Giải pháp góp phần minh định
sự lãnh đạo của Đảng đối với
Nhà nước
Quá trình phát triển của Nhà nước và xã hội Việt Nam gắn liền
với sự lãnh đạo của Đảng. Ảnh:ST
Như một sự sắp đặt của lịch sử, năm 1930, Đảng ra đời lãnh đạo
nhân dân tiến hành đấu tranh cách mạng, đến năm 1945 lập nên
nước Việt Nam
Như một sự sắp đặt của lịch sử, năm 1930, Đảng ra đời lãnh đạo
nhân dân tiến hành đấu tranh cách mạng, đến năm 1945 lập nên
nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tiếp đó, suốt mấy chục năm,
Đảng đã lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc chiến tranh xâm lược,
đánh thắng thực dân, đế quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân
chủ nhân dân, giải phóng đất nước và thống nhất nước nhà. Giai
đoạn tiếp theo, Đảng lãnh đạo đất nước xây dựng chủ nghĩa xã
hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ
năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do
Đảng ta khởi xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất
quan trọng. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng
tiếp tục lãnh đạo Nhà nước và nhân dân Việt Nam thực hiện
những mục tiêu mới: đưa dân tộc Việt Nam sánh ngang với các
cường quốc trên thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời
hằng mong ước.
1. Phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước (và xã
hội) phụ thuộc vào nhiệm vụ chiến lược, đặc điểm của cách
mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử và là quá trình
phát triển từ thấp lên cao
Lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy, kể từ khi
Đảng ra đời cho đến nay, quá trình phát triển của Nhà nước và xã
hội Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Sự ra đời, tồn
tại và phát triển của Đảng ta là phù hợp với quy luật và thực tiễn
khách quan. Không những là ngọn đuốc trí tuệ soi đường, Đảng
còn nằm trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam; không
những là đội tiên phong của giai cấp công nhân, Đảng còn là mùa
xuân của dân tộc. “Không biết có nơi nào trên trái đất này, một
đảng chính trị lại được nhân dân thân thương gọi là Đảng ta như
ở Việt Nam?”(1). Đó là sự thật lịch sử và là vấn đề không cần
bàn cãi.
Tuy nhiên, cũng chính từ lý luận và thực tiễn ấy đã chỉ ra rằng,
phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là
một quá trình phát triển từ thấp đến cao, phụ thuộc vào nhiệm vụ
chiến lược của từng thời kỳ đấu tranh cách mạng, phụ thuộc vào
đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử. Những năm tháng đầu tiên
khi Đảng ta mới thành lập, Đảng ta phải hoạt động trong điều
kiện bí mật. Chính quyền thực dân phong kiến đã đặt Đảng ra
ngoài vòng pháp luật; chúng lùng bắt, giam cầm, tra tấn và giết
hại dã man biết bao cán bộ của Đảng. Bất chấp sự khủng bố tàn
khốc của địch, nhân dân ta được giác ngộ đã đi theo tiếng gọi của
Đảng để hoạt động và phục vụ cách mạng, nuôi giấu và bảo vệ
cán bộ của Đảng trong hầm bí mật, nhiều khi ở ngay tại nhà của
mình. Trong những năm tháng gian khó đó, Đảng đã lãnh đạo
nhân dân ta làm cách mạng bằng Cương lĩnh chính trị và các chủ
trương, chính sách hợp lòng dân; bằng tuyên truyền, vận động
thuyết phục, bằng tổ chức, bằng bạo lực cách mạng. Với những
cách thức đó, Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác, mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa tháng tám
năm 1945, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền
về tay nhân dân. Cương lĩnh, đường lối, chủ trương lãnh đạo của
Đảng cũng như chính bản thân Đảng trong thời kỳ này là đối
kháng sống còn với quyền lực của chính quyền thực dân phong
kiến, song lại phù hợp với lòng dân nên được dân ủng hộ, đã tạo
thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh
của thời đại, lớn mạnh hơn quyền lực của chính quyền thực dân
phong kiến và đã đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến. Vì
đối kháng sống còn với chính quyền thực dân phong kiến, nên
trong thời gian này, Đảng ta cần và phải tổ chức hệ thống của
riêng mình song song với hệ thống hành chính, kinh tế, văn hoá,
sự nghiệp để lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng nhằm đạp
đổ chế độ cũ, giành chính quyền về tay nhân dân (2).
Khi chính quyền đã về tay nhân dân, đường lối của Đảng được
thể chế hóa thành pháp luật, cán bộ của Đảng nắm giữ nhiều vị trí
trọng yếu của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Trong thời
kỳ này, bản thân Đảng cũng như quyền lực chính trị của Đảng là
thống nhất với bộ máy nhà nước và quyền lực nhà nước. Dưới sự
lãnh đạo của Đảng, sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh
thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhân dân ta đã lần lượt đánh
đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Mục đích của Đảng và cả hệ thống chính trị là xây dựng Việt
Nam thành một quốc gia độc lập, giàu mạnh, xã hội công bằng,
dân chủ, văn minh. Mục tiêu đó là không thay đổi, là sứ mệnh
lịch sử của Đảng, nhưng mỗi giai đoạn, mỗi bước đi cần có các
biện pháp thích ứng linh hoạt và phương thức lãnh đạo phù hợp.
