Chữ Tâm trong Thư pháp
Bạn là người gắn bó với bộ môn nghệ thuật thư pháp này ư? Xin chúc
mừng bạn vì bạn đã chọn cho mình một thú chơi thanh nhã, thú vị. Vậy
trong quá trình cầm bút chắc hẳn bạn đã từng viết qua chữ TÂM? Việc
viết thành chữ Tâm không khó, cái khó là việc thể hiện và hiểu rõ ý
nghĩa chữ Tâm như thế nào.
Thư pháp Hoa Nghiêm - Khắc gỗ Trần Quốc Âu
Bắt đầu viết thư pháp, xin bạn đừng quên rằng, phải “ký hợp đồng” với
sự kiên nhẫn trường kỳ. Việc viết không phải lúc nào cũng dễ dàng
suôn sẻ cả. Có khi vài giờ viết hàng chục bức, mà có khi hàng tuần
không viết nổi một bức. Rồi, những bức mình viết đâu dễ trở thành
danh tác ngay. Có những tác phẩm mình đã vừa ý, chỉ sau một thời
gian lại thấy mình non kém - cái bất toàn luôn hiện hữu trong cuộc
sống - tuy thế, nó đã tạo cho ai đó trung tín với nó những lạc thú tuyệt
vời. Bạn viết và tỏ ra thanh thản, nhẹ nhàng thì tác phẩm của bạn,
người thưởng ngoạn cũng cảm thông với bạn như vậy. Và, có biết đâu,
thời gian lâu sau nữa, nhiều người nhìn lại tác phẩm ấy, nhờ vào những
câu bạn viết ra, đã đổi thành những cuộc đời tốt đẹp thì sao. Chắc bạn
còn nhớ đến vụ án của đại gia Nguyễn Văn Mười Hai? Sau khi bị kết
án và đến thụ hình tại trại Xuân Lộc, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã
bào chữa cho Mười Hai thoát khỏi án tử, lên thăm, cho ông hai trăm
ngàn đồng và quyển sổ tay. Trong cuốn sổ tay ấy có ghi hai câu thi kệ
của Mãn Giác Thiền Sư: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua
sân trước một nhành mai” (*). Nhờ hai câu thơ ấy, ông Nguyễn Văn
Mười Hai có thêm nghị lực để vượt qua hoàn cảnh hiện tại… Đó phải
chăng là phần thưởng quý giá nhất cho người cầm bút? Điều ấy chính
là một phần từ cái “Tâm” đó bạn ạ! Nói như vậy, cũng có nghĩa, viết là
để “thoát xác”, là tự giải thoát; và viết thư pháp cũng có nghĩa là ghi
lên các chất liệu những điều mình suy nghĩ là có ích cho đời và gởi cho
bao thế hệ như một “sứ điệp”. Chứ không phải viết lên những cái dung
tục, tầm thường với nhận thức quá mỏng, lại tự cho mình một sứ mạng
quá cao là đóng góp cho nền văn hóa dân tộc thì quả là lối nghĩ chỉ một
tấc tới trời.
Là người viết thư pháp đấy bạn! Phải tuyệt đối trung thực và gắt gao
với chính mình. Càng viết thư pháp lại càng phải hết sức khiêm tốn.
Thật không có gì đáng phàn nàn cho người viết thư pháp bằng tật tự
cao, tự mãn. Càng trước tác, ta càng phải nhìn tác phẩm của mình bằng
cặp mắt phê bình nghiêm khắc. Vì mục đích viết thư pháp chính vì cái
“Tâm” chứ không phải cái “Danh”. Bạn thử ngẫm mà xem, những câu
ca dao, những phù điêu của người thợ thủ công vô danh vẫn tồn tại
Còn những thứ phù phiếm, dù được phong tước hiệu, thời gian cũng
hóa thành phù vân khi xuất hiện trên đại chúng. Cho nên, hãy vui với
tâm thiện mà tiến thân hơn là bị nhiễm độc vì những lời tung hô của kẻ
tầm thường. Bởi vì giá trị của mình là ngay bản thân mình chứ không
được định bằng dư luận.
