Đánh giá mức độ ô nhiễm Nicotin trong môi
trường khí nơi sản xuất thuốc lá và tác động
của nó đến sức khỏe người lao động
Bùi Thị Kiều Trang
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Khoa Môi trường
Luận văn Thạc sĩ ngành: Khoa học môi trường; Mã số: 60 85 02
Người hướng dẫn: PGS.TS. Đỗ Quang Huy
Năm bảo vệ: 2011
Abstract. Trình bày về nguồn gốc, cấu tạo và tính chất hóa lý của nicotin. Tìm hiểu
về thuốc lá, hiện trạng sản xuất và sử dụng thuốc lá trên thế giới và Việt Nam.
Nghiên cứu hàm lượng nicotin trong môi trường không khí của nhà máy sản xuất
thuốc lá. Xác định hàm lượng nicotin trong máu của người lao động làm việc tại các
bộ phận trong nhà máy sản xuất thuốc lá. Tìm hiểu mối liên quan giữa hàm lượng
nicotin trong không khí và hàm lượng nicotin trong máu với tình trạng bệnh lý của
người lao động.
Keywords. Khoa học môi trường; Ô nhiễm môi trường; Ô nhiễm không khí;
Nicotin; Người lao động
Content
Mở đầu
Thuốc lá là một trong những sản phẩm có số người sử dụng nhiều trên thế giới. Việc
sản xuất thuốc lá tuy không được khuyến khích nhưng ngày càng phát triển và mở rộng cùng
với sự gia tăng mạnh về thị trường tiêu thụ. Ngành công nghiệp thuốc lá đã mang lại lợi ích
không nhỏ về kinh tế cũng như xã hội cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, xét về mặt tác hại thì
thuốc lá là một ngành sản xuất có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Vào
năm 1998, R.A. Ehsay đã đề cập đến ảnh hưởng sinh học ở công nhân tiếp xúc nghề với bụi
thuốc trong quá trình sản xuất. Trong khói và bụi thuốc lá chứa trên 40 chất có khả năng gây
ung thư như nicotin, cacbon monoxit, các hợp chất vòng thơm… trong đó nicotin là thành
phần chính gây hại đến sức khỏe con người, nó là chất gây độc thần kinh rất mạnh, gây ảnh
hưởng đến da, phổi, tim mạch.
Trong quá trình sản xuất thuốc lá đã thải ra một lượng khói và bụi thuốc lá đáng kể
gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động tại nơi sản xuất. Với mong muốn tìm hiểu được
mức độ ô nhiễm và mối tương quan giữa nicotin trong môi trường khí nơi sản xuất thuốc lá
với sức khỏe người lao động, luận văn đã lựa chọn đề tài “Đánh giá mức độ ô nhiễm nicotin
trong môi trường khí nơi sản xuất thuốc lá và tác động của nó đến sức khỏe người lao động”
để có thể đưa ra lời cảnh báo về mức độ ảnh hưởng của nicotin trong không khí khu vực sản
xuất thuốc lá đến sức khỏe người lao động. Nghiên cứu của đề tài tập trung vào các nội dung
sau:
Xác định hàm lượng nicotin trong môi trường không khí của nhà máy sản xuất thuốc
lá.
Xác định hàm lượng nicotin trong máu của người lao động làm việc tại các bộ phận
trong nhà máy sản xuất thuốc lá.
Tìm hiểu mối liên quan giữa hàm lượng nicotin trong không khí và hàm lượng nicotin
trong máu với tình trạng bệnh lý của người lao động.
Chương 1. Tổng quan
1.1. Tìm hiểu về nicotin
Nicotin là một loại ankanoid bay hơi mạnh tìm thấy trong các cây họ Cà
(Solanaceae), chủ yếu trong cây thuốc lá, và với số lượng nhỏ trong cà chua, khoai tây, cà
tím và ớt Bell. Nicotin là tên gọi được đặt theo tên của một nhà ngoại giao người Pháp Nicot
(1530 - 1600), ông đã gửi thuốc lá và hạt của nó từ Bồ Đào Nha tới Paris vào năm 1550 và cổ
vũ cho các ứng dụng y tế của nó. Nicotin được các nhà hoá học người Đức, Posselt &
Reimann chiết xuất ra khỏi cây thuốc lá vào năm 1828. Công thức hoá học của nicotin được
Melsen miêu tả vào năm 1843, được A.Pictet và Crepieux tổng hợp lần đầu tiên vào năm
1893.
Cơ quan Kiểm soát Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp nicotin vào nhóm các
chất có tính chất dược lý gây nghiện chủ yếu, tương tự như các heroin và cocain. Nicotin rất
độc, trước hết nó là một chất độc thần kinh, ảnh hưởng lên các hệ thần kinh thực vật và hệ
thần kinh trung ương với sự có mặt của các thụ thể nicotin trên các cấu trúc não gây kích
thích và làm tê liệt hệ thần kinh.
Ngoài ra, nicotin còn ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn như: thay đổi huyết áp, tăng thể
tích tim, gây tổn thương hệ tim mạch, tác động trực tiếp lên cơ tim, thành mạch. Ảnh hưởng
tới quá trình cấu tạo tế bào máu. Gây đột biến gen, biến đổi chromosomal, mạng lưới
chromatit và các axit nucleic trong tế bào lympho của máu ngoại vi.
Nicotin có thể gây nhiễm độc hoặc gây tử vong (do hấp thụ bằng đường tiêu hóa).
Một điếu thuốc có từ 1 - 3mg nicotin, một giọt nicotin có thể gây chết một con thỏ hay một
con chó, 7 giọt nicotin làm chết một con ngựa, một giọt tiêm vào tĩnh mạch gây chết người.
