T×m hiÓu hÖ thèng ph¸p luËt Hoa Kú
26 t¹p chÝ luËt häc sè 12/2010
TS. NguyÔn V¨n Quang *
iệc giải quyết các tranh chấp hành
chính ở Hoa Kỳ cũng có nhiều nét
tương đồng với cách thức giải quyết tranh
chấp hành chính ở nhiều nước khác trên thế
giới, đặc biệt là các nước trong hệ thống
thông luật (common law). Mâu thuẫn, bất
đồng giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan
công quyền trong quản lí hành chính nhà
nước trước hết được giải quyết trong nội bộ
hệ thống cơ quan hành chính nhà nước theo
cách thức, trình tự, thủ tục được pháp luật
quy định. Nếu việc giải quyết tranh chấp
hành chính bằng phương thức này không
đạt được kết quả như mong muốn, tranh
chấp hành chính sẽ được chuyển đến toà án
để giải quyết theo thủ tục tố tụng tư pháp.
Nếu các tranh chấp này không được giải
quyết ổn thoả bằng các thiết chế của hệ
thống hành chính thì các toà án thường, vốn
dĩ là cơ quan xét xử các vụ án dân sự sẽ
đứng ra làm nhiệm vụ xét xử các tranh chấp
hành chính theo thủ tục tố tụng được pháp
luật quy định. Bên cạnh đó, cũng cần nhấn
mạnh rằng dù có những nét tương đồng với
cách thức giải quyết tranh chấp hành chính
ở các nước trong hệ thống thông luật, việc
giải quyết các tranh chấp hành chính ở Hoa
Kỳ cũng có một số điểm khác biệt, tạo nên
bản sắc riêng của hệ thống pháp luật của
quốc gia này.
1. Cơ quan hành chính trong giải quyết
tranh chấp hành chính ở Hoa Kỳ
Cũng giống như ở bất kì quốc gia nào,
những mâu thuẫn, bất đồng giữa cá nhân, tổ
chức với cơ quan công quyền trong quản lí
hành chính nhà nước ở Hoa Kỳ trước hết
được giải quyết bởi các cơ quan thực hiện
chức năng điều hành của trong bộ máy nhà
nước. Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ,
các cơ quan này được gọi chung là các cơ
quan hành chính (administrative agencies) –
cơ quan được trao quyền chỉ đạo và giám sát
việc thực thi các văn bản pháp luật do cơ
quan lập pháp ban hành.
(1)
Các cơ quan hành
chính ở Hoa Kỳ được hình thành trên cơ sở
Hiến pháp liên bang, các đạo luật của Quốc
hội và cơ quan lập pháp ở các tiểu bang cũng
như các văn bản của cơ quan ban hành pháp
luật ở địa phương. Dù được gọi chung là cơ
quan hành chính nhưng trong bộ máy nhà
nước của Hoa Kỳ, các cơ quan này có vị trí
tương đối đặc biệt và sự ra đời, tồn tại của
chúng đã gây ra khá nhiều tranh luận trong
đời sống pháp luật của quốc gia này.
a. Vị trí và thẩm quyền đặc biệt của cơ
quan hành chính trong bộ máy nhà nước của
Hoa Kỳ
Việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà
V
* Trường Đại học Luật Hà Nội
T×m hiÓu hÖ thèng ph¸p luËt Hoa Kú
t¹p chÝ luËt häc sè 12/2010 27
nước theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ
tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc phân chia
quyền lực và gắn liền với nó là cơ chế kiềm
chế, đối trọng (checks and balances).
Nguyên tắc phân chia quyền lực trong Hiến
pháp Hoa Kỳ đã xác định rõ quyền lập pháp
được trao cho Quốc hội, quyền hành pháp
được trao cho Tổng thống – người đứng đầu
cơ quan hành pháp và toà án (Toà án tối cao
và các toà án khác) là cơ quan thực hiện
quyền tư pháp.
