Tải bản đầy đủ (.pdf) (18 trang)

Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (210.21 KB, 18 trang )

Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn
xuôi đương đại Việt Nam

1. Vấn đề về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đã được đề cập đến từ lâu.
Nếu ví cuộc sống là "chất liệu" còn văn học là "sản phẩm" thì thực tiễn văn học từ sau
1986 đến nay là một trong những minh chứng sống động. Sự chuyển tiếp từ thời chiến
sang thời bình với những quy luật bình thường của nó, ảnh hưởng của công cuộc đổi
mới tư duy mà Đảng khởi xướng, những vấn đề bức thiết cộm lên trong lịch sử dân
tộc thời hậu chiến, thời xây dựng và một độ lùi thời gian tương đối thích hợp là
những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thay đổi quan trọng của văn học.
Khách quan mà nói, một trong những vai trò có tính chất "bà đỡ" của đổi mới
đối với văn học là đã góp phần củng cố mối dây liên hệ giữa nhà văn và bạn đọc nhờ
sự ra đời đúng lúc của những sáng tác mang đầy hơi thở của cuộc sống và con người
hiện đại. Về phía người viết, để làm được điều đó, trước hết họ phải tự làm mới chính
mình; cùng với một quan niệm mới mẻ về hiện thực là một văn phong táo bạo, đầy
"ma lực" mà "những trang viết lạ" gắn với yếu tố kì ảo xuất hiện ngày càng nhiều
trong đời sống văn học hôm nay là một biểu hiện của nỗ lực giàu tính nhân văn ấy.
Hành trình từ âm thầm lặng lẽ đến sôi nổi, ồn ào có phần thái quá để rồi trở lại trạng
thái bình thường vốn có của dòng chảy kì ảo cũng góp phần phản ánh sự phức tạp và
không kém phần sinh động của thực tiễn văn học gần hai mươi năm qua.
2. Sự chuyển biến của một giai đoạn, thời kì văn học, theo Bakhtin, được đặc
trưng bởi sự thay đổi của đời sống thể loại. Thế nhưng, thể loại đang sống trong hiện
tại bao giờ cũng nhớ đến quá khứ của nó bởi "đằng sau mỗi một loại văn học đều có
một truyền thống lớn lao tuy ẩn mà hiện: truyền thống này bằng cách gánh vác chung
để cùng hưởng chung một nền văn hóa”(1). Nghệ thuật biểu hiện của dòng truyện hiện
đại có yếu tố kì ảo không đơn giản chỉ là những kì hoa dị thảo đột ngột xuất hiện như
một sự "thất cước với giống nòi" mà vẫn là một bước tiếp nối và sáng tạo, bổ sung. Sẽ
là đoản mệnh đối với bộ phận văn học này nếu tất cả các cây bút hiện nay chỉ kế thừa
truyền thống một cách máy móc - nghĩa là chỉ dựa vào tình tiết li kì để thu hút bạn
đọc, bởi vì lạ mãi sẽ đến lúc bão hòa - đó là quy luật trong tâm lí tiếp nhận. Sở dĩ cái
kì ảo trong văn xuôi hôm nay đủ sức làm rung động trái tim người đọc nhất định phải


có những nguyên nhân thuộc về xã hội - lịch sử bên cạnh kĩ xảo nghệ thuật và nội
dung tư tưởng đặc thù nào đó tồn tại.
Những đổi thay trong giao lưu văn học
Nếu như ở giai đoạn trước, giao lưu văn học nhìn chung mang tính chất khu
vực (phương Đông và các nước thuộc hệ thống Xã hội chủ nghĩa (cũ)) thì bây giờ nó
đã mang tính chất toàn cầu. Mỗi biến động của văn học phương Tây và văn học thế
giới lúc này đều nhanh chóng ảnh hưởng đến văn học Việt Nam. Giờ đây văn học mở
rộng cửa đón nhiều luồng gió lạ của văn học nhân loại, nhất là của các nước tư bản
phương Tây. Những sáng tác văn học ngoại nhập ngày càng trở nên phong phú, đa
dạng, có sức hấp dẫn đặc biệt và là nguồn bổ sung không thể thiếu được của đời sống
văn hoá dân tộc. Thành tựu của văn học thế giới, đặc biệt là của văn học hiện đại và
đương đại, đã mở ra những vùng hiểu biết mới, những cảm nhận mới và đã góp phần
thúc đẩy sự sáng tạo, mang lại sự sinh động, mới mẻ cho văn học trong nước.
Một thời gian dài, đến non một nửa thế kỉ, văn học thiên về tính chất "nệ thực",
"vụ thực", tài liệu và sự việc có thực là cơ sở của hầu hết các sáng tác tự sự, loại
truyện mang màu sắc kì ảo, quái dị vắng bóng trên văn đàn. Ngay cả đến giới nghiên
cứu, phê bình văn học cũng công khai bày tỏ thái độ kì thị, "bất hợp tác" đối với loại
truyện này - không loại trừ đây là những sản phẩm thuần tuý dân tộc - vì e ngại chúng
sẽ "làm sống lại trong đầu óc người đọc bình thường những quan điểm phản khoa học
lỗi thời"(2). Sự thay đổi trong cơ chế quản lí văn hoá văn nghệ khiến người ta mạnh
dạn truyền bá loại sáng tác văn học kỳ ảo, nhất là đối với các tác phẩm có giá trị nghệ
thuật cao của các nhà văn thế giới. Tâm nguyện của những người bắc nhịp cầu văn
học ở đây không gì khác hơn ngoài việc góp phần thay đổi diện mạo văn học nước
nhà như Lời giới thiệu trongTruyện ngắn Edgar Poe sau đây: "Xuất bản tập sách nhỏ
của Edgar Poe không chỉ đơn thuần giới thiệu khuôn mặt văn học - cho dù đó là
gương mặt của một nhà văn lớn - mà xa hơn nữa, trong quá trình đổi mới tư duy, phải
chăng cần tránh lối suy nghĩ đơn giản, một chiều, cần tiếp cận với những gì phức tạp
hơn, đa dạng hơn"(3). Việc tiếp thu các nền văn nghệ đi trước để phát triển văn nghệ
dân tộc, theo Phương Lựu, là "quy luật phổ biến vô cùng quan trọng", bởi "sự tiếp thu
đích thực không bao giờ là sự sao chép nô lệ, mà là một sáng tạo"(4). Riêng đối với