Lúc bóng tối, khi công khai; sẵn sàng đối kháng sống còn với
địch, nhưng khi cần thiết, tự tuyên bố giải tán để rút vào hoạt
động bí mật (3). Đó chính là phương châm ứng phó “dĩ bất biến,
ứng vạn biến” đầy mưu lược của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh
khởi xướng (4).
Ngày nay, trong tiến trình đổi mới của cả hệ thống chính trị, từng
bộ phận của hệ thống ấy, trong đó Đảng là hạt nhân, rất cần sự
đổi mới. Mặt khác, mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền
XHCN của dân, do dân, vì dân tất yếu đặt ra những nguyên tắc và
yêu cầu mới trong mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng. Ngoài
ra, quá trình hội nhập sâu rộng của nước ta vào đời sống và các
diễn đàn quốc tế đã, đang và sẽ đặt ra các chuẩn mực mới về dân
chủ, về quyền con người, về quyền lực nhân dân… Tổng hợp các
yếu tố cho thấy rằng, tổ chức và hoạt động của Đảng, phương
pháp lãnh đạo của Đảng cần có những thích ứng mới: đồng bộ
với sự đổi mới của bộ máy nhà nước, tuân thủ các nguyên tắc,
các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, từng bước tiếp cận với
các chuẩn mực quốc tế. Trên nền tảng ý chí, nguyện vọng chính
đáng của nhân dân, tình hình thực tiễn của đất nước, nắm vững
quy luật khách quan, xu thế của thời đại, Đảng đề ra các quyết
sách khôn khéo, phù hợp. Đó chính là bản lĩnh và trí tuệ của
Đảng.
2. Minh định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước (và
xã hội) là xu thế hợp thời đại
Minh định hóa quyền lực chính trị là yêu cầu tất yếu của dân chủ
và là một xu thế phổ biến mang tính quốc tế. Hội nghị thượng
đỉnh Liên hợp quốc năm 2005 đã tuyên bố “Dân chủ là một giá
trị phổ quát. Nó không thuộc riêng về bất cứ một quốc gia hay
một vùng lãnh thổ, khu vực nào” (5). Tuyên bố Thiên niên kỷ của
Liên hợp quốc đã nêu rõ “Chúng tôi sẽ không từ nỗ lực nào nhằm
khuyến khích dân chủ và tăng cường chế độ pháp quyền” (6).
Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc (năm
1948)(7) đã khẳng định: “Nền tảng uy quyền của các quyền lực
công cộng là ý chí của nhân dân”. Việt Nam ngày nay đã tham
gia rộng rãi vào các diễn đàn quốc tế: thành viên của Hiệp hội các
quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thành viên của AIPO
/AIPA(8). Việc Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 là một sự
kiện đánh dấu quá trình hội nhập sâu rộng của nước ta vào đời
sống quốc tế. Do vậy, Việt Nam sẽ tích cực và chủ động thực thi
Hiến chương Liên hợp quốc, các Công ước quốc tế mà Việt Nam
đã ký kết, gia nhập, nhất là những vấn đề có tính nguyên tắc về
dân chủ, về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, trong đó có
nguyên tắc thừa nhận ý chí của nhân dân là cơ sở nền tảng của
quyền lực chính trị. Mặt khác, lý luận về tổ chức bộ máy nhà
nước, thể chế chính trị ở mỗi quốc gia nói chung, Việt Nam nói
riêng không thể không tính đến các thành tựu lý luận, kinh
nghiệm thực tiễn mà nhân loại đã đạt được trong quá trình đấu
tranh vì dân chủ. Tuy có sự khác nhau về quan điểm chính trị, về
bản chất giai cấp của từng chế độ nhà nước, các hình thức tổ chức
nhà nước phổ biến trên thế giới trong thời đại ngày nay vẫn chứa
đựng không ít yếu tố hợp lý (9). Nhất là nhìn từ góc độ quyền con
người, dân chủ, quyền lực nhân dân.
