NỤ CƯỜI BÍ HIỂM VÀ BẤT HỦ CỦA TÁC PHẨM MỸ THUẬT NỔI
TIẾNG THẾ GIỚI
LEONARDO DA VINCI - Mona Lisa - Sơn dầu
Một nhóm các nhà nghiên cứu Italia có ý định chắp nối các mảnh vỡ xương sọ của
Lisa Gherardini, người được cho là đã ngồi mẫu cho kiệt tác Mona Lisa hồi thế kỷ
16 của Leonardo da Vinci, để căn cứ vào đó họ có thể xác định xem nụ cười hình
tượng bất hủ trên họa phẩm là đúng của Gherardini hay không. Một số người lại tin
rằng thực tế nụ cười đó là vẽ theo mẫu nụ cười của người trợ lý của Leonardo hoặc
thậm chí là của chính nghệ sĩ. Liệu ta có thể thực sự căn cứ vào xương sọ của một
người để quả quyết người đó mỉm cười như thế nào không ?
Không chắc lắm. Những hài cốt cung cấp cho ta những nét chung, tổng thể về
miệng của một con người. Hai góc môi nằm trên diện ngoài của những răng nanh,
do vậy xương sọ có thể cho thấy chiều rộng của miệng. Các góc và các điểm tiếp
xúc của hai hàm răng trên và dưới có thể ảnh hưởng tới cái cách hai môi gặp nhau,
và tình trạng mòn men răng ở người lớn có thể cho thấy độ dày của hai môi của
người đó. Nếu những khía cạnh đó của xương sọ của Gherardini không trùng khớp
với những đặc điểm trên họa phẩm thì các nhà nghiên cứu có thể đưa ra lập luận
đầy thuyết phục rằng Lisa Gherardini không phải là người ngồi mẫu của Leonardo.
(Họa phẩm còn có nhiều đặc điểm độc nhất vô nhị khác có thể được nhận dạng
trong đám hài cốt, chẳng hạn một vầng trán rộng và một cái mũi dài). Nhưng nếu
muốn chứng minh rằng Gherardini đúng là nguồn cảm hứng cho nụ cười của Mona
Lisa trong kiệt tác của Leonardo sẽ khó hơn nhiều. Xương sọ của một người nói
lên rất ít về cách người đó mỉm cười như thế nào. Rất nhiều gân, cơ chằng chịt chi
phối nụ cười gắn liền với các mô mềm chứ không liên hệ gì đến xương và cũng có
nhiều biểu hiện cho thấy rằng nụ cười mỉm của một người còn là thể hiện nét học
thức, văn hóa chứ không phải chỉ là kết quả tự nhiên của cấu trúc xương.
Tạo dựng lại khuôn mặt căn cứ trên hài cốt đã tiến một bước dài trong mấy thập
niên qua. Giờ đây, các nhà khoa học có thể tái tạo lại hình dáng khuôn mặt của một
người - vị trí của hai mắt, đường sống mũi, hoặc đường lượn của hàm – chính xác
trong phạm vi đôi ba milimét. Vấn đề là ở chỗ người ta không có xu hướng, không
quen nhận dạng nhau dựa trên những nét đại thể của khuôn mặt. Các nhà nghiên
cứu đã sử dụng công nghệ “scan” y học để dựng lại hình ảnh ba chiều của xương
sọ một người hiện vẫn còn sống, ấy vậy mà ngay cả những người thân trong gia
đình của chính người đó cũng không nhận ra. Ta thường nhận dạng nhau thông qua
các đặc điểm mà các nhà nhân chủng khoa xương vẫn chưa hình dung ra cách tạo
dựng lại một cách đáng tin cậy được: đó là màu sắc của da, màu mắt, tóc, những
nếp nhăn, và cả các nét biểu hiện đặc trưng trên mặt nữa.
Đó là lý do tại sao ngay cả Leonardo cũng khó lòng nhận ra được khuôn mặt của
Lisa Gherardini qua sự tái tạo hiện đại. Trong một công trình nghiên cứu, các nhà
nghiên cứu pháp y nhân chủng học Australia đã sử dụng 4 kỹ thuật tái lập để tạo ra
16 khuôn mặt từ 4 xương sọ, rồi sau đó yêu cầu những người quan sát không
chuyên nhặt ra môt bức ảnh của người đã khuất từ đống 16 bức hình. Kết quả là
một thất bại thảm hại: Những người tham gia xác định chỉ có một trong số 16 bức
hình tái tạo, với tỉ lệ trên mức chọn lựa bất kỳ một chút. Các công trình nghiên cứu
khác cho thấy ngay cả những người thân quen cá nhân cũng không khá hơn những
người xa lạ trong việc nhận dạng qua các hình chụp các khuôn mặt được tái lập.
Tuy khoa học này đã có bước tiến bộ hơn trong thập kỷ qua, nhưng các nhà nghiên
cứu tái lập hình dạng qua xương vẫn khá hơn nhiều trong việc tạo dựng lại hình
ảnh giả định của tổ tiên loài người so với việc dựng lại trung thực các khuôn mặt
hiện đại.
Dựng lại khuôn mặt của Mona Lisa như trong đời sống thực vấp phải một số
những thách thức khác. Lúc qua đời, Lisa Gherardini đã hơn 60 tuổi. Các chuyên
gia về dựng lại khuôn mặt giờ đây có được một số kỹ thuật quay ngược lại tuổi của
một người nào đó như kéo lông mày cao lên, vì lông mày thường sụp xuống trông
rõ nét hơn ở những người luống tuổi. Nhưng rất có thể Gherardini bị rụng một số
răng (nhiều người ở nước Ý thời Phục Hưng tin rằng bệnh đau răng là hậu quả gây
nên bởi những con sâu đục răng, còn nhiều người khác lại cho đau răng miệng là
do chảy máu chân răng hoặc do nhịn ăn, kiêng rượu…). Nếu khi chết mà
Gherardini bị rụng răng, chỉ còn có lợi trơ ra, thì nó sẽ gây khó khăn rất lớn cho
những nỗ lực dựng lại miệng của bà.
Cuối cùng, mặc dù ai cũng biết Leonardo da Vinci nổi tiếng về nghệ thuật họa
chính xác giải phẫu học, nhưng Mona Lisa vẫn chỉ là một họa phẩm mà thôi.
Người ta vẫn không rõ là Leonardo có ý định vẽ nó như một tác phẩm thuộc chủ
nghĩa hiện thực nhiếp ảnh hay lý tưởng hóa người ngồi mẫu. Hơn nữa, Leonardo
đã miệt mài lao động vẽ bức này kéo dài nhiều năm, khiến ta khó có thể tái tạo lại
một cách trung thành từng góc cạnh một của khuôn mặt người ngồi làm mẫu.