Tải bản đầy đủ (.docx) (16 trang)

Thâm hụt cán cân thương mại, thực trạng và giải pháp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.99 KB, 16 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Hội nhập kinh tế đang là xu thế phát triển của thế giới và dần dần
tiến tới toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực. Trong xu thế đó, quá trình hội
nhập của Việt Nam diễn ra nhanh chóng từ công cuộc đổi mới vào năm
1986. Hội nhập kinh tế mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội như mở
rộng thị trường, tiếp thu công nghệ khoa học kĩ thuật, tăng mạnh nguồn
vốn đầu tư phát triển…nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều thách
thức như sự cạnh tranh khốc liệt, những vấn nạn xã hội mới, và đặc biệt
là tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. Trong những năm gần đây,
nguồn vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, tình trạng luôn thiếu
vốn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, sự chênh lệch tiết kiệm –
đầu tư trong nước cùng với sự thâm hụt ngân sách càng làm cho tình
trạng thâm hụt cán cân thương mại của Việt nam trở nên nghiêm trọng.
Thâm hụt cán cân thương mại chưa hẳn đã là xấu vì Việt Nam có thể
nhờ dòng vốn đầu tư vào làm đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế, cùng với
việc nhập khẩu những công cụ tiên tiến để nâng cao trình độ, sức cạnh
tranh của mình trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, tình trạng thâm hụt
cán cân thương mại kéo dài và ngày càng trầm trọng sẽ khiến cho đồng
nội tệ bị mất giá, dẫn tới khủng hoảng tiền tệ. Để hiểu rõ vấn đề này,
chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thực trạng của cán cân thương mại Việt
Nam hiện nay, đồng thời xem xét những nguyên nhân chính yếu gây ra
tình trạng thâm hụt thương mai và đưa ra một vài kiến nghị, giải pháp
giúp cải thiện tình hình trên. Đây chính là lý do đề tài “Thâm hụt cán cân
thương mại tại Việt Nam” được tôi chọn để nghiên cứu trong bài tiểu
luận môn học. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết này do thiếu số
liệu, tính phức tạp và nhiều mặt của vấn đề kinh tế vĩ mô, cũng như
những hạn chế về thời gian và kiến thức nên bài viết còn nhiều thiếu sót
và mang tính trao đổi, nghị luận giữa những người nghiên cứu. Vì thế,
tác giả mong muốn được sự góp ý của quý độc giả cùng với quý thầy cô
hướng dẫn đề tài để có thể hoàn thiện bài viết hơn.
NỘI DUNG


I. LÝ LUẬN CHUNG VỀ CÁN CÂN THƯƠNG MẠI
1.1. Khái niệm
Cán cân thương mai, hay còn gọi là cán cân thanh toán quốc tế
(balance of payment) được hiểu là bảng kế toán tổng hợp các luồng vận
động về hàng hoá dịch vụ , tư bản… của một quốc gia với phần còn lại
của thế giới trong từng thời kỳ nhất định. Những giao dịch này có thể
được tiến hành bởi các cá nhân, các doanh nghiệp cư trú trong nước hay
chính phủ của quốc gia đó. Đối tượng giao dịch bao gồm các loại hàng
hóa, dịch vụ, tài sản thực, tài sản tài chính, và một số chuyển khoản.
Thời kỳ xem xét có thể là một tháng, một quý, song thường là một năm.
Những giao dịch đòi hỏi sự thanh toán từ phía người cư trú trong nước
tới người cư trú ngoài nước được ghi vào bên tài sản nợ. Các giao dịch
đòi hỏi sự thanh toán từ phía người cư trú ở ngoài nước cho người cư trú
ở trong nước được ghi vào bên tài sản có. Vậy, cán cân thương mại là
một bản đối chiếu giữa các khoán tiền thu được từ nước ngoài với các
khoản tiền trả cho nước ngoài của một quốc gia trong một thời kỳ nhất
định.
Theo Nghị định số 164/1999/NĐ-CP ngày 16/11/2009 của Chính
phủ về quản lý cán cân thương mại của Việt Nam, Cán cân thương mại
của Việt Nam được quy định là bảng tổng hợp có hệ thống toàn bộ các
chỉ tiêu về giao dịch kinh tế giữa Người cư trú và Người không cư trú
trong một thời kỳ nhất định. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
được giao là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì lập, theo dõi và phân tích
cán cân thương mại
1.2. Cán cân thương mại trong nền kinh tế
Đầu tiên, chúng ta hãy xem xét 2 bộ phận quan trọng nhất cấu
thành nên cán cân thương mại: đó là xuất khẩu ròng và đầu tư nước
ngoài. Đây là cách tiếp cận cán cân thương mại và sự thâm hụt cán cân
thương mại dưới cách đánh giá về tổng sản phẩm trong nước.
Hãy xem xét những khoản chi tiêu về hàng hóa, dịch vụ và nhu

