Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tài liệu Hình ảnh người phụ nữ trong ca dao xưa potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.19 KB, 8 trang )

Hình ảnh người phụ nữ trong ca dao xưa





Ca dao là khúc hát tâm tình của người dân quê Việt Nam được lưu truyền qua
bao năm tháng. Nó bồi đắp tâm hồn ta từ những ngày thơ bé qua lời ru êm đềm của bà
của mẹ. Nó rực rỡ, thơm ngát như bông sen trong đầm, gần gũi, quen thuộc như luỹ
tre bao bọc xóm làng, như cánh cò bay lả trên ruộng đồng. Nó bồi đắp tâm hồn ta từ
những ngày thơ bé qua lời ru của bà của mẹ, giúp ta cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp bình
yên nơi thôn quê, nỗi nhọc nhằn cũng như vẻ đẹp khoẻ khoắn của người lao động, tình
cảm gia đình thắm thiết, nghĩa vợ chồng tao khang của những con người quê chân
chất, mộc mạc.
Trong thế giới đó, lắng sâu hơn cả vẫn là hình ảnh của những người phụ nữ xưa
– đau khổ, cay đắng đến cùng cực nhưng cũng đẹp đẽ, cao quý đến vô ngần. Có thể
nói, ca dao đã làm tròn sứ mệnh của nó trong việc lưu giữ những nỗi lòng của người
phụ nữ bình dân xưa và mang đến cho ta cái nhìn toàn diện về họ, trong khổ đau cũng
như những vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng.
Xã hội phong kiến phụ quyền tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất
công, khe khắt “tại gia tong phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tong tử”, quan niệm trọng
nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho
người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng
như xã hội. Nỗi niềm ấy được họ gửi gắm vào những câu ca dao than thân:
- “Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
- “Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”
- “Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân


Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”
Có biết bao nhiêu nỗi khổ mà người phụ nữ phải chịu đựng, nỗi khổ vật chất
“ngày ngày hai buổi trèo non”, “ngày thì dãi nắng đêm thì dầm sương”. Nhưng nỗi
khổ lớn nhất, xuất hiện với tần số cao nhất vẫn là nỗi khổ về tinh thần, nỗi khổ của
thân phận mong manh, bị động, ít giá trị. Những người phụ nữ ở đây bị “đồ vật hoá”,
được định giá theo giá trị sử dụng. Thân phận họ chỉ được ví với “hạy mưa sa”, “chổi
đầu hè” Ta có thể cảm nhận được bao nỗi xót xa của người phụ nữ khi cất lên những
lời ca ấy. Không phải người phụ nữ không ý thức được vẻ đẹp và phẩm giá đáng quý
của mình. Họ luôn ví mình với “tấm lụa đào”, “giếng nước trong” nhưng những
phẩm chất ấy đâu có được xã hội , người đời biết đến và coi trọng. Cả đời họ chỉ lầm
lũi, cam chịu trong sự đau khổ, nhọc nhằn. Và dường như sự bất hạnh ấy của người
phụ nữ trong xã hội xưa là một hằng số chung, ở tất cả các vùng miền. Người phụ nữ
dân tộc Thái cũng từng đau đớn thốt lên: “Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa, con
chão chuộc thôi”.
Có ai đó đã nói, nếu dùng một từ để nói về số phận của những người phụ nữ
trong xã hội phong kiến thì đó là “tủi nhục”. Quãng thời gian họ sống trên đời được
đong đếm bằng những nỗi đau khổ mà họ phải gánh chịu. Khi còn nhỏ, sống trong gia
đình, người thiếu nữ đã phải chịu sự bất công của quan niệm “trọng nam khinh nữ”:
- “Cô kia cắt cỏ đồng màu
Chăn trâu cho béo làm giàu cho cha
Giàu thì chia bày chia ba
Phận cô là gái được là bao nhiêu”
- “Em như quả bí trên cây
Dang tay mẹ bứt những ngày còn non”
Khi đi lấy chồng, họ còn chịu thêm trăm điều cay cực. Quan niệm “xuất giá
tòng phu”, “lấy chồng làm ma nhà chồng” đã khiến bao người phụ nữ xa quê phải
ngậm ngùi nuốt đắng cay, thấm thía nỗi buồn, nhớ khi nghĩ về quê mẹ:
- “Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về với mẹ mà không có đò”
- “Chiều chiều ra đứng ngõ sau

trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
- “Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần”
Nhớ nhà nhớ mẹ mà không được về, những người đi làm dâu còn phải chịu sự
đày đoạ của gia đình nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Trong chế độ cũ, những người
mẹ chồng xưa kia thường là “nỗi kinh hoàng” của những nàng dâu vì xã hội phog kiến
với quan niệm hôn nhân gả bán cho phép người ta “mua” vợ cho con khác nào mua
người lànm không công, trả cái nợ đồng lần mà chính người mẹ chồng trước đây phải
gánh chịu:
- “Tiếng đồn cha mẹ anh hiền
Cắn cơm không vỡ cắn tiền vỡ tan”
- “Trách cha, trách mẹ nhà chàng
Cầm cân chẳng biết là vàng hay thau
Thực vàng chẳng phải thau đâu
Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng”
Trong hoàn cảnh ấy đại đa số những người phụ nữ phải cam chịu, nín nhịn
nhưng cũng có trường hợp, người con dâu tỏ thái độ phản kháng có phần quyết liệt, cô
“đội nón về nhà mình” dẫu biết hành động ấy sẽ bị lên án, bị không ít tiếng thị phi,
cay độc vì trong xã hội xưa còn gì đáng sợ hơn bằng tội “trốn chúa, lộn chồng”:
“Cô kia đội nón đi đâu
Tôi là phận gái làm dâu mới về
Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê
Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi”
Sở dĩ họ phải phản kháng là do không còn nơi để bấu víu, tựa nương. Mẹ
chồng đã vậy, lại còn chịu thêm nỗi khổ của “cảnh chồng chung”. Xã hội phong kiến
cho phép “trai quân tử năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng” đã gây
ra bao cảnh đau lòng. Nhân dân hướng về những người vợ lẽ - những người chịu
nhiều thua thiệt hơn cả để cảm thông, để lắng nghe những tiếng giãi bày xót xa, cay
đắng:
- “Lấy chồng làm lẽ khổ thay

Đi cấy đi cày chị chẳng kể công
Tối tối chị giữ mất chồng
Chị cho manh chiếu, nằm không chuồng bò
Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống, gà o o gáy dồn
Chém cha con gà kia, sao mày vội gáy dồn
Để tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con”
- “Thân em làm lẽ chẳng nề
Có như chính thất, ngồi lê giữa đường”
Khao khát của người phụ nữ ở đây không phải là cái khao khát mang tính chất
bản năng thuần tuý mà là những khát khao hạnh phúc chính đáng nhất của một con
người. Vì thế họ đã nhắn nhủ nhau:
- “Đói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”
- “Chồng con là cái nợ nần
Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm”.
Nhưng dù sống trong bất hạnh, tâm hồn người phụ nữ vẫn sáng lên lấp lánh
ánh sáng của trái tim đôn hậu, cao thượng, vị tha. Từ trong khổ đau, bất hạnh, từ trong
tiếng hát than thân đầy tủi cực, tâm hồn trung hậu, đẹp đẽ, thuỷ chung của người phụ
nữ vẫn vươn lên, toả sáng khiến cho tiếng hát than thân kia không mang vẻ bi luỵ mà
vẫn toả sáng, ấm áp tình đời, tình người. Ca dao đã phản ánh đầy đủ những vẻ đẹp đó
của họ - những con người thuỷ chung son sắt, giàu nghĩa tình.
Quên đi những nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống lao động, những người phụ nữ
bình dân ấy cũng có những phút giây sống cho cảm xúc riêng tư, cũng trải qua các
cung bậc nhớ nhung của một trái tim mới yêu:
- “Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”
- “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”
Có cô gái thì hồn nhiên, tinh nghịch. Họ không quá câu nệ như các cô gái khuê

phòng:
“Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”
Cũng có khi thật tế nhị, ý ứ, nết na:
“Sáng ngày tôi đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu
Thưa rằng tôi đi hái dâu
Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn
Thưa rằng bác mẹ tôi răn
Làm thân con gái chớ ăn trầungười”
Họ biết đề cao tình yêu thương, lòng chung thuỷ:
- “Trăng tròn chỉ một đêm rằm
Tình duyên chỉ hẹn một lần mà thôi”
- “Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đạo cương thường chớ đổi đừng thay
Dẫu có làm nên danh vọng hay rủi có ăn mày ta cũng theo nhau”
Người phụ nữ đảm đang, vị tha, chung thuỷ đã thể hiện cảm nghĩ của một cách
giản dị mà vẫn có sức cuốn hút lạ thường. Cả khi khó khăn họ vẫn nhẫn nại:
- “Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm , sông hương mặc người”
- “Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”
Chỉ những lời ca ngắn ngủi mà chất chứa trong đó bao ý tình sâu xa. Đó là lời
nhắn nhủ của những người phụ nữ trọn nghĩa vẹn tình. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào,
họ vẫn đồng cam cộng khổ cùng chồng, xây dựng một gia đình đầm ấm yên vui.
Ở thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số, bất biến ngàn
đời. Đó là sự nhẫn nại, cam chịu, là sự thuỷ chung son sắt. Dù bao khổ đau, bất hạnh

vẫn không thể vùi lấp được những vẻ đẹp đó. Nó như những viên ngọc thô mà thời
gian, những bất hạnh khổ đau là chất xúc tác mài giũa, càng ngày càng toả sáng lấp
lánh.
Văn học, nghệ thuật ngày nay cũng rất chú ý đến việc lưu giữ những vẻ đẹp
của người phụ nữ. Nhưng những làn điệu dân ca từ thuở sơ khai vẫn chính là kho tàng
vô giá lưu giữ trọn vẹn nhất về những con người kì lạ ấy: càng trong đau khổ lại càng
ngời sáng, thanh cao. Sẽ còn mãi lắng đọng trong tâm hồn những người dân đất Việt
hình ảnh những người phụ nữ sáng lấp lánh trong những câu ca dao tự ngàn xưa.

×