(2)
Tuy nhiên, trên thực tế
quan điểm xây dựng ngành hành pháp mạnh
đã chiếm ưu thế trong đời sống chính trị -
pháp luật của Hoa Kỳ và điều này được phản
ánh rõ nét trong việc hình thành các cơ quan
hành chính – những thiết chế có quyền lực
mạnh mẽ để thực hiện công việc điều hành,
thực thi pháp luật ở Hoa Kỳ. Ra đời từ khi
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được thành lập
nhưng nở rộ về mặt số lượng trong những
năm đầu của thế kỉ XX, ngoài những thẩm
quyền để tổ chức thực thi pháp luật, các cơ
quan hành chính của Hoa Kỳ còn được trao
những thẩm quyền đặc biệt so với các cơ
quan khác trong bộ máy nhà nước. Pháp luật
Hoa Kỳ cho phép Quốc hội và các cơ quan
lập pháp khác ban hành các luật về uỷ quyền
lập pháp (ở mức độ hạn chế) cho các cơ
quan hành chính và các quy tắc, quy định mà
cơ quan hành chính ban hành đều có hiệu lực
bắt buộc thực hiện giống như các quy định
của các đạo luật.
(3)
Các cơ quan hành chính
cũng được trao quyền thực hiện những hoạt
động phán xét về các biện pháp xử lí đối với
hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các
tranh chấp phát sinh trong hoạt động quản lí.
Để thực hiện thẩm quyền này, trong cơ cấu
tổ chức của các cơ quan hành chính liên
bang hay tiểu bang (mặc dù có thể có sự
khác nhau về thẩm quyền giữa liên bang và
tiểu bang) có sự hiện diện của các thẩm phán
luật hành chính (administrative law judges)
hoạt động độc lập với cơ quan hành chính có
liên quan.
(4)
Về khía cạnh thẩm quyền này,
cơ quan hành chính của Hoa Kỳ thực hiện
công việc tương tự như cơ quan tài phán
hành chính (administrative tribunals) như
thường thấy trong pháp luật của Australia
hoặc Vương quốc Anh.
(5)
Như vậy, đối chiếu với những nội dung
chặt chẽ của nguyên tắc phân chia quyền
lực theo quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ,
việc hình thành các cơ quan hành chính với
những thẩm quyền như đã nêu trên đã khiến
nhiều người cho rằng sự tồn tại của các cơ
quan hành chính trong bộ máy nhà nước
của Hoa Kỳ là sự tồn tại của một nhánh
“quyền thứ tư” có thẩm quyền vượt lên cả
ba nhánh quyền lực đã được thừa nhận (lập
pháp, hành pháp và tư pháp) và điều này
được xem là vi hiến.
(6)
Theo quan điểm của
những người này, hoạt động lập pháp phải
là hoạt động của những nghị sĩ do cử tri bầu
ra chứ không phải là hoạt động của các cơ
quan hành chính; tương tự, việc trao quyền
cho cơ quan hành chính thực hiện những
công việc giống như hoạt động xét xử của
cơ quan toà án là không đúng với bản chất
của cơ quan hành chính.
Dù còn có những ý kiến tranh luận, việc
hình thành nên các cơ quan hành chính và
trao cho những cơ quan này những thẩm
quyền như đã nêu trên vẫn được chấp nhận
trong thực tiễn chính trị - pháp luật của Hoa
T×m hiÓu hÖ thèng ph¸p luËt Hoa Kú
28 t¹p chÝ luËt häc sè 12/2010
Kỳ và điều này được giải thích bằng nhiều lí
do khác nhau. Trước hết, các cơ quan hành
chính do Tổng thống hoặc người có thẩm
quyền do cử tri lựa chọn quyết định thành
lập trên cơ sở đạo luật của liên bang hoặc
tiểu bang. Các đạo luật này quy định việc
thành lập cơ quan hành chính và xác định
ngắn gọn những thủ tục cần thiết liên quan
đến việc ban hành các quy tắc, quy định của
cơ quan hành chính được thành lập. Thêm
vào đó, việc ban hành các quy tắc, quy định
của các cơ quan hành chính còn phải bảo
đảm có sự tham gia của đông đảo của công
chúng như là yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, xét
về bản chất, sự tồn tại của các cơ quan hành
chính phụ thuộc vào ý chí của các cử tri.