cầu đầu tư trong một nền kinh tế mở:
Y = C + I + G + X – M
Y = C + I + G + NX
NX = Y – (C + I + G)
Xuất khẩu ròng = sản lượng – chi tiêu trong nước
Y = C + I + G – NX
(Y – C – G ) - I = NX
S – I = NX
S – I chính là khoản đầu tư nước ngoài ròng, là phần dôi ra giữa
tiết kiệm trong nước và đầu tư trong nước. Tài khoản thu nhập quốc dân:
đầu tư nước ngoài ròng phải bằng cán cân thương mại để cho nền kinh tế
được cân bằng. NX = S – I NX = (Y – T – C) + (T – G) – I NX =
Sp + Sg – I
Trong đó Sp: tiết kiệm khu vực tư nhân, Sg: tiết kiệm khu vực nhà nước.
Con số chênh lệch giữa thu T và chi G chính là thâm hụt ngân sách. Từ
đẳng thức trên ta thấy việc tăng tiết kiệm của khu vực tư nhân sẽ làm
thặng dư cán cân thương mại, còn việc tăng đầu tư, tăng thâm hụt ngân
sách sẽ làm cho thâm hụt cán cân thương mại.
Tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp cận dưới góc độ tỷ giá hối đoái. Tỷ giá hối
đoái thực = Tỷ giá hối đoái danh nghĩa x P*/P Trong đó P* là giá hàng
hóa trên thế giới, P là giá hàng hóa trong nước. Khi tỷ giá lên cao nghĩa
là đồng nội tệ giảm giá, hàng ngoại trở nên đắt hơn và hàng nội sẽ rẻ hơn
một cách tương đối, điều này sẽ kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập
khẩu. Còn ngược lại, khi đồng nội tệ tăng giá, tỷ giá hối đoái tăng thì sẽ
dẫn tới nhập khẩu tăng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu giảm. Sự
chênh lệch giữa xuất nhập khẩu sẽ làm cho cán cân thương mại được
thặng dư hay bị thâm hụt, chính sách phát triển kinh tế thường điều
chỉnh để kích thích xuất khẩu (làm thặng dư cán cân thương mại) hay
kêu gọi đầu tư nước ngoài (làm thâm hụt cán cân thương mại). Cả 2
chính sách này đều làm tỷ giá tăng.

Với 2 cách tiếp cận này, chúng ta đều thấy mối liên hệ giữa cán cân
thương mại và dòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế, hay nói cách khác
là liên quan đến lãi suất trong nước. Khi cán cân thương mại bị thâm
hụt, nghĩa là đồng ngoại tệ sẽ tràn lan trong nền kinh tế, đồng nội tệ sẽ
tăng giá. Dưới một hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, để giữ vững tỷ giá
thì chính phủ phải bung tiền ra để hút dòng ngoại tệ đang dư thừa trong
nền kinh tế. Như vậy, nền kinh tế sẽ có một lượng lớn tiền tệ lưu thông,
điều này sẽ làm cho lạm phát tăng cao, và chính phủ sẽ tăng lãi suất để
giữ cho thị trường tiền tệ được cân bằng. Mặt khác, xem xét dưới góc độ
tiết kiệm – đầu tư, khi đầu tư quá nóng (do nguồn vốn nước ngoài vào
nhiều) thì cán cân thương mại cũng sẽ bị thâm hụt, và lúc này chính phủ
cũng tăng lãi suất để hạn chế đầu tư, tiêu dùng. Trong một nền kinh tế
mở và nhỏ, lãi suất trong nước luôn được giữ cân bằng với lãi suất thế
giới. Và vì thế, chúng ta sẽ xem xét những yếu tố tác động lên cán cân
thương mại thông qua các chính sách trong nước và ngoài nước làm thay
đổi lãi suất.
1.3. Chính sách tài chính tác động tới cán cân thương mại
1.3.1. Chính sách tài chính trong nước
Như chúng ta đã biết, cán cân thương mại chịu ảnh hưởng của
thâm hụt ngân sách nhà nước, tiết kiệm – đầu tư. Chúng ta hãy xem xét
trường hợp chính phủ tăng chi tiêu G. Sự gia tăng chi tiêu này sẽ làm
giảm tiết kiệm quốc dân S vì tiết kiệm S = Y – C – G. Nếu như lãi suất
thế giới không đổi và đầu tư giữ nguyên thì tiết kiệm giảm thì đầu tư sẽ
cần được bổ sung bằng một lượng vốn từ nước ngoài. Điều này có nghĩa
là sẽ làm cho tăng đầu tư nước ngoài, làm giảm NX và từ đó sẽ làm cho
thâm hụt cán cân thương mại. Đồng thời, đồng nội tệ sẽ giảm giá, hay tỷ
giá hối đoái sẽ tăng.
Tương tự như vậy, khi chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt
tiền tệ, nghĩa là hạn chế đầu tư I, với tiết kiệm S của khu vực tư nhân
cùng Nhà Nước không đổi, thì chúng ta sẽ có NX = S – I tăng lên, làm