Vì thế, việc tiếp thu một cách cầu thị, có chọn lọc kinh nghiệm tổ
chức của các nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự là Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vừa có tính dân tộc, vừa có
tính hiện đại là việc nên làm. Tư duy mới đòi hỏi không chỉ khắc
phục tính lý luận chung chung, mà cần nhận diện được các yếu tố
nội hàm của từng vấn đề, để từ đó chuyển các nguyên tắc, các
vấn đề chính trị thành nội dung pháp lý (10). Đó là cách tiếp cận
cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Dưới góc độ khoa học, trong thời gian qua, có khá nhiều công
trình nghiên cứu khoa học đã đề cập về vấn đề này. Một số công
trình đã có kết luận chỉ rõ: vấn đề lý luận về Đảng cầm quyền, vai
trò, hình thức và phương pháp lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối
với tổ chức, hoạt động của Nhà nước, mặc dù đã và đang được
triển khai nghiên cứu ở nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn,
nhưng chủ yếu mới chỉ giải quyết được các vấn đề có tính khái
quát lý luận từ góc độ chính trị học mà chưa làm rõ được những
vấn đề cụ thể từ góc độ Nhà nước và pháp luật. Các vấn đề cụ thể
như mối tương quan giữa cấu trúc tổ chức các cơ quan của Đảng
với cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước ở các cấp từ trung ương đến
địa phương; các tiêu chí phân định sự lãnh đạo của các cấp ủy
đảng và quyền tự chủ, độc lập của các cơ quan nhà nước; cơ sở
pháp lý xác định quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức đảng
trong các hoạt động lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của
các cơ quan nhà nước ở các cấp, các vị trí, chức vụ trong bộ máy
đảng và bộ máy nhà nước cần xác định, bố trí theo những cơ sở,
tiêu chí nào…vẫn chưa được làm sáng tỏ và cụ thể từ bình diện
các nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước và việc thể
chế hóa chúng bằng pháp luật (11); “Không có quyền lực nhà
nước nào ngoài nhà nước. Quyền lực nhà nước là quyền lực duy
nhất của dân. Đảng lãnh đạo chính trị là lãnh đạo xây dựng quyền
lực nhà nước của dân, do dân và vì dân, chứ không phải đi tìm
một thứ quyền lực riêng nào cả” (12).
Nếu nhìn nhận dưới góc độ chính trị, Đảng chỉ rõ “Bộ Chính trị,
Ban Bí thư chưa dành thời gian và đầu tư thoả đáng cho việc
nghiên cứu, chỉ đạo đổi mới, cụ thể hoá phương thức lãnh đạo
của Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền” (13). Việc đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn chậm và lúng túng,
chậm nghiên cứu và ban hành những quy định cụ thể về phương
thức Đảng lãnh đạo Nhà nước; việc đổi mới chưa đồng bộ với đổi
mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Từ thực tiễn xây
dựng Đảng những năm qua, bài học kinh nghiệm chủ yếu qua 20
năm đổi mới, Đảng khẳng định: phải kiên trì đường lối đổi mới
và đổi mới toàn diện, tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường tổng kết
thực tiễn, nghiên cứu lý luận, kịp thời làm sáng tỏ hơn những vấn
đề bức xúc về Đảng cầm quyền và công tác xây dựng Đảng, chú
trọng nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn và sự mạnh dạn
khám phá, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học, nghiên
cứu lý luận. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa nâng
cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tính chủ động, sáng
tạo, tinh thần trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể
nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Khâu mấu chốt là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối
với Nhà nước ở các cấp từ trung ương đến cơ sở. Đảng tiếp tục
khẳng định: cần nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm
về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương
thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện (14).
Như vậy, có thể thấy rằng, định hướng nghiên cứu khoa học và
định hướng chính trị của Đảng đã đồng thời chỉ rõ rằng, trong
điều kiện và tình hình mới “cần tiếp tục hoàn thiện lý luận về
đảng cầm quyền, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước
và các tổ chức, đoàn thể xã hội, trong đó mối quan hệ Đảng và
Nhà nước là chủ yếu nhất” (15). Chính vì vậy, việc tường minh
vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là một yêu
cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
3. Bầu cử có vai trò hợp pháp hóa quyền lực chính trị
Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc (năm
1948) (16) đã khẳng định: “Nền tảng uy quyền của các quyền lực
công cộng là ý chí của nhân dân; ý chí này phải được thể hiện
qua các cuộc bầu cử thường kỳ và chân thực, được tổ chức theo
nguyên tắc bình đẳng, phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín hoặc
bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương” (Điều 21). Hiến
chương Paris cho một châu Âu mới tuyên bố: “ý chí của nhân dân
thông qua bầu cử tự do, công bằng và định kỳ là nền tảng cho
một nhà nước dân chủ” (17). “ý chí của nhân dân thông qua bầu
cử định kỳ và chân thực là nền tảng cho thẩm quyền và tính hợp
pháp của quyền lực nhà nước” (18). Tổ chức liên minh Nghị viện
quốc tế đã khẳng định: “Yếu tố then chốt của một nền dân chủ là
một chế độ bầu cử tự do và trung thực” (19). ý chí của nhân dân
thông qua các cuộc bầu cử theo những chuẩn mực hiện đại tự do,
tiến bộ và công bằng tạo tính hợp pháp và chính đáng nhất cho
quyền lực chính trị. Hiến pháp Cộng hòa Pháp khẳng định “Các
đảng phái và các tổ chức chính trị tranh giành quyền lực qua kết
quả bầu cử” (20).
