Khám phá những pho
tượng độc, dị nhất Việt
Nam
Ở Việt Nam có những bức tượng Phật rất kỳ lạ như:
tượng có thể đứng lên, ngồi xuống, tượng như người thật,
bức tượng với một chân trần
Hai pho tượng như người thật ở chùa Quán Sứ
Trong gian nhà thờ Tổ của ngôi chùa Quán Sứ, Hà Nội có
một pho tượng hết sức độc đáo. Pho tượng đặc tả một vị sư
mặc áo cà sa màu vàng, ngồi xếp bằng, hai tay đặt thiền định
phía trước.
Pho tượng cao chừng 50cm, đặt trong chiếc tủ kính nhỏ, sống
động đến nỗi người ta có cảm giác như đó là một con người
bằng xương bằng thịt đang ngồi thiền. Từng đường nét trên
khuôn mặt như đôi lông mày, nét mũi, miệng , nếp nhăn hai
bên khóe mép, nếp nhăn cuối má, những đường gân hay nếp
nhăn trên cổ đều trông như của người sống. Đặc biệt, trên
đầu pho tượng Phật có lớp tóc bạc ngắn, mọc lấm tấm.
Pho tượng như người bằng xương bằng thịt ở chùa Quán Sứ,
Hà Nội. Ảnh: Lã Xưa
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị
sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Quán Sứ cho
biết: Pho tượng đó là của vị sư cụ Thích Bình Lương, là vị sư
có công cưu mang Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người còn
hoạt động cách mạng ở Thái Lan.
Pho tượng của Hòa thượng Thích Bình Lương mới được rước
về thờ tại chùa Quán Sứ vài năm nay. Đây là pho tượng "thật
nhất" miền Bắc với sự lột tả chân thực đến từng nét mặt, thần
thái của người tu hành.
Chưa hết, tại gian Quan âm của chùa cũng trưng bày pho
tượng hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội
đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với kích cỡ và vẻ
ngoài thật không kém bức tượng nói trên. Tượng được đưa về
chùa dịp lễ Tiểu tường - một năm ngày hoà thượng viên tịch.
Bức tượng khá giống người thật.
Thầy Thích Đức Thiện, Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo
Việt Nam cho biết, tượng được làm tại Thái Lan trong một
năm. Có hai pho tượng, một rước về đặt tại tháp chùa Nho
Lâm (huyện Kim Động, Hưng Yên), quê của hoà thượng và
pho còn lại tạm thời đặt tại chùa Quán Sứ.
Đây là thành quả của các tăng ni, phật tử Thái Lan hiến tặng.
Họ từng có tâm nguyện này từ năm 2008 nhân dịp Đại lễ
Phật đản Liên hợp Quốc tại Hà Nội. Năm đó đoàn Phật giáo
Thái Lan đã đến thăm chùa Quán Sứ và gặp hoà thượng
Thích Thanh Tứ.
Bức "dị tượng" độc nhất
Ai đã từng đến chùa Hòe Nhai, Hà Nội hẳn sẽ nhìn thấy bức
tượng một ông vua đời Hậu Lê hàng ngày hàng giờ phủ phục,
và trên lưng ông là Phật Thích Ca. Pho tượng này là kết quả
từ một cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam
năm 1678. Khoảng thời gian hậu Trần đó, Phật giáo không
còn được đứng ở vị trí quốc giáo nữa, thay vào đó là sự thịnh
hành của Nho giáo.
Vua Lê Hy Tông đã ra sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng,
ai không đi sẽ bị trừng trị nặng nề. Đạo Phật khi đó đã phải
trải qua một thời kỳ nhọc nhằn.
Bức "dị tượng" ở chùa Hòe Nhai.
Không cam tâm thấy tăng chúng phải trải qua pháp nạn quá
nặng nề đó, một trong số những hòa thượng đắc đạo pháp
danh Tông Diễn, được biết đến với tên Tổ Cua, Tổ Cáy đã
tìm cách len lỏi trở lại kinh thành Thăng Long, tìm cách giáo
hóa vị vua Lê Hy Tông đầy quyền uy và kì thị.
Bừng tỉnh sau khi nghe hòa thượng thuyết pháp, vua Hy
Tông bèn rút lại sắc lệnh đã ban. Từ đó hết sức sửa mình, tự
nguyện đề nghị với hòa thượng Tông Diễn rằng nên làm một
bức tượng mà trong đó, vua phủ phục dưới Phật, để thể hiện
sự sám hối và sửa mình một cách cẩn trọng của ông.
Đây là bức tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt
Nam, mang tính cách Việt và lịch sử Việt, không nơi nào trên
thế giới có một mã văn hóa như thế. Pho tượng này nằm ở
một tầng cao về trí tuệ, một sự sửa mình để sống tốt hơn, một
người ở cấp độ cầm quyền cao nhất cũng phải xem lại chính
mình.
4 tượng Phật cổ bí ẩn ở Cà Mau
Anh Dương Hoàng Dũng, một người sưu tầm cổ vật ở P.5,
TP.Cà Mau sở hữu 4 pho tượng có đặc tính lạ khó lý giải.