Người lớn chết khi cơ thể hấp thụ 15 - 20 gam nicotin, trẻ em chỉ cần vài gam cũng có thể
gây chết vì nó tăng bệnh tim mạch, ung thư…. Nicotin làm cản trở đáp ứng thở của trẻ bình
thường, làm giảm các cảm thụ thể (ảnh hưởng đến việc báo động cho cơ thể tình trạng thiếu
oxi khi ngủ) ở trẻ, nhất là dưới 6 tháng tuổi, dẫn đến nguy cơ đột tử ở trẻ.
Nicotin là chất chủ yếu tác động lên não bộ, thay đổi tâm thế con người, gây cảm giác
thèm ăn, và sự tỉnh táo theo những cách mà con người tìm thấy sự thoải mái và có lợi.
Nicotin có khả năng gây nghiện cao, khi bị nghiện sẽ phải gắn bó với nó một cách
thường xuyên và càng ngày càng nhiều. Mỗi năm có khoảng 35 triệu người nỗ lực từ bỏ
thuốc lá. Tuy nhiên chưa đến 7% trong số này thành công trong việc cai nghiện với khoảng
thời gian nhiều hơn một năm, và hầu hết đều bắt đầu hút thuốc trở lại trong vòng vài ngày.
Đối với người mới hút thuốc, hệ phó thần kinh giao cảm bị kích thích, toát mồ hôi,
lạnh, buồn nôn, hạ huyết áp, tim đập nhanh, ngất lịm. Đối với người nghiện thuốc lá hay
người thu hoạch, phơi sấy thuốc lá, thuốc lào thường hay bị cháy bỏng thực quản, dạ dày,
chóng mặt, vã mồ hôi, run tay, đau bụng, rối loạn thị giác, tim đập nhanh, kích thích hệ giao
cảm, tăng huyết áp, suy nhược cơ thể, rối loạn cục bộ. Nicotin gây độc cấp tính do nhai thuốc
lá vì hấp thụ nước chất từ thuốc.
Nicotin trong cơ thể tích lũy lâu ngày gây nên co thắt phế quản, tăng nồng độ axit béo
trong máu gây nên xơ mỡ động mạch, tăng tiểu cầu, làm máu chóng đông, giảm lượng estrogen
trong máu làm mãn kinh sớm, gây nên tai biến như cơn đau, viêm động mạch, nhồi máu cơ tim.
- Tăng tác dụng của tuyến thượng thận trong thời gian đầu.
- Giảm sự sản xuất histamine.
- Thay đổi sự tổng hợp proteine và dự trữ serotonine.
- Gia tăng sự tập hợp tiểu cầu, gây hư hại tế bào biểu mô, gây biến đổi ở chuyển hóa
prostacyclin và thromboxane.
- Gây co mạch và gây thuyên tắc trên hệ thống mạch máu ngoại vi.
- Ức chế phản ứng viêm thông qua tác động của hệ thống thần kinh trung ương và ngoại
vi và thông qua tác động trực tiếp trên các tế bào miễn dịch.
- Nicotin kích thích dòng chảy canxi và gia tăng sự biệt hóa tế bào. Tương tự như hệ
thống thần kinh, dòng chảy canxi vào tế bào sừng của thượng bì thông qua các cấu trúc tiếp
nhận các truyền đạt thần kinh hướng điện giải sẽ là yếu tố quyết định trong thăng bằng nội
mô của da.
- Nicotin làm chậm lành vết thương: do làm giảm lượng máu đến da, gây thiếu máu
mô và làm chậm sự lành các mô bị chấn thương.
Thông thường công nhân tiếp xúc nghề nghiệp với nicotin trong các nhà máy sản xuất
thuốc lá, trong quá trình công nghệ: chế biến, sấy khô, lên men, cuốn điếu, đóng bao….
Nicotin xâm nhập vào cơ thể thông qua các con đường như: đường tiêu hóa, đường hô
hấp, qua. Khi nicotin được đưa vào cơ thể, nó được vận chuyển nhanh thông qua đường máu
và có thể vượt qua rào cản giữa máu và não. Kể từ khi hít vào nicotin mất trung bình 7 giây
để chạy tới não. Thời gian bán phân rã của nicotin trong cơ thể vào khoảng 2 giờ.
Nicotin nuốt vào dạ dày bị dịch vị axit ngăn cản sự hấp thụ, xuống ruột vào hệ thống
gan, nicotin bị phân rã trong gan bằng enzym cytochrome P450 (chủ yếu là CYP2A6, và
cũng có CYP2B6). Tại đây, 70% nó bị phá hủy ngay từ lần đầu đi qua. Cơ thể người có thể
đào thải nicotin ra nước tiểu dưới dạng cotinin với thời gian bán hủy kéo dài (20 giờ).
1.2. Tìm hiểu về thuốc lá, hiện trạng sản xuất và sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam
Tổ chức sức khỏe thế giới (năm 1990) đã đưa ra định nghĩa về cây thuốc lá như sau:
“thuốc lá là một loài cây độc, nhất là những lá già, có hàm lượng nicotin cao đóng vai trò là
hoạt chất chính của thuốc lá hay thuốc lào”.
Cây thuốc lá có nguồn gốc Nam Mỹ và có lịch sử trồng trọt cách đây khoảng 4000
năm, từ Nam Mỹ cây thuốc lá được đem đi trồng khắp nơi trên thế giới thuộc châu Á, châu
Mỹ, châu Âu, châu Phi.