Viết thư pháp có lắm người tài. Bạn chớ vội đề cao mình khi nhiều cao
nhân vẫn còn ẩn. Tài hoa mà đi vào con đường luật này là chính thì
càng tài hoa tuyệt vời, càng có lợi cho bản thân và xã hội. Tài hoa mà
đi vào con đường tà thì càng tài hoa càng tai hại, năng khiếu và danh
lợi chỉ tổ giúp cho cái xấu phát triển mà thôi.
Ngày xưa những người viết thư pháp thường là những bậc danh sĩ,
những ông đồ già, những vị tu hành; ngoài viết chữ đẹp ra họ còn là
những người hiểu biết uyên thâm, uyên bác, có đức độ cao siêu. Hội đủ
các yếu tố đó, họ mới được tín nhiệm để cho chữ. Người cho chữ phải
đạt như vậy mới viết ra được những câu cú thâm sâu, hàm súc, mới
nhìn thấu được tâm khảm của người xin chữ để viết câu gì cho phù hợp
với họ và hiểu được những gì mình viết ra. Có thế thì bức chữ viết mới
có giá trị, người xin chữ đem về không thể xếp xó, mà treo trong nhà
như một biểu hiện tinh thần cao đẹp của cuộc sống gia đình và của bản
thân người nhận, từ cái nhìn của bậc tài đức ấy. Còn nếu là những bức
liễn để thờ thì càng tăng thêm phần trang trọng, sự tín ngưỡng vì nó đã
được viết ra từ một hiền nhân được mọi người kính phục. Từ đó cho
thấy tác phẩm thư pháp có giá trị hay không là do con người, chứ
không phải con người có giá trị từ những bức thư pháp. Vì bên cạnh
các giá trị nội tại và nghệ thuật ấy, bộ môn nghệ thuật thư pháp đã cung
cấp cho chúng ta một số kiến thức đại cương rất có giá trị về văn hóa
Đông Phương. Cho nên, các nhà thư pháp khi đưa tác phẩm của mình
ra trước công chúng thì phải là những tác phẩm có giá trị, chứ không
thể trưng bày những sản phẩm tầm thường lại bắt mọi người nhìn bằng
cặp mắt thanh cao như một số trường hợp đã diễn ra hiện nay.
Vì thế, chữ Tâm trong thư pháp muốn đề cập ở đây là lòng thành thật
đặt ở đầu ngọn bút. Và lòng thành thật thì luôn gặp trở ngại. Tôi muốn
nói với bạn rằng không có ngọn đèn nào thắp lên mà không tạo ra một
quầng tối vây quanh. Bạn sẽ chắc mẩm phải đối đầu với những thị phi
và thực tế là những lời khen chê. Bạn chấp ư? Ngày xưa Thượng Thư
Tiến Sĩ Tuấn Quận Công Dương Văn An đã nói rằng: “Xem lời khen
một người thiện thấy vinh dự hơn cả việc được áo gấm vua ban, nên
phải nuôi lòng hâm mộ đấng trung nghĩa để rồi cố noi theo. Xem lời
chê một người ác, thấy ghê gớm hơn cả búa rìu, thì phải biết xấu hổ
thay cho kẻ loạn tặc để rồi luôn tự răn mình”! Cổ nhân ta còn nói một ý
khác nữa rằng “không sợ người tốt coi ta là kẻ xấu, chỉ sợ kẻ xấu coi ta
là tri kỷ mà thôi”. Chấp mà có những nhận thức trên thật giá trị, nhưng
nếu không chấp bạn còn sẽ thấy giá trị hơn nữa “Tri vọng thị phi, tâm
chi thích dã” (Biết quên thị phi lòng thông suốt - Trang Tử).
