KHOA HỌC PHÁP LÝ
Vấn đề trách nhiệm hình sự của
pháp nhân – nhìn từ dấu hiệu
hành vi
Trong tiến trình nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện
pháp luật hình sự ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới thời
gian qua, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một trong
những vấn đề được đưa ra bàn luận rất nhiều cả dưới góc độ khoa học
pháp lý và chính sách hình sự. Hiện tại tồn tại nhiều quan điểm, ý kiến
tranh luận khác nhau về vấn đề này, tuy nhiên tựu chung lại hiện có
hai luồng quan điểm chính song song cùng tồn tại đó là: Quan điểm
phản đối trách nhiệm hình sự của pháp nhân và quan điểm ủng hộ
trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Những người ủng hộ hay phản đối
đều đưa ra nhiều luận chứng khác nhau để bảo vệ quan điểm của
mình; và một trong những luận chứng được cả những người ủng hộ và
phản đối dựa vào đó là dấu hiệu hành vi của tội phạm.
Để giúp các nhà khoa học, các nhà xây dựng chính sách, các nhà lập
pháp và bạn đọc có thêm cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề trách nhiệm
hình sự của pháp nhân khi nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật
hình sự thời gian tới; trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày tóm lược
đồng thời có những phân tích thêm về cách lập luận, giải thích về dấu
hiệu hành vi với tư cách là một luận cứ của các luồng quan điểm khi
bàn và bảo vệ quan điểm của mình về vấn đề thiết lập hay không
trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
1. Về quan điểm phản đối
Theo quan điểm của những người phản đối thiết lập trách nhiệm hình
sự của pháp nhân thì tội phạm biểu hiện ra bên ngoài là tổng hợp các
hành vi khách quan. Hành vi khách quan phải do chính người phạm
tội trực tiếp thực hiện, ở đây là con người cụ thể bằng xương, bằng
thịt và có nhận thức chứ không phải một thực thể trừu tượng, vô hình.
Nói theo quy định pháp luật hiện hành thì chủ thể của tội phạm phải là
"người" có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo luật định
và đã thực hiện "hành vi" phạm tội cụ thể được quy định trong Bộ luật
hình sự.
Cũng theo quan điểm trên thì pháp nhân là do các thành viên hợp lại,
do vậy nó là một thực thể pháp lý trừu tượng, là một "người vô hình"
đại diện cho tất cả các thành viên. Do không phải là thực thể hữu hình,
nên pháp nhân không thể tự mình trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Hành vi của pháp nhân là do những cá nhân, đó là các nhân viên thừa
hành hoặc người đ*ược ủy quyền của pháp nhân thực hiện. Mặc dù
trong thực tiễn, lãnh đạo pháp nhân, nhân viên thừa hành hoặc người
được ủy quyền của pháp nhân có thể phạm tội trong khi thực hiện
chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy vậy, hành vi này là do các cá
nhân thực hiện và họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của
mình gây ra; ở đây không thể nói hành vi đó là hành vi của pháp nhân,
vì vậy, sẽ là không hợp lý nếu quy kết hành vi phạm tội đó cho chính
bản thân pháp nhân. Do vậy mà những người phản đối thiết lập trách
nhiệm hình sự của pháp nhân cho rằng nếu buộc pháp nhân phải chịu
trách nhiệm hình sự là vi phạm nguyên tắc hành vi trong pháp luật
hình sự.
Để lý giải một số tình huống (tội phạm) cụ thể xuất phát từ hoạt động
của các pháp nhân, do những người trong pháp nhân gây ra khi thực
hiện nhiệm vụ như các tội phạm về kinh tế, các tội phạm về môi
trường một số người phản đối trách nhiệm của pháp nhân cho rằng
khi pháp nhân giao nhiệm vụ tức là mong muốn kết quả mà người
thực hiện mang lại cho pháp nhân, hay nói cách khác là pháp nhân chỉ
giao chỉ tiêu, việc thực hiện thế nào hoàn toàn do cá nhân con người
cụ thể được giao nhiệm vụ quyết định. Những người này có quyền lựa
chọn phương thức, cách làm mà pháp nhân không can thiệp. Do vậy
họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của
mình. Nếu những hành vi đó vi phạm vào các quy định của Bộ luật
hình sự thì có thể xử lý họ về các tội như: "thiếu trách nhiệm gây hậu
quả nghiêm trọng", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công
vụ", "vi phạm các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng" làm như vậy mới phù hợp với nguyên tắc cá thể hóa hành vi
trong luật hình sự.
Từ cách lập luận về hành vi, chủ thể thực hiện hành vi như trên,
những người phản đối việc xác lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân
cho rằng xét dưới góc độ hành vi, pháp nhân không phải và cũng
không thể là chủ thể của tội phạm.
2. Về quan điểm ủng hộ
Ngược lại với quan điểm và cách nhận định trên, trên cơ sở học thuyết
đồng nhất hoá hành vi của tập thể với hành vi cá nhân trong những
điều kiện nhất định, nhiều nhà khoa học cho rằng việc thiết lập trách
nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật hình sự là cần thiết và phù
hợp với xu thế hiện nay. Những người ủng hộ học thuyết đồng nhất
hóa hành vi của tập thể với hành vi của cá nhân trong những điều kiện
nhất định cho rằng mặc dù pháp nhân là tập hợp của những cá nhân
con người riêng lẻ, tuy nhiên khi "quyết định" thành lập một pháp
nhân/pháp nhân ra đời với một cơ cấu tổ chức cụ thể thì ở đây đã có
sự biểu lộ các quyết định của tập thể vào sự tồn tại một ý chí thống
nhất trong cá nhân của ng*ười đại diện, ng*ười lãnh đạo pháp nhân. Ở
đây đã diễn ra quá trình đồng nhất hóa hành vi của tập thể với hành vi
của cá nhân. Mọi hành vi của của cá nhân với tư cách là người đại
diện cho pháp nhân được "xem" là hành vi của pháp nhân. Hay nói
như cách nói của lý thuyết vai trò trong xã hội học thì khi đó cá nhân
đang đóng vai trò và mang trọng trách của một tập thể (pháp nhân).