đội ngũ sáng tác, việc xuất hiện rầm rộ kèm theo sự chào đón nồng nhiệt và thái độ
trân trọng của độc giả dành cho bộ phận văn học độc đáo này chắc chắn sẽ gợi lên ở
họ những suy nghĩ, nhận thức và tìm tòi, khám phá mới.
Sự mở rộng trong quan niệm về hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học
Nguyên nhân chủ yếu của sự chuyển biến trong quan niệm về hiện thực, tính
hiện thực của văn học hôm nay xuất phát từ phía đội ngũ nhà văn. Với họ, hiện thực
lúc này không đồng nghĩa với tính có thật, giống như thật, mà cao hơn thế, nó là "vẻ
đẹp huyền thoại của sự tái hiện tự nhiên theo cách nhìn độc đáo của nhà văn về sự
vật"(5). Phản ánh hiện thực không phải là sự sao chép hiện thực mà là sự sáng tạo của
người nghệ sĩ nhằm tạo ra hiện thực. Cho nên, tính hiện thực của tác phẩm lúc này
nằm ở chỗ nó đã đề cập và giải quyết được những vấn đề gì của thực tế. Quan niệm
này đã phần nào khắc phục được cách hiểu có phần ngây thơ về hiện thực trước đây.
Từ sau 1986 đến nay, trong cao trào đổi mới tư duy, đội ngũ những người làm công
tác văn học, trong đó có nhà văn, có dịp thuận lợi để nhìn lại chặng đường đã qua của
văn học. Họ sớm nhận ra rằng: Không thể khuôn đối tượng nhận thức, phản ánh của
văn học vào những lĩnh vực hạn hẹp, cứng nhắc nhằm phục vụ cho những mục tiêu,
nhiệm vụ không thực sự phù hợp với bản chất của nó, mà chính là phải mở rộng phạm
vi khám phá của văn học để loại hình nghệ thuật này ngày càng đáp ứng được những
đòi hỏi mới của người đọc, với tư duy của người thời nay, phù hợp với tốc độ phát
triển của xã hội hiện đại, và quan trọng hơn là khắc phục tình trạng phản ánh sơ lược,
một chiều về cuộc sống. Biên độ của hiện thực trong quan niệm của người cầm bút
hôm nay đã được mở rộng hơn, được soi chiếu từ nhiều góc độ tạo điều kiện để họ có
thể thâm nhập vào những địa hạt mới mẻ phù hợp với cá tính sáng tạo của mình. Quan
niệm hiện thực - nói như Hồ Anh Thái - gồm "những gì ta thấy, ta nghe, ta trải nghiệm
là chưa đủ. Hiện thực còn là cái ta cảm nữa ( ) Cả một đời sống tâm linh cũng là hiện
thực (B.T.T. nhấn mạnh)"(6). Tương tự Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập cũng cho rằng:
Ngay cả hiện thực cũng chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ hỗn loạn, vô tận, giấc mơ với
những đường bay của mê lộ(7). Bên cạnh những hiện tượng cuộc sống có quy luật thì
cái ngẫu nhiên, bất ngờ, kì quái cũng hiện diện làm nên bộ mặt hấp dẫn của văn xuôi
hôm nay: "Kì quặc và lẩn thẩn, hoàn toàn khó tin, tuy vậy giờ đây kì quặc nhất hay

