Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

GÓC NHÌN HỘI HOẠ MỸ THUẬT TRÊN MỘT SỐ CHẠM KHẮC GỖ THANH HOÁ docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (128.59 KB, 8 trang )





GÓC NHÌN HỘI HOẠ TRÊN MỘT SỐ CHẠM
KHẮC GỖ THANH HOÁ



Nếu trong hội hoạ, người ta sử dụng các chất liệu, ngôn ngữ của hội hoạ như bố
cục, đường nét, màu sắc, hình khối, đậm nhạt, kỹ thuật chất liệu để biểu thị một
chủ đề ý tưởng của người nghệ sĩ, thì trên những bức chạm khắc gỗ bằng ngôn ngữ
của điêu khắc, người nghệ nhân cũng thể hiện ý tưởng của mình trên gỗ. Tuy nhiên
khác với những tác phẩm hội họa, những bức chạm này thường không có tính chất
độc lập mà gắn liền với những công trình kiến trúc. Chúng cũng không hoàn toàn
được sáng tác theo ý tưởng riêng của người nghệ sĩ, mà đa phần đều được xây
dựng từ các quan niệm dân gian thể hiện thông điệp đối với thần linh cũng như với
con cháu mai sau.
Trong một di tích, cũng như trong hội hoạ, trên các bức chạm khắc gỗ thường quan
tâm đến bố cục chung của tác phẩm. Nhưng do không tồn tại độc lập mà phụ thuộc
vào kiến trúc, nên các tác phẩm chạm khắc gỗ thường chịu sự qui định của khung
hình các cấu kiện kiến trúc như hình chữ nhật, hình vuông ở các ván ghép, ván
bưng, hình ô van ở các ván rốn nhện, hay hình tam giác ở các vì nách Do đó
muốn tạo nên một bố cục đẹp cho các tác phẩm người nghệ nhân thường chạm
chúng với sự phát huy hết khả năng tạo dựng cho một tác phẩm độc lập hoặc liên
kết chúng thành một thể thống nhất.
Hai mảng chạm trên bức vách chùa Hoa Long và nghè Nguyệt Viên có thể xem là
những mảng chạm khắc điển hình cho nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ XVII và thế
kỷ XIX ở Thanh Hóa. Những bức vách này đã tạo nên những mảng trang trí rất cầu
kỳ cho công trình kiến trúc phía bên ngoài. Đây cũng là những tác phẩm rất đặc
trưng cho nghệ thuật trang trí kiến trúc thế kỷ XVII - XVIII ở Thanh Hóa. Nhìn


tổng thể bố cục của hai bức vách này ta có thể thấy chúng giống như một tác phẩm
mà ít nhiều chất tố hội họa được chú trọng. ở cả hai công trình, các mảng chạm đều
được bố cục một cách đăng đối sang hai bên rất chặt chẽ. Chúng là sự kết hợp
nhuần nhị giữa các chức năng kiến trúc mặt ngoài và chức năng trang trí. Như bức
vách chùa Hoa Long- Vĩnh Thịnh- Vĩnh Lộc, hai bức này đăng đối với cửa chính
theo trục tung. Hai mảng chạm hai bên này còn được kết hợp với khoảng trống hai
khung cửa sổ, để tạo độ nghỉ mắt cho toàn bộ bức vách. Cả mảng chạm này có thể
xem như một bức tranh mà ở đó những mảng chính phụ đã được chú trọng tới và
phân định theo những điểm nhìn khác nhau. Người ta có thể thấy tính chất liên
hoàn trong bố cục như, phía trên của những thanh song cửa là hàng loạt các bức
chạm khắc. Chúng được liên kết với mảng chạm bên dưới bằng hai bức chạm chạy
dọc theo hai khung cửa và cuối cùng được tạo hình bằng một kết cấu giống như
một mảng chạm ở chân của các diềm sập quì, khiến cho cả mảng chạm khắc trên
bức vách này trở nên sinh động. Nó khác với việc tạo hình trang trí cho cửa gỗ
chấn song, mà là sự quan tâm của người nghệ nhân được nhìn thấy trong một khối
hình tổng quát của cả bức vách. ở đây, người nghệ nhân đã bỏ qua định luật xa
gần, những nguyên tắc bố cục theo tính hợp lý của hiện thực để tạo ra một sự hợp
lý khác của nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian.
Trên mảng chạm này, thủ pháp đồng hiện đã được các nghệ nhân khai thác một
cách triệt để. Nó cho phép cùng một lúc có thể tái hiện nhiều hoạt cảnh của đời
sống với không gian và thời gian khác nhau. Các hình ảnh được phân ra từng nhóm
nhân vật được bố trí trên cùng một trục nhìn ngang, lấy đề tài từ các sinh hoạt của
đời sống dân gian mang hình thức tượng trưng như uống rượu, đấu vật, kéo co, hay
các mô típ về hoa lá, vật linh như hổ, lân, rồng, nghê, đều được chạm trong sự
phân đoạn đều đặn của các ô. Các biểu tượng này nhìn qua tưởng chừng như được
chạm một cách đối xứng nhưng đôi khi lại mang tính chất rất ngẫu hứng.
Ngôn ngữ chạm khắc ở đây cũng được nhìn một cách đa chiều theo kỹ thuật chạm
khắc như chạm lộng, chạm bong, chạm thủng Sự kết hợp của các kỹ thuật này
cũng cho thấy con mắt hội họa của các nghệ nhân. Ví dụ như phía trên và dưới ô
cửa, thì các mảng chạm thường chỉ là chạm nổi để nền trơn, trong khi hai mảng

