TRANH KHẮC GỖ MỚI - PHƯƠNG TIỆN MỞ RỘNG THỰC HÀNH
NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI
1. Tranh khắc gỗ trong thực hành nghệ thuật đương đại
Nghệ thuật tranh khắc gỗ là nghệ thuật lâu đời nhất trong các thể loại tranh in. Trải
qua những thăng trầm trong lịch sử, ngày nay tranh khắc gỗ đã thay đổi rất nhiều
về kỹ thuật, hình thức và chức năng nghệ thuật. Những thay đổi căn bản về chất
liệu, phương tiện, kỹ thuật chế bản và in ấn đã đem lại cho thể loại tranh khắc lâu
đời nhất này một sức sống hoàn toàn mới và mang tính thời đại.
Thực hành nghệ thuật đương đại đã không còn xa lạ với nghệ sỹ và công chúng.
Trên thế giới, việc thực hành nghệ thuật đương đại bằng tranh in đã thịnh hành
trong mấy thập kỷ gần đây và ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một vài trường hợp
hiếm hoi.
Mặc dù “già tuổi” nhất trong các thể loại tranh in, nhưng xét về chất liệu và
phương tiện chế bản, in ấn thì nghệ thuật khắc gỗ lại có nhiều tiềm năng nhất trong
việc đáp ứng các đặc trưng cơ bản của nghệ thuật đương đại. Các đặc trưng đó là:
a/ Thách thức truyền thống và thẩm mỹ đã định hình;
b/ Chấp nhận sự đa nguyên trong quan niệm nghệ thuật;
c/ Đề cao vai trò của sự liên kết giữa vật thể với môi trường xung quanh và giữa
các vật thể với nhau;
d/ Sử dụng chất liệu, phương tiện từ cuộc sống thường nhật;
e/ ứng dụng công nghệ đương đại.
Nếu như trước đây, khi nói đến tranh khắc gỗ, chúng ta đều hình dung tới loại hình
nghệ thuật được in trên giấy có kích thước khiêm tốn, có ngôn ngữ tạo hình đường
nét và mảng phẳng đơn giản, mang nhiều tính trang trí và thường được trưng bày
trong khung kính… Những hình dung đó đã và đang bị thách thức bởi các điều
kiện và khả năng sáng tạo mới, rất đương đại, trong sáng tác tranh khắc gỗ hôm
nay. Bằng các chất liệu và kỹ thuật chế ván in mới, tranh khắc gỗ ngày nay có thể
truyển tải được tất cả những gì mà hội họa có thể thực hiện. Từ bút pháp tả thực
thâm diễn đến bút pháp biểu hiện, ấn tượng…, từ phong cách hiện thực đến trừu
tượng…, từ những ý tưởng giản dị đến các ý tưởng điên khùng nhất của nghệ thuật
chúng ta đều có thể thấy trên các bản in tranh khắc gỗ nhiều màu cỡ lớn qua “dao
pháp” của họa sỹ tranh in. Bên cạnh sự phong phú về bút pháp và sự thay đổi sâu
sắc về thẩm mỹ, tranh khắc gỗ không chỉ được chiêm ngưỡng như một tác phẩm
tĩnh trong khung kính. Nó đã thực sự “lột xác” trong các sắp đặt trong nhà hay
ngoài trời. Tranh khắc gỗ đã đi từ mặt phẳng hai chiều lên thành vật thể ba chiều.
Khi kết hợp với môi trường xung quanh và với các yếu tố khác, hình ảnh in từ ván
gỗ đã có một đời sống khác, đa dạng và đa nghĩa, có thể kể câu chuyện rộng hơn,
sinh động hơn. Thoát ra khỏi khung kính hay cặp đựng của nhà sưu tập, tranh khắc
gỗ trở nên gần gũi và đủ khả năng tương tác với công chúng như bất kỳ thành phần
nào của một tác phẩm sắp đặt hay trình diễn.
2. Sự mở rộng về phương tiện, chất liệu, kỹ thuật chế bản và in ấn - tiền đề cho
thực hành nghệ thuật khắc gỗ đương đại
Kỹ thuật chế bản và in tranh khắc gỗ thuộc phương pháp in nổi (relief print). Xét
về bản chất, kỹ thuật chế bản gỗ là quá trình tác động làm thay đổi bề mặt phẳng
nhẵn vốn có của ván (tấm) gỗ. Quá trình làm thay đổi đó được thực hiện bởi họa sỹ
hay thợ khắc bằng các phương tiện, dụng cụ có thể khoét sâu hay bào mòn một
phần mặt gỗ. Trước đây, để làm một ván in gỗ người ta dùng các loại đục và dao
khắc gỗ để xúc đi những phần không cần in. Ngày nay, với việc mở rộng quan
niệm về nghệ thuật khắc gỗ và sự hỗ trợ của công nghệ mới, ván in gỗ có thể được
chế bằng nhiều cách thức, phương tiện và dụng cụ khác nhau.
