1
BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG VIỆC NGẦM HÓA
ĐIỆN VÀ THÔNG TIN TRÊN ĐƯỜNG TRẦN HƯNG ĐẠO (TP.HCM)
Tác giả: 1. ThS. Đinh Ngọc Sang (094.339.33.99 – Email: )
2. ThS. Nguyễn Hoàng Minh Vũ (Phó Trưởng Khoa KTĐT)
3. ThS. Trương Công Đính (Trưởng bộ môn NL-TT)
A. GIỚI THIỆU
Công trình hạ tầng kỹ thuật là một phần không thể tách rời trong công cuộc “Công
nghiệp và hóa hiện đại hóa” mà Đảng, Nhà Nước và nhân dân ta đang hướng đến.
Trong quá trình phát triển đất nước, hiện tượng “mạng nhện” các công trình hạ tầng kỹ
thuật trên không đã hình thành gây mất an toàn và mỹ quan đô thị như nhiều bài báo đã
đề cập trong các đô thị của nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới là hậu quả của
việc qui hoạch và quản lý còn bất cập.
Các văn bản qui định về qui hoạch và quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đã được
Nhà Nước ban hành kịp thời, nhưng ngay lúc này đây, nếu chúng ta thiếu quan tâm đến
qui hoạch không gian ngầm, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm không chặt chẽ
sẽ dẫn đến “mạng nhện” trong lòng đất như đã từng nằm trên không và sẽ để lại hậu quả
cho các thế hệ mai sau.
Công trình ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ
Nguyễn Cư Trinh đến Nguyễn Văn Cừ) do Tổng Công ty Điện lực Tp.HCM làm chủ
đầu tư là một trong các công trình đầu tiên xã hội hóa đầu tư, thí điểm ngầm tập trung
hệ thống cáp điện và cáp thông tin liên lạc cũng như ứng dụng một số công nghệ mới.
Bài viết này được trình bày nhằm đưa ra một số vấn đề đúc kết từ các thuận lợi và
khó khăn trở ngại trong quá trình đầu tư xây dựng công trình để hội nghị nghiên cứu,
thảo luận đề ra những ý kiến đóng góp cho công tác qui hoạch và quản lý không gian
ngầm nói chung và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật nói riêng.
B. QUÁ TRÌNH ĐẦU TƯ NGẦM HÓA
1. Chủ trương:
- Ngành điện lực đi trước: bắt đầu từ những năm 1996-2000, ngành điện tp.HCM đã bắt
đầu tiến hành ngầm hóa các công trình xây dựng mới lưới điện trung thế các tuyến
đường chính khu vực nội thành (LR trạm Bến Thành, LR trạm Tao Đàn, LR trạm Sở
Thú, …);
- Ngầm hóa chỉnh trang đô thị: Trong những năm 2003-2005, Thành phố bắt đầu xây
dựng một số dự án chỉnh trang đô thị, điển hình các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn
Huệ, NKKN;
- Năm 2005, thực hiện chỉ đạo của Thủ Tướng CP, Thành ủy Tp,HCM, ngành điện bắt
đầu xây dựng kế hoạch ngầm hóa chỉnh trang đô thị. Nhưng đến ngày 16/6/2011 mới
hiện thực hóa bằng ĐỀ ÁN NGẦM HÓA được UBND/TP thông qua và được ngành
điện TP công bố chính thức. Chương trình của đề án tóm tắt như sau:
+ Giai đoạn 2011-2015: tập trung ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cùng với dây thông
tin trên các tuyến đường và hẻm đã được xây dựng ổn định theo qui hoạch trên địa
bàn của khu vực trung tâm Thành phố (toàn bộ quận 1 và quận 3). Các quận nội
thành khác, thực hiện từ 3-5 công trình trọng điểm.