chạm hai bên song cửa lại là mảng chạm thủng (nay mảng chạm này đã hỏng, chỉ
còn lại một bên). Lối chạm thủng được đặt vào đây khiến cho toàn bộ mảng chạm
được liên kết lại với những chấn song của hai ô cửa một cách tự nhiên nhất.
Phương pháp tạo điểm nhấn trong chạm khắc cũng tương tự như trong hội hoạ
với thủ pháp sử dụng hình ảnh cường điệu. Trong hầu hết các công trình việc tạo
điểm nhấn bằng hình ảnh to rõ và kết hợp với thủ pháp cường điệu đã làm tăng
thêm phần uy nghi cho một mảng trang trí hoặc cho toàn bộ công trình. ở mảng
chạm chùa Hoa Long, toàn bộ khu vực dưới của cửa chấn song, các dường trang trí
được tạo hình bằng những nét lớn hô ứng nhau. Trung tâm của mảng chạm này là
đôi rồng chầu mặt trời biểu tượng cho tín ngưỡng lễ nghi nông nghiệp cầu cho mưa
thuận gió hòa. Phía trên đó là các hoạt cảnh kể trên cho thấy ý nghĩa tổng thể của
cả bức chạm là ước vọng về một cuộc sống no đủ sung túc.
Việc tạo điểm nhấn cho các bức chạm ở một số công trình còn sử dụng đến màu
sắc để thu hút sự chú ý của con mắt tạo hình. Màu
vàng và mà đỏ thường là màu chủ đạo cho các mảng chạm khắc. Nếu ở các vị trí
quan trọng trong đình chùa, thì những bức chạm này được sơn thếp để tạo nên sự
lộng lẫy bắt nhập với ánh sáng thiếu khiến cho không gian được mở rộng hơn. Còn
nếu mảng chạm đó ở mặt ngoài của công trình thì việc sử dụng màu sắc thường
cũng đơn giản hơn, giảm thiểu những chỗ thếp vàng bạc không cần thiết. Họ lợi
dụng ánh sáng ngoài trời để tạo hình cho tác phẩm thêm sống động.
Đây cũng chính là thủ pháp của hai mảng chạm trên hai bức vách nghè Nguyệt
Viên. So với 2 bức vách của chùa Hoa Long thì nghè Nguyệt Viên có kiểu thức bố
cục tương đương nhưng niên đại muộn hơn gần 2 thế kỷ. Hai mảng chạm này được
làm theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Tính chất biểu tượng cũng rõ rệt hơn,
không còn là những mảng chạm hoạt cảnh, mà tính chất hoạt cảnh được lồng gắn
trong biểu tượng chữ thọ được chạm gần như nổi, hoặc ghép trên khung hình. Mặc
dầu ta không thấy hình ảnh cụ thể của con người ở đó nhưng các nghệ nhân gửi
vào ý tưởng về con người thông qua cách kết hợp chữ và hình ở vị trí trung tâm.
Trên chữ thọ, người ta lại nhìn thấy hình ảnh rồng mây hóa lá như thể tạo nên tính
chất đối đãi, và nếu nhìn trên tính chất tổng thể của bức chạm thì chúng không

khác 2 chữ thọ được lồng vào với nhau. Bốn góc của bức chạm này là tứ linh và tứ
quí, như lão mai hóa rồng, rùa và lá sen, hoa cúc, mai và cuốn thư biểu tượng cho
học vấn. Đồng thời ở đây người ta còn thấy sự tương phản rất rõ ràng giữa tính
chất mềm mại của các hình ảnh biểu tượng và sự khúc triết của các nét to khỏe của
phần chữ. Mặc dầu phần trung tâm được tạo kiểu bố cục lệch nhưng tính cân bằng
lại được tạo ra bởi bốn biểu tượng ở bốn góc. Các khoảng rỗng đặc cũng rất có giá
trị để tạo nên sự nghỉ mắt cho tác phẩm. Cách sơn vẽ trên hai bức chạm khắc này
cũng cho thấy con mắt tinh tế của các nghệ nhân. Sự kết hợp nhuần nhị giữa màu
vàng, màu đỏ và màu trắng hay xanh lam chạy thành những đường gờ chỉ đã khiến
cho các bức chạm sinh động hơn. Có lẽ trong số các công trình kiến trúc nói chung,
thì hai mảng chạm trên bức vách nghè Nguyệt Viên được xem như một bức chạm
khắc có tính chất độc lập nhất.
Như vậy ta có thể thấy rằng không gian chạm khắc của những bức vách ở các công
trình kể trên đã cho thấy một giá trị hội họa đậm nét. Nếu ở chùa Hoa Long, yếu tố
hội họa trên các mảng chạm được nhìn nhận qua sự phân bố các mảng chạm khắc
gắn liền với thành phần kiến trúc, thì đến bức chạm ở nghè nguyệt Viên lại cho
thấy tính chất độc lập. Nếu ở chùa Hoa Long là sự thay đổi giữa ngôn ngữ chạm
khắc thì ở nghè Nguyệt Viên lại là sự thay đổi khoảng cách vị trí và được sự hỗ trợ
của màu sắc. Chúng tạo lập nên hai phong cách điển hình cho 2 thế kỷ khác nhau,
nhưng yếu tố thẩm mỹ mang tính chất hội họa có thể xem như một yếu tố bổ xung
cho sự thiếu hụt của một lĩnh vực ít phát triển hơn trong nghệ thuật truyền thống
Việt.

×