cho cán cân thương mại được thặng dư. Đồng thời cũng làm cho đồng
nội tệ tăng giá, hay tỷ giá hối đoái sẽ giảm.
Như vậy, khi cán cân thương mại cân bằng, sự thay đổi chính sách
tài chính trong nước theo hướng mở rộng (hoặc thắt chặt) sẽ làm giảm
tiết kiệm, tăng đầu tư (giảm thâm hụt ngân sách, giảm đầu tư) và dẫn tới
thâm hụt (thặng dư) cán cân thương mại, và sẽ làm cho tỷ giá hối đoái
tăng (giảm).
1.3.2. Chính sách tài chính nước ngoài
Nếu là một quốc gia nhỏ thì các chính sách tài chính của quốc gia
đó sẽ không ảnh hưởng đến thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên nếu
quốc gia đó chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới thì chính sách
tài chính của họ sẽ làm cho lãi suất thế giới thay đổi. Tương tự như
chính sách tài chính trong nước, khi chính phủ nước ngoài thực hiện một
chính sách tài chính cũng sẽ làm cho tiết kiệm - đầu tư trong nước đó
thay đổi, và sau đó do họ là nước lớn nên sẽ ảnh hưởng đến tiết kiệm –
đầu tư của thế giới làm cho lãi suất thế giới biến động, từ đó tác động tới
lãi suất của nước ta và làm thay đối cán cân thương mại. Như vậy, khi
cán cân thương mại cân bằng, sự thay đổi chính sách tài chính nước
ngoài theo hướng mở rộng (hoặc thắt chặt) sẽ làm giảm tiết kiệm, tăng
đầu tư (giảm thâm hụt ngân sách, giảm đầu tư) của nền kinh tế thế giới,
và làm cho lãi suất thế giới giảm (tăng), dẫn tới lãi suất trong nước cũng
giảm (tăng) kéo theo thặng dư (thâm hụt) cán cân thương mại, và sẽ
làm cho tỷ giá hối đoái giảm (tăng). Như vậy, chúng ta đã xem xét sự
thay đổi của các chính sách tác động đến cán cân thương mại.
Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét thực trạng của cán cân thương mại
tại Việt Nam. Vì những hạn chế, đề tài chỉ xem xét và đánh giá những
nguyên nhân trong nước (thay đổi chính sách trong nước) tác động tới
cán cân thương mại của Việt Nam.
II. THỰC TRẠNG CÁN CÂN THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM.
Cùng với quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trong hơn