Thuốc lá là tên gọi của một loại sản phẩm được làm chủ yếu từ nguyên liệu lá cây
thuốc lá đã thái sợi, được cuốn hay nhồi định hình bằng giấy, có dạng hình trụ (thường có độ
dài dưới 120mm, đường kính khoảng 10mm). Thuốc lá điếu thường được đốt cháy ở một
đầu, để cháy âm ỉ nhằm mục đích tạo khói và khói này theo dòng khí vào miệng người hút từ
đầu đối diện (thường có gắn đầu lọc). Một điếu thuốc lá có chứa từ 1mg đến 3mg nicotin.
Từ thế kỷ XIX, việc sử dụng thuốc lá đã trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu, với
quy mô lớn. Ngày nay, có khoảng 1,1 tỷ người trên thế giới hút thuốc lá. Trong số này, có
80% người hút thuốc sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, với số lượng 933 triệu
người và chỉ có 20% người hút thuốc sống tại các nước có thu nhập cao với khoảng 209 triệu
người.
Tỷ lệ hút thuốc theo vùng cũng rất khác nhau ở cả hai nhóm nam và nữ. Tuy nhiên, tỷ
lệ hút thuốc trong nữ giới có sự khác biệt rõ ràng giữa các vùng. Tại Đông Âu và Trung Á,
trong năm 2001 có 59% nam giới và 26% nữ giới hút thuốc, cao hơn tất cả các khu vực khác.
Tại Đông Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới khá cao ở mức 59% trong
khi tỷ lệ hút thuốc của nữ chỉ có 4%. Đi đôi với nó là tổng số điếu thuốc lá tiêu thụ bình quân
của một người trưởng thành cũng gia tăng. Theo số liệu thống kê, thế giới sản xuất ra 5,5
nghìn tỷ điếu thuốc lá mỗi năm.
Theo thống kê của WHO, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì sẽ có khoảng
10% dân số hiện nay nghĩa là vào khoảng 7,5 triệu người Việt Nam sẽ chết sớm vì các bệnh
liên quan đến thuốc lá, trong đó có 3,7 triệu người chết ở độ tuổi trung niên.
Số liệu ước tính mới đây (năm 2006) cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở nam giới ở Việt Nam
là hơn 49%. Trong số những người trẻ (từ 25 đến 45 tuổi) tỷ lệ hút thuốc thậm chí còn cao
hơn, khoảng 65%. Tuy tỷ lệ hút thuốc là thấp ở nữ giới dưới 2% nhưng nữ giới lại phải chịu
những tác hại của hút thuốc thụ động.
Thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chiếm 45% giá bán lẻ thuốc lá đã bao gồm thuế, thấp
hơn rất nhiều so với tỷ lệ 65 - 80% do Ngân hàng Thế Giới ghi nhận ở các nước có chính
sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Các chính sách kiểm soát thuốc lá như tăng thuế dường như
không có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể lên việc làm trong các ngành trồng và sản xuất thuốc lá.
Ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá năm 2006 là khoảng trên 49,2% ở nam giới, nhưng
dưới 2% ở nữ giới. Tỷ lệ này thấp hơn so với một thập kỷ trước đây khi có tới hơn 60% nam
giới và 4% nữ giới hút các sản phẩm thuốc lá, mặc dù mức giảm này chủ yếu xuất hiện trong
khoảng thời gian từ 1993 đến 1998.
Cuộc điều tra y tế thế giới tiến hành năm 2003 cho thấy tỷ lệ hút thuốc là 51,2% ở
nam giới và 2,8% ở nữ giới. Tỷ lệ hút thuốc được phân bổ đều giữa đô thị và nông thôn, mặc
dù người sử dụng thuốc lá ở các khu vực khác nhau có khuynh hướng sử dụng các loại sản
phẩm thuốc lá khác nhau. Trong số những người hút thuốc là nam giới trong năm 2001 -
2002, 69,1% chỉ hút thuốc lá, 23,2% chỉ hút thuốc lào, và 7,7% sử dụng cả hai loại. Ở thành
phố, trong tổng số nam giới thì tỷ lệ nam giới chỉ hút riêng thuốc lá chiếm 48,6%, chỉ hút
thuốc lào chiếm 3,8%. Trong khi đó ở nam giới nông thôn, 35,6% chỉ hút thuốc lá và 16% chỉ
hút thuốc lào.
Tỷ lệ hút thuốc thấp ở phụ nữ ở Việt Nam không hẳn đã bảo vệ được họ khỏi các tác
hại của khói thuốc. Trong năm 2001 - 2002, 63% hộ gia đình có ít nhất một người hút thuốc.
Tương tự như vậy, năm 2003, gần 60% học sinh tuổi thiếu niên nói rằng thường hay hít phải
khói thuốc thụ động ở nhà, trong khi 71% trẻ em dưới 5 tuổi sống trong các hộ gia đình có ít
nhất một người hút thuốc.
Ở Việt Nam, theo Báo cáo của Bộ Y tế (tháng 4 năm 2003), tỷ lệ người hút thuốc lá ở
nam chiếm 50% và ở nữ chiếm 3,4%, thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15 - 24 chiếm 26% cao
nhất châu Á. Trên 40% nam cán bộ y tế và 1,3% nữ cán bộ y tế hút thuốc lá. Thuốc lá giết
chết một nửa số người sử dụng nó, một nửa số này chết ở lứa tuổi trung niên.
