LỜI MỞ ĐẦU
Một cá nhân khi đã chết thì năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành
vi dân sự của người đó hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, người đã mất vẫn có
thể trở nên có ích đối với những người còn sống, với nền khoa học nước nhà.
Bộ phận cơ thể học ngay sau khi họ mất vẫn có thể được sử dụng để cấy
ghép, thay thế cho bộ phận cơ thể người khác mắc các căn bệnh khó cứu chữa
nếu không có các bộ phận thích ứng thay thế. Thi hài của họ cũng có thể được
sử dụng để nghiên cứ khoa học, giảng dạy trong các trường Y. Với những ý
nghĩa cao đẹp như vậy, cũng như quyền hiến bộ phận cơ thể người của một cá
nhân khi còn sống, quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết lần đầu
tiên được ghi nhận trong Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 và được cụ thể hóa tại
Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Sau
đây em xin được trình bày về vấn đề “Thực trạng hiến xác, hiến bộ phận cơ
thể ở Việt Nam hiện nay”.
Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu không tránh khỏi những thiếu sót,
em mong thầy cô thông cảm và góp ý để em hoàn thiện hơn bài viết của mình.
Em xin chân thành cảm ơn.
1
NỘI DUNG
I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN HIẾN XÁC CỦA CÁ
NHÂN
1. Cơ sở của việc quy định quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người
và quyền hiến xác
Ở nước ta hiện nay đang có rất nhiều người mắc phải những căn bệnh
hiểm nghèo liên quan đến mô hay các bộ phận của cơ thể con người có nhu
cầu thay thế để đảm bảo và mong muốn có được cuộc sống bình thường, đặc
biệt là nhu cầu về ghép giác mạc, ghép thận, ghép gan… Về nhu cầu ghép bộ
phận cơ thể người, vì số người bị bệnh là rất lớn nhưng không có nguồn nên
số bệnh nhân này đang phải trong tình trạng nguy hiểm điến tính mạng, một
số ít có điều kiện kinh tế thì phải sang Trung Quốc và một số nước khác để
thực hiện các ca ghép thận, ghép gan. Về nhu cầu mô, đặc biệt là ghép giác
mạc, tính đến năm 2005, cả nước có khoảng hơn 5.000 người bệnh đang chờ
được ghép giác mạc. Riêng tại Viện Mắt Trung ương, mỗi năm nhu cầu ghép
giác mạc từ 500 ca/năm trở lên nhưng từ năm 1985 đến nay, Viện mới chỉ
ghép được 1.500 ca, riêng năm 2004 ghép được 103 ca, năm 2005 ghép được
150 ca. Số giác mạc được dùng để ghép chủ yếu lấy từ nguồn viện trợ của các
tổ chức phi Chính phủ (khoảng 50-100 giác mạc/năm) mà không có nguồn
của người cho giác mạc.