Các pháp nhân có ý thức, ý chí, mong muốn của riêng mình (như mục
tiêu, định hướng, chiến lược, giá trị cốt lõi ) cùng với tư* cách như*
các cá nhân (như ý chí, mong muốn, nguyện vọng ). Pháp nhân
không phải là một trừu tượng pháp lý thuần tuý, nó có những đặc tính
không đổi được thừa nhận chung, có sự tồn tại thực tế của nó trong
mối quan hệ với các thành viên của pháp nhân. Về thực tế, pháp luật
đã ghi nhận nó trên phư*ơng diện pháp lý. Pháp nhân có ý chí độc lập
chứ không đơn thuần chỉ là con số cộng ý chí của các cá nhân thành
viên pháp nhân; pháp nhân có thể tự quyết định một cách tự do và
theo đuổi những mục tiêu cụ thể của mình và độc lập với những lợi
ích của các cá nhân tạo nên pháp nhân đó. Nói cách khác, các pháp
nhân mặc dù bao gồm các cá nhân nhưng được hình thành bởi những
lợi ích tập trung và được pháp nhân thông qua các cấu trúc pháp lý
xác định. Trong các pháp nhân, những định hướng chủ đạo thể hiện
những mục tiêu của chính mỗi tập thể được đư*a ra không chỉ hoàn
toàn giới hạn bởi tổng số các ý chí riêng của các thành viên tập đoàn.
Pháp nhân hoàn toàn có ý chí của riêng mình bởi vì nó sinh ra, tồn tại
và phát triển bằng sự gặp gỡ giữa các ý chí cá nhân của các thành viên
của mình.
Theo quy định của pháp luật, quy chế, điều lệ của pháp nhân thì
ng*ười đại diện, ng*ười lãnh đạo được thay mặt cho pháp nhân ra các
quyết định, thực hiện các hành vi thuộc thẩm quyền của pháp nhân, vì
lợi ích của pháp nhân. Đặc biệt là trong các quyết định mang tính tập
thể (thường thông qua hình thức biểu quyết), thì sự thống nhất về ý
chí của các chủ thể hợp thành pháp nhân là rất cao, người lãnh đạo
pháp nhân khi ấy là người đưa các quyết định đó vào thực tiễn. Mọi
hậu quả có lợi cũng như bất lợi phát sinh từ hành vi theo sự lựa chọn
trên cơ sở tự do ý chí của ng*ười đại diện, ng*ười lãnh đạo đều do
pháp nhân thụ hưởng hoặc gánh chịu. Vì vậy, khi ng*ười đại diện,
ng*ười lãnh đạo thực hiện nghĩa vụ hoặc nhiệm vụ của pháp nhân thì
ý chí và hành vi của họ đ*ược đồng nhất hoá với pháp nhân, tức là
được coi như* là ý chí và hành vi của pháp nhân.
Theo quan điểm của GS-TSKH Đào Trí Úc thì "Trên thực tế, hành vi
nguy hiểm cho xã hội có thể do một tập thể gây ra do kết quả của việc
đư*a ra những quyết định sai trái. Một số tội phạm, trên thực tế, cũng
có thể do cá nhân hoặc pháp nhân gây ra. Ví dụ, các tội phạm về kinh
tế, về môi tr*ường có thể là kết quả của hành vi tập thể của xí nghiệp
công nghiệp, đơn vị kinh doanh nào đó”.
Đặt câu hỏi và trả lời cho một số tình huống cụ thể như trường hợp
Hội đồng quản trị thống nhất ra Nghị quyết giao cho Giám đốc (cũng
là thành viên Hội đồng quản trị) chỉ đạo thực hiện nghị quyết đó. Tuy
nhiên, nội dung nghị quyết có nội dung vi phạm pháp luật hình
sự/hoặc để thực hiện nghị quyết đó phải bằng các giải pháp mà giải
pháp đó nếu thực hiện sẽ vi phạm pháp luật hình sự. Những người ủng
hộ quan điểm trách nhiệm hình sự của pháp nhân cho rằng trong
trường hợp này không thể chỉ buộc giám đốc phải chịu trách nhiệm
hình sự mà pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự với tư cách
là một chủ thể độc lập.
Như vậy, từ những tổng hợp và phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng
chỉ riêng dấu hiệu hành vi thôi, khi vận dụng và giải thích vấn đề trách
nhiệm hình sự của pháp nhân đã có những cách hiểu rất khác nhau.
Trên thực tế, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phải là
vấn đề mới nhưng là vấn đề tương đối phức tạp và hiện còn nhiều
quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Tác giả rất mong
cùng bạn đọc tiếp tục trao đổi, thông tin thêm về vấn đề dưới những
góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau trong thời gian tới.
Ths Vũ Hoài Nam - NXB TP - Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
- Leffort, Precis de droit criminel, Paris, Sirey;
- GS-TSKH. Đào Trí Úc, Nhận thức đúng đắn hơn nữa các nguyên tắc
về trách nhiệm cá nhân và lỗi trong việc xử lý TNHS, Tạp chí Nhà
nư*ớc và pháp luật, số 9/1999;
- PGS-TS. Phạm Hồng Hải, Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm
hay không?;
- Hoàng Thị Tuệ Phương, Trách nhiệm hình sự pháp nhân, Luận văn
Thạc sỹ luật học, Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh, 2006.