1.3. Các phương pháp phân tích nicotin
Phương pháp quang phổ
Phương pháp sắc ký lỏng cao áp
Phương pháp sắc ký khí
Chương 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng được chọn là Nicotin trong không khí nơi sản xuất thuốc lá và khu vực
xung quanh; trong máu người làm trong môi trường sản xuất thuốc lá và người hút thuốc lá.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Với đối tượng nghiên cứu là nicotin trong môi trường không khí và nicotin trong máu,
lựa chọn phương pháp sắc ký khí với detectơ cộng kết điện tử (GC/ECD) và phương pháp sắc
ký khí khối phổ (GC-MS), phương pháp chiết lỏng - lỏng là các phương pháp chính sử dụng
trong nghiên cứu. Các phương pháp lựa chọn này cho hiệu suất và độ thu hồi cao, ngưỡng
phát hiện thấp, quy trình đơn giản; thiết bị sử dụng trong nghiên cứu thông dụng ở các phòng
thí nghiệm tại Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra luận văn còn sử dụng một số phương pháp như: Phương pháp chiết lỏng -
lỏng, các phương pháp lấy mẫu khí, mẫu máu
Thực nghiệm
Quá trình tiến hành thực nghiệm được thực hiện tại phòng nghiên cứu độc chất thuộc
Trung tâm Giáo dục và Phát triển sắc ký - Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Chương 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Xây dựng đường ngoại chuẩn của nicotin
3.1.1. Đường ngoại chuẩn xác định nicotin trong mẫu khí
Phương trình định lượng nhận được từ đường ngoại chuẩn để xác định nicotin trong
không khí có dạng:
y = 7886x + 37475, R
2
= 0,996
Trong đó: x là nồng độ của chất chuẩn nicotin (x10
-3
mg/mL)
y là số đếm diện tích píc trên sắc đồ
R là hệ số tương quan
3.1.2. Đường ngoại chuẩn xác định nicotin trong mẫu máu
Phương trình đường chuẩn có dạng:
y = 4E+07x - 154025, R
2
= 0,997
Trong đó: x là nồng độ nicotin (ng/mL)
y là số đếm diện tích píc của nicotin
R là hệ số tương quan
3.2. Phân tích nicotin trong không khí
3.2.1. Kết quả phân tích nicotin trong các mẫu khí lấy tại khu vực Trường Đại học
Khoa học Tự nhiên
Kết quả phân tích nicotin trong mẫu khí lấy tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
cho thấy, mẫu M1 và M2 không phát hiện ra nicotin, có thể là do thời tiết xấu, trời vừa tạnh
mưa, không có nắng, độ ẩm không khí cao, chưa có sự phân tán nicotin trong không khí nên
mẫu thu được không phát hiện ra nicotin trong kết quả đo.
Mẫu M4, M7, M5 cho thấy nồng độ nicotin tương đối lớn, trong đó mẫu M4 là lớn
nhất. Các mẫu này được lấy vào thời điểm từ 10 - 14 giờ và trời đang nắng và là lúc mùi
thuốc lá nồng nặc nhất. Thời điểm này là thời điểm nhà máy sản xuất và khi trời nắng, độ ẩm
không khí thấp nên trong không khí có nồng độ nicotin cao. Mẫu M4 xác định thấy nồng độ
nicotin cao nhất, vì vị trí lấy mẫu gần nhà máy thuốc lá Thăng Long hơn so với các vị trí lấy
mẫu khác.
Trong các mẫu khí lấy tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên xác định thấy nồng độ
nicotin dao động từ 0,0187 (M6) cho đến 0,1086 (M4).
Từ kết quả xác định nicotin trong các mẫu thực tế cho thấy, nồng độ nicotin trong
không khí nhỏ hơn so với Tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam (TCCP 3733/2002/QĐ-BYT
cho phép nồng độ nicotin trong không khí là 1,0 mg/m
3
) vì vậy mức độ mùi ứng với nồng độ
nicotin đã nêu vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, về lâu dài với nồng độ nicotin như vậy
cũng sẽ ảnh hưởng tới người lao động và người dân sống quanh nhà máy.
3.2.2. Kết quả phân tích tại khu vực sản xuất thuốc lá
Trong các mẫu nghiên cứu lấy tại cơ sở sản xuất, hàm lượng nicotin dao động rộng từ
0,015 mg/m
3
không khí (M22) đến 1,2 mg/m
3
không khí (M24). Như vậy, trong thực tế đã có
sự phát tán rộng nicotin trong môi trường không khí nơi có người lao động làm việc.
Mẫu M24 xác định thấy nồng độ nicotin cao nhất (1,2 mg/m
3
không khí), vượt quá
tiêu chuẩn cho phép (TCCP 3733/2002/QĐ-BYT cho phép nồng độ nicotin trong không khí
là 0,5 mg/m
3
), vì đây là mẫu lấy tại nơi có dây chuyền sản xuất thuốc lá thuộc công đoạn hấp
sợi. Do vậy sẽ làm phát thải ra nhiều chất khí độc hại trong đó có chứa nicotin, vì vậy kết quả
xác định nồng độ nicotin cao nhất.
Mẫu M22 xác định thấy nồng độ nicotin thấp nhất (0,015 mg/m
3
không khí), mẫu này
được lấy ở sân phía trước nhà hành chính, cách xa nơi sản xuất thuốc lá. Vị trí lấy mẫu ở sân
trước nhà hành chính thuộc phía cuối của hướng gió nên ít bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá
thải ra trong qúa trình sản xuất, vì nồng độ nicotin thấp. Nồng độ nicotin trong các mẫu khí
lấy trong khu vực nhà máy thuốc lá Thăng Long dao động rộng (từ 0,015 mg/m
3
không khí
đến 1,2 mg/m
3
không khí).
3.3. Hàm lượng nicotin trong máu người lao động
3.3.1. Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu được lựa chọn là 42 người, trong đó tỷ lệ nam và nữ chênh lệch
cao, tỷ lệ nữ chiếm 71,4%. Phần lớn nam công nhân đều hút thuốc trong giờ nghỉ giải lao và
sau ngày làm việc, vì vậy, phải loại bỏ họ khỏi nhóm đối tượng chọn để nghiên cứu.