một thập niên qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có mức
tăng trưởng rất cao (trung bình trên 20% mỗi năm), trừ năm 2009 do tác
động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đó, tỷ lệ xuất
khẩu/GDP tăng từ 30% năm 1996 lên tới 68,5% năm 2010, trong khi tỷ
lệ nhập khẩu/GDP còn tăng mạnh hơn, từ 45,6% lên đến 80% trong cùng
thời kỳ, khiến tổng giá trị thương mại/GDP đã đạt 150% - thể hiện độ
mở khá lớn của nền kinh tế. Có thể nói, chiến lược hướng về xuất khẩu
bắt đầu từ giữa thập kỷ 1990 đã có những đóng góp đáng kể đến tăng
trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm.
Tuy nhiên, do tốc độ tăng nhập khẩu nhanh hơn nhiều so với xuất
khẩu, cán cân thương mại ngày càng thâm hụt, và đặc biệt trở nên
nghiêm trọng kể từ năm 2007 - khi Việt Nam chính thức trở thành thành
viên chính thức của WTO. Trung bình giai đoạn 2001-2010, nhập siêu
chiếm đến 12% GDP, và tăng lên gần 17% giai đoạn 2007-2010.
Nhập siêu tăng cao và dai dẳng trong thời gian dài mà không có
bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào khiến thị trường ngoại hối luôn trong trạng
thái căng thẳng, tiền đồng luôn đối diện sức ép giảm giá, cán cân thanh
toán không ổn định, tình trạng đô la hóa gia tăng,…. Điều này, cùng với
một số diễn biến vĩ mô bất lợi khác, đã kích hoạt cho những bất ổn kinh
tế vĩ mô kéo dài trong một vài năm gần đây.
Thêm vào đó, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, vì thế nhu
cầu vốn rất cao, tiết kiệm trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu về
đầu tư. Vì vậy, huy động nguồn vốn từ các nước phát triển, nhận đầu tư
trực tiếp và vay vốn ODA để bổ sung nguồn thiếu hụt vốn trong đầu tư
là điều Việt Nam và hầu hết các nước đang phát triển đều làm.
Qua số liệu ta thấy tổng số dự án cũng như tổng số vốn FDI vào
Việt Nam trong giai đoạn 2000-2009 nhìn chung tăng lên với tốc độ khá
nhanh. Từ năm 2000 số vốn đăng kí là 2838,9 triệu USD nhưng đến
năm 2009 thì tổng số vốn đăng kí đã lên đến 21480 triệu USD. Mức tăng
bình quân năm trong giai đoạn này là 39.22%. Với lượng vốn FDI khổng

lồ trên đã tạo ra đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế, xã hội, tổng sản phẩm
trong nước tăng cao. Việt Nam là một trong những nước được nhận
nhiều viện trợ ODA của các quốc gia phát triển và các tổ chức như
World Bank, ADB, IMF…Tính đến năm 2007, cộng đồng quốc tế đã
cam kết dành cho Việt Nam nguồn ODA với tổng giá trị gần 36,97 USD,
đã ký kết 26,2 tỷ USD và giải ngân 17,9 tỷ USD. Đặc biệt trong những
năm gần đây, vốn ODA cung cấp cũng tăng khá mạnh.
Chỉ tiêu 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
Cam kết 2,4 2,5 2,8 3,4 3,4 3,7 4,5 5,4
Thực
hiện
1,6 1,5 1,5 1,4 1,6 1,8 1,8 2,2
Qua bảng trên ta nhận thấy tốc độ tăng trưởng khả năng thu hút
vốn ODA của nước ta tăng với tốc độ khá nhanh và ổn định trong suốt
giai đoạn từ 2001- 2008. Tuy khả năng thu hút ODA của chúng ta tăng
trưởng ở mức khá nhưng việc thực hiện vốn cam kết hay nói cách khác
là tốc độ giải ngân của Việt Nam còn chậm và chưa đạt được hiệu quả
cao và đang có xu hướng sút giảm trong thời gian 3 năm trở lại đây. Tốc
độ giải ngân chậm gây ra việc lãng phí, thất thoát vốn gây ra gánh nặng
nợ không cần thiết cho thế hệ sau và gây ảnh hưởng xấu cho khả năng
thu hút các nguồn đầu tư quốc tế khá.
Với nguồn vốn dồi dào, Việt Nam đã có những biểu hiện của việc
sử dụng không hiệu quả đã có biểu hiện lạm phát ngày càng lên cao,
đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng cùng với tình trạng thâm hụt cán cân
thương mại trong thời gian dài gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ đối mặt với nguy cơ thâm hụt cán
cân thương mại đơn thuần, mà chúng ta còn đối mặt với sự thâm hụt kép
– vừa thâm hụt ngân sách, vừa thâm hụt cán cân thương mại. Tình trạng
sử dụng vốn kém hiệu quả, đầu tư công tràn lan và tình trạng thua lỗ của
những doanh nghiệp Nhà Nước đã gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách

ngày càng lớn. Chính điều đó đã tạo ra sự thâm hụt kép trong nền kinh tế
Việt Nam.
III. NGUYÊN NHÂN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
3.1. Nguyên nhân thâm hụt cán cân thương mại
Thứ nhất, thâm hụt ngân sách chính là một trong những nguyên
nhân gây ra sự thâm hụt cán cân thương mại, và Việt Nam đang phải
chịu sự thâm hụt kép. Chính sách tài khóa không nhất quán, chính phủ
không nắm rõ được mức chi và những mục tiêu đề ra nhằm giảm thâm
hụt ngân sách không đạt hiểu quả đã làm cho tình trạng nhập siêu và
thâm hụt tài khoản vãng lai trong thời gian dài. Đầu tư Nhà Nước chiếm
trên 50% tổng đầu tư xã hội nhưng lại kém hiệu quả hơn so với đầu tư
khu vực tư nhân. Những doanh nghiệp NN đầu tư tràn lan vào những
lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, lập các công ty mới…với nhiều rủi
ro và kinh doanh kém hiệu quả ngày một nhiều. Mà các khoản đầu tư
này đều ảnh hưởng tới cán cân thương mại vì nếu chúng ta xét đó là chi
tiêu công thì nó sẽ làm tăng G, còn nếu chúng ta xét là đầu tư thì nó
cũng làm tăng I. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, để hạn chế các
khoản đầu tư này thì sẽ có biện pháp là tăng lãi suất, nhưng đối với các
DN NN, thì chính phủ thường dùng lãi suất ưu đãi, thế nên, tình trạn này
ngày càng làm cho cán cân thương mại thâm hụt nghiêm trọng.
Thứ hai, đầu tư tăng cao và tiết kiệm khu vực tư nhân không đủ bù
đắp dẫn tới sự huy động vốn từ bên ngoài và làm thâm hụt cán cân
thương mại. Nếu thâm hụt là do nhu cầu đầu tư tăng cao thì thâm hụt
không phải là một vấn đề nghiêm trọng, vì khi đầu tư nhiều vào nhà
xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất, thì trong tương lai năng suất
sẽ cao hơn và sẽ sản xuất nhiều hơn, và hàng hóa sản xuất ra có thể để
tăng xuất khẩu nhằm cân bằng cán cân thương mại và tài khoản vãng lai
(trả nợ). Tuy nhiên, nếu nhu cầu đầu tư tăng cao là vào khu vực bất động
sản, thì lại đáng lo ngại, vì khu vực này thường không làm tăng năng
suất (như đầu tư vào máy móc, thiết bị), cũng như tạo ra các sản phẩm

có thể được dùng để trả nợ (thông qua xuất khẩu).
* Những lý do dẫn tới đầu tư tăng cao:
● Chính sách tiền tệ: Một trong những nguyên nhân có liên quan
đến đầu tư tăng cao là chính sách tiền tệ nơi lỏng của Việt Nam trong
thời gian qua. Khi thực hiện chính sách tiền tệ nơi lỏng sẽ dẫn tới tăng
đầu tư trong nước, do trong ngắn hạn điều này làm giảm lãi suất.
Ngoài tác động trên, chính sách tiền tệ còn có tác động thông qua
tỷ giá. Khi thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng thì sẽ tạo nên áp lực
giảm giá đồng tiền nội tệ so với đồng tiền của nước khác. Nếu tỷ giá hối
đoái được tự do thay đổi, thì khi đó, nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn và
xuất khẩu sẽ trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, khi tỷ giá không được tự do thay
đổi (tỷ giá cố định), thì đồng tiền nội tệ về bản chất là đã lên giá. Việc
duy trì một đồng tiền nội tệ đã lên giá như vậy sẽ làm giảm xuất khẩu và
tăng nhập khẩu. Trong suốt một thời gian dài Việt Nam đã duy trì tỉ giá
cố định gắn vào đồng USD. Khi lạm phát thấp đây làm một chính sách
hợp lý để làm tăng khả năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Tuy
nhiên, từ cuối năm 2006, và đặc biệt là năm 2007, lượng vốn đầu tư (cả
gián tiếp và trực tiếp) chảy vào Việt nam tăng đột biến, làm cho đồng
Việt Nam tăng giá so với các đồng tiền khác. Để duy trì tính cạnh tranh
về giá của hàng XK, Ngân hàng Nhà nước đã tung một lượng tiền lớn ra
để mua USD (làm tăng dự trữ ngoại hối), dẫn tới một lượng cung tiền rất
lớn trong hệ thống thanh toán của Việt Nam. Tác động của lạm phát có
tác dụng làm đồng tiền mất giá, nhưng việc duy trì tỷ giá cố định về cơ
bản là việc duy trì một đồng tiền định giá quá cao đã làm cho hàng VN
mất tính cạnh tranh (trở nên đắt hơn) và hàng NK trở nên rẻ hơn. Đây
cũng chính là một nguyên nhân của tình trạng nhập siêu và thâm hụt các
cân thương mại. Phải thấy rằng tỷ giá cứng là một nguyên nhân dẫn đến
thâm hụt thương mại.
● Tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán: Trong năm 2006
và 2007 đã chứng kiến hàng loạt các công ty thực hiện cổ phần hóa, lên