Đồng thời, trong tổ chức và hoạt động, các
cơ quan hành chính luôn chịu sự kiểm tra,
giám sát của cả ba nhánh lập pháp, hành
pháp và tư pháp nhằm kiểm soát việc tuân
theo những yêu cầu mà pháp luật đặt ra cho
các cơ quan hành chính. Hơn nữa, việc trao
quyền xét xử những vụ việc, tranh chấp nhỏ
hay lớn cho cơ quan hành chính nhằm giải
quyết nhanh chóng, linh hoạt hơn so với toà
án ở cấp liên bang hay tiểu bang được xác
định là phương cách để bảo vệ, duy trì nguồn
lực của hệ thống cơ quan tư pháp và tăng
cường các biện pháp giải quyết tranh chấp
nhanh chóng, linh hoạt.
b. Cơ quan hành chính và việc giải quyết
các tranh chấp hành chính
Như vậy, với thẩm quyền tương đối đặc
biệt như đã phân tích ở trên, các cơ quan
hành chính ở Hoa Kỳ là thiết chế giữ vai trò
quan trọng trong việc giải quyết các tranh
chấp hành chính giữa cá nhân, tổ chức và cơ
quan công quyền trong quản lí hành chính
nhà nước. Tranh chấp hành chính phát sinh
khi có yêu cầu xem xét lại các quyết định
hoặc hành vi hành chính liên quan đến việc
thực hiện thẩm quyền của cơ quan hành
chính trước hết được người có thẩm quyền
do cơ quan hành chính phân công xem xét
nhằm giúp các bên tìm ra các biện pháp kể
cả các biện pháp thương lượng, hoà giải để
giải quyết ổn thoả tranh chấp hành chính.
(7)
Nếu việc giải quyết bằng con đường này
không đạt được hiệu quả, thẩm phán luật
hành chính của cơ quan hành chính sẽ chính
thức tiến hành giải quyết tranh chấp hành
chính theo thủ tục được pháp luật quy
định.
(8)
Sự hiện diện của các thẩm phán luật
hành chính trong cơ cấu của các cơ quan
hành chính ở Hoa Kỳ là điểm đặc biệt cần
được nghiên cứu.
(9)
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ,
thẩm phán luật hành chính là người có thẩm
quyền trong cơ quan hành chính chủ trì các
phiên xem xét giải quyết tranh chấp giữa cơ
quan hành chính công quyền với cá nhân, tổ
chức bị ảnh hưởng bởi các quyết định hoặc
hành vi của cơ quan hành chính công quyền.
Về thực chất, chức năng của các thẩm phán
luật hành chính tương tự như các thẩm phán
khác của toà án tư pháp.
Thẩm phán luật hành chính của cơ quan
hành chính được trao quyền thực hiện các
công việc có tính chất tố tụng như điều tra,
xem xét, đánh giá chứng cứ, phán xét về việc
áp dụng pháp luật cũng như các tình tiết thực
tế. Trong hoạt động, mặc dù về cơ cấu thẩm
phán luật hành chính trực thuộc cơ quan
hành chính – ngành hành pháp nhưng pháp
T×m hiÓu hÖ thèng ph¸p luËt Hoa Kú
t¹p chÝ luËt häc sè 12/2010 29
luật Hoa Kỳ có quy định bảo đảm tính độc
lập trong việc đưa ra các quyết định của
mình mà không bị ảnh hưởng bởi những
người có thẩm quyền khác trong cơ quan
hành chính, đặc biệt là các thẩm phán luật
hành chính ở cấp liên bang.
(10)
Thẩm phán
luật hành chính có thể đưa ra những phán
quyết mà nội dung là kiến nghị hoặc ban
hành các quyết định hành chính trực tiếp giải
quyết các công việc phát sinh.