Thế nhưng, phần lớn chúng ta vẫn chưa vượt ra khỏi cái không chấp.
Lời khen chê, có hay mà cũng có dở, song chung qui mặc kệ chúng.
Cần nhất bạn viết sao cho người đời hiểu và tôn trọng là vấn đề chông
gai vô cùng. Cầm bút, bạn hãy tư duy về câu của Nietzshe: “Người ta
luôn luôn được khen hay bị chê song ít ai được hiểu”. Chê khen thường
là việc đứng phía chủ quan, “được hiểu” đứng phía khách quan. Trong
cuộc đời làm nghệ thuật, nếu bạn được ai đó hiểu thì thật là hạnh phúc.
Nhất là trong số những người hiểu bạn, được vài tâm hồn cao thượng,
có bộ óc lỗi lạc khuyến khích, động viên chắc mẩm bạn sẽ thành công.
Mặt khác, phần nhiều các nhà thư pháp hiện nay vẫn sử dụng một số tư
tưởng của cổ nhân để diễn đạt ý tưởng mình; thì chúng ta lại phải tự hỏi
rằng, khi sử dụng những tư tưởng ấy chúng ta thường tâm đắc với
những lời dạy thâm thúy, cao siêu và cho rằng người xưa giỏi, người
xưa hay, vậy, phải chăng giờ đây nhân tài đã cạn, người nay đều vô
dụng cả? Thật là nan giải! Chúng ta chăm chú tìm gương sáng của
người xưa, cho nên, hầu như chỉ thấy người xưa là đấng hiền tài khả
kính. Nhưng, nếu như chúng ta không có ý chăm chú làm như vậy thì
kết quả chắc cũng sẽ tương tự như thế mà thôi. Tất cả đều bởi cái TÂM
của các cây đại bút thuở xưa. Họ bền bỉ viết những lời tôn vinh đấng
hiền tài để giúp đời sửa đức ích lợi không phải nhỏ. Chúng ta không
nghĩ nhân tài ngày nay đã cạn. Bởi vì, nếu vậy giang sơn nòi giống làm
sao bảo tồn? Nhưng nếu như người nay mà không biết noi theo những
điều hay, trong đó có không ít những điều hay của chính tổ tiên mình
thì sự mai một nhân tài là điều rất có thể.
Cho nên, khi cầm bút viết thư pháp đều hàm súc ý nghĩa hướng dẫn.
Không phải hễ viết là giáo huấn. Song, ngoài phần nghệ thuật luôn luôn
có phần gợi cho người thưởng lãm suy nghĩ thực hiện điều gì đó. Nếu
người cầm bút có quan niệm sai lạc thiển cận về nhân sinh, về vũ trụ,
về hậu kiếp xem như họ tự dấn thân và dẫn dắt mọi người vào con
đường lầm lạc. Người xưa nói làm văn hóa sai lầm giết muôn đời là nói
điều đó. Ngày nay, vì phong trào viết thư pháp đang ở chiều hướng
“thương mại hóa”, nên không ít những người cầm bút, thay vì phát huy
cái ý nghĩa cao đẹp của bộ môn nghệ thuật thư pháp, thì họ đã làm công
việc ngược lại. Sử sách Trung Quốc có ghi nhiều bậc thánh hiền, từ
Khổng Tử đến Nhan Hồi đều đã từng khất thực, không phải vì cái ăn
mà vì cái đạo, cái nhân nghĩa, gọi chung là Tâm đạo. Cho nên, chữ
Tâm luôn được tồn tại trong thư pháp, tách rời chữ Tâm không còn là
thư pháp nữa. Thật là đáng buồn khi truyện ngắn tuyệt vời “Chữ người
tử tù” của Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời” vẫn không cảnh
tỉnh nổi cho đời một bài học về thư pháp. Một kẻ tài hoa, khí tiết như
Huấn Cao đến lúc cận kề dưới lưỡi đao hành quyết vẫn ngạo nghễ
ngẩng cao đầu. Và Huấn Cao chỉ chịu cho chữ khi đã cảm nhận được
tấm lòng tri ngộ của viên quan coi ngục, không quên dặn người nhận
hãy tìm một nghề “giữ được thiên lương cho lành vững rồi hãy nghĩ
đến chuyện chơi chữ…”. Một viên quản ngục tìm mọi cách để cầu xin
chữ của người tử tù. Chỉ có những người biết cảm nhận được giá trị của
nét chữ mới có được sự trân trọng nhường kia đối với khách tài hoa.