Như vậy, ý chí của nhân dân là nền tảng quyền lực công cộng và
quyền lực nhà nước. Trong một hệ thống chính trị dân chủ, không
gì có thay thế được những cuộc bầu cử đại chúng có vai trò hợp
pháp hóa quyền uy của người đại diện. Chức năng thiết yếu của
các cuộc bầu cử là hợp pháp hóa uy quyền công cộng và cung cấp
những đại biểu dân cử với một sự uỷ nhiệm quyền lực đặc biệt
(21). Chế độ bầu cử được coi là “Phương thức chính thống thay
đổi quyền lực nhà nước” (22). J.Locke cho rằng chính quyền
được tạo dựng trên cơ sở sự bằng lòng của dân chúng; ở phía
ngược lại, ông kết luận: hành động của chính quyền không được
sự đồng lòng của dân chúng là không có giá trị hay không được
uỷ quyền. Sự hậu thuẫn của cử tri càng lớn, việc thực hiện quyền
lực của cơ quan dân cử sẽ càng thuận lợi (23). Cuộc bầu cử càng
bảo đảm chế độ phổ thông đầu phiếu, cử tri tham gia bầu cử càng
đông, ứng cử viên hoặc đảng phái chính trị trúng cử đạt độ tín
nhiệm càng cao, càng bảo đảm tính chính đáng. Tuy nhiên, cũng
cần thấy rằng không phải tất cả các cuộc bầu cử đều tạo tính hợp
pháp, tính chính đáng cho quyền lực nhà nước. Nếu như các cuộc
bầu cử không phản ánh ý chí của nhân dân thì bầu cử chỉ là “vỏ
bọc”, được mượn để hợp thức hóa quyền lực chính trị.
Lịch sử phát triển của các nhà nước trên thế giới đã trải qua nhiều
cách thức tổ chức chính quyền: truyền ngôi, thế tập, bằng các
hiệp ước, thỏa thuận, bằng sự chỉ định, bằng bầu cử…Trong thế
giới hiện đại, chính quyền thành lập không qua bầu cử (như các
cuộc đảo chính quân sự), bất luận dù nhằm mục đích gì (kể cả
được coi là chính đáng, như chính quyền cũ quá thối nát), thường
không được các quốc gia, các tổ chức quốc tế công nhận, hoặc có
chăng, sự thừa nhận mang tính dè dặt. Điều này có thể được giải
thích vì khi đó, chính quyền chưa được sự nhất trí của người dân.
Ngược lại, chính quyền được thành lập bằng các cuộc bầu cử tự
do, tiến bộ, công bằng được coi là hợp pháp và được cộng đồng
quốc tế thừa nhận.
Đối với nước ta, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
ra đời, Chính phủ lâm thời đã long trọng tuyên bố với thế giới
nước Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập, song chưa
được một quốc gia nào trên thế giới công nhận (24). Do vậy, tại
phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, mặc
dù trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh
tế, xã hội hết sức khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng
“Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân
dân tin tưởng thêm vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do
dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận
được” (25), “Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp
nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi
Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn
thể quốc dân. Sau hết cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp
cho nước Việt Nam một Hiến pháp, mới ấn định rõ ràng quyền
lợi của quốc dân và Chính phủ mới phá tan được hết những nghi
ngờ ở trong cũng như ở ngoài với chính quyền nhân dân” (26).
Rõ ràng, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 có ý nghĩa đặc biệt
đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam.
Nó mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có
một Quốc hội mới, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến
pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh
nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối
nội và đối ngoại. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có tính
chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân,
được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức
toàn dân kháng chiến và kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của
Việt Nam trên trường quốc tế (27).
Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước thống nhất. Để thực hiện
thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Hội nghị Hiệp thương
chính trị thống nhất Tổ quốc (từ 15-21/11/1975) đã quyết định tổ
chức Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra
Quốc hội chung cho cả nước. Quốc hội sẽ xác nhận thể chế nhà
nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định
Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất. Do vậy, Quốc hội
khóa VI do nhân dân cả nước bầu ra (vào ngày 25/4/1976) là
người đại diện hợp pháp cho nhân dân hai miền Nam, Bắc và
toàn thể dân tộc Việt Nam.
Như thế, kể từ khi nền dân chủ cộng hòa ra đời (2/9/1945) đến
ngày thống nhất đất nước và khi nhân dân hai miền Nam Bắc bầu
ra Quốc hội thống nhất (25/4/1976), mỗi cuộc Tổng tuyển cử có ý
nghĩa như những bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của vận
mệnh dân tộc Việt Nam. Chế độ bầu cử Việt Nam là công cụ
chuyển tải quyền lực chính trị thành quyền lực nhà nước trong
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bằng việc nhân dân chọn
và trao quyền lực cho người đại diện, trong đó có các đảng viên
trúng cử. Vì lẽ đó, chế độ bầu cử dân chủ không những là công
cụ bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, mà nó
còn có vai trò như "con dấu" xác nhận tính hợp pháp quyền lực
chính trị của Đảng.**
Trong giai đoạn hiện nay, trên nền tảng “quyền hành và lực
lượng đều ở nơi dân”, hệ thống chính trị nước ta vận hành theo
nguyên lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm
chủ”. Tuy nhiên, sự “hợp pháp hóa” của nhân dân lên quyền lực
của Đảng chưa được làm rõ, mà chỉ có chiều ngược lại. Các cơ
quan lãnh đạo của Đảng là do đảng viên bầu ra (cũng không phải
trực tiếp bầu ra ở tất cả các cấp). Nhân dân vẫn còn “đứng ngoài”
quy trình bầu, bổ, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, kiểm tra,
giám sát đúng nghĩa, vì hỏi ý kiến nhân dân (nếu có) cũng chỉ là
một kênh tham khảo, trong khi đó quyền lực đảng lại tác động
trực tiếp hàng ngày lên đời sống nhân dân (28); hệ thống tổ chức
Đảng vẫn song song với hệ thống chính quyền và tác động trực
tiếp lên hệ thống chính quyền. Do vậy, như trong Mục 2 đã phân
tích, việc tường minh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước
(và xã hội) ở nước ta hiện nay là yêu cầu nội tại của quá trình dân
chủ hóa và là xu thế hợp thời đại.