2
Đối với lưới điện cao thế 110KV thực hiện ngầm hóa một số tuyến dây xuyên
tâm thành phố theo tiêu chí đảm bảo mỹ quan đô thị kết hợp xử lý các điểm vi phạm
hành lang an toàn lưới điện, ưu tiên ngầm hóa tại các khu vực trung tâm.
+ Giai đoạn 2016-2020: hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế và dây thông tin cho
khu vực nội thành Thành phố gồm các quận trung tâm và các quận lân cận (quận 4,
5,6, 7, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình). Đối với các quận,
huyện còn lại thực hiện ngầm hóa tại các khu trung tâm hành chính, thương mại.
Cao thế 110KV, thực hiện ngầm hóa các tuyến dây tại các khu vực các quận nội
thành, ưu tiên thực hiện đồng bộ với các dự án xây dựng mới, mở rộng đường.
+ Giai đoạn 2021-2025: cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện kết hợp với dây thông tin
tại các quận, các trung tâm hành chính huyện, các khu đô thị mới, khu công nghiệp
trên phạm vi toàn thành phố.
2. Chuẩn bị đầu tư ngầm hóa thí điểm đường Trần Hưng Đạo:
2.1. Sơ lược công tác chuẩn bị thí điểm ngầm hóa trên đường Trần hưng Đạo:
Chủ đầu tư xây dựng công trình ngầm hóa đường Trần Hưng Đạo (Đoạn từ
Nguyễn Cư Trinh đến Nguyễn Văn Cừ dài 2.400m) là Tổng Công ty Điện lực Tp.HCM.
Chương trình ngầm hóa đường Lý Tự Trọng (tiền thân giải pháp ngầm hóa đường
Trần Hưng Đạo):
- Tháng 5/2008 bắt đầu xây dựng phương án, giải pháp ngầm hóa đường Lý Tự Trọng
(tiền thân giải pháp thi công đường Trần hưng Đạo);
- Ngày 13/11/2008 UBND/TP đồng ý chủ trương ngầm hóa đường Lý Tự Trọng (Văn
bản số 7042/UBND-CNN). Từ ngày này, phương án, giải pháp ngầm hóa đã được
xây dựng và trình bày cho UBND/TP, các sở ngành, địa phương và các đơn vị quản
lý lưới điện và thông tin suốt đến tháng 4/2009;
Do đường Lý Tự Trọng đang trong giai đoạn cấm đào nên ngành điện đã chuyển
hướng sang ngầm hóa đường Trần Hưng Đạo. Giải pháp được thừa hưởng của đường
Lý Tự Trọng nhưng do nhu cầu sử dụng khác nhau nên phương án ngầm hóa phải được
xây dựng lại cho phù hợp với qui mô đường Trần Hưng Đạo:
- Từ tháng 3-9/2009, Phương án ngầm hóa đường Trần Hưng Đạo được báo cáo cho
UBNDTP, các sở ngành, địa phương và các đơn vị quả lý vận hành (3 lần vào tháng
5, 6 và 9);
- Ngày 31/8/2009 UBND Thành phố có Văn bản số 4450/UBND-CNN V/v chấp thuận
phương án xây dựng hào kỹ thuật thực hiện thí điểm ngầm hoá lưới điện và dây
thông tin đường Trần Hưng Đạo, quận 1;
- Ngày 25/9/2009 chính thức thông qua phương án, giải pháp ngầm hóa đường Trần
Hưng Đạo.
Song song đó, từ tháng 4/2009 bắt đầu tiến hành khảo sát lập DAĐT và thiết kế
công trình. Đến tháng 9/2009, sau khi thông qua phương án ngầm hóa cũng là lúc chủ
đầu tư ra quyết định đầu tư dự án ngầm hóa thí điểm đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ
Nguyễn Cư Trinh đến Nguyễn Văn Cừ). Thông tin cơ bản của dự án:
- Dài đơn tuyến: 2x1.250m
- Mỗi bên đường gồm:
+ 4 tuyến cáp điện trung thế;
+ 3 tuyến cáp điện hạ thế chính;
+ 12 tuyến ống đặt cáp thông tin chính;
+ Khoảng 6 ống dẫn cáp mắc điện và 10 ống dẫn cáp phối thông tin.
- Tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng (trong đó phần hào kỹ thuật chiếm 15 tỷ đồng).
3
2.2. Một số khó khăn trong việc chuẩn bị đầu tư:
Mặc dù được sự quan tâm của UBND/TP, sự ủng hộ của một số sở ngành nhưng
công tác chuẩn bị đầu tư cũng bị kéo dài trên 1 năm do một số khó khăn chính như sau:
2.2.1. Quan điểm khác nhau về giải pháp:
Không thống nhất GIẢI PHÁP ngầm hóa giữa các cơ quan quản lý với đơn vị
vận hành là nguyên nhân chính dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư của dự án.
Có 3 ý kiến khác nhau:
- Ngầm theo giải pháp cổ điển: phần đơn vị vận hành nào thì đơn vị đó
ngầm theo khả năng tài chính của từng đơn vị;
- Xây dựng tuynen tập trung tất cả các công trình ngầm;
- Và xây dựng mương bê tông đặt tất cả các công trình điện và thông tin.
Ưu và khuyết điểm của từng giải pháp được tư vấn nghiên cứu và chủ đầu tư
trình bày trong rất nhiều buổi hội thảo, báo cáo nhưng do quan điểm, lợi ích của
từng cơ quan, đơn vị khác nhau nên dẫn đến kéo dài thời gian.
2.2.2. Số lượng đơn vị quản lý công trình kỹ thuật quá nhiều:
Bao gồm điện lực, chiếu sáng và trên 10 đơn vị cáp thông tin liên lạc (điện
thoại, truyền hình cáp, internet, cáp an ninh, …). Việc này dẫn đến khó khăn trong
các việc phối hợp để:
- Thống nhất giải pháp
- Điều tra công trình hiện hữu
- Xác định công trình ngầm
- Thống nhất nhu cầu dự phòng
2.2.3. Nhu cầu dự phòng trong tương lai quá lớn:
Đối với công trình nổi, việc phát triển thêm dung lượng rất dễ dàng nên gần
như các đơn vị vận hành không cần phải dự phòng cho tương lai xa 5-10 năm.
Tuy nhiên, khi ngầm hóa, việc phát triển không còn đơn giản nữa. Dự phòng
cho tương lai của từng đơn vị thực chất cũng chưa xác định được, hơn nữa phụ
thuộc vào qui hoạch phát triển dân cư, đô thị của khu vực nhưng kế hoạch xây dựng
các khu dân cư, đô thị thường chưa chính xác. Vì vậy để đảm bảo an toàn thường
mỗi đơn vị đề xuất dự phòng ống (hoặc không gian ngầm) rất cao (có đơn vị chỉ kéo
1 sợi cáp nhưng dự phòng thêm 1 ống). Tính bình quân số lượng dự phòng trên
50%.
Việc dự phòng cao dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, khó thu hồi vốn đầu tư nên
chủ đầu tư khó chấp nhận.
2.2.4. Thiếu thông tin công trình ngầm:
Tình trạng hiện nay là công trình của đơn vị nào vện hành thì đơn vị đó quản
lý, dẫn đến rất nhiều đơn vị quản lý. Mặt đường, lề đường qua thời gian được tôn
tạo nhiều lần dẫn đến công trình ngầm không còn mốc định vị, cao độ thay đổi.
Vì vậy công trình ngầm hiện nay được điều tra khảo sát khó có độ chính xác
để thiết kế và thi công.
2.2.5. Không hiệu quả đầu tư:
Các công trình nổi hiện nay đang được các đơn vị vận hành khái thác an toàn.
Việc đầu tư ngầm hóa chỉ nhằm mục đích chỉnh trang đô thị và thường không nâng
hiệu quả kinh doanh của các đơn vị nên không có hiệu quả đầu tư dẫn đến một số
đơn vị vận hành thiếu quyết tâm trong việc ngầm hóa.