sàn, phát hành thêm cổ phiếu. Năm 2007 còn được nhìn nhận là năm của
IPO. Bản chất của các hoạt động này, kể cả việc thực hiện cổ phẩn hóa
(không chỉ của các công ty nhà nước) là các hoạt động huy động vốn của
doanh nghiệp để đầu tư. Với lượng vốn đầu tư được huy động qua kênh
của thị trường chứng khoán, rõ ràng là mức đầu tư của VN đã tăng lên
rất nhiều. Hệ quả tất yếu của việc tăng đầu tư là nhập siêu và thâm hụt
tài khoản vãng lai. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư tăng vọt của các
doanh nghiệp ệt Nam, một lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp đã chảy vào
Việt Nam.
Vốn nước ngoài vào làm thu nhập dân cư trong nước tăng lên trong
khi các khoản đầu tư khác của Nhà nước vào khu vực sản xuất, hay đầu
tư công của Chính phủ tuy lớn nhưng chưa cho ra sản phẩm và thu nhập
ngay. Chính vì vậy, cầu tiêu dùng được đẩy lên rất lớn.
Thứ ba, điều hành tỷ giá đã làm cho cán cân thương mại không
được cải thiện mà còn trầm trọng hơn do hệ thống tỷ giá cố định. Bên
cạnh nguyên nhân cốt lõi liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế dựa
vào đầu tư, đặc biệt là đầu tư công hiệu quả chưa cao, khiến chênh lệch
tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm trong nước ngày càng nới lỏng, thì điều hành tỷ
giá, tác động đến tỷ giá thực - năng lực cạnh tranh về giá của hàng hóa
trong nước, vẫn được xem là một nguyên nhân khiến thâm hụt cán cân
thương mại quốc tế gia tăng.
Tỷ giá thực tính bằng tỷ giá danh nghĩa, được điều chỉnh bởi chỉ số
giá trong nước và nước ngoài theo công thức RER = NER.(P*/P), trong
đó RER là tỷ giá thực, NER là tỷ giá danh nghĩa, P* và P lần lượt là chỉ
số giá nước ngoài (US) và trong nước. Theo đó, nếu RER tăng, đồng nội
tệ được coi là định giá thực thấp, tạo được vị thế cạnh tranh thương mại
quốc tế cho hàng hóa trong nước. Ngược lại, nếu RER giảm, đồng nội tệ
được coi là định giá thực cao, vị thế cạnh tranh hàng nội địa sẽ xấu đi.
Cách thức điều hành tỷ giá trước năm 2010 của Việt Nam - giữ nguyên
tỷ giá liên ngân hàng một thời gian dài và đột ngột điều chỉnh với mức

độ không lớn - đã khiến tiền đồng luôn bị định giá cao.
Trước năm 2004, tỷ giá tương đối ổn định, lạm phát trong nước
thấp, tỷ giá thực tăng và bám sát tỷ giá danh nghĩa. Tuy nhiên, từ năm
2007, khi lạm phát gia tăng, việc điều chỉnh tỷ giá ít linh hoạt đã khiến
tỷ giá thực bắt đầu rời xa dần tỷ giá chính thức, và tiền đồng đã bị định
giá thực cao.
Một số quan điểm cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa chưa
đủ tầm, khiến tỷ giá thực giảm, làm hàng hóa Việt Nam giảm sút tính
cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và tác động tiêu cực đến thâm hụt
thương mại. Các mốc điều chỉnh tỷ giá qua các giai đoạn:
• 2005-07: 13.000 - 15.000 VND = 1 USD
• 2007- 08 : 15.500 - 17.500 VND = 1 USD
• 2008-10 : 17.500 – 19.500 VND = 1 USD
• 2010-11: 20.800 VND = 1 USD (trên thị trường tự do 21.800,
ngày 16/02/2011).
Các mốc thể hiện thâm hụt cán cân thương mại:
• 2006 -07 trên 5 tỷ USD
• 2007-08 trên 17 tỷ USD
• 2008-09 trên 10 tỷ USD
• 2009-10 trên 12 tỷ USD
3.2. Giải pháp.
Để cải thiện cán cân vãng lai, gia tăng thặng dư cán cân vốn và tài
chính, ổn định cán cân thương mại, Chính phủ và các Bộ ngành liên
quan (NHNN, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT) tiếp tục triển khai một số giải
pháp sau:
Vấn đề hợp tác thương mại
Quá trình gia nhập WTO đã đem lại cho Việt Nam những cơ hội cùng
những thách thức không nhỏ. Do tình hình kinh tế ta còn nhiều biến
động, bất ổn chính vì vậy việc gia nhập thị trường chung quốc tế không
những không giúp cho chúng ta phát huy được những thế mạnh của bản