bình thường nhất cũng thế cả thôi" (Bảo Ninh - Nỗi buồn chiến tranh). Ý tưởng này
cũng bắt gặp qua lời tâm sự của tác giả tiểu thuyết Chó Bi đời lưu lạc: "Khốn nạn,
nhiều khi cái dị dạng, không phải quy luật lại chi phối cuộc sống mới trớ trêu chứ".
Bức tranh cuộc sống không phải lúc nào cũng ánh sắc hồng, và chân dung con người
chưa hẳn mọi lúc, mọi nơi đều "vui vẻ trẻ trung" mà đôi khi "trầm hóa" bởi sự phức
hợp nhiều sắc độ. Nói như Ma Văn Kháng thì đó là "một kết cấu của cả cái tốt lẫn cái
xấu, cái thiện và cái ác" (Bồ nông ở biển), cũng như "trên cơ sở những điều dự tính
được lẫn những yếu tố bất ngờ kì quái" (Người đánh trống trường). "Bên cạnh Chúa
có Quỷ, bên cạnh Phật có Ma. Ma quỷ cũng dự phần bất tử để làm mặt đối lập, để thế
giới này tiếp tục vận động và tồn tại" (Nguyễn Khải - Thời gian của người). Từ hiện
thực kháng chiến hào hùng, tràn ngập âm hưởng sử thi, con người bước vào một mặt
trận mới vắng xa tiếng súng nhưng cũng không kém phần dằng dai, khốc liệt: Cuộc
chiến đấu chống tiêu cực xã hội, và một cuộc chiến khác cũng hết sức cam go để
chống lại chính "ma quỷ trong lòng ta" với những nỗ lực, quyết tâm mới: "phê phán
cái sai", "lên án cái xấu", "tích cực cổ vũ cho cái mới thắng lợi" Điều đó đặt nhà văn
trước những trách nhiệm, thử thách mới, với sự ý thức mới về thiên chức của người
nghệ sĩ: "Nghệ thuật cũng sẽ không là gì nếu không ôm hết cái dữ dằn, đanh đá của
cuộc sống, cả cuộc chết nữa! Sẽ chẳng đi đến đâu một thứ nghệ thuật không thấy hết,
không nói hết cái bờ bên kia của hiện thực" (Trương Vũ Thiên An - Nước mắt Chí
Phèo).
Việc thay đổi trong quan niệm về hiện thực đã dẫn đến sự bùng phát về đề tài
trong văn học, phá vỡ cái gọi là "chủ nghĩa đề tài" của văn xuôi giai đoạn trước như
nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra. Sự bùng nổ đề tài như vậy giúp nhà văn có điều
kiện khám phá mọi phương diện của cuộc sống, đi sâu vào những góc khuất của hiện
thực khách quan và hiện thực tâm hồn với bao chiêm nghiệm và dự cảm về nhân thế,
mở ra một chân trời thoáng rộng cho sự liên tưởng và suy ngẫm của người đọc.
Sự mở rộng trong quan niệm về phương pháp sáng tác và tiếp cận hiện thực
Trước sự chuyển mình của thời đại, văn học đã thực sự bắt gặp một môi trường
thuận lợi cho sự nảy nở các dạng thức khái quát, các thủ pháp nghệ thuật tiếp cận và
tái hiện cuộc sống, sự đa dạng trong phong cách của nhà văn. Một cách tự nhiên, đời

sống văn học xuất hiện thái độ cởi mở, dân chủ đối với những cách thức tiếp cận cuộc
sống không đi theo con đường của chủ nghĩa hiện thực. Đã đến lúc người ta nhận thấy
"không nhất thiết chỉ có phương pháp hiện thực chủ nghĩa. Chúng ta chấp nhận cả
lãng mạn, tượng trưng, huyền thoại, viễn tưởng, miễn là ở một trường hợp cụ thể nào
đấy, các phương pháp đó có thể nói lên một cách tốt nhất chân lí cuộc sống, miễn là
cái tâm của người viết luôn luôn ngời sáng, luôn luôn hướng về nhân dân và cách
mạng"(8). Điều đó cắt nghĩa vì sao trong đời sống văn học hôm nay, ngoài dạng thức
khái quát theo khuôn hình bản thân cuộc sống thường thấy trong văn học giai đoạn
trước, còn có những hình thức "phi hiện thực" khác như viễn tưởng, giả tưởng, tượng
trưng, trinh thám, kiếm hiệp, kì quái hoang đường Nghĩa là, việc sử dụng các môtíp
huyền thoại, các thủ pháp nghịch dị, các biện pháp lạ hoá khác nhằm mở rộng, đổi
mới ước lệ đang được xem là bình thường. Với tư cách là những nhân tố mới hoặc tái
xuất hiện, chúng chưa thể tự định hình thành một phương pháp sáng tác đúng nghĩa;
vả lại, tự bản thân của mỗi nhà văn cũng chưa có ai "thuỷ chung duy nhất" với một
cách thức tiếp cận, khám phá hiện thực. Dẫu sao, sự hiện diện của chúng với tư cách
là những thủ pháp nghệ thuật đắc lực cũng đã làm mới lạ, phong phú đời sống văn
học, giúp người viết tự do tung bút, mở rộng biên độ khám phá, tiềm nhập cuộc sống,
và là sự hô ứng nhịp nhàng với không khí tự do, dân chủ trong văn hoá văn nghệ bởi
"đổi mới văn học đích thực là quá trình đa dạng hoá về văn học". Đây cũng là dấu
hiệu trưởng thành của văn học như nhận xét của D. Likhasốp: "Sự phát triển của văn
học là cuộc đấu tranh cho văn học có được cái quyền nói "cái bịa" nghệ thuật".
Riêng trong đội ngũ những người viết truyện ngắn và tiểu thuyết hôm nay, sự
chuyển biến này thể hiện rất rõ, đặc biệt đối với những thế hệ trưởng thành từ sau thời
bao cấp và đổi mới - một lực lượng hùng hậu đang chiếm lĩnh văn đàn. Ít hoặc không
bị "đóng gông" trong những phương pháp sáng tác đã trở thành điển phạm, lại nhạy
bén với cái mới, thích thử nghiệm và phiêu lưu mạo hiểm, đội ngũ này đã mang lại
cho văn xuôi những cách nhìn mới mẻ, đầy cá tính trong phản ánh hiện thực bộc lộ cụ
thể trên trang viết cũng như những phát ngôn khi đàm đạo về văn chương. Hoà Vang,
cây bút từng gây được sự chú ý của độc giả với những truyện ngắn và tiểu thuyết có
cách viết và những ý tưởng mới lạ, độc đáo như Nhân Sứ, Sự tích những ngày đẹp