2.1.6. Thiếu tiêu chuẩn:
Tại thời điểm thiết kế công trình, mỗi ngành đều có tiêu chuẩn thiết kế riêng.
Tuy nhiên, để lắp đặt tất cả các công trình điện và thông tin trong cùng một mương,
một hào thì chưa có tiêu chuẩn dẫn đến khó khăn cho đơn vị thiết kế.
4
3. Thi công xây dựng:
3.1. Sơ lược quá trình thi công: Theo kế hoạch dự kiến thi công trong vòng 4 tháng. Tuy
nhiên thực tế thi công 14 tháng
- Khởi công ngày 07/10/2009, thi công hoàn tất 30/12/2010.
+ Tháng 10/2009 đến 7/2010 thi công hệ thống mương, ống ngầm;
+ Tháng 7/2010 đến 12/2010 thi công kéo cáp điện, thông tin và thu hồi công trình
nổi.
- Một số hình ảnh mô tả quá trình thi công:
Hình 1: Quá trình thi công mương bê tông: (a)đúc sẵn tại nhà máy; (b)lắp đặt tại công
trường;(c)vị trí không thể tái lập ngay trong đêm được vây hàng rào hoặc lót cầu tạm;
(d),(e) sau khi hoàn thiện mương chờ lót gạch
Hình 2: Công trình sử dụng ống xoắn dễ thi công
Hình 3: Lễ Khánh thành công trình được tổ chức vào ngày 17/1/2011
5
3.2. Một số khó khăn trong quá trình thi công:
3.2.1. Sự phối hợp giữa các đơn vị vận hành:
Đơn vị vận hành gồm 13 đơn vị, mỗi đơn vị quản lý vận hành một hệ thống
riêng biệt. Quá nhiều đầu mối quản lý dẫn đến khó khăn trong khâu điều tra thu
thập thông tin, việc phối hợp các đơn vị thường thiếu đồng bộ, mỗi đơn vị mỗi quan
điểm, mỗi ý kiến khác nhau nên việc thống nhất rất khó khăn. Đôi khi không xác
định được công trình ngầm hiện của đơn vị nào, đến khi sự cố mới có đơn vị quản
lý xuất hiện.
3.2.2. Hệ thống công trình ngầm dày đặc:
Khu vực Trần Hưng Đạo là khu vực dân cư liên kế nên có hệ thống công trình
ngầm hiện hữu rất dày đặc, gồm cáp điện trung hạ thế, cáp thông tin liên lạc của
một số đơn vị, ống cấp thoát nước, …
Việc điều tra khảo sát công trình thường không chính xác (như đã trình bày
phần chuẩn bị đầu tư), do đó khi thi công phải có biện pháp thăm dò. Mặc dù vậy
đôi khi vẫn không các định được và phạm phải công trình ngầm hiện hữu gây sự cố.
Việc xử lý sự cố này xảy ra rất thường xuyên, gây mất thời gian, ảnh hưởng
đến tiến độ thi công, ảnh hưởng đến vận hành của công trình hiện hữu và ảnh hưởng
đến cuộc sống của người dân.
3.2.3. Cấm đào:
Công trình đi qua một số đường giao cấm đào nên khi đào đường tại các vị trí
này phải có qui trình xin phép đào đường riêng và thường khó khăn hơn.
3.2.4. Khó khăn từ người dân:
Đối với dự án chỉnh trang đô thị, phần lớn người dân ửng hộ rất tận tình. Tuy
nhiên, còn một số người dân gây khó khăn, khiếu nại các vị trí lắp đặt công trình
ngang qua lề đường trước nhà mặc dù các thủ tục xây dựng công trình đã được các
cơ quan ban ngành cấp.
