Hậu quả nặng nề do
thoát vị đĩa đệm cột sống
cổ
Cột sống cổ thường xuyên phải chịu áp lực trọng tải của đầu với trường
vận động rộng và linh động nhất của cơ thể nên dễ bị thoái hóa. Thoái
hóa không phải là một bệnh mà là quá trình biến đổi sinh học của con
người nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị tại cơ sở chuyên
khoa sẽ để lại những hậu quả nặng nề.
Thoát vị đĩa đệm - hậu quả của quá trình thoái hóa đĩa đệm?
Đĩa đệm là một khoang giữa 2 đốt sống gồm vòng sợi, nhân nhầy và mâm
sụn của 2 đốt sống trên và dưới. Vòng sợi chứa một chất dịch cơ bản, được
nuôi dưỡng bởi sự trao đổi chất giữa trong và ngoài đĩa đệm qua các lớp của
vòng sợi được xem như màng bán thấm. Đĩa đệm không có mạch máu nuôi
dưỡng riêng mà chỉ được tưới máu theo phương thức khuếch tán. Bởi vậy,
khi cột sống không chuyển động, ở tư thế không đổi quá lâu sẽ tạo nên sự
ngưng trệ trao đổi chất nuôi dưỡng nên dần dần sẽ bị thoái hóa. Thoái hóa
đĩa đệm làm mất khả năng căng phồng để chống đỡ và phân bố lực ép nén ra
toàn đĩa đệm. Hậu quả cuối cùng là đĩa đệm xẹp, rách, nứt tạo đường cho
Nhân nhầy chảy ra ngoài do thoát vị đĩa đệm.
nhân nhầy luồn thoát ra ngoài vòng sợi, gây chèn ép hàng loạt các tổ chức
liền kề như mạch máu (động mạch sống), các rễ thần kinh, các sợi thần kinh
từ tủy chạy ra chui qua lỗ tiếp hợp. Nhiều lỗ tiếp hợp của mỗi đốt sống liên
kết với nhau tạo thành một ống xương. Trường hợp khối thoát vị lớn và
nhiều tầng sẽ lấn vào trong ống sống làm hẹp ống sống và chèn ép luôn tủy
sống. Bình thường đường kính trước- sau của ống sống, đoạn giữa cột sống
cổ là 15mm, nếu nhỏ hơn số đó được coi như hẹp ống sống.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây nên hậu quả gì?
Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) chèn ép động mạch sống gây nên tình trạng thiếu
máu nuôi dưỡng não, hình thành "hội chứng thiếu máu não cục bộ sau
những cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời liên tiếp. TVĐĐ chèn ép cả hệ
thần kinh giao cảm cổ, gây nên hội chứng giao cảm cổ sau rất phức tạp về
triệu chứng lâm sàng như đối với tim và các nội tạng khác. TVĐĐ chèn ép
các rễ thần kinh chạy từ tủy sống ra để chi phối thần kinh cho các khu vực
đai vai và hai tay. TVĐĐ chèn ép rễ thần kinh cổ 2, 3 gây đau dây thần kinh
chẩm lớn ở phía sau đầu. Tủy sống bị chèn ép sẽ gây rối loạn vận động tay
chân. Trường hợp TVĐĐ lớp, nhiều tầng còn gây nên liệt nửa người hoặc
liệt hai chân.
Biểu hiện đặc trưng của TVĐĐ
TVĐĐ cột sống cổ thường gặp là TVĐĐ ở vị trí sau - bên nên gây chèn ép
rễ thần kinh, gây đau đớn với tư thế sai lệch cột sống cổ. Do bị chèn ép nên
có thể đau một rễ hay nhiều rễ, phần lớn ở một bên, có khi ở cả hai bên cổ
trong hội chứng đau rễ thần kinh cổ. Ngoài ra, TVĐĐ còn gây nên hội
chứng tủy sống, là biến chứng quan trọng nhất do cột sống cổ bị chèn ép.
Bệnh tiến triển từ từ, thường dễ bỏ qua vì có nhiều triệu chứng của những
tổn thương cấu trúc khác che khuất. Trong giai đoạn quá độ chuyển sang
mạn tính, người bệnh bị rối loạn dáng đi và thất điều (thất điều là rối loạn
vận động do khả năng phối hợp vận động các động tác giữa các cơ ở chi
dưới gây tổn thương hai bó dọc sau của tủy sống chèn ép).
Chẩn đoán TVĐĐ dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp Xquang,
chụp tủy cản quang, chụp cộng hưởng từ
Điều trị và dự phòng TVĐĐ cột sống cổ
Điều trị: Khi đã xác định bệnh, người bệnh cần được điều trị bảo tồn nội
khoa đúng cách như sử dụng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ,
chống thoái hóa rễ - dây thần kinh, điều hòa tuần hoàn não, trấn tĩnh thần
kinh điều trị bằng các phương pháp trấn tĩnh tại chỗ, đeo đai cổ, kéo giãn
cột sống cổ tại cơ sở chuyên khoa. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể được
điều trị bằng phẫu thuật khi điều trị nội khoa không có kết quả. Phẫu thuật sẽ
mang lại hiệu quả tốt khi giải phóng được yếu tố chèn ép. Điều trị phục hồi
chức năng tại cơ sở chuyên khoa.
Dự phòng: Có phong cách sinh hoạt đúng: tránh ngồi cúi gấp cổ quá lâu.
Cần có bản tựa đầu và lưng, nhất là khi ngồi tàu xe đường dài. Tránh các
động tác vận động cổ đột ngột và quá mạnh. Bàn ghế làm việc phải thích
hợp, tránh dùng bàn quá thấp, ngồi lâu ở tư thế không đổi. Khi nằm, tránh để
tư thế quá ưỡn hoặc cúi gấp cổ. Cần có gối đầu với độ dày thích hợp. Đối
với nghề nghiệp buộc phải ở tư thế bất lợi, cần có thời gian nghỉ sau 1 - 2
giờ bằng cách vận động cột sống cổ và lưng nhẹ nhàng về các phía. Tránh
các chấn thương vào đầu và cột sống cổ. Các nghề buộc phải dùng đầu đội
vật nặng được coi như vi chấn thương đều làm tăng tốc độ quá trình thoái
hóa cột sống cổ rồi sẽ dẫn tới TVĐĐ cột sống cổ.