Số đối tượng nghiên cứu có tuổi đời trong khoảng từ 42 đến 54 tuổi; nhóm có độ tuổi
từ 46 đến 50 chiếm tỷ lệ cao nhất 57,2%.
Tuổi nghề của các đối tượng được lựa chọn để nghiên cứu là khá cao, nằm trong
khoảng từ 24 đến 34 năm; trong đó có đến 83,3% đối tượng có tuổi nghề trong khoảng từ 26
đến 30 năm.
Cơ cấu tổ chức của nhà máy thuốc lá Thăng Long được xác lập gồm các phòng chức
năng và có 6 phân xưởng sản xuất, trong đó có 3 phân xưởng chính là phân xưởng Bao cứng,
phân xưởng Bao mềm và phân xưởng Sợi.
Số mẫu máu được lấy để phân tích xác định nicotin được lấy ở những người làm việc
tại Phân xưởng Bao mềm chiếm tỷ lệ cao nhất là 66,7%. Có sự chênh lệch về số lượng đối
tượng nghiên cứu là do: Phân xưởng Bao mềm là phân xưởng có quy mô lớn nhất trong nhà
máy. Phòng nguyên liệu có số người được lấy mẫu máu nhiều thứ 2, nhưng ở đây số người
được lấy mẫu chủ yếu là nữ giới.
3.3.2. Kết quả xác định nồng độ nicotin trong các mẫu máu của người lao động tại nhà
máy thuốc lá Thăng Long
Kết quả phân tích cho thấy nồng độ nicotin trong máu của 12 lao động nam làm việc
tại Nhà máy thuốc lá Thăng Long có nồng độ nicotin trong khoảng từ 0,06 đến 0,2 ng/mL.
Nồng độ nicotin trong máu của người lao động cao chủ yếu đối với những người làm
việc tại Phân xưởng Bao mềm. Mẫu M5 có nồng độ nicotin cao nhất là 0,2 ng/mL, đây là
mẫu máu của người làm việc tại phân xưởng bao mềm, có số năm công tác tại nhà máy là 28
năm và có tuổi đời là 46 tuổi.
Nồng độ nicotin trong máu của các lao động nữ cũng đã được xác định, kết quả phân
tích nêu ở Bảng 3.10; nồng độ nicotin trong các mẫu máu nằm trong khoảng giá trị từ 0,06
đến 0,38 ng/mL.
Đối với lao động nữ số mẫu máu có nồng độ nicotin ≥ 0,2 ng/mL là 10 mẫu, phần lớn
thuộc nhóm người làm việc tại Phân xưởng Bao mềm, trong đó có ba mẫu máu thuộc nhóm
người lao động làm việc tại Phòng nguyên liệu. Mẫu số 4 có nồng độ nicotin cao nhất (0,38
ng/mL) là mẫu máu của người lao động nữ làm việc tại Phân xưởng Bao mềm, có tuổi đời là
51, thâm niên công tác là 28 năm.
Do việc lấy mẫu máu phức tạp và gặp nhiều khó khăn nên chủ yếu tập trung lấy mẫu
máu của đối tượng nghiên cứu làm việc tại Phân xưởng Bao mềm, với khoảng độ tuổi giới
hạn trong khoảng từ 42 - 54 tuổi, thâm niên công tác nằm trong khoảng từ 24 - 34 năm.
3.3.4. Kết quả phân tích hàm lượng nicotin trong máu của 29 người điều trị bệnh tại Viện
Y học Cổ truyền Quân đội
Để có cơ sở so sánh nồng độ nicotin trong mẫu máu giữa người làm việc trực tiếp
trong nhà máy, tiến hành lấy mẫu máu của 29 người điều trị bệnh tại Viện Y học Cổ truyền
Quân đội. Đây là những người làm việc trong nhà máy thuốc lá và đã có các biểu hiện bệnh
lý về tim mạch, hô hấp, sạm da…,
Từ kết quả phân tích cho thấy nồng độ nicotin trong mẫu máu của những người đến
điều trị bệnh tại Viện Y học Cổ truyền Quân đội nằm trong khoảng từ 0,05 đến 0,75 ng/mL.
Trong đó, mẫu số 1 và mẫu số 77 có nồng độ nicotin cao 0,31 và 0,75 ng/mL thuộc người lao
động là nam giới, có tiền sử hút thuốc lá hàng ngày và không làm việc trong nhà máy sản
xuất thuốc lá. Có 3 mẫu có nồng độ nicotin lớn hơn 0,2 ng/mL, còn lại 26 mẫu có nồng độ từ
thấp hơn 0,2 ng/mL.
Mẫu máu của những người còn lại, mặc dù đã được Viện cho uống thuốc loại bỏ
nicotin ra khỏi cơ thể, nhưng vẫn khá cao so với những người không được uống thuốc đang
làm việc trực tiếp tại nhà máy sản xuất thuốc lá Thăng Long.
3.4. Đánh giá mối tương quan giữa nồng độ nicotin trong máu và bệnh tật của người lao
động
Nicotin xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường: qua đường hô hấp, qua đường tiêu
hóa, qua da. Cho dù đi vào cơ thể bằng con đường nào thì nicotin cũng đều gây ảnh hưởng
đến sức khỏe của người bị nhiễm nó với các mức độ khác nhau tùy thuộc vào nồng độ nicotin
có trong cơ thể.