trời, Hiện tượng HVEYA thì quan niệm: "Tôi cho rằng phản ánh cái cõi đời, cõi
người này mà chỉ dùng cái công cụ hiện thực thôi thì không đủ". Quan niệm này gián
tiếp cắt nghĩa nguyên nhân của việc xuất hiện với tần số cao những yếu tố kì ảo,
huyền thoại trong nhiều tác phẩm gây tiếng vang trong dư luận của anh. Với Ngô Tự
Lập, người say mê sáng tác và sưu tầm, nghiên cứu những chuyện có tính chất thần kì,
linh dị thì sôi nổi đến mức thái quá khi cho rằng: "Ngày nay có lẽ chẳng có người cầm
bút nào không cảm thấy trong mình ít nhiều phẩm chất có tên là kì ảo". Còn Đoàn Lê,
lí giải cho cách viết nửa thực nửa hư trong Nghĩa địa xóm Chùa, Lên ruồi, Nhân
bản ngoài cái "gu" riêng của mình còn là bởi nhờ nó mà "có lẽ cuộc sống hiện ra ở
một góc nhìn hơi bất ngờ". Nói cách khác, chính những yếu tố huyền hoặc này đã đảm
nhiệm chức năng nghệ thuật quan trọng là "lạ hoá" cuộc sống, tạo ra ấn tượng thẩm mĩ
mạnh mẽ ở người đọc.
Trong số những nhà văn chiếm được nhiều cảm tình của công chúng hiện nay,
Hồ Anh Thái nổi lên như một "hiện tượng" độc đáo. Ngoài sự sung sức trong sáng tạo,
tác phẩm của anh còn tạo ấn tượng đối với độc giả bởi luôn luôn tìm tòi để không
ngừng đổi mới về phong cách. Với liên tiếp những sáng tác gây tiếng vang trong dư
luận như Trong sương hồng hiện ra, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Tự sự 265
ngày, Cõi người rung chuông tận thế nhà văn này đã dần dần khẳng định vị thế của
mình trên văn đàn, phả vào đời sống văn học một luồng sinh khí mới của một cách
viết chứa đựng nhiều yếu tố hư ảo, đôi khi ma quái. Chiều sâu trong cái nhìn nghệ
thuật của Hồ Anh Thái trước hết thể hiện ở chỗ anh biết vượt qua những lối mòn tư
duy coi văn học như là tấm gương phản ánh hiện thực một cách đơn giản - điều mà
nhà văn gọi là hiện thực thô sơ - để nhìn cuộc đời như nó vốn có. Để có sức hấp dẫn
người đọc, theo tác giả, cái hiện thực ngoài đời kia phải thông qua sự cảm thấy của
nhà văn, được nhào nặn lại bằng những suy tưởng và tưởng tượng của chủ thể sáng
tạo. Giống như Hoà Vang, Hồ Anh Thái cũng không thừa nhận sự độc tôn của phương
pháp thuần tuý hiện thực: "Tôi quan niệm tiểu thuyết như một giấc mơ dài, gấp sách
lại người ta vừa mừng rơn như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng, lại vừa tiếc nuối vì
phải chia tay với những điều mà đời thực không có. Nếu tôi chỉ dùng phương pháp
hiện thực thuần tuý thì sẽ không có được giấc mơ ấy đâu"; vì như thế là "tự làm nghèo