(Hồn chữ trên đá – Huỳnh Ngọc Chiến).
Cho nên, càng “sống” với thư pháp nhiều năm, bạn càng phải hết sức
cẩn trọng và khiêm nhường. Có nhiều người viết thâm niên dễ mắc
phải cái bệnh tự mãn, hay coi thường, hạ bệ các đồng nghiệp. Nếu
không khen được ai thì cũng động viên, nâng đỡ, tuyệt đối không bôi
nhọ kẻ khác. Còn nếu bạn cho mình vai trò phê bình thì xin hết sức cẩn
thận. Nếu phê bình thì sự hiểu biết phải thâm sâu hoặc chí ít bạn phải
ngang tầm với kẻ ấy. Phê bình là giúp mọi người thưởng thức nghệ
thuật, nhận định chính là giúp tác giả học hỏi hay sửa chữa cái sai, xây
dựng văn hóa của dân tộc tiến bộ. Phê bình không nghĩa là hại kẻ khác.
Phê bình không phải theo dõi xoi mói nghệ thuật. Phê bình càng không
phải là leo lên ngọn núi Thái Sơn rồi nói với mọi người rằng mình cao
hơn thiên hạ. Nếu định làm nhà phê bình, bạn phải biết nhiều về những
khía cạnh văn hóa của kim cổ Đông Tây, phải có tầm nhìn xa, có óc
hiểu rộng và cần nhất là cái tâm thiện chí xây dựng. Đừng làm công
việc phê bình trong thời gian ngắn với những con người và tác phẩm đã
thâm niên. Các hiền nhân đã dặn chúng ta như vậy. Thật không có gì
cay đắng cho bằng phê bình mà bị người ta coi mình như con rắn chỉ
thích rình người để phun nọc độc. Tuyệt đối đừng bao giờ khen chê
những gì ngoài sức hiểu biết của mình. Nên nhớ, phê bình là làm công
tác hướng dẫn, biết thẩm định và hướng mọi người thẩm định. Khi phê
bình, không ai cầu xin lòng bác ái của bạn, mà nhất định bạn phải
thượng tôn luật công bằng. Chung lại, thưa bạn! Tối hệ cho người cầm
bút, nhà thư pháp hay nhà phê bình, là âm thầm làm việc, cần mẫn sáng
tạo, tích cực tư duy, đẽo gọt nghệ thuật. Xã hội cần ở nơi ta con người
có tâm huyết giúp mọi người, chứ không cần kẻ lười biếng, cẩu thả và
bôi nhọ kẻ khác. Mặt khác, có những người suốt đời tuyên ngôn rằng
mình trong sạch, lên án nặng nề những thành phần mà họ cho là xấu, là
vô liêm Nhưng, cuối cùng, nhiều người trong họ lại cư xử theo đúng
tinh thần của cái mà họ khinh bỉ. Trong giao tiếp hàng ngày, nhiều khi
vì lịch sự, chúng ta phải tạm xếp cái cá nhân chính đáng của mình lại,
để xây nên nền tảng tốt đẹp cho các mối quan hệ. Nhưng không phải là
khi bộ môn nghệ thuật thư pháp đã chuyển qua “kinh doanh hóa”, và
theo cái đà ấy mà đi, nhân danh sự kiếm sống, ta tự cho phép làm tất cả
những việc ta vốn không thích, miễn làm vừa lòng khách hàng của
mình. Với vốn thiêng liêng đáng ra phải mang tất cả tình cảm và hứng
thú ra để làm, lại tiến hành một cách máy móc, theo nguyên tắc của một
quán nước: khách nào cũng mời ngồi, có tiền là phục vụ, tiền trao cháo