Công nhân sản xuất thuốc lá làm việc trong nhà máy thuốc lá Thăng Long phần lớn
đều mắc bệnh về răng: sâu răng, viêm lợi.
Với người lao động có hàm lượng nicotin trong máu <0,2 ng/mL chưa thấy có triệu
chứng về tuần hoàn, các biểu hiện về thần kinh chiếm 6,67%, hô hấp chiếm 26,67%.
Số người lao động có hàm lượng nicotin ≥0,2 ng/mL có triệu chứng mắc các bệnh về
hô hấp là 58,33%, thần kinh là 41,67%, tiêu hóa là 16,67%, xuất hiện các triệu chứng về tuần
hoàn là 8,33%, sạm da 25%.
3.5. Một số ảnh hưởng của nicotin đến sức khỏe người lao động
Nhiễm độc mãn tính: là biểu hiện nhiễm độc nicotin nghề nghiệp ở các công nhân làm
việc trong nhà máy sản xuất thuốc lá, thường phải tiếp xúc với môi trường có nồng độ bụi
nicotin cao trong điều kiện vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân kém. Các biểu hiện của nhiễm
độc mãn tính:
+ Niêm mạc mắt, mũi, họng bị kích thích (chảy nước mắt, nhức mắt, giảm thị lực).
+ Có thể bị dị ứng ngoài da, móng tay mỏng, dễ gẫy, sạm da.
+ Rối loạn về tim mạch: rối loạn nhịp tim, huyết áp cao
+ Về thần kinh: run, đau đầu, mất ngủ, kém ăn, hay xúc động, trí nhớ giảm sút, dễ
quên, thính lực và thị lực giảm.
+ Về tiêu hóa: buồn nôn, ăn không ngon, khó tiêu, ợ chua, đau thượng vị.
+ Về hô hấp: viêm phế quản mãn tính, giảm thông khí phổi.
+ Xét nghiệm cận lâm sàng: Nicotin niệu cao. Đối với người không hút thuốc lá:
trên 0,3 mg/L. Đối với người hút thuốc lá: trên 1,2 mg/L.
3.6. Bàn luận về giải pháp làm giảm thiểu ảnh hưởng xấu của nicotin trong môi trường
khí đến người lao động
Trên thế giới đã xây dựng “Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá”, các quốc gia ký
Công ước cần có hành động thiết thực để giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con
người và môi trường sống. Hiện nay, ở Việt Nam đã xây dựng “Chính sách quốc gia phòng
chống tác hại của thuốc lá”, với nội dung như: Giáo dục sức khoẻ, điều chỉnh quy định về
thuế và giá thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng, tiến tới kiểm soát và giảm mức cung cấp các sản
phẩm thuốc lá, nhằm giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Năm 2011,
hưởng ứng phát động của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam Thủ tướng Chính phủ đã quyết
định phát động “Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá”, từ ngày 25/5/2011 đến ngày 31/5/2011.
Tuy nhiên, những nội dung trên chủ yếu nhằm vào các đối tượng sử dụng thuốc lá và
những người chịu ảnh hưởng từ khói thuốc của những người hút thuốc lá, còn sức khỏe của
người lao động tại nơi sản xuất thuốc lá thì hầu như chưa được đề cập và chưa có biện pháp
giảm thiểu nào được đưa ra.
Để giảm thiểu tác động của các chất phát tán vào không khí do sản xuất thuốc lá gây
ra và ảnh hưởng của nicotin có trong môi trường không khí nói riêng đến sức khỏe người lao
động nơi sản xuất thuốc lá cần phải có chiến lược và biện pháp cụ thể.
Đối với nhiễm độc nicotin mãn tính không có thuốc điều trị giải độc đặc hiệu do vậy
chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp với điều dưỡng nâng cao thể trạng.
Về dự phòng, cần lắp đặt các hệ thống thông hút gió có gắn với bộ phận hấp phụ khí
độc ở những nơi phát sinh hơi, bụi thuốc lá và đây chính là biện pháp hữu hiệu và quan trọng
nhất. Định kỳ tổ chức khám để phát hiện sớm tình trạng nhiễm độc nicotin nghề nghiệp ở
công nhân trực tiếp sản xuất, thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá.
Trong nhà máy cần có những nơi để công nhân thực hiện vệ sinh cá nhân tốt nhất sau
mỗi ca làm việc trước khi về nhà, áp dụng chế độ ăn giữa giờ, uống sữa theo quy định về bảo
hộ lao động cá nhân. Định kỳ theo dõi, giám sát nồng độ nicotin trong không khí để có giải
pháp khắc phục kịp thời làm giảm nồng độ nicotin trong không khí ở dưới mức tiêu chuẩn vệ
sinh cho phép (dưới 0,5 mg/m
3
không khí).
Kết luận
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thu được có thể rút ra một số kết luận sau:
1. Đã sử dụng phương pháp sắc ký khí với detector cộng kết điện tử (GC-ECD) và
detector khối phổ (GC/MS) để định lượng nicotin trong mẫu không khí và trong mẫu máu;
các phương pháp này cho kết quả xác định nicotin đáng tin cậy.
2. Đã tiến hành xác định nồng độ nicotin trong mẫu không khí lấy tại các phân xưởng
sản xuất của nhà máy thuốc lá Thăng Long và khu vực xung quanh. Nồng độ nicotin trong
không khí thuộc khu vực sản xuất thuốc lá nằm trong khoảng từ 0,015 đến 1,2 mg/m
3
, phần
lớn không vượt quá giới hạn cho phép (TCCP 3733/2002/QĐ-BYT là 0,5 mg/m
3
); nồng độ
nicotin trong môi trường không khí xung quanh nhà máy sản xuất thuốc lá Thăng Long là từ
0,0187 đến 0,1086 mg/m
3
, không vượt quá giới hạn cho phép
(TCCP 3733/2002/QĐ-BYT là
1,0 mg/m
3
).