3.2.5. Thiếu kinh nghiệm sử dụng công nghệ mới:
Được biết công nghệ ống nhựa soắn là công nghệ mới đã được lắp đặt nhiều
tại Hàn Quốc và Tp. Hà Nội, nhận thấy việc sử dụng ống soắn có nhiều ưu thế so
với ống thẳng, công trình đã sử dụng ống nhựa soắn. Tuy nhiên, do kinh nghiệm lắp
đặt, giám sát chưa có kinh nghiệm nên có một số khó khăn khi kéo cáp.
4. Kết quả đạt được:
Với mục tiêu thí điểm chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị, được sự chỉ đạo, hỗ trợ tận
tình của các cấp thẩm quyền, công trình đã hoàn thành và đáp ứng được mục tiêu đặt ra
như mong muốn. Một số hình ảnh minh họa kết quả thực hiện:
6
Hình 4: (a) Dây cáp điện, thông tin chằng chịt trước khi công trình thực hiện;
(b) Mặt tiền thoáng đãng, sạch đẹp, mỹ quan sau khi ngầm hóa
C. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Mục tiêu và định hướng: Việc ngầm hóa công trình hạ tầng kỹ thuật hướng đến mục
tiêu chính như sau:
- Qui hoạch quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị tránh
chồng chéo và có thể định vị các công trình ngầm để hướng tới quản lý đô thị bằng
công nghệ số GIS.
- Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại hóa, góp phần nâng
cao mỹ quan đô thị…
- Xã hội hóa việc đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nhằm thu hút các nguồn vốn
đầu tư, đặc biệt các nguồn vốn nước ngoài.
- Đối với khu đô thị hiện tại: từng bước ngầm hoá công trình hạ tần kỹ thuật đồng bộ
với kế hoạch chỉnh trang, mở rộng các tuyến phố chính nội thành TP.
- Với khu đô thị mới: Thực hiện đúng qui chuẩn, tiêu chuẩn trong việc xây dựng công
trình hạ tầng kỹ thuật cho các khu đô thị mới, các khu qui hoạch mới dân cư, khu
công nghiệp, khu chế xuất, …
2. Giải pháp
2.1. Tham khảo một số giải pháp đã thực hiện:
2.1.1. Giải pháp ngầm cổ điển (cáp đặt trong ống rời rạc):
Giải pháp này có các đặc điểm:
- Cáp của các đơn vị vận hành khác nhau đặt tại các vị trí khác nhau với kỹ thuật
khác nhau;
- Cáp được chôn trực tiếp hoặc trong ống rời rạc;
- Cáp có thể đi trên lề hoặc lòng đường và thường đi cả trên lề đường và lòng
đường do chiếm khoảng không rộng.
Ưu điểm:
- Đầu tư rẻ, linh động do đặt cáp vị trí nào cũng được;
- Vận hành sửa chữa dễ;
Khuyết điểm:
- Khó khăn lớn nhất là việc không quản lý được tất cả không gian ngầm do nhiều
đơn vị đầu tư lắp đặt, khó quản lý việc phát triển thêm công trình ngầm của các
đơn vị vận hành. Sau một thời gian sẽ trở thành rác trong lòng đất như dây nổi
hiện nay;
7
- Như tình trạng hiện nay, qua thời gian vận hành, các tài liệu quản lý công trình
ngầm không còn chính xác do thay đổi địa hình, nền đất bị trôi;
- Khi cần lắp đặt công trình ngầm mới, khó điều tra thu thập đầy đủ và chính xác
công trình ngầm hiện hữu do nhiều đơn vị quản lý, thay đổi theo thời gian, cập
nhật chưa đầy đủ các công trình ngầm mới, …
- Do khó phát triển mới nên tình trạng kéo mới dây nổi sau một thời gian ngầm