múc một cách đại trà Càng làm những nghề quan hệ với công chúng
rộng rãi, cái nguy cơ đánh mất mình ngày càng lớn. Như trong việc viết
thư pháp mà chúng ta đang nói đã làm lệch chiều các giá trị. Những cây
bút nào nhận viết về những câu cú không phân biệt đúng hay sai, nghệ
thuật hay phi nghệ thuật; cứ có người đặt tiền vào tay là viết, viết xong
lại xem thường ngay cái vừa viết rời tay! Song cái tật lớn hơn cái tài,
ngày mai lại làm tiếp tục cái việc hôm qua đã làm! Những điều vô lý sẽ
nối tiếp nhau một cách hợp lý! Như một bài toán cuộc đời, kết quả luôn
đúng từ tổng các điều sai. Còn những cây bút tự cho mình đã ở bậc cao,
gặp ai cũng phê bình, không cần biết hay hay dở, hợp gu hay không
hợp gu, viết cẩu thả viết lấy được, suồng sã trong thẩm định và đánh
giá; không phải mà nghiễm nhiên người ta so sánh việc cầm bút với
tình yêu, coi đó là hành động nguyên bản, mỗi lần diễn ra là một trường
hợp độc đáo. Bởi trong xã hội, sự nhốn nháo có chiều tăng lên, người ta
càng quý mến những ai giữ được tuyết sạch giá trong của ngòi bút.
Hiện vẫn xảy ra bàn cãi không phải trên các hội nghị mà râm ran giữa
xã hội xem “nên lấy người làm gốc hay lấy thư pháp làm gốc”. Rồi, sau
đại trà, người ta đã “lấy” cái khác, trong đó chẳng còn cả người lẫn thư
pháp nữa. Cho nên, trong tình hình thư pháp Việt có vẻ phát triển như
hiện nay, đã dễ dàng cho chúng ta thấy hành trình của nó: “Bãi cát dài,
bãi cát dài. Đi một bước như lùi một bước” (Sa hành đoản ca), khi cố đi
đến sự định hình thư pháp Việt. Than ôi! Người viết học sơ hiểu cạn,
nhiều năm cố gắng tìm tòi học hỏi, có lẽ không đủ cay đắng như Thúy
Kiều, cũng chẳng phải hy sinh cả thân mình cho chuyện vu oan của
thằng bán tơ phải bán mình chuộc cha. Nhưng, điều ray rứt cái chung
còn nan giải hơn sự riêng của Thúy Kiều, đó là giữ được một chữ Tâm
trong thư pháp. Suy nghĩ sao làm cho đúng, để khi phong trào thư pháp
có phát triển theo chiều hướng nào đi nữa thì điểm đích vẫn là mục tiêu
Văn hóa. Văn hóa hành xử, văn hóa tư tưởng, văn hóa nghệ thuật, văn
hóa với nhân loại
Chính những điều này mới làm nên diện mạo cho xã hội. Và theo quan
điểm của người viết, đó mới thật sự là điều mà cái tâm của mỗi người
mang đến cho thư pháp, cho xã hội, chứ không phải là những phong
trào, những lời tung hô lẫn nhau, những cuộc phô diễn lệch chiều để
làm mất chính mình và cái mất lớn lao hơn là mất đi cái nhìn thanh cao
của xã hội vào bộ môn nghệ thuật này. Chung lại, viết thư pháp bạn có
nét chữ đẹp rồng bay phượng múa bạn sẽ chinh phục được lòng người.
Còn việc “giữ được lòng người” hay không chính là cái Tâm trong thư
pháp. Đó mới là điều quan trọng.