85
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72B, số 3, năm 2012
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU
CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Hà Thị Hằng
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế
Tóm tắt. Là một tỉnh của miền Trung, Thừa Thiên Huế có nguồn lao động dồi dào
nhưng chất lượng còn thấp xét theo trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề và chỉ báo
về kiến thức, kỹ năng làm việc, thái độ lao động. Vấn đề đặt ra là, để rút ngắn con
đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuẩn bị những tiền đề cần thiết để hình
thành nền kinh tế tri thức, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có những giải pháp đồng bộ
nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong những năm tới.
1. Đặt vấn đề
Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng
trưởng nhanh và bền vững phải dựa ít nhất vào 3 trụ cột chính: áp dụng khoa học - công
nghệ mới, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đó, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là trụ cột quan
trọng nhất. Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh của miền Trung không có nhiều lợi
thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên như một số tỉnh, thành
phố khác, nhưng Thừa Thiên Huế lại có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên,
trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển kinh tế tri thức, chất lượng nguồn nhân lực
của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển
kinh tế tri thức. Vì vậy, tỉnh xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là hướng đi
đột phá trong những năm tới.
2. Yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa. Lịch sử đã chứng minh, nguyên nhân dẫn sự hồi phục nhanh chóng của nước Đức
sau chiến tranh thế giới thứ 2 và sự phát triển thần kỳ của các quốc gia và vùng lãnh thổ
có nền công nghiệp phát triển ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore, Đài
Loan, Trung Quốc không chỉ bắt nguồn từ phát triển khoa học - công nghệ mà chủ yếu
là dựa vào ngồn nhân lực. Ngày nay, khi nền kinh tế thế giới đang chuyển dần từ nền
kinh tế dựa vào tài nguyên sang nền kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức, nguồn nhân lực
nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thừa Thiên Huế là một tỉnh của miền Trung, điều kiện tự nhiên tương đối khắc
nghiệt, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, nguồn vốn bị hạn chế. Do đó, để thực hiện
86
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải biết khai thác tiềm năng con người, nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực. Bởi vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là nâng
cao trình độ dân trí, vốn tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, trang bị những kiến thức mới
cho người lao động để chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học - công nghệ đang diễn ra.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với các
địa phương khác, điều kiện để đi tắt, đón đầu nhằm rút ngắn khoảng cách về sự phát
triển so với các trung tâm kinh tế khác. Hơn nữa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
để thực hiện mục tiêu mà Kết luận 48/KL - TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây
dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 đã đề ra: Xây dựng Thừa Thiên
Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu
vực miền Trung, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du
lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực,
chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị
cấp quốc gia, khu vực và quốc tế - một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa
học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Á…
3. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực
chất lượng cao đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên
Huế đã xây dựng Đề án 02/TU/2008 về đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ tại cơ sở nước ngoài, Đề
án 03/TU/2008 về đào tạo cán bộ cơ sở chủ chốt xã, phường, thị trấn theo chức danh,
Quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2015 và định hướng đến 2020, Đề án
phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020 Đến nay, tỉnh đã có một
đội ngũ nguồn nhân lực khá dồi dào.
Bảng 1. Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động phân theo trình độ học vấn
2001 2005 2010
Chỉ tiêu
Số người
% Số người
% Số người %
Chưa biết chữ 77,056 17 61,529 12 36,217 6,5
Chưa tốt nghiệp Tiểu học 86,121 19 92,294 18 89,150 16
Tốt nghiệp Tiểu học 137,794 30,4 153,823 30 156,013 28
Tốt nghiệp Trung học cơ sở 81,588 18 99,985 19,5
111,438 20
Tốt nghiệp Trung học phổ
thông
70,710 15,6 105,112 20,5
164,371 29,5
Tổng số 453,269 100 512,743 100 557,189 100
(Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Dự thảo Quy hoạch phát triển nhân
lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 – 2020).