Khi sử dụng các công cụ, vật liệu sản xuất ra để phục vụ những công việc dân
dụng thường nhật, máy móc khoan cắt hiện đại hay công nghệ tách màu điện tử
vào việc chế bản ván in gỗ thì rõ ràng là thực hành tranh khắc gỗ đã bao hàm dặc
trưng thứ tư và thứ năm của nghệ thuật đương đại: sử dụng chất liệu thường nhật,
ứng dụng công nghệ mới. Ngoài một số loại gỗ vẫn được dùng từ trước tới nay để
khắc ván in, ngày nay họa sỹ tranh in đã sử dụng các loại gỗ nhân tạo như gỗ dán,
ván ép từ hỗn hợp bột gỗ. Sử dụng gỗ nhân tạo là điều kiện tiên quyết trong việc
thể hiện một tranh khắc gỗ khuôn khổ lớn. Bên cạnh dao khắc gỗ chuyên dụng, để
chế một ván in tranh khắc gỗ, người ta còn dùng các dụng cụ để cạo rỉ sắt, máy
khoan với nhiều loại mũi khoan khác nhau, máy cắt CNC công nghệ cao… thậm
chí cả các loại dao kéo dùng trong chế biến thực phẩm. Những phương cách tạo
ván in mới nói trên trong thực hành nghệ thuật khắc gỗ ngày nay, một mặt là biện
pháp giải tỏa nhu cầu tạo hình mới, đa dạng và phức tạp về tính chất biểu hiện; mặt
khác – tạo ra thẩm mỹ mới cũng như sự thay đổi lớn trong quan niệm và cách đánh
giá tranh khắc gỗ.
Về kỹ thuật in ấn, tuy không phong phú như kỹ thuật chế ván in, nhưng cũng đã
đạt được bước tiến quan trọng. Ngoài kỹ thuật in tay và in rập truyền thống dung
cho ván in khuôn khổ không lớn, ngày nay họa sỹ tranh in đã có thể in tranh kích
thước “khổng lồ” nhờ máy in trục lăn và các thiết bị đặt giấy in khổ lớn.
Thực chất, những mở rộng về chất liệu, công nghệ, phương tiện chế ván in và in ấn
đã là tiền đề dẫn đến sự phong phú, đa dạng về hình thức, phong cách tạo hình
trong nghệ thuật tranh khắc gỗ mới. Những mở rộng ấy hướng tới mục tiêu đáp
ứng tính đa nguyên trong quan niệm nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu biểu lộ nội dung,
ý tưởng đa chiều, đa nghĩa và không ít phức tạp trong thực hành nghệ thuật đương
đại.
3. Khắc phá bản gỗ - kỹ thuật ưu việt trong thực hành nghệ thuật khắc gỗ ngày nay
Kỹ thuật khắc phá bản gỗ là cách chế ván in tranh khắc gỗ nhiều màu chỉ trên một
tấm gỗ. Khắc phá bản gỗ được dịch ý từ thuật ngữ tiếng Anh sử dụng phổ biến
trong chuyên ngành tranh in “reduction woodcut” (một trong các nghĩa đen của
“reduction” là phá dần, làm mòn dần). Kỹ thuật này được phát triển bởi họa sỹ
Cheng Xu ở Học Viện Mỹ thuật Vân Nam, Trung Quốc từ năm 1982. Nhưng
nguồn gốc của kỹ thuật này lại nằm ở những tác phẩm khắc cao su giai đoạn 1950
– đầu 1960 của danh họa Picasso.
Kỹ thuật khắc phá bản gỗ thực hiện theo nguyên lý xúc bỏ phần gỗ đã in màu lần
trước để tạo phần tử in cho bản màu tiếp sau trên cùng một ván gỗ. Cụ thể hơn, sau
khi in màu thứ nhất, vẫn trên ván gỗ đó ta phá đi những phần cần thiết để khi in
màu thứ hai thì màu đó không bị che mất bởi màu sau. Bằng quá trình khắc phá
dần như vậy, họa sỹ tranh in có thể thực hiện một tác phẩm khắc gỗ nhiều màu
(trên 15 màu) mà không quá khó khăn và ít tốn kém vật chất, thời gian. Với sự hỗ
trợ của máy khắc công nghệ cao CNC thì việc thực hiện quá trình khắc ván gỗ khổ
lớn và in nhiều màu thật thú vị. Thông qua ứng dụng công nghệ mới trong chế bản
và in ấn theo nguyên lý kỹ thuật khắc phá, nhiều họa sỹ đã sáng tác những tác
phẩm tranh khắc gỗ có hiệu quả thị giác đến mức tương đương ảnh chụp và có thể
thể hiện được những nội dung và hình thức không đơn giản của nghệ thuật đương
đại.
Nhờ kỹ thuật khắc phá, bằng những phương tiện công nghiệp hiện đại hay những
dụng cụ sử dụng thường nhật, tranh khắc gỗ ngày nay đã tạo được cho mình những
hiệu quả thị giác mới, đã làm thay đổi căn bản trong quan niệm và cách đánh giá
của giới chuyên môn, công chúng về thể loại đồ họa tranh in lâu đời nhất này.
Những yếu tố mới của tranh khắc gỗ ngày nay nằm ở đường nét, bút pháp tự do,
bay bổng, ở sự thâm diễn hình họa, ở sự phong nhiêu về sắc màu…, ở sự đa dạng
vô biên của phương thức thể hiện ý tưởng nghệ thuật. Đến lượt mình, những yếu tố
ấy vừa trở thành điều kiện, vừa trở thành phương tiện để tạo ra “vùng đất” rộng
cho các thực hành nghệ thuật đương đại.