4. Giải pháp góp phần minh định vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước (và xã hội)
Từ những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, trong điều kiện
thể chế chính trị một đảng cầm quyền như ở nước ta, vai trò lãnh
đạo của Đảng cần phải thông qua các đảng viên đã trúng cử mà
nhân dân đã thừa nhận thông qua bầu cử. Các đảng viên được chế
độ bầu cử “đóng dấu” hợp pháp này là những “trạm” để chuyển
tải “ý Đảng” vào Nhà nước; qua bộ máy nhà nước và bằng pháp
luật đến toàn thể nhân dân Việt Nam. Với chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của các cơ quan dân cử trong bộ máy nhà nước, các
đảng viên “tinh nhuệ” được nhân dân lựa chọn này có vai trò như
những “cỗ máy” trong các “công xưởng” Quốc hội, Hội đồng
nhân dân và các vị trí bầu cử khác (trong tương lai, chế độ bầu cử
có xu hướng mở rộng đối tượng được bầu) để chuyển hóa đường
lối, chính sách của Đảng thành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của
Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp… Cần coi
đây là “kênh” chính thống và cơ bản nhất để thực hiện sự lãnh
đạo của Đảng đối với Nhà nước. Còn những những cơ cấu khác
của Đảng (không qua bầu cử), về mặt nguyên tắc, chỉ hoạt động
trong nội bộ Đảng, không nên trực tiếp chỉ đạo “sang” bộ máy
nhà nước.
Ở bất cứ giai đoạn nào, trong thời kỳ chính quyền chưa về tay
nhân dân hay chính quyền đã về tay nhân dân, luôn có một điểm
chung cơ bản: Đảng là ngọn đuốc soi đường, là trí tuệ dẫn lối;
phương pháp lãnh đạo của Đảng là vận động, thuyết phục, không
phải và không bao giờ là mệnh lệnh hành chính đối với Nhà nước
và xã hội (29). Trong thời kỳ đối kháng sống còn với chính quyền
phong kiến thực dân, phương pháp lãnh đạo chủ yếu của Đảng là
vận động, là giáo dục, thuyết phục, bằng biện pháp tổ chức, thì
không có lý do gì, trong điều kiện hòa bình, hệ thống chính trị
vững mạnh như hôm nay, Đảng lại không kế thừa và phát triển
lên một tầm cao mới.
Việc minh định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước (và
xã hội) theo giải pháp nêu trên mang lại nhiều ý nghĩa:
Thứ nhất, đây là cơ sở quan trọng cho việc khắc phục một trong
những bất cập lớn nhất của hệ thống chính trị nước ta hiện nay là
sự chồng chéo, bao biện của các tổ chức đảng, các cấp ủy đảng
với các cơ quan nhà nước (30). Có thể nói rằng, đây là vấn đề
được đề cập trong nhiều kỳ Đại hội cũng như nhiều diễn đàn
khác của Đảng trong thời gian qua, nhưng chưa có biện pháp giải
quyết khả dĩ. Hệ thống chính trị cũng giống như cơ thể con
người, mỗi bộ phận có chức năng nhất định; trùng lắp, chồng
chéo hoặc nhất thể hóa các chức năng khác nhau sẽ là thảm họa
cho hệ thống (31). Việc minh định này sẽ bảo đảm quyền chủ
động của Nhà nước theo đúng quan điểm của Lênin là Đảng lãnh
đạo Nhà nước nhưng không làm thay, bao biện Nhà nước (32).