trang viết của mình"(9). Nhìn lại "cái quan niệm một thời về chủ nghĩa hiện thực thô
sơ", Hồ Anh Thái cho rằng: "Thật quá mà đâu phải đã đến gần hiện thực"; đồng thời
cũng không che giấu mong muốn được đọc và viết "những tác phẩm của sức tưởng
tượng phi thường, tạo dựng được những tình huống khác lạ, những cảm xúc mê đắm,
những nhân vật không chịu mặc đồng phục"(10). Chính cái quan niệm táo bạo, cái mơ
ước chẳng giống ai này đã đưa dắt nhà văn đến với cái kì ảo, tận dụng nó như một thủ
pháp đắc địa để tạo ra sự quyến rũ thực sự cho những trang viết của mình.
Một trường hợp khá thú vị khác là Thái Bá Tân. Trước đây người ta biết nhiều
đến anh với tư cách là một dịch giả (50 tập cả thơ lẫn văn xuôi). Vậy mà gần đây tác
giả này lại liên tiếp "trình làng" hai tập truyện ngắn, với 34 (trên tổng số 47 truyện)
được anh trân trọng "khai sinh" là Truyện kì ảo. Công khai ý định "theo gót họ Bồ", tự
nhận là "người viết truyện ma", nhưng với phương châm "trung thành với sự thật",
"đơn thuần chỉ thuật lại một cách trung thực" những kì sự, kì tích, kì nhân, các sáng
tác của Thái Bá Tân đã cuốn hút người đọc bằng một lối dẫn truyện dung dị, đầy lôi
cuốn, khiến chúng ta thật sự xúc động trước tình quê thiết tha, sự đồng cảm, trân trọng
của nhà văn đối với lịch sử dân tộc, với những thân phận bất hạnh trong đời thực và cả
trong quá khứ. Hiện tượng Thái Bá Tân cũng là ví dụ tiêu biểu cho sự hòa hợp giữa kì
ảo và chủ nghĩa hiện thực, giữa cái bình thường và cái kì diệu trong văn học: Tưởng
tượng kì ảo là đôi cánh nâng tính hiện thực thăng hoa tới những tầng cao mới.
Trong cảm quan của đội ngũ nhà văn thiên về lối viết theo sự gợi ý của trực
giác, linh cảm, cảm nhận đời sống theo "mệnh lệnh trái tim" này, người ta chẳng khó
khăn gì cũng có thể đọc thấy quan niệm cho rằng càng trung thành với nguyên mẫu
ngoài đời bao nhiêu, đôi cánh tưởng tượng càng bị vặt trụi lông bấy nhiêu. Dường như
ở đây có sự gặp gỡ trong tư duy nghệ thuật của họ với quan niệm của triết gia Ấn Độ -
Vivekananda: "Thế giới này nhỏ bé lắm, người ta phải thêm vào đó một chút tưởng
tượng"; hoặc của Aimatốp, nhà văn Nga từng nổi tiếng với những sáng tác huyền
thoại như Con tàu trắng, Và một ngày dài hơn thế kỉ: "Chúng ta chỉ nhận thấy hiện
thực tuyệt vời của chúng ta, sự nghiệp của chúng ta, lịch sử của chúng ta, cuộc sống
của chúng ta. Nhưng theo tôi, cách nhìn nhận hời hợt trong văn học lỗi thời rồi, cần
phải có một cách nhìn bổ sung, cách nhìn "từ phía bên", cách nhìn sâu thẳm, cách nhìn

của quá khứ. Tất cả những cái đó gộp lại làm cho sức mạnh của hình tượng nghệ thuật
thêm cô đọng. Truyền thuyết, huyền thoại, bài ca, toàn bộ kết cấu của chúng đã giúp
tôi trong việc tìm kiếm tính nhiều bình diện và tính nhiều chiều như vậy"(11).
Không ồn ào, sôi nổi như lớp đàn em, sự thay đổi trong quan niệm sáng tác ở
các bậc đàn anh trong văn giới diễn ra thâm trầm hơn, nhưng không phải vì thế mà
kém phần mạnh mẽ, quyết liệt. Một chút hoài cổ, Trần Huy Quang một mặt không che
giấu khát vọng khơi lại dòng chảy kì ảo truyền thống trong văn học hôm nay: "Việc sử
dụng yếu tố ảo hoặc ma quái trong văn học đã có từ thời xưa, hình như trong văn học
hiện đại được ít dùng"; mặt khác - như là hệ quả tất yếu của nó - chính tác giả này
cũng đã tích cực biến ước mơ thành hiện thực: Nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết của
ông như Ám ảnh có thật, Mối tình hoang dã gợi sự chú ý của người đọc bởi những
tình tiết hoang đường, phi lí, ngỡ kì quái, khó tin nhưng lại luôn luôn hiện diện và tác
động trực tiếp đến cuộc sống con người. Còn Châu Diên, nhà văn từng đạt giải nhì
cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1958-1959 với truyện ngắn Cái lô cốt, sau
gần bốn mươi năm im lặng, lại tái xuất văn đàn trên cả hai lĩnh vực truyện ngắn và
tiểu thuyết, trong đó có Người sông Mê - cuốn tiểu thuyết gây được tiếng vang trong
dư luận bạn đọc. Với lối viết hiện thực - huyền ảo, sử dụng nhiều độc thoại nội tâm,
dòng ý thức, sự đan cài, lắp ghép các mảng hiện thực cách xa nhau trong không gian,
thời gian lại cạnh nhau, đánh đồng cõi thực và chốn sông Mê bến Lú thành một phức
thể lung linh, để cuộc sống đời thường và lịch sử dân tộc với trăm ngàn khuất lấp của
nó hiện ra trần trụi trong cái nhìn thấu thị của những người bước ra từ thế giới bên
kia , người viết dường như đã nhập đồng cái ngôn ngữ tiểu thuyết phi không gian và
thời gian, để tiếng nói nghệ thuật đầy biến ảo của ông tăng thêm ma lực quyến rũ, mê
hoặc người đọc.
Những nhà văn khác như Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải tuy không
trực tiếp bày tỏ quan niệm nhưng thái độ cổ xuý và trân trọng của họ đối với sáng tác
của các thế hệ đàn em (Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái,
v.v ) cũng là một sự ngầm thoả thuận, sự mặc nhiên thừa nhận tính tích cực của các
thủ pháp huyền thoại, kì ảo trong việc khám phá cuộc sống và tạo ra những bước đột
phá của văn học giai đoạn này. Nhận định của Ma Văn Kháng, nhà văn từng thừa