(11)
Đây là điều
khác biệt với thẩm phán của toà án bởi lẽ khi
giải quyết các tranh chấp hành chính, toà án
chỉ được quyền phán quyết về tính hợp pháp
của các quyết định, hành vi bị khiếu kiện,
yêu cầu cơ quan hành chính huỷ bỏ hoặc ban
hành quyết định khác chứ không được ban
hành các quyết định trực tiếp giải quyết các
công việc phát sinh. Sở dĩ các thẩm phán
luật hành chính được trao thẩm quyền thực
hiện các nội dung trên trong quá trình giải
quyết các tranh chấp hành chính vì họ là
những chuyên gia có kiến thức và kinh
nghiệm liên quan để hiểu được các vấn đề
hành chính - lĩnh vực chuyên môn và pháp
luật vốn dĩ rất phức tạp. Những chuyên gia
này không đơn thuần chỉ hiểu biết về mặt
pháp luật nên họ hoàn toàn có khả năng ban
hành quyết định hoặc đưa ra cách thức giải
quyết mới đối với vấn đề đang tranh chấp.
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, ở
cấp liên bang việc bổ nhiệm các thẩm phán
luật hành chính được thực hiện theo quy
định của Luật thủ tục hành chính năm 1946.
Việc tuyển chọn để bổ nhiệm các thẩm phán
luật hành chính được thực hiện trên cơ sở
xem xét tiêu chuẩn “cứng” do pháp luật quy
định và tổng thể kết quả kì thi tuyển chọn
gồm một bài thi viết kéo dài trong bốn tiếng
và bài thi vấn đáp trước Hội đồng bao gồm
đại diện của Cơ quan quản lí nhân sự Hoa
Kỳ (Office of Pesonnel Management gọi tắt
là OPM), đại diện Luật sư đoàn Hoa Kỳ và
một thẩm phán luật hành chính cấp liên
bang.
(12)
Trên cơ sở kết quả thi tuyển nêu
trên, các cơ quan hành chính liên bang sẽ ra
quyết định chính thức bổ nhiệm các thẩm
phán luật hành chính làm việc trong các cơ
quan hành chính.
Như trên đã trình bày, các thẩm phán
luật hành chính của các cơ quan hành chính
liên bang được bảo đảm tính độc lập trong
việc giải quyết các tranh chấp hành chính đối
với các bên trong tranh chấp, những người
có thẩm quyền khác trong cơ quan hành
chính cũng như đối với những ảnh hưởng về
mặt chính trị khi giải quyết vụ việc theo quy
định của Luật thủ tục hành chính năm 1946.
Tuy là người thuộc cơ cấu của cơ quan hành
chính, pháp luật Hoa Kỳ có những quy định
nhằm đảm bảo tính độc lập trong hoạt động
của thẩm phán luật hành chính. Nếu như
những công chức nhà nước bình thường hoạt
động trong bộ máy hành chính phải chịu sự
điều chỉnh của hệ thống kiểm tra, đánh giá
hoạt động làm cơ sở cho việc đào tạo, giao
nhiệm vụ, xếp bậc lương, điều chuyển công
việc hoặc sa thải công chức thì các thẩm
phán luật hành chính được miễn trừ khỏi
việc điều chỉnh này. Các quy định của Cơ
quan quản lí nhân sự Hoa Kỳ cũng quy định
rõ cơ quan hành chính không được phép
đánh giá, xếp loại việc thực hiện nhiệm vụ
của các thẩm phán luật hành chính cũng như
dành cho các thẩm phán này các hình thức
T×m hiÓu hÖ thèng ph¸p luËt Hoa Kú
30 t¹p chÝ luËt häc sè 12/2010
khen thưởng hoặc khuyến khích bằng vật
chất hay tinh thần.
(13)
Ở hầu hết các tiểu bang, chính quyền đều
ban hành các đạo luật có nội dung tương tự
như Luật thủ tục hành chính năm 1946 của
liên bang, tuy nhiên địa vị pháp lí của các
thẩm phán luật hành chính ở các cơ quan
hành chính của tiểu bang rất khác nhau.