thân mà còn làm cho nền kinh tế càng bị méo mó hơn. Vì vậy tôi đưa ra
giải pháp là nước ta cần tập trung vào những mối quan hệ thương mại
song phương (thiết lập FTA), với các quốc gia chiến lược thực sự có khả
năng hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Chính sách thương mại
• Giảm dần tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản.
• Xác định nông, lâm, thủy sản là mặt hàng cạnh tranh chiến lược
trong dài hạn.
• Tăng cường công nghiệp chế biến để sản xuất thay thế hàng
nhập khẩu.
• Trong ngắn hạn, tận dụng việc Trung Quốc đang chuyển từ cạnh
tranh giá thấp sang cạnh tranh chất lượng cao để nhắm vào thị trường
mà nước này đang rời bỏ.
• Việt Nam có tỷ lệ trao đổi ngoại thương trên GDP cao, một
nguyên nhân là từ vị trí địa lý phù hợp cho giao thương. Vì vậy cần
chú ý đầu tư vào các dịch vụ, hệ thống cảng biển vận tải để thu được
lợi từ dịch vụ này, nhờ giảm thiểu chi phí vận chuyển (đồng thời cũng
là chi phí sản xuất của nước ta).
Vấn đề tỷ giá và chính sách tiền tệ
• Tôi đã chỉ ra rằng chính sách tiền tệ hiện nay không có tác dụng
thúc đẩy thương mại, nguyên nhân là do lạm phát đã lấn át kết quả
của mở rộng cung tiền. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ cần phải có
định hướng hơn nữa trong việc cung tiền ra nền kinh tế: chú trọng
cung tiền cho khu vực sản xuất hơn khu vực tài sản, đưa dòng tiền
vào khu vực tư nhân trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và xuất khẩu.
• Điều chỉnh tỷ giá dựa trên sự cân bằng giữa nhập khẩu và xuất
khẩu chứ không dựa trên cả những yếu tố như đầu tư, hỗ trợ, kiều hối

• Tăng cường hoán đổi tiền tệ với các nước mà ta có hoạt động
thương mại lớn mạnh đặc biệt là Trung Quốc, nhằm hạn chế việc lệ

thuộc vào một vài đồng tiền mạnh như USD, Euro…
Vấn đề đầu tư
• Cải cách doanh nghiệp nhà nước và xem lại chính sách đầu tư
công.
• Hạn chế đầu tư vào bất động sản và chứng khoán, xây dựng lại
luật đất đai theo hướng tăng cường tiền thuế đất và có biên độ thay
đổi tùy theo mục đích sử dụng.
• Mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt với những nước chưa có
điều kiện phát triển như mình để tận dụng nguồn tài nguyên thiên
nhiên giá rẻ, đưa công nhân Việt Nam sang làm việc, tạo hợp đồng
trao đổi tiền tệ để giải quyết vấn đề thiếu ngoại tệ giữa hai nước và
thúc đẩy vòng quay sản xuất của hai quốc gia.
• Chú trọng xây dựng ngành cơ khí. Công nghiệp hóa những
ngành có lợi thế và có khả năng, đặc biệt là nông nghiệp.
• Tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu bằng tăng năng
suất, nhằm giảm lạm phát, giảm giá nguồn nhân lực trong nước để
duy trì lợi thế nhân công giá rẻ.
Vấn đề chuyển giao công nghệ
• Thay đổi phương thức đầu tư “trọn thầu” trong quan hệ với đối
tác nước ngoài. Trong số các chỉ tiêu để mời thầu cần nhấn mạnh đến
loại công nghệ sử dụng, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước cũng như
mức độ tham gia của phía Việt Nam.
• Mở rộng xu hướng sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng thuộc
phân khúc thấp ở trong nước cũng như một vài nước khác (chú ý vào
các nước kém phát triển hơn), nhằm tạo ra thị trường để gây dựng lợi
thế nhờ quy mô, khuyến khích đầu tư áp dụng công nghệ.
• Chọn tham gia một phần của quá trình sản xuất sản phẩm, cung
cấp đầu vào cho những hãng lớn, doanh nghiệp toàn cầu nhằm tận
dụng lợi thế về hệ thống marketing để nhận được thông tin về xu
hướng thị trường, giảm rủi ro đầu tư khi đầu tư công nghệ.