Thứ hai, đây sẽ là biện pháp quan trọng để thực hiện dân chủ
trong Đảng. Thực chất, giải pháp trên là việc Đảng lãnh đạo
thông qua đội ngũ đảng viên “tinh nhuệ’ được nhân dân lựa chọn
trong bầu cử. Do đó, Đảng cần bảo đảm rằng, những người được
Đảng giới thiệu làm ứng cử viên trong các cuộc bầu cử phải là
những đảng viên ưu tú nhất. Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn
Kiệt đã rất đúng khi cho rằng “muốn có người hiền tài thì trước
hết trong Đảng phải có sự lựa chọn dân chủ để giới thiệu người
của mình ra ứng cử” (33). Người hiền tài chỉ có thể được “xuất
hiện” thông qua cơ chế lựa chọn dân chủ. Nếu một đảng cầm
quyền mà không tập hợp được những người ưu tú, để “đảng trí’
không cao bằng “dân trí”, thì rất dễ xảy ra hệ lụy Đảng sẽ dùng
quyền hành để lãnh đạo thay vì dùng khả năng thuyết phục và vai
trò tiên phong của mình (34). Trong điều kiện mới, công tác tổ
chức của Đảng cần đổi mới theo hướng: lãnh đạo không có nghĩa
phải* “giữ”* bao nhiêu* “chỗ” trong Quốc hội, Hội đồng nhân
dân và trong chính quyền. Vấn đề là ở chỗ: mỗi đảng viên làm
được gì trong các cơ quan đó (35). Suy cho cùng, đó là tôn trọng
sự lựa chọn của nhân dân trong một cuộc bầu cử dân chủ. Công
tác tổ chức cán bộ của Đảng nên đổi mới theo hướng: chọn lựa
những đảng viên mà nhân dân tín nhiệm để “dự kiến…”, thay cho
“ứng cử viên dự kiến giữ chức để đề cử…” (36) theo chu trình
“ngược” như hiện nay. Mặt khác, để đoàn kết, tập hợp và phát
huy sức mạnh của toàn thể các cộng đồng dân tộc Việt Nam trong
điều kiện mới, cần có cơ chế dân chủ, mở rộng quyền giới thiệu
ứng cử viên cho các tổ chức quần chúng, các lực lượng xã hội,
mở rộng thành phần đại biểu không phải là đảng viên để tạo sự
cạnh tranh trong quá trình bầu cử, chứ không nên chỉ là “Đảng
cử, dân bầu”. Người dân có quyền lựa chọn bất kỳ ai xuất sắc
nhất để đại diện cho mình. Rõ ràng, việc thay đổi tư duy theo
hướng này có ý nghĩa quan trọng để thực hiện dân chủ trong
Đảng. Mặt khác, đó còn là giải pháp quan trọng để đổi mới chế
độ bầu cử sang cơ chế tự do, công bằng và cạnh tranh; và như
một dây chuyền, cơ chế bầu cử cạnh tranh sẽ là tiền đề tạo cơ chế
phản biện, giám sát, cạnh tranh trong hoạt động của các cơ quan
dân cử.*
Thứ ba, số lượng đảng viên trúng cử sẽ phản ánh niềm tin của
nhân dân đối với các đảng viên và đối với Đảng. Nói cách khác,
kết quả của bầu cử không những là phương tiện pháp lý hợp pháp
hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, mà nó còn có tác dụng như một hệ
thống cảnh báo tích cực cho Đảng. Điều này giống như tác dụng
của hệ thống cảnh báo cháy nổ khi xây dựng một ngôi nhà. Khi
đổi mới sự lãnh đạo của Đảng theo hướng trên và chế độ bầu
được vận hành trên nền tảng của các nguyên tắc tự do, tiến bộ và
công bằng, cũng cần dự liệu có thể xảy ra trường hợp các ứng cử
viên của Đảng không được sự tín nhiệm của nhân dân. Trong
trường hợp đó, Đảng phải nghiêm túc xem xét về Đảng, như các
ứng cử viên mà Đảng giới thiệu có thực sự là đảng viên ưu tú hay
chưa? Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng thực hiện tốt
chưa? Vì sao nhân dân không lựa chọn ứng cử viên là đảng
viên?…
Kết quả bầu cử thông qua sự vận hành của một chế độ bầu cử dân
chủ là sự phản biện trung thực của nhân dân với Đảng, là thước
đo chính xác về niềm tin của nhân dân đối với các đảng viên và
về Đảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều kiện một Đảng
cầm quyền như ở nước ta. Tác dụng tích cực là ở chỗ, Đảng biết
được nhân dân muốn gì, đòi hỏi gì ở Đảng: nhân dân mất niềm
tin đối với một số đảng viên thoái hóa, biến chất hay nhân dân
muốn Đảng cần đổi mới. Đây chính là “kênh” phản biện xã hội
đáng tin cậy về uy tín, về vai trò, về cách thức lãnh đạo của
Đảng, bởi nó được “cân đong đo đếm” từ những lá phiếu mang
tính chính xác cao. Do vậy, điều này hoàn toàn phù hợp với chủ
trương của Đảng (37) và xu thế dân chủ hóa hiện nay. Mặt khác,
càng nhiều người ứng cử, nhất là người ngoài Đảng và trên nền
tảng bầu cử tiến bộ, công bằng, bản lĩnh chính trị của một chính
đảng càng có cơ hội thể hiện và khẳng định. Hơn nữa, tôn trọng
“luật chơi”, tôn trọng ý chí của nhân dân trong các hoạt động,
trong đó có bầu cử là văn minh ứng xử trong xã hội dân chủ. Bên
cạnh đó, kết quả bầu cử dân chủ hợp pháp hóa quyền lực chính trị
của Đảng sẽ là “phong vũ biểu” về niềm tin của nhân dân đối với
Đảng. Nếu Đảng lãnh đạo đất nước thu phục được niềm tin của
nhân dân, dân sẽ tin Đảng và đương nhiên sẽ bỏ phiếu cho Đảng.