nhận mình "tựu trung vẫn là một người thích và viết truyện ngắn theo lối cổ điển, vẫn
thuỷ chung một cách rất khó hiểu với những câu chuyện được viết theo cách truyền
thống xưa cũ" - về tình hình văn học hôm nay đã bộc lộ khá rõ tinh thần ấy: "Cùng với
việc sáng tạo ra một quan niệm mới để miêu tả một hiện thực đã quen nhàm khiến nó
trở nên lạ lẫm khác thường, thì việc miêu thuật một lĩnh vực chưa mấy người, chưa ai
đụng bút tới cũng là một việc cần thiết để tạo nên một lực hút mới chứ sao; nhất là
trong tình hình sáng tác truyện ngắn hiện nay, nhiều lúc có cảm giác tác giả cứ luẩn
quẩn ở các cốt truyện na ná giống nhau, nói đi nói lại những điều người trước đã nói
rồi mà lại nói không hay bằng người ta"(12).
Phương pháp mới bao giờ cũng mang lại những kết quả mới. Riêng trong lĩnh
vực văn học, một quan điểm nghệ thuật bao giờ cũng dẫn đến một phong cách nghệ
thuật riêng của nó. Những trăn trở, tìm tòi của người viết nhằm phát hiện những
phương thức phù hợp để tiếp cận cái hiện thực "cùng thời" đầy đa tạp và biến ảo hôm
nay, trong đó có thái độ trân trọng đối với những thủ pháp nghệ thuật sử dụng những
yếu tố có tính chất kì lạ, khó tin cũng không nằm ngoài quy luật đó. Có thể xem sự
chuyển biến này là những tiếng sấm đầu tiên báo hiệu cho sự tái sinh rầm rộ của văn
xuôi có yếu tố kì ảo; và sự xuất hiện của bộ phận văn học ngỡ như quen mà lạ này,
đến lượt nó, sẽ góp phần không nhỏ để làm phong phú đời sống văn học đương đại.
Từ truyền thống văn hoá, văn học dân tộc

Sự thực là yếu tố kì ảo không hề xa lạ với độc giả Việt Nam. Ngay từ lúc mới
chào đời, văn học Việt Nam đã gắn liền với kì ảo: "Kì ảo là một trong những đặc
trưng của truyện dân gian, không có kì ảo thì không thể có truyện dân gian vậy"(13).
Khả năng tiềm tàng của thần thoại, cổ tích, nói như Aimatốp, là dưỡng chất nuôi
dưỡng nền văn hóa hiện đại. Với tư cách là "văn hoá gốc", "văn hoá mẹ", nguồn mạch
dân gian bất tận chảy trôi, nguyên sơ và tươi mới, bàng bạc những sắc điệu thần kì,
lung linh ảo mộng vỗ không ngừng không nghỉ suốt bao đời đã lắng thành "vô thức
tập thể", góp phần đặt nền móng, hình thành nên các phương pháp và phương tiện
nguyên thuỷ của việc chiếm lĩnh hiện thực bằng hình tượng đồng thời đóng vai trò
quan trọng trong việc tạo nên tâm thức cộng đồng dân tộc: Gần gũi và có xu hướng

thiên về những cái kì lạ, khác thường, biểu hiện thế giới quan thần linh, tư duy huyền
thoại trong quan điểm của người sáng tác văn học mọi thời đại. Vì lẽ, vô thức, theo
như lí giải của Jung, không chỉ là nơi tích tụ những kinh nghiệm sống đã chìm lắng và
bị dồn nén xuống tầng bên dưới mà nó còn là nguồn cội của những khả năng sống mới
cho tương lai, là trầm tích nuôi dưỡng các sáng tạo vật chất lẫn tinh thần của nhân
loại.
Ngoài văn học dân gian - cái nôi của văn hoá, văn học dân tộc, cái kì trong
truyền thống văn học phương Đông còn gắn bó chặt chẽ với triết học Phật giáo và
phần nào triết học Lão Trang, hai học thuyết đối trọng với Nho giáo nhưng lại khá
dung hoà với tín ngưỡng gốc dân gian để góp phần tạo ra bản sắc dân tộc Việt
Nam(14). Nếu như văn hoá Nho giáo không khuyến khích hư cấu, tưởng tượng, chủ
trương không nói chuyện “quái, lực, loạn, thần”, “kính quỷ thần nhi viễn chi” thì
chính học thuyết đề cao vai trò của Tâm, “vạn pháp duy tâm tạo” (toàn bộ thế giới là
hình ảnh do tâm tạo ra) đã đề cao vai trò của trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn,
giúp người viết vượt lên trên tình trạng sao chép đơn giản hiện thực để hư cấu, tưởng
tượng. Cũng chính học thuyết về kiếp, về cuộc sống sau cái chết và vấn đề lai sinh hay
tái sinh của Phật đã mở ra cho văn học truyền kì phương Đông một nguồn mạch tư
duy hết sức phong phú. Triết học Lão Trang, triết học biện chứng tự nhiên, lại đặc biệt
nhấn mạnh sự biến hoá qua lại giữa hai mặt đối lập, những hiện tượng pháp thuật phù
phép để cứu cánh cho cuộc sống. Theo đó, âm và dương, hoạ và phúc, thực và hư,
nhược và cường, chân và ảo, v.v là một loạt những cặp phạm trù có thể được nhìn
dưới quan điểm biến dịch. Chính là nhờ hai học thuyết này, cộng với văn hoá dân gian
mà đời sống văn học của phương Đông thời trung đại giữ được thế quân bình cần thiết
giữa một bên là cách nhìn hiện thực - thực dụng, khô khan của nhà nho và một bên là
trí tưởng tượng bay bổng qua các truyện truyền kì, các truyện ngụ ngôn kì ảo. Điều đó
lí giải vì sao trong không ít sáng tác của các đệ tử Khổng - Mạnh vẫn ngang nhiên tồn
tại yếu tố kì ảo như là một sự thách thức lại những tín điều của Nho gia. Trong thực tế,
văn học chính thống chủ yếu nhấn mạnh tác dụng giáo hoá, còn những tác phẩm văn
học loại này lại gia tăng về phương diện thẩm mĩ, nghệ thuật. Nó biểu hiện ý thức
"trước thư lập ngôn" của tác giả. Bằng cách khai thác tối đa thế mạnh từ đặc trưng của