3. Đã xác định nồng độ nicotin trong máu của 42 người lao động (12 nam, 30 nữ) làm
việc tại các phân xưởng khác nhau trong nhà máy thuốc lá Thăng Long, ở độ tuổi từ 42 đến
54, có thâm niên công tác từ 24 đến 34 năm. Nồng độ nicotin trong máu người lao động nằm
trong khoảng từ 0,06 - 0,38 ng/mL, nồng độ nicotin trong máu của lao động nữ cao hơn lao
động nam.
4. Xác định hàm lượng nicotin trong máu của 29 người điều trị bệnh tại Viện Y học
Cổ truyền Quân đội có uống thuốc loại bỏ nicotin ra khỏi cơ thể. Nồng độ nicotin trong máu
nằm trong khoảng 0,05 - 0,75 ng/mL. Chủ yếu các mẫu có nồng độ nicotin thấp hơn 0,2
ng/mL, các nồng độ này thấp hơn không đáng kể so với những người làm việc trong môi
trường sản xuất thuốc lá.
5. Bước đầu đánh giá mối liên quan giữa nồng độ nicotin trong máu với bệnh tật xuất
hiện ở người làm việc trực tiếp trong môi trường sản xuất thuốc lá, chủ yếu là các bệnh liên
quan đến: tim mạch, phổi, da, răng, hàm, mặt
Khuyến nghị
Để giảm thiểu tác hại của nicotin trong môi trường sản xuất thuốc lá đến sức khỏe
người lao động cần phải có chiến lược và biện pháp cụ thể.
Đối với nhiễm độc nicotin mãn tính không có thuốc điều trị giải độc đặc hiệu do vậy
chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp với điều dưỡng nâng cao thể trạng.
Về dự phòng, cần lắp đặt các hệ thống thông hút gió có gắn với bộ phận hấp phụ khí
độc ở những nơi phát sinh hơi, bụi thuốc lá và đây chính là biện pháp hữu hiệu và quan trọng
nhất.
Định kỳ tổ chức khám để phát hiện sớm tình trạng nhiễm độc nicotin nghề nghiệp ở
công nhân trực tiếp sản xuất, thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá.
Định kỳ theo dõi, giám sát nồng độ nicotin trong không khí để có giải pháp khắc phục
kịp thời làm giảm nồng độ nicotin trong không khí ở dưới mức tiêu chuẩn vệ sinh cho phép
(dưới 0,5 mg/m
3
không khí).
Trong nhà máy cần có những nơi để công nhân thực hiện vệ sinh cá nhân tốt nhất, áp
dụng chế độ ăn giữa giờ, uống sữa theo quy định về bảo hộ lao động cá nhân.
References
Tiếng Việt
1. Hoàng Mai Anh, Nguyễn Hoài An, Lê Thị Thu (2003), Thuốc lá và các bệnh liên quan,
NXB Y học, Hà Nội.
2. Hoàng Mai Anh, Lê Thị Thu, Trần Tuấn, Hoàng Văn Kinh (2004), Thuốc lá và chi tiêu
cho các nhu cầu cơ bản ở Việt Nam.
3. Lê Huy Bá (2008), Độc chất môi trường, NXB Khoa học và kỹ thuật.
4. Bộ Công nghiệp-Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (2001), Báo cáo tình hình thực hiện kế
hoạch năm 2000, số 132/LTVN-TC.
5. Bộ Công nghiệp (2006), Tình hình thực tế sản xuất và buôn bán thuốc lá, giai đoạn 2003 -
2005 và nửa đầu 2006, Hà nội.
6. Bộ Y tế (2000), Chính sách Quốc Gia phòng chống tác hại thuốc lá 2000 -2001.
7. Bộ Y tế (2003), Điều tra Sức khỏe Quốc gia Việt Nam (VNHS) 2001-2002, Hà nội.
8. Bộ Y tế - Ban phòng chống tác hại của thuốc lá (1999), Một số kết quả điều tra về tình
hình hút thuốc lá ở Việt Nam về các bệnh có liên quan, NXB Y học Hà Nội.
9. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (1998), Dược liệu, tr. 8-48.
10. Nguyễn Thị Thu Hiền, Hoàng Văn Kình, Đặng Vũ Trung, Nguyễn Tuấn Lâm (2010),
Thuế thuốc lá ở Việt Nam, Trung tâm Phân tích Chính sách và Kinh tế Y tế.
11. Hiệp hội thuốc lá Việt Nam (2011), Dự thảo: Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2010 và
định hướng nhiệm vụ năm 2011, Nha Trang.
12. Nguyễn Đình Hòe, Tạ Hoàng Tùng Bách (2004), Sổ tay hướng dẫn thực hiện chiến dịch
truyền thông môi trường, Cục bảo vệ môi truờng, Hà Nội.
13. Hà Huy Kỳ (1996), Nghiên cứu một số khía cạnh bệnh học bệnh nghề nghiệp và bổ sung
danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học công
nghệ cấp Bộ, tr. 21-25.
14. Hà Huy Kỳ, Vũ Khánh Vân (2001), Nghiên cứu ứng dụng phương pháp định lượng
cotinin trong nước tiểu. Xác định hàm lượng cotinin ở những người tiếp xúc nghề
nghiệp trong sản xuất thuốc lá và những người không tiếp xúc, Báo cáo tổng kết đề tài
khoa học công nghệ cấp Bộ.