• Đưa ra chuẩn mực, tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa và công
nghệ nhập khẩu vào nước ta.
• Tận dụng chuyển giao những loại công nghệ có tính linh hoạt cao
trong việc sử dụng đầu vào sản xuất.
Một vài vấn đề khác
• Có chính sách chống trốn thuế, chuyển giá đối với các doanh
nghiệp có vốn đâu tư nước ngoài.
• Tránh tình trạng xuất, nhập lậu hàng hóa đặc biệt là qua biên
giới với các nước xung quanh.
• Sử dụng biểu thuế ưu đãi phân theo từng mức nội địa hóa, tạo
một khoảng cách sâu về mức ưu đãi thuế tại mức nội địa hiện mà
nước ta đang mong muốn.
• Cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thông
thoáng, minh bạch
• Tiếp tục tập trung hỗ trợ xuất khẩu thông qua các biện pháp
như: tiếp tục tăng cường xúc tiến thị trường, hỗ trợ về vốn và công
nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, kiểm
soát chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt đối với nhập khẩu hàng tiêu dùng để
hạn chế nhập siêu trong những tháng cuối năm.
• Đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án ODA, đặc biệt sớm hoàn
thành các thủ tục pháp lý và rút vốn các khoản vay theo chương trình
của các Chính phủ và tổ chức quốc tế. Chính phủ sớm tập trung
nguồn ngoại thu ngoại tệ quốc gia và hệ thống ngân hàng, hạn chế sử
dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước cho các mục đích can thiệp thị
trường ngoại tệ, tăng cường mua ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ
ngoại hối Nhà nước;
• Tiến hành quản lý, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị
trường bất động sản và các luồng vốn đầu tư vào các thị trường này,
đặc biệt là luồng vốn đầu tư của nước ngoài để có biện pháp phòng
ngừa hình thành “bong bóng” tài sản trên các thị trường này;

• Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân các dự án
FDI, đặc biệt là các dự án lớn; tích cực tổ chức xúc tiến đầu tư trong
khuôn khổ chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt. - Tích cực rà soát, sửa đổi các quy định hiện
hành về theo dõi, thống kê chính xác, đầy đủ các luồng vốn vào, ra
khỏi Việt Nam, đảm bảo các luồng vốn này được thống kê phù hợp
với phương pháp luận quốc tế và thông kê cán cân thanh toán và thực
tiễn của Việt Nam.
Lời Kết
Cán cân thương mại là một bộ phận hết sức quan trọng và tác động
sâu rộng tới nền kinh tế trong thời kì hội nhập quốc tế hiện nay. Việc
nghiên cứu về cán cân thương mại là điều không thể thiếu đối với các
học viên kinh tế, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát về thực trạng cán
cân xuất nhập khẩu, cán cân vốn…của Việt Nam. Đồng thời cũng ý thức
và nhận biết được những ảnh hưởng của các chính sách, các yếu tố quan
trọng tác động đến cán cân thương mại. Từ đó sẽ có những biện pháp
phòng tránh và những giải pháp để cải thiện tình trạng thâm hụt cán cân
thương mại đang ngày càng nghiêm trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Là những người có trách nhiệm với sự phát triển kinh tế, chúng ta phải
chuẩn bị chu đáo về mặt nhận thức và phòng bị cho những bất ổn kinh tế
vĩ mô có thể gây ra khủng hoảng tài chính mà sự thâm hụt cán cân
thương mại trong thời gian dài gây ra. Là sinh viên thực hiện đề tài, em
xin cảm ơn sự hướng dẫn nhiệt tình và những kiến thức bổ ích của thầy
đã truyền thụ cho em. Em rất mong thầy chỉ bảo và đánh giá, sửa chữa
đề tài để đề tài được hoàn thiện hơn, nâng cao tầm hiểu biết của chúng
em.

×