yếu tố kì ảo, những sáng tác ngôn từ của họ xứng đáng được gọi là những "kì văn".
Với đặc trưng nhận thức và phản ánh cuộc sống bằng những yếu tố thần kì, linh dị, kì
ảo dễ dàng giúp tầng lớp nho sĩ - vốn chịu không ít sự kìm toả đến bức bối của "tam
cương, ngũ thường" - tìm được con đường để giải thoát những ẩn ức dồn nén đồng
thời thông qua đó bộc lộ những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời. Đằng sau những
câu chuyện có phần hoang đường, kì quái, mục tiêu của họ không phải chỉ là để mua
vui, giải trí đơn thuần, mà như sự hé lộ của tác giảLĩnh Nam chích quái: "Chỉ cốt
khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục mà
thôi"(15). Quá trình đi tìm sự thăng bằng, quân bình như thế đã lặp lại trong văn học
Việt Nam những năm gần đây; khi mà quan niệm thô sơ, giản đơn về chủ nghĩa hiện
thực đã bộc lộ những hạn chế nhất định của nó thì lập tức xuất hiện bộ phận văn học
có yếu tố kì ảo, sáng tác theo thi pháp huyền thoại dần trở nên phổ biến. Hiện tượng
có tính quy luật của văn học đương đại này đã có được sự hậu thuẫn đắc lực của
những nhân tố chính trị, văn hoá, xã hội mà chúng tôi đã phần nào đề cập ở trên.
Bên cạnh đó, chính cơ tầng địa văn hoá, địa lịch sử của một xã hội nông nghiệp
phương Đông mà dưới cái nhìn của người phương Tây là một nơi tự ngàn xưa đến giờ
luôn "tràn đầy những màu sắc lãng mạn thần kì, những tình điệu dị bang, những kinh
lịch đặc biệt, bao trùm lên tầm mắt và kí ức của mọi người" cũng là sự khích lệ, là môi
trường thuận lợi để yếu tố kì ảo nảy sinh, trường tồn. Theo thời gian, những trầm tích
văn hóa này trở thành một dưỡng chất tinh thần không thể thiếu, ngấm vào con người
như một niềm ám thị. “Chính là trong không khí hư hư thực thực, đầy những cách nói
phúng dụ, ngoa truyền, trong một thế giới khép kín của xã hội phương Đông ( ), con
người không có một sự ngăn cách tuyệt đối giữa “cõi sống” và “cõi chết”, và chỉ có
một chiều hướng duy nhất để tự nhận ra mình là quay nhìn lại quá khứ, hoá thân vào
quá khứ, mà nảy sinh ra nhu cầu sáng tác, thưởng thức, truyền bá không bao giờ cạn
những câu chuyện li kì ma quái, làm phương thức giao tiếp tinh thần, tình cảm, và
cũng để thêm màu thêm vẻ cho cuộc sống vốn rất đơn điệu, ngày này như ngày nọ của
mình”(16).
Những truyện kì lạ, hoang đường này còn được nâng cánh bởi cái nhìn thế giới
phi nhị nguyên của vũ trụ luận phương Đông với một niềm tin hồn nhiên là có sự