hóa rất có khả năng xảy ra, điển hình như các tuyến đường Điện Biên Phủ (đoạn
quận Bình Thạnh), Phan Xích Long (khu Rạch Miễu), … (xem minh họa hình 7)
Hình 5: Công trình ngầm hóa đường Lê Thánh Tôn (theo giải pháp cổ điển)
Hình 6: Công trình ngầm theo giải pháp cổ điển rất lộn xộn không có trật tự
Hình 7: Một số tuyến đường xuất hiện dây nổi trở lại sau một thời gian ngầm hóa (hình
chụp năm 2009): (a)đường Điện Biên Phủ; (b) đường Phan Xích Long
2.1.2. Tuy nen:
8
Hình 8: Một số dạng tuynen:
(a) mặt cắt điển hình; (b) mô hình tại Thái Lan; (c) tuynen tại Hồng Kông
Ưu điểm:
- Vận hành sửa chữa công trình ngầm dễ dàng;
- Quản lý tập trung tất cả các công trình ngầm (cấp nước, điện, thông tin, …), vì
vậy dễ dàng quản lý, phát triển, thay đổi, cũng như cập nhật thông tin thuận lợi;
Khuyết điểm:
- Đầu tư quá đắt, chỉ thích hợp qui hoạch trung tâm thành phố lớn khi có xây dựng
kèm theo xây dựng mới hệ thống giao thông;
- Yêu cầu công nghệ cao trong việc xây dựng, quản lý, vận hành. Hệ thống cần
phải xử lý thông gió, thoát nước, các vị trí giếng cho người quản lý vận hành có
thể lên xuống;
- Chiếm một không gian nhất định trong lòng đất mà các công trình ngầm khác
không thê giao chéo ở cùng cao độ;
- Người quản lý vận hành cũng yêu cầu phải có kinh nghiệm, kiến thức chuyên
môn;
2.1.3. Mương, máng bằng vật liệu tái chế:
Ưu điểm:
- Vận hành sửa chữa công trình ngầm dễ dàng, đơn giản;
- Quản lý tập trung các công trình ngầm điện và thông tin, vì vậy dễ dàng quản lý,
phát triển, thay đổi, cũng như cập nhật thông tin thuận lợi;
- Không có hiện tượng trôi do thay đổi nền đất hoặc do thay đổi địa hình;
- Bảo vệ môi trường.
9
Hình 8: Chi tiết một số dạng mương máng bằng vật liệu tái chế:
(a),(b) máng kết hợp ống tạo thành khối ống
(c),(d) Một dạng mương đúc sẵn
Hình 9: Mương đặt trong đường hầm
Hình 10: Mương đặt trên đường cao tốc
Khuyết điểm:
- Vốn đầu tư tương đối cao cho việc sản xuất mương bằng vật liệu tái chế. Do
phương án này bảo vệ môi trường nên cần có chính sách ưu đãi từ chính quyền
để hỗ trợ kinh phí;
- Chiếm một không gian nhất định trong lòng đất, vì vậy thích hợp cho công trình
xây dựng mới các khu qui hoạch;
10
Hình 11: Mương đặt trong nhà ga, trạm điện
2.2. Giải pháp ngầm trên đường Trần hưng Đạo:
Công trình ngầm hóa đường Trần hưng Đạo sử dụng giải pháp mương bê tông kết
hợp cổ điển. Mương đặt được khoảng 5-6 sợi cáp trung thế, 2-4 sợi cáp hạ thế và 12
tuyến ống cáp viễn thông (khoảng 20-30 sợi cáp viễn thông tùy theo kích cỡ)
Hình minh họa một số chi tiết
Hình 12: Mô hình công trình ngầm một bên đường
11
Hình 13: Mặt cắt điển hình
Ưu điểm:
- Có đầy đủ các ưu điểm của phương án mương bằng vật liệu tái chế ngoại trừ bảo
vệ môi trường;
- Vốn đầu tư có cao hơn giải pháp cổ điển nhưng thấp hơn nhiều so với các giải
pháp khác và trong tầm phần lớn các đơn vị vận hành có thể chấp nhận được;
Khuyết điểm:
- Khó thi công khu vực có lề đường chật hẹp và nhiều công trình ngầm hiện hữu.