87
Nhìn tổng thể, trình độ dân trí, chất lượng và tính năng động xã hội của nguồn
nhân lực được cải thiện đáng kể. Theo số liệu thống kê, trình độ học vấn của dân số
trong độ tuổi lao động có sự chuyển biến tích cực: tỷ lệ lao động biết chữ năm 2005 là
83% đến năm 2010 tăng lên 93,5%; tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động có trình độ học
vấn thấp (chưa biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học) giảm dần từ 36% năm 2001 giảm
xuống 22,5% năm 2010; tỷ lệ lao động có trình độ học vấn cao (tốt nghiệp THCS và
THPT) ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng cao, năm 2001 chiếm 33,6% đến năm 2010
chiếm 49,5% trong đó tỷ lệ lao động tốt nghiệp THCS là 20% và lao động tốt nghiệp
THPT là 29,5% (tăng gần 2 lần so với năm 2001).
Cùng với trình độ học vấn của người lao động được nâng lên, xu hướng tri thức
hóa để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng rõ nét. Theo số liệu điều tra
của Cục Thống kê và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Năm 1999 tỉnh có 805
người có trình độ trên đại học (trong đó có 586 thạc sỹ, 219 tiến sỹ), 15.694 người có
trình độ đại học, 5.430 người có trình độ cao đẳng (cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng
nghề), 14.142 người có trình độ trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề),
công nhân kỹ thuật, sơ cấp là 12.787 người [1]. Đến năm 2010, số người có trình độ
trên đại học là 2.024 người (trong đó có 1.609 thạc sỹ, 415 tiến sỹ); 41.744 người có
trình độ đại học; 13.505 người có trình độ cao đẳng; 34.198 người có trình độ trung cấp;
công nhân kỹ thuật, sơ cấp là 202.860 người [4]. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có 148 giáo
sư, phó giáo sư; 106 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú; 15 thầy thuốc nhân dân và
thầy thuốc ưu tú; 16 nghệ sỹ ưu tú.
Hiện nay, chỉ tính riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, tỷ lệ trên
đại học chiếm 3,02 %; đại học và cao đẳng 85,11%; trung cấp 10,41%; các hình thức
khác còn lại 1,46%; quản lý nhà nước 18,72%; tin học 54,19%; ngoại ngữ 30,54%,
trong đó:
- Đội ngũ cán bộ, công chức quản lý hành chính nhà nước có trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 89,27%; cao đẳng, trung cấp
10,73%; lý luận chính trị 38,10% (cử nhân chính trị và cao cấp 14,42%).
- Đội ngũ cán bộ, viên chức các đơn vị sự nghiệp có trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ đại học và trên đại học chiếm 62,28%; cao đẳng, trung cấp 37,72%; lý luận
chính trị 9,3% (cử nhân và cao cấp chính trị 1,56%) [3].
Theo đánh giá, lao động có trình độ đại học và trên đại học của tỉnh có tỷ lệ khả
quan chiếm 4,9%, cao hơn so với các vùng khác: Trung du và miền núi phía Bắc (2,8%),
Tây Nguyên (2,8%), Đồng bằng sông Cửu Long (2,1%). Bên cạnh đó, các yếu tố đảm
bảo về mặt chất lượng, thể hiện ở năng lực, khả năng sáng tạo, biết vận dụng những tri
thức, kỹ năng được đào tạo vào nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lãnh đạo, quản lý, lao
động sản xuất, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được nâng lên. Theo báo cáo của
Liên đoàn Lao động tỉnh, giai đoạn 2003 - 2008 có 13.100 đề tài nghiên cứu khoa học,
88
sáng kiến, sáng tạo của công nhân viên chức được ứng dụng và phục vụ tốt cho sản xuất
và đời sống, có hàng trăm đề tài, giải pháp được tỉnh, Bộ, ngành Trung ương công nhận,
có 30 lượt công nhân viên chức lao động được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao
tặng bằng khen và huy hiệu sáng tạo. Đến giai đoạn 2008 - 2011 có thêm 3.527 đề tài
nghiên cứu khoa học, sáng kiến và giải pháp hữu ích của cán bộ công nhân viên chức
lao động được thực hiện, 449 công trình, sản phẩm mới chào mừng các ngày lễ lớn và
các sự kiện chính trị của đất nước, có thêm 12 cá nhân được Tổng Liên đoàn lao động
Việt Nam trao tặng bằng khen và huy hiệu sáng tạo. Năm 2006 đã có 98 nhà nghiên cứu
khoa học được tặng giải thưởng cố đô về khoa học công nghệ (lần thứ nhất).