Không có người dân nào lại không bỏ phiếu cho ứng cử viên, cho
một chính Đảng hết lòng phụng sự nhân dân; ngược lại, nhân dân
sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho những người, những lực lượng đi
ngược lại với lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Thứ tư, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ chính danh hơn, trí tuệ hơn
và ở một tầm cao mới: không những được nhân dân Việt Nam
suy tôn, mà còn được cộng đồng quốc tế công nhận. Cũng cần
chú ý rằng, với cách thức này: i) sự suy tôn của nhân dân Việt
Nam đối với Đảng là có cơ sở vững chắc, được tường minh bằng
những con số cụ thể trong kết quả bầu cử; và khi đó, sự lãnh đạo
của Đảng mới đích thực là sứ mệnh do nhân dân giao phó; ii) sự
lãnh đạo của Đảng sẽ được các quốc gia và các tổ chức quốc tế
công nhận. Cũng cần nói thêm rằng, nói về sự lãnh đạo của Đảng
hiện nay, đôi lúc và ở đâu đó vẫn có những “tiếng kèn lạc điệu”
được cất lên. Với giải pháp này, sẽ không còn lý do để những
tiếng kèn đó tiếp tục… cất. Như thế, có thể một số thế lực dù
không muốn, nhưng vẫn phải công nhận, bởi lẽ quyền lực đảng
được hợp pháp hóa theo chuẩn mực quốc tế. Không gì bằng
“trong ấm, ngoài êm”; đây sẽ là giải pháp quan trọng để kết hợp
sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần đưa hệ thống
chính trị nước ta (nói chung), Đảng ta (nói riêng) từng bước vận
hành theo chuẩn mực quốc tế, đánh dấu một “bước dài” trên con
đường “chuẩn hóa” mang tính quốc tế về quyền lực chính trị của
Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đưa nước ta “hòa nhịp cùng
bước tiến của thời đại”.
Tóm lại, tiến trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội cùng
với sự hội nhập sâu rộng của nước ta vào đời sống quốc tế, sự
lãnh đạo của Đảng cần thông qua các “trạm” chuyển là các đảng
viên đã trúng cử để “chuyển hóa” đường lối, chính sách của Đảng
thành pháp luật và qua pháp luật đến toàn thể xã hội. Những bộ
phận khác của Đảng không qua bầu cử, chỉ nên hoạt động trong
nội bộ hệ thống Đảng. Với cách thức ấy, sự lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước không những được nhân dân Việt Nam thừa
nhận (bằng kết quả bầu cử), mà còn được cộng đồng quốc tế thừa
nhận một cách “tâm phục, khẩu phục” trên cơ sở các chuẩn mực
quốc tế (cũng bằng bầu cử tự do, tiến bộ và công bằng). Trong
giai đoạn hiện nay, có lẽ đó là cách tốt nhất để minh định sự lãnh
đạo của Đảng đối với Nhà nước, làm tăng tính chính đáng về
quyền lực Đảng; đồng thời, đó cũng chính là giải pháp để nâng
cao hiệu quả, sức chiến đấu của Đảng, thúc đẩy mạnh mẽ công
cuộc đổi mới thực chất và toàn diện, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng
của nhân dân, đồng thời phù hợp với xu thế của thời đại.
(1) Nguyễn Văn An, Đảng của mùa xuân dân tộc, Tạp chí Xây
dựng Đảng điện tử,
/>ews_ID=10283624
(2) Nguyễn Văn An, Đảng của mùa xuân dân tộc, Tạp chí Xây
dựng Đảng điện tử,
/>ews_ID=10283624
(3) Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán vào tháng
11/1945. Theo: Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam
1946-1960, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.282.
(4) Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960,
NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.89.
(5) David Beetham, Parliament and Democracy in The twenty-
first century a guide to good practice, Inter-Parliamentary
Union, 2006, p.1.
(6) Mục tiêu thiên niên kỷ được những người đứng đầu Nhà nước
hoặc Chính phủ các nước tham gia ký kết, Chủ tịch nước Trần
Đức Lương thay mặt Việt Nam đã ký vào Bản cam kết này.
Xem: Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Việt
Nam thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Hà Nội,
8/2005, tr.94-100.
(7) Thông qua và tuyên bố theo nghị quyết số 217A (III) ngày
10/12/1948 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
(8) Tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam á-
AIPO; từ 1995 là Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các
nước Đông Nam á –AIPA.
(9) Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì
dân - Lý luận và thực tiễn, NXN. Chính trị Quốc gia, Hà Nội
2008, tr.292.
(10) Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Sđd,
tr.292, 293.
(11) Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Sđd,
tr.230.
(12) Hồ Văn Thông, Hệ thống chính trị* ở các nước tư bản phát
triển hiện nay, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998, tr. 188.