3. Tham khảo một chương trình ngầm hóa nội đô tại Nhật Bản
Hình 14: Kế hoạch ngầm hóa
12
Hình 15: Giải pháp ngầm hóa theo từng giai đoạn
Hiện nay, ngoài các tuynen được xây dựng theo một số tuyến đường lớn và các
tuyến metro, giải pháp mương và máng bằng vật liệu tái chế như đã nêu trên kết hợp
giải pháp ống nhiều lõi được áp dụng rộng rãi
Hình 16: Chi tiết các giải pháp ngầm hóa hiện nay
D. ĐỀ XUẤT
1. Quan tâm nhiều hơn công tác Qui hoạch hạ tầng kỹ thuật ngầm:
Các tài liệu qui hoạch trong thời gian vừa qua chưa đề cập hoặc đề cập chưa đúng
tầm việc sử dụng không gian ngầm, đặc biệt đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc này
13
dẫn đến trong suốt thời gian dài công trình kỹ thuật hạ tầng chỉ xây dựng trên không
hoặc nếu có xây dựng ngầm thì tự phát, xây dựng không đúng nơi đúng chỗ dẫn đến
không gian đô thị chằng chịt công trình hạ tầng kỹ thuật không còn mỹ quan, khi cần
ngầm hóa thì không còn không gian ngầm cho các công trình đi sau gây các khó khăn
trở ngại như công trình Trần Hưng Đạo đã gặp như nêu trên.
Vì vậy cần quan tâm để dần đưa công tác qui hoạch không gian ngầm vào khuôn
khổ qui định, thống nhất chủ trương từ các nhà quản lý nhà nước đến các đơn vị vận
hành, tư vấn, thi công lắp đặt. Trong công tác chấn chỉnh qui hoạch không gian ngầm,
ngoài các qui định cho từng ngành hiện nay, cần có qui chuẩn, các tiêu chuẩn cần thiết
phối hợp bố trí chung các công trình hạ tầng kỹ thuật để tiết kiệm không gian. Ngoài ra,
cần ứng dụng các công nghệ hiện đại trong công tác quản lý và xây dựng.
Các giải pháp qui hoạch đề xuất:
- Đối với khu đô thị hiện tại: qui hoạch lại không gian bố trí các công trình hạ tầng
kỹ thuật, chấp nhận sử dụng các giải pháp cổ điển (chỉ cho các khu vực lề đường chật
hẹp) hoặc mương kỹ thuật để bố trí công trình ngầm trong không gian qui hoạch;
- Các khu đô thị mới, các tuyến xe lửa nội đô: Nên ưu tiên sử dụng giải pháp
mương kỹ thuật nhằm thuận lợi trong công tác quan lý;
- Đối với một số tuyến đường đại lộ chính: khuyến khích sử dụng tuynen.
2. Quản lý không gian ngầm:
Với tình trạng các đơn vị tự quản lý công trình kỹ thuật do mình vận hành như
trong thời gian qua dẫn đến quá nhiều đơn vị quản lý. Gây ra nhiều khó khăn trong việc
qui hoạch phát triển, thiết kế và thi công như đã gặp trong công trình Trần Hưng Đạo
nêu trên.
Ngoài ra, việc quản lý như hiện nay còn nhiều khó khăn khác mà các nhà quản lý
đã đề cập trong các hội thảo khoa học trước đây (như khó quản lý tình trạng xuất hiện
lún, sụp, hàm ếch sau khi công trình đã thi công xong; Thiếu định chế về qui hoạch,
thiết kế, thi công, …).
Ngày 07/4/2010, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 38/2010/NĐ-CP, 39/2010/NĐ-
CP và Bộ Xây Dựng cũng đã ban hành Thông tư 11/2010/TT-BXD ngày 17/8/2010 qui
định về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị. Tuy nhiên, việc triển khai công tác
chấn chỉnh, quản lý không gian ngầm đến nay vẫn chưa tiến triển và còn nhiều bất cập.