Ghép mô, bộ phận cơ thể người là một trong mười thành tựu khoa học
công nghệ vĩ đại của thế kỷ 20 và đã giúp cứu sống rất nhiều người bệnh.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khoa học về ghép mô, bộ phận
cơ thể người ngày nay đã có những bước tiến vượt bậc, khiến cho việc chữa
trị bằng phương pháp này đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Ở
Việt Nam trong những năm qua, việc ghép mô, bộ phận cơ thể người đã có
những bước tiến vượt bậc, các bác sĩ của chúng ta đã tiến hành ghép thành
công rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, hầu hết các ca ghép này đều lấy thận,
gan của người sống là cha, mẹ, anh, chị, em trong gia đình, cùng huyết thống,
có các chỉ số sinh học tương đương. Mặc dù vậy, những thành tựu trên cũng
đã mang lại uy tín và niềm tự hào cho ngành y tế, phù hợp với xu thế hội
nhập, giải quyết được nhu cầu điều trị tại chỗ của nhân dân và giảm tốn kém
cho người ghép phải ra nước ngoài điều trị. Và để đạt được mục tiêu đến năm
2020 có thể thực hiện được khoảng 1.000 ca ghép thận, 80-100 ca ghép gan,
20-30 ca ghép tim và 10-15 ca ghép phổi, 2.000 ca ghép giác mạc, chúng ta
2
phải có nhiều mô, bộ phận cơ thể người hiến tự nguyện, nếu chỉ chờ vào
nguồn hiến bộ phận cơ thể người của người thân là không thể đủ. Do đó, việc
lấy mô, bộ phận cơ thể ở người hiến tự nguyện ngoài huyết thống và đặc biệt
là ở người hiến sau khi chết là vô cùng cấp thiết. Chính vì vậy, pháp luật đã
ghi nhận lần đầu tiên quyền hiến bộ phận cơ thể khi sống cũng như hiến xác,
bộ phận cơ thể sau khi chết tại BLDS 2005 và được cụ thể hóa trong Luật
hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
2. Quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của cá nhân sau khi chết
trong các văn bản pháp luật
2.1. Quy định về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và quyền
hiến xác trước khi có BLDS 2005 và Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ
thể người và hiến, lấy xác năm 2006
Theo số liệu của Bộ Y tế cho thấy, từ những năm đầu của thập kỷ 50,
nước ta đã có những ca ghép mô, bộ phận cơ thể người đầu tiên như: ghép da,
ghép giác mạc từ tử thi vô thừa nhận và đặc biệt vào đầu những năm 70, việc
ghép gan và tim đã được thực hiện trên lợn do Giáo sư Tôn Thất Tùng và một
số bác sĩ khác tiến hành. Tuy nhiên, thời kỳ này chưa có một băn bản pháp lý
nào của Nhà nước quy định về điều kiện hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể
người. Đến cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 những ca lấy,
ghép thử nghiệm thận, gan đã cho những kết quả đáng mừng. Và do nhu cầu
của nhân dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng, đồng thời để tạo
hành lang pháp lý cho việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể có hiệu quả, năm
1989 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân được Quốc hội thông qua. Để chủ động
bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong Luật quy định rất nhiều vấn
đề về phòng ngừa bệnh, khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức
năng… trong đó lần đầu tiên có quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ
thể người tại Điều 30:
“1, Thầy thuốc chỉ tiến hành lấy mô hoặc bộ phận của cơ thể người
sống hay người chết dùng vào mục đích y tế sau khi đã được sự đồng ý của
người cho, của thân nhân người chết hoặc người chết có di chúc để lại.
2, Việc ghép mô hoặc một bộ phận cho cơ thể người bệnh phải được sự
đồng ý của người bệnh hoặc thân nhân hay người giám hộ của người bệnh
chưa thành niên…”
3
Điều này cho thấy Luật này không trực tiếp quy định về quyền và điều
kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể mà chỉ quy định trong những
trường hợp nào “thầy thuốc” (ở đây mà cụ thể là cơ sở y tế có thẩm quyền)
được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống hoặc sau khi chết.
Và để đảm bảo những quy định về lấy, ghép đối với người hiến mô, bộ
phận cơ thể trong Điều 30 Luật BVSKND đi vào thực tiễn cuộc sống thì vấn
đề này đã được cụ thể hóa trong Nghị định ban hành kèm theo Điều lệ Khám
chữa bệnh và phục hồi chức năng số 23-HĐBT ngày 24/1/1991 tại Điều 10.