Nhìn chung, khác với thẩm phán luật hành
chính của cơ quan hành chính liên bang,
pháp luật của các tiểu bang thường không
bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của
các thẩm phán luật hành chính đối với cơ
quan hành chính và trong nhiều trường hợp
quyết định của các thẩm phán luật hành
chính này chỉ có tính chất tham khảo.
(14)
2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh
chấp hành chính tại cơ quan hành chính
Việc giải quyết các tranh chấp hành
chính bằng cơ quan hành chính ở Hoa Kỳ
được thực hiện theo trình tự, thủ tục được
quy định trong các đạo luật hoặc là Luật thủ
tục hành chính năm 1946 của liên bang
hoặc các đạo luật thủ tục hành chính khác
của các tiểu bang. Nhìn chung, trình tự, thủ
tục giải quyết tranh chấp hành chính tại cơ
quan hành chính ở Hoa Kỳ diễn ra theo thứ
tự như sau:
a. Giải quyết tranh chấp hành trước khi
được thẩm phán luật hành chính xét xử
Trước khi thẩm phán luật hành chính
của cơ quan hành chính mở phiên xét xử
tranh chấp, thông thường cơ quan hành
chính nỗ lực tìm mọi cách để giải quyết ổn
thoả tranh chấp và thao tác này được gọi là
thủ tục giải quyết tranh chấp không chính
thức (informal agency action).
(15)
Ở giai
đoạn này, cơ quan hành chính với tư cách là
người bị khiếu kiện và bản thân cá nhân, tổ
chức được cho là bị ảnh hưởng bởi các
quyết định, hành vi của cơ quan hành chính
có thể thương lượng, thoả thuận để tìm ra
những giải pháp có thể chấp nhận đối với cả
hai bên và phù hợp với pháp luật. Nhìn
chung, việc thoả thuận, thương lượng này
tuỳ thuộc vào sự mềm dẻo, linh hoạt của cả
hai bên mà không bị phụ thuộc vào quy
định thủ tục pháp luật cứng nhắc nào. Nếu
không giải quyết ổn thoả được tranh chấp
hành chính ở giai đoạn này, tranh chấp sẽ
được chuyển cho thẩm phán luật hành chính
của cơ quan hành chính để xét xử theo thủ
tục tố tụng được pháp luật quy định.
b. Xét xử tranh chấp của thẩm phán luật
hành chính
Trước khi phiên xét xử tranh chấp diễn
ra, một thẩm phán luật hành chính của cơ
quan hành chính – người sẽ ngồi độc lập và
giữ cương vị chủ tọa phiên xét xử được
phân công nhiệm vụ nghiên cứu, xem xét
vụ việc. Như đã nêu ở phần trên, thẩm phán
luật hành chính của cơ quan hành chính
thực hiện chức năng tương tự như thẩm
phán của toà án tư pháp khi xét xử các vụ
án như quản lí phiên xét xử, xem xét, kiểm
tra đánh giá chứng cứ… Tuy nhiên, sự khác
biệt căn bản về mặt thủ tục so với xét xử
các vụ án của toà án là việc giải quyết tranh
chấp hành chính của thẩm phán luật hành
chính được tiến hành theo thủ tục mềm dẻo,
linh hoạt, không quá chặt chẽ như thủ tục tố
tụng hình sự hay dân sự của toà án. Trong
quá trình xét xử, thẩm phán luật hành chính
T×m hiÓu hÖ thèng ph¸p luËt Hoa Kú
t¹p chÝ luËt häc sè 12/2010 31
xem xét, cân nhắc hàng loạt các thông tin
và tranh luận – điều mà dường như ít khi
được phép trong xét xử vụ án hình sự, dân
sự. Thêm vào đó, trong quá trình xét xử
tranh chấp, pháp luật Hoa Kỳ cho phép
thẩm phán luật hành chính đề xuất các biện
pháp thay thế để giải quyết tranh chấp hoặc
khuyến khích các bên tranh chấp thương
lượng, hoà giải.