Từng đơn vị vận hành vẫn quản lý công trình do đơn vị vận hành, thông tin về không
gian ngầm vẫn rời rạc.
Vì vậy, thống nhất giao cho một đơn vị (hoặc một số đơn vị trong đó mỗi đơn vị
một khu vực) quản lý chung không gian ngầm của Thành phố là điều cần thiết. Đơn
vị này sẽ có trách nhiệm quản lý không gian ngầm, cập nhật và quản lý dữ liệu công
trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, thỏa thuận qui hoạch, cấp phép thi công, giám sát thực hiện
theo qui hoạch và có quyền thu phí cung cấp tài liệu quản lý cũng như các phí khác liên
quan đến hoạt động của đơn vị như lời của một cán bộ ngành giao thông đã đề xuất
trong hội thảo “Quản lý công trình ngầm tại Tp.HCM – thực trạng và giải pháp” trước
đây.
Việc quản lý tập trung ngoài dần khắc phục được các khó khăn trở ngại như đã
nêu, còn định hướng quản lý bằng công nghệ hiện đại như quản lý bằng GIS sẽ kết hợp
không chỉ công trình ngầm kỹ thuật mà tất cả các loại hạ tầng kỹ thuật khác như metro,
giao thông ngầm, …
3. Hoàn thiện các cơ sở pháp lý và chuẩn bị cho chương trình ngầm:
Công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị không là lợi ích của riêng cá nhân
hoặc đơn vị nào, mà là lợi ích của toàn xã hội như đã nêu. Vì vậy cần sự chung tay góp
sức của tất cả mọi người từ mỗi người dân, các đơn vị vận hành công trình, các cơ quan
14
quản lý nhà nước và địa phương, cũng như của các cấp thẩm quyền thì chương trình hạ
ngầm mới có thể thành công và được nhân rộng cho toàn Tp.HCM.
Để đạt được như mong muốn, trước hết cấp thẩm quyền cần xây dựng qui định
trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ của các cá nhân, đơn vị liên quan đến chương trình. Trên
cơ sở đó thông tin và tuyên truyền cho toàn xã hội biết được lợi ích và cùng tham gia
thực hiện chương trình.
Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm
như: ban hành các thông tư, qui định, văn bản hướng dẫn, qui trình trong việc thực hiện
và quản lý hạ tầng kỹ thuật ngầm cũng như xây dựng các qui chuẩn, tiêu chuẩn liên
quan.
Ngoài ra, cần chuẩn bị tốt nguốn nhân lực trong công tác quản lý vận hành hệ
thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, đặc biệt chuẩn bị cho quản lý vận hành các công trình kỹ
thuật cao, hệ thống tuynen, metro, …
Trân trọng cám ơn các cá nhân và tập thể đã hỗ trợ cho bài viết:
- TS. KTS. Phạm Anh Dũng – Trưởng Khoa Kỹ Thuật Đô Thị;
- Các giảng viên bộ môn Năng lượng – Thông tin (Khoa Kỹ thuật Đô thị - Trường
Đại học Kiến Trúc Tp.HCM)
- Các kỹ sư của TT Tư vấn XD, Ban QLDA - Cty CP Đầu tư Kinh doanh ĐL
Tp.HCM.
Tài liệu tham khảo
[1] Nghị định 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính Phủ về quản lý không gian,
kiến trúc, cảnh quan đô thị;
[2] Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính Phủ về quản lý không gian
xây dựng ngầm đô thị;
[3] Thông tư 11/2010/TT-BXD ngày 17/8/2010 của Bộ Xây Dựng Hướng dẫn về quản
lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị;
[4] Đề án ngầm hóa lưới điện Tp.HCM đến năm 2020 do Tổng Công ty Điện lực
Tp.HCM thiết lập;
[5] Chương trình ngầm hóa công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Nhật Bản;