Có thể khẳng định, tiềm lực và năng lực nguồn nhân lực của tỉnh Thừa Thiên
Huế ngày càng được nâng cao nhờ sức lao động từng bước được giải phóng, mọi người
có cơ hội phát triển nghề nghiệp, tài năng và sức lao động sáng tạo của mình. Bên cạnh
đó, tính năng động xã hội của lao động cũng được phát huy trong cơ chế thị trường. Tuy
nhiên, trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu hướng phát triển
kinh tế tri thức, tỉnh đang đứng trước thách thức lớn về nhu cầu nguồn nhân lực: Tỷ
trọng nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhỏ bé so với nhu cầu thực tế, trong khi tỉnh
dư thừa rất lớn lao động phổ thông thì lại thiếu hụt nghiêm trọng lao động có trình độ
cao để cung cấp cho các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động: Theo thống kê, đến năm
2009, trong nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên của tỉnh có đến 87,4% lao động không có
trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) (tỷ lệ này cao hơn so với vùng Đồng bằng Sông
Hồng (80,6%), vùng Đông Nam Bộ (84,2%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc
(86,7%)), số lao động có trình độ CMKT chỉ chiếm tỷ lệ 12,6%. Cơ cấu lao động về
trình độ CMKT trong các ngành kinh tế quốc dân còn nhiều bất cập, chưa hợp lý: lực
lượng lao động chưa được đào tạo CMKT ở một số ngành kinh tế còn rất cao như nông
- lâm - ngư nghiệp chiếm 98,2%, công nghiệp chế biến và chế tạo 89,1%, xây dựng
91,8%, thương nghiệp 90,0%. Các bậc đào tạo chậm chuyển biến dẫn đến tình trạng
thừa thầy, thiếu thợ nghiêm trọng: năm 1999, cơ cấu đó là: 1 (đại học và trên đại học) -
0,34 (cao đẳng) - 0,85 (trung cấp) - 0,78 (sơ cấp và công nhân kỹ thuật); năm 2009 là 1
(đại học và trên đại học) - 0,30 (cao đẳng) - 0,77 (trung cấp) - 5,23 (sơ cấp và công nhân
kỹ thuật). Cơ cấu đào tạo trình độ giữa các cấp nghề có sự bất cập: sơ cấp nghề và
tương đương chiếm hơn 84%; trong khi trung cấp nghề và tương đương chỉ 14%, còn
cao đẳng nghề lại quá ít, chỉ có 1,79%; giữa thành thị và nông thôn cũng có sự chênh
lệch về trình độ CMKT: ở khu vực thành thị, lao động có trình độ đại học và trên đại
học cao gấp 5,5 lần so với khu vực nông thôn (thành thị là 9,9% và nông thôn là 1,8%),
lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng; thành thị cao hơn 2,3 lần so với nông thôn
(6,4% và 1,9% thành thị và 2,7% và 1,1 ở nông thôn). Trong những năm gần đây chỉ có
hơn 13% lao động ở nông thôn đã qua đào tạo nghề. Cứ 1.000 lao động ở nông thôn thì
mới có 6 đến 8% số người được đào tạo kỹ thuật về nông - lâm - ngư nghiệp. 79% số
lao động thuần nông không có CMKT; lao động trẻ của tỉnh không có trình độ CMKT
còn chiếm tỷ lệ cao. Nhóm tuổi 15 - 17, 18 - 19 không có trình độ CMKT chiếm tỷ lệ
89
cao nhất (99,5% và 97,2%). Tiếp đến là đến nhóm tuổi 40 - 44, 45 - 49, trên 50 tuổi
(89,2%, 85,1%, 91,1%). Nếu so sánh trình độ CMKT giữa các nhóm tuổi cho thấy: chỉ
có nhóm tuổi từ 25 - 29 và 30 - 34 có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất
(12,2% và 9,3%); đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn hiện rất hạn chế về năng lực,
trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các xã miền núi, hiện hơn 50% cán bộ xã,
phường, thị trấn của chúng ta chưa đạt chuẩn
Bảng 2. Tỷ trọng lao động chia theo trình độ CMKT, giới tính, thành/nông thôn
Đơn vị tính: %
Tổng số
Khôngcó
trình độ
CMKT
Sơ cấp
Trung
cấp
Cao đẳng Đại học
Toàn tỉnh
100,0 87,4 2,2 4,1 1,4 4,9
Theo giới tính
Nam 100,0 85,3 3,4 4,3 1,1 5,9
Nữ 100,0 89,5 1,0 3,9 1,6 4,0
Theo khu vực
Thành thị 100,0 78,7 3,1 6,4 1,9 9,9
Nông thôn 100,0 92,8 1,6 2,7 1,1 1,8
(Nguồn: Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Thừa Thiên
Huế năm 2009).
4. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Từ thực trạng trên, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với tỉnh Thừa Thiên Huế trong
việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện
đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh
cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết phải nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực. Đối với nước ta nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng mặc
dù có lợi thế về dân số, lực lượng lao động dồi dào nhưng lại thiếu đội ngũ lao động có
chuyên môn kỹ thuật cao, thiếu những người thợ có tay nghề giỏi để đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời đại ngày nay, khi khoa học - công nghệ trở thành
lực lượng sản xuất trực tiếp thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải được
đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi cấp, mọi ngành và người dân đều
nhận thức rõ vấn đề này. Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao
nhận thức cho toàn xã hội mà trước hết là các cấp quản lý; đổi mới tư duy về phát triển
nguồn nhân lực theo hướng cởi mở và khách quan.
90
Thứ hai, phải làm tốt công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cần có kế
hoạch đột phá vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: xây dựng, bồi dưỡng và sử
dụng hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý có năng lực và có phẩm chất đạo
đức tốt; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ
như: tạo ra môi trường thuận lợi cho họ sáng tạo; đầu tư ngân sách cho công tác nghiên
cứu khoa học và đào tạo lại đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ; nâng cao đời sống cả
về vật chất và tinh thần cho đội ngũ này để họ yên tâm công tác; lựa chọn đội ngũ cán
bộ, công chức đã có chức vụ hoặc chưa có chức vụ ở độ tuổi dưới 40 giỏi ngoại ngữ,
phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt; Sinh viên là con em Thừa Thiên Huế (học
lực khá giỏi, ngoại ngữ tốt) ở các trường đại học kinh tế, kỹ thuật trên toàn quốc chuẩn
bị tốt nghiệp đại học; học sinh các trường trung học phổ thông của tỉnh, sau khi thi đỗ
đại học gửi đi đào tạo một số chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở
nước ngoài.
Thứ ba, xây dựng chiến lược nhân tài, và thực hiện các chính sách trọng dụng và
đãi ngộ nhân tài. Đến thời điểm này, tỉnh chưa có chính sách để thu hút người tài từ
nhiều địa phương khác đến công tác, nhưng ngay cả việc giữ chân người tài vẫn chưa có
chính sách thoả đáng, vẫn có sự phân biệt người của Trung ương và người địa phương.