Trong Điều lệ này đã có những quy định cụ thể hơn về cơ sở y tế khi tiến
hành lấy mô, bộ phận cơ thể sau khi chết, ngoài hai trường hợp Luật đã quy
định là trường hợp người chết có di chúc để lại và trường hợp không có di
chúc, nhưng được thân nhân người chết đồng ý thì Điều lệ này có quy định cụ
thể hơn, trong trường hợp người chết không có di chúc để lại thì thân nhân
người chết có quyền đồng ý hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết, nhưng phải
thể hiện bằng văn bản. Mặt khác, Điều lệ cũng quy định cơ sở y tế có thẩm
quyền cũng được sử dụng xác, bộ phận cơ thể người chết vô thừa nhận để
phục vụ cho mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học mà thực tế trong
những năm vừa qua là việc sử dụng mô (giác mạc, kết mạc) để chữa trị cho
người bệnh; sử dụng bộ phận cơ thể, xác tử thi vô thừa nhận phục vụ cho việc
giảng dạy tại các Trường y.
Tuy nhiên, cả Luật BVSKND cũng như Điều lệ Khám chữa bệnh và
phục hồi chức năng đều chưa có quy định cụ thể về điều kiện đối với người
hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết như: chưa quy định về vấn đề hiến xác,
liệu có cần quy định về độ tuổi với người hiến để lại di chúc hay không? Điều
kiện về sức khoẻ, điều kiện về năng lực nhận thức hay liệu có bắt buộc cần
phải có sự đồng ý của gia đình trong trường hợp người hiến để lại di chúc sau
khi chết, nếu cần có sự đồng ý của gia đình thì sự đồng ý này chỉ cần đồng ý
bằng lời nói hay phải bằng văn bản, trong trường hợp người hiến xác, bộ phận
cơ thể cho giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học thì trình tự thủ tục thế nào…
Do đó, thực tế các cơ sở y tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nhận mô, bộ
phận cơ thể người đối với trường hợp người hiến sau khi chết.
Mặt khác, các văn bản trên cũng mới chỉ quy định về việc hiến mô, bộ
phận cơ thể sau khi chết nhằm mục đích chữa bệnh, chứ chưa có một quy
định nào về hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết nhằm mục đích
4
nghiên cứu khoa học, nên vấn đề này thực tế xảy ra các cơ sở y tế rất khó giải
quyết.
2.2. Quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của cá nhân sau khi chết
trong các văn bản pháp luật
a. Bộ luật Dân sự năm 2005
Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết được thừa nhận là cơ sở
cũng như căn cứ để các nhà làm luật quy định một cách cụ thể và chặt chẽ về
các điều kiện hiến xác. Mặt khác, việc quy định chặt chẽ, cụ thể các điều kiện
hiến xác, bộ phận cơ thể sẽ giúp mọi người thực hiện tốt hơn quyền của
mình.
Điều 34 BLDS năm 2005 quy định quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau
khi chết: “Cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết
vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến
và sử dụng xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện theo quy định
của pháp luật”.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 34 của BLDS 2005 về cá nhân được hiến
xác có trước khi Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm
2006 được thông qua nên còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Có cách hiểu cho
rằng, cá nhân ở đây có thể là bất kỳ người nào, không phân biệt tuổi tác, miễn
là họ không bị nhược điểm về thể chất, bị tâm thần và hoàn toàn tự nguyện
khi đăng kí hiến xác. Quan điểm khác lại cho rằng cá nhân hiến bộ phận cơ
thể ở đây phải là người đã thành niên, như vậy họ mới có đầy đủ khả năng
nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Sở dĩ có các cách hiểu khác nhau
như vậy bởi vì trong BLDS chưa quy định điều kiện cụ thể đối với cá nhân
hiến xác, hiến bộ phận cơ thể là gì (về độ tuổi, về khả năng nhận thức, về sức
khoẻ…). Vậy nên có thể thấy Điều 34 Bộ luật dân sự quy định về việc cá
nhân có quyền hiến xác sau khi chết vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng, dẫn
đến việc thực hiện quyền hiến xác gặp phải nhiều khó khăn.
b. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm
2006
Ngày 29/11/2006 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khóa XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người và hiến, lấy xác và ngày 12/12/2006, Chủ tịch Nước đã ký Lệnh công
5
bố Luật số 20/2006/L-CTN. Theo đó, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ
thể người và hiến, lấy xác sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Luật này
được xây dựng trên những quan điểm chỉ đạo sau:
(1) Tôn trọng sự tự nguyện của người hiến, người được ghép mô, bộ
phận cơ thể người;
(2) Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa
học;
(3) Không nhằm mục đích thương mại;
(4) Giữ bí mật về thông tin có liên quan đến người hiến, người được
ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định
khác;
(5) Phù hợp với Hiến pháp, Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2005 và điều
kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Luật gồm 6 chương và 40 điều quy định cụ thể về việc hiến, lấy, ghép
mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Nếu so sánh với một số nước trên
thế giới như Singapore, Pháp, Nhật Bản, Mỹ… thì việc quy định các quyền
lợi đối với người hiến xác ở nước ta nhiều hơn, thể hiện tính chất nhân đạo và
đặc thù của đất nước.
Với sự ra đời của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và
hiến lấy xác, các biện pháp tổng thể sẽ được áp dụng để phát triển ngành kỹ
thuật y học ghép mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác ở Việt Nam và tăng
cường nguồn cung cấp mô, bộ phận cơ thể người để chữa bệnh cho người
khác và cũng vì mục đích nghiên cứu khoa học.
II. THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN HIẾN XÁC
CỦA CÁ NHÂN VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN
PHÁP LUẬT:
1. Thực tiễn áp dụng quy định về quyền hiến xác của cá nhân
Như chúng ta cũng biết, khi một người mất đi thì xác của người đó có
thể được sử dụng để nghiên cứu khoa học, còn các bộ phận cơ thể học như
thận, gan, tim… vẫn có thể được sử dụng để cấy ghép, thay thế cho bộ phận
cơ thể người khác. Chính vì vậy, khi pháp luật quy định cá nhân có quyền
hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết đã tạo nền tảng, hành lang pháp lý
6
để mỗi cá nhân có thể thực hiện nghĩa cử cao đẹp này phục vụ cho việc
nghiên cứu khoa học cũng như có thể đem lại sự sống cho những người khác.
Trên thực tế, việc các cá nhân tình nguyện hiến xác để phục vụ công tác
nghiên cứu, giảng dạy đã được thực hiện từ cách đây khá lâu. Năm 1993, bộ
môn Giải phẫu của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được
một đơn tự nguyện hiến thi hài đầu tiên. Năm 1996 họ đã tiếp nhận thi hài đầu
tiên và đến nay con số đã lên tới hơn 11 nghìn người đăng ký hiến xác, bao
gồm đủ mọi thành phần: công an, bộ đội, trí thức, công nhân, cán bộ hưu trí,
thương nhân, nông dân, sinh viên, học sinh, các thành phần tôn giáo (Phật
giáo, Thiên chúa, Cao đài…). Và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
cũng đã tiếp nhận được 300 thi hài.
Có thể thấy, phong tục tập quán của người Việt Nam rất coi trọng quan
niệm “chết toàn thây” cũng như việc bảo vệ “vong linh, linh hồn” người đã
khuất nhưng từ sau khi quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết của
cá nhân được Bộ luật dân sự 2005 ghi nhận và Luật Luật hiến, lấy, ghép mô,
bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 có hiệu lực thì số lượng
người tình nguyện hiến xác đã tăng lên rất nhiều. Đó chính là nhờ các quy
định của pháp luật đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân
về vấn đề này cũng như thấy được những ý nghĩa lớn lao mà việc hiến xác,
hiến bộ phận cơ thể sau khi chết đem lại. Mới đây, Bệnh viện Việt Đức Hà
Nội đã thực hiện ghép tạng cứu sống được bốn bệnh nhân từ tạng của một
bệnh nhân 30 tuổi bị chết não vì tai nạn giao thông. Người nhà bệnh nhân xấu
số đã hiến tặng cho bệnh viện 1 quả tim, 1 lá gan, 2 quả thận và 2 giác mạc.
