhân chung của
cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp sản xuất,
cắt giảm đầu tư… mà là còn ở chính sách thu hút đầu tư chưa được hấp dẫn trong bối
cảnh cạnh tranh thu hút nguồn vốn này ngày càng gay gắt, đầu tư còn giảm hơn so với
trong khu vực. Những điều này liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường
hơn nữa lượng vốn FDI vào tỉnh.
(2) Môi trường đầu tư hiểu theo nghĩa chung nhất là tổng hòa các yếu tố bên ngoài liên
quan đến hoạt động đầu tư. Nó bao gồm: môi trường cứng liên quan đến kết cấu hạ tầng
kỹ thuật, môi trường mềm: các dịch vụ hành chính, pháp lý, tài chính – ngân hàng, kiểm
toán, kế toán…
Môi trường đầu tư hấp dẫn phải là môi trường đầu tư có hiệu quả đầu tư cao và mức độ
rủi ro thấp. Điều này lại chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố: sự ổn định chính trị - xã hội
và ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp lý, thủ tục hành chính, độ mở cửa của nền kinh
tế, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, cùng cơ
chế chính sách đầu tư…
(3) Qua việc phân tích cơ sở lý luận và tình hình môi trường đầu tư và ảnh hưởng của nó
đến việc thu hút vốn FDI, luận văn đã chỉ ra được:
- Trong những năm vừa qua Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện
môi trường đầu tư, có nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư: sự thuận lợi về vị trí địa lý, giao
thông vận tải; sự năng động của lãnh đạo tỉnh; lực lượng lao động đông đào; hệ thống cơ
sở hạ tầng đặc biệt là mạng lưới khu, cụm công nghiệp nhiều, đồng bộ và hiện đại; các
chính sách đặc biệt là chính sách liên quan đến đất đai thực sự hấp dẫn và tạo điều kiện
thuận lợi cho nhà đầu tư. Do đó, trong các năm qua Hải Dương đã thu hút được 221 dự
án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 5.162,3 triệu USD;
vốn thực hiện là 1.765,9 triệu USD. FDI đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh Hải Dương. Tuy vậy, môi trường đầu tư tại Hải Dương cũng còn nhiều điểm
hạn chế. Hạn chế lớn nhất là chất lượng lao động còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu
của nhà đầu tư, số lượng trường dạy nghề vừa yếu và thiếu; một số thủ tục hành chính
còn rườm rà, thời gian giải quyết thủ tục hành chính còn chậm…
(4) - Từ việc phân tích những điểm mạnh và điểm yếu trên, luận văn đã đưa ra
một số giải pháp cần thiết để góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Hải Dương.
Nhằm tăng cường thu hút FDI vào Hải Dương trong thời gian tới những giải pháp luận
văn đưa ra với tính hệ thống, toàn diện, phù hợp với thực tế nên có tính khả thi cao.
References
1. TS. Lê Xuân Bá (2006), Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với
tăng trưởng kinh tế Việt Nam, NXB Khoa học kỹ thuật Hà Nội, Hà Nội.
2. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (6-2010), Tổng điều
tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009 – Một số chỉ tiêu chủ yếu, NXB Thống
kê, Hà Nội.
3. Vũ Xuân Bình (2006), “Phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư
trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Giáo dục
lý luận (3), tr.35-39.
4. Cục đầu tư nước ngoài – Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – Tạp chí
doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (2008), 20 năm đầu tư nước ngoài – Nhìn
lại và hướng tới, NXB Tri thức, Hà Nội.
5. Cục thống kê Hải Dương (2010), Niên giám thống kê Hải Dương 2009, NXB
Thống kê.
6. PGS.TS Nguyễn Bích Đạt (2006), Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, NXB Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
7. Đại học quốc gia Hà Nội (chủ trì), GS.TS Nguyễn Kế Tuấn chủ nhiệm
(2010), Đề tài khoa học KX.04.09/06-10: Vấn đề sở hữu trong nền kinh tế thị
trường định hướng XHCN ở Việt Nam, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà
Nội.
8. Dương Mạnh Hải (2003), Cơ sở khoa học và các giải pháp nâng cao hiệu
quả kinh tế - xã hội của việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài trong quá trình thực hiện chiến lược hướng về xuất khẩu, Luận án Tiến
sĩ Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
9. Trần Thị Thu Hương (2005), “Hoàn thiện công tác quản lí nhà nước về đầu
tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế (10), tr. 3-
12; (11),tr.37-49
10. Đặng Đức Long (1998), Chính sách thu hút FDI ở các nước ASEAN 5 từ sau
khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, Luận án tiến sĩ kinh tế thế giới và quan
hệ kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội
11. Nguyễn Thị Mão (2001), Một số giải pháp nâng cao vai trò quản lý nhà
nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam Luận án tiến
sĩ Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
12. PGS. TS Ngô Quang Minh – TS Bùi Văn Tuyền (2008), “Kinh tế Việt Nam
sau một năm gia nhập WTO, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
13. GS.TS Dương Thị Bình Minh – Ths Nguyễn Thanh Thủy (7/2009), “Cải
thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI ở một số nước châu Á và các bài
học cho thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí phát triển kinh tế (225), tr. 15-17.
14. Ngân hàng thế giới (2006), Báo cáo phát triển thế giới 2005 – Môi trường
đầu tư tốt hơn cho mọi người, NXB Văn hóa – thông tin, Hà Nội.
15. Trần Quang Nam (2006), “Cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài ở
Bắc Ninh: Kết quả mang lại và một số giải pháp”, Tạp chí Kinh tế và dự báo
(3), tr. 11-18.
16. Nguyễn Văn Oanh (2006) , “Cải thiện môi trường đầu tư bắt đầu từ đâu?”,
Tạp chí Kinh tế và dự báo (1), tr. 44-45.
17. Sở kế hoạch và đầu tư Tỉnh Hải Dương (22/2/2011), “Phát biểu của đại diện
lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư vào tỉnh
Hải Dương”, website:
18. Sở kế hoạch đầu tư Tỉnh Hải Dương (2011) , Báo cáo tình hình FDI 9 tháng
đầu năm và dự kiến năm 2011 trên địa bàn tỉnh Hải Dương - Số: 1663/BC-
KHĐT-KTĐN, Hải Dương.