tương thông, tương giao giữa người sống và người chết, giữa thế giới thực tồn và thế
giới siêu nhiên. Dù đó là một thứ vũ trụ "hai bên" đi nữa thì sự giao lưu giữa hai bên
vẫn còn thân thiết và bền chặt. Và như một hệ quả tất yếu, người ta xem những
chuyện quái dị, hoang đường là có thật, chẳng qua là người trần mắt thịt không thấy
đó thôi, và dành cho những người không cùng quan điểm, niềm tin với mình cái nhìn
đầy vẻ xem thường, cho đó là "kiến thức của bọn người ngồi đáy giếng, không đủ bàn
đến những sự vật trong bầu trời rộng lớn"(17). Niềm tin mang tính chất tâm linh vào
những lực lượng thần bí, siêu nhiên này đã góp phần tạo thành dòng tín ngưỡng "bàng
thống" tồn tại lâu bền bên cạnh "chính thống", ghi dấu ấn đậm sâu vào mọi hoạt động
của con người, đặc biệt là hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Nghĩa là, trong mỗi con người Việt Nam hiện đại vẫn còn tươi nguyên một tâm
hồn phương Đông cổ xưa; và theo như quan niệm của lí luận văn học hiện đại, đây
chính là cơ sở tạo ra "tầm đón đợi" thuận lợi đối với bộ phận văn học tiếp cận cuộc
sống bằng những yếu tố kì lạ, siêu nhiên nói trên. Đó cũng là nhân tố quan trọng khiến
cho văn xuôi có yếu tố kì ảo đương đại - cũng giống như bất cứ tác phẩm kì ảo khác
trong lịch sử văn học dân tộc, dẫu chịu sự hấp dẫn và tác động mạnh mẽ của văn học
hiện đại phương Tây với những bộ y phục bắt mắt, vẫn không ngừng bám chặt để hút
dưỡng chất từ truyền thống. Đặc trưng này khiến cho chúng một mặt không bị xem là
những "quái thai của thời đại", mặt khác lại không quá nhàm chán, lỗi thời với thị
hiếu, nhu cầu của công chúng văn học đương đại. Đông đảo độc giả vẫn có thể "tiêu
thụ" và chuộng kì ảo. Bộ phận văn học này đã tỏ ra phù hợp với xã hội tiêu thụ hiện
nay. Đến lượt mình, sự mới lạ, hấp dẫn của truyện kì ảo thế giới đã tác động tích cực
đến đời sống văn hoá, văn học dân tộc. Trong giao lưu văn hoá, "sự tiếp thu được
những "gien" văn hoá mới, thích đáng, "có ưu thế lai" có tác động tích cực tới bản sắc
dân tộc, nó càng phát triển mạnh mẽ hơn, càng bền vững và ổn định hơn"(18). Khách
quan mà nói, yếu tố kì ảo trong truyền thống văn học dân tộc như một dòng chảy
mạnh mẽ ở bề sâu và cơn gió của thời đại, của văn học kì ảo hiện đại phương Tây như
là ngoại lực từ bên trên tạo ra những ngọn sóng lừng có khả năng vỗ vách thời gian.
Sự tiếp nhận ở đây chủ yếu được lựa chọn theo tiêu chuẩn của truyền thống, khiến cho
cái hiện đại ngoại nhập tự thay đổi để thích nghi với phong thổ, khí chất Việt Nam.

Nói khác đi, những nhân tố truyền thống giữ vai trò "điểm tựa và là yếu tố thuộc nội
lực của cá tính sáng tạo", còn hiện đại góp phần tạo ra những "bước nhảy" về chất của
văn xuôi có yếu tố kì ảo sau đổi mới.
3. Trở lên là cố gắng của người viết trên hành trình đi tìm những nguyên nhân
cơ bản cho sự hồi sinh của bộ phận văn xuôi có yếu tố kì ảo trong đời sống văn học
Việt Nam kể từ sau 1986 đến nay. Dẫu còn mang bóng dáng truyền thống, nhưng nhìn
chung về mặt hình thức, đây là những sáng tác in đậm dấu ấn hiện đại từ đề tài, nhân
vật đến cốt truyện, ngôn ngữ, kết cấu Phần lớn những truyện này đều hướng vào
thực tại sôi động, ở đó yếu tố kì ảo là nhân tố quan trọng mang lại những giá trị thẩm
mĩ thực sự cho tác phẩm chứ không nhằm mục đích kích thích nhu cầu chuộng lạ đơn
thuần của người đọc. Việc sử dụng yếu tố kì ảo với tư cách là "thủ pháp nghệ thuật
mới ra đời" đã giúp người viết tạo được sự đa dạng trong văn phong và những đặc
trưng về phong cách nghệ thuật. Bên cạnh bút pháp tả thực của chủ nghĩa hiện thực cổ
điển, việc xuất hiện bút pháp kì ảo, phi thực đa dạng, nhiều biến ảo này đã khiến văn
học trở nên phong phú, sinh động hơn và người viết bước đầu cũng đã có được gương
mặt riêng, sức cuốn hút riêng của mình. Đây chính là những tín hiệu lạc quan của sự
phát triển theo chiều hướng tích cực của văn học, bởi "không gì đáng buồn hơn là tất
cả đều viết giống nhau". Vì vậy không ít người nghiên cứu tin tưởng rằng sự trở về
của yếu tố kì ảo là dấu hiệu đáng mừng cho thấy bước phát triển theo hướng đa dạng
hóa của văn học Việt Nam. Thoạt nhìn cứ ngỡ kì ảo là thủ pháp chật hẹp, thiếu tính
khái quát vì chỉ quan tâm đến một bộ phận văn học riêng biệt; nhưng không, nó chính
là "con đường nhỏ" (tiểu đạo) dẫn vào "đại dương bao la của thứ ánh sáng không thể
tả được" (E. Poe). Vì vậy, sẽ không võ đoán khi cho rằng, kì ảo chính là một trong
những nhân tố đổi mới diện mạo văn học những năm gần đây "trên những nét lớn", là
nhu cầu phát triển tự thân, tất yếu của đời sống văn học và cũng là "biểu hiện của một
nền văn học dân chủ, đa dạng và nhân bản". Thiết nghĩ, trong khi đề cao chức năng
phản ánh hiện thực của văn học, đã đến lúc cần có những công trình nghiên cứu về kì
ảo ở tầm khái quát của nó nhằm tìm ra những góc độ thích hợp để tiếp cận đặc thù của
văn xuôi thời kỳ đổi mới.

×