Các tượng đều giống nhau màu vàng, có hình đức Di Lặc
ngồi, chiều đứng chỉ 3,5 cm, ngang 4 cm, dày 1,3 cm, nặng
từ 2,5 - 2,8 lượng.
Những người có thâm niên chơi đồ cổ, kể cả những người có
nghiên cứu chuyên sâu về Hán - Nôm đều chưa có lời giải
thích thuyết phục về những “đặc tính lạ” của các pho tượng.
Những bức tượng này có đặc tính “lạ” là khi để vào đá thì lập
tức đá tan chảy rất nhanh như chạm phải vật nóng. Đun nóng
tượng trên bếp gas khoảng 30 phút, chúng chuyển sang màu
tím sim nhưng khi đưa trở lại nước thì lập tức chúng trở lại
màu vàng tươi.
Bức tượng đứng lên, ngồi xuống
Hiện nay, tại miếu Bảo Hà, Hải Phòng có một pho tượng kỳ
lạ, có thể ngồi xuống, đứng lên như người thật. Không giống
như các pho tượng tại nhiều đền đài, miếu mạo, bức tượng
thờ Đức Linh Lang Đại vương trong tư thế ngồi trên ngai, tay
cầm văn tự có thể chuyển động, đứng lên một cách nhẹ
nhàng, khoan thai, rồi lại từ từ ngồi xuống. Đây được xem là
bức tượng độc đáo, hiếm gặp trong số những bức tượng hiện
có ở Việt Nam.
Sự chuyển động của bức tượng đã khiến cho những người
đến đây trầm trồ khen ngợi về sự tài hoa, sáng tạo của người
thợ làng Bảo Hà.
Cụ Nguyễn Văn Nghĩa - Trưởng ban Quản lý di tích miếu
Bảo Hà nói: “Bức tượng gần 700 tuổi này là sự sáng tạo “độc
nhất vô nhị” của tổ tiên, là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật
tạc tượng và nghệ thuật múa rối. Những nghệ nhân xưa đã sử
dụng cách chuyển động trong múa rối để “thổi hồn” vào bức
tượng tạo nên sự kỳ lạ, độc đáo. Người dân ở vùng này coi
đây là một báu vật, biểu tượng của một ngôi làng truyền
thống”.
Hai bức tượng táng chùa Đậu
Làng Đậu cách Hà Nội hai mươi ba cây số về phía Nam, có
ngôi chùa Đậu nổi tiếng linh thiêng bởi hai pho tượng táng
của Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường cùng tu tại
chùa này thế kỷ XVII, sau khi tịch, xác thân vẫn còn nguyên
vẹn.
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường.
Điều bí ẩn, và khác biệt của hai pho tượng nhục thân thờ ở
chùa Đậu so với các Phraon và nhiều nước trên thế giới là
phương pháp tu luyện kỳ bí của Thiền sư để có được một di
thể bền vững, khi chết không bị phân hủy, mà không cần đến
bất cứ loại thuốc tẩm ướp xác nào.
Thiền sư Vũ Khắc Minh viên tịch.
Di thể kỳ diệu ấy được kết hợp với nghệ thuật làm “Tượng
sơn bó cốt nhục” Thiền sư của các nghệ nhân truyền thống
(còn gọi là tượng táng ở Việt Nam) đạt độ tinh hoa, vừa sinh
động, thẩm mỹ, tâm linh, thờ tự, vừa bày đặt để dân chúng
tận mắt chiêm ngưỡng, không phải đặt sâu trong hầm mộ.
Đó là những kỳ tích bí ẩn của tài năng, trí tuệ khoa học,
huyền diệu của các Thiền sư Việt Nam và nghệ nhân sáng tạo
tượng táng ở Việt Nam.
Tượng Đức Ông với một chân trần độc đáo
Pho tượng thờ Đức Ông ở chùa Bộc Hà Nội từ xa xưa đã
mang trong mình nhiều bí mật. Ngôi chùa sở hữu pho tượng
lạ này trước đây có tên là Sùng Phúc Tự. Cho đến bây giờ
cũng không ai biết được chùa được xây dựng từ thời nào.
Tượng Đức Ông với một chân trần độc đáo từ lâu vẫn luôn là
điều bí mật.
Trong tòa tam bảo ngôi chùa ngoài thờ phật, bên hữu đường
có một ban thờ Đức Ông ở phía bên phải. Nhưng khác với
thông thường, tượng Đức Ông ở đây không chỉ có một mà có
đến 3 pho. Trong đó, tượng Đức Ông to hơn, ngồi cao hơn
một bậc, ở bậc dưới có hai người ngồi. Trông toàn cảnh thấy
như 3 người đang ngồi bàn việc.
Đặc biệt, pho tượng Đức Ông ngồi trên lại đội mũ Xung
thiên, một chân để trong hài một chân để ở ngoài dáng vẻ rất
thoải mái. Ngài mặc áo ngoài có thêu rồng ẩn trong mây,
lưng thắt đai trông rất oai nghiêm. Những chi tiết này là một
sự bất thường so với tượng Đức Ông phổ biến ở các chùa
thường chỉ có một pho và không mặc áo thêu rồng.