15. Ngân hàng thế giới (2001), Ngăn chặn nạn dịch hút thuốc lá.
16. Vũ Xuân Phú, Đặng Vũ Trung, Nguyễn Hồng Hà (2005), Chi phí về khám chữa bệnh cho
những bệnh có liên quan đến thuốc lá, Đại học Y Hà Nội.
17. Lê Thị Thu (2005), Luận văn thạc sĩ khoa học, Cơ sở khoa học của truyền thông môi
trường trong giảm thiểu hút thuốc lá ở Việt Nam.
18. Trần Thu Thủy, Đào Ngọc Phong và cộng sự (1999), Thực trạng tiếp xúc bị động với khỏi
thuốc lá và ảnh hưởng của nó đến tình trạng sức khỏe của nhân dân tại hai phường nội
thành Hà Nội, NXB Y học.
19. Tổ chức Y tế Thế giới (2003), Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.
20. Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (2008), Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6682-
2008: Khói thuốc lá trong môi trường-Xác định nicotin và 3-etenylpyridin pha hơi
trong không khí-Phương pháp sắc ký khí.
21. Tổng cục Thống kê (1994), Điều tra Mức sống Việt nam (VLSS) 1992 - 1993, NXB
Thống kê, Hà nội.
22. Tổng cục Thống kê (2000), Điều tra Mức sống Việt nam (VLSS), 1992 - 1993, NXB
Thống kê, Hà nội.
23. Tổng cục Thống kê (2007), Niên giám thống kê Việt Nam 2006, NXB Thống kê, Hà nội.
24. Lê Trung (1987), “Nhiễm độc nicotin nghề nghiệp”, Bệnh nghề nghiệp, tập 1, NXB Y
học, tr.241-250.
25. Đào Hữu Vinh, Nguyễn Xuân Dũng, Trần Thị Mỹ Linh, Phạm Hoàng Việt (1985), Các
phương pháp sắc ký, NXB Khoa học Kỹ thuật, tr. 6-7.
26. Viện kinh tế kỹ thuật thuốc lá (2009), Tài liệu kỹ thuật công nghệ sản xuất thuốc lá-Phần
kĩ thuật công nghệ đại cương, Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, Hà Nội.
27. Phạm Hùng Việt (2005), Cơ sở lý thuyết của phương pháp sắc kí khí, NXB Khoa học và
kỹ thuật Hà Nội.
Tiếng Anh
28. Application Note - 650 of ThermoQuest Corporation, 9001 ISI Registered Company.
29. Centers for Disease Control and Prevention, World Health Organization. Global Youth
Tobacco Survey (GYTS) (2003), Atlanta: Centers for Disease Control and Prevention.
30. Efroymson D, Hoang M, Thu L, FitzGerald S, Jones L, Tuan T (2004), Tobacco over
Education - An Examination of Opportunity Losses for Smoking Households, Hanoi.
31. ERC Statistics International Plc (2006), The World Cigarette Market: The 2005 survey,
Suffolk.
32. Euromonitor (2007), Baisha Group. Local Company Profile series, London.
33. Euromonitor (2007), Saigon Cigarette Co, Local Company Profile series, London.
34. Euromonitor (2007), Cigarettes, Vietnam, Country Sector Briefing series, London.
35. Group Research and Development Centre (1980), British - American Tobacco Co-ltd
Southampton, Menthod for nicotine and cotinine in blood and urine, Report No: RD,
1737-C.
36. J.A. Apfel and H.McNair, in J.A. Rifks (editor), Procceedings of the Fifth International
Symposium on Capillary chromatography.
37. James L. Repace, Jennifer Jinot, Steven Bayard, Karen Emmons and S.Katharine
Hammond (1998), Air Nicotine and Saliva Cotinine as Indicators of Workplace Passive
Smoking Exposure and Risk, Risk Analysis, Vol 18, No 1, p. 72-83.
38. Kinh HV, Bales S (2003), Tobacco in Vietnam: The industry, demand, control policies
and employment. Economic, social and health issues in tobacco control, Report of a
WHO international meeting, Kobe: Centre for Health Development, World Health
Organisation.
39. K.S. Chia and H.P. Lee (1996), Occupational cancers, Occupational Medicine practice, p.
319-337.
40. Levy DT, Bales S, Lam NT, Nikolayev L (2006), The role of public policies in reducing
smoking and deaths caused by smoking in Vietnam: Results from the Vietnam tobacco
policy simulation model. Soc Sci Med; 62:1819-1830.
41. M. Granella, E. Priante, B. Nardini, R. Bono and E. Clonfero (1996), Excretion of
mutagens, nicotine and its metabolites in urine of cigarette smokers, Oxford University
Press, p. 207-211.
42. R.A. Ehsay, A.N.Bagwe, M.B.Mahimkar, S.C.Buck (1998), Biological monitoring of
Bidi industry workers exposed Occupational and Environmental Health, p. 36-37.
43. Ross H, Trung DV, Phu VX (2007), The costs of smoking in Vietnam: The case of
inpatient care, Tob Control; 16:405-409.
44. S.A. Al-Tamrah (1999), “Spectrophotometric determination of nicotine”, Analytica
Chimica (vol 379), pp. 75-80.
45. Tina M.Hernandez, Boussard and Pierr Hainaut (1998), Specific Spectrum of p53.
Mutation in lang cancer from smokers: Review of Mutations Compiled in the IARC
p.53 databases, Environmental health perspectives, p. 385-391.
46. United Nations Development Programme (2006), Human Development Report 2006:
Beyond Scarcity: Power, Poverty and the Global Water Crisis, New York.
47. World Health Organization (2004), Department of Measurement and Health Information,
Global Burden of Disease data, Geneva.