(16)
Trong quá trình xét xử,
các bên tranh chấp có thể mời luật sự để trợ
giúp nhưng trên thực tế trong nhiều trường
hợp sự tham gia của luật sư là điều không
cần thiết. Việc tranh luận bằng miệng của
các bên tranh chấp trước thẩm phán luật
hành chính là chủ tọa phiên xét xử được ghi
chép lại đầy đủ hoặc tóm tắt và được đính
kèm với tài liệu, hồ sơ vụ việc. thẩm phán
luật hành chính nghiên cứu đầy đủ tài liệu,
hồ sơ vụ việc và trên cơ sở đó đưa ra các
quyết định giải quyết vụ việc. Như đã nêu ở
phần trên, khi ra các phán quyết, thẩm phán
luật hành chính của cơ quan hành chính
xem xét cả khía cạnh áp dụng pháp luật và
thực tế vụ việc; nói cách khác, những phán
quyết này trong nhiều trường hợp là những
quyết định hành chính mới được ban hành.
c. Khiếu nại các quyết định giải quyết
tranh chấp hành chính của thẩm phán luật
hành chính
Quyết định giải quyết tranh chấp hành
chính do thẩm phán luật hành chính của cơ
quan hành chính đưa ra sẽ được chuyển cho
các bên tranh chấp và nếu ít nhất một trong
các bên không thoả mãn với quyết định đó
thì họ được phép khiếu nại đến người đứng
đầu cơ quan hành chính – người có thẩm
quyền đưa ra quyết định giải quyết cuối cùng
trong cơ quan hành chính. Thủ tục kiểm tra,
xem xét lại các quyết định của thẩm phán
luật hành chính của cơ quan hành chính tuỳ
thuộc vào mỗi cơ quan. Tuy nhiên, trên thực
tiễn, để kiểm tra, xem xét lại các quyết định
của thẩm phán luật hành chính, các cơ quan
hành chính (đặc biệt là ở cấp liên bang)
thường có bộ phận giải quyết khiếu kiện nội
bộ (internal appellate body) – bộ phận được
giao nhiệm vụ đưa ra quyết định giải quyết
cuối cùng của cơ quan hành chính. Trong
trường hợp các bên tranh chấp không thoả
mãn với quyết định giải quyết cuối cùng
này của cơ quan hành chính, họ được phép
khiếu kiện ra toà án tư pháp với tư cách là
giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp
hành chính. Việc kiểm tra tư pháp (judicial
review) của toà án đối với quyết định hành
chính được thực hiện theo quy định của
pháp luật và ở cấp liên bang, Luật thủ tục
hành chính năm 1946 dành toàn bộ Chương
VII giải quyết vấn đề này. Cần lưu ý rằng
pháp luật Hoa Kỳ đặt ra yêu cầu là tranh
chấp hành chính trước khi được chuyển đến
toà án để xem xét, giải quyết, phải được
xem xét, giải quyết ở toàn bộ các cấp có
thẩm quyền giải quyết trong hệ thống cơ
quan hành chính.
Nhìn chung, việc giải quyết các tranh
chấp hành chính bằng cơ quan hành chính
thông qua vai trò của các thẩm phán luật
hành chính luôn được đánh giá cao trong
thực tiễn pháp lí của Hoa Kỳ. Trước hết do
thẩm phán luật hành chính là những người
có kiến thức chuyên sâu về khía cạnh
T×m hiÓu hÖ thèng ph¸p luËt Hoa Kú
32 t¹p chÝ luËt häc sè 12/2010
chuyên môn và luật hành chính, có kinh
nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề nên
các quyết định mà họ đưa ra là khá sát hợp,
nhận được sự ủng hộ của các bên và được
tôn trọng thực hiện. Đồng thời, việc pháp
luật của Hoa Kỳ có những bảo đảm cho
thẩm phán luật hành chính được độc lập
trong giải quyết tranh chấp hành chính cũng
là lí do giải thích vì sao người khiếu kiện tin
tưởng vào các quyết định giải quyết tranh
chấp của các thẩm phán luật hành chính.