Chỉ tính trong vòng ba năm trở lại đây, hàng chục cán bộ giỏi có học hàm, học vị cao ở
các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương
Huế đã “bỏ” Huế để vào công tác tại Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương…Do đó,
trong thời gian tới, trước hết tỉnh cần hình thành và phát triển hệ thống tổ chức phát
triển nhân tài từ khâu phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo từ các trường, lớp giáo dục năng
khiếu trẻ em, đến các trường, lớp đại học, trên đại học; cần cải tiến khâu tuyển dụng
đảm bảo nguyên tắc phải phù hợp với chuyên môn được đào tạo, khách quan chính xác
nhưng công bằng; việc bố trí cán bộ phải hợp lý dựa trên năng lực chuyên môn, phù hợp
với công việc và các chức danh; hoàn thiện quy hoạch đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ
đảm bảo đúng người, đúng việc và kịp thời; thực hiện cải cách chế độ tiền lương, tiền
thưởng, tiền phụ cấp xứng đáng với khả năng đóng góp, trách nhiệm và hiệu quả trong
công việc để khuyến khích người lao động không ngừng sáng tạo; hỗ trợ tiền thuê nhà,
xây dựng nhà chung cư trả góp, hỗ trợ phương tiện làm việc; xóa bỏ sự phân biệt giữa
cán bộ của Trung ương đóng trên địa bàn và cán bộ do địa phương quản lý.
Thứ tư, khắc phục tình trạng bất hợp lý nguồn nhân lực như: thiếu cán bộ khoa
học - kỹ thuật, công nhân kỹ thuật bậc cao, cán bộ có trình độ ngoại ngữ, tin học tỉnh
cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp,
tạo bước đột phá về đào tạo nghề, nhất là chú ý đào tạo nghề cho khu vực nông thôn; có
cơ chế gắn kết giữa Đại học Huế, các viện, trung tâm nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân
lực chất lượng cao; xây dựng các cơ sở đào tạo nghề có chất lượng để đáp ứng yêu cầu
về nguồn nhân lực cho công nghiệp và du lịch; đầu tư nâng cấp một số trường trung cấp
nghề trên địa bàn tỉnh thành trường cao đẳng, nâng cấp một số trung tâm dạy nghề
91
thành trường trung cấp chuyên nghiệp; bổ sung chức năng, nhiệm vụ đào tạo nghề cho
các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện, thành phố.
Thứ năm, thúc đẩy liên kết và hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực,
nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực ưu tiên sau: nhân lực quản lý
hành chính nhà nước, chuyên gia kinh tế, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin; Đẩy
mạnh phong trào lao động sáng tạo, tổ chức có hiệu quả các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật.
5. Kết luận
Nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định, song ở những trình độ phát triển khác
nhau lại đặt ra những yêu cầu khác nhau đối với nguồn nhân lực. Trong bối cảnh cuộc
cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, trong xu thế toàn cầu hóa kinh
tế và sự lan tỏa kinh tế tri thức hiện nay, để tiếp thu, ứng dụng những thành tựu tri thức
của nhân loại, sáng tạo ra tri thức mới và thực hiện kết luận 48/KL-TW ngày 25/5/2009
của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, đòi hỏi
nguồn nhân lực phải có chất lượng cao. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của tỉnh Thừa Thiên
Huế chưa đáp ứng yêu cầu, phần đông dân cư sống bằng nghề nông với trình độ sản
xuất còn lạc hậu, lao động phổ thông, giản đơn là chủ yếu. Vì vậy, trong thời gian tới
tỉnh cần phải tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, Tổng điều tra dân số và nhà ở 1999 tỉnh Thừa Thiên
Huế, Huế, 10/2001.
2. Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế
năm 2009, Huế, 10/2010.
3. La Đình Mão, Thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế,
.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Số liệu điều tra cung lao động năm 2010, Huế,
2011.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Dự thảo Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh
Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020, Huế, 2011.
92
SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY OF THE HUMAN RESOURCES
FOR MEETING THE DEMANDS OF INDUSTRIALIZATION AND
MODERNIZATION IN THUA THIEN HUE
Ha Thi Hang
College of Economics, Hue University
Abstract. As a province in Central Vietnam, Thua Thien Hue has the abundant
work force but its quality is still low on the viewpoint of knowledge level,
occupational structure, knowledge indicators, working skills and working attitude.
The question is, in order to shorten the process of industrialization and
modernization and prepare for the necessary premise aiming at building up a
background of the intellectual economy, Thua Thien Hue province must have
consistent solutions to improve the quality of human resources in the coming time.