Từ nguồn tạng này, bệnh viện đã ghép thành công tim, gan, thận cùng lúc cho
4 bệnh nhân; riêng 2 giác mạc được Bệnh viện Mắt Trung ương sang lấy. Bên
cạnh việc có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học, các bộ phận cơ thể của
người chết còn thể đem lại sự sống cho người khác. Từ tạng và mô của một
người chết có thể cứu được 4 người khác và đem lại ánh sáng cho 1 đến 2
người nữa. Quả thực đó là một việc làm chứa đựng tính nhân đạo và nhân văn
sâu sắc.
Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để vượt qua được sức ép từ gia đình,
dòng họ, rồi quan niệm về tâm linh…để có thể hiến tặng thể xác của mình.
Các nhà giải phẫu học và sinh viên y khoa là những người thấu hiểu hơn ai
hết sự cống hiến có một không hai ấy và mỗi chúng ta thực lòng cảm phục
những con người ấy, đó là một sự hy sinh vô tư và trong sáng. Và chúng ta hy
7
vọng trên cơ sở các quy định của pháp luật cũng như công tác tuyên truyền,
vận động trên cơ sở khoa học thì càng ngày sẽ có càng nhiều các cá nhân tình
nguyện hiến xác sau khi chết.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa vô cùng lớn lao đó, việc thực hiện
quyền hiến xác của cá nhân trên thực tế vẫn còn nhiều những điều bất cập.
Trước hết, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền hiến xác
trên thực tế là phong tục tập quán và nhận thức của mỗi người dân. Phong tục
của người Việt Nam không những chỉ tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự cho
người sống mà còn giữ gìn, bảo vệ “vong linh” người đã mất. Mối quan hệ
giữa thế giới vật chất thực tại và thế giới tâm linh tuy không thực sự tồn tại rõ
nét và con người không hiểu rõ mối quan hệ này có hay không, nhưng theo
phong tục người mất được chôn cất với đầy đủ thể xác của họ. Điều này đã
làm hạn chế rất nhiều việc thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của cá
nhân sau khi chết. Có những trường hợp mặc dù một người có mong muốn
được hiến xác sau khi chết nhưng những người thân lại ngăn cản, không đồng
ý khiến mong muốn của họ không thành hiện thực. Và thực tế cũng đã xảy ra
những trường hợp sau khi người tình nguyện hiến xác chết (người đó đã được
cấp thẻ đăng ký hiến) thì những người thân trong gia đình lại không chấp
nhận để các cán bộ y tế đưa thi hài của thân nhân đi. Tình huống này lại đòi
hỏi khả năng thuyết phục của các cán bộ thực hiện công việc và khá nhiều
trường hợp là sự thuyết phục vẫn không đạt kết quả, vẫn gặp phải sự ngăn cản
của người thân người đã mất. Chính vì vậy, vấn đề cần phải giải quyết đầu
tiên là phải dần dần thay đổi quan niệm, thay đổi về mặt nhận thức đối với
mỗi người dân. Đây là một công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời
gian, công sức và sự kiên trì của các cán bộ thực hiện công việc này.
Ngoài ra, việc thực hiện các quy định về điều kiện, thủ tục trong việc
hiến xác theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
năm 2006 cũng gặp một số khó khăn trên thực tế:
a) Theo Luật, hầu hết trường hợp hiến xác sau khi chết người hiến phải có
đơn tự nguyện hiến, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác như tại
điểm b, c khoản 2 Điều 22:
“Việc lấy xác được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Người chết có thẻ đăng ký hiến xác;
8
b) Trường hợp người chết không có thẻ đăng ký hiến xác thì phải được
sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc
vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó;
c) Người chết không xác định được nơi cư trú cuối cùng và có giấy
chứng tử do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó chết cấp.”