(13) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khoá IX ngày 10/4/2006 tại Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ X của Đảng.
(14) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị
Quốc gia, Hà Nội -2006, tr.269-311.
(15) Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Sđd,
tr. 283.
(16) Thông qua và tuyên bố theo nghị quyết số 217A (III) ngày
10/12/1948 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
(17) Charter of Paris for a New Europe, 1990.
(18) Conference for Security and Co-operation in Europe,
Second Conference on The Human Dimension of the CSCE
Document of the Copenhagen Meeting of the Conference on the
Human Dimension of the CSCE, Copenhagen, 5 June- 29 July,
1990.
(19) Inter - Paliamentary Union (1998), Democracy its principles
and Achivement.
(20) Điều 4, Hiến pháp Cộng hòa Pháp ngày 4/10/1958.
(21) Timothy D. Sisk with Julie Ballington, Scott A. Bollens, Pran
Chopra, Julia Demichelis, Carlos E. Juỏrez, Arno Loessner,
Michael Lund, Demetrios G. Papademetriou, Minxin Pei, John
Stewart, Gerry Stoker, David Storey, Proserpina Domingo
Tapales, John Thompson, Dominique Wooldridge, “Democracy
at the Local Level the International idea Handbook on
Participation, Representation, Conflict Management,and
Governance” (International IDEA Handbook Series 4), #
International Institute for Democracy and Electoral Assistance
(International IDEA) 2001, tr.115.
(22) Nguyễn Đăng Dung, Hiến pháp và bộ máy nhà nước, NXB
Giao thông vận tải, Hà Nội 2002, tr. 347.
(23) Đặng Đình Tân (Chủ biên), Nhân dân giám sát các cơ quan
dân cử ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, NXB Chính trị Quốc
gia, Hà Nội -2006, tr.143.
(24) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lịch
sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, NXB Chính trị quốc gia, Hà
Nội -2000, tr.27.
(25) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB sự thật, Hà Nội 1987, tập 4, tr.
133.
(26) Báo Cứu quốc, số ra ngày 24/11/1945.
(27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Sự thật, Hà Nội 1987, tập 4,
tr.103
(28) Tương Lai, Lãnh đạo, quản lý và làm chủ, Báo Tuổi trẻ ngày
15/7/2007, tr. 1, 4.
(29) Nguyễn Văn An, Đảng của mùa xuân dân tộc, Tạp chí Xây
dựng Đảng điện tử,
/>ews_ID=10283624.
(30) Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Sđd,
tr.230, 231.
(31) Đặng Đình Tân (Chủ biên), Sđd, tr. 241.
(32) Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (Đồng Chủ biên), Sđd,
tr.229, 230.
(33) Võ Văn Kiệt, Chọn ai là quyền của dân, Báo Tuổi trẻ ngày
29/3/2007, tr.3.
(34) Võ Văn Kiệt, Vận hội lớn của dân tộc, cơ hội lớn Đảng tự
đổi mới mình, Tạp chí Cộng sản, số 772 (2-2007), tr.21.
(35) Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (từ 28/10 đến
9/11/1946), trong số 290 đại biểu dự họp (vì một số đại biểu ở
cực nam Trung Bộ và Nam Bộ không ra Hà Nội họp được), chỉ
có 14 đại biểu mác xít (thành phần đại biểu lúc bấy giờ chia
thành ba phái: phái tả gồm 14 đại biểu mác xit do Nguyễn Văn
Tạo đứng đầu, 24 đại biểu Đảng xã hội do Phan Tử Nghĩa và
Nguyễn Xiển đứng đầu, 45 đại biểu Đảng Dân chủ do Đỗ Đức
Dục và Tôn Quang Phiệt đứng đầu; phái giữa gồm 80 đại biểu
Việt Minh do Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Thủy
đứng đầu và 90 đại biểu không đảng phái; phái hữu gồm có 17
Việt Cách, 20 Việt Quốc), hay trong thời kỳ đấu tranh cách mạng
(tháng Tám) và trong giai đoạn Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946,
tổng số đảng viên cộng sản không quá 5.000 người, lại phải hoạt
động trong điều kiện bí mật, bị kẻ thù công khai vu khống, xuyên
tạc, nhưng đường lối của Đảng phản ánh được khát vọng bức
thiết nhất, sâu xa nhất của nhân dân, của dân tộc, nên Đảng vẫn
giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thậm chí, việc giảm về
số lượng, nhưng tăng về “chất” chính là biện pháp nâng cao
hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời làm tăng tính chính đáng
về quyền lực của Đảng theo chuẩn mực quốc tế.
Xem: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lịch
sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, NXB Chính trị quốc gia, Hà
Nội -2000, tr.56, 57, 94.
(36) Xem: Bộ Nội vụ, số 916/BC-BNV, ngày 27/4/2004, Báo cáo
sơ bộ về tình hình sau cuộc bầu cử ở một số địa phương. Hoặc:
ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 23/6/2004,
Báo cáo Tổng kết công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp (2004-2009).
(37) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 44.
(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 153-thang-8-2009