Đồng thời, khi tranh chấp hành chính được
giải quyết ổn thoả trong nội bộ cơ quan
hành chính không cần thiết phải nhờ đến
phán quyết của toà án, người khiếu kiện sẽ
tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và công
sức do không phải theo đuổi việc kiện tụng.
Những lí do nêu trên đã làm cho việc giải
quyết tranh chấp hành chính thông qua cơ
quan hành chính trở thành kênh phổ biến ở
quốc gia có hệ thống pháp luật rất phát triển
như Hoa Kỳ.
3. Vài nhận xét từ việc nghiên cứu cơ
chế giải quyết tranh chấp hành chính
bằng cơ quan hành chính theo quy định
của pháp luật Hoa Kỳ
Việc xây dựng thiết chế tương đối đặc
biệt như cơ quan hành chính và trao cho
chúng thẩm quyền trong việc giải quyết
tranh chấp như đã thấy trong thực tiễn pháp
luật của Hoa Kỳ có những nét tương đồng
với pháp luật của các nước khác trong hệ
thống thông luật. Như đã nêu ở phần trên của
bài viết, sự hiện diện của các thẩm phán luật
hành chính trong cơ cấu của cơ quan hành
chính ở Hoa Kỳ đã làm cho cơ quan này trở
nên gần gũi với thiết chế cơ quan tài phán
hành chính – thiết chế nằm trong nhánh hành
pháp nhưng có tính chất “nửa hành chính,
nửa tư pháp” của Vương quốc Anh,
Australia và một số nước trong hệ thống
thông luật. Ưu điểm của thiết chế tài phán
hành chính nêu trên trong việc giải quyết
tranh chấp hành chính đã được thừa nhận cả
trên phương diện lí luận lẫn thực tiễn pháp
luật.
(17)
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là thực
tiễn này đã chứng tỏ rằng pháp luật của các
nước phát triển đã chú trọng việc tạo lập
thiết chế giải quyết tranh chấp hành chính
nằm trong nhánh hành pháp nhưng bảo đảm
sự độc lập trong hoạt động của thiết chế này.
Thêm vào đó, xu hướng đa dạng hoá các
phương thức giải quyết tranh chấp hành
chính để người khiếu kiện có cơ hội được sử
dụng nhiều kênh khiếu kiện khác nhau nhằm
bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình
trong quản lí hành chính nhà nước cũng
được phản ánh rõ trong thực tiễn pháp luật
của các quốc gia nên trên.
Việc hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu
nại hành chính và tăng cường hiệu quả xét
xử hành chính của toà án nhân dân ở nước ta
hiện nay được xem là phù hợp với xu thế
chung nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh
chuyển đổi và hội nhập khu vực và quốc tế
của Việt Nam. Bên cạnh điều này, vài năm
trước đây ở nước ta, đề án thiết lập cơ quan
tài phán hành chính đã được bàn thảo khá sôi
nổi, thu hút được sự quan tâm của nhiều đối
tượng, đặc biệt là đề xuất thành lập mô hình
cơ quan tài phán hành chính về đất đai. Tuy
nhiên, hiện nay, đề xuất về việc thiết lập mô
T×m hiÓu hÖ thèng ph¸p luËt Hoa Kú
t¹p chÝ luËt häc sè 12/2010 33
hình này đang tạm thời bị trì hoãn, nhường
chỗ cho những hoạt động khác cần có sự ưu
tiên hơn.
(18)
Lẽ đương nhiên, xây dựng thiết
chế pháp lí mới là công việc không hề đơn
giản đối với bất kì quốc gia nào. Điều này
đòi hỏi có sự đánh giá một cách sâu sắc,
đồng bộ nhiều phương diện từ lí luận, nhận
thức, các điều kiện chính trị, kinh tế, văn
hóa-xã hội của quốc gia có ý định du nhập
thiết chế mới đó và tham khảo kinh nghiệm
của các quốc gia có được những thành công
khi vận hành thiết chế này./.
(1).Xem: />Agency.html.
(2).Xem: Khoản 1 Điều I, khoản 1 Điều II và khoản 1
Điều III Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - Bản
dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
(3).Xem: - Administrative Agency - History Of Administrative
Agency, Federal Administrative Agencies, State And
Local Administrative Agencies, Further Readings, nguồn:
html
- Administrative Law and Procedure - The Development
Of Administrative Procedure Law, nguồn:http://law.
jrank.org/pages/4075/Administrative-Law-Procedure-
Development-Administrative-Procedure-Law.html.
(4).Xem: - Vanessa K. Burrows, Administrative Law
Judges: An Overview, 2010;
- Administrative Law Judges, nguồn: http://en.
wikipedia. org/wiki/Administrative_law_judge
Theo thông tin có được từ trang mạng này, hiện
nay ở Hoa Kỳ có 42 cơ quan hành chính liên bang và
36 cơ quan hành chính ở tiểu bang trong thành cơ cấu
có thẩm phán luật hành chính. Sự khác biệt giữa thẩm
phán luật hành chính với thẩm phán toà án được phân
tích ở phần dưới đây.
(5). Về mô hình cơ quan tài phán hành chính Australia,
xem: TS. Nguyễn Văn Quang, “Giải quyết tranh chấp
hành chính ở Australia”, Tạp chí luật học số 3 năm
2001, tr. 38 - 42; Nguyễn Văn Quang, “Thiết lập mô
hình cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam trong
bối cảnh hội nhập quốc tế: một số gợi ý từ mô hình cơ
quan tài phán hành chính Australia”, Tạp chí nhà
nước và pháp luật, số 6 năm 2008, tr. 24 - 36.
(6).Xem: Administrative Agency - History Of
Administrative Agency, Federal Administrative
Agencies, State And Local Administrative Agencies,
Further Readings, nguồn:
4066/Administrative-Agency.html
(7).Xem: A. Melone và A.Karnes, The American
Legal System – Perspectives, Politics, Processes, and
Policies, 2008, tr. 315 - 316.
(8). Ở cấp liên bang, thủ tục này được quy định trong
Luật thủ tục hành chính năm 1946.
(9). Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, ngoài thẩm
phán luật hành chính (administrative law judge) trong
các cơ quan hành chính còn có người có thẩm quyền
phán xét (hearing officer hoặc adjudicator) có chức
năng tương tự như thẩm phán luật hành chính.
(10).Quy định này nằm trong APA. Có thể tham khảo
toàn văn đạo luật này tại website: .
lsu.edu/Courses/study_aids/adlaw/5335.htm
(11).Xem: Administrative Law Judges, nguồn: http://en.
wikipedia.org/wiki/Administrative_law_judge.
(12).Xem: Qualification Standard for Admini strative Law
Judges Positions, nguồn:
alj/alj.asp
(13).Xem: Vanessa K. Burrows, Sđd, tr. 7.
(14).Xem: Administrative Law Judges, nguồn: http://en.
wikipedia.org/wiki/Administrative_law_judge.
(15).Xem: A. Melone và A.Karnes, The American Legal
System - Perspectives, Politics, Processes, and Policies,
2008, tr. 315 - 316.
(16).Xem: Điều 556 Luật thủ tục hành chính của Hoa Kỳ.
(17).Xem: TS. Nguyễn Văn Quang, “Đổi mới cơ chế
giải quyết tranh chấp hành chính ở Việt Nam trong
điều kiện hội nhập quốc tế”, trong sách Pháp luật Việt
Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển
bền vững, GS.TS. Lê Minh Tâm (chủ biên), Nxb.
Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, tr. 189 - 194.
(18).Xem: Cẩm Vân, Giải quyết khiếu nại hành
chính: Cơ chế tài phán hành chính có ưu việt?,
nguồn:
%20trao%20i/View_Detail.aspx?ItemID=2766