Đương nhiên, người có đơn tình nguyện hiến xác phải đủ điều kiện về độ
tuổi (đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) nhưng trong trư-
ờng hợp người chết không có thẻ đăng ký hiến xác như trường hợp trên và đã
được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc gia đình họ thì người chết có bắt buộc phải
từ 18 tuổi trở lên không? Tương tự như khi người chết không xác định được
nơi cư trú cuối cùng thì có bắt buộc phải đủ 18 tuổi trở lên thì cơ sở y tế mới
có quyền lấy xác không? Luật không quy định rõ ràng là được phép lấy xác
nhưng nếu không được phép thì lại hạn chế đi một số đối tượng có thể giúp
ích cho công tác nghiên cứu khoa học.
b) Vai trò của gia đình trong hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác
sau khi chết là rất quan trọng. Theo Luật, người chết mà không có đơn tự
nguyện hiến cần phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người
đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó. Như
vậy, có thể gián tiếp hiểu rằng: những người đủ điều kiện Luật định, có đơn tự
nguyện hiến thì không cần có sự đồng ý của gia đình. Vậy, trường hợp người
chết có đơn tự nguyện hiến, nhưng sau khi họ chết gia đình họ không đồng ý
hiến, liệu cơ sở y tế có quyền cưỡng chế hiến không? Vấn đề này trên thực tế
đã xảy ra và rất khó giải quyết.
c) Điều 17, Điều 25 của Luật nêu rất cụ thể về quyền lợi cũng như tôn
vinh những người hiến mô, bộ phận cơ thể người hoặc hiến xác sau khi chết.
Tuy nhiên, Luật lại không có điều nào tôn vinh về mặt tinh thần cho gia đình
người hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết. Đây có lẽ là một sự thiếu sót
vì thực tế, để lấy được xác hay bộ phận cơ thể của người chết cũng phải có sự
ủng hộ rất lớn của gia đình họ. Hơn nữa, trong trường hợp người chết không
có đơn tự nguyện hiến nhưng gia đình họ đồng ý hiến bằng văn bản thì vẫn
đựợc lấy, trường hợp đó lại càng cần phải tôn vinh. Ngoài ra, khi một người
bị mất đi, nỗi đau sẽ thuộc về những người còn sống.
d) Nhu cầu về cấy, ghép mô, tạng ở nước ta ngày càng lớn nên pháp
luật đã điều chỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc cấy, ghép mô, tạng và
tăng nguồn hiến mô, tạng trong nhân dân. Tuy nhiên, Luật vẫn chưa đề cập
9
đến vấn đề hiến bộ phận cơ thể, hiến xác của tử tù nhằm phục vụ cho chữa
bệnh và nghiên cứu khoa học nên rất khó khăn cho các cơ sở y tế có thể nhận
xác trong trường hợp người có án tử hình muốn hiến xác của họ cho y học.
Trước đây đã có một số trường hợp tử tù gửi đơn lên Tòa án nhân dân
tối cao xin được hiến xác cho y học sau khi thi hành án tử hình, như tử tù
Nguyễn Phước Đỉnh ở Gò Công, Tiền Giang, tử tù Nguyễn Văn Hải ở Quảng
Ninh…nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vào thời điểm đó cũng như
cho đến bây giờ chưa có quy định pháp lý cụ thể nào về quy trình hiến xác
cũng như thủ tục để tử tù hiến xác khiến cho Tòa án nhân dân tối cao bối rối
trong việc đưa ra quyết định là có đồng ý hay không đống ý cho tử tù hiến
xác. Theo Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy
xác năm 2006 có quy định các công dân từ 18 tuổi trở lên có đủ năng lực
hành vi dân sự đều có thể hiến xác. Trong khi đó, các tử tù hoàn toàn không
bị luật pháp tước đi quyền lợi này. Như vậy, quyền hiến xác của các tử tù là
không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước đây việc đưa thi hài của các tử tù
ra khỏi pháp trường là bị cấm nên vấn đề này chưa thể giải quyết được.
Có thể nói việc tử tù xin hiến xác phục vụ cho y học là một việc làm
đáng trân trọng. Là con người ai cũng có những lần phạm sai lầm, với những
người tử tù sự sai lầm của họ sẽ bị luật pháp trừng trị bằng cách tước đi sự
sống của họ. Nhưng cái đáng quý ở mỗi con người là sự ăn năn hối cải, đôi
khi cái chết của họ không thể nào đền tội được và họ cũng chưa cảm thấy
thanh thản, nên họ muốn làm một việc tốt trước khi ra đi là đem lại sự sống
cho người khác, hay phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Trong khi
đó, số người hiến xác, hiến bộ phận cơ thể lại rất ít. Vậy tại sao không thể
chấp nhận việc tử tù xin hiến xác? Đây là một vấn đề rất nan giải, liên quan
đến nhiều yếu tố như đạo đức, truyền thống, luật pháp, khoa học. Về mặt tâm
lý, phong tục, việc tử tù xin hiến xác gặp phải sự lo ngại về quan niệm những
người bị tử hình là người nguy hiểm cho xã hội, việc tước đi quyền được sống
của họ là loại bỏ đi con người không đáng được sống này nên không cần sử
dụng các bộ phận cơ thể của họ nữa. Hay sự lo sợ khi những người được cấy
ghép các bộ phận cơ thể biết được rằng đây là bộ phận của người tử tù. Về
mặt y học, các nhà khoa học có ý kiến rằng, xác của tử tù sau khi bị thi hành
án bằng cách xử bắn, nội tạng bị phá hủy, vì vậy cũng không sử dụng được để
ghép cho người khác hay tiêm thuốc để giữ bảo quản phục vụ cho việc nghiên
cứu, có chăng chỉ có thể sử dụng được giác mạc của tử tù. Hiện nay, về mặt
pháp luật, vướng mắc duy nhất là sự thừa nhận của pháp luật về thi hành án tử
10
hình đối với việc các tử tù được tự nguyện hiến xác cho khoa học và xã hội.
Mặc dù tại Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
ngày 29/1/2006 khuyến khích việc hiến xác của các cá nhân nhưng trong các
quy định về thi hình án tử hình trong các văn bản trước đây và ngay Luật thi
hành án hình sự mới được thông qua (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2011) lại không có
quy định vấn đề này.
2. Một số biện pháp nhằm hoàn thiện pháp luật để nâng cao tính
phổ biến của việc thực hiện quyền hiến xác của cá nhân:
a) Việc thực hiện quyền hiến xác của cá nhân muốn được phổ biến và
rộng rãi trên thực tế trước hết phải thay đổi quan niệm và nhận thức của mỗi
người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu được ý nghĩa
cao đẹp của việc hiến bộ phận cơ thể, hiến xác phải được đề cao. Vẫn biết đây
là một việc làm rất khó khăn, không thể thực hiện trong một sớm một chiều
nhưng nếu công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng và mở rộng chắc
hẳn dần dần suy nghĩ của mỗi người dân sẽ thay đổi và sẽ có nhiều người tự
nguyện hiến xác, hiến bộ phận cơ thể đem lại sự sống cho người khác cũng
như phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
b) Về vấn đề lấy xác trong trường hợp người chết không có thẻ đăng ký
hiến xác nhưng được gia đình đồng ý bằng văn bản hoặc trường hợp người
chết không xác định được nơi cư trú cuối cùng, pháp luật nên có quy định cụ
thể cho phép những trường hợp này các cơ sở y tế có quyền lấy xác ngay cả
khi người chết chưa đủ 18 tuổi. Bởi lẽ, xác của người chưa đủ 18 tuổi hay
người trên 18 tuổi thì đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu,
giảng dạy.
c) Theo như các quy định của pháp luật, có thể hiểu những người đủ
điều kiện, có đơn tự nguyện hiến xác thì không cần có sự đồng ý của gia đình.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như tâm lý, phong tục tập quán mà khi người đó
chết đi, những người thân lại ngăn cản không cho các cán bộ y tế đưa thi hài
của người chết đi. Vậy có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế được không?
Để giải quyết vấn đề này thực sự rất khó khăn, bởi nó liên quan cả đến vấn đề
đạo đức, tâm linh, nhất là khi những thân nhân này đang vô cùng đau đớn
trước sự ra đi của người tình nguyện hiến xác. Theo em, một mặt pháp luật
cần quy định là nguyện vọng hiến xác của người chết cần được tôn trọng
tuyệt đối, mặt khác lại càng phải nâng cao hơn công tác tuyên truyền, hướng
11
dẫn vấn đề hiến xác với cả người thân của những người có mong muốn hiến
xác ngay từ khi nhận được nguyện vọng hiến xác của những người này.
d) Về quyền lợi của người hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi
chết: Có thể thấy, khi một người chết đi thì nỗi đau tinh thần lại thuộc về
những người còn sống mà trực tiếp là gia đình người tình nguyện hiến xác,
hiến bộ phận cơ thể sau khi chết. Những người thân thích đó đóng vai trò hết
sức quan trọng trong việc người thân của mình hiến xác, hiến bộ phận cơ thể
sau khi chết. Để có được quyết định sẽ tình nguyện hiến xác của mình, chắc
hẳn những người đó phải vượt qua được những phong tục, những suy nghĩ đã
tồn tại biết bao đời nay nhưng có lẽ để chấp nhận việc người thân của mình
hiến xác còn khó khăn hơn. Chính vì vậy, pháp luật cần có sự ghi nhận, tôn
vinh về mặt tinh thần để động viên họ.
e) Về vấn đề có chấp nhận hay không việc tử tù xin hiến xác: Theo em,
để giải quyết vấn đề này cần có cái nhìn đúng đắn trong việc tước đi quyền
được sống của một con người khi họ có những hành vi nguy hiểm cho xã hội
với việc họ tự nguyện hiến xác cho khoa học. Các tử tù bị tuyên án tử hình
tức là bị pháp luật tước đi quyền sống của họ vì tội phạm mà họ đã gây ra;
còn khi họ hiến xác cho khoa học lại là một nghĩa cử cao đẹp của họ đối với
xã hội thông qua thể xác của mình. Như vậy mục đích của hình phạt tử hình
vẫn đạt được là đã loại bỏ đi quyền được sống của người phạm tội, trong khi
đó vẫn sử dụng được xác của tử tù nếu họ tự nguyện hiến tặng vì mục đích
khoa học và y tế. Nếu nhìn nhận nguyện vọng hiến xác của các tử tù này như
là một sự sám hối của họ đối với các hành vi phạm tội mà họ đã gây ra; hành
động tự nguyện này mong muốn mang lại sự thanh thản cho họ với mong
muốn có được sự chuộc lỗi đối với xã hội …thì sẽ dễ giải quyết mối quan hệ
giữa vấn đề pháp lý và vấn đề con người trong những trường hợp này. Như
vậy việc hiến xác của các tử tù có thể thực hiện được.
Có thể nói, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để vượt qua được sức ép
từ gia đình, dòng họ, rồi quan niệm về tâm linh…để có thể hiến tặng thể xác
của mình. Các nhà giải phẫu học và sinh viên y khoa là những người thấu
hiểu hơn ai hết sự cống hiến có một không hai ấy và mỗi chúng ta thực lòng
cảm phục những con người ấy, đó là một sự hy sinh vô tư và trong sáng. Và
chúng ta hy vọng trên cơ sở các quy định của pháp luật ngày càng được hoàn
thiện cũng như công tác tuyên truyền, vận động trên cơ sở khoa học thì càng
ngày sẽ có càng nhiều các cá nhân tình nguyện